4. Phước và Đức

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Thông thường người ta sử dụng chung hai chữ phước và đức. Tuy nhiên hai từ này có nghĩa khác nhau.

Khi chúng ta làm lợi ích cho người khác, sau này chúng ta sẽ hưởng được một hay nhiều niềm vui. Một nghiệp thiện sắp sẵn một quả báo lành ở vị lai. Đối với Bản Thể thì nghiệp nhân vừa tạo xong thì quả báo cũng đã xuất hiện. Song trên không gian vật lý, thời gian để cho từ một nhân đi đến một quả khá lâu. Người ta cho rằng khi nghiệp thiện vừa tạo xong thì phước xuất hiện trong vô hình để giữ gìn cho quả báo không bị mất. Phước được ví dụ với tấm ngân phiếu. Tiền gửi ngân hàng càng nhiều thì tấm ngân phiếu càng có giá trị lớn. Tác thiện càng nhiều thì phước càng sâu dày. Người đã từng làm nhiều lợi ích cho mọi người thì người ta nói kẻ đó có phước.

Đến khi duyên đã đủ lập tức phước hiện thành quả báo lành khiến cho kẻ đó được hưởng nhiều vui sướng. Quan điểm này là do đứng trên lập trường không gian vật lý mà có, chứ đối với Bản Thể, toàn bộ quả báo ở vị lai đã được sắp sẵn. Mỗi quả báo đều đã được ấn định một thời điểm để xuất hiện.

Tuy nhiên, chúng ta cũng cứ cho rằng người đã làm nhiều việc thiện, đã làm lợi ích cho nhiều mọi người tức là người có nhiều phước. 

Như vậy, PHƯỚC là do làm lợi ích mọi người mà có. 

Còn Đức là cái tốt của tự tâm. 

Ví dụ, một người siêng năng thanh lọc tư tưởng của mình, giữ gìn giới cấm kỹ lưỡng, tu tập thiền định trí tuệ, từ tâm thương yêu mọi người. Người như vậy được gọi là người có ĐỨC. Nhưng đức chưa phải là phước ! 

Chỉ khi nào người này ra tay giúp đỡ kẻ khác, giáo hóa đạo đức cho mọi người, truyền đạt phương pháp tu tập thiền định... lúc đó người này mới có phước. 

Bản thân mình tốt gọi là đức. 

Làm lợi cho người gọi là phước.

Có những trường hợp vì muốn được nổi danh, vài nhà giàu có đã bố thí những số tiền lớn cho các cuộc lạc quyên cứu trợ. Một vài công ty làm việc thiện để góp phần quảng cáo. Vì thâm ý của họ không tốt, chỉ có mục đích cá nhân nên họ chỉ có phước mà không có đức.

Ngược lại, một vài nhà tu hành thanh lọc nội tâm trắng như tuyết, ẩn cư nơi vắng vẻ, ít giao tiếp với mọi người. Vị này có đức mà không có phước. 

Theo truyền thuyết của Thiền tông Trung Hoa, khi Lương Võ Đế khoe đã cất chùa, độ tăng rất nhiều, Tổ Đạt Ma đã khẳng định hoàn toàn không có công đức. Về sau Tổ Huệ Năng giải thích rằng chỉ được gọi là công đức khi đã giác ngộ tự tánh thanh tịnh.

Thật ra người có nội tâm trong sạch cao thượng cũng đã có một phần phước vì tư tưởng lành của tâm luôn luôn lan tỏa trong không gian và lây nhiễm âm thầm vào tâm hồn của mọi người. Ngay cả những thiền sư đạt đạo, tâm không khởi niệm thiện cũng vẫn có tâm lành lan tỏa xung quanh. Dù ngài không cố ý khởi tư tưởng thiện nhưng chính nội tâm thanh thản, vô ngã, từ bi vẫn gây ảnh hưởng rất nhiều. Song cái phước này không lớn lắm vì không có tác dụng cụ thể, rõ ràng và mạnh mẽ.

Người hiểu đạo thấu đáo cần phải biết chiêu tập đầy đủ cả phước lẫn đức. Bởi vì đức và phước hổ trợ lẫn cho nhau. Tâm có tốt thì việc làm thiện mới chu đáo và lâu bền. Đức có sâu thì phước mới lớn. ngược lại, trong khi làm việc thiện, chúng ta củng cố thêm chất tốt của nội tâm mình. Hơn nữa, nếu có một kẻ làm phước mà không có đức, làm việc thiện vì mục đích vị kỷ, chắc chắn sẽ có lúc làm việc ác vì tư tưởng nào cũng có ngày khởi ra hành động. Phước sẽ bị hạn chế không thể phát triển đến vô cùng tận. 

Và bậc chân tu cũng phải phát tâm làm lợi ích cho mọi người bởi vì hai lý do: 

Thứ nhất, do làm lợi ích mọi người nên vị này có đủ phước để được no đủ vật thực và hoàn cảnh yên ổn để tiến tu thiền định nội tâm. 

Thứ hai, chỉ bởi việc quên mình lo cho mọi người mới giúp cho ngã chấp mau tan vỡ hơn. Với nữa, một người được gọi là vô ngã khi người đó hoàn toàn vị tha. 

Chúng ta không nên quá thiên về làm phước mà quên đi trau dồi Đạo Đức sâu thẳm bên trong, cũng không nên quá thiên về Đức tốt của tự tâm để quên đi việc làm lợi ích cho mọi người bên ngoài.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro