VIỆT BẮC (KHỔ 6)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

      Tố Hữu là nhà thơ chính trị, là lá cờ đầu của thơ ca cách mạng Việt Nam. Dù những tác phẩm của ông thường viết về Đảng, về cách mạng hay chiến tranh nhưng thơ Tố Hữu không hề khô khan, cứng nhắc mà luôn tha thiết và thấm đẫm tình người. Đúng như Chế Lan Viên từng nói: "Thơ Tố Hữu là thơ cách mạng chứ không phải thơ tình yêu... nhưng thơ anh là thơ của một tình nhân, anh nói các vấn đề bằng trái tim của một người say đắm". Trong đó, Việt Bắc là một trong những đỉnh cao thơ Tố Hữu, cũng là một trong những thi phẩm xuất sắc của Việt Nam thời kháng chiến chống Pháp. Tố Hữu đã xây dựng nên một bài thơ nói về tình nghĩa đối với quê hương cách mạng, là tiếng nói tình cảm, tình yêu đối với quê hương, đất nước, đối với nhân dân. Đặc biệt, khổ sáu là bức tranh tứ bình về thiên nhiên và con người Việt Bắc được Tố Hữu miêu tả bằng ngòi bút trữ tình đặc sắc.

"Ta về, mình có nhớ ta

...

Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung."

"Ta về mình có nhớ ta

Ta về ta nhớ những hoa cùng người."

      Mở đầu đoạn thơ, người ra đi hỏi người ở lại "Ta về mình có nhớ ta". Câu thơ có hình thức như một câu hỏi nhưng không cần câu trả lời. Hỏi chỉ là cái cớ để người ra đi bộc lộ nỗi lòng da diết của mình, nỗi nhớ khôn nguôi về thiên nhiên và con người Việt Bắc. Hai câu thơ mang âm hưởng của ca dao giao duyên. Trong ca dao "ta" - "mình" là chỉ tình cảm cá nhân, tình yêu đôi lứa. Ở đây, "ta" được hiểu là người cán bộ kháng chiến, còn "mình" là người anh em Việt Bắc. Mỗi bước ta về, người cán bộ cách mạng lại mang theo nỗi nhớ người ở lại. Nhớ về hoa là nhớ về thiên nhiên, nhớ về người là nhớ đến đồng bào Việt Bắc giàu ân tình thủy chung.

"Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi 

Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng."

   Giọng thơ nhẹ nhàng da diết, mang đậm màu sắc dân tộc, có sự giao thoa kì diệu của thơm nhạc, họa, ngôn ngữ mang vẻ đẹp vừa cổ kính vừa hiện đại. Tám câu thơ đẹp như một bộ tranh tứ bình gắn với bốn mùa: xuân, hạ, thu, đông. Mỗi mùa mang một sắc đẹp riêng rất đặc trưng. Khi nói đến tranh tứ bình, đây là loại tranh phổ biến của thiên nhiên kí họa cổ điển. Ta thường bắt gặp tranh tứ bình về thiên nhiên, con người hay con vật. Những bức họa ấy thường miêu tả đối tượng một cách toàn diện. Tố Hữu đã vẽ tranh tứ bình bằng thơ. Những bức tranh gói ghém những rung động, những cảm xúc sâu lắng của lòng mình. Đến với bức tranh mùa đông, thiên nhiên trong bức tranh đa sắc màu có màu xanh tràn trề sức sống, bao phủ cả núi rừng. Màu xanh ấy cũng gợi ra sự lạnh lẽo của thiên nhiên khi đông về. Trên cái nền xanh bạt ngàn ấy, những bông hoa chuối "nở đỏ tươi". Màu đỏ là gam màu nóng đem lại sự ấm áp như xóa đi cái lạnh ngàn năm nơi rừng già, xóa tan cái rợn ngợp, hoang vu của chốn rừng núi khiến thiên nhiên trở nên có hồn hơn. Sắc đỏ tươi ấy gieo vào lòng người niềm vui, niềm tin. Từ đó, ta thấy được thiên nhiên hùng vĩ, tràn trề sức sống, ấm áp và tươi vui. Trên cái nền thiên nhiên ấy, hình ảnh con người xuất hiện qua ngòi bút của nhà thơ như một ống kính của người nghệ sĩ nhiếp ảnh đã chụp được khoảnh khắc thần thái nhất của con người gắn với công việc lao động thường ngày. Chân dung người đi rừng trong một tư thế, vóc dáng khỏe mạnh, hiên ngang, làm chủ cuộc đời. Hình ảnh "dao gài thắt lưng" là hình ảnh quen thuộc với công việc phát nương làm rẫy. Người Việt Bắc họ làm ra những sản phẩm lúa, ngô, khoai, sắn để nuôi gia đình, nuôi cán bộ kháng chiến. Từ trên đỉnh núi cao hùng vĩ, ánh nắng mùa đông nhẹ nhàng chiếu vào con dao dắt ngang thắt lưng của người đi rừng tạo ánh sáng lóe lên. Hình ảnh đó còn gợi được vẻ khỏe khoắn, tự tin của người lao động. Trước thiên nhiên hùng vĩ rộng lớn, con người không cô đơn, nhỏ bé. Và rồi thiên nhiên và con người hiện lên trong bức tranh mùa đông thật tinh tế sống động.

   Khác hẳn với bức tranh mùa đông, bức tranh mùa xuân mở đầu có sự định vị về thời gian:

"Ngày xuân mơ nở trắng rừng

Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang."

Ngập tràn trong không gian của núi non Việt Bắc khi mùa xuân về là màu trắng của hoa mơ gợi sự dịu dàng, tinh khiết với hương thơm nhẹ nhàng làm say đắm lòng người. Động từ "nở" đứng giữa dòng thơ gợi sự căng tràn của sức xuân, cụm từ "trắng rừng" khiến ta liên tưởng đến sắc trắng của hoa mơ như lan tỏa khắp núi rừng Việt Bắc, mang vẻ đẹp đậm đà. Trong bài thơ "Theo chân Bác", Tố Hữu cũng đã viết về sắc màu của hoa mơ trong sáng mùa xuân Bác trở về đất nước sau ba mươi năm hoạt động cách mạng ở nước ngoài:

"Ôi sáng hôm nay xuân bốn mốt

Trắng rừng biên giới nở hoa mơ

Bác về im lặng con chim hót

Thánh thót bờ lau vui ngẩn ngơ."

Từ đó, ta thấy thiên nhiên mang vẻ đẹp đầy trong sáng, bình dị mà rất đỗi trữ tình. Giữa không gian quyến rũ, lãng mạn thơ mộng ấy, hình ảnh con người Việt Bắc hiện lên thật đẹp. Con người gắn với công việc lao động giản đơn, bình thường là "đan nón" với những hành động tỉ mỉ cẩn thận "chuốt từng sợi giang". Hai động từ xuất hiện trong câu thơ "đan", "chuốt" gợi chân dung người lao động cần mẫn, chịu thương chịu khó với đôi bàn tay khéo léo của người nghệ nhân đan nón. Họ đang làm ra những chiếc nón đẹp đem đến cho cuộc đời đồng thời lưu giữ và phát huy những giá trị văn hóa tinh thần. 

   Nếu như ngòi bút của nhà thơ Tố Hữu đã vẽ nên hai bức tranh mùa đông, mùa xuân với những gam màu khác nhau thì đến với bức tranh mùa hè, người đọc sẽ cảm nhận được vẻ đẹp của thiên nhiên nơi đây với sắc màu và âm thanh rộn rã:

"Ve kêu rừng phách đổ vàng

Nhớ cô em gái hái măng một mình."

Ngập tràn trong không gian núi rừng Việt Bắc là màu vàng của hoa phách. Bức tranh mùa hè không chỉ có đường nét màu sắc mà còn có cả thanh âm. Khi tiếng ve rộn rã sôi động, khi "bản nhạc" mùa hè được đánh lên với những âm thanh râm ran khiến cả khu rừng trở nên tưng bừng. Những nụ hoa phách ẩn mình dưới tán lá cũng đồng loạt bung cánh nở tạo nên sắc hoa huy hoàng làm cả khu rừng như bừng sáng. Động từ "đổ" gợi sự luân chuyển nhanh chóng, đột ngột, bất ngờ, gợi màu vàng tươi, ấm no hạnh phúc như đang tuôn trào phủ kín cánh rừng. Trên cái nền thiên nhiên ấy, con người lao động xuất hiện với công việc cần mẫn là "hái măng". Hình ảnh cô thôn nữ khiến cho bức tranh trở nên ấm áp trữ tình, lãng mạn và quyến rũ. Vẻ đẹp của cô gái là vẻ đẹp của người dân lao động chịu thương chịu khó, lam lũ, vất vả với công việc hái măng một mình. Dù chỉ một mình nơi không gian núi rừng rộng lớn nhưng cô gái không hề đơn độc, lẻ loi vì đã có thiên nhiên làm bạn. Từ đó, bức tranh mùa hè đẹp hài hòa giữa đường nét, màu sắc, âm thanh với con người chịu thương chịu khó, lạc quan, yêu đời.

   Khép lại bộ tranh tứ bình là mùa thu nơi núi rừng Việt Bắc, chúng ta sẽ cảm nhận được vẻ đẹp của con người và thiên nhiên nơi đây:

"Rừng thu trăng rọi hòa bình

Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung."

Mùa thu ở đây khác với mùa thu trong thơ ca truyền thống, nó không mang vẻ u buồn, tàn phai héo úa mà mang màu sắc riêng của thơ ca cách mạng. Mùa thu gắn với những sự kiện cách mạng của dân tộc. Trong lòng người ra đi, nỗi nhớ Việt Bắc trải dài cả thời gian và không gian gắn với hình thiên nhiên và con người. Nếu những câu thơ trên viết về thiên nhiên, con người khi đông đến, xuân qua, hè tới thì khép lại bức tranh là hình ảnh thiên nhiên thu về với đêm trăng lung linh, huyền ảo, dịu êm nơi núi rừng Việt Bắc. Trăng vốn đã đẹp, trăng mùa thu ở đây càng đẹp hơn bởi đây là mùa thu đất nước được độc lập, là đêm trăng thu thanh bình, yên ả gợi cuộc sống yên vui. Đoạn thơ khép lại là tiếng hát của con người Việt Bắc với âm thanh trong trẻo, ngân nga để lại nỗi niềm nhớ thương trong lòng người ra đi. Đại từ phiếm chỉ "ai" chính là để chỉ con người Việt Bắc. Tiếng hát con người Việt Bắc là tiếng hát giao duyên nghĩa tình như thắt buộc lòng người ra đi, gợi nhớ gợi thương. Tiếng hát thủy chung ân tình ấy như nhắn nhủ bao điều ẩn chứa khát vọng mong ngày trở lại của người cán bộ kháng chiến. Từ đó, ta thấy được một bức tranh mùa thu đẹp, lãng mạn, giàu giá trị nhân văn sâu sắc cùng con người Việt Bắc luôn lạc quan, ân tình, thủy chung với cách mạng.

   Đoạn thơ thể hiện rõ màu sắc dân tộc qua nghệ thuật và nội dung. Thành công của đoạn thơ là nhờ vào một số thủ pháp nghệ thuật như sử dụng thể thơ lục bát truyền thống đạt chuẩn mực cổ điển, đại từ "mình" - "ta" của ca dao, nhiều biện pháp tu từ quen thuộc. Hình ảnh thơ bình dị, gần gũi cùng giọng thơ nhẹ nhàng, ngọt ngào, tha thiết tâm tình dễ đi vào lòng người. Đoạn thơ vẽ ra bộ tranh tứ bình đẹp, hấp dẫn về thiên nhiên và con người Việt Bắc đều lung linh, rạng rỡ thể hiện tấm lòng tha thiết của nhà thơ dành cho thiên nhiên và con người Việt Bắc. Đó cũng là đạo lí "uống nước nhớ nguồn".

      "Thơ là đi giữa nhạc và ý. Rơi vào vực ý, thơ rất ăn sâu nhưng dễ khô khan. Rơi vào vực nhạc dễ say đắm lòng người nhưng nông cạn. Tố Hữu là nhà thơ giữ thế quân bình giữa hai lưu vực ấy. Thơ của anh vừa ru người trong nhạc, thức người trong ý." (Chế Lan Viên). Tình yêu quê hương, đất nước cùng với nỗi niềm người dân Việt Bắc đã tạo nên một áng thơ đầy cảm xúc sâu lắng, khiến ai đọc qua cũng phải xao xuyến, bồi hồi. Bài thơ là một tác phẩm xuất sắc của Tố Hữu trong sự nghiệp thơ ca cách mạng và là một tiếng ca bất hủ trong lòng người yêu thơ ca Việt Nam.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#văn12