TÂY TIẾN (MƯỜI CÂU TIẾP KHỔ 1)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

       Từ khi Adam và Eva sinh ra trong khu vườn của Chúa, con người đã có bao điều muốn gửi gắm. Kể từ khi con người cất lên tiếng gọi đầu tiên, đã có bao điều muốn tỏ bày. Tất cả những cảm xúc sâu lắng ấy đã thăng hoa cùng ngòi bút của nhà thơ Quang Dũng để tác phẩm "Tây Tiến", đặc biệt là mười câu tiếp ở khổ một nói về nỗi nhớ thiên nhiên Tây Bắc và đoàn quân Tây Tiến còn vấn vương trong trái tim biết bao bạn đọc.

"Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi

...

Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người."

     Đầu tiên là bức tranh thiên nhiên Tây Bắc vừa hùng vĩ, dữ dội, hoang sơ, vừa thơ mộng, lãng mạn, trữ tình.

   Hình ảnh núi rừng Tây Bắc hiện lên hùng vĩ hùng vĩ, dữ dội qua các địa danh. Trong đoạn đầu của "Tây Tiến" xuất hiện một loạt các địa danh như: Sài Khao, Mường Lát, Pha Luông, Mường Hịch... những địa danh ấy khiến ta liên tưởng tới một không gian phương xa, xứ lạ, đầy vẻ hoang sơ bí hiểm. 

   Sài Khao hiện thân cho hình ảnh thiên nhiên đầy khắc nghiệt. Không gian bị bao bọc bởi một màn sương mù dày đặc. Đoàn quân Tây Tiến như bị chìm khuất trong màn sương ấy.

"Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi"

Động từ "lấp" thanh trắc khiến ta liên tưởng đến màn sương hiện lên như một trở lực có sức nặng ngăn cản mạnh mẽ bước chân hành quân của người lính nơi đây.

 Mạch cảm xúc trong hồn thơ Quang Dũng tiếp tục nhớ về thiên nhiên trên những chặng đường chiến đấu với hình ảnh con đường hành quân đầy gập ghềnh, trắc trở:

"Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm"

Câu thơ đã tái hiện được địa hình hiểm trở với những dốc núi gồ ghề, cheo leo. Các từ láy "khúc khuỷu", "thăm thẳm" với những thanh trắc liên tiếp đã diễn tả được sự khó khăn của những bước đường hành binh đầy núi non. Sự hiểm trở dữ dội của núi rừng Tây Bắc khiến ta nhớ tới câu thơ của Lí Bạch trong bài "Đường Thục khó đi":

"Đường Thục khó đi, khó hơn cả lên trời xanh."

Hay câu thơ của Đoàn Thị Điểm:

"Hình khe thế núi gần xa

Đứt thôi lại nối, thấp đà lại cao."

Điệp từ "dốc" nằm ở vị trí mở đầu câu thơ đã tô đậm được những dốc núi trùng điệp như những thử thách mà người lính phải trải qua. Câu thơ phần lớn là thanh trắc (5/7) vừa gợi tả được sự gập ghềnh, hiểm trở vừa tạo nên một giọng thơ rất đặc biệt, mang hơi thở hổn hển, mệt nhọc, nặng nề của những người lính sau một chặng đường vượt dốc đầy gian lao.

"Heo hút cồn mây súng ngửi trời"

Từ láy "heo hút" được dùng rất độc đáo. Thông thường nó được sử dụng chỉ không gian xa vắng. Ở đây, tác giả dùng nó để nhấn mạnh, tô đậm chiều cao, một độ cao đến mức rợn ngợp, hút cả tầm mắt. Câu thơ có hình ảnh rất sáng tạo - "cồn mây". Những đỉnh núi cao được bao phủ bởi những đám mây chồng chất, xếp lớp giống như những cồn mây giữa lưng chừng trời. Hình ảnh "súng ngửi trời" diễn tả độ cao một cách rất đặc biệt, rất lính. Những người lính đứng trên đỉnh núi cao chon von, mũi súng chạm tới bầu trời. Câu thơ khiến ta liên tưởng tới một hình ảnh rất đẹp, rất lãng mạn trong bài thơ "Đồng chí" của Chính Hữu: "Đầu súng trăng treo"

"Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống"

Câu thơ vừa gợi tả độ cao, độ sâu của con dốc: cao đến heo hút và sâu đến thăm thẳm. Điệp ngữ "ngàn thước" được láy lại hai lần trong một câu thơ có tác dụng làm nổi bật độ dài của những con đường hành quân xa tít tắp. Nhịp điệu câu thơ được bẻ làm đôi một cách đột ngột trong sự tương phản đối lập đã diễn tả được cảnh những con dốc vút lên cao rồi bất ngờ đổ ập xuống như thẳng đứng. Với câu thơ này, người đọc dường như được chơi một trò bập bênh đến chóng mặt.

 Cảnh tượng chiến trường đâu chỉ có đèo cao, cồn mây, dốc thẳm, đâu chỉ có mưa ngàn, muỗi rừng vắt núi mà còn có biết bao thử thách của rừng thiêng tự ngàn đời mang cái vẻ hoang sơ và bí mật, hùng vĩ và oai nghiêm:

"Chiều chiều oai linh thác gầm thét

Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người"

Sự hiểm trở dữ dội của núi rừng Tây Bắc không chỉ mở ra theo chiều không gian mà còn gợi lên theo chiều thời gian. Thời gian ở những thời điểm "chiều chiều", "đêm đêm" chứa biết bao sự huyền bí, đe dọa khủng khiếp đối với con người. Khi bóng đêm bao phủ, lan tỏa, rừng đại ngàn bỗng trở nên đầy bí mật, ẩn chứa biết bao mối hiểm nguy. Có thể nói, màn đêm và bóng tối chính là kẻ đồng lõa với thiên nhiên mà thử thách con người. Sự bí hiểm của đại ngàn còn được miêu tả qua những âm thanh ám ảnh, ấn tượng nhất là "oai linh thác gầm thét". Bằng lối nhân cách hóa "thác gầm thét", Quang Dũng đã khiến những con thác hiện lên như những con thủy quái đầy hung bạo, dữ dội, sẵn sàng ăn tươi nuốt sống những người chúng bắt gặp. Trong cảm nhận của thi nhân, âm thanh của tiếng thác chính là oai linh của đại ngàn đang đe dọa, đùa giỡn với tính mệnh con người. Trên một không gian mệnh mông của chốn đại ngàn, từ Pha Luông đến Mường Hịch hoang vu, cái chết đang rình rập đe dọa thể hiện qua hình ảnh "cọp trêu người". Cọp là chúa tể, là biểu tượng cho sức mạnh của rừng xanh, qua ngòi bút Quang Dũng, hiện lên đầy ám ảnh. Hai chữ "Mường Hịch" gợi lên một địa danh, chữ "Hịch" với dấu nặng đọc lên nghe như tiếng bước chân nặng nề của cọp rình người trong đêm khuya. Bằng những nét vẽ bạo khỏe, gân guốc, Quang Dũng đã dựng lên một bức tranh thiên nhiên hùng vĩ, dữ dội, đầy bí hiểm.

   Ngoài ra, bức tranh núi rừng Tây Bắc còn mĩ lệ, thơ mộng và rất đỗi trữ tình:

"Mường Lát hoa về trong đêm hơi"

 Bằng những nét vẽ thoáng nhẹ, Quang Dũng đã gợi lên được chất thơ của cảnh vật. Cảnh núi rừng hiện thực mà huyền ảo. Câu thơ có hai cách hiểu: một là, người lính Tây Tiến hành quân giữa một rừng hoa với hương thơm ngào ngạt. Hương hoa như bao trùm, lan tỏa khắp không gian khiến họ cảm nhận như linh hồn của nó đang phảng phất, đang bầu bạn trên con đường hành quân đầy gian khổ. Hai là, những người lính trên bước đường hành binh trong đêm tối tay cầm những bó ruốc rực lên như những bó hoa lửa cảm giác như họ đang hành quân trong lễ hội hoa đăng. Hình ảnh đó thật huyền ảo, lãng mạn, khiến cho núi rừng Tây Bắc trở nên đầy thơ mộng, trữ tình.

"Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi"

Câu thơ toàn thanh bằng, phần lớn là âm tiết mở. Tất cả tạo nên một giọng thơ êm ái, du dương, ngân vang. Diễn tả được hình ảnh một bình nguyên trải rộng, bằng phẳng với những mái nhà ẩn hiện, thấp thoáng sau màn mưa mờ ảo. Cảnh hiện lên bình dị nhưng không kém phần thi vị, mộng mơ. Bằng những nét vẽ mềm mại, Quang Dũng đã khiến bức tranh thiên nhiên Tây Bắc trở nên dịu mát, huyền ảo và rất đỗi trữ tình.

     Ngoài hình ảnh núi rừng, mười câu tiếp còn thể hiện bức tranh người lính Tây Tiến chiến đấu vô cùng vất vả dũng cảm, kiêu hùng nhưng tâm hồn vẫn bay bổng, lãng mạn, lạc quan, yêu đời.

"Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi

Mường Lát hoa về trong đêm hơi"

Hai câu thơ tái hiện hình ảnh những người lính Tây Tiến hành quân trong đêm khuya, những bước chân mệt mỏi vì bị sương mù bao phủ. Câu thơ đã thể hiện lại một cách chân thực sự gian khổ, vất vả của những anh bộ đội cụ Hồ.

 Tuy nhiên, nó cũng đem tới cho người đọc một sự bất ngờ đầy thú vị về vẻ đẹp tâm hồn của họ: "hoa về trong đêm hơi". Dù mệt mỏi song những người lính trẻ vẫn có những cuộc vượt ngục tinh thần đầy ngoạn mục, vẫn có những phút giây thăng hoa để cảm nhận được nét thi vị, trữ tình mộng mơ của thiên nhiên Tây Bắc. Họ không chỉ cảm nhận được vẻ đẹp mà còn cảm thấu được linh hồn của hương hoa đang bảng lảng khắp không gian đồng hành cùng với các chiến sĩ trên những bước đường xa. Bên cạnh đó, câu thơ còn gợi lên cách hiểu khác: hành quân trong đêm sâu, họ hình dung những bó đuốc trên tay như những bó hoa lửa rực rỡ, lộng lẫy, thắp sáng cả rừng già, xua tan đi bóng đêm giá lạnh cùng với sự mệt mỏi.

"Heo hút cồn mây súng ngửi trời"

 Câu thơ diễn tả sự tinh nghịch, hóm hỉnh, hồn nhiên đầy lạc quan yêu đời của những chàng lính trẻ. Hành quân trên đỉnh núi cao, mũi súng như chạm tới bầu trời, được hình dung như sự âu yếm, tình tứ của những chàng trai và nàng tiên xinh đẹp. Hình ảnh "súng ngửi trời" vừa diễn tả được niềm tự hào, sự tếu táo vừa khắc họa được vẻ đẹp kiêu hùng và tầm cao của những chiến binh Tây Tiến. Tư thế của người chiến sĩ ngang tàng như sánh ngang cùng trời đất. 

"Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi"

 Câu thơ không chỉ tả cảnh mà còn thể hiện tâm hồn đầy lãng mạn, bay bổng của những người lính trẻ. Trên những chặng đường hành quân vất vả với những ngọn núi, con dốc hiểm trở, người lính vẫn thả hồn mình, phóng tầm mắt ra xa để giao hòa với thiên nhiên, để cảm nhận được bức tranh núi rừng mĩ lệ, trữ tình. Giọng thơ đầy êm ái, ngân vang, điệu hồn say mê náo nức, thích thú của người lính trước cảnh sắc nên thơ ấy.

"Anh bạn dãi dầu không bước nữa

Gục lên súng mũ bỏ quên đời."

 Hai câu thơ miêu tả sự hi sinh, mất mát, sự gian khó mà người lính phải trải qua trên con đường ra trận. Như chúng ta đã biết, người lính Tây Tiến phải sống và chiến đấu trong hoàn cảnh vô cùng gian khổ, thiếu thốn, thiên nhiên dữ dội, bí hiểm, bệnh tật hoành hành. Tính mạng của họ không chỉ bị đe dọa bởi hòn đạn mũi tên mà còn bởi căn bệnh sốt rét quái ác. Tác giả ghi lại những cái chết bất ngờ, đột ngột, của những người lính Tây Tiến. Ở đây Quang Dũng đã không né tránh việc khắc họa hiện thực khốc liệt của cuộc chiến tranh. Tuy nhiên bằng cách nói giảm, nói tránh "không bước nữa", "bỏ quên đời" tác giả đã làm vơi đi nỗi bi thương. Cách diễn đạt đó khiến người đọc hình dung ra những chàng trai trẻ hoàn toàn thanh thản và nhẹ nhõm khi trở về với đất mẹ. Cái chết của họ nhẹ tựa lông hồng, không một chút nuối tiếc, xót xa. Điều đáng trân trọng hơn nữa là dù hi sinh, họ vẫn ở trong tư thế của đội hình đánh giặc. Quang Dũng giúp người đọc hình dung được hoàn cảnh sống, chiến đấu đầy khó nhọc, hi sinh của đoàn binh Tây Tiến. Đồng thời tác giả cũng đã làm nổi bật được tinh thần lạc quan, vẻ đẹp hào hoa, kiêu dũng của họ.

     Đoạn trích thể hiện bút pháp tài hoa của Quang Dũng bằng văn pháp lãng mạn kết hợp nhuần nhuyễn với tả thực. Trong đó nhà thơ sử dụng thành công thủ pháp tương phản, vừa táo bạo gân guốc, vừa mềm mại tinh tế. Ngôn ngữ thơ giàu nhạc tính, giàu chất tạo hình; giọng thơ tha thiết, thấm đượm cảm xúc hoài niệm, nhớ nhung. Thi sĩ đã phối hợp rất linh hoạt thanh điệu bằng - trắc, sử dụng nhuần nhuyễn những từ láy gợi hình. Khổ thơ đã vẽ ra được một bức tranh thiên nhiên hùng vĩ, hoang vu, dữ dội, bí hiểm nhưng cũng rất thơ mộng, trữ tình của núi rừng Tây Bắc. Trên phông nền thiên nhiên tác giả ngợi ca vẻ đẹp của người lính Tây Tiến ngang tàng, kiên dũng và lãng mạn. Qua đoạn thơ, người đọc thấy được nỗi nhớ da diết mãnh liệt cũng như sự gắn bó sâu nặng của tác giả đối với thiên nhiên Tây Bắc, với đồng đội Tây Tiến. Vẻ đẹp của chiến sĩ Tây Tiến là hiện thân của vẻ đẹp người lính cụ Hồ thời chống Pháp.

       Sáng tạo văn chương nghệ thuật trước hết là một hành động nhận thức về sự vật, về con người, đời sống xã hội và cả chính bản thân mình. Muốn sáng tạo phải nhận thức, phải hiểu biết. Bằng vốn sống phong phú, nhà thơ Quang Dũng đã tạo nên những dòng bút đầy cái tôi nghệ thuật cá tính, sáng tạo qua tác phẩm "Tây Tiến". Tác phẩm đã cho thấy hình tượng người lính Tây Tiến trên cái nền cảnh thiên nhiên núi rừng miền Tây Bắc hùng vĩ, dữ dội và mĩ lệ. Hình ảnh bộ đội Tây Tiến mang vẻ đẹp lãng mạn, đậm chất bi tráng sẽ còn có sức hấp dẫn lâu dài đối với người đọc.









Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#văn12