13. Địa vị

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Con người sống trong xã hội tức là bắt buộc sống trong một cơ cấu tổ chức, hoặc giản đơn hoặc phức tạp. Vào thời xa xưa, tổ chức của xã hội khá đơn giản. Ông quan cai trị một vùng vừa là nhà làm ra luật lệ (lập pháp), vừa là thi hành luật lệ đó (hành pháp) và vừa bảo vệ luật lệ đó (tư pháp). Ngoài việc chăm sóc đời sống cho người dân, ông còn là một quan tòa xử kiện. Khi cần, ông phải lên lưng ngựa truy lùng giặc cướp.

Đến khi dân số loài người tăng lên dần dần, tổ chức xã hội phức tạp hơn, nhà cầm quyền muốn tăng cường khả năng kiểm soát của mình đối với cộng đồng nên phải bổ sung đội ngũ quan lại. Luật pháp cũng vì thế mà phong phú chi li hơn.

Ở đâu có xã hội, ở đó có luật pháp. Ngạn ngữ La Mã đã nói như vậy. Chúng ta có thể nói thêm, ở đâu có xã hội ở đó có tổ chức, có người cai trị và kẻ bị trị.
Dù một xã hội thu gọn như một gia đình, cũng vẫn có người lãnh đạo là cha mẹ với thần dân là con cái. Một tốp thợ xây cũng phải có người cai coi ngó chỉ huy công việc. Và riết rồi trong một lớp học người ta cũng phải tổ chức trưởng lớp phó lớp.
Điều kiện để được gọi là người chỉ huy khi người ấy có được một số người chịu vâng lời sai bảo, dù là sự phục tùng đó do sự tự nguyện hay do bị bắt buộc. Ở địa vị chỉ huy đó, người này có quyền ăn trên ngồi trước, buộc những người dưới quyền phải ngồi nghe mình tuyên thuyết hùng biện hằng giờ, buộc kẻ dưới quyền phải làm theo ý của mình nếu không muốn bị trừng phạt.

Cái quyền được chỉ huy đó đã làm mê say tâm hồn của bao nhiêu người. Họ khát khao quyền lực đến độ cuồng nhiệt và sẵn sàng dùng mọi thủ đoạn để tranh giành lẫn nhau, giết hại lẫn nhau không thương tiếc. Có người nhờ thủ đoạn và may mắn đã đạt được địa vị như mơ ước. Có người kém may mắn, tuy cũng dùng thủ đoạn, nhưng thất bại và nhục nhã ê chề. Lại có người bỗng dưng được mọi người đề bạt đưa lên địa vị chỉ huy như trường hợp Lý Công Uẩn được triều thần tôn lên làm vua mở đầu triều đại Lý của Việt nam. (Tuy về sau các nhà sử học cũng có cho rằng đã có sự chuẩn bị của Sư Vạn Hạnh). Hoặc có những người do công lao khó nhọc được thăng thưởng lên địa vị chỉ huy...

Con đường đi đến quyền lực rất đa dạng. Có người dùng thủ đoạn để đạt đến. Có người nhờ mọi người tôn cử. Có người nhờ tài năng tháo vát. Có người nhờ thân thích quen biết. Có người may mắn. Có người xứng đáng ở địa vị cao. Cũng có kẻ bất tài kém đức nhưng do nhiều lý do nào đó, vẫn được ở địa vị cao.
Dù với bất cứ lý do nào, kẻ đạt được quyền lực vẫn là kẻ có tạo phước từ kiếp trước. Chúng ta có thể điểm qua một số nghiệp nhân có thể đưa đến địa vị cao ở mai sau như:

Khi ở địa vị cao, họ luôn được mọi người kính trọng nể phục. Với quả báo đó, ắt hẳn từ đời trước họ phải là một người khiêm hạ, biết tôn trọng các bậc trưởng thượng, kính trọng các bậc thánh, không khinh rẻ những người thấp kém hơn mình. Với nghiệp nhân thường kính trọng những người đáng kính, họ đạt được địa vị sang trọng ở những kiếp về sau. Tuy nhiên, nếu chỉ thuần gieo nghiệp phổ kỉnh (kính trọng mọi người) mà thiếu nghiệp bố thí cúng dường, họ sẽ được địa vị cao nhưng vẫn nghèo khổ. Đó là trường hợp của nhân vật Mạc Đĩnh Chi. Từ những đời trước ông biết kính trọng những bậc hiền tài thánh đức nên vào đời đó (nhà Trần), ông có tài xuất chúng, đậu Trạng Nguyên Việt nam và được vua nhà Nguyên phong luôn trạng nguyên của hai nước. Những câu đối đáp phi thường của ông vẫn được nể phục của nghìn năm sau nữa. Tuy nhiên, ông rất nghèo và rất xấu (tương truyền mẹ ông bị một con vượn cưỡng hiếp rồi sinh ra ông). Có lẽ bởi vì ông đã thiếu gây nhân bố thí cúng dường, và hay dùng văn tài của mình châm biếm diện mạo của người khác.

Ở mặt khác, người ở địa vị cao luôn có nhiều thuộc hạ để sai khiến. Kẻ dưới quyền luôn nơm nớp làm theo từng ý muốn nhỏ nhặt của chủ nhân không dám trái phạm. Hình ảnh đó là do sự thọ ân quá nhiều của những đời trước. Như vậy, để có được nhiều thuộc hạ, kẻ này phải là người đã từng ban ân rộng rãi từ nhiều đời quá khứ. Thật vậy, sự bố thí lớn lao cũng đem lại quả báo quyền lực. Tuy nhiên chúng ta sẽ nhận thấy sự khác biệt của mỗi loại.
Nếu là người được địa vị bởi nghiệp nhân khiêm hạ, họ vẫn còn giữ được phong cách từ tốn lễ độ tôn trọng mọi người, kể cả người dưới quyền.
Còn người đạt được địa vị bởi nghiệp nhân ban ân rộng rãi, đời này họ rất giàu có và có vẻ thiếu khiêm tốn, vì đời trước mỗi khi ban ân cho ai họ đều cảm thấy đôi chút tự hào. Chính tâm lý tự hào tích góp lâu ngày biến thành thái độ cao kỳ ở kiếp sau khi họ đã nắm trong tay quyền lực.

Đôi khi một người cũng đạt được địa vị cao sang chỉ bởi vì đời trước đã từng cung kính cúng dường những bậc chân tu đạo hạnh. Lẽ ra nghiệp nhân này sẽ đưa họ đến vị trí một tu sĩ thượng phẩm ở đời sau, nhưng do tâm họ không hướng về một đời sống thoát tục, chỉ thuần lo toan việc thế gian nên quả báo đã đi lạc sang hướng khác: Họ được quyền chức lớn trong xã hội. Ở địa vị này họ vẫn là người có đức độ, đôi khi hao hao giống một ẩn sĩ, tuy có quyền chức mà vẫn thích có một am thất vắng vẻ để tĩnh tâm. Và không hẳn họ là một người có tài. Những thành công đem đến hầu hết do may mắn và do người cộng sự giúp đỡ mà thôi.

Có một số vì phải tuân lệnh cấp trên nên đã sốt sắng làm những công đức lớn như đắp đường, bắt cầu, đắp đê, dẫn nước, khẩn hoang lập ấp định cư cho dân từ xa đến, tổ chức công ăn việc làm cho người lao động, xây dựng bệnh xá trường học, kiến thiết nhà cửa cho dân nghèo... Họ chẳng có chút tâm từ thiện nào đối với mọi người. Họ chỉ đơn thuần muốn làm thật tốt để lấy lòng cấp trên, để được khen thưởng. Với nghiệp nhân như vậy, đời sau họ cũng được địa vị lớn vì đã làm lợi ích cho nhiều người, nhưng tâm địa họ rất hẹp hòi ích kỷ. Khi cần, họ sẵn sàng sử dụng thủ đoạn để tranh đoạt quyền lợi với kẻ khác. Hơn nữa, do thiếu đạo đức nên họ luôn luôn cậy quyền ỷ thế.
Ở thời đại phong kiến quân chủ, ông vua được xem là con của trời, do thượng đế an bài sắp đặt, cả giang san gấm vóc thuộc quyền sở hữu của vua. Sự trung thành đối với vua được đề cao gần như tuyệt đối vì "vua bảo bầy tôi phải chết, nếu bầy tôi không chịu chết là bất trung". Trừ trường hợp ở Anh Quốc có mầm mống dân chủ rất sớm nên nói rằng "Khi mặt trời đã lặn, nếu không được phép của chủ nhà, Nữ Hoàng cũng không được bước vào". Với vị trí thượng tôn quá độ như vậy, một ông vua được hưởng sự kính trọng tột cùng của mọi người.
Bước sang thời đại dân chủ, người lãnh đạo tối cao của đất nước do dân đề cử thông qua lá phiếu. Ý nghĩa tinh thần có vẻ thần thoại đã biến mất, người Tổng Thống không còn cái hào quang thiêng liêng như ông vua ngày xưa nữa. Họ vẫn đạt được kính mến bởi mọi người, vì nếu không, người dân đâu có bỏ phiếu đề cử, nhưng mức độ trở nên vừa phải chừng mực. Không còn cái cảnh kẻ bề tôi dập đầu trước bệ rồng cầu kiến tung hô vạn tuế. Nếu cần phải nịnh, kẻ thuộc quyền phải khéo léo và kín đáo hơn.

Cùng ở vào địa vị lãnh đạo đất nước như nhau, nhưng một tổng thống không còn được hưởng sự kính trọng chất ngất như một ông vua nữa. Rõ ràng nghiệp nhân của họ đã có chỗ sai khác. sự sai khác đó do khoa học, do quan điểm triết học đã có nhiều thay đổi.

Ở thời đại cổ xưa, con người rất tin vào thần linh và thượng đế. Tín ngưỡng lúc bấy giờ hướng dẫn con người phải đặt trọn lòng kính tin vào thần thánh và các tu sĩ đại diện cho thần thánh. Song song với niềm kính tin mãnh liệt đó, họ còn được hướng dẫn làm các điều thiện một cách triệt để, xả thân, không tiếc mạng sống. Kẻ nào thực hiện được cả hai điều đó, vừa có niềm kính tin mãnh liệt, vừa làm việc thiện triệt để, sẽ cảm quả báo làm vua ở những kiếp sau để hưởng lại sự kính trọng quá mức của mọi người.
Khi khoa học tiến bộ, màu sắc thần thoại trong thế giới quan bị xóa dần, quan điểm triết học bị thay đổi tận gốc rễ, nên niềm tin của con người đối với thần thánh và đại diện cho thần thánh (giai cấp tăng lữ) đã giảm sút quá nhiều. Họ vẫn thích làm điều thiện vì lương tâm của họ cảm nhận cái hay của từ thiện chứ không phải như ngày xưa làm việc thiện với sự giám sát của thần linh. Vì vậy mức độ làm việc thiện không còn mãnh liệt như trước. Con người của thời đại khoa học vật lý hôm nay trở nên dễ ngờ vực, ít kính phục, có khuynh hướng thực dụng cá nhân. Nhân như thế nên quả báo trở lại một cách tương xứng. Do làm việc thiện rất nhiều nên một kẻ sẽ được phước làm lãnh tụ, nhưng không còn được người dân nhìn vào với vẻ thiêng liêng thần thánh như một hoàng đế nữa.
Người hiểu rõ luật Nghiệp Báo thì không mong cầu quyền cao chức trọng. Vì họ biết rằng sự mong cầu đó là dấu hiệu của tham vọng cá nhân, là dấu hiệu của sự tổn đức bên trong. Họ chỉ bình thản kính trọng mọi người và sẵn sàng giúp đỡ mọi người với khả năng sẵn có của mình.
Chúa Jésus cũng nói:
"Kẻ nào chen lên phía trước sẽ phải bị đẩy lùi về sau; kẻ nào lui về phía sau sẽ được đưa lên phía trước".

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro