5. Thời gian từ nghiệp đến kết quả

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Câu chuyện của Ngộ Đạt Quốc Sư bị mụt ghẻ mặt người làm ngài đau đớn vô cùng. Nguyên nhân của nó từ khoảng 10 kiếp trước ngài là nhân vật Viên Án tâu vua chém chết Triệu Thố một cách oan uổng.

Chuyện khác gần đây, trong cơn căm giận tột độ, anh Tư đã dùng hết sức bình sinh tung một cước độc hại vào ngực anh Tuấn. Anh Tuấn đang ngồi dựa vào tường. Thoáng thấy cú đá anh lách người né ra cửa. Không trúng anh Tuấn, cú đá đi luôn vào tường dày 20 làm tường chấn động rạn nứt và năm ngón chân của anh Tư bị dập nát, phải đưa anh đi bệnh viện cấp cứu.
Ở câu chuyện của Ngộ Đạt, thời gian để cho quả báo xuất hiện là 10 kiếp. Ở câu chuyện dưới quả báo xuất hiện song song với nghiệp nhân.

Không có thể xác quyết rằng một nghiệp phải có quả báo ở lúc nào, đời này, đời sau, hay nhiều đời khác. Nó tùy thuộc vào nghiệp duyên của mỗi người. Ngay khi chúng ta vừa đắp xong một đoạn đường hư lỡ, lập tức ngay trong Bản Thể, luật Nghiệp Báo đã sắp xong các quả báo lành cho vị lai. Nhưng để xác định thời điểm cho mỗi quả báo xuất hiện, cần phải phối hợp với tất cả nghiệp duyên từ trước. Ở đây, luật Nghiệp Báo giống như một máy siêu điện toán cực kỳ tinh vi, trong thoáng chốc đã "tính ra" tình trạng của quả báo này và thời điểm của quả báo.

Có người từng tạo phước quá nhiều, đời này có lỡ làm tội, quả báo cũng ít khi xảy ra trong thời gian gần, có thể kéo dài qua nhiều kiếp sau nữa. Ngược lại, người ít phước, năm nay vừa lừa gạt bạn bè, vài năm sau đã bị lừa gạt lại. 

Hoặc có người tội dày, bây giờ có ráng tu tập làm phước cũng khó thấy được kết quả nhanh chóng. Có khi phải qua đời sau mới được hưởng. Ngược lại người ít tội, vừa làm phước như bố thí, phóng sinh, năm mười năm sau đã thấy cuộc đời tràn đầy may mắn yên lành.

Một ông già giữ mía, tưởng là heo đến phá, đã phóng cây xà-búp ghim vào bụng đứa bé. Ông sợ hãi chôn đứa bé để phi tang mặc dù nó chưa chết. Hơn mười năm sau, đứa bé tái sinh qua nhà hàng xóm, đã lỡ tay làm rớt con dao ghim vào bụng ông khi ông đang cõng nó để hái trái đu đủ. Ông chịu đựng đau đớn suốt mấy ngày, cho gọi gia đình có đứa bé bị giết hồi mười năm trước và tất cả mọi người thân thuộc đến, ông thuật lại câu chuyện đã được dấu kín từ lâu, và xác nhận đây là quả báo mà ông phải trả. Ông vui lòng nhận lãnh và khuyên mọi người ráng làm lành. Sau đó ông qua đời (trong Luận về Nhân Quả, Chân Quang).

Trong câu chuyện này thời gian để quả báo xuất hiện là mười năm, ngay trong kiếp hiện tại của ông già giữ mía.

Mặt khác, một nghiệp nhân chính thường tạo ra nhiều nghiệp nhân phụ. Ví dụ tên trộm lẻn vào lấy cắp chiếc xe của ông chủ nhà. Nghiệp chính là đoạt tài sản của người khác một cách bất hợp pháp. Bên cạnh đó một số ảnh hưởng phụ kéo theo như, vì thiếu xe đi làm ông phải thay đổi sở làm gần nhà hơn và thu nhập ít đi, kinh tế gia đình bị giảm sút. Các con phải bỏ bớt giờ học thêm. Nỗi buồn kéo dài triền miên trong gia đình. Những nghiệp chính và phụ đó tạo thành nhiều loại quả báo khác nhau. Thời gian để cho mỗi loại xuất hiện cũng khác nhau. Tên trộm phải trả quả báo mất mát trong kiếp này, quả báo ít học trong kiếp sau, quả báo trầm uất trong kiếp sau nữa.

Ví dụ một người mẹ kế đã âm mưu giết đứa con riêng của chồng. Có hai quả báo hiện ra từ một nghiệp nhân đó: một, chính bà sẽ bị giết khi còn nhỏ tuổi ở kiếp sau; ngay trong kiếp này bà phải chứng kiến đứa con ruột mình bị chết oan uổng.

Ở tính chất khác, một người biết tu hành, có lòng thương loài vật, phát nguyện không sát sinh. Ông ít nghiệp ác, chỉ có nghiệp thiện và công đức tu hành hiện tại. Đời sống ông yên ổn bình thản. Một lần ông lỡ đốt rác làm chết nhiều con mối núp ở dưới. Vài ngày sau ông trở bệnh. Cơn bệnh của ông có hai nguyên nhân. Một là do tâm ông áy náy khi biết mình lỡ sát sinh; hai là do quả báo trả sớm, không để dây dưa qua kiếp khác.

Một nhà kiến trúc tên Nhâm (tác giả công trình trụ sở Imexco) không theo tôn giáo nào, chỉ sống theo đạo lý do mình tự tìm thấy. Nhà ông có nuôi ít gà vịt. Ông quan niệm rằng không nên ăn thịt con vật nào đã từng cung cấp trứng cho mình trước đó vì nó đã có ơn với mình. Còn con nào chưa từng cho trứng thì có thể ăn thịt được. Một lần vợ ông giết thịt một con vịt cho cả nhà ăn. Sau đó cả nhà mới phát hiện ra rằng con vịt đã từng cho trứng. Chiều đó miệng ông sưng to như một sự trừng phạt vì đã vi phạm lời thề. Triệu chứng đó cũng có hai nguyên nhân. Một là tâm lý ray rứt của ông, hai là quả báo đến sớm.

Một tính chất khác cũng cần được nói đến là sự thay đổi thời gian của quả báo. Ví dụ: anh Tám lỡ tạo nghiệp giam cầm thú vật. Sự ấn định của luật Nghiệp Báo từ trong Bản Thể là anh phải bị tù tội ngắn hạn vào mười năm sau. Nhưng khi gần đến thời gian ấn định, anh lại phát tâm làm các việc phước thiện như đắp đường, phóng sinh, bênh vực kẻ oan ức. Cái phước lớn này làm cho quả báo bị tù tội bị đẩy lùi qua kiếp sau để cho đời sống hiện tại của anh không bị xáo trộn.
Như vậy những nghiệp mới làm thay đổi biến dạng quả báo của nghiệp cũ. Nhờ vào tính chất này, chúng ta có thể chuyển nghiệp từ xấu thành tốt, từ nặng thành nhẹ.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro