1. Ý nghĩa của Giải thoát

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Người ta chỉ đặt vấn đề giải thoát khi họ ý thức được sự ràng buộc và đau khổ mà mình phải chịu đựng. Nhưng không dễ gì con người ý thức được sự ràng buộc và đau khổ đang tồn tại từng giây phút của cuộc sống hiện hữu này. Đôi khi rơi vào nghịch cảnh khó chịu, con người cảm thấy cuộc đời có đau khổ. Nhưng khi đạt được vài ước nguyện như ý, họ vẫn cảm thấy cuộc đời còn nhiều hạnh phúc. Và mục đích của con người là suốt đời "tránh né đau khổ và tìm kiếm hạnh phúc". Để thực hiện cho bằng được sự nghiệp "tránh khổ tìm vui", mồ hôi và máu của mọi người đã thấm đầy lòng đất. 

Cái đau khổ mà con người phải sợ hãi tránh né mãi đó là đói khát, bệnh tật, xấu xí, nghèo khổ, tai nạn, bị ghét bỏ,địa vị thấp, mong ước không toại nguyện, tình yêu đổ vỡ, xa cách người thương, gần gũi kẻ oán, căng thẳng thần kinh, sống trong môi trường không hợp ý, chiến tranh, bị kỳ thị, cô độc... Ngược lại với vô số điều trên là ý nghĩ hạnh phúc mà con người khát khao tìm kiếm đó là no đủ, khoẻ mạnh, đẹp đẽ, giàu sang... 

Nếu xét kỹ, chúng ta thấy rõ sự tránh khổ tìm vui của con người chỉ lẩn quẩn trong không gian vật lý. 

Họ chưa tìm thấy sự nhiệm mầu của không gian tâm linh và càng không biết gì về Bản Thể Tuyệt Đối. Tất cả mục đích của con người trong không gian vật lý đều phải chịu sự chi phối của luật Nghiệp Báo. Một người đã gây nghiệp nghèo khổ thì không thể nào cảm nhận được cái sung sướng của sự giàu sang. Một người đã gây nghiệp đối xử kỳ thị thì bắt buộc phải chịu sự bất bình đẳng trở lại. Nếu không tin hiểu luật Nghiệp Báo để bắt đầu gây những nhân lành, con người sẽ vĩnh viễn chịu nhiều đau khổ hơn nữa. Chỉ khi nào họ tin hiểu Nghiệp Báo, rồi từng bước tích lũy phước thiện, về sau, họ sẽ gặp nhiều may mắn dễ chịu. 

Ở đây, luật Nghiệp Báo là chìa khóa mở ra cho họ con đường bằng phẳng êm ả để họ đi lang thang trong luân hồi sinh tử bớt đau khổ hơn, có vẻ thoải mái hơn. 

Tuy nhiên, họ chỉ vẫn lẩn quẩn trong không gian vật lý, rong ruỗi trong luân hồi, và cái chấp ngã sâu kín trong vô thức còn nguyên vẹn. Một khi chấp ngã chưa hết, sự phân biệt thương ghét là điều tồn tại, chắc chắn họ vẫn còn phạm sai lầm, còn gây nghiệp bất thiện và vẫn phải đối diện với đau khổ ở mai sau. 

Thế nên, với luật Nghiệp Báo, con người mong muốn tạo thật nhiều thiện nghiệp để tránh khổ tìm vui là điều không thật sự bứng hết cội rễ của sự đau khổ, không thật sự đạt được sự toàn thiện tối thượng, không thật sự an trụ trong niềm vui vĩnh hằng tuyệt đối. 

Cần phải có một con đường khác hơn, siêu việt hơn, cao thượng hơn để đưa con người thoát khỏi trò đùa sinh tử, thoát khỏi ngã chấp nhỏ hẹp, thể nhập vào Bản Thể Tuyệt Đối với sự cảm ứng vô biên cùng vạn hữu. Tuy nhiên, ý nghĩa của Bản Thể Tuyệt Đối quá cao siêu trừu tượng, vượt ngoài khả năng diễn tả của ngôn từ và ý tưởng, khó có thể hấp dẫn được đa số mọi người khi mà họ chỉ đủ sức cảm nhận được những trò vui tạm bợ của khoái cảm thế gian. Một ly rượu nồng, một mái ấm đêm đông, một gia tài đồ sộ, một địa vị cao sang, một cuộc vui nghiêng ngửa... có vẻ cụ thể hơn, dễ dàng đạt tới hơn. Còn sự siêu thoát thanh tịnh mênh mông, không hình tượng, không phân biệt, chỉ còn có trí tuệ vô hạn, lòng đại bi vô biên, sức cảm ứng phủ trùm của Bản Thể Tuyệt Đối vẫn là cái gì xa lạ đối với mọi người. 

Chỉ có những kẻ có căn lành nhiều đời, hôm nay tâm họ có cái "trực cảm" tế nhị sâu sắc, tuy chưa chứng được Bản Thể Tuyệt Đối, nhưng họ đã cơ hồ cảm nhận được, tin tưởng được, và âm thầm khát khao sự chứng đạt viên mãn về Bản Thể Tuyệt Đối đó. Giữa thế gian dày đặc con người này, có được bao nhiêu người có cái "trực cảm" mẫn tiệp kia để có thể chuẩn bị cuộc đời mình đi về một hướng khác, một hướng ra khỏi không gian vật lý nặng nề, ra khỏi không gian tâm linh chủ quan và thể nhập vào tuyệt đối? 

Chỉ những con người có cái trực cảm sâu sắc đó mới có thể ý thức được sự ràng buộc và đau khổ đang hiện hữu trên thế gian này, cũng như chỉ những ai đã từng trông thấy bầu trời tự do mới ý thức được cái nhà tù chật hẹp mà mình đang bị giam giữ. 

Người ta mê mười đồng vì không biết có cái một triệu đồng. Người ta quay cuồng trong các trò vui giả tạm vì không biết cái hạnh phúc vô biên của TUYỆT ĐỐI. Khổ nỗi, không có ngôn từ để diễn tả được cái hạnh phúc chân thật của Bản Thể Tuyệt Đối. Buổi đầu, Đức Phật cũng tránh nói nhiều đến Bản Thể Tuyệt Đối này. Ngài chỉ cho thấy bản chất của thế gian là đau khổ (khổ đế). Nhưng làm sao cho mọi người ý thức được sâu sắc cái bản chất ràng buộc và đau khổ của thế gian thì đòi hỏi phải có sự so sánh, cũng như chỉ khi đặt màu trắng bên cạnh, người ta mới thấy rõ hơn màu đen. Cũng vậy, khi muốn cho con người thấy rõ sự đau khổ và ràng buộc thì phải so sánh với Bản Thể Tuyệt Đối vốn thênh thang, thanh tịnh, giải thoát, vĩnh hằng. Các kinh điển Đại Thừa về sau đã bổ túc lý luận của Đạo Phật bằng cách đã diễn tả nhiều về tính chất của Bản Thể giải thoát, và gọi bằng nhiều tên như Phật tánh, Chơn tâm, Pháp thân... Khi các tính chất ưu việt của Bản Thể Tuyệt Đối được tuyên thuyết giảng rộng, mọi người bỗng cảm thấy những cái mà mình đang nắm giữ, ham muốn như tiền tài, danh lợi, yêu đương... thật là lố bịch, nhỏ nhoi, tạm bợ, và chỉ là đau khổ triền miên không lối thoát. 

Từ đó, trong lòng họ nhen nhúm một sự khát khao giải thoát ! 

Tuy nhiên, sự giải thoát viên mãn, nghĩa là thể nhập hoàn toàn vào Bản Thể Tuyệt Đối, vượt khỏi không gian vật lý và không gian tâm linh là điều cực kỳ khó khăn. Không phải ai cũng đủ PHƯỚC, đủ dũng lực, đủ phương pháp để đạt đến. Đa số những người tu hành đi tìm giải thoát cũng chỉ đạt được giải thoát một phần nào đó mà thôi. Rất ít người đến được giải thoát viên mãn.
Ví dụ, do biết tu hành, một người trước kia có một nhân cách kém cỏi, nay đã trở nên cao cả. Thay vì nhỏ mọn, ích kỷ, họ dễ rộng rãi bố thí, dễ tha thứ hơn; thay vì hay nổi nóng, họ dễ trầm tĩnh hơn; thay vì hay xúc động, họ dễ bình thản hơn. Tâm từ bi của người này được tăng trưởng. Họ biết xem nhẹ của cải vật chất và biết quý trọng những giá trị tinh thần. Người như vậy cũng là đã giải thoát được khỏi nhân cách kém cỏi. 

Hoặc một người, do biết tu hành, nên chấp ngã mỏng nhẹ. Họ ít cố chấp ý kiến của mình, thường biết sống thuận theo ý kiến của mọi người, giống như lời bày tỏ của tôn giả Anuruddha :
"Con không sống bằng tâm của con mà con sống bằng tâm của huynh đệ" 

Họ không còn thấy mình là quan trọng, không còn thấy ý kiến của mình là giá trị. Và hạnh phúc cao cả mà họ tìm thấy là sự vô ngã thanh tịnh. Những kẻ hiếu động, thích tranh đấu, ắt là sẽ phê phán thái độ thụ động kỳ lạ này. Tại sao phải sống theo ý người khác? Tại sao chấp nhận sự ức hiếp? Tại sao không đầu tranh cho quyền lợi của mình ? Ở đây không có câu trả lời thừa thải cho kẻ không có chiều sâu tu tập. Chỉ những ai đã khổ công tu hành thiền định, tâm đượïc thanh tịnh rỗnh rang mới thấy được cái hạnh phúc quý giá của đời sống vô ngã tùy thuận theo tâm của mọi người. Người như vậy là đã giải thoát được một phần ngã chấp. 

Hoặc một người, do biết tu hành nên có cái nhìn minh triết sâu thẳm, thấy rõ cả vạn hữu như trò huyễn hóa hư vô. Cả sự hiện diện bản thân họ cũng đều là trò chiêm bao mộng ảo. Họ vẫn sống bình thường như mọi người, vẫn bình thản làm các bổn phận của mình, vẫn nhìn thấy rõ luật Nghiệp Báo sinh hóa vô tận, nhưng vẫn thấy tất cả là ảo ảnh không thật có. Do đạt được cái nhìn minh triết cùng cực nhu vậy nên tâm người này rời khỏi mọi cố chấp, phiền muộn âu lo, luôn luôn đạt được trạng thái tỉnh giác, thanh tịnh (chánh niệm). Người như vậy là đã giải thoát được một phần chấp trước. 

Hoặc một người, do biết tinh tấn thiền định đúng phương pháp (chúng tôi xin nhấn mạnh đúng phương pháp, vì sai phương pháp rất nguy hiểm)nên tâm được an trụ, không mộng tưởng suy nghĩ lang thang. Họ hưởng được trạng thái hỷ lạc của nội tâm an tịnh. Người như vậy là đã giải thoát được một phần tâm thức loạn động. 

Hoặc một người do biết tu tập, nhiếp tâm vào định sâu thẳm, vượt khỏi ý thức ràng buộc với không gian vật lý, nhập được vô thức của không gian tâm linh, và có thể khởi thần thông tác dụng theo ý muốn. Họ có thể phân thân, khinh thân, tàng hình, tiên tri, chữa bệnh, thấu thị, thần nhỉ... Họ có thể phá vỡ các quy luật vật lý khách quan và thực hiện thần thông theo ý muốn chủ quan của mình. Người như vậy là đã giải thoát khỏi tâm ý thức, đã đạt được tâm vô thức. Tuy nhiên, ở đây vãn chưa phải là giải thoát viên mãn vì "Vô thức là hang ổ của ngã chấp". Họ chưa ra khỏi hang ổ của ngã chấp, chưa đạt được Bản Thể Tuyệt Đối ! 

Cần phải tiến lên một bước nữa là vượt khỏi tâm Vô thức, vượt khỏi không gian tâm linh chủ quan và hòa nhập vào Bản Thể Tuyệt Đối, trở thành duy nhất với toàn thể vạn hữu. Ở đây, bản ngã hoàn toàn biến mất, cái biết nhỏ hẹp được thay thế bằng cái cảm ứng vô lượng vô biên.
Nhiều người lầm tưởng rằng trạng thái Niết Bàn của Phật giáo là tịch diệt, hư vô, có vẻ khô khan buồn tẻ, và cho rằng đạo Phật là thụ động tiêu cực chỉ đi tim cái trống vắng.

Thật ra nơi Bản Thể Tuyệt Đối, tận cùng của cái Không là vô cùng của cái Có. Ngay nơi cái thanh tịnh tuyệt đối cũng là cái cảm ứng trùm không gian, vượt thời gian. Vì đã giải thoát, đã thể nhập Bản Thể Tuyệt Đối thì "dường như" không còn là chính mình nữa mà đã trở thành toàn thể vũ trụ, đã trở thành từng hạt bụi nhỏ, từng chiếc lá rơi, đã trở thành mây trời, gió mát, đã trở thành các tinh tú lấp lánh, thành vạn hữu vô biên. 

Nơi cái nhìn của không gian vật lý, một hòn gạch đặt ở bên này và một con kiến đang bò bên kia dường như ít có tương tác với nhau, chúng có vẻ rời rạc riêng rẻ. Nhưng nơi Bản Thể Tuyệt Đối, tất cả đều chung đồng trong cái thanh tịnh, trong cái cảm ứng và vẫn không lẫn lộn với nhau. Tất cả đều mầu nhiệm và tràn đầy sáng tạo. 

Chỉ những người may mắn có được cái Trực cảm kỳ diệu, dù chưa thực sự chứng ngộ, vẫn mơ hồ cảm nhận được tính chất siêu việt, tuyệt vời của Bản Thể. Chỉ những con người như thế mới xuất hiện từ bên trong niềm khát khao giải thoát, mới ý thức rõ rệt tính chất tạm bợ, giả dối, đau khổ, phù ảo của thế gian cháy bỏng này. 

Đối với những người như thế, các trò vui ngây ngất của thế gian không lừa gạt được họ. Tất cả những gì làm cho tâm hồn xao động đều là đau khổ dù đó là xao động buồn hay xao động vui. Chỉ có nội tâm thanh thản bình an mới thật là hạnh phúc. Một lời khen làm ta sung sướng, một sự thành công làm ta hớn hở...Những cái xao động sung sướng, hớn hở như thế đều là bất an, đều là bình đẳng như những cái xao động buồn bã thất vọng, 

Kẻ phàm phu sợ hãi cái xao động buồn bã để đi tìm cái xao động hớn hở. Nhưng đối với người đã ý thức sự cao cả của GIẢI THOÁT, cả hai loại xao động đó đều là ràng buộc, đều là đau khổ.
Đức Phật, một người đã hoàn toàn giải thoát, đã tuyên dương ca ngợi sự giải thoát và kêu gọi mọi người hướng về một mục đích cao cả cuối cùng. Dù là một ông vua, một kẻ ăn mày, ai cũng phải lang thang mãi trong luân hồi sinh tử. Rồi trong vô số kiếp tiếp nối đó, có chắc chúng ta sẽ giữ mãi được đạo đức ban đầu ? Có chắc chúng ta sẽ không gây ác nghiệp ? Mà một khi ác nghiệp đã sinh ra thì nẻo đường luân hồi thật chông gai mờ mịt vì quả báo khổ sẽ đến. 

Chỉ có sự giải thoát mới thật sự là mục tiêu cuối cùng của chúng ta. Nơi ý nghĩa giải thoát này, chấp ngã hoàn toàn tan biến, tâm đại bi thương yêu mọi người hiển lộ. Còn ngôn ngữ nào có thể diễn ta chõ cao siêu vi diệu này, ngoài sự tu chứng đích thực của chúng ta?

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro