12. Sức khỏe

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Trong không gian vật lý có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe của con người. Chúng ta có thể kể ra như sau:

* Nguồn gốc của gène. Một số người được thừa hưởng các gène của tổ tiên nên có được sức khỏe tốt, khả năng đề kháng của cơ thể cao, sự lão hóa đến rất chậm. Các yếu tố làm người khác gây bệnh vẫn không ảnh hưởng đến được loài người có gène trời cho này. Vi trùng vừa xâm nhập liền bị tiêu diệt; có lỡ ăn nhiều mỡ (Cholestérol) cũng được cơ thể chuyển hóa và đốt bớt; các ADN luôn điều hòa không cho tế bào phát sinh bừa bãi tạo thành u bướu; não bộ rất tốt, dễ ngủ, hoặc thức nhiều vẫn không mệt...
Ngược lại với loại người có phước này là những người đã mang sẵn mầm bệnh từ khi còn trong trứng. Họ đã có sẵn các gène gây bệnh tiềm ẩn chờ đúng thời gian là phát bệnh. Đây là những bệnh di truyền, khó có thể chữa lành bằng phương pháp thông thường. Do vấn đề gène chưa được giải mã hoàn toàn nên các nhà khoa học vẫn chưa hoàn toàn biết được là bệnh nào có thật do di truyền, bệnh nào không.

* Do ăn uống. Mỗi món ăn đều có dược tính của nó. Có món ăn chữa bệnh này, nhưng làm sinh bệnh kia. Các vitamin và chất vi lượng trong thức ăn cần thiết cho cơ thể, đồng thời các độc tố tích tụ cũng phá hại cơ thể không ít.. Món ăn được con người sử dụng sau một quá trình "ăn thử" thấy không có hại gì. Tuy nhiên về sau, với sự kiểm nghiệm của khoa học, nhiều món được xem là có hại như bắp cải làm thải Iod, thịt mỡ động vật làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch, Vitamin C sau bữa ăn làm mất chất đồng...
Giáo sư OHSAWA người Nhật, có phổ biến phép ăn uống theo nguyên lý âm dương. Nhưng về sau, một số điều được công nhận là đúng và một số bị xem là sai.
Có những người vô tình ăn nhầm các món không thích hợp với thể tạng và bệnh phát sinh; ngược lại, có người bỗng hết bệnh không rõ nguyên do, chỉ vì vài ngày trước vô tình ăn một món có dược tính chữa đúng căn bệnh.
Các nhà khoa học có khuynh hướng tìm hiểu về thức ăn, phổ biến cho toàn nhân loại để mỗi người tự chọn thức ăn thích hợp cho chính mình trong việc phòng và chữa bệnh. Nhà sinh học Liên Xô Xuren Avacovich Arakelian tin rằng con người có thể thọ đến 300 tuổi nếu biết ăn kiêng đúng phương pháp. Thời gian ăn kiêng, người ta chỉ dùng nước và các loại rau. Có thể ăn kiêng mỗi tháng 3 ngày liên tiếp, hoặc mỗi năm có một tháng.

* Yếu tố làm việc và nghỉ ngơi. Một người không có vận động sẽ làm cơ thể suy yếu. Nhưng một người không biết nghỉ ngơi đúng lúc cũng làm tổn hại cơ thể. Sự vận động và nghỉ ngơi phải được thực hiện một cách hợp lý theo thể tạng và tuổi tác. Người trẻ, khỏe có thể làm nhiều, làm nặng và nghỉ ít. Nhưng người già, yếu chỉ được làm việc tượng trưng và nghỉ ngơi nhiều. Các bác sĩ cho rằng một giờ nghỉ trưa có lợi cho sức khỏe và ngăn ngừa bệnh tim mạch.
Những sự căng thẳng (Stress) trong đời sống cũng là nguyên nhân gây bệnh đáng kể. Khi hệ thần kinh trung ương bị suy yếu bởi stress, nó sẽ không còn làm đúng chức năng điều hòa cơ thể, và rất nhiều bệnh phát sinh sau đó. Vì thế, các nhà khoa học đã ca ngợi thiền định như là một phương pháp tuyệt diệu để chữa trị bệnh stress của thế kỷ hôm nay khi mà cuộc sống con người có tốc độ chóng mặt. Hai mươi bốn giờ trong một ngày không còn đủ cho con người sử dụng nữa. Họ chắt mót từng phút để sống thật căng thẳng.
Yếu tố tinh thần được xác nhận là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Với người có nội tâm thanh thản, thân thể sẽ khỏe khoắn hơn, và những bệnh thuộc về thân cũng giảm mức độ tác hại hơn. Ngược lại, một tâm lý bất ổn như buồn bã, nóng nảy, ganh ghét, tham lam... làm tăng nhanh một số bệnh của cơ thể.

* Vi khuẩn. Từ lúc Pasteur đem vi trùng ra ánh sáng, nền y học thế giới bước được một bước dài. Sự xâm nhập của vi khuẩn đã làm cơ thể sinh bệnh. Một số bệnh dịch lan rộng nhanh chóng do sự lây nhiễm của vi khuẩn. Hiện nay Virus HIV gây bệnh AIDS làm kinh hoàng con người hơn cả.

* Địa lý. Các nhà khoa học đang củng cố về lý thuyết địa lý với bệnh tật. Vào cuối thế kỷ VI, giáo chủ Grigori Tursky kể lại về nạn dịch ở thành phố Narbon và đưa ra nhận xét. Những con người trốn ra khỏi vùng hoành hành của nạn dịch, đợi khi nạn dịch đã qua mới trở về, liền phát bệnh mà chết. 

Vào năm 1720, tại Marseille lan tràn dịch hạch. Một số người may mắn trốn được sự kiểm soát của chính quyền để thoát ra khỏi vùng bệnh và được sống sót. Sau khi cơn dịch đã yên, họ trở về và phát bệnh chết. 

Năm 1896, tại Bombay, dịch hạch cướp đi 400 ngàn mạng người. Các bác sĩ Anh tìm thấy vi trùng dịch hạch ở những người trốn từ Bombay đến Calcutta. Nhưng tại đây suốt hai năm, chẳng có ai lây bệnh cả. 

Vào đầu thế kỷ 20, nhà vi trùng học Nga Vladimir Khavkin bào chế dược thuốc chủng ngừa dịch hạch, cứu sống hàng ngàn người Bombay. Cũng vẫn thứ thuốc này lại hoàn toàn vô hiệu đối với vùng Mãn Châu và 100 ngàn người chết vì dịch hạch vào năm 1910-1911. 

Năm 1982, các nhà y học Scandinavie phát hiện thấy trong Fromage mua từ Pháp về, có vi trùng kiết lỵ đã làm nhiều người dân Scandinavie phải cấp cứu. Nhưng người dân Pháp ăn thứ fromage đó và tỉnh bơ. 

Ngày 25/5/1987, báo Times đăng một tin giật gân: Cô Susanna Palerian là kiều dân Philippins hành nghề y tá ở Nhật, đã bị đuổi về nước vì phát hiện thấy có virus SIDA trong máu cô ta. Nhưng khi về đến quê nhà và khám lại thì các chuyên gia y học nhiều nước tiên tiến lại đưa kết luận là cô Susanna bị oan! Đương sự thưa tòa và đòi bồi thường 1 triệu đôla. 

Từ nhiều sự kiện tương tự như thế, các nhà khoa học đưa ra giả thuyết là sự cấu tạo về tính chất của từng vùng có ảnh hưởng đến sức khỏe của con người, trong đó trường điện từ của quả đất được nói đến nhiều nhất.

* Yếu tố môi trường. Ô nhiễm môi trường là một yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe con người rất nhiều. Khí thải độc hại vào khí quyển; rác; sông ngòi nhiễm bẩn; bức xạ của sóng điện từ, âm thanh ồn ào... làm cho nguy cơ mắc bệnh của con người tăng cao hơn. 

Ngoài vô số những yếu tố vật lý tác động vào sức khỏe con người còn có các yếu tố của không gian tâm linh cũng ảnh hưởng không kém. 

Nhân điện từ bàn tay người mẹ khi săn sóc vỗ về làm cho đứa trẻ phát triển cơ thể tốt hơn. 

Tình thương chân thành của những người cùng sống gần nhau cũng làm cho cơ thể họ khỏe hơn mà họ không hề hay biết. 

Phương pháp xoa bóp phản xạ thần kinh được giới y học đánh giá cao trong việc phòng và chữa một số bệnh. Nhưng thật ra hết 30% là do tâm lực của người xoa với ý muốn cho bệnh nhân khỏi bệnh. Nếu có tâm lực mạnh thì chính năng lực tâm linh đã góp phần làm lành bệnh hơn phân nửa. 

Khi con người chăm sóc cây cối, cái tương tác tâm linh giữa cây và người làm cho cả hai đều khỏe mạnh hơn. Đó là lý do tại sao những cây mọc gần nhà thường tốt hơn cây mọc xa nhà. Vậy chúng ta hãy nâng niu trân trọng từng cọng cây chiếc lá. Hãy dành một ít thì giờ để chăm sóc vườn tược hoa kiểng. Sức khỏe chúng ta nhờ đó sẽ tốt hơn.

Với thực vật còn như vậy huống hồ là với thú vật và con người. Nếu chúng ta được sống trong môi trường mà người và chim thú đều quấn quýt thương yêu nhau, người với người cũng thương nhau chân thành, không có hận thù ganh ghét, thì tác động của không gian tâm linh hỗ tương cũng làm cho mọi người khỏe mạnh. Đây không phải là vấn đề tâm lý ! Không phải vì tâm chúng ta thấy dễ chịu khi thương yêu và được thương yêu, rồi sự dễ chịu thoải mái đó làm chúng ta mạnh khỏe. Không phải vậy! Chính năng lực vô hình phát ra từ sự thương yêu đã làm nên phép lạ, làm tăng sức đề kháng của cơ thể hơn. 

Một số thống kê mới đây cho thấy rằng người độc thân mau chết hơn người có gia đình. Ban đầu các nhà y học đánh giá là do vấn đề sinh hoạt tính dục. Nhưng ngay cả những người độc thân có quan hệ tình dục ngoài hôn nhân (mua bán) cũng vẫn chết sớm. Người ta lại cho rằng khi có gia đình ổn định, con người được chăm sóc tốt hơn nên sức khỏe cải thiện hơn. Thật ra đó chỉ là lý do phụ, lý do chính là chính tình thương yêu chân thật của vợ chồng đã tạo ra năng lực tâm linh làm cho họ khỏe hơn.

Như vậy chìa khóa vấn đề nằm ở chỗ là một môi trường có tình thương! Nếu chúng ta sống độc thân, như các tu sĩ chẳng hạn, hãy chọn một tu viện nào trong đó mọi người biết thương mến lẫn nhau thắm thiết, và nhờ vậy, sức khỏe mọi người sẽ tốt hơn. 

Trường hợp phải sống cô độc để tĩnh tu, hãy bỏ một ít thì giờ để chăm sóc vườn cây, vài chậu kiểng. Tình thương đối với cây cỏ cũng làm sức khỏe chúng ta khá hơn.

Đặt vấn đề ngược lại, nếu sự chăm sóc cây cối làm sức khỏe tăng tiến thì ngược lại chắn chắn sự tàn phá cây cối làm cho sức khỏe của con người bị giảm sút. Những người thường xuyên chặt phá cây cối thường gặp điều kém may mắn và hay nhuốm các bệnh lạ. Khi cây bị xâm phạm, phản ứng tâm linh yếu ớt của cây cũng đánh vào thủ phạm. Mỗi lần một ít, lâu dần người đốn cây sẽ bị bệnh nặng nề.

Có một số cây lâu năm, số tuổi đến vài trăm năm, vài ngàn năm, năng lực tâm linh của cây rất mạnh. Nó có thể phát ra phản ứng tâm linh làm hộc máu lập tức người muốn đến cưa đốn. Các cụ chứng kiến hiện tượng dị thường này đã kết luận rằng cây có thần linh trú ngụ hoặc yêu tinh qủy quái gì đó. Thật ra chỉ tại vì cây càng lâu năm nên phát ra năng lực tâm linh càng mạnh mà thôi.

Hiểu được điều này, chúng ta hãy chung sức bảo vệ rừng cây, bảo vệ sự sống màu xanh cho trái đất thân thương này để mọi người đều được khỏe mạnh. 

Tuy nhiên, ẩn giấu kín đáo từ trong Bản Thể, luật Nghiệp Báo đã chi phối tình trạng sức khỏe của con người một cách chặt chẽ.

Nếu một người thường hay dùng sức lực để giúp đỡ mọi người, hoặc thường xuyên chăm sóc sức khỏe của nhiều người. Thiện nghiệp như thế đã trở nên thuần thục, trở thành bản chất gần như cố định, nó khiến cho đời sau người này có được các gène di truyền vô cùng đặc biệt tự điều chỉnh cơ thể một cách hoàn hảo, tự bảo vệ cơ thể khỏi mọi sự xâm nhập tai hại từ bên ngoài. Những người này sẽ sống một đời khỏe mạnh và sẽ chết một cách êm ái không đau đớn. 

Kỹ sư Eiffel, người đã dựng tháp Eiffel tại Paris nổi tiếng khắp thế giới, suốt đời chỉ tận tụy bắt cầu qua sông. Vào ngày sinh nhật 90 tuổi, sau khi dự tiệc với con cháu, ông cảm thấy hơi mệt và đi vào trong nằm nghỉ, rồi ông đi vào giấc ngủ nghìn thu một cách êm ả nhẹ nhàng. 

Tùy theo nghiệp đời trước quy định khiến cho cơn bệnh của một người phải dây dưa khó chữa hay nhanh chóng chấm dứt. Có khi họ đi từ nơi này sang nơi kia tìm thầy chữa mãi không khỏi.

Đến lúc nghiệp đã hết, họ vô tình ăn phải thức ăn có dược tính, và bệnh khỏi một cách không ngờ. Hoặc đến khi phước đã đủ, họ mới gặp được thầy thuốc giỏi chữa trị. 

Khi nghiệp chưa hết, đôi khi họ cũng gặp thầy thuốc hay, nhưng nghiệp đã khiến cho tâm trí người thầy bị che ám, không chẩn bệnh một cách chính xác và không thể chữa lành. 

Ngoài ra, mỗi nghiệp sẽ tạo ra một loại bệnh khác nhau. 

Với người tạo ra khói bẩn thải vào chỗ đông người, quả báo nhiều đời sau họ thường bị bệnh khó thở, viêm khí quản hoặc lao phổi. 

Với người lấy cắp đèn nơi công cộng, quả báo nhiều đời sau là đôi mắt mờ kém. 

Với người phá hư đường sá cầu cống, quả báo là đôi chân tật nguyền. 

Với người làm đổ máu mọi người, do sát sinh thú vật hay chiến đấu ở chiến trường, sau khi trả những nghiệp chính, nghiệp phụ còn lại là xanh xao thiếu máu thường xuyên. 

Với người khinh bỉ coi thường bậc Thánh, quả báo tìm đến là bệnh phong cùi lở lói. 

Với người hay cự nự, cằn nhằn, gây rối làm cho người khác lo lắng bất an, quả báo trở lại là một số bệnh về nội tiết, thần kinh làm cho não bộ căng thẳng, khó ngủ, xao xuyến. 

Với người nghe hoặc thấy người hoạn nạn mà làm ngơ, quả báo trở lại là tai điếc, mắt mù.
Vân vân.... 

Vô số nghiệp của mọi người tạo thành vô số bệnh trạng phong phú đa dạng, làm điên đầu các nhà khoa học. Vì bệnh là do nghiệp nên khi mọi người chưa dừng tay tạo nghiệp thì bệnh không bao giờ hết. Khoa học có tiến bộ thế nào chăng nữa, thế gian cũng xuất hiện tiếp bệnh nan y mới để thử thách trí tuệ và đạo đức của con người. Bệnh AIDS hiện nay là một điển hình rõ rệt.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro