[KookTae] níu cánh hoa tàn

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Em đánh mất anh giữa những năm tháng ngây dại.

Mùa đông rét căm những tuyết, tháng một chẳng thể lạnh hơn khi bóng hình anh mờ đi nơi cửa nhà hoang tàn, để lại em trong căn phòng nay lạnh tanh qua từng hồi cãi vã, ngả nghiêng bởi tiếng lòng rối bời đương thét gào rằng hãy đứng dậy và đuổi theo anh. Đáng ra em sẽ làm thế, sẽ lao thẳng vào Seoul già cỗi đang gồng mình dưới cái giá lạnh của mùa đông để tìm anh, mặc kệ những rét căm đâm vào da thịt em, tái buốt dưới lớp áo mỏng, đón bàn tay anh trắng bệch vào đôi tay em thật hiền, đưa anh về nơi mà đôi mình âu yếm gọi bằng hai tiếng "Tổ ấm" thân yêu.

Em sẽ thả rơi những cái ve vuốt nơi sương mai lấm tấm đậu trên đuôi mắt anh, sẽ ru anh vào trong cơn ân ái chỉ bằng cái ôm siết nhẹ và nụ hôn âm ỉ cháy giữa tiết trời giá lạnh, thật chậm rãi để cho lá giăng trên những tán cây trơ kịp rụng cho đầy vai áo, và để cái cong cong nơi đuôi mắt thay cho lời em ấm nồng: Về nhà đi anh, nhà của chúng ta.

Thế nhưng em đã không làm thế. Trong khi ngọn lửa giận dữ bén qua tim, em đập phá thêm ngôi nhà vốn đã vỡ tan sau lần xích mích bằng những cú xô mình vào ghế bàn và gạt đổ cả mâm cơm hãy còn vất vưởng hơi ấm. Để rồi lúc cơn giận vơi tàn mà chớm tắt trong gió đông thì căn nhà cũng chỉ còn là một đống vỡ vụn. Thế và, em bỏ ra khỏi nhà, tìm đến cơn say váng vất kéo dài ướp lạnh con tim bừng bừng nóng rát. Cũng chẳng hay, cồn rượu chỉ làm những vết cắt chằng chịt thêm xót xa.

Em đã sống bơ phờ suốt một tuần liền trong vai một gã trai tự phụ ngu ngốc, với đức tin lớn lao rằng người gã yêu sẽ trở về sớm thôi. Em bỏ ngỏ cửa nhà và lang thang khắp nẻo, bắt những chuyến xe ngắn và gọi hàng chục cú điện thoại rủ rê bạn bè đi bowling hay đàn đúm. Trốn tránh căn nhà thiếu vắng anh, em vẫn hoài tưởng tượng trong những buổi bê tha say đến không nhớ nổi đường về ấy, rằng sau vài ngày biệt tích trở về nhà, em lại được thấy anh trên chiếc giường bạc phếch màu ga trải, đường mày cong nhíu lại vì giấc chiêm bao không trọn vẹn như ý.

Có thể anh đã về, thật.

Có lẽ anh đã về một vào trong bảy ngày nào đó em đi vắng, trong một giờ nào đó ngắn dài chẳng rõ, nhìn ngôi nhà trống hoác và còn nguyên tàn tích của cuộc tranh cãi, tìm kiếm em. Có thể anh đã gọi cho em, kiên nhẫn chờ đợi tiếng đáp trả của em sau hồi chuông kéo dài còn hơn con sông Nakdong quanh co tít tắp, để rồi nhận về không hơn tiếng nhạc chát chúa dội lại màng nhĩ, tiếng hét hò đảo điên của những kẻ đang rong chơi trong cơn đê mê váng vất, thế là chút xíu mong muốn làm lành bị sẻ nhỏ dần, nhỏ dần vì niềm đau bén ngọt sắc như dao, đến khi nó chỉ còn bằng hạt bụi thoảng qua dưới ánh trăng hoang hoải.

Thế nên, anh chẳng quay lại nữa. Tuần sau, tháng sau, hay nhiều tháng nữa, em không còn bắt gặp dáng hình anh đi đi về về nơi cửa nhà nhập nhoạng ánh trăng tan, hay say ngủ trong hương bữa cơm khuya đã nguội vì em về trễ. Anh đã đi thật xa rồi. Để lại em với niềm nhớ nhung ban đầu phớt qua môi, nay đã trở thành những vết cáu giận bầm tấy da thịt, đay nghiến cơ thể khô rạc gầy gò của em cho đến khi máu tứa ra và chẳng còn vết bầm nào nữa. Mà là sẹo.

Tuần sau, tháng sau, và nhiều tháng nữa, em cũng không còn níu mình ở bar hay những phòng bowling, bởi em biết rằng chúng chẳng làm vơi đi đến một vụn thứ cảm xúc đang thắt chặt lấy tim mình. Thay vào đó, em lui tới nhiều hơn cái khu công viên nhỏ mà hẳn là bao nhiêu dì, bác tập dưỡng sinh đã đều nhớ mặt gọi tên mình. Em cứ ngồi vẽ từ tinh mơ đến khi trăng mò lên đỉnh đầu, càng vẽ càng cảm như tháo được tơ rối trong lòng ra một ít. Cũng may, các cô bác dạo này cũng ít lại bắt chuyện em hơn, có lẽ rằng họ nhận thấy rằng bên cạnh cái cậu họa sĩ lãng đãng nọ, tự bao giờ đã không còn cái anh diễn viên với nụ cười hồn nhiên biết mấy.

Em vẫn họa anh vào từng trang giấy nhở nham nét phác thảo, viền đi viền lại nét mắt sắc, đưa thật nhẹ nét đôi mi, tạc thẳng sống mũi và phất phơ mái tóc vàng sắc nắng. Nhưng tranh chân dung không có người làm mẫu, mỗi một lần lại khác đi một chút, mất đi một chút cái thần, cái hồn cho đến khi anh chỉ còn hoàn toàn là một pho tượng nằm trên giấy mà mọi họa sĩ đều có thể tưởng tượng ra. Đến nửa cái hồn và dăm hơi thở cũng biến đi mất dạng.

Và thế, ai cũng nói, trong thế giới tranh của em, anh đã không còn là anh nữa.

Lần đầu tiên sau năm năm kể từ cái ngày hôn chào tạm biệt mẹ ở đầu tuyến Gyeongbu, em bật khóc nơi cửa nhà khi nhận ra đã đến lúc phải chấp nhận sự thật, rằng ta chia tay mất rồi. Năm năm, anh ơi, năm năm dằng dặc tháng năm ta lại bỏ chỉ vì vài lời đắng cay lúc tức giận. Để giờ đây em tự ru mình trong giấc mộng mang thanh âm quá khứ, tự vỗ về mỗi đêm khi ánh trăng lỡ làm em tỉnh giấc, rằng mình không còn yêu anh nữa, không còn nữa.

Nhưng con tim chẳng dễ để lọc lừa đến vậy, anh ơi. Khi mà đâu đâu trong căn nhà này cũng là hình bóng anh, em bỗng thấy mọi thứ tựa như hơi thở của ngày hôm qua. Cái ngày hôm qua của năm năm về trước, thằng nhóc con chân ướt chân ráo lên Seoul bươn chải với đời, với dăm đồng bạc lẻ, kẹo ngậm và họa cụ chất đầy chiếc balo sờn rách. Đến mọi quán cà phê và xỏ xin được lấp đầy bốn mặt tường của họ bằng khả năng hội họa nghèo nàn của mình, em đã bắt đầu cuộc sống ngay giữa lòng thủ đô chạy vạy như thế.

Thế và, trong một đêm trở về từ quán cà phê đã rộng rãi trả thêm tiền hút khách, em bắt gặp anh, với bộ dạng bất cần như một cậu thiếu niên nổi loạn, tay lăm lăm bình xịt sơn gần cạn theo tiếng lắc mạnh, phả lên tường chi chít những bức graffiti nhức mắt. Ngây ngô và thuần túy, đó là cách em chồm hổm ngồi xuống bên cạnh và gợi chuyện anh, giọng kẻ cả của một thằng nhóc chẳng hiểu sự đời thu hút anh gần như ngay tức khắc. Rằng, nếu anh thích, chúng ta có thể cùng đi vẽ thuê ở mấy quán cà phê. Anh biết đấy, nó làm ra tiền, không bị bắt và em còn bớt vất vả hơn chút xíu.

Chỉ thế thôi, mà anh cười, cười vang, lanh lảnh đêm thâu tựa tiếng chuông gió gọi về niềm lâng lâng hạnh phúc. Những năm về sau, mỗi khi cùng ngồi trên chiếc sofa mua rẻ của đôi vợ chồng già, ôn lại kỉ niệm thuở mới quen mà khùng khục cười vì những câu chuyện của hai thằng trai ngót hai mươi mà tính như trẻ nít, em mới phát hiện rằng thật ra anh khi ấy phân nửa hứng thú với vẽ vời cũng chẳng có. Sao hồi đó em lại không nghĩ tới nhỉ, anh là sinh viên khoa sân khấu điện ảnh mà. Bản thân anh còn biết là graffiti mình vẽ xấu kinh, cho dù có được em nịnh bợ bao nhiêu lần là nó đáng yêu như chính bản thân anh vậy. Im ngay, thoại phim của anh còn không sến đến thế đâu Jungkook.

Kì thực thì, bình xịt, graffiti và cuộc chạy đua với bình minh lên chỉ là một phép thế cho những đêm thao thức nhớ về bà ở phương xa và trằn trọc vì những lời học hằn rằng anh chẳng có gì ngoài cái mã bóng bẩy được giới làm phim chú ý đến. Không bạc tiền, nhà cửa hay gia đình, anh cũng như em, một thân một mình lên Seoul học diễn, kiên cường mà trúc trắc mãi mới bước được tới đường thành danh. Một thân cây khô cằn ẩn mầm non xanh mướt mải sương sớm bận vươn mình thật cao, vẫn chẳng nề hà đỡ thêm loài én non nớt trú lại trong những ngày mỏi mệt không bay được đến miền đất hứa. Nhưng anh ơi, cành cây thì có thể đỡ hoài cánh én, nhưng chỉ cần gió bấc kéo về, én nhỏ sẽ chẳng sống đến mùa xuân.

Giống như cây phải vươn mình, én phải bay về phương nam tránh gió rét, chúng ta đơn giản là không thể thuộc về nhau. Có thể dừng chân một thoáng, say sưa đêm ngày ngắn ngủi rồi thôi, chứ chẳng thể nào trở thành thứ tình yêu kéo dài đến tận thiên thai được.

Thế nhưng, cái định luật này, có thể trời biết đất biết, ai ai cũng đều biết. Chỉ duy có én non vẫn hoài chấp niệm, hoài rụt cánh níu lại những tháng ngày bình yên bên thân cây kiêu hãnh nhựa sống. Dù cho điều đó đồng nghĩa với cái chết cứa lên từng hơi thở, đồng nghĩa với cái lạnh tê tái thấm qua lớp lông vũ mỏng manh, đồng nghĩa với sự tàn lụi chóng vánh.

Dù cho có là như vậy.

---

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro