5. Kiến.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Cái bóng lững thững đi trước mặt Lý Đế Nỗ.

Vừa rồi mở cửa ra, đập vào mặt Lý Đế Nỗ là cái gáy của bóng hình trước mặt, không kịp nhìn qua gương mặt. Nhưng chắc gì đã là mặt, có khi giống như giấc mộng ban trưa kia, chỉ là một miếng bị thịt không ngũ quan mà thôi.

Lý Đế Nỗ đi theo nam nhân cầm đèn lồng.

Tiếng thì thầm bên tai ngày càng lớn, y dỏng tai nghe đâu đó còn có tiếng quát tháo và than khóc. Cái bóng dẫn y đi một đường hết hành lang, lại bất ngờ ngoặt qua một góc khuất bên tay phải. Lý Đế Nỗ trong lòng đầy cảnh giác, y biết đây là mơ, nhưng khung cảnh ở đây không mấy khác biệt so với tư viện thực sự của họ. Từng cái quẹo trái quẹo phải, Lý Đế Nỗ đều đã ghi nhớ hết trong đầu; y chỉ hơi thảng thốt, vì y lờ mờ đoán được cái bóng đang thực sự dẫn y đến một nơi, chứ không phải chỉ ngẫu nhiên đi lung tung.

Qua mỗi lần rẽ, Lý Đế Nỗ lại càng thấy trong ngực nặng nề. Hình như càng gần với điểm đến, tiếng gào thét lại càng to, Lý Đế Nỗ cảm giác như mình thực sự đang sống trong tư gia cũ, trong chính thời điểm gia tộc này bị thảm sát.

Đến một góc khuất gần nhà kho, cái bóng bỗng đi rất nhanh.

Đột nhiên Lý Đế Nỗ thấy "cái bóng" thở hổn hển, cứ như một người trần, có da có thịt.

Y thở rất gấp, như đang hụt hơi, cũng như đang thổn thức. Y chạy rất nhanh, Lý Đế Nỗ cũng gấp gáp chạy theo y. Cái bóng có vẻ rất sợ hãi, dường như phía sau nó không chỉ là ma đuổi, mà còn là một thứ khủng khiếp hơn. Lý Đế Nỗ nghe thấy tiếng người la hét sau lưng, gần như trong gang tấc, y không dám quay lưng lại, chỉ biết cắm đầu chạy theo cái bóng.

Đến một khúc ngoặt ở hành lang, cái bóng bỗng quỳ rạp xuống, gỡ ra mấy thanh gỗ. Lý Đế Nỗ nhìn theo mà sửng sốt, không ngờ ở đây mà lại có một lối đi bí mật!

Lồng đèn trong tay cái bóng đã lắc lư đến ngoắt nghẻo, Lý Đế Nỗ nương theo ánh sáng đung đưa, nhìn thấy dưới chân là một cầu thang dẫn xuống bên dưới lòng đất.

Lúc Lý Đế Nỗ đang say sưa nghiên cứu lối đi bí mật, cái bóng bất thình lình xoay lưng lại.

Lần này y có ngũ quan rất rõ ràng, đẹp mắt là đằng khác.

Đôi mắt y rất tinh anh, nhưng lúc bấy giờ ngập tràn lo lắng và sợ hãi. Đôi mày kiếm của y chau lại rất chặt, gương mặt y không một tia thả lỏng, chỉ có hoảng hốt và thống khổ.

"Mau lên!" Y bất ngờ cất tiếng. "Chạy đi!"

Y kéo Lý Đế Nỗ xuống lối đi, nhưng Lý Đế Nỗ lại rất không hợp tác. Vì, mẹ nó chứ, sao lại nghe lời một vong hồn đi vào địa ngục bao giờ?

"Đừng để họ phát hiện ra ngươi! Mau chạy đi!" Hình như cái bóng đang bắt đầu nức nở. Lý Đế Nỗ thấy vầng mắt y đỏ lên, long lanh như châu ngọc.

Lý Đế Nỗ vừa định kéo cả người trước mặt xuống lối đi với mình, xung quanh đã một màu đen kịt.

Không có âm thanh, cũng không có ánh sáng.

Người trước mặt cũng đã biến mất.

Sau một chập, Lý Đế Nỗ lại bắt đầu nghe thấy những âm thanh yếu ớt đầu tiên.

Y hé mi mắt, lờ mờ đoán khung cảnh trước mắt. Y đã trở về hiện tại. Chung Thần Lạc đang ngủ trên trường kỷ, còn phát ra tiếng ngáy nho nhỏ. Phía bên tay trái là Lý Hải Xán đang cuộn chăn nằm trên nệm trải dưới đất, bên cạnh còn có Hoàng Nhân Tuấn. Dưới cửa sổ hướng ra vườn, Lý Mẫn Hanh đang ngủ vùi trong nệm chăn hỗn độn, chỗ trống bên cạnh chắc là của La Tại Dân.

Lại sáng rồi.

La Tại Dân đang thưởng trà tại chòi nghỉ gần bìa rừng.

Tối qua bọn họ đều ngủ chung với nhau. Nệm trải dưới đất không thể so được với giường, nhưng đã rất lâu rồi họ mới được ngủ chung như lúc nhỏ; trong lòng La Tại Dân hiện tại đang rất thoải mái.

La Tại Dân ngồi một mình trong chòi, vừa nghĩ đến mấy thứ hôm qua Hoàng Nhân Tuấn nói với y, vừa sờ khớp tay. La Tại Dân có thói quen này từ nhỏ, chắc là từ khi cùng Điện hạ Lý Vĩnh Khâm trốn ra khỏi cung, bị cha đánh đến sưng tay. Từ đó khớp ngón trỏ tay phải không được bình thường, co ra duỗi lại rất vất vả. Thái phó từ trận ấy, không nâng tay đánh bất kì một đứa trẻ nào, mặc dù ông được toàn quyền dạy dỗ cả Đông cung Thái tử, khi ấy là Vĩnh Khâm.

Lại nói, La Tại Dân là con cầu tự.

Thái phó đến ngũ tuần mới có được đứa con trai đầu tiên, cũng như duy nhất là La Tại Dân. Thái phó lấy nghiệp dạy dỗ con cháu hoàng tộc làm nghĩa chính của đời mình, nhưng bản thân ông mãi mới có được một đứa con. La Tại Dân sinh ra, đến Hoàng thượng Đại đế cũng nhẹ nhõm thay cho Thái phó. Nên La Tại Dân, tất nhiên, muốn gì có đó, nhưng hầu như y không muốn thứ gì.

Hoặc là, thứ y muốn, y không thể có.

Ngửa mặt ngồi trong chòi non nửa một canh giờ, La Tại Dân nghe sau lưng có tiếng bước chân.

Y quay lại, đón Lưu quản sự bằng một nụ cười mỏng.

"Thiếu gia." Lưu quản sự cung kính hành lễ. "Người bên Phác gia đã đến xem gian nhà phía Tây, không biết thiếu gia có gì muốn căn dặn tiểu nô."

La Tại Dân nheo mắt nhìn mặt trời đang lấp ló, một trận mưa hôm qua gột sạch sẽ ngột ngạt ban hạ, bây giờ chỉ còn một mùi nắng mới bám trên vải vóc áo quần, làm tâm trạng ai cũng dễ chịu. Y gật đầu với Lưu quản sự: "Tự ta đón tiếp."

Trên đường trở về sảnh chính, La Tại Dân bỗng bắt gặp một hiện tượng kì bí.

Trước hòn non bộ, ngay giữa hành lang phía Tây, xuất hiện một cái bóng đen lù lù ngồi thụp xuống, vừa đào bới, vừa ngó nghiêng. La Tại Dân ngay tức khắc nghi vấn nghiệp vụ của Lưu quản sự, chẳng lẽ một tên đạo tặc xuất hiện giữa ban ngày ban mặt thế này lại không hề kinh động đến ông? Có nên trừ lương không ta?

Bỗng tên đạo tặc ngước mắt lên, nhìn La Tại Dân trân trân.

Má. La Tại Dân mắng thầm.

"Ngươi đang tìm xác ai đấy?" Y hỏi, khom lưng nhìn xuống chỗ bị đào bới đến thảm thương.

"Này." Lý Đế Nỗ ngước lên nhìn bạn, mắt không khỏi nheo vì nắng. Trên trán y rịn một tầng mồ hôi mỏng. Đôi chân mày Lý Đế Nỗ cau lại, thêm cặp mắt vừa kiên định vừa bướng bỉnh, làm La Tại Dân ngay tức khắc nhớ đến Đổng Tư Thành. Đổng Tư Thành của rất nhiều năm về trước.

"Tư viện này có tầng hầm nào không?"

La Tại Dân bảo không có, y đích thực không nhớ bản vẽ có đề cập đến lối đi bí mật hay đường hầm nào.

"Người Phác gia đang ở đây rồi. Ngươi có muốn tự mình hỏi không?"

Lý Đế Nỗ gật đầu, đứng dậy cùng La Tại Dân trở về sảnh. Lý Đế Nỗ tìm không ra chỗ hành lang có lối đi bí mật đó; y cứ nhẩm đi nhẩm lại trong đầu, không biết đã nhớ sai chỗ nào.

Hiện tại đã quá non nửa mùa hè.

Hè đến thì cũng chỉ quanh đi quẩn lại mấy thứ sông nước, cây cỏ, côn trùng; ở kinh thành thì chợ đêm, lễ hội, cái gì cũng đã cũng không còn hứng thú với đám thiếu niên nữa. Nhưng hình như duy chỉ có nắng hạ là khang khác, không làm người ta dễ chán. Lý Đế Nỗ từng nghe La Tại Dân nói, nắng ban hạ là nước mắt của thái dương, đẹp đẽ, cháy bỏng, làm tâm tình chộn rộn của ngươi trở màu.

Lý Đế Nỗ lúc đó hỏi, màu gì, La Tại Dân chỉ cười.

Hôm nay Lý Đế Nỗ đã hiểu.

Trong thượng uyển của tư viện, trước sảnh chính lúc bấy giờ là một thiếu niên vận bạch y, đang đứng xoay lưng lại với bọn họ. Y mặc đồ ngắn, nhìn rất nhanh nhẹn, linh hoạt, nhưng cả người y toát ra một vẻ hờ hững, và cả một chút lười biếng. Nắng hạ loang trên vai áo y, như hôn lên tấm lưng thiếu niên mỏng manh nhưng cứng cỏi; y giống một bông hoa dại giữa mành cỏ, được mùa hạ âu yếm nhất.

Nắng ban hạ là nước mắt của thái dương, đẹp đẽ, cháy bỏng, làm tâm tình chộn rộn của ngươi trở màu. Màu tóc ngả cỏ cháy, màu y phục tinh tươm, và đến lúc y quay lưng lại, là màu mắt trong như mặt hồ ban sớm.

Lý Đế Nỗ đông cứng.

Không phải vì nhan sắc, thật ra không chỉ vì nhan sắc, Lý Đế Nỗ chưa bao giờ thấy chân tâm mình rung động vì cái đẹp. Chắc chỉ có hôm nay, và duy nhất một người này.

Y không chỉ đẹp, y còn nhìn giống cái bóng trong ác mộng của Lý Đế Nỗ.

Lý Đế Nỗ biết chắc chắn hai người này không phải một, vì người trước mắt xem ra chỉ giống cái bóng trong mơ bảy phần; y cứng cỏi hơn, sắc bén hơn, bớt đi rất nhiều phần mềm mại của hình bóng trong mơ.

Người này nhìn Lý Đế Nỗ với ánh mắt hoàn toàn lạ lẫm, vì quả thực y chưa bao giờ gặp qua Lý Quận vương. Thay vào đó, đôi mắt y lại dịch đến La Tại Dân đang đứng phía sau.

"Ồ." La Tại Dân lên tiếng, một câu 'hữu duyên thiên lí năng tương ngộ' lên đến cổ họng liền nuốt xuống. "Không hẹn lại gặp."

Người kia nở nụ cười, chắp tay hành lễ với La Tại Dân.

"Hôm qua tại tửu lâu, hạ dân sỗ sàng, không chào hỏi đường hoàng, mong công tử không trách tội."

La Tại Dân nghiêng đầu, ngụ ý không để bụng, y lại hỏi: "Công tử họ Phác?"

Người kia gật đầu: "Hạ dân nghe Lưu quản sự báo tin, hôm nay đến xem qua gian nhà phía Tây bị ngập nước. Đã xác định được phần cống rãnh không thông, chỉ cần một vài công tác chân tay là xong."

Nói hết một tràng chính sự, thiếu niên hình như cũng nhận ra mình chưa báo tên, liền hành lễ: "Hạ dân con cháu Phác gia, tự Phác Chí Thành."

Phác Chí Thành. Kiến trúc sư. Liên tục đổi nơi cư trú. Không xây dựng cơ nghiệp.

Phác Chí Thành. Tửu lâu. Biết cái gì là đồ cống phẩm.

La Tại Dân sờ khớp tay, trong đầu liên tục chạy chữ, trên mặt vẫn vẹn nguyên một vẻ mặt tươi cười hiếu khách. Nói xong một loạt câu khách sáo tới lui, La Tại Dân hướng đến Lý Đế Nỗ, giới thiệu hai người với nhau.

"Lý công tử đây có một số chuyện liên quan đến tư viện, không biết Phác công tử có thể thêm chút thời gian giải đáp hay không?" La Tại Dân cười.

Phác Chí Thành tất nhiên không kháng cự; song khi y nghe Lý Đế Nỗ hỏi qua một loạt các thứ liên quan đến tầng hầm, cặp mày hơi nhíu lại.

"Lúc dựng bản vẽ, La đại nhân không đề cập đến đường hầm bí mật, Phác gia chúng ta cũng sẽ không làm." Phác Chí Thành nói, làm bộ không để ý đến Lý Đế Nỗ đang nhìn mình muốn rát cả mặt.

"Ý ta là..." Lý Đế Nỗ chống hai tay lên bàn, nhìn sang Phác Chí Thành. "Có khả năng ở đây đã từng tồn tại một đường hầm nào đó không?"

Thấy Phác Chí Thành nhìn mình, lại thêm một La Tại Dân đang nhướn mày đánh giá bên cạnh, Lý Đế Nỗ đành nói tiếp: "Ta nghe nói Phác gia vừa dựng bản vẽ, vừa xây tư viện. Vậy lúc tiến hành xây dựng, có phải ở chỗ hành lang phía Tây có tồn tại một khoang trống, như đã từng có mật thất hay không?"

La Tại Dân đang cực kì hứng thú.

Vì vẻ mặt của Phác Chí Thành khi Lý Đế Nỗ đề cập đến hai chữ 'mật thất' có chút ảo diệu, vừa như phán xét, vừa như cảnh giác.

"Hai vị công tử, thứ lỗi lão nô."

Một giọng nói từ xa cất lên, là của một nam trung niên. Người này y phục gọn gàng, nhìn vừa giống người đọc sách, vừa giống thương gia buôn bán tại những nơi sầm uất.

Người mới đến giọng nói trầm bổng, điệu bộ khiêm tốn: "Lão nô tự Phác Kiệm, trọng trách xây dựng chính ở tư viện này là của lão. Chí Thành chỉ là người phụ dựng bản vẽ trong nhà, thứ cho nó ngu dốt, không hiểu cốt cán xây dựng."

La Tại Dân cùng Lý Đế Nỗ nhìn nhau, cùng đáp lễ với Phác lão gia.

"Chuyện mật thất công tử vừa đề cập rất khó để xác định. Lúc Phác gia nhận thi công thì nơi này cũng chỉ là bãi đất trống thôi, hoàn toàn không phải xây lên từ xác nhà cũ. Với cả, ngay cả khi có mật thất cũ dưới nền đất, lão nô đã duy xét kĩ càng, không làm ảnh hưởng đến độ bền chắc của sàn tư viện. Các vị xin đừng lo lắng."

Một bãi đất trống. Lý Đế Nỗ nghĩ thầm.

La Tại Dân cùng hai người Phác gia trao đổi thêm một vài thứ; được tầm nửa canh giờ sau, bọn họ có chuyện phải đi trước, La Tại Dân cũng không giữ.

Sau khi hai người họ rời đi, La Tại Dân quay sang nhìn Lý Đế Nỗ.

"Vậy là chuyện tư gia bị thiêu cháy đã xảy ra rất lâu." La Tại Dân nói.

Lý công tử gật đầu tán thành, nói: "Xung quanh đây người dân trả lời y hệt như Phác lão gia, từ lâu ở đây đã là một khu đất trống, đến cây cũng mọc um tùm như vầy, ngươi nghĩ đi. Không thể nào vừa mới xảy ra mấy mươi năm được."

"Vậy thì đành phải nhờ cậy vào ghi chép của Dương Tri huyện rồi." La Tại Dân đáp, nhưng trong lòng thực sự cũng không trông đợi gì. Y ước chừng chuyện gia tộc trước đây bị thiêu chết đã xảy ra hòm hòm gần một trăm năm, thuộc các triều đại trước, vậy nên khả năng hồ sơ được lưu lại cũng rất mong manh.

"Nhưng Tại Dân này." Lý Đế Nỗ lên tiếng, cắt đứt mạch suy nghĩ của La Tại Dân.

"Phác Chí Thành ấy..." Lý Đế Nỗ ngập ngừng.

La Tại Dân vẫn rất kiên nhẫn chờ nghe nốt câu, nếu nó dám để y chờ chỉ để nói 'Phác Chí Thành đẹp lắm', y sẽ bóp cổ nó ngay sảnh chính.

Lý Đế Nỗ mở miệng, những từ sau chót đã lên đến họng, bỗng dưng Lý Hải Xán xuất hiện, hồ hởi vỗ vào lưng y một cái rõ kêu thay cho lời chào. Tiếng vỗ này vọng từ Túc Kiến, vọng đến Kinh thành, vào mẹ buồng ngủ của Đông cung Thái tử cũng chẳng ngoa.

Lý Đế Nỗ suýt nữa cắn trúng lưỡi, theo phản xạ quay sang đập vào cổ Lý Hải Xán với công lực bình thường, của một người bình thường được tru luyện trong quân đội.

Sau đó, Lý Hải Xán chết.

Đùa thôi, Lý Hải Xán né được, nhưng cửa tử vừa ẩn hiện ngay trước mắt.

La Tại Dân chứng kiến bạn mình suýt nữa là đầu thai chuyển kiếp, mặt không biến sắc. Có lẽ vì y tin tưởng bản năng sinh tồn của Lý Hải Xán, hoặc y đã quen với việc nhìn thấy con người ta chết trước mặt mình. Nhìn thấy phạm nhân bị kết án, người bị chết oan, hay bách tính chết dưới vó ngựa của Đổng Tư Thành, chà, chuyện này chắc Lý Đế Nỗ xem còn quen mắt hơn y. Không chỉ người chết, y còn trông thấy những người sống không bằng chết, ngày ngày vất vưởng, không biết để làm gì.

Chắc để làm y đau lòng.

Có đúng không, Vĩnh Khâm?

Nô bộc không biết tâm tư của La Tại Dân, chỉ thấy, sáng sớm ra, con cháu vương gia đang rầm rầm đánh nhau, còn công tử nhà mình lại nhẹ nhàng ngồi xuống trường kỷ. Nô bộc mau lẹ quỳ xuống, bưng lên một ấm trà nóng hổi. Công tử chưa kịp thưởng trà, quản sự đã từ cổng chạy vào.

Tri huyện đưa tài liệu, thứ công tử mong đã đến.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro