Đất sét

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Nếu sở hữu một khối đất sét, bạn sẽ làm gì? Bạn có thể tạo ra một viên gạch, để mai sau biết đâu có ngày nó sẽ vinh hạnh góp sức mọn vào một công trình vĩ đại nào đó. Bạn cũng có thể biến nó thành một cái nồi nhỏ, để nó được người người nhà nhà nhớ đến, dùng đến mỗi ngày, không bao giờ bị khinh khi là thứ đồ vô dụng chỉ đáng bỏ đi. Nếu bạn có tài hoa, khối đất sét của bạn sẽ sống cái đời hạng sang nhất trong số các phận đất sét, làm một tác phẩm nghệ thuật mà ai ai cũng phải ngước nhìn, người người khen tụng ngợi ca. Hoặc bạn cũng có thể chỉ đơn giản là vứt đống đất ấy đi, để nó biết bản thân thảm hại ngay từ đầu, rằng bạn chẳng trông mong gì vào nó hay vào đôi tay vụng về và mắt thẩm mĩ không hơn người mù là bao của mình. Nhưng bạn biết lựa chọn tồi tệ nhất là gì không? Biến khối đất sét của bạn thành một con búp bê, cho nó sống một đời ngoan ngoãn phục tùng, sinh ra chỉ để bị người khác chực chờ ném vào quên lãng, để rồi phải chấp nhận sự thật cay đắng rằng bản thân cũng chỉ là một đống đất đang chờ vứt đi.

.

.

.

.

.

Ở cuối con phố này có một tiệm đồ chơi, người ta kháo nhau rằng ông chủ ở đấy khéo tay lắm, phàm là khối đất thô hay thanh gỗ đoản, qua tay ông ấy rồi là vận phất lên ngay, ngày ngày được bọn trẻ con mê tít mắt nâng niu cưng nựng, không khác chi cô thôn nữ mới sáng còn hái rau mà đến xế chiều đã có người đưa kẻ rước vào hưởng phước nơi cung vàng điện ngọc. Người ta nói ông chủ tiệm ấy có cái tài thổi hồn cho vật vô tri, như cách nói của mấy ông thợ vẽ nhà bên thì ấy là vẽ mắt cho rồng, thêm ngươi cho phượng, vật sống có khi còn chẳng biết rạng rỡ sao cho sánh bằng.¬ Khổ nỗi chúng trông chân thật quá, bọn trẻ con không hiểu nên cứ nói linh tinh, rêu rao khắp nơi rằng đám đồ chơi ấy biết đi đứng nói năng, khóc cười y như người vậy, người lớn nghe thấy cũng đành cười trừ cho qua, chẳng ai hơi đâu mà giảng giải cho mấy bộ óc non nớt ngờ nghệch đó mãi được.

Bọn trẻ con thích cái tiệm ấy lắm, có khi chẳng mua gì mà cũng nằng nặc đòi vào chơi, cũng chẳng thèm ra ngoài đi chơi với chúng bạn nữa, người lớn gắt mãi không xong. Sau ông chủ bảo cứ để tụi nhỏ đến chơi, trả cho ông chút tiền xem như công giữ trẻ là được, thế là từ việc gắt gỏng quát bọn trẻ về nhà, nhiều người vứt chúng ở đấy luôn, chừng nào đói thì chúng nó tự biết mà chạy về. Thế mới vỡ lẽ hóa ra khi trước thứ họ lo nào phải mấy đứa trẻ nhà mình.

Thường đến tiệm đồ chơi này nhất là con bé Thu, em thường ở từ sáng sớm đến tối mịt mới về, đồ ăn thì mẹ làm sẵn cho em mang theo, thế là cả ngày mẹ khỏi phải phiền bận gì đến em nữa. Mà cũng không thể trách mẹ con bé được, cha em làm ăn xa nhà, suốt ngày bôn ba nơi đất khách, một năm họa hoằn lắm về được một hai lần, bao nhiêu việc trong nhà một mình mẹ em ôm đồm hết, lại thêm hai đứa nhỏ chỉ mới biết lật biết bò, thời gian đâu mà lo cho con bé Thu nữa. Giá mà em đủ tuổi vào trường học chữ rồi thì tốt biết mấy, để ông giáo quản cũng đỡ lo hơn. Dù không được gia đình tâm quan tâm nhưng con bé ấy ngoan ngoãn nức tiếng khu này, gọi dạ bảo vâng, bảo gì làm nấy, xưa nay không cãi lại người lớn bao giờ. Không biết đến khi nào họ mới nhận ra chữ "dù" phía trên đáng lẽ phải thay bằng chữ "vì". Có người đùa rằng búp bê còn chẳng ngoan bằng em, búp bê còn có lúc hỏng hóc làm mình làm mẩy chứ con bé Thu thì chưa thấy bao giờ. Có lẽ do suốt ngày người ta đùa như thế nên con bé Thu cũng đâm ra thích búp bê, nhưng búp bê gỗ hay búp bê vải mà bọn trẻ thường tranh nhau đều bị em lơ tất, cả ngày em chỉ chăm chăm vào con búp bê đất sét trên cái kệ gỗ cạnh cửa sổ nơi góc khuất của tiệm, nếu không phải được con bé Thu chú ý đến thì hẳn là con búp bê ấy đã bị bụi bẩn bám đến nhìn không ra hình thù gì. Con bé Thu thương con búp bê đó như bản thân em vậy, và con búp bê ấy cũng thương em lắm, con bé biết chắc điều ấy, vì chính miệng nó nói với em cơ mà, rằng nó thương Thu lắm.

Ông chủ tiệm đồ chơi ở góc phố có bàn tay khéo lắm, trong tiệm của ông không có thứ gì là vật chết cả. Tiếc thay thứ tài nghệ ấy chỉ có bọn trẻ mới thưởng thức được, mới thật là phí phạm làm sao.

Thu gọi con búp bê ấy là Xuân, có lẽ em mong nó sẽ rạng rỡ hơn sắc màu ảm đạm của mình. Xuân có hai bím tóc rối màu đỏ cam nhẹ nhàng như lá mùa thu vậy, nó cũng thường bảo rằng Thu mà cười lên thì trăm hoa cùng nở cũng không đẹp bằng. Hẳn là chúng nó thấu lòng nhau lắm, như thể từ cái ngày gặp nhau thì chúng nó đã tìm thấy chính bản thân mình vậy.

Xuân là một một con búp bê bị bỏ quên. Nó không xinh đẹp như những con búp bê gỗ, cũng chẳng mềm mại như mấy con búp bê vải, người nó thô ráp và sơn thì đã xỉn màu, chẳng ai thèm đoài hoài gì đến nó, nên nó ở mãi đây đến tận bây giờ. Xuân không nhớ mình đã ngồi trên cái kệ này bao lâu, nhưng ắt hẳn là phải lâu lắm, lâu đến nỗi người cha đáng kính cũng đã quên mất sự tồn tại của nó để chăm lo cho các em rồi. Xuân không muốn làm phiền đến ai nên lúc nào nó cũng ngồi yên trên kệ gỗ, dù rằng bụi ám đầy tóc nó, bụi phủ kín người nó, bụi bám lên mắt nó và cả khi bụi chèn vào miệng nó, con búp bê ấy vẫn không mảy may nhúc nhích tí nào. Xuân sợ làm phiền đến các anh chị em đang ngồi cùng kệ, sợ trở thành một thứ phiền toái vô dụng bị mọi người ghét bỏ. Nhưng với đôi mắt đã bị bụi lấp kín, nó nào có biết họ đã rời đi từ lâu lắm rồi, rời đi trong vòng tay âu yếm yêu thương của những người chủ mới, những người xem nó như một khối bụi bẩn ô uế cần phải tránh xa. Giá mà Xuân chịu gạt lớp bụi bẩn ấy đi, khéo đã có người kịp yêu thích nó trước khi lớp váy sơn xỉn màu.

Ngày nào cũng vậy, Thu và Xuân gặp nhau vào sáng sớm, dành cả ngày nói chuyện vu vơ với nhau rồi tạm biệt vào buổi đêm, mỗi đứa lại trở về với thế giới đơn sắc bạc bẽo của mình, tự gặm nhắm cái nỗi tồn tại phiền phức của bản thân.

.

.

.

Hôm nay cũng như bao ngày, Thu đến tìm con búp bê đất sét. Lớp sơn trên người Xuân đã bắt đầu bong tróc, chiếc váy xinh đẹp năm xưa giờ chỉ còn lại là mặt đất sét thô ráp sần sùi. Trông tủi thật đấy, nhưng sao Xuân chẳng mấy để tâm mở lời, cha cậu ấy là người thợ khéo tay nhất vùng cơ mà.

"Này, sao cậu không bảo cha sơn lại cho?"

"Ông ấy bận vẽ yên cho em ngựa gỗ rồi, tớ không muốn làm phiền đâu. Áo của cậu cũng rách rồi, sao không bảo mẹ vá lại cho?"

"Mẹ bận may áo cho hai em rồi, tớ cũng không muốn làm phiền đâu."

Hôm ấy búp bê không còn chiếc váy, còn con bé Thu thì tự vá lấy áo một mình.

.

.

.

Hôm nay cũng như bao ngày, Thu đến tìm con búp bê đất sét. Bím tóc đỏ của Xuân bị ai đấy xén mất một bên, trông mới thật xấu xí và nham nhở làm sao. Lạ thật đấy, sao Xuân chẳng mở lời, cha cậu ấy là người thợ khéo tay nhất vùng cơ mà.

"Này, sao cậu không bảo cha làm lại bộ tóc mới cho?"

"Cha bận thêu tóc cho em búp bê vải rồi, tớ không muốn làm phiền đâu. Đám trẻ ấy giằng mất đồ ăn của cậu rồi, sao cậu không về nhờ mẹ nấu thêm đi?"

"Mẹ bận nấu cho hai em rồi, tớ cũng không muốn làm phiền đâu."

Hôm ấy búp bê mất một bím tóc, còn con bé Thu thì chịu đói một ngày.

.

.

.

Hôm nay cũng như bao ngày, Thu đến tìm con búp bê đất sét. Tay chân của Xuân đã nứt nẻ đến gãy rời, tuy rằng chúng vẫn nằm yên ở đấy chẳng rơi được đi đâu nhưng cũng đã vĩnh viễn không thể lành. Trông đau thật đấy, nhưng sao Xuân chẳng chịu mở lời, cha cậu ấy là người thợ khéo tay nhất vùng cơ mà.

"Này, sao cậu không bảo cha chữa cho?"

"Cha bận khâu lại vết rách cho em gấu bông rồi, tớ không muốn làm phiền đâu. Cậu làm gì mà xây xát hết cả người như thế, sao không về bảo mẹ cầm máu cho?"

"Mẹ bận chăm cho hai em, chúng nó bệnh rồi, tớ cũng không muốn làm phiền đâu."

Hôm ấy búp bê không còn lành lặn nữa, còn con bé Thu thì có rất thêm rất nhiều vết sẹo có vẻ sẽ chẳng bao giờ phai.

.

.

.

Hôm nay cũng như bao ngày, Thu đến tìm con búp bê đất sét. Đầu của Xuân đã nhũn ra vì ướt đẫm thứ nước không biết từ đâu dội vào. Mắt của nó đã chảy thành hai dòng mực đen còn miệng thì lẫn lộn đâu đó trong mớ đất sét nhũn nhão. Trong tủi thật đấy, xấu thật đấy, đau thật đấy, nhưng cậu ấy đã vĩnh viễn không thể mở lời. Cha cậu ấy là người thợ khéo tay nhất vùng cơ mà...

Thu cuộn người ngồi bên thành cửa sổ, chẳng nói chẳng rằng, cứ như vậy rấm rức suốt một ngày.

Hôm ấy hai đứa chẳng nói năng với nhau câu nào cả, một đứa vì không thể nói được, một đứa vì cổ họng khản đặc chẳng nói nên lời.

.

.

.

Hôm nay không giống như bao ngày, Thu không đến tìm con búp bê đất sét. Con bé Thu đã mất tích một tháng nay rồi, mà mãi đến ngày thứ ba nó biến mất thì mẹ nó mới phát giác ra. Ai bảo bình thường cứ sáng ra thì nó tự đi, đến tối lại tự về, ai bảo nó ngoan thế cơ chứ. Người trong phố thì cứ đinh ninh nó ở nhà phụ mẹ, nhà nó thì đinh ninh nó ra tiệm chơi cho mẹ rảnh tay trông em, ai bảo nó ngoan thế cơ chứ. Nghe nói một tháng trước nó ở tiệm đồ chơi tới khuya mới bưng mặt khóc lóc chạy đi, ông chủ đinh ninh là nó chạy về nhà, những người trong phố nhìn thấy nó vào khuya hôm đó cũng đinh ninh như vậy, ai bảo nó ngoan thế cơ chứ. Chắc nó chạy sang phố khác chơi, vài ngày lại về ấy mà, con bé ấy ngoan lắm, chẳng đi đâu xa đâu. Nói thế rồi họ cũng chẳng buồn tìm kiếm, họa chăng nếu có thì cũng chỉ là hô to gọi nhỏ mấy tiếng cho xong cái lệ tìm người.

Ừ, ngoan quá cũng là cái tội, ai bảo ngoan thế làm gì để người ta chẳng bao giờ phải bận lòng. Nhưng có ai ngờ được đâu ...

.

.

.

Đã mười năm trôi qua kể từ hồi con bé nhà lái buôn nọ mất tích, người ta cũng quên mất nó tên gì rồi. Không biết cha mẹ nó có còn đau buồn không chứ nhà đấy vắng nó thì vẫn trai gái đề huề đủ cả, hai đứa nhỏ thông minh lanh lợi lắm, lại khỏe mạnh ít khi đau ốm, mỗi tội hay đi nghịch phá với mấy đứa trong phố thôi. Lại nói, mấy năm gần đây cuối cùng cũng thấy được bóng trẻ con đùa nghịch trên phố, vì cái tiệm đồ chơi mà chúng nó mê mẩn ấy dọn sang tỉnh khác mất rồi, nghe đâu là con trai ông chủ tiệm dựng được cơ ngơi ổn định nên đón cha về dưỡng lão. Căn tiệm ấy bị bỏ hoang đến tận bây giờ, nếu lúc này có ai bước vào đấy, họ sẽ chỉ thấy bụi bặm bám đầy các kệ gỗ nay đã vắng bóng đồ chơi, tơ nhện thì giăng kín hết cả không chừa lấy một ngóc ngách nào. Và nếu họ chịu lần sâu hơn vào trong tiệm, đến chỗ cái kệ gỗ cạnh cửa sổ nơi góc khuất, thì dưới lớp mạng nhện và bụi bẩn kia, họ vẫn có thể tìm thấy mấy khối đất sét đã khô khốc nứt nẻ chẳng ra hình thù gì. Nó vẫn ngoan ngoãn nằm yên ở đấy, cố gắng để bản thân không làm phiền đến bất kì ai và cũng thầm cầu mong rằng ai đó sẽ nhớ đến mình.
___________________________

(7/12/2021)
#Đông_Thiên_Lam_Sắc

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro