IV.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Ngày hôm ấy, Nguyên Quân hỏi tôi phải chăng tôi đang muốn theo đuổi nghiệp viết.

_A? Sao em lại nghĩ vậy?

Tôi đã về nhà được hai hôm, dù vẫn phải mang kính bảo vệ mắt thường xuyên và chưa thể nhìn nắng lâu. Khi biến cố ập đến, tôi được chuyển xuống căn phòng nhỏ dưới tầng trệt để tiện bề đi lại, giờ đây bố mẹ đã chuẩn bị để tôi trở về lại căn phòng ngập nắng mà tôi từng ở thuở bé xíu. Có thể nói là bố mẹ đã cố gắng rất nhiều để tôi không tự cảm thấy lạ lẫm trong ngôi nhà của mình, hầu như là tất tật mọi thứ đều vẫn ở nguyên cái dáng vẻ xưa cũ của nó, như những ngày thơ bé tôi còn sáng mắt. Từ sàn nhà lát gạch nâu cánh gián, đến những hình vẽ nguệch ngoạc từ thời nảo thời nao của hai anh em tôi, tất cả đều còn ở nguyên đó, cứ như thể là bố mẹ đã để cả căn nhà này chờ đợi tôi, chờ một ngày tôi lại có thể ngắm nhìn nó một cách chân chính. Dĩ nhiên là vẫn có những thứ đã được đổi mới, dù có vẻ như bố mẹ đã cố hết sức để hạn chế việc đó, nhưng suy cho cùng người ta vẫn không thể làm thời gian đọng lại hoàn toàn trong một dòng chảy quá sức mãnh liệt giữa lòng Sài Gòn đây.

Thành thật mà nói, việc ngắm nhìn lại không gian sống từ gần hai mươi năm trước không gợi được trong tôi điều gì, bởi tôi đã quên mất nó rồi. Hay nói đúng hơn là tôi đã quên mất cái dáng vẻ của nó, quên mất những đường nét, những tương phản sáng tối, tất cả những thứ mà tôi đã đành lòng buông tay cho trôi đi mất về địa hạt của quên lãng. Tôi đã giữ cho tôi - mù - lòa và tôi - sáng - mắt - trong - quá - khứ sống ở hai cuộc đời tách biệt nhau, để phần đời của kẻ này không xâm phạm vào phần đời của kẻ khác, và tôi vẫn có thể sống mà không cần phải bám vịn vào một cõi xa vắng nào. Có lẽ đó là một cơ chế tự vệ, một công tắc ai đó đã gạt lên trong tôi khi mà tôi mất dần hy vọng về việc được sáng mắt. Cực kỳ hữu dụng, nhưng tiếc là nó không hoạt động nữa. Tôi giờ đây lại lê thân xác này về những ngày sáng mắt, nhưng lại để quên hồn mình lại cõi bóng tối kia mất rồi.

_Thì đấy đấy._Nguyên Quân hất mặt xuống quyển sổ bìa da màu xanh hải quân mà nó đã mua về cho tôi. _Anh đang viết một câu chuyện trong đó mà, đúng chứ? Một kiểu… ừm, le roman épistolaire?

_....Không phải, với cả le roman épistolaire cũng không giống như thế này.

_Sao cũng được, em cũng quên cả rồi.

_Em đã đọc nó rồi à?

Nguyên Quân nhún vai thay cho lời thừa nhận. Thằng bé lại cầm quyển sổ lên, ngắm nghía những hoa văn vẽ bằng nhũ vàng trên mặt bìa một tí, rồi lại giở ra. Một thói quen cố hữu đã hình thành từ rất lâu, nó vẫn thường giúp tôi xem lại những ghi chép của mình luôn để đảm bảo không có gì sai sót, bởi tôi không thấy được. Quân biết mọi thứ của tôi. Tất cả mọi thứ, tôi chưa từng giấu nó gì cả. Tôi cũng chẳng buồn cản nó. Có gì để mà giấu chứ?

_Tất cả luôn, cũng thú vị đấy, nhưng anh đổi giọng văn à?

_Thực ra cũng không hoàn toàn là anh viết.

_Ồ? Thế là anh chép lại ở đâu à?

Ở trong đầu anh. Tôi muốn nói với thằng bé thế. Mà cũng quả thực là vậy, những thứ chữ nghĩa này bật ra từ trong đầu tôi, trước đó tôi chưa từng đọc qua tác phẩm nào như vậy. Nhưng nó không thật sự thuộc về tôi, hay chí ít là tôi tự cảm thấy thế, nó thuộc về một người khác, một ai đó trước đây, và tôi chỉ là kẻ lén lút đọc trộm. Nếu tôi nói cho Quân những điều này, liệu nó sẽ tin tôi chăng?

_Điều đó không quan trọng đâu. Dù sao anh cũng không có ý định tự mình viết lách gì.

Nguyên Quân gật đầu, hờ hững đặt quyển sổ về chỗ cũ, và dường như những gì được viết trong đó chẳng đọng lại trong đầu thằng bé chút ấn tượng nào.

_Mà anh này._Quân nói mà chẳng nhìn sang tôi. _Đài truyền hình mới mở một văn phòng trên...ừm, Đà Lạt, sếp muốn chuyển em lên đó một thời gian.

_Ồ?

_Nhưng em từ chối rồi.

Tôi ngẩng mặt lên nhìn chằm chằm thằng bé. Tôi không còn khả năng cảm nhận được những xao động trong giọng nói của ai đó nữa, nhưng tôi biết, trong câu nói đều đều ngỡ chẳng mang theo xúc cảm gì của thằng bé còn mang một nỗi niềm khác.

_Thế… sếp em có nói gì không?

_Không. Mà kệ đi. Em ra chợ đón mẹ đây, hôm nay bố đi đánh cờ rồi.

Tôi đợi thằng bé đi khỏi, mới chậm rãi quay lại. Nắng mai xuyên qua lớp rèm mỏng tang, đánh rơi vài hạt nắng xuống mặt bàn gỗ, làm rực rỡ thêm chỗ hoa văn bằng nhũ vàng của quyển sổ. Tôi đưa tay chạm lên lớp bìa nham nhám, thử nhắm mắt lại và để cho xúc giác làm lại công việc cũ của nó. Nhưng có vẻ cơ thể tôi đã nói cho nó rằng sau này nó sẽ không cần gánh vác phần việc bị bỏ dở của mắt nữa, nên tôi đã chẳng thể cảm nhận được sự vật theo cái cách mà tôi đã từng. Cũng không thể nói là tôi thấy hụt hẫng, suy cho cùng đời tôi chẳng mấy khi neo đậu quá lâu vào một cái bến nào, việc từ mù lòa thành ra sáng mắt cao lắm cũng chỉ khiến cho tôi thấy choáng váng đôi chút.

Rồi thì tôi nhớ đến giấc mơ đó khi hẵng còn nhắm mắt. Đêm qua, nó lại đến với tôi thêm một lần nữa, khi những ấn tượng về giấc mơ đầu tiên đã dần phai nhạt đi trong tâm trí. Giống như một câu chuyện theo lối chương hồi, cuộc đời của một ai đó lại trải ra trong tôi qua những lời thì thầm rất khẽ, chuyện sau nối tiếp chuyện trước, không có lấy một hình ảnh, cũng chẳng vương chút sắc màu. Tôi thức dậy vào lúc bốn giờ sáng, tỉnh táo và nhẹ nhàng như người ta thức dậy theo giấc quen. Suốt quãng ấy, tôi vẫn cứ nằm trên giường, để mặc bản thân miên man nghĩ ngợi về giấc mơ.

Cùng một cuộc đời đó, cùng một đoạn thời gian đó, địa điểm đó, và câu chuyện của anh ta đang mở ra theo một màu sắc buồn bã hơn. Tôi không buồn cùng anh, cũng chẳng vương vào lòng chút đồng cảm mảy may nào. Giống như người ta lắng tai nghe về cuộc đời xa lạ của một người xa lạ nào đó ngồi chung băng ghế trên chuyến tàu đêm, khi bước chân xuống khỏi tàu thì tất cả những gì còn lại chỉ là một câu chuyện mà ta đã từng được nghe. Ta có thể sẽ không quên được nó, sẽ đem lòng cảm thán đôi chút cho nó, cũng có thể sẽ đem chuyện này kể lại cho một hay hai người nữa, nhưng rốt cuộc thì nó cũng chẳng ảnh hưởng gì đến đời ta, ta vẫn sẽ cứ sống như những ngày ta chưa từng biết nó. Tôi không có chút cảm xúc gì khi nghe về nỗi buồn của anh, một nỗi buồn mà tôi không biết. Tôi nghĩ về một điều khác. Tôi nhớ về những gì anh đã nói, rằng anh ghi lại tất cả chỉ để vơi bớt nỗi sợ hãi trong lòng, rằng người ta có thể làm bất cứ điều gì với câu chuyện của anh tùy ý. Anh đã dùng những dòng này như một chiếc chặn giấy vô hình, giữ cho cuộc đời anh khỏi bị gió cuốn đi, tôi đồ là vậy. Để làm được thế, anh chấp nhận để người ta xem anh như một nhân vật hư cấu, một cuộc đời ngụy tạo. Rốt cuộc thì phải lạc lối ra sao thì người ta mới có thể chấp nhận việc đời mình lại hóa thành một câu chuyện không thật được vẽ lên trên trang giấy, để rồi bị quên bẵng đi như hằng ha sa số những câu chuyện cũ khác trên thế gian này?

Nhưng không phải thế, câu chuyện đời đó có thật, và nó thuộc về chủ nhân cũ của đôi mắt này. Có lẽ khi nói ra những lời này, người ta sẽ nghĩ rằng tôi điên, tôi cũng nghĩ mình điên. Đó chỉ là một suy đoán không căn cứ của bản thân tôi, một ý nghĩ thoảng qua trong những giây đồng hồ mặt trời chưa lên. Khi nằm một mình trong bóng tối, tôi nghĩ được nhiều thứ mà tôi - khi - đối - diện - với - ánh - sáng sẽ không thể nghĩ được. Tôi nhận ra những giấc mơ tìm đến tôi ở quãng đời sau khi tôi được hiến tặng giác mạc, đôi mắt đã mang theo một phần đời của chủ nhân cũ, gửi gắm chúng vào những cơn mơ giấc ngủ của tôi, minh chứng duy nhất mà tôi có được về một con người đã từng sống trên đất này. Hẳn là anh đã chẳng thể bước qua được tuổi ba mươi, hẳn là anh đã gửi lại đời mình ở xứ sở mù sương mà anh đang tìm về đó. Anh đã cho tôi biết về sự tồn tại của anh bằng một cách riêng biệt, sự tồn tại của người đàn ông với đôi mắt xanh biếc như đại dương ngày nắng đã từng bước qua nơi này, có phải là anh nhận thấy việc để lại hồi ký thôi vẫn chưa đủ, anh muốn gửi đời mình lại cho một kẻ nào đó ngẫu nhiên, để chắc rằng thế gian sẽ không quên mất sự tồn tại của anh?

Thành thật mà nói, đây không phải là cách mà tôi muốn dùng để biết về đời anh. Tôi đã hình dung rằng mình sẽ rà tìm thông tin của anh trên một cuốn danh bạ nào đó, lấy được số điện thoại và địa chỉ cũ của anh. Tôi sẽ đến đó, đến cái không gian mà sự tồn tại của anh chỉ còn là một cụm khói nến vương lại trong không gian, ngắm nhìn nơi mà đôi mắt của mình đã từng ngắm suốt quãng đời cũ. Rồi thì tôi sẽ nghe ai đó kể lại chuyện đời anh, người thân hay bạn bè, những người thật hiểu anh và không thật hiểu anh, và cuộc đời của anh theo lối kể của từng người sẽ mang những màu sắc khác nhau, mà không màu nào trong số đó là hoàn toàn chính xác về những gì anh đã từng là. Tôi chưa bao giờ hình dung việc mình sẽ xâm phạm vào cuộc đời bí mật của anh, một địa hạt cấm kị mà bất cứ ai cũng sở hữu cho riêng mình. Tôi muốn biết anh đã sống trong một thế giới như thế nào, chứ chẳng bao giờ nghĩ đến việc anh đã sống một cuộc đời ra sao. Có lẽ tôi sẽ vui nếu đời anh tốt đẹp, sẽ hổ thẹn nếu anh là một kẻ chẳng ra sao. Tôi tự thấy mình giả dối khi đã mang thứ suy nghĩ này, nhưng suy cho cùng, làm sao tôi có thể đồng cảm được với một người mà tôi còn chẳng biết rõ tên?

Đến đây, tôi bỗng đâm mất hứng, bèn mở mắt ra. Nắng tràn vào trong tôi, dập tắt chút bóng tối còn sót lại nơi khóe mắt, làm rõ những đường viền trên khung ảnh trước mặt.

Và tôi thấy thời gian ngừng trôi.

Tôi biết tấm ảnh đó, cũng biết rằng còn rất nhiều tấm ảnh giống như vậy để khắp phòng. Tôi nhớ nụ cười đó, nụ cười đã từng nở rộ trên khuôn mặt tôi. Quãng đời này thuộc về một tôi khác trong quá khứ bảy năm trước, khi mà mọi thứ vẫn còn tươi tắn và đời tôi vẫn là một bóng đêm dịu dàng. Tôi vận một chiếc áo ấm dày, cổ quấn khăn và đôi mắt vẫn chưa có tiêu cự, đứng dưới bầu trời xanh ngăn ngắt và rừng thông bạt ngàn mỉm cười. Bên cạnh tôi, có ai đó đã dùng kéo cắt đi một bóng hình. Người đó đang quàng tay qua vai tôi, và tôi tin chắc rằng người cũng đang mỉm cười, thật hạnh phúc.

Tên của nàng là Thanh.

Nàng có một cái tên dài, nhưng tôi vẫn chỉ thích gọi nàng là Thanh. Tôi yêu cái âm điệu phát ra khi tôi gọi cái tên đó, cũng yêu cả cái yên lành tồn tại trong từng chữ cái một của Thanh. Tôi yêu nó đến nỗi tôi cứ luôn giữ mãi cái kiểu xưng hô anh và Thanh, bất kể nàng đã nhiều lần đề nghị tôi đổi sang kiểu xưng khác gần gũi hơn. Thanh, Thanh, Thanh, thuở ấy, tôi đã hạnh phúc đến nhường nào mỗi khi được bật thốt tên nàng lên. Nó là kiểu mừng vui rất đỗi hồn nhiên của con trẻ mỗi khi được phát kẹo ngon, là nỗi vui bình dị như ngày xưa anh em tôi đón mẹ đi chợ về. Ban đầu, nàng cứ mãi hờn dỗi vì tôi không thể gọi nàng bằng một danh từ nào đó ngọt ngào hơn. Nhưng nàng đâu có hiểu, đối với tôi Thanh đã là một danh từ trìu mến nhất mà cuộc đời này tôi có thể phát ra rồi.

Tôi quen Thanh trong một lần nàng đến làm tình nguyện viên tại trung tâm khiếm thị mà tôi hay lui tới. Lúc đó tôi tầm mười sáu mười bảy, cái độ tuổi mà nhiệt huyết hẵng còn sục sôi trong từng giọt máu của tôi. Lần đầu tiên gặp gỡ, Thanh đã dùng chất giọng trong veo mà nghiêm nghị, như tiếng chuông giáo đường ngân lên mỗi cuối tuần để nói với tôi rằng, tôi có một đôi mắt rất đẹp.

_Mình thật sự rất thích đôi mắt của bạn._ Nàng nói. _Sau này, khi bạn làm phẫu thuật mắt, mình có thể có mặt lúc bạn tháo băng không?

Câu hỏi của nàng khiến cho tôi ngẩn ngơ. Tôi không thể nhìn thấy gương mặt Thanh, nhưng tôi biết nàng nghiêm túc. Giọng nàng vang lên bên tai tôi, rõ ràng đến từng đợt rung cảm, giống như nàng đang đề nghị một điều gì đó thiêng liêng. Tôi bất chợt nhớ đến đứa trẻ hàng xóm mỗi khi nó giúp tôi dò đường từ đầu ngõ vào nhà. Lúc đó, giọng nó cũng trong veo mà trịnh trọng như thế này.

_Em đã là người lớn rồi, em có thể giúp được anh.

Sự tương đồng bất chợt nảy ra trong ý nghĩ đó khiến tôi phì cười. Mà cũng không chỉ như thế, tôi thấy lòng mình vui vẻ, như thể tất cả hoa cỏ trên thế gian đều nở rộ lên trong tôi lúc đó. Đấy là lần đầu tiên trong đời tôi nghe ai đó đưa ra một đề nghị lạ lùng đến thế, và tôi thấy vui, tôi cũng chẳng biết diễn tả cảm xúc khi ấy như thế nào, tôi chỉ biết rằng tôi vui lắm, thứ niềm vui đã hóa thành mùa xuân của riêng tôi suốt quãng đời ngắn ngủi đó. Có lẽ tôi đã cười quá nhiều, vì sau đó tôi nghe giọng nàng căng thẳng.

_Nếu cậu không thích th-thì thôi vậy. Coi như mình chưa từng nói gì.

_Không, nào phải như vậy!_ Tôi nghe tiếng bước chân nàng soạt xoay bước trên cỏ, đâm hốt hoảng. _Xin lỗi, mình không có cười cậu. Đây là lần đầu tiên ai đó đề nghị với mình một điều như vậy. Mình… mình thấy rất vui.

Tôi tự tạo cho nàng một khuôn mặt tưởng tượng, một khuôn mặt có mắt, mũi và miệng, một khuôn mặt không tồn tại những đường viền. Như thế, sự tồn tại của Thanh sẽ trở nên rõ ràng trong tôi, dù nàng không có một hình hài nào cụ thể. Tôi đã từng nghe về những người bạn cùng trường khác, những người chạm tay lên khuôn mặt bạn để tìm kiếm những đường nét bản thân không thể thấy, từ đó khắc họa ra hình hài cụ thể của một ai đó bằng khả năng tưởng tượng mạnh mẽ, nhưng tôi thì không làm được vậy. Tôi chỉ có thể cho người ta một bóng hình tạm bợ, với những đường viền nhòa đi trong lăng kính của bóng đêm. Tôi không dám tự mình đặt ra một tạo hình cụ thể nào, nhất là với Thanh. Mắt nàng có thể lớn, có thể nhỏ, đôi môi nàng có thể thắm đỏ, cũng có thể không. Nhưng dù thế nào đi chăng nữa, Thanh vẫn là một sự tồn tại mà tôi không thể tạm bợ bằng một hình ảnh rõ nét cụ thể nào.

_Vậy, cậu đồng ý cho mình đến đúng không?

Tôi nghe Thanh cười rộ lên mừng rỡ. Từng dòng xung cảm trong tiếng cười của nàng chảy tràn vào trái tim tôi như dòng thủy triều ấm áp. Tôi tự thấy mình hoang đường. Chúng tôi chỉ mới quen nhau chưa trọn một tuần, làm sao tôi lại có thể trao cho nàng những xúc cảm mãnh liệt đến thế?

Chúng tôi trao đổi email cho nhau sau hôm đó. Thanh có vẻ thật bất ngờ khi biết được rằng tôi cũng có thể tự mình sử dụng những thiết bị điện tử, có thể gõ phím và gửi mail. Nàng chưa tiếp xúc nhiều với thế giới của người khiếm thị, trong suy nghĩ của nàng khi đó, chúng tôi chỉ có thể tiếp cận thông tin thông qua bản tin trên ti vi và những cuốn sách nổi. Hẳn vì thế nên khi tận mắt trông thấy tôi sử dụng phần mềm hỗ trợ để viết cho nàng một bức thư, Thanh đã thích thú đến nỗi mỗi ngày đều gửi mail cho tôi để được nhận lại một bức thư "đặc biệt".

Nhưng đó đã là những câu chuyện cũ. Thanh bỏ tôi đi vào hè năm ngoái. Nàng cũng đã chẳng ở đó khi tôi tháo băng. Hình bóng nàng vĩnh viễn trở thành một ảo ảnh không có đường viền trong lòng tôi.

Tiếng chuông inh ỏi kéo tôi quay ngược trở về thì hiện tại. Quân đã để quên điện thoại của nó trong phòng tôi, và đang có ai đó gọi đến cho nó. Từ vị trí này, tôi có thể nhìn thấy chữ "Sếp" to tướng cùng hai kí hiệu đầu lâu hai bên, biệt danh mà Quân dùng để lưu tên giám đốc của nó. Tôi không có thời gian để suy nghĩ mình nên làm gì, bởi ngay sau đó, tiếng bước chân rầm rập vội vã của Quân đã vang ầm lên trên những bậc thang gỗ kẽo kẹt.

_Chạy từ từ thôi ngã bây giờ!

_Sếp gọi không nhanh để ăn cám hả anh?

Thằng bé chỉ kịp nói với tôi như vậy, rồi nhanh tay chộp lấy chiếc điện thoại để trên giường, ngồi chồm hổm ở chiếu nghỉ để mà trả lời.

Từ trên này, tôi có thể nghe loáng thoáng được nó nhắc về "Đà Lạt" và "chuyển công tác". Thằng bé nói rằng đã từ chối, nhưng từ những gì nó nói qua điện thoại, tôi biết nó vẫn nuối tiếc cơ hội này. Tôi nghĩ mình cũng đã biết cả lý do mà thằng bé từ chối không đi.

Tôi quay về bàn làm việc, ngắm nhìn chậu sen đá bé tí tẹo mà chị bác sĩ đã tặng tôi nhân ngày ra viện. Cây sen nhỏ xíu, chỉ bằng một đốt ngón tay người lớn, trồng trong cái chậu sứ, bên trên rải đầy những viên sỏi trong suốt sáng lấp lánh màu xanh dương. Tôi bỗng tự hỏi, đôi mắt cũ này của tôi giống với sắc xanh nào trong số chúng?

Khi Nguyên Quân trở lại, tôi vẫn mải miết ngắm chậu sen đá. Kể cả khi tôi nhẹ nhàng gọi tên nó, tôi vẫn chẳng tài nào rời mắt khỏi những tia sáng xanh trong ánh lên trong chậu, tựa như chị đã gắp ra những mảnh trời bé xíu, thả vào chậu cây để cho tôi.

_Quân này, lên Đà Lạt đi em.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro