Một

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tiếng chổi loẹt quẹt vọng lên từ dưới sân làm Nhân Tuấn tỉnh giấc.  Nghía sang bên cạnh thấy Thế Nam lẫn Đông Hách vẫn nằm ngủ ngon lành. Chần chừ một lát, nó lại đặt lưng xuống giường chuẩn bị đánh giấc thứ hai. Thật phí phạm khi dậy sớm vào sáng Chủ nhật, như một lẽ thường tình, bọn Nhân Tuấn, Đông Hách, Thế Nam sẽ ngủ đến khi một trong ba thằng thấy đói và lôi đầu hai thằng còn lại dậy. Nhân Tuấn lười nhác kéo chăn lên trùm kín đầu, mặc cho mặt trời đã lên đến đỉnh đầu và ánh sáng rọi vào sáng choang cả căn phòng.

Chưa ngả lưng được bao lâu thì ngoài cửa vang lên tiếng gọi í ới:

- Đông Hách, Nhân Tuấn, Thế Nam ơi, ra mở cửa.

Tiếng gọi cửa càng to thì cả ba thằng càng dính chặt trên giường, đứa nọ đá đứa kia, bằng cái giọng lè nhè, chúng nó đùn đẩy nhau ra mở cửa:

- Thằng Hách nằm ngoài ra mở cửa đi kìa.

- Thằng Tuấn bình thường dậy sớm, mày ra mở không người ta lại đợi lâu...

- Bạn Gia Minh của mày gọi đấy Nam, ra mở cửa đi...

- Mày đừng có bịp tao, Gia Minh nào giọng ồm ồm thế, cái ngữ kia chỉ có thằng Thành con bà Sò chủ nhà thôi.

Nhân Tuân bực mình đạp cho hai thằng nằm cạnh một phát la oai oái:

- Ai gọi thì cũng ra mở cửa, người ta chờ cả nửa tiếng ở ngoài rồi. - Rồi trùm chăn ngủ tiếp.

Đông Hách nhìn Thế Nam một hồi rồi hất mặt ý bảo "Mày ra mở cửa đi kìa". Thế Nam thò tay vào áo gãi gãi vài cái rồi uể oải rời giường. Ánh mặt trời chói chang của mùa hè rọi thẳng vào mắt khiến Nam phải nhăn nhó, nó lầm bầm một lúc rồi vặn tay nắm cửa.

- Mày làm cái gì mà sáng ngày ra gọi cửa ầm ĩ vậy.

Đúng như Thế Nam nói, Phạm Chí Thành- con bà Sò chủ nhà đang đứng ngoài. Thằng bé quét một lượt từ đầu đến chân Thế Nam rồi đáp:

- Anh ơi, giờ là 10 giờ trưa rồi.

Nam nheo mắt, gãi gãi đầu:

- 10 giờ hay 12 giờ thì vẫn là sáng, thế mày lên kiếm anh có chuyện gì không?

- Chuyện là mẹ bảo em lên giục mấy anh đóng tiền nhá í, tiền nhà tháng trước mấy anh chưa đóng.

Đứng đực ra một lúc, Nam bối rối nhìn người trước mặt, rồi lại đảo mắt nhìn ra sân phơi, nhìn tới nhìn hồi một lúc sao mới ú ớ trả lời:

- Ờm... hay là mày bảo mẹ cho bọn anh khất thêm ít hôm nữa...

- Ít hôm của mấy anh cũng một tuần rồi đấy, mẹ em không cho khất nữa đâu, mấy tháng trước mẹ em cũng cho mấy anh khất rồi.

- Thì mày thông cảm, bọn anh sinh viên lấy đâu ra tiền, tiền đóng học còn chả có...

Như biết trước Thế Nam sắp nói gì, cậu trai kia chen ngang:

- Anh ơi, thông cảm cho anh thì anh thông cảm cho em, anh mà không nộp tiền nhà là mẹ cắt cơm em mất. Mẹ em bảo muốn thông cảm thì sang trọ khác họ thông cảm chứ mẹ không làm được, muốn khất tiền nhà tháng này thì dọn đồ đi luôn, mẹ em miễn luôn tiền nhà chứ không cần khất nữa.

Cuộc nói chuyện ồn ào của Nam đã thu hút sự chú ý của Gia Minh đang phơi đồ dưới sân. Đang tìm cách để "trốn" tiền nhà tháng này thì thấy bóng dáng của Minh đi tới, Thế Nam giật bắn nhận ra mình còn chưa đáng răng, rửa mặt, quả đầu xanh lè thì dựng đứng trông như mấy cây dừa của bà Tư đầu hẻm. Cái điệu bộ lóng ngóng của thằng Nam khiến Đông Hách đang đứng trong nhà cũng phải cười phụt cả kem đánh răng trong miệng. Nam luống cuống không biết làm gì, nhìn Chí Thành đang đứng trước mặt lại càng cuống, chợt thấy Nhân Tuấn đang ngáp ngắn ngáp dài từ nhà vệ sinh đi ra, nó nhanh tay chộp lấy tay Tuấn đẩy nó ra ngoài cửa, còn mình thì trốn biệt vào trong nhà. Lúc đi qua nhà vệ sinh cũng không quên đạp cho Đông Hách một cái: "Chọc quê tao hả mày!".

Gia Minh tay vẫn cầm móc quần áo, mang theo tinh thần hóng hớt lên chào hỏi:

- Mấy anh em làm gì mà xôm quá vậy, cả Chí Thành cũng ở đây nữa này.

Chí Thành chỉ đợi có vậy, vội mách:

- Anh ơi, mẹ kêu em lên đòi tiền nhà á, mà anh Nam bảo là xin cho anh khất nốt mấy hôm, mà chậm một tuần rồi anh ạ.

Từ trong nhà, Thế Nam nói vọng ra:

- Anh bảo là chiều anh đóng, chứ anh khất là anh khất từ tuần trước rồi, tiền nhà tháng này chiều anh mang xuống cho. Minh ơi, một tuần đấy là bất đắc dĩ chứ không phải là tụi này không đóng tiền nhà đâu.

Chí Thành nghe xong câu này, mặt mày hớn hở hẳn:

- Vậy hả anh, thế chiều anh mang xuống luôn nhá. Anh nói ngay từ đầu có phải tốt không.- Nói rồi thằng bé quay gót đi thẳng xuống tầng, để lại một Nhân Tuấn đang nổi giông trên đầu, một Thế Nam đang thầm niệm Phật, một Đông Hách lắc đầu ngán ngẩm và một Gia Minh với hàng ngàn dấu hỏi chấm. Bởi vậy mới nói, đầu tiên là tiền đâu.

Ba thằng con trai chân tay lều khều ngồi xoay quanh cái bàn gấp ọp ẹp, bé tẹo, cái bàn gấp mà ngày trước Nhân Tuấn ngồi vẽ thỉnh thoảng lại đạp cho nó một cái vì sự cọc cạnh khó chịu. Trên bàn là ba bát mì tôm nghi ngút khói, món đặc sản của bọn nó mỗi cuối tháng mà giờ đã phải lôi ra ăn trừ bữa.

- Thằng Nam coi thế nào hùn tiền chiều mà mang trả tiền trọ, chứ tụi này hết tiền rồi. - Nhân Tuấn sụt sịt.

- Chẹp chẹp, đúng là cái miệng hại cái thân. - Đông Hách cảm thán.

Thế Nam ngồi im lặng không biết nói gì, dù gì cũng là lỗi của nó.

- Hay chiều mày xuống xin bả cho chịu thêm hai ba hôm nữa đi. Ngày mốt tao lấy lương rồi.

- Vậy sao được, đã nói chiều trả rồi...- Nam rầu rĩ chọc chọc bát mì.

- Hay mày lấy cái tiền hôm bữa á, nộp tạm đi. - Đông Hách ăn xong cầm bát đứng dậy, vứt cả "cộp" vào trong cái chậu rửa.
Không chịu nổi cái tính cẩu thả của thằng bạn, Tuấn đứng lên, kí đầu thằng Hách một cái làm thằng nhỏ kêu oai oái. Cũng không quên mắng thằng bạn:

- Khùng hả mày, rồi tiền ăn, tiền điện, tiền nước thì làm thế nào. Mày không ăn, không tắm, không dùng điện ba hôm nhá.

- Thì không tắm ba hôm có sao đâu, ăn thì ra hàng chay nhà bà Tư đầu ngõ ăn chịu, điện thì tuần sau mới phải nộp, lo gì.

- Thằng Nam lấy hộ tao giấy quỳ kiểm tra thử xem nó có đổi màu không chứ tao thấy thằng này nó ba-dơ thật sự. - Nhân Tuấn bĩu môi, nhìn bạn mình với cái vẻ mặt đầy kì thị.

- Có mà mày dơ á. Ê, cái lăn nách mùi thơm ghê, cho mượn nghen. - Đông Hách đưa cái lăn nách lên mũi ngửi một hồi rồi nhét vào túi quần, chưa kịp chuồn đã bị Nhân Tuấn đạp cho một cái ngã lăn ra đất.

Nhìn Tuấn với Hách làm trò mèo một hồi, Thế Nam đặt đũa, đứng dậy cất bát, vừa làm, cậu chàng vừa thở dài thườn thượt. Đông Hách nhìn bạn mình vậy cũng không chịu nổi, nó xoa xoa hông, xuýt xoa nói:

- Thôi, ông không phải thở dài, tẹo nữa tao gọi điện bảo ông bà bô chuyển nóng cho mấy triệu.

Nam nghe xong mắt sáng bừng, quay sang nhìn Hách như một vị cứu tinh:

- Ngài Đông Hách vạn tuế, ngài đúng là ân nhân của con.

Đông Hách chả mấy khi được thằng bạn nói mấy lời nịnh bợ mà hai lỗ mũi nở hoa, mặt hếch lên tận trần nhà:

- Chứ còn gì nữa, các chú liệu liệu mà phục vụ anh cho tốt vào. Mai sau anh phát tài, anh sẽ nhận các chú làm đệ ruột của anh.

Nhân Tuấn nhìn chỉ biết ngán ngẩm, lắc đầu rồi nhét tay túi quần đi ra khỏi nhà. Nó nhìn mấy quả hồng chín rụng đầy sân mà nghĩ vẩn vơ. Việc ba đứa nó gặp được nhau tại khu trọ này phải nói là duyên vô cùng.  Gọi là khu trọ vậy thôi chứ thật ra nó là cái nhà hai tầng cũ kĩ nằm sâu trong hẻm. Tầng một là nhà ở của hai mẹ con thằng Thành- chủ nhà, cùng với Gia Minh, anh họ thằng Thành. Trước nhà là cái sân vườn bày đủ loại hộp xốp trồng rau cùng với đủ loại chậu hoa sặc sỡ, thỉnh thoảng đám sinh viên chúng nó lại có bữa rau "không đồng" là từ đây mà ra. Sau nhà là gian bếp nho nhỏ cho đám sinh viên thuê nhà nhưng chúng nó chả mấy khi dùng đến, thứ nhận được sự chú ý duy nhất ở đây là cây hồng giòn sai trĩu quả vào mỗi cuối hạ đầu thu. Tầng trên bà chủ cho thuê, cũng là chỗ đám Nam-Hách-Tuấn ở. Cái chỗ ở tưởng ba thằng con trai chui rúc tưởng chật hẹp nhưng không hề, nhìn vậy nhưng đầy đủ tiện nghi từ nhà tắm đến tủ lạnh, điều hòa đủ cả. Phòng chật bởi vì gần nửa không gian ở là để chất đống đồ vẽ, nhạc cụ của Tuấn-Hách, còn lại là để cái xe đạp địa hình của Nam.

Hồi trước, Nam và Hách cùng học chung cấp hai ở quê nhà, lên lớp mười Hách theo ba mẹ dọn vào trong Nam sinh sống, Nam học trường cấp ba ở thị trấn. Đậu đại học, lên thành phố, cơ duyên thế nào hai đứa gặp lại nhau ở căn gác trọ này, đồng thời gặp được Nhân Tuấn- dân tỉnh lẻ được người quen ngoài này giới thiệu ra đây thuê nhà. Hách từ Nam ra Bắc để thực hiện đam mê ca hát ở Học viện Âm nhạc Quốc gia, Nam là sinh viên Đại học Bách Khoa, còn Tuấn lại học ở Đại học Mỹ thuật Công nghiệp. Một năm sau khi chuyển đến thì gặp được Gia Minh. Gia Minh tuy bằng tuổi với tụi Nam-Tuấn-Hách nhưng lại học muộn một năm vì lí do sức khỏe. Và đó cũng là lí do Minh quyết tâm thi và hiện đang theo học ở Đại học Y Hà Nội. Trước khi trở thành sinh viên ngành Y, Gia Minh còn từng nổi tiếng là một chàng trai đẹp trai học giỏi với biệt danh Minh KonTum khi tham gia chương trình "Đường lên đỉnh Olympia". Hiện tại Minh còn có một tên gọi mà chỉ "hội tầng hai" biết: "Người tình thứ hai của Thế Nam". Tại sao không phải là thứ nhất mà là thứ hai ư? Vì "người tình thứ nhất của Thế Nam" là... môn Giải tích, cái môn học dính anh đến nỗi anh đã phải đóng tiền thi lại những năm lần.

Trong bọn họ, gia đình Đông Hách là "giàu" nhất. Mẹ Hách làm giáo viên dạy thanh nhạc còn ba thì buôn bất động sản trong miền Nam. So với hai bạn, Thế Nam nghèo nhất. Hiện tại, anh là "con nợ to đùng" của Đông Hách . Vì thế, khi vừa chân ướt chân ráo lên thành phố, Nam đã vội vàng đi tìm việc làm. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến anh phải thi lại năm lần một môn.

Nhân Tuấn đi loanh quanh một hồi thì thấy Đông Hách quần áo tươm tất, dưới là chiếc quần ống hộp quen thuộc, trên áo sơ mi kẻ sọc lượt là phẳng phiu, tóc tai vuốt keo bóng bẩy. Tuấn lấy đà, vươn vai rộng hết cỡ, xoay trái xoay phải rồi... ngáp một cái thật to, hỏi:

- Đi học hả mày?

Bôi nốt lớp kem chống nắng cuối cùng, Hách xoay xoay cái lược vài vòng, chải ngược chải xuôi, cuối cùng anh không quên trang điểm nhẹ lên khuôn mặt mình bằng một nụ cười thật rạng rỡ. Rồi quay sang Tuấn, nháy mắt một cái:

- Sao? Thế nào, thấy đẹp trai không?

Tuấn bĩu môi dè bỉu:

- Trông như con khỉ trong Thảo Cầm Viên.

- Xì, mày đúng là cái đồ không biết thưởng thức cái đẹp. Tao đây cứ phải gọi là bản thiết kế vĩ đại, tinh hoa hội tụ, phụ nữ rất yêu.

Chả buồn đối đáp với bạn mình, Nhân Tuấn quay trở lại với câu hỏi ban đầu:

- Thế đi học hả?

Với chiếc lược vẫn liên tục quay ngang quay dọc trên tay, Hách đáp:

- Đi học gì giờ này ba, một giờ chiều đến nơi rồi. Đi chợ.

Như không tin vào những gì mình vừa nghe, Tuấn trố mắt nhìn:

- Gì? Đi chợ? Sao lại đi chợ giờ này?

- Ừ, đi chợ. Mày quên hả? Thứ bảy nào chả ăn cơm sớm để thằng Nam đi dạy.

- Đi chợ có nhất thiết phải như này không???

Đông Hách dĩ nhiên hiểu bạn mình nói cái gì, anh cười hề hề:

- Mày không biết à? Giờ người ta đi đổ rác cũng phải đẹp đó nghen.

Nghe bạn nói vậy, Tuấn cũng xuôi xuôi, giới trẻ mà, bây giờ cái gì cũng có thể nói được. Anh lững thững đi vào. Ủa, dừng khoảng chừng là hai giây. Có cái gì đó sai sai ở đây.

- MÀY ĐI CHỢ Á?

Đây hẳn là một chuyện động trời khi mà một công tử bột như Hách, đầu đội trời, chân đạp đất, tay chỉ đánh đàn chứ không đánh động vào việc nhà nay lại xách làn đi chợ. Tin Hách đi chợ chính xác là tiếng sét giữa bầu trời xanh.

- Làm gì mà mày hét to thế? Bình thường mà.

Tuấn vẫn như không tin vào tai mình, chất vấn Hách với giọng đầy nghi hoặc:

- Mày mà đi chợ? Đi chợ bao giờ chưa? Thế có biết mua gì không đấy? Thằng Nam đâu mà nay mày lại đi chợ?

Hách tằng hắng, vỗ ngực đầy tự tin:

- E hèm, mày hơi bị coi thường ông đây rồi đấy. Thằng Nam hôm nay có việc, nên tao sẽ đảm nhận việc đi chợ. Mày hôm nay ở nhà có trọng trách là cắm cơm.

Tuấn vẫn đầy nghi ngờ:

- Được không đấy?

- Mày cứ yên tâm  ở nhà cắm cơm cho ngon vào. Còn việc còn lại cứ để anh lo.

Trước khi Hách ra khỏi cổng, Tuấn không yên tâm, vẫn phải chạy ra tận cổng gọi ới theo:

- Mua không được thì thôi, đừng có mua bậy, nghe không.




Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro