IV.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

"Vậy ra, bố thằng Phương Phi cũng là bố đẻ của em? Trách sao nó hay gây sự với em như vậy. Mẹ nó cũng ghét em lắm."

"Nó ghen tị với em đấy. Mẹ nó chắc cũng ghen tị với mẹ em. Anh thấy mẹ em đẹp hơn bà đó gấp nhiều lần luôn."

Trấn Bình và Quang Bảo đi chơi sau khi câu chuyện của mẹ kết thúc. Ngày xưa, bố của Phương Phi và mẹ của Bảo yêu nhau, tình cảm của hai người có ao nước ven cổng làng làm chứng. Đó cũng là nơi mà bố Phi đã từng cứu lấy sinh mạng của mẹ Bảo. Thanh xuân của mẹ cậu đẹp như trăng rằm, nhưng cũng chẳng thiếu những gợn mây đen chằng chịt.

Năm đó tuổi của Hiền - mẹ Bảo, chị mới tròn mười tám.

Cổng làng sừng sững bên ao nước. Cái ao kể cũng lạ, quanh năm đục ngầu chẳng nhìn thấy đáy. Dân làng đồn thổi cái ao tuy nhỏ nhưng đã nuốt trôi biết bao sinh mạng trong làng, khiến ai đi qua cũng bất giác run rẩy cảnh giác. Một hôm, khi trời đã chạng vạng tối, mây đen đùn đùn kéo đến báo hiệu sắp có mưa bão. Dân làng người nào cũng mạnh ai nấy chạy, chỉ muốn nhanh chóng về nhà trước khi trời đổ cơn mưa. Đường làng trong phút chốc đã vắng tanh vắng ngắt.

Chẳng biết ma xui quỷ khiến thế nào, Hiền liêu xiêu chậm rãi đặt gánh rau xuống đất rồi mon men ra bờ ao rửa chân. Ngay lúc từng ngón chân chạm tới mặt nước ao lạnh buốt, một tia sét xé toạc bầu trời và kéo ngay theo sau một tiếng sấm rền vang khiến chị giật thót. Không giữ được thăng bằng, chị ngã ùm xuống ao. Chị biết bơi, nhưng oái oăm thay bắp chân bỗng nổi cơn chuột rút. Chị một mình vùng vẫy. Cứ ngoi lên, thụp xuống cho đến khi kiệt sức tới mức chẳng còn nhìn thấy gánh rau xanh trên bờ. Chị ngạt nước, nhịp thở càng đuối dần, chỉ muốn lịm đi.

Bỗng chị mở trừng mắt, há rộng miệng hút vào một hơi dài đến căng tràn lồng ngực. Chị đã thoát khỏi ao nước đục. Cả cơ thể ướt sũng. Đến khi định thần lại mới biết mình đang dựa vào một người khác ở sau lưng. Trời đã nhá nhem tối, chị giật mình quay đầu lại.

Trong bóng tối, một người đàn ông đang nở nụ cười. Lập tức chị lồm cồm xê dịch, tạo một khoảng cách ngắn giữa hai người. Chị biết người thanh niên này. Anh ta là con của một cặp vợ chồng khá giả trong làng. Nhà cách nhau không xa, tuy còn trẻ nhưng chị rất ít khi ló mặt ra khỏi nhà, thỉnh thoảng ngược xuôi trên đường qua lại, hai người cũng bắt gặp ánh mắt của nhau. Mãi một lúc sau, chị mới cất được tiếng:

"Sắp mưa rồi, không về à? Ra đây làm gì?"

"Để cứu người."

Hồ nước phả ra hơi sương, mặc dù quần áo ướt sũng khiến chị rét run cầm cập nhưng lòng chị lại nhem nhóm những ngọn lửa hồng ấm áp. Giọng nói trầm ấm của người thanh niên này, mới lần đầu tiên nghe đã thấy thật bình an. Chị cảm thấy ngượng, nhưng không đỏ mặt bởi cái lạnh run rẩy khiến da mặt và môi chị tím tái.

Thấy chị như vậy, người thanh niên kia chỉ biết cười trừ: "Tôi cũng ướt hết rồi. Về nhanh không cảm lạnh."

Người đó dắt tay kéo chị lên bờ. Gánh rau trên đó còn nguyên, vẫn non xanh.

"Để tôi gánh rau giúp Hiền."

Chị thoáng sững sờ bởi hai người chưa từng biết nhau, chưa từng nói chuyện mà anh ta lại biết tên của chị. Vốn dĩ đã trầm mặc ít nói, nên chị giữ im lặng, mặc cho anh ta độc thoại.

Xuất thân là con nhà giàu, có kẻ hầu người hạ, mẫu người như anh ta chắc một chiếc quần của mình cũng không phải động tay để giặt sạch chứ nói gì đến việc gánh rau của "nông dân tầm thường". Nhìn anh ta vật lộn với gánh rau, từng bước luống cuống liêu xiêu, lúc nhanh lúc chậm như đánh võng trên đường, chị run rẩy bẽn lẽn đi theo sau mà chỉ biết che miệng tủm tỉm cười.

Ngay hôm sau, chị bị sốt, nằm liệt giường không còn sức gượng dậy. Anh ta cũng đến thăm, điều đó làm chị bất ngờ, nhưng nhiều hơn cả chị bắt đầu thấy niềm vui trong hạnh phúc. Căn nhà lạnh tanh bố mẹ để lại từ lâu vẫn chỉ có một người ở, giờ có thêm hơi người, lại là đàn ông thì càng thêm ấm áp biết bao nhiêu.

"Đã đỡ mệt chưa?"

Giọng nói của anh ta vẫn trầm ấm như vậy, nhưng có vẻ đã khàn hơn trước. Chị nhận ra anh ta cũng không ngoại lệ, đã bị ốm vì cứu mình tối qua.

Chị uể oải nhổm người dậy, thều thào: "Đằng ấy nằm xuống, tôi cạo gió cho."

Chẳng nói chẳng rằng, anh ta ngay lập tức ngoan ngoãn nằm bẹp xuống giường, lấy hai tay vén áo lên tận bả vai, để lộ tấm lưng trần rắn rỏi. Chị nhìn thấy, không quen mắt nên bất giác nhíu mày.

Luống cuống với tay lấy lọ dầu gió cùng đồng xu cổ trên chiếc bàn nhỏ, chị đưa mắt nhìn ra cửa sổ rồi bắt đầu công việc cạo gió, cũng không biết có phải vì cơn sốt hay không mà mặt chị thoáng ửng hồng.

Nhiều tháng trôi qua kể từ ngày hôm đó, tình cảm của hai người không hẹn trước mà tiến triển rất nhanh. Anh ta đã từng có lần nhắc đến lễ cưới. Chị nghe vậy, e thẹn: "Ai thèm lấy mà cưới với xin." nói vậy nhưng trong lòng mừng khôn xiết vì cuối cùng cũng tìm được một bến đỗ để an phận thủ thường.

Chị sống một mình, lại thường xuyên có đàn ông lui tới, chuyện này bỗng dưng trở thành đề tài nóng từ đầu làng đến cuối làng. Tuy nhiên, chị không quan tâm. Sống cô quạnh đã lâu, lại thiếu thốn tình cảm từ nhỏ, giờ trước mắt là hạnh phúc, chị không muốn dành quá nhiều thời gian vào việc quan tâm xem miệng lưỡi thiên hạ dẻo đến mức nào. Việc anh ta thường xuyên ghé qua nhà, tới mức dần mòn lối cuối cùng cũng đến tai các bậc trưởng bối.

Họ lập tức hối thúc đứa con trai duy nhất trong nhà kết hôn với con gái của một người có chức sắc trong làng, nếu dám cãi lời thì sẽ từ mặt và lập tức đuổi ra khỏi nhà. Chị biết vấn đề này chỉ là chuyện sớm muộn mà thôi.

Vốn từ nhỏ đến lớn chẳng phải động chân động tay làm việc gì, "công tử bột" như anh ta không dám cãi lời, dù có chút bất mãn và tiếc nuối những vẫn chỉ biết cúi đầu làm theo những gì bậc trưởng bối đã sắp đặt sẵn. Chị biết chuyện, chỉ muốn anh ta đến gặp một lần cuối cùng, không cần biết anh ta sẽ nói gì, không cần anh ta sẽ rủ chị bỏ trốn khỏi làng như những câu chuyện quen thuộc đã nghe qua, chỉ là chị muốn muốn gặp cho thỏa những bức bách, cảm xúc quặn thắt không yên dồn nén trong lòng.

Nhưng anh ta không đến, cả ngày dài chị ngồi trước hiên, gục đầu vào cánh cửa cũ kĩ mà hướng ánh mắt ra ngoài ngõ nhỏ chờ đợi một hình bóng quen thuộc. Chỉ cho đến khi tiếng mối mọt đục khoét từng thớ gỗ "ken két" vang lên bên tai, chị mới sực tỉnh nhận ra trời đã nhá nhem tối, cũng chẳng hay nước mắt rơi tự bao giờ, rồi đã ráo cạn từ lúc nào. Lòng chị buồn nhưng bất lực, chỉ biết tủi thương cho phận mình vốn dĩ đã chẳng môn đăng hậu đối với người ta.

Ngày rước dâu, trong khi dân làng tấp nập ùa ra đường xem cô dâu, chú rể thì chị chỉ đứng mấp mé núp sau hàng rào được dựng lên từ những khóm cúc tần với chằng chịt những sợi dây tơ hồng vàng óng.

Dân làng cười cười nói nói chỉ trỏ cô dâu chú rể như đôi đũa lệch. Mấy bà cô già nua bàn tán các kiểu, đại loại như: "Cô dâu sao mà béo quá? Ôi dào, thằng kia lấy được con bé này, khác gì chuột sa chĩnh gạo?"

Bỗng ở đâu đó, tiếng trẻ con lao nhao hát bài đồng dao:

"Cô dâu chú rể.

Đội rế lên đầu..."

Rồi tiếng bàn tán lại rầm rì đầy lộ liễu.

Chú rể vừa lịch lãm, phong trần nhưng cô dâu lại chẳng có chút nhan sắc. Cái lông mày sắc lém sát chồng, đôi môi dày như hai con đỉa trâu tưởng chừng nhuốm đầy máu với màu son đỏ choét. Còn nữa, sao hôm nay cô ta cao thế? Lại còn lảo đảo như sắp ngã. À, mấy bà nhìn xem, đôi giày cao gót kìa. Béo ị như thế, chẳng biết cái gót giày kia có trụ vững để về tới nhà chồng không, hay là gãy giữa chừng?!

Mà kìa, chú rể cười tươi quá!?

Đại hỷ mà! Đại hỷ thì phải cười thôi!

Miệng lưỡi của người đời, thật khó lường!

Cạnh hàng rào, một người con gái với hai hàng nước mắt lăn dài. Dưới chân cô ta, đầy rẫy những đoạn dây tơ hồng bị giằng xé, những chiếc lá cúc tần đã bị bứt, bị vò nát đến tơi tả.

Ngày vui của người ta, vậy mà cô ta lại khóc, xem ra thật là quá đáng!

Cô ta vẫn cứ đứng đó, lấp ló đằng sau những sợi dây tơ hồng đan xen như mắc cửi. Nhìn đoàn rước dâu đi qua, hai hàng nước mắt vẫn không ngừng chảy. Dân làng cười, cô dâu cười, chú rể cũng cười, chỉ riêng cô ta khóc.

Chợt nghiến chặt răng, một tay cô ta vẫn nắm chặt những sợi dây tơ hồng như thể quên cả thả xuống, tay kia ôm bụng mà đau lòng, mà quặn thắt như thể bên trong đang có một sinh linh nhỏ bé đang quẫy đạp từng hồi dữ dội...

Được vài tuần sau khi kết hôn, vợ anh ta cũng bắt đầu bước vào thời kỳ ốm nghén, chị thấy vậy cũng không muốn làm ảnh hưởng đến gia đình người khác nên chỉ muốn âm thầm báo tin về đứa con trong bụng, để sau này khi nó ra đời, anh ta dành chút thời gian đến nhận và ôm nó trong lòng một lần, để nó cảm nhận được hơi ấm của một người cha. Trách nhiệm sau này, chị sẽ gánh hết, anh ta không cần phải bận tâm.

Xẩm tối hôm ấy, bên cạnh ao nước ven cổng làng, sau khi hỏi han vài câu xã giao, chị cũng nhắc tới sinh linh bé bỏng trong bụng mình. Lúc này, bụng chị ít nhiều đã lớn hơn trước, đứa bé cũng dần thành hình hài hoàn chỉnh.

Nhưng điều chị không thể ngờ tới, anh ta nhất quyết không nhận đứa bé, trái lại còn buông lời thậm tệ. Anh ta nói rằng chị đã lẳng lơ ăn nằm với người đàn ông khác trong khi hai người còn yêu nhau. Giờ anh ta kết hôn với người phụ nữ mới, vì cái bụng của mình ngày càng to ra, chị sợ hãi trước lời ra tiếng vào của hàng xóm nên ích kỷ muốn trả thù và lấy đứa bé ra để uy hiếp.

Chị nghe mà chết lặng!

Trước kia, thuở hai người còn mặn nồng, dù phận làm con gái nhưng vì tình yêu này chị đã bỏ ngoài tai tất cả điều tiếng không hay về mình. Cuộc sống là của mình, mình không sống cho bản thân thì cũng đâu có ai sống hộ, hơi đâu mà quan tâm đến việc người ta cùng nhau đồn thổi điều gì?

Chị đã không sợ, thì anh sợ cái gì mà không nhận đứa con. Chị lăng loàn, ăn nằm với người đàn không khác sao? Tâm tính của chị, chẳng phải anh đã hiểu rất rõ?

Chị thất vọng!

Trước khi rời khỏi, anh ta chẳng thèm quay đầu lại mà còn thản nhiên buông những câu nói đầy dã tâm:

"Bất luận là con của ai, chỉ cần nó chưa xuất hiện trên cõi đời này, thì cũng nên bỏ đi!"

Chị nghe thấy vậy, bất giác lấy tay che bụng mình, lập tức suy sụp hoàn toàn. Chị không thể tin trước mắt là người mình yêu thương, đã dành trọn thanh xuân không hề toan tính.

Thời gian sau đó, người thân đã không còn, chị phải tự chăm sóc cho bản thân. Cuộc sống nghèo khó, thai nhi vì thế cũng không được chăm sóc đầy đủ. Lúc sinh nở, chị gần như kiệt quệ về cả thể trạng lẫn tinh thần. Nhưng vì nghĩ đến đứa con bé bỏng đáng thương, chị lại có động lực để tiếp tục sống. Ngày đứa bé chào đời, tiếng khóc của nó vang vọng cả trạm xá cũ kĩ, vang đến tận tai người cha tệ bạc.

Chị đặt tên cho đứa bé là Bảo, lấy họ của mình. Hà Quang Bảo, cái tên này chị sẽ yêu thương nó suốt đời. Đứa con này, là bảo bối của chị, là niềm vui và lẽ sống của chị.

Thế rồi chị cứ lầm lũi mà kiếm sống, một thân một mình nuôi con trong căn nhà nhỏ bố mẹ để lại. Sống trong cùng một làng, đôi lúc chạm mặt nhau, chị và anh ta cũng dửng dưng tỏ ra không có quan hệ gì, dù trong lòng mỗi người đều mang một nỗi niềm riêng.

Về sau, có lẽ điều duy nhất người đàn ông đó làm được cho đứa con rơi của mình, là không cho "con đẻ" chửi "con rơi" là "con hoang", vừa để anh ta bảo toàn được cái tiếng là cha đẻ, cũng vừa đỡ cảm thấy áy náy, coi như chút quan tâm bù đắp đến đứa con rơi rớt.

Cái ngày Bảo bị Phương Phi đánh đến ngất xỉu phải vào trạm xá, anh ta cũng không đến thăm. Tủi thân thay con, xót xa cho phận mình, mẹ Bảo cũng chỉ nuốt nước mắt quay đi mà không thèm đến chút tiền mà vợ anh ta cho là bố thí. Một lần chị không cần đến anh ta, thì cả đời chị vẫn không cần.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro