III.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Đà Lạt, ngày 28 tháng 4 năm 2010

Tên tôi là Vincent.

Tôi đến từ Paris, ông ngoại tôi là người Việt Nam. Tôi là một kẻ mà, như họ vẫn thường mô tả bằng cái từ le flâneur, vẫn cứ trôi nổi từ ngày này qua ngày khác, từ con phố này qua con phố khác không theo bất cứ quy luật nào. Tôi đã sống một cuộc đời vô tổ chức, với rất nhiều diễn biến lạ lùng mà tôi không chắc là mình có muốn nó hiện diện trong đời hay không. Nhưng tôi vốn không có lựa chọn, tôi phải sống cùng với những điều lạ lùng ấy, giữa rất rất nhiều sương mù và đời thì cứ lững lờ mà trôi đi. Tôi năm nay hai mươi tám tuổi, và việc tôi còn sống qua tuổi hai mươi là một kỳ tích. Nếu tôi may mắn, kỳ tích này sẽ kéo dài đến năm tôi tám mươi tuổi. Còn nếu không thì sao? Tôi cũng chẳng biết nữa. Tôi có thể chết bất cứ lúc nào vì trái tim tôi đã thôi không còn muốn đập nữa, hoặc cuộc đời sẽ giết tôi trước khi những bó cơ tim của tôi bảo với nhau rằng chúng muốn đình công. Bác sĩ bảo rằng tôi đã có thể sống đến từng này rồi thì gần như là chắc chắn sẽ không có chuyện bệnh tình của tôi lại kịch phát khi mà tuổi đời hẵng còn mơn mởn. Dù vậy, tôi vẫn chưa bao giờ thôi lo sợ. Cái chết vẫn luôn ở bên cạnh tôi, chừng nào tôi vẫn còn thở, tôi biết là thế. Chính vì vậy, tôi muốn ghi lại những sự kiện này, vì tôi không thể biết chắc là khi nào sương mù sẽ gọi tên tôi, tôi muốn chuẩn bị thật chu toàn trong từng giây phút còn minh mẫn của mình. Ông đã nói, cuộc đời của tôi đã được định sẵn là sẽ bị lãng quên đi, còn tôi thì chưa bao giờ nghĩ mình sẽ muốn biến mất vĩnh viễn, rằng khi tôi chết đi sẽ không còn một ai biết rằng tôi đã sống. Thứ lỗi cho tôi vì đã không nói sớm hơn, nhưng tôi ghi lại những dòng này, ký thác cuộc đời mình lại cho một ai đó mà tôi không quen, hoặc là có, tôi chẳng tài nào mà biết được. Tôi không biết bạn sẽ làm gì với những ghi chép này, bạn có thể vứt nó đi, đốt nó, công khai nó, hoặc đơn giản là cất nó vào chỗ cũ và quên bặt đi việc mình từng thấy nó. Dù đó có là gì đi nữa thì nó cũng đã xảy ra sau khi tôi chết, còn giờ đây, ghi lại những dòng này khiến cho tôi cảm thấy an tâm, chí ít là vậy.

Tôi đã tìm được địa chỉ thuê trọ mới, là một căn nhà nhỏ ba tầng lầu ở đường Yersin, gần ga Đà Lạt. Căn nhà nhỏ thôi, tầng trệt dùng để mở bán sách cũ, tầng thứ hai là nơi sinh hoạt của chủ nhà, và tầng áp mái là dành cho khách thuê, dù là vậy, nó vẫn tốt hơn nhiều so với ở phòng khách sạn. Tôi không thích ở lại lâu trong những nơi tạm bợ như là nhà nghỉ hay khách sạn. Những nơi đem lại cho ta cảm giác xa lạ, một chiếc giường ngủ tạm, một căn phòng lúc nào cũng sạch sẽ quá mức khiến người ta bỗng cảm thấy không tự nhiên. Tôi dự định sẽ ở lại nơi này thật lâu, ở luôn cũng không chừng, vì thế khi người khách thuê cũ trả phòng vào cuối tuần sau, tôi sẽ chuyển về căn trọ nhỏ ấy. Ít nhất thì tôi vẫn thích cái mùi của nó, cái mùi hương xưa cũ, có chút khô hanh của những căn nhà ấm hơi người, giống như mùi trong những nhà hàng xóm mà ngày trước ông đã từng dắt tôi sang chơi.

Tôi đã phí hoài những ngày qua của mình để tìm kiếm một nơi ở, nên tôi chẳng có gì để ghi lại cho mình. Nhưng bây giờ tôi bỗng thấy buồn quá, tôi muốn viết gì đó, nên tôi sẽ viết một chút về hành trình của mình vậy.

Có nhiều lý do đã đưa chân tôi về lại cái xứ sở mù sương này. Tôi nói với bà và Celeste rằng tôi muốn tìm lại chút kỷ niệm với ông ngoại, rằng tôi muốn đến cái vùng đất mà ông đã yêu đến đau đớn ấy khi bản thân đã đủ đầy hành trang, tôi nói rằng tôi muốn hiểu ông hơn một chút. Ban đầu, bà tỏ ra hơi bất ngờ, nhưng rồi thì cũng đồng ý. Bà mang trong mình một dòng máu khác, một nỗi buồn khác, không phải nỗi buồn của những người tha hương, nên bà không thể hiểu được tình cảnh của ông ngoại tôi. Bà để tôi đi, với điều kiện tôi phải liên lạc về thường xuyên. Có lẽ bà đang nhớ đến chuyện của ông hơn mười năm trước, nhưng ở cái thời đại mà Internet phát triển này, người ta sao có thể lạc mất được nhau? Còn về phần tôi, dĩ nhiên tôi cũng muốn tìm về cái màn sương đã cuốn mất ông tôi đi, nhưng trên hết thảy, tôi đến nơi này là để tìm một ý nghĩa cho bản thân mình. Một ý nghĩa. Một điểm mốc. Một cái gì đó đang neo đậu lại thế giới này để tôi còn biết tôi là ai, để tôi biết về ý nghĩa của cuộc đời này. Nói ra thì cao siêu, nhưng tôi luôn cảm giác rằng mình sinh ra để tìm kiếm gì đó, một cái gì lạ lùng, nó nằm sâu trong những màn sương mờ đục, nó gọi tên tôi bằng những câu từ không âm thanh, từ sau ngày ông mất thì cứ mỗi ngày trôi qua lại một thôi thúc hơn. Rồi thì vào một ngày đông lạnh tê tái, tôi choàng tỉnh giữa đêm và cái ý nghĩ thứ đó đang ở trong màn sương nơi ông đã rời đi đã treo sẵn trong đầu tôi tự lúc nào.

Nghĩ vậy, tôi đến tìm thầy mình, giáo sư Hariche, giảng viên ngành Việt Nam học tại đại học Paris-Sorbonne, và cũng là cấp trên của tôi ở tòa soạn RFI. Một người chú của thầy từng là một trong những nhà nghiên cứu văn hóa đặt chân đến Việt Nam những năm mà người ta vẫn quen gọi nơi đó với cái tên là Indochine, Đông Dương, đó cũng là một trong những lý do chính khiến thầy đam mê nền văn hóa của quốc gia phương Đông đó đến vậy. Tôi trình bày sơ lược cho thầy việc tôi sẽ tạm dừng công việc của mình ở đây để đến Việt Nam lần nữa. Thầy dĩ nhiên đồng ý luôn, không những thế còn hứa sẽ giữ lại vị trí cũ của tôi trong tòa soạn cho đến khi tôi quay về.

_Thế tốt đấy, một chuyến đi khảo nghiệm thực tế sẽ tốt cho em hơn là cứ cắm mặt vào những hiện vật tạp nham mà chế độ thực dân đã mang về. Nhưng em định sẽ đi đến đâu?

_Đà Lạt ạ, thưa thầy.

Khi hỏi tôi câu đó, tôi biết thầy muốn nghe một địa danh nổi tiếng hơn, dù là về giá trị văn hóa hay lịch sử. Cái tên Đà Lạt bật ra kèm theo sự bất ngờ không buồn che giấu trên khuôn mặt điềm đạm của thầy.

_Sao lại là Đà Lạt, nơi đó chẳng phải đã quen thuộc với người Pháp chúng ta sao?_ Thầy thốt lên. _Sao không phải là Hà Nội, Sài Gòn hay Huế, không thì cũng nên là một nơi nào đó như Quảng Trị hay Bình Định chứ?

_Không đâu, thầy ạ, ông ngoại em là người Đà Lạt, và em tin rằng đằng sau lớp sương mù đó, Đà Lạt còn nhiều thứ để mà khai thác.

_Thôi được rồi. Nhưng khi rảnh em cũng nên ghé đến những địa danh kia mà xem nhé? Sẽ rất bổ ích đấy.

Và như thế, tôi đã đến Đà Lạt dưới danh nghĩa là đi khảo nghiệm thực địa.

Quay lại với hiện tại, sau khi thỏa thuận xong với chủ nhà về việc thuê phòng, tôi thấy mình nhẹ nhõm. Tôi mở tung tấm rèm nhung của khách sạn, nhìn ra ngoài cửa sổ. Trời hôm nay đầy mây, mới có sáu giờ tối mà sương đã len lỏi trong từng góc phố. Đà Lạt mùa này không có khách du lịch, nhìn xuống đường chỉ thấy lác đác bóng dáng người tan làm về muộn, hoặc vài ba người phụ nữ đi chợ chiều. Khách sạn tôi thuê nằm trong một con hẻm cỡ vừa, vì thế nó cứ vắng lặng luôn. Một nơi lý tưởng khi tôi cần tập trung hay nghỉ ngơi, nhưng cũng có những lúc nó kéo tôi chùng xuống. Một tâm trạng não nề như bầu trời đầy giông. Có tiếng chó sủa vang cả góc phố, tôi bỗng thèm nghe tiếng người qua kẻ lại, nên tôi quyết định xuống đường.

Tôi dự định sẽ đi bộ ra trung tâm thành phố, ghé vào một xe sữa đậu nành nóng ven bờ hồ Xuân Hương. Tôi sẽ ngồi ở đó ngắm cảnh thành phố, hôm nay là Chủ Nhật, ngoại trừ những người đi chơi cuối tuần thì độ chừng sáu rưỡi bảy giờ là tan lễ nhà thờ, khi ấy tôi sẽ được chứng kiến cảnh người đi lễ thong dong về nhà. Tôi nghĩ đến cảnh mình được tan lẫn vào cái bình yên đó, cố gắng xoa dịu những cảm xúc đang cuộn xoáy trong tôi.

Bờ hồ Xuân Hương hôm nay dù đang độ hạ nhưng vẫn lạnh căm. Tôi ngồi trên chiếc ghế đẩu nhỏ đặt ven bãi cỏ, kéo chặt chiếc áo lạnh lại để che cổ. Cái lạnh ở Đà Lạt chẳng thấm thía vào đâu so với cái lạnh mùa đông Paris, nhưng nó vẫn cứ khiến tôi run lên bần bật. Có lẽ khả năng chịu lạnh của tôi kém hơn tôi tưởng quá nhiều, hay là vì ở Đà Lạt có cái gì đó khác hẳn với Paris, một sự khác biệt mà tôi vẫn chưa có được cái mường tượng cụ thể. Tôi đón lấy cốc sữa trên tay chị chủ quán, khách sáo đáp lại vài câu hỏi thăm của chị, rồi đợi dòng người tan lễ ra về. Sữa đậu nành không béo như sữa bò sữa dê, lại có một mùi thơm rất đỗi đặc trưng, dường như đó là cái thơm của Đà Lạt, là cái thơm của hồ Xuân Hương một tối se lạnh. Một bầu không khí mà tôi biết mình sẽ chẳng thể tìm được nơi đâu nữa.

Có tiếng xe đỗ kịch lại. Tôi ngước nhìn lên, thấy một người đàn ông dắt theo hai đứa nhỏ mà thoạt đầu tôi cứ nghĩ là khách đến uống. Nhưng ngay sau đó, bé gái độ chừng mười tuổi lon ton chạy về phía chị chủ quán, giơ cao chiếc cặp lồng với nụ cười rạng rỡ.

_Mẹ ơi, ăn cơm!

Chị chủ quán đón lấy đứa bé bằng một nụ cười cũng rạng rỡ không kém. Chị đỡ lấy chiếc cặp lồng bằng một tay, đặt xuống ghế đẩu xanh gần đó, tay còn lại ôm trọn lấy cô bé con vào lòng. Đứa con trai nhỏ hơn cũng mon men chạy đến, suýt thì vấp chân ngã trên thềm cỏ, may mà bố nó giữ lại kịp.

_Thằng khỉ này, chạy chậm thôi chứ.

Thế là thằng bé bẽn lẽn cười xòa, cả nhà đều cười theo nó.

_Thế bác sĩ bảo sao, mình?

Chị chủ quán xoa xoa cánh tay của đứa con trai, giọng hơi run lên vì lo lắng.

_Không sao đâu, viêm amidan bị hành thôi. Nhưng tốt nhất vẫn là nên sắp xếp cho nó cắt đi.

Chị khẽ thở dài như trút được gánh nặng. Đoạn, chị cúi xuống nhìn các con, khuôn miệng mỉm cười thật duyên dáng.

_Thế mấy cục cưng của mẹ đã đói chưa nào? Lạnh như vầy, mấy đứa uống ít sữa cho ấm nhé?

Tôi chợt thấy sống mũi mình cay cay.

Một lúc sau, tôi trở về khách sạn khi chưa kịp uống hết cốc sữa đậu nành thơm ngon, chưa kịp chờ được dòng người đi lễ ra về. Tôi trở về khách sạn với nỗi buồn bất chợt ập đến, như sương mù giăng xuống.

Hai năm sau ngày được tin ông qua đời, bố mẹ tôi ly hôn.

Nếu có thể, tôi mong rằng mình không cần phải nhớ, phải nghĩ thêm gì về đoạn thời gian xám xịt ấy nữa, nhưng tôi không thể. Tôi đang ghi lại đời tôi, và quãng đời đó cũng là một phần quan trọng trong những tháng ngày mà tôi đã sống, là một bước đệm dẫn đến chuỗi sự kiện sau này của tôi, vì thế tôi phải ghi lại cho chuẩn xác, cho rõ ràng. Bởi nếu tôi thiếu đi một phần nào đó trong cái quá khứ mà tôi đã sống, thì tôi đâu còn là tôi nữa.

Sự sụp đổ ấy đến một cách âm thầm và đường đột, không có lấy một tiếng cãi vã, không có lấy một lần bất đồng. Dường như là trong một giây phút nào đó, cả bố lẫn mẹ chợt nhận ra đoạn tình cảm ngày nào đã nguội lạnh, đã trở thành vực sâu, thành bụi tro, tan mãi đi theo thời gian. Hoặc là không, không. Ôi, tôi đâu thể tự lừa dối mình như thế được. Tôi bắt đầu cảm nhận được sự khác lạ trong không khí gia đình kể từ cái ngày thư báo tử của ông được gửi đến gia đình tôi. Một sự khác lạ rất đỗi thinh lặng, khó hiểu đến mức chính tôi cũng từng ngỡ là mình chỉ đang ngộ nhận. Và tôi thật sự đã cho rằng mình chỉ ngộ nhận, cho đến tận ngày bố mẹ quyết định ly hôn.

Khi hay tin ông mất, người duy nhất rơi nước mắt có lẽ chỉ có anh em tôi. Nỗi buồn quá lớn đã ngăn không cho tôi quan sát kỹ biểu cảm của bà và mẹ lúc ấy, điều duy nhất tôi còn nhớ là từ sau hôm đó, cả bà và mẹ đều như trở thành một con người khác. Bà nom suy sụp, sự lạnh nhạt đoan trang hoàn toàn sụp đổ trong đôi mắt bà, nhường chỗ lại cho một nỗi buồn đau đến cùng cực mà tôi khi không tài nào có thể hiểu được. Còn mẹ tôi, bà như đang khoác lên mình cái dáng vẻ của bà ngoại trước đây, thờ ơ và lãnh đạm. Mẹ nhìn bà cất tất cả những đồ dùng cũ của ông vào trong rương, từ những tấm ảnh có ông, từ chiếc chăn ông đắp, cho đến cái tẩu bằng gỗ thạch nam ông hay hút, bà tất tật những thứ đã lưu lại hình bóng của ông trong căn nhà này vào một chiếc rương rồi khóa kín, bằng ánh mắt lãnh đạm. Bà gom hết tất cả những bút kí, những ghi chép của ông lại thành một đống chất đầy sau vườn, lạnh lùng châm một mồi diêm. Nhưng sau cùng, bà vẫn không làm được. Tay bà run lên từng hồi, dù đôi mắt bà nom vẫn vô hồn đến vậy. Bà cứ đứng tần ngần đó một lúc, với que diêm cháy đỏ cầm chắc trên tay, đến tận lúc ngọn lửa chỉ còn lại một cụm khói tàn. Mẹ đứng đó, chứng kiến tất cả, nhưng chẳng nói gì. Kể cả khi bà bỏ mặc đống ghi chép của ông ngoài sân rồi bỏ vào nhà, mẹ cũng chẳng buồn đả động. Kể từ ngày đó, mẹ biến thành một con người khác, khác hoàn toàn.

Mẹ hoàn toàn bỏ mặc ngôi nhà này từ thuở ấy. Bà đăng kí học nghiên cứu sinh, điều mà trước đây mẹ tôi từng từ bỏ để theo đuổi bố, và từ đó trở đi chẳng mấy khi về nhà nữa. Mẹ tôi là một nhà sinh vật học tài ba, nhưng trước đây bà đã không chọn đầu tư cho sự nghiệp, bà muốn xây dựng một gia đình êm ấm, nơi bà có đủ thời gian để cùng bố chăm nom cho các con. Nhưng đó là trước đây, giờ thì bà chẳng còn thiết tha gì gia đình êm ấm nữa. Bà bắt đầu vắng mặt trong tất cả những sự kiện từ lớn đến nhỏ trong cuộc đời của hai anh em tôi, bà vắng mặt trong ngày Celeste trình diễn trong vòng chung kết cuộc thi dương cầm, bà quên mất kỷ niệm mười lăm năm ngày cưới, và kể cả khi tôi ngã quỵ xuống vì căn bệnh tim đã đeo bám từ thuở nhỏ, bà cũng không ở đó.

Tôi nhớ lại những ngày ấy, khi tôi nằm trên chiếc giường trắng lạnh toát của bệnh viện, chiếc giường không có lấy một mùi hương thân thuộc như chiếc giường của tôi ở nhà, lần đầu tiên tôi thấm thía nỗi sợ hãi. Ca phẫu thuật diễn ra lúc tám giờ sáng, đêm hôm đó cả tôi lẫn bố đều không ngủ được. Bố ngồi cạnh tôi bên giường bệnh, đôi mắt in hằn hai quầng thâm lớn cùng những vết chân chim thỉnh thoảng lại nhìn ra ngoài hành lang sáng đèn. Bố đang đợi mẹ. Dù bố vẫn luôn phủ nhận điều đó, nhưng tôi biết bố đang đợi mẹ. Bố đã không biết tôi thức cùng ông đêm hôm đó, có lẽ là bởi tâm trí của ông vẫn đang đợi mãi một bóng hình mà ông mong cầu là sẽ đến. Trong bóng tối, tôi chợt nhận ra thời gian đã hủy hoại bố tôi khủng khiếp như thế nào. Có gì đó trong ông đã già cỗi đi, có thể là thể xác, có thể là tâm hồn, mà cũng có lẽ là cả hai.

Cũng chẳng biết qua bao lâu, có lẽ là đủ để bố nghĩ tôi ngủ rồi, ông đứng dậy và rời khỏi tôi. Tôi thì vẫn nằm im đó, mắt nhắm lại dù cõi lòng ráo hoảnh, cứ mỗi nhịp bước chân của bố rời xa đi là tim tôi lại đập mạnh hơn, đau đớn. Tôi biết bố sẽ không đi xa, ông đơn giản chỉ muốn tìm nơi nào đó để có thể trấn tĩnh lại tất tật những suy nghĩ ngổn ngang trong lòng mình, tôi biết rồi ông sẽ quay lại sớm. Nhưng những trấn an đó cũng chẳng đủ để tôi thôi run lên từng cơn vì nỗi sợ bị bỏ mặc trong bóng tối. Tôi biết rằng tôi có thể sẽ chết nếu ca phẫu thuật không thành công. Người ta nói với tôi rằng sẽ ổn thôi, nhưng tôi vẫn không tài nào xua được những suy nghĩ khủng khiếp kia ra khỏi đầu mình. Có lẽ khi phải đối diện với nhiều kết quả, con người ta sẽ có xu hướng nghĩ đến kết quả tệ hại nhất, tôi cũng không phải ngoại lệ. Khi tiếng bước chân của bố khuất hẳn đi, tôi lén lút hé mắt, nhận ra bóng đêm trong phòng đã dày đặc đến nỗi tôi cứ ngỡ như là cái chết đã kéo đến nơi đây rồi. Tôi không dám nhắm mắt lại nữa, tôi nhìn chằm chằm trần nhà đen ngòm, cố gắng làm sống động lại những giác quan để biết rằng, cuộc đời này vẫn còn đang ở lại bên tôi. Nhưng lỡ như mình thật sự không thể qua khỏi thì sao? Được một lúc, ý nghĩ đó lại bủa vây lấy tôi. Lần này, tôi cố giữ mình trấn tĩnh, tôi nhớ lại một câu nói bông đùa từ một người xa lạ mà tôi đã gặp ở hành lang bệnh viện: chỉ là chết thôi mà, ai rồi cũng sẽ chết. Ừ đấy, chết thôi mà, tôi cố ép mình nghĩ như vậy. Tôi tưởng tượng đến cảnh mình nằm trên bàn mổ, đã chìm vào cơn ngủ mê mệt do tác dụng của thuốc mê. Bác sĩ bảo thuốc mê sẽ giúp tôi ngủ ngon lành mà chẳng cảm thấy chút xíu đau đớn gì suốt quá trình phẫu thuật, rằng tất cả sẽ chỉ như một cái chớp mắt dài không mộng mị, đến khi tôi tỉnh lại thì đã không còn gì đáng lo nữa rồi. Thế thì lỡ nếu tôi chết trên bàn mổ, hẳn nó cũng sẽ không đau đớn, vì tôi có còn biết gì nữa đâu. Tôi sẽ cứ ngủ như thế và không thức dậy nữa, sẽ không đau đớn, ít nhất là vậy. Nhưng rồi tôi nghĩ đến bố, đến Celeste, đến bà, đến cả người mẹ mà tôi biết sẽ không xuất hiện nữa. Tôi không muốn chết khi đang xa rời khỏi vòng tay của họ. Tôi nghĩ đến cảnh mình nằm đó, với lồng ngực bị phanh ra, giữa những con người xa lạ đang cố cứu lấy mạng sống của tôi ấy, tôi nghĩ đến cánh cửa phòng vô trùng đóng chặt ngăn cách tôi khỏi gia đình. Nghĩ đến cảnh mình sẽ đi mất trước khi họ được biết. Tôi… tôi không nghĩ được nữa. Tôi ngồi bật dậy giữa đêm, tim đập thình thịch trong lồng ngực. Tôi không nhớ khi ấy mình có khóc không, nhưng tôi không dám nằm xuống nữa. Bóng đêm đã trở nên quá đỗi khủng khiếp và tôi chỉ mong rằng bố hãy mau chóng quay lại. Có gì đó kẹt lại trong ngực tôi. Bố ơi. Tôi không thở được. Tôi muốn đi tìm bố. Hoặc là ai đó. Tôi không còn can đảm ở một mình trong bóng tối nữa.

Có lẽ lần này nỗi hoảng sợ đã tiếp thêm sức mạnh cho tôi. Tôi trèo xuống giường, lóng ngóng tìm cách gỡ túi dịch truyền khỏi giá treo, rồi xỏ dép bước ra hành lang. Ánh sáng chiếu vào người khiến tôi cảm thấy nhẹ nhõm hơn, dù đó chỉ là ánh đèn điện. Đã hai giờ khuya, nhưng tôi không hề thấy buồn ngủ, trái lại tôi còn sợ hãi cảm giác phải nhắm mắt ngủ hơn. Dù vậy, ánh sáng lạnh lẽo của đèn led cũng không thể vỗ về trái tim run rẩy của tôi được lâu. Tôi không biết có thể dùng được từ nào để diễn tả cái cảm giác bước đi một mình giữa hành lang vắng tanh vắng ngắt, tay giơ cao chiếc túi truyền. Tôi những mong có một y tá nào đó sẽ tìm thấy tôi và dắt tôi quay về, nhưng tôi cũng thấy sợ hãi điều đó. Tôi sợ cô ấy sẽ để lại tôi trong căn phòng toàn bóng tối đó và rời đi. Nếu như vậy, hẳn là tôi sẽ chết vì những cơn ác mộng riêng của mình trước khi chết vì ca phẫu thuật tim.

Cuối dãy hành lang có lối cầu thang thoát hiểm, xuống bằng đường đó sẽ có thể đi ra khoảnh sân nhỏ trong khuôn viên bệnh viện mà không cần phải đi ngang qua phòng trực của bảo vệ. Tôi đã xuống được đến khoảnh sân đó mà không đụng mặt bất cứ ai. Một trăm năm mươi sáu bậc thang, con đường dài tới nỗi tôi đã nghĩ phải chăng nó không có điểm dừng. Trong sân bệnh viện có trồng một cây liễu rũ khổng lồ, trong đêm tối những tán liễu nom lặng thinh, như thể đang chứa đựng hàng trăm ngàn những tâm tư lớn nhỏ của bệnh nhân đang nằm lại đây, dù là còn ngủ hay đã thức. Trong vô vàn những tán cây rũ xuống ấy, liệu tán nào là đang chưa những tâm tư của tôi lúc bấy giờ?

Bố tôi ngồi trên chiếc ghế đá đặt dưới tán cây, lưng quay về phía tôi. Bố áp chặt điện thoại vào tai, đầu gục xuống, tay kia đỡ lấy trán nom như mệt mỏi. Bố cứ ngồi im lặng như thế một lúc, rồi lại hạ điện thoại xuống, bấm bấm gì đấy rồi lại áp lên tai, cứ như thế lặp đi lặp lại, như thể người mà bố muốn gọi đã quên mất việc nhấc máy, để ông cứ phải ngồi đây, chờ hoài chờ mãi những hồi chuông đã đổ đến tận cùng thời gian. Tôi không nhớ cụ thể ông đã chờ đợi những hồi chuông đó biết bao nhiêu lâu, nhưng một lúc sau, ông dường như đã kiệt sức và muốn chuyển sang phương án khác. Lần này thì đầu dây bên kia bắt máy ngay, và tôi nghe giọng ông run lên giữa đêm tối.

_Alo, mẹ ạ, Jacky vẫn chưa gọi về ạ? Vâng, vâng, sáu tiếng nữa thôi… Vâng, con cảm ơn mẹ.

_Alo, ngài LeBlanc… là tôi, Delanque, xin cho tôi biết vợ tôi Jacqueline đã trở về chưa…. Vâng, đã làm phiền ngài rồi, thật cảm ơn ngài…

Tháng trước, mẹ tôi sang Mỹ bảo vệ luận án tiến sĩ, không lâu sau đó tôi trở bệnh. Bố cuống cuồng tìm cách liên lạc với mẹ, nhưng gần như vô ích. Mẹ khóa số điện thoại và không hồi âm bất cứ email nào từ gia đình. Mẹ có một email riêng để làm việc, và chưa bao giờ chia sẻ nó cho người nhà. Trước đây là vì bà không muốn công việc ảnh hưởng đến đời tư của mình, bây giờ thì ngược lại, trớ trêu làm sao. Bố tôi liên lạc đến trường đại học của mẹ để hỏi xin phương thức liên lạc, nhưng đều bị từ chối vì cung cấp thông tin cá nhân của sinh viên ra ngoài là phạm pháp. Có một số giáo sư nghe được tình huống của gia đình tôi, đã hứa sẽ cố gắng thông báo tin này đến mẹ ngay khi có thể, điển hình là giáo sư LeBlanc mà bố vừa gọi đó. Ông nói mình đã liên lạc với giáo sư hướng dẫn của mẹ, nhưng vẫn chưa nghe được tin tức gì.

Bố không tiếp tục gọi nữa, tay cầm điện thoại của ông rũ xuống, hai bờ vai đã quá hao gầy cũng như sắp sửa sụp đổ trước những cảm xúc hỗn độn trong lòng mình.

_Tại sao vậy?_Trong đêm tối, tôi nghe giọng bố run lên. Bố đang khóc sao? _Sao lại thành ra nông nỗi này?

Tôi không nói được gì nữa, còn gì để nói nữa đây. Tôi thấy lòng mình rỗng tuếch. Tôi không còn can đảm để đến xin bố hãy ở bên cạnh tôi nữa. Tôi quay lưng trở về phòng, nhìn xuống, thấy máu đã chảy ngược lại đỏ au cả một mảng ống truyền.

Khi bố tôi đã trở lại vào quãng bốn giờ sáng, tôi đã nằm yên trên giường như vẫn đang ngủ, sẵn sàng cho bất cứ cái tương lai nào đang chờ tôi phía trước.

Tôi sống sót sau cuộc phẫu thuật đó, còn bố thì đơn phương nộp đơn ly hôn lên tòa.

Tôi sẽ không bao giờ quên được vẻ mặt của mẹ khi bà quay trở về một tuần sau đó. Ngỡ ngàng, hoang mang và chua xót. Bà nom như người vừa ngủ một giấc thật dài, thật thật dài, đến khi thức dậy thì hoàn toàn bỡ ngỡ bởi mọi thứ xung quanh. Giáo sư LeBlanc cho bố biết ngày mẹ trở về, bố đã ra tận sân bay để chờ đón mẹ, rồi chở bà thẳng đến bệnh viện nơi tôi đang nằm. Tôi không biết chuyện gì đã xảy ra với họ trên quãng đường đến đây, nhưng khi họ xuất hiện lại một lần nữa trước mặt tôi, khuôn mặt hiền lành của bố đã lạnh lẽo như một bức tượng, đôi mắt ông tối sầm lại như một hố đen sâu hoắm, lác đác đâu đó chút ít sắc xanh dịu dàng trước đây còn sót lại. Còn mẹ, bà nom bối rối, hoang mang, thậm chí xen lẫn chút tức giận. Bà mở miệng toan nói gì đó, nhưng ngay lập tức im bặt. Mọi từ ngữ đã kẹt lại sau đôi mắt mở to bàng hoàng của bà.

Bà ngoại và Celeste cũng đang ở đó. Bà có vẻ như đã hiểu ra điều gì đó, chỉ khẽ lắc đầu rồi thở dài, còn em tôi bắt đầu bối rối, em hết nhìn bố rồi lại nhìn bà, bàn tay thanh tú của nghệ sĩ dương cầm ấy siết nhẹ lấy tay tôi đầy bất an. Tôi không thể nhìn thẳng vào khung cảnh trước mắt được nữa. Khi ấy, tôi vẫn chưa hay biết gì về quyết định ly hôn của bố, nhưng nỗi thất vọng cùng cực của ông dưới gốc liễu rũ đêm đó thì tôi vẫn nhớ như in. Tôi biết mẹ đang nhìn tôi, tôi cũng biết mình đã từng khao khát ánh nhìn đó biết bao nhiêu, khi mà người ta bảo ca phẫu thuật có tỉ lệ thất bại lớn, khi tôi biết rằng dù có phẫu thuật thành công thì cũng khó lòng mà sống qua tuổi ba mươi, hay trong cái đêm không ngủ được, hay khi thuốc mê ngấm dần trong phòng mổ lạnh thấu xương. Tôi đã từng mong bà ở đây bên tôi, và giờ thì bà đã đến rồi, nhưng sao tôi chỉ còn cảm thấy một nỗi buồn thăm thẳm.

Mẹ nói rằng mẹ đã nghe việc bệnh tình tôi tái phát, nhưng không biết tôi phải làm phẫu thuật. Bà nghĩ rằng đó chỉ là một cơn tái phát nhẹ, như nhiều lần trước đây.

Dĩ nhiên rằng lý do đó không hề đủ để bố tôi nguôi đi cơn giận, hay dẹp bỏ ý định ly hôn. Khi phán quyết cuối cùng được đưa ra, mẹ tôi gần như sụp đổ ngay tại tòa. Tôi không biết chuyện gì đã khiến mẹ trở thành con người như ngày hôm nay, nhưng tôi biết đây là kết quả mà mẹ không bao giờ ngờ tới. Mẹ biết bố thương mẹ, thương gia đình này hơn bất cứ thứ gì trên đời, mẹ biết bố sẽ không bao giờ thôi yêu mẹ, vì thế mẹ ỷ lại vào cảm xúc của bố, mãi đến tận sau này tôi mới ngộ ra như thế. Tôi nhớ rằng mẹ đã ôm tôi, đã xin lỗi thật nhiều, thật nhiều. Gần như là từ sau ngày đó, câu xin lỗi chưa bao giờ rời khỏi môi bà. Bố giữ quyền nuôi nấng tôi, còn Celeste thì theo mẹ. Ai đó đã ấn nhát dao lạnh lùng xuống gia đình chúng tôi, tàn nhẫn xẻ cái mái ấm quý giá này làm hai nửa tách biệt, để vợ phải xa chồng, anh phải xa em. Lần đầu tiên tôi ngồi trong một phiên tòa, cũng là phiên tòa nhiều nước mắt nhất cuộc đời tôi đến bây giờ. Tôi không còn nhớ mình đã cảm thấy gì, có lẽ ký ức đó cũng đã bị ném vào vùng sương giăng lạnh căm như cái lần tôi được tin ông mất.

Tôi không biết rốt cuộc là điều gì đã khiến chúng tôi nên nông nỗi này, nhưng có một lần, bà nói với tôi tất cả bất hạnh đó đều từ ông mà ra.

Khi ấy, tôi đang đến thăm bà. Celeste chưa về, nhà chỉ có tôi và bà. Bà nói với tôi những lời ấy bằng chất giọng nghiêm nghị đều đều. Ông từng kể rằng bà xuất thân từ một gia đình có gốc gác quý tộc lâu đời, và cái dòng máu cao quý đó vẫn thể hiện rất rõ trong con người bà. Từ tấm lưng thẳng tắp bất chấp sức nặng thời gian, cho đến vóc dáng thanh mảnh, hay đôi mắt xám sắc và sáng như sao. Bà chưa bao giờ tỏ ra dễ gần, ngay cả với người nhà, với mẹ, với tôi, với Celeste, và với cả ông. Nhưng bà vẫn luôn yêu ông rất nhiều, ông đã nói vậy. Bà yêu ông bằng cái tình yêu chín chắn và trung kiên nhất mà một cô gái có thể có trong đời mình. Bà yêu ông sau khi đã trải qua thật nhiều cay đắng, khi cuộc đời đã dạy cho bà cách chọn lựa, và bà chọn ông. Tôi biết, bà sẽ không bao giờ vô cớ mà nói ra những lời buộc tội tàn nhẫn này.

_Ta đã suy nghĩ về việc này suốt những tháng ngày không còn ông ấy, cháu ạ._Bà nhìn thẳng vào mắt tôi mà nói. _Ta biết chuyện này có lẽ quá đỗi hoang đường với cháu, ta cũng đã từng cảm thấy như vậy. Nhưng có một số điều mà chúng ta buộc phải tin vào nó.

Bà chỉ nói thế, rồi lấy từ ngăn kéo tủ đầu giường ra một cuốn sổ bìa da màu đỏ đô. Cuốn sổ nom đã cũ lắm, chất giấy đã úa vàng đi. Tôi nhận ra cuốn sổ này, là sổ tay của ông. Sau ngần ấy tháng năm, bà đã nguôi ngoai đi phần nào cơn kích động ngày ấy, nhưng bà vẫn quyết định cho tất cả những món đồ đã ám hơi ông vào rương rồi cất ở nơi trong cùng của nhà kho, không bao giờ động đến nữa. Nhiều năm sau, có lẽ sẽ đến lúc người ta không còn biết chủ nhân của những món đồ trong rương đó là ai, và sẽ đem quẳng chúng đi như bao món đồ đã thành vô dụng khác. Vết tích ông để lại nơi đây sẽ cứ thế mà biến mất, mãi mãi.

_Ta mừng vì ta vẫn còn nhớ rõ khuôn mặt lẫn giọng nói của ông con._Khi nói những lời này, giọng bà hơi run lên. _Nhưng đồng thời, ta cũng căm ghét ông ấy vì điều đó.

Bà đưa cuốn sổ của ông cho tôi. Cuốn sổ dày, nhưng ông chỉ mới viết được cỡ một nửa. Với tôi thế là đã đủ. Thế là đã đủ để tôi hiểu ra phần nào đó những gì đã xảy tới, và cũng đủ để tôi hiểu được lý do vì sao tôi lại ở đây ngày hôm nay.

Tôi ghi lại những dòng này trong một đêm sương giăng trắng trời. Cuộc đời tôi đã, đang, và sẽ trải qua những quãng lãng quên, những lần lạc lối trong màn sương màu trắng đục. Tôi đang bước trên con đường lạ lùng, dò tìm những ý nghĩa còn sót lại của cuộc đời một con người bên dưới sương mù, và tôi sợ rằng mình rồi sẽ lạc mãi trong đó. Vì thế tôi mới phải ghi, ghi để làm dấu, ghi để mà khỏi quên.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro