Cá nhỏ dẫn lối xuôi nam

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Thượng tuần tháng Chín, Phan cưỡi lừa đi theo hoa cúc.

Thoạt tiên, anh ngang qua những làng mạc láng giềng, ở lại mấy hôm trong ngôi làng thợ rèn dưới bóng rừng thưa ven dòng suối nhỏ. Với tư cách là người trị vì một xứ, Phan đến chào cụ già sống trong ngôi nhà đất nung to giữa làng, gửi tặng cụ những túi hạt giống thảo dược từ vương quốc, rồi nghe cụ kể chuyện ngày xưa.

Thưở ấy, tổ tiên của các vua chúa trần gian từng phát hoang mở đất bên cạnh các thánh thần. Dần dà theo các niên đại trôi qua, đất trời cứ thế mà xa nhau, rồi mà người và thần cũng dần cách biệt. Giờ đây chỉ còn lịch sử được ghi vào những vì tinh tú, hằng đêm nhắc cho người già về những chuyện họ có lẽ cũng sắp quên.

Nghe say sưa hết ba ngày ba đêm, Phan mới xin thêm lương khô và nước, rồi hỏi đường ra biển lớn.

Già làng tóc bạc phơ gật gù, không hỏi lý do. Họ đã sống đủ lâu để hiểu rằng có những quyết định lớn lao trên đời là bỗng dưng nảy ra trong tích tắc, như bị thúc đẩy bởi số phận thế thôi.

"Thế thì vương tử cần xuôi nam rồi. Anh sẽ cần một sao trời dẫn lối đấy. Chòm sao ấy sẽ kể cho anh nghe mọi chuyện về vùng trời mà vì sao ấy ngự trị, cũng là giữ cho anh không lạc mất chính mình trong những miền đất hiểm nguy."

Đêm phủ lên làng mạc, già làng dắt Phan vượt rừng lên đồi cao, dùng tay đo bầu trời lộng lẫy, rồi chỉ cho anh thấy thấp thoáng đằng góc xa kia, gần cuối chân trời, có chú cá nhỏ bơi lội giữa bể sao lớn. Đấy là Nam Ngư, chòm sao mờ sẽ dẫn anh về phương nam. Mà không phải phương nam nào cũng như nhau đâu. Theo trí nhớ của những già làng, được nghe kể lại từ những lái buôn sa mạc, từ những tích xưa mà chỉ lịch sử tinh tú còn ghi chép, rằng chỉ có Nam Ngư mới dẫn người ta đi đến đúng cửa biển nơi sóng gió đủ êm ái để giong thuyền ra khơi.

Phan lẽ phép cảm ơn cụ già. Tinh mơ hôm sau, chuẩn bị lừa xong, anh chào tạm biệt làng của thợ rèn. Già làng gửi cho anh thêm một món quà là chiếc kính viễn vọng xếp gọn trong lòng bàn tay, được chế tác tinh xảo bằng loại đồng tốt nhất và loại thuỷ tinh trong nhất để thu được ánh sáng từ những vì tinh tú. Phan trân trọng nhận lấy, từ đáy lòng nhen nhóm hơi ấm vô vàn.

"Để anh không bao giờ lạc đường."

Cất kính vào túi áo, Phan cưỡi lừa đi tiếp, theo hướng cá bơi trên trời mà vượt qua những vạt rừng muôn chiều vàng đỏ. Cây rừng rập rạp rồi thưa thớt, dần dà lùi lại sau lưng cho bình nguyên tràn vào tầm mắt.

-

Phan tiến vào đồng cỏ vĩ đại khi mùa thu đang chín giòn trên đỉnh đầu. Không khí khô hanh, se sắt vào sáng sớm và chuyển lạnh lúc đêm về. Ở giữa tinh mơ và sẩm tối là nắng ngời rực rỡ, đổ tràn xuống đất từ bầu trời xanh hút mắt. Thỉnh thoảng nắng dịu đi một chút, Phan xuống lừa, cầm dây dắt bước chậm trên những bãi cỏ sắp ngả úa vàng. Lừa vừa đi theo vừa thong thả nhai mấy ngọn cỏ còn xanh.

Xế tà vài hôm sau, Phan tìm đến trại của người Nhuế.

Anh biết tộc du mục này từ những cuốn sách trong thư viện mà mẹ anh tích cóp qua nhiều năm, mà anh đã đọc hẳn phải hơn trăm lần từ thuở bé. Nhưng anh chưa gặp họ bao giờ. Phan thích ở yên một nơi, còn người Nhuế luôn di cư khắp bình nguyên. Cuối xuân đầu hạ, họ nhổ trại, lùa dê, thồ lều lớn trên xe bò, cưỡi ngựa vượt mấy trăm dặm đường từ Đông Nam về Tây Bắc để đón nắng ấm gần những vạt rừng lá kim và những dòng sông nhỏ róc rách nước tuyết tan. Giữa thu, họ lại tính chuyện đưa cả làng về Đông Nam nơi gần vĩ tuyến, nơi hơi ấm mặt trời sót lại còn đủ để nuôi dưỡng cỏ cây và con người thêm vài tháng trước mùa đông.

Phan dắt lừa đi đến gần bầy dê đang đủng đỉnh nhai nốt vài triền cỏ còn xanh. Những cậu nhóc đương chăn dê và chơi đá cầu vải thấy anh bước tới, bèn lễ phép chào, cười khanh khách, gò má chúng đã đỏ hồng càng thêm ửng lên dưới nắng chiều. Phan mở lời:

"Anh là Phan ở xứ Suối Ngàn. Anh muốn xin gặp vương tử Khắc và vương phi Chân, có được không?"

Một đứa con trai kháu khỉnh, đội mũ thêu hoa văn rực rỡ viền lông cừu và quần áo chỉn chu hơn hẳn những đứa còn lại, nói: "Bố và các anh lớn chưa về. Hôm nay có mẹ Chân trong trướng thôi ạ."

Phan mỉm cười với cậu bé: "Vậy anh xin gặp mẹ em nhé. Mà em tên gì?"

"Thiết ạ."

Thiết nhảy qua khỏi hàng rào quây chuồng dê, đưa Phan đi về phía trại, chỉ tay cho anh thấy, thấy thấp thoáng sau những đỉnh lều là phần đỉnh dát vàng của toà trướng lớn.

Vương tử Khắc và các con lớn ít khi ở nhà, do cần coi sóc việc buôn bán đá quý, vàng, phô mai sữa dê và các loại vật phẩm bằng da thuộc với các xứ khác. Mọi việc trong ngoài của bộ tộc hầu như đều do vương phi của ông lo liệu. Các đời phu nhân của người Nhuế đều là những người phụ nữ được thảo nguyên lựa chọn trao gửi phép màu của sự hồn hậu, thông thái và can trường.

Lúc mẹ anh mất, Phan từng nhận được món quà từ vương phi Chân. Sứ giả của bà mang theo một trăm con cừu cừu khoẻ mạnh mà anh cứ tiếp tục nuôi trên những triền đồi quanh cung điện đến nay. Bà còn gửi tặng riêng một chiếc sáo nhỏ đẽo từ ngọc trắng, khảm thêm những phiến ngọc lam nhỏ tạo hình một chú ngựa xanh ung dung cao quý, kèm một bức thư viết trên da dê mà Phan đặt tất cả vào hộp gỗ vùi trong đất cạnh bên chỗ mẹ nằm.

Thư viết: "Tạm biệt nhé, chị em tôi. Hẹn gặp lại ở đồng cỏ bên kia, như thời chị em ta còn xanh tóc."

Phan dắt lừa đến gần toà trướng của vương phi Chân. Những người cận vệ cao to trông thấy anh đi cùng Thiết, nhìn phục sức tuy giản dị nhưng tinh xảo của anh, biết Phan đến từ xứ sở xưa nay vẫn hữu hảo với người trên đồng cỏ. Họ trang trọng gật đầu chào anh, giúp anh dắt lừa vào chuồng nghỉ cùng với bầy ngựa con. Thiết vén rèm vào trong lều thưa chuyện, chẳng mấy chốc sau đã bước ra mời anh vào trong, rồi lại chạy đi chơi với đám trẻ con.

Một giọng nói dày dạn cất lên:

"Phan đấy à? Cháu vào đây."

Phan bước trên lớp thảm dày đến giữa lều, cúi người thật sâu, chào hỏi theo đúng phép tắc bố mẹ dạy anh khi gặp vua chúa các nước láng giềng:

"Cháu kính chào vương phi."

"Ôi chao ơi. Đứng lên mau rồi đến đến gần cho ta xem!"

Phan đứng thẳng dậy, trông thấy vương phi Chân đang ngồi trên ghế êm trước mặt, bên cạnh là bếp lò nhỏ đang đượm than cho ấm sực không gian. Theo đúng tước vị của người phụ nữ cao quý nhất bình nguyên, bà vận phục sức lộng lẫy, áo dày phủ gấm xanh ấm áp, váy nhiều tầng dệt hoa văn tía hồng thêu chỉ vàng. Bà mang vòng cổ và hoa tai bằng đá quý, mũ miện của bà còn khảm những viên ngọc trai mà đức phu quân của bà kỳ công tìm kiếm sau những chuyến giao thương với miền duyên hải. Tay bà ôm một chiếc cốc to đựng nước trà và dược liệu làm ấm người. Khuôn mặt bà nở nang, hiền hậu, nước da màu mật ong khoẻ mạnh. Đôi mắt bà sáng rỡ ràng theo nụ cười tươi tắn, đuôi mắt nheo lại vài vết chân chim.

Phan cũng mỉm cười, đến gần bà. Một thị nữ mang ghế cho anh ngồi xuống cạnh bên.

Vương phi Chân nhìn anh thật lâu, trong đáy mắt là sự mừng vui và tiếc nuối. "Cháu có đường nét giống bố cháu, nhưng biểu cảm và chân mày nhẹ nhàng như mẹ cháu. Cháu của ta lớn nhường này rồi, đã ra dáng vương giả lắm. Hồi lúc chị ấy bế cháu đến thăm ta, Phan vẫn la một cậu nhóc chỉ biết ngủ rồi ăn."

"Cháu lớn thật rồi ạ." Phan hơi ngượng ngùng.

"Và ta thì già rồi."

"Không đâu. Dì... cháu gọi thế được không? Dì Chân vẫn luôn là người rực rỡ nhất bình nguyên. Mẹ cháu luôn nói thế."

"Có ai thắng được thời gian đâu... Cũng đã rất lâu rồi. Mà Phan này, ở xứ có việc gì hay sao mà cháu lặn lội đến đây? Chúng ta sắp nhổ trại về trảng cỏ Đông Nam, vì chẳng mấy chốc mà mùa đông lại đến rồi."

"Thế thì cháu đến vừa kịp... Dì có biết về đại dương không? Cháu đang tìm đường ra biển."

"Biển ư? Cháu có việc gì phải đi về nơi ấy? Chồng ta từng giao thương với những xứ gần biển, nhưng chính ông ấy cũng chưa kể là đã từng ra khơi. Rốt cuộc thì chúng ta vẫn là người của đồng cỏ và bình nguyên này đã đủ rộng lớn để ta đi cả đời không hết. Chúng ta biết thế thôi, còn thì chưa đến bờ biển lần nào."

"Cháu..." Phan ngập ngừng, không biết có nên nói với bà về những giấc mơ dai dẳng suốt mùa hè hay không. Nhưng vương phi Chân đã nói tiếp, "Thôi, cháu cần nghỉ ngơi đã rồi đi đâu hẵng đi. Ngày mai chúng ta bắt đầu thu dọn, tầm mười ngày nữa sẽ nhổ trại. Cháu nên kể ta nghe mấy năm nay cháu sống ra sao, bầy sếu mà chị ấy yêu mến mấy năm nay có về đầm đúng hạn không? Đàn cừu ta gửi nay đã thành mấy con? Chúng có hay ăn trộm lúa mạch hay không...?"

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro