2. Công đức quá khứ

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Hai người bạn cùng đi nghe giảng Thiền, nhưng một người thờ ơ nghe xong rồi bỏ đi, còn một người bỗng cảm thấy khát khao mãnh liệt, muốn đi tìm chứng ngộ đích thực của Thiền. Hai tâm trạng khác nhau này phát sinh từ hai nghiệp nhân khác nhau trong quá khứ.

Một nghiệp nhân được chú ý nhiều nhất là sự KÍNH TRỌNG bậc giác ngộ.
Theo luật Nghiệp Báo, khi ta khởi tâm kính trọng một nhân cách nào, về sau nơi chúng ta xuất hiện một nhân cách tương tự.Nếu trong một tiền kiếp xa xưa, chúng ta đã từng găp gỡ một vị Thánh Giác ngộ, rồi chúng ta khởi tâm kính trọng, cúng dường, đảnh lễ, tán thán. Thế là hạt giống giải thoát Giác ngộ đã rơi vào DÒNG NGHIỆP của chúng ta. Chúng ta đã có mầm mống của SỰ GIÁC NGỘ tiềm ẩn. Chính cái hạt giống Bồ-đề này đã âm thầm thôi thúc chúng ta làm nên nhiều chuyện kỳ diệu.

Người xưa vẫn nói: "Kính Thầy mới được làm Thầy" cũng là ý này. Có chân thành kính trọng bậc Giải thoát, chúng ta mới đủ PHƯỚC để trở thánh bậc Giải thoát. Thiếu sự kính trọng này, không bao giờ chúng ta đủ phước để trở thành kẻ giác ngộ. Rất nhiều câu chuyện trong kinh Bổn Sanh, Trưởng Lão Tăng Kệ, đều ca ngợi một vị ALaHán, do biết cung kính cúng dường các Đức Phật quá khứ, nên đời này được chứng đạo quả vô lậu.
Có những người khi nghe đến sự tu chứng cũng rất là ham thích, cũng nỗ lực tinh tấn, dụng công tu hành, nhưng không có kết quả hoặc có kết quả rất ít. Lý do đơn giản chỉ vì họ không đủ phước để làm một vị Thánh. Không phải ai trên đời này cũng đã gieo đủ duyên phước để làm Thánh. Có người gieo đã đủ, có người còn thiếu. Một khi phước chưa đủ thì đường tu hành của chúng ta gặp nhiều trở ngại .

Trong câu chuyện kể về Trưởng lão Losaka Tissa, kinh nói : "Như ngọn đèn ở trong chiếc ghè, điều kiện để trở thành ALaHán cháy đỏ trong tim của đứa bé " nghĩa là dù đứa bé phải chịu nhiều gian nan cực khổ, nhưng phước để làm một vị ALaHán đã đầy đủ. Sau khi trả xong Nghiệp Báo cũ, đứa bé sẽ chứng ALaHán dễ dàng ( Kinh Bổn Sanh ) và trở thành trưởng lão Losaka Tissa.
Tuy nhiên, để đủ gọi là sự KÍNH TRỌNG, nó phải được thể hiện ra những hành vi cụ thể sau đây : Đảnh lễ, cúng duờng, tán thán và làm theo lời dạy đối với vị Thánh đó.

Chúng ta quỳ xuống dưới chân của một bậc giải thoát, dâng trọn tâm hồn mình, đầu ta cúi sát đất để biểu lộ rằng chúng ta vô cùng nhỏ bé kém cỏi, còn vị chân sư thì vòi vọi như núi cao biển rộng bởi tâm chứng huyền nhiẹâm sâu xa. Trong giây phút thiêng liêng đó, cái ngã mạn tự cao âm thầm bên trong bị lay động dữ dội bởi vì chúng ta ý thức được sự thấp kém của mình, bởi vì trước chúng ta là một con người cao cả sáng chói như ánh mặt trời rực rỡ.

Nếu trong vô lượng kiếp về trước, đã một lần chúng ta được cúi mình đảnh lễ một Đức Phật, một vị ALaHán với trọn lòng kính tin như thế, nghĩa là chúng ta đã tự có một chút phước để làm một vị Thánh đời sau. Dĩ nhiên, đây mới chỉ là nhân ban đầu. Cần phải có rất nhiều công đức khác mới đủ hình thành sự nghiệp giải thoát một cách viên mãn.

Thứ hai, do lòng kính trọng quý mến vị Thánh, chúng ta đã tìm cách cúng dường giúp đỡ về đời sống để cho vị Thánh đó không phải bận rộn về vấn đề sinh kế. Như vậy, ngài có thể có nhiều thì giờ để giáo hóa mọi người. Do sự cúng dường của chúng ta mà nhiều mọi người khác được lợi ích. Cái phước này tích lũy thêm cho kết quả làm thánh của chúng ta về sau. Hơn nữa, sự cúng dường cho một vị thánh luôn luôn tạo thành kết quả muôn vạn lần. Bậc thánh như một miếng ruộng mầu mỡ. Ai gieo một sẽ hưởng gấp bội lần. Vì sao ? Bởi vì từng giây phút trong cuộc sống, các ngài luôn luôn sống bằng nội tâm bình an, thanh tịnh, từ bi và trí tuệ. Một ngày của các ngài là một ngày tràn đầy tự lợi và lợi tha, khác với kẻ phàm phu tầm thường sống qua từng ngày với tham lam thù hận, không lợi mình cũng không lợi người. Do từ bi, chúng ta có thể giúp đỡ một người qua cơn khó khăn túng thiếu. Tuy nhiên, với tính chất công bình của luật Nghiệp Báo, sự giúp đỡ cho một kẻ phàm phu không bao giờ đem lại phước báo giống như đối với một vị thánh. Nếu trong tiền kiếp chúng ta đã một lần cúng dường cho bậc chân tu đạt đạo thì chúng ta có thể yên trí rằng vĩnh viễn nhiều kiếp sau chúng ta không bao giờ gặp phải cảnh đói kém nữa.

Thứ ba, là sự tán thán bậc Thánh. Trên bình diện Nghiệp Báo, khi chúng ta khen ngợi ai về điều nào, về sau chúng ta cũng thành tựu ưu điểm giống như vậy. Nếu chúng hay ca ngợi vẻ đẹp của người láng giềng, lòng vị tha của người bạn cũ, sự đoan chánh của cô gái đầu ngõ, thì sau này những tính chất đó tập trung đầy đủ nơi chúng ta . Do tính chất này nên khi chúng ta ca ngợi bậc Thánh về sự giác ngộ nội tâm, lòng từ bi vô hạn, sức trí tuệ ngời sáng, thì về sau những yếu tố đó hội đủ nơi chúng ta. Hơn nữa, do sự ca ngợi này mà nhiều người được biết đến bậc chân sư cao cả, họ tìm đến học hỏi và được lợi ich lớn lao. Sự tán thán của chúng ta khiến cho nhiều mọi người được gặp gỡ chân lý. Cái phước này thật là lớn lao không thể tính kể.

Thông thường, do lòng đố kỵ và ích kỷ, chúng ta ít chịu chấp nhận cái hay của người khác. Người khác được nổi bật làm cho chúng ta lu mờ. Chúng ta khó chịu trước ưu điểm của người và dễ dàng thờ ơ phớt lờ coi như không biết. Ngược lại, một chút khuyết điểm của người cũng dễ dàng bị chúng ta phát hiện. Chúng ta vui mừng khi tìm thấy khuyết điểm của người, vì người khác bị lu mờ làm cho chúng ta có cảm tưởng còn lại mình là kẻ nổi bật. Do tâm lý vị kỷ đó chi phối nên chúng ta dễ dàng rơi vào lỗi " tán kỷ, hủy tha " (chê người, khen mình ).
Để vượt khỏi lỗi lầm này, chúng ta cần phải xoay quan điểm lại, hãy cố gắng nhìn thấy ưu điểm của người để ca ngợi hơn là cứ bươi móc khuyết điểm của người, chúng ta sẽ thấy tình thương yêu được phát triển nhiều hơn. Chúng ta sẽ yêu thương mọi người nhiều hơn trước.

Nếu đối với nhiều người bình thường xung quanh mà chúng ta còn có thể tìm ra cái hay để ca ngợi , thì đối với bậc thánh giải thoát, sự ca ngợi đó còn cảm hứng biết dường nào. Đôi khi sự cảm hứng đó kết thành những vần thơ, những khúc nhạc tuyệt diệu lưu truyền đến muôn đời. Công đức tán thán như thế thật là vô biên vô lượng. Người nào biết ca ngợi bậc thánh bằng sự rung cảm chân thành đủ sức kết thành tác phẩm nghệ thuật độc đáo và truyền sự rung cảm đó qua vô số mọi người, quả báo dành cho họ là đời đời nổi danh lừng lẫy, tiếng tốt đồn xa, dù có chết đi vẫn được mọi người nhắc nhở.

Thứ tư, là làm theo lời dạy. Tất cả những công đức ban đầu như đảnh lễ, cúng dường, tán thán chỉ là chuẩn bị cho công đức thứ tư, làm theo lời dạy. Rõ ràng không thể gọi là sự kính trọng nếu chúng ta chưa thực hành theo sự hướng dẫn của bậc chân sư. Con đường đi đến giải thoát viên mãn thật là trừu tượng, tế nhị và phức tạp. Nếu không nhờ vào sự hướng dẫn của một chân sư đầy kinh nghiệm, hầu như chúng ta không thể tự mình đi đến mục đích. Chỉ trừ những người đủ phước độc giác, họ có duyên từ nhiều đời khiến cho đời này không nhờ Thầy vẫn có thể chứng ngộ. Mặc dù ở kiếp cuối cùng không có thầy, kỳ thật, nhiều kiếp trước họ vẫn siêng năng học hỏi với một bậc chân sư nào đó rồi. Họ đã tích lũy đầy đủ mọi công đức để được giải thoát. Đời này dù không có Thầy bên cạnh, kết quả vẫn phải xuất hiện, họ vẫn đạt được giác ngộ giải thoát.
Làm theo lời dạy của thầy bao hàm ý nghĩa là cố gắng thực hành tu tập để đạt được trình độ tâm chứng thực sự, không đứng kẹt mãi trên kiến giải và lý luận. Tuy nhiên, có hai cực đoan cần nên tránh.

Một là, nô lệ hoàn toàn vào kinh nghiệm của Thầy. Công đức, nhân duyên và thể tạng của Thầy không giống như đệ tử. Đôi khi một phương pháp thích hợp với Thầy lại không thích hợp cho đệ tử. Đây là một sự thật mà ai có trải qua đều nhận thấy. 

Hai là, quá chủ quan vào những sáng kiến của riêng mình mà bỏ qua hoàn toàn phương pháp căn bản của Thầy. Đây cũng là bệnh ngã mạn thầm kín. Vị Thầy thật sự đạt đạo thì nhất định có một pháp môn độc đáo. Trên căn bản đó, pháp môn đó là đúng. Sự chối bỏ hoàn toàn đường đi của Thầy cũng đồng nghĩa chối bỏ kết quả của Thầy, người đệ tử sẽ lạc vào sai lầm nghiêm trrọng. 

Làm theo lời dạy của thầy nghĩa là tinh tấn tu tập dựa vào pháp môn căn bản của Thầy và vận dụng khéo léo với thể tạng, nhân duyên và công đức của riêng mình. Đó là trung đạo.
Trong trường hợp một vị Thầy cực kỳ sáng suốt sẽ khéo léo hướng dẫn uyển chuyển từng đệ tử riêng biệt mặc dù vẫn dựa vào một đường lối chung. Vị Thầy như vậy không lấy kinh nghiệm của riêng mình áp đặt cho đệ tử mà biết quan sát căn cơ, thể tạng của từng đệ tử để chỉ dạy thích hợp. Gặp được một vị Thầy như vậy, thật là hạnh ngộ lớn cho chúng ta.

Nếu trong quá khứ, chúng ta đã từng gặp một vị chân sư đạt đạo và đã thực hiện đầy đủ bốn công đức: đảnh lễ, cúng dường, tán thán và làm theo lời dạy, xuất phát từ sự kính trọng cao tột, chắc chắn kết quả giác ngộ cũng gần kề đâu đây. 

Một công đức khác được đề cập đến là, nếu từ những kiếp quá khứ, chúng ta đã từng giúp đỡ cho những VỊ CHUYÊN TU THIỀN ĐỊNH, chúng ta đã xây thất, tiếp cơm, bảo vệ những vị chuyên tu không bị khách quấy rầy... khiến họ yên tâm rảnh rang nhiếp tâm vào thiền định. Công đức đó vô cùng lớn lao khiến cho sau này khi chúng ta bắt đầu tọa thiền sẽ nhanh chóng vào sâu trong chánh định. 

Đôi khi chúng ta phải nói rằng quả thật thiền định cũng đòi hỏi năng khiếu bẫm sinh như những bộ môn khác. Ai không có năng khiếu, không có đam mê sẽ không thành công trong việc tu tập thiền định. Tuy nhiên năng khiếu ở đây chính là phước từ quá khứ. Ai đã từng giúp đỡ những vị chuyên tu, người đó sẽ dễ dàng nhiếp tâm vào định. Ngược lại, nếu trong quá khứ chúng ta đã từng gây bất an cho kẻ khác bằng cách gây náo loạn, gây chiến tranh, hạ nhục, gây đau khổ... thì quả báo là tâm ta luôn bị bất an, khó nhiếp vào định. Vì thế, một người tin hiểu Nghiệp Báo sẽ sống dè dặt, tránh gây bất an cho kẻ khác dù với một lời nói nhỏ nhặt. Họ sẽ sống với phương châm:
"Vào rừng không khua lá,
vào nước không dậy sóng".
Họ không để cho kẻ khác bận tâm về mình. Họ hiện diện đấy mà như chưa hề có mặt.

Đa số mọi người thích được chú ý, thích nỗi bật nên thường "quậy" lên một cái gì đó. Nhưng điều này bất lợi cho những ai muốn đi tìm công đức giải thoát. Làm cho kẻ khác bận tâm, ta sẽ bị quả báo bất an, khó nhiếp vào định. 

Hãy giữ cho mọi người được yên tĩnh tức là tránh cho chúng ta cái quả báo bất an. Một tiệm nước mở máy nhạc inh ỏi suốt ngày gây ồn ào cho hàng xóm. Một cuộc cãi lộn làm náo động cả khu vực. Một tên cướp gây án làm điên đầu những nhân viên điều tra... Vô số nghiệp nhân gây căng thẳng bất an cho mọi người mà chúng ta vẫn gây ra hằng ngày nhưng chúng ta không thấy hậu quả về sau khiến tâm ta luôn luôn bị dằn vặt, căng thẳng, làm trở ngại cho công trình tu tập thiền định .

Ngoài việc tránh gây bất an cho mọi người, chúng ta còn phải giúp cho mọi người tìm được thanh thản trong tâm hồn bằng cách khuyến hóa, khuyên bảo họ thực hành tu tập thiền định. Thêm được một người nghe lời chúng ta tu tập thiền định tức là chúng ta thêm được một số phước rất lớn. Nếu suốt đời chúng ta đã khuyên bảo rất nhiều người thực hành thiền định, phước chúng ta vô cùng lớn, có thể tác thành những kết quả tu chứng rất vi diệu ở mai sau.

Tuy nhiên, thù thắng hơn cả vẫn là công đức ủng hộ người chuyên tu. Trong công việc này, chúng ta phải xây dựng am thất, cung cấp vật thực đều đặn và bảo vệ họ thoát khỏi sự quấy rầy bên ngoài. Quả báo của công đức này được viên mãn trên nhiều phương diện. Thứ nhất là quả báo vật chất sung mãn vì chúng ta đã tốn công của để xây dựng am thất và cung dưỡng vật thực thường xuyên. Sự giàu sang ở những kiếp sau là điều không tránh khỏi. Thứ hai, là quả báo an ổn vì chúng ta đã bảo vệ người chuyên tu khỏi những xao động bên ngoài. Suốt nhiều kiếp sống về sau cuộc đời chúng ta luôn luôn bình an không bị sóng gió. Quả báo cuối cùng là tâm chứng trong thiền định. Sự thành công của những vị được chúng ta ủng hộ sẽ trở thành sự thành công của chính chúng ta ở vị lai. Họ đắc định sâu chừng nào, chúng ta cũng sẽ đắc định bằng hoặc hơn như thế.

Đa số các Phật tử ngày nay chỉ tạo phước hời hợt ở bên ngoài. Họ chỉ gây được những cái phước để tạo thành sắc đẹp, tài sản, nhà cửa, danh vọng cho kiếp sau. Họ không biết ủng hộ những người chuyên tu để tạo thành công đức giải thoát cho chính họ ở mai sau.

Chúng ta mong ước nhiều thiền viện chuyên tu được thành lập, trong đó có thanh quy nghiêm túc, hợp lý, có các tu sĩ quyết chí cầu giải thoát, có đường lối tu tập minh bạch rõ ràng phù hợp với Phật pháp và khoa học. Những thiền viện chuyên tu như thế mới thật là phước điền cho mọi người gieo trồng căn lành giải thoát. Ngôi chùa có thể bị tàn hoại theo thời gian, hình tượng có thể bị hư mục theo năm tháng và công đức của người tô đắp cũng theo đó mà biến mất. Nhưng một người chuyên tu được đắc đạo thì vĩnh viễn không có sự thối chuyển, không có sự thay đổi. Thế nên, giúp đỡ cho một người chuyên tu được đắc đạo, ủng hộ cho một thiền viện chuyên tu có nhiều người chứng đạo, công đức của thí chủ là vô cùng vô tận ở mai sau, không bao giờ bị biến mất. 

Tuy nhiên, công đức này ít có người nhận thức sâu sắc. Phần đông họ chỉ tạo những phước nghiệp dễ thấy qua các lễ hội linh đình, qua các hình thức đẹp đẽ. Còn một đạo tràng chuyên tu thầm lặng ít có ai để ý, nhưng không ngờ đó mới là phước điền chân thật cho mọi người. Chính những người chuyên tu thầm lặng mới là người giữ gìn giá trị đích thực cho Phật pháp bởi sự chứng ngộ tâm linh sâu xa huyền nhiệm. Chỉ bởi những con người có tâm chứng thực sự, đạo Phật mới không bị trống rỗng trên hình tướng và lý luận. Chỉ bởi những con người có tâm chứng thực sự, suối nguồn giải thoát mới lan tràn mạnh mẽ vào trong nhân loại để đánh thức mọi người khỏi đêm dài vô minh tăm tối. Thế nên việc góp công góp sức để xây dựng những thiền viện chuyên tu là một công đức cực kỳ quan trọng. Nó đem lại sinh khí mới cho đạo Phật và đem lại phước lành vô lượng cho thí chủ.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro