Chương 15 : Chạm trán

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Tác giả : Vưu Chấn Lộc

A. NINH CÁT NGÂN KHUYÊN

Mặc dù bận rộn ma chay cho Huệ Khang, vị tiểu tăng bất hạnh, sư thầy Thích Hồi Đầu cũng ráng tranh thủ thời gian dạy cho Lường Xuân Cường vài ngón phòng thân. Từ khi bái thầy Thích làm sư phụ thì đây là lần đầu Cường được học kỹ thuật chiến đấu một cách thực sự, còn lúc trước đây chỉ là những phương pháp gia tăng thể lực.

Cường nghĩ có lẽ sư thầy lo lắng việc Cường có thể bị Báo Đen làm hại, nên tranh thủ từng giờ từng phút luyện cho Cường những phản xạ cần thiết khi đối mặt hiểm nguy, mong cậu đủ sức chạy thoát, hoặc chịu đựng một hay hai đòn từ đối thủ mà không chết.

Tiếng tụng kinh gõ mõ ngoài phòng khách được các sư đều đều cho linh hồn Huệ Khang sớm siêu thoát, còn sân sau thì Cường cũng luyện hít thở đều đặn, bồi dưỡng khí huyết lưu thông. Sư thầy Thích Hồi Đầu thì vừa ngồi giảng dạy, vừa cảnh giác cao độ xung quanh, nhất là những động tĩnh trên mái ngói.

Có lẽ sau khi đã giải cứu cho Sìn Ủ Chớ, những tên tội phạm bí ẩn liền theo đuổi những kế hoạch khác, nên suốt những ngày sau, ngôi chùa Kim Vân Tự vẫn hoàn toàn yên bình, không một bóng người lạ phá rối. Có lúc Cường cũng nghĩ sư thầy " thần hồn át thần tính " nên lúc nào cũng cứ ám ảnh một bóng ma quá khứ.

Bởi không lẽ nào sư thầy Thích Hồi Đầu ẩn thân nơi chốn heo hút này ba mươi năm, vậy mà phải đợi tới khi Lường Xuân Cường đường cùng quẫn trí, vô tình chạy vào nương tựa cửa chùa lúc bị Sìn Ủ Chớ đuổi đánh, thì Báo Đen mới ra tay. Nghĩ đi nghĩ lại, Cường cũng không hiểu tại sao Sìn Ủ Chớ lại có liên quan tới Báo Đen.

Nghĩ là vậy, nên Lường Xuân Cường cứ lợi dụng những lúc sư thầy rảnh rỗi là lại nài nỉ vị sư già kể tiếp những chuyện ân oán giang hồ, để từ đó hiểu thêm về cuộc đời. Sư thầy lúc đầu bực lắm, nhưng sau cũng nhượng bộ :

- Thằng nhỏ này, học không lo học. Cứ thích nghe những chuyện giang hồ thanh toán nhau. Nó đâu có phải chuyện vui đâu con.

- Nhưng con muốn nghe để hiểu thêm sự đời. Để sau này còn biết suy tính phòng thân trước những hành động của Báo Đen.

- Nghe cũng có lý đấy nhỉ. Thế con muốn nghe chuyện gì ?

- Dạ. Con muốn nghe về những hành động và những mưu kế của Báo Đen, và cách mà thầy và đại ca của thầy đã đối phó lại.

- Chà. Để thầy suy nghĩ nào. Chuyện đã xa xưa, có nhiều tình tiết thầy cũng không nhớ rõ hết. À, có chuyện này, có vẻ là một trong những câu chuyện gay cấn nhất, cũng là lần đầu tiên thầy chạm trán được với Báo Đen và suýt nữa thì đã có thể lấy mạng của hắn.

- Dạ. Thầy kể đi thầy.

- Sau cái lần Phụng Hoàng Hà Nội, một đàn anh trong băng của thầy, gợi ý cho thầy đến gặp ông Hai Đờn Cò để học võ cổ truyền phòng thân. Thầy nghe theo. Đến tận nơi ở của vị võ sư cao tuổi, thầy cứ tưởng sẽ gặp một võ đường nguy nga, đồ sộ lắm. Ai ngờ đâu đó chỉ là căn nhà lá nhỏ. Môn sinh của thầy chỉ có năm hay bảy người gì đó.

Thầy lúc đầu thất vọng lắm, nghĩ thầm " võ sư giỏi gì mà không ai theo học ? ". Nhưng vào lúc đó thầy nghe những câu khẩu quyết của ông ta, và những đường quyền rắn chắc của những thanh niên đang học võ tại đó, thầy tặc lưỡi " thôi kệ, đã lỡ đi đường xa tới đây rồi, thôi vào học ".

Từ đó, ngày ngày thầy đạp xe tới nhà vị cõ sư đó học, thời gian còn lại thầy nhập hội với đại ca đi thu tiền bảo kê và mở sòng bài. Càng học, ta lại càng khâm phục kho trí tuệ về võ thuật của ông ta. Cho tới một hôm, ông Hai Đờn Cò giảng dạy :

- Mấy con. Mấy con học tới đây là cũng đã đủ để phòng thân rồi đó. Nhưng nếu đứa nào muốn sau này cũng đi dạy võ như thầy thì còn phải luyện tập thêm. Biển học là vô bờ mà. Học ở chỗ thầy cũng chưa đủ đâu.

- Dạ - chúng đệ tử dạ ran.

- Riêng thằng Khải này mới tới học với thầy. Mà trong số mấy con, nó lại là đứa siêng năng học hỏi nhất. Lại hay tìm tòi nữa. Tụi bây lúc học xong là cắp đít về nhà thẳng, có mỗi thằng Khải là ở lại hỏi ta về chiêu thức.

Chả là khi đó, ta mang hận thù, muốn tìm Báo Đen tận diệt. Nên những lời dạy bảo của ông Hai Đờn Cò thầy nuốt từng chữ. Có chỗ không hiểu thầy còn đi hỏi thêm. Nhất là những bài quyền, thầy thấy nó cứ thế nào ấy. Động tác hoa hoè nhưng không có lực. Những lúc phải đánh nhau, thầy không sao có thể áp dụng được.

Lúc đầu thầy chỉ nghĩ là tại võ nghệ mình chưa thông. Nhưng học càng lâu, thầy càng nghiệm ra là khi đánh nhau, không giống với đi một bài quyền. Trong số những thứ mình học, chỉ có một số đòn là đặc biệt hữu dụng, trong thực chiến thầy cứ lấy ra xài đi xài lại.

Một hôm, đánh bạo, thầy đem những thắc mắc đó thuật lại thật tình cho ông Hai nghe. Nghe xong, ông Hai Đờn Cò sa sầm nét mặt xuống, có vẻ buồn lắm. Nhấp một ngụm chè, ông Hai nhìn thầy nói :

- Mày đi vào con đường tà đạo rồi Khải ơi là Khải.

Thầy nghe vậy thì thất kinh hồn vía, lắp bắp nhìn ông Hai không hiểu điều gì cả, trong lòng chỉ sợ ông Hai đuổi thầy, không cho học võ nữa. Ông Hai nghiêm mặt lại :

- Bấy lâu nay thầy cứ thắc mắc, sao mày chăm chỉ học hành thế, mà mỗi khi thầy kêu mày múa bài quyền, là tâm hồn xao nhãng cứ để đâu đâu. Đòn đánh đẹp lắm nhưng không có hồn. Có phải mày muốn cắt bớt một số đường trong bài quyền của thầy không hả con ?

- Con ... con ... con chỉ nghĩ là nó không hiệu quả trong khi chiến đấu.

- Ai nói với con là ta dạy võ để con đi chiến đấu. Học võ là để rèn luyện đức độ, tính nhẫn nại, sự kiên trì. Múa quyền lấy sự chính xác để rèn luyện tính cẩn thận khéo léo. Học võ không chỉ là học cách phòng thân, mà là để hoà nhập xã hội, hướng tới rèn luyện con người.

Thầy ngồi nghe ông Hải giảng dạy, cuối cùng cũng nhận ra cái sai của thầy, nhưng với tính cương quyết, chỉ xem võ thuật là công cụ để đạt mục đích, nên thầy vẫn kiên trì đi theo hướng con tim đã chọn. Nhưng có lẽ cũng vì vậy mà ông Hai thân thiết với thầy nhất trong các chúng đệ tử, nên ông ta xưng hô lúc thì " thầy ", lúc thì " tao " với Long Đầu từ đó.

Sau một thời gian, thì dường như ông Hai cũng bó tay với sự cứng đầu của thầy. Hôm đó trên đường ta đạp xe tới nhà ông ta như mọi lần, lúc định rẽ vào con hẻm nhà thầy, thì ở đầu hẻm, có một quán rượu nhỏ, một tên say khướt đang làm càn. Hai cánh tay hắn xăm trổ chằng chịt, còn trên mặt thì vết sẹo dài. Hắn lè nhè với bà chủ quán :

- Đụ mẹ. Uống có chút rượu, làm gì dữ vậy ? Mấy bữa nữa tui quýnh đề tui trả.

- Ông nói vậy mà nghe được hả ? - Bà chủ quán nhăn nhó - ông nợ bao nhiêu tiền rồi. Lần nào ông cũng nói mấy bữa nữa sẽ trả. mà nợ càng thêm nợ.

- Thì bà cho tui nợ nữa đi. Dạo này tui xui quá, đánh đề toàn thua.

Một bợm nhậu xăm trổ trên mặt gần đó chõ miệng vào :

- Đánh ngu thì thua thôi. Ngu thì chết chứ bệnh tật gì.

- Mày nói ai ngu ?

- Tao đang nói cái thằng không nghe lời tao, mà lại đi đánh theo ý của nó. Còn tao nói ai thì thằng đó tự hiểu.

Gã mặt sẹo nghe vậy thì tức điên lên. Rượu vào lời ra, chẳng mấy chốc đã dẫn đến một cuộc đánh nhau. Bà chủ quán chạy ra ngoài than trời :

- Trời ơi mọi người vào cứu tôi với. Hai ông thần say rượu này định phá quán của tôi kìa.

Thầy thấy vậy, mặc dù là một tay côn đồ, nhưng thầy cũng không bao giờ ức hiếp đàn bà con gái. Nay thấy hai tên say rượu, thay phiên nhau vác chén, ly ra mà chọi nhau, phá nát quán của người đàn bà tội nghiệp, thầy không kềm lòng được. Bước xuống xe thầy dõng dạc cất tiếng :

- Tụi mày say rồi về nhà ngủ đi. Đừng phá quán người ta tội nghiệp !

- Mày là thằng nào dám lớn lối tại đây ? - Tên mặt xăm trổ lớn tiếng.

- Long Đầu, băng Hải Âu !

- Đụ mẹ ! Hèn chi lớn giọng - Tên mặt sẹo cười gằn - Nhưng mày quên đây không phải địa bàn của mày rồi hả ? Mày tính qua vùng này lấy số hả ? Mày biết địa bàn của ai không ?

Thầy lúc đó cũng biết thầy đang ở trong địa bàn của tụi " Tattoo ", một băng nhóm tập trung toàn những tay anh chị có hứng thú xăm mình. Đặc điểm nhận dạng của chúng là có hình xăm đầy người, kể cả trên mặt. Thậm chí băng nhóm cũng có rất nhiều thợ xăm gia nhập. Mục đích là nương tựa nhau mà sống. Thành ra thợ xăm mới mở tiệm ở vùng này hay bị đập phá một cách vô cớ nếu thợ xăm đó không gia nhập băng.

Một tên say khướt, tóc nhuộm đỏ gần đó dường như biết tiếng của băng Hải Âu, một băng tuy mới nổi nhưng thiện chiến, liền góp lời giảng hoà. Hắn hất hàm về phía tên mặt sẹo :

- Thôi đi Tuấn Rô, tao có nghe qua thằng Long Đầu này, nó với Phụng Hoàng Hà Nội là cánh tay mặt của băng Hải Âu đó. Băng này tuy mới nổi nhưng đã dẹp được băng " Dao Găm ", từ đó xoá sổ cái tên Dao Găm khỏi giới giang hồ luôn. Không nên dây dưa !

- Tao đéo phải thằng hèn ! - Tên mặt sẹo, tức Tuấn Rô, hăng máu hẳn - Càng hay. Hôm nay tao sẽ lấy chút huyết của thằng Long Đầu này, cho băng tụi nó khỏi huyênh hoang nữa. Nghe nói mày là tam ca trong băng hả ?

Tuấn Rô hét lớn, thì một mảnh miểng chai vỡ đã bay thẳng tới mặt Long Đầu. Thầy kịp thời né qua một bên thì một cước của Tuần Rô đã phóng tới. Quá bất ngờ trước thân thủ nhanh lẹ của hắn, thầy dính ngay một cú vào bụng.

Nhưng có lẽ hắn đã say, hoặc do rượu chè tàn phá cơ thể hắn, nên cú đá đó không khiến thầy văng xa cả tấc được vì thiếu lực. Thầy vẫn đứng đó, bụng quặn đau. Chợt nhớ tới những ngón đòn mình học, thầy vung chiêu trả lại, thì Tuấn Rô không kịp phòng thủ, hắn bị ngã sóng soài vào đống bàn ghế, làm quán rượu lại càng thêm hỗn loạn.

Thầy đứng đó, nhìn hắn lồm cồm bò dậy. Trong lòng thầy thầm lo lắng, nghĩ ngợi " Đụ mẹ ! Tự dưng dính vào chuyện thiên hạ. Giờ trong quán có tới chục thằng xăm mình. Nếu cả chục thằng đều chung băng Tattoo, hợp sức lại thì mình nguy mất ".

Nghĩ vậy, thầy lập tức thủ thế. Trên mặt vô cùng căng thẳng. Tên mặt xăm trổ thì đã lui về vách tường, không dám động thủ. Hắn lắp bắp :

- Thôi nào Tuấn Rô. Long Đầu là tam ca của băng Hải Âu đó. Không phải loại tôm tép đâu. Tụi mình đụng vào, không khéo băng Hải Âu qua tính sổ với băng Tattoo thì mệt nữa.

- Sao lúc nãy hùng hổ lắm mà, mày nói tao đánh đề ngu lắm mà Trọng Sình, sao giờ gặp một thằng từ bang khác tới thì mày lại rúm ró vậy. Đúng là hèn !

Nói đến đó, Tuấn Rô khựng người lại vì một cú chặt của cạnh bàn tay vào sau gáy, cú chặt nhanh và dứt khoát của tên tóc đỏ, mà nãy giờ vẫn lầm lầm lì lì. Tuấn Rô đổ gục xuống như một cây chuối gãy. Trong lúc thầy vẫn đang cẩn thận đề phòng sự ra tay của tên mới đứng dậy này, thì hắn đã nở nụ cười thân thiện :

- Anh bạn hơi đâu nghe những lời nhăng cuội của một thằng say. Giữa băng Tattoo và băng Hải Âu không có thù oán gì cả, và cũng không muốn xâm phạm nhau. Ai có việc của người đó.

- Anh bạn đây là ... ? - Long Đầu ngước nhìn tên nhuộm tóc đỏ này, giờ hắn đứng lên, mới để lộ thân hình lực lưỡng, rậm lông của hắn. Lông nách hắn dài ra xoăn tít, mà lông bụng cũng rậm rạp.

- À, chuyện xô xát nhỏ nhặt, anh bạn đừng quan tâm. Chỗ bừa bộn này để tôi đền cho bà chủ quán. Anh bạn đang chừng có việc. Cứ đi đi !

Thầy cũng không khách sáo. Mới nghe người ta mở lời như vậy, Long Đầu mừng thầm trong bụng, bước chân đi ra ngoài ngay. Về sau thầy mới biết bọn giang hồ e ngại những thành phần du đãng xuất xứ gốc Bắc, tức là Phụng Hoàng Hà Nội. Chứ thầy mới học dăm ba ngón võ nghệ, tuổi đời khá trẻ, nên dù sao cũng không đáng gờm như Nhị ca Phạm Hồng Phùng.

Tụi nó ngại đụng độ giang hồ gốc Bắc, cũng là vì tụi nó nghe phong phanh cái gọi là " Qua La thất tinh đấu thức ", có xuất xứ từ một ông già người dân tộc trên Cao Bằng. Kỳ thực Phụng Hoàng Hà Nội tuy cũng biết võ nghệ, nhưng không phải thứ kỹ thuật này. Cũng bởi giang hồ đồn thổi, tụi nó nghĩ " tránh voi chẳng xấu mặt nào ", nên Phụng Hoàng được mấy tên du thủ du thực rất kính nể, không dám gây chuyện.

Thầy thoát được một trận ẩu đả lớn, cũng nhờ oai danh băng Hải Âu và Phụng Hoàng Hà Nội. Bước ra khỏi cửa, dựng xe xong thầy ngước lên thì đã thấy ông Hai Đờn Cò đứng đó quan sát tự khi nào. Long Đầu lắp bắp, luống cuống cúi chào vị sư phụ đáng kính. Có vẻ như ông Hai ra quán mua thuốc lào, nhưng lại vô tình thấy thầy ẩu đả.

Sau buổi tập hôm đó, ông Hai gọi ta riêng ra, rồi nói :

- Lúc nãy mày ra tay cứu bà chủ quán. Thầy rất khâm phục. Nhưng thầy không ngờ mày lại theo băng, theo nhóm, kết giao với thành phần xấu. Tuy nhiên " trong bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn ", biết giúp người hoạn nạn, tao cũng không tức giận gì mày nhiều.

Tao không cần biết lý do mày muốn học võ để làm gì, nhưng chắc chắn không phải để đi mở võ đường, hay đi bán thuốc sơn đông mãi võ rồi. Mày lại là tay anh chị có tiếng nữa. Và những chiêu mà mày nghĩ nó " hoa hoè " thì mày đánh rất miễn cưỡng. Mày chỉ lọc lấy những chiêu hữu dụng. Cuối cùng thì mày cũng sẽ làm hỏng hết tên tuổi của thầy thôi con ơi.

- Thầy ... thầy .... đừng ... - Long Đầu lắp bắp, vì biết ông Hai có ý đuổi mình.

- Mày đừng buồn. Thầy không có ý đuổi mày. Chỉ là mày có học với thầy đi nữa, thì cũng phí thời gian thôi. Vì thầy đi theo đường chánh đạo, mày sẽ mất rất nhiều thời gian luyện tập mới có thể lĩnh hội hết bài học của thầy, từ đó mới phục vụ cho công việc của mày được.

Như vậy thì uổng phí công sức và thời gian lắm. Ngay từ đầu mục đích đã khác nhau, thì có cố gắng cũng là thừa. Thầy lại biết mày học võ của thầy để đi chém giết, thì thầy sao dám dạy mày nữa chứ, tao có dạy mày thì cũng sẽ giấu nghề thôi con à.

Nghe ông Hai Đờn Cò nói vậy, thầy cũng đành ngồi nghe. Lời dạy bảo, cũng như tính thiện lương của sư phụ khiến thầy cảm phục, mà không dám trái ý, cố gắng nài nỉ làm chi nữa. Chừng như thấy Long Đầu quá khổ tâm, ông Hai dặn dò thêm :

- Nếu mày vẫn quyết chí học võ, thầy sẽ giới thiệu một người khác.

- Sao ? Thật ạ ?

- Thầy già tuổi này rồi. Lừa gạt con nít làm gì. Thầy trò mình không có duyên với nhau. Nhưng tao biết có những người sẵn sàng nhận mày làm đệ tử.

- Dạ. Thầy dặn, con xin nghe.

- Thời còn trai trẻ, thầy tham gia đánh Pháp, rồi đánh Nhật, rồi lại đánh Pháp giành độc lập, trên bước đường rong ruổi, thầy có một thằng bạn rất thân. Cả hai đều yêu thích võ nghệ. Đi đây đi đó, nó với thầy hễ gặp ai biết chút ngón đòn gia truyền là học không biết mệt mỏi.

Khác với thầy, thằng Ba này có cái tật ưa thích những sát chiêu. Nó không học những bài, những chiêu chính danh, để sau này còn mở võ đường. Mà nó cứ thích tìm cách tăng khả năng chiến đấu lên mức cao nhất bằng cách luyện tập những chiêu hiểm độc, bỏ qua những thứ dư thừa còn lại.

Thời đó, nó hay tổ chức những nhóm nhỏ, đánh lén vào đồn bót của tụi Pháp, giết lẻ tẻ dăm ba thằng một cách êm thấm. Nên thầy mặc dù rất buồn khi nó đã sa chân tà đạo, thầy cũng chỉ từ biệt nó ra đi chứ không nói thêm gì, vì thầy cũng biết nó cần phải có kỹ thuật tốt để sống sót khi hành động.

Nhưng càng ngày nó càng quá đáng. Tao nghe nói sau đó nó dính vào ân oán giang hồ, rồi cuối cùng nó khoe nó cũng đã tự mình tập hợp thành một bộ kỹ thuật gì đó, dựa trên những phái võ mà nó học được, chỉ chuyên dùng để ám sát. Nhưng ít ra nó cũng bỏ mấy chục năm bám rễ trên miền Bắc để quấy phá bọn Việt gian theo Tàu bán nước, nên tao cũng không biết làm sao để ghét nó. Rồi thầy còn nghe nói nó gần đây thu nhận cả tội phạm để làm đệ tử nữa. Càng lúc nó càng quái gở. Gặp người như mày, chắc hợp ý nó lắm.

- Vậy làm sao con gặp được ông ta ? - Long Đầu thật thà hỏi.

- Đón tàu ra Bắc chứ sao. Để tao đưa địa chỉ. Nó ở Cao Bằng.

Sư thầy Thích Hồi Đầu kể tới đó, liến hớp một ngụm trà cho đỡ khô cổ, rồi nói tiếp :

- Thầy dạo đó cũng nghe phong phanh tụi du đãng xung quanh đồn rằng ở ngoài Bắc, tụi côn đồ có võ hiểm độc phòng thân. Bộ võ công này có bảy tầng, ai học đủ bảy tầng thì đao thương bất nhập. Nên khi nghe lời ông Hai Đờn Cò, thầy tin ngay tắp lự, chứ không thì tại sao nhiều thằng lại chùn tay trước những tên giang hồ gốc Bắc như vậy ... Nhưng khi nghe tới hai chữ " ra Bắc ", thầy chợt ngần ngừ. Thầy còn mẹ già và mấy đứa em phải nuôi. Làm sao thầy đi được.

Thầy mới bỏ ý định tầm sư học đạo nơi xa xôi, cũng nghỉ học võ chỗ ông Hai. Nhưng rồi lại một chuyện nữa xảy ra, khiến thầy thay đổi quyết định. Số là sau một lần tổ chức sòng bạc bị công an phát hiện và truy đuổi, thầy cùng đường trốn chạy vào nhà một người dân.

Vừa nhảy xuống trong sân nhà người ta, thầy mọi thứ vẫn êm thấm, người nhà đó không ai phát hiện. Thầy lặng lẽ ngồi thu lu trong những giàn khổ qua xanh ngát, thầm mong cây cối lẫn màn đêm sẽ che giấu tung tích của thầy. Bên ngoài, tiếng chân chạy rầm rập của công an và dân phòng khiến thầy toát mồ hôi.

Nửa tiếng sau, chừng như đã yên ắng, thầy mới phủi sạch bụi đất, từ từ đứng lên. Lúc đó bỗng thấy đau rát, ê ẩm, thầy mới hay là trong lúc nhảy qua bờ rào. Quần của thầy bị vướng vào kẽm gai, bị kéo rách tả tơi, lại còn bị chảy máu. Thầy lúc đó nghĩ ngợi, nếu cứ rách bươm như thế mà ra đường, sớm muộn cũng bị dân phòng gọi lại kiểm tra. Rồi mọi công sức thầy lẩn trốn nãy giờ cũng sẽ đổ bể hết.

Trong lúc rối bời, tiến thoái lưỡng nan, chạy vào nhà trộm đồ thì có nguy cơ bị phát hiện, mà chạy ra đường cũng không ổn, thì một âm thanh nhỏ nhẹ phát ra :

- Anh cứ vào nhà, tôi cho anh mượn tạm quần áo của ba tôi.

Giọng nói trong trẻo mà hiền dịu, đến nỗi giờ đây, khi hình dáng ấy đã dần mờ đi trong trí nhớ, thì con tim thầy vẫn cảm nhận được sự ngọt ngào, vẫn còn vẹn nguyên như thuở ban đầu. Căn nhà thầy chọn nơi trú ẩn là một căn nhà của người bán gạo trong xóm, có một trệt một lầu và một vườn cây rộng rãi.

Con gái người chủ nhà bụng dạ hiền lành, rộng rãi, không giống những gì mà các tổ chức báo đài lúc bấy giờ cứ luôn miệng chửi rủa " con buôn là loài ăn trên xương máu người khác ". Thấy thầy thân cô thế cô, cùng đường tuyệt lộ mới rủ lòng thương xót. Sau đó thì thầy cũng biết cô ta đứng trên lầu, thấy rõ cảnh thầy leo rào nhảy vô trốn công an, nhưng cô ta không la lên tố giác thầy. Thầy cảm kích vô cùng, nhưng vẫn còn cố hỏi :

- Cô ở nhà một mình vậy, không sợ tôi cưỡng hiếp cô à ? Tôi là tội phạm đó.

- Thế anh không nghe câu " cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan à " ? Những người truy bắt anh, tuy khoác trên người áo công an, nhân viên công quyền, nhưng họ cũng có khác mấy tội phạm đâu ?

Bất ngờ trước lối đối đáp mạnh bạo của cô gái, khác xa với cái dáng vẻ tiểu thư đài các của cô, thầy ngớ người ra. Thầy lúc đó chỉ im lặng, dùng hai tay đón nhận xấp quần áo mà cô bảo là của ba cô, đưa cho. Thầy trong lúc tự mình sát trùng vết thương, mới hỏi cô rằng:

- Sao nhà cô vắng vẻ thế này ? Ba má cô đâu ?

- Ba tôi bị bắt đi học tập cải tạo rồi. Anh biết đấy, chủ cơ sở gạo mà. Còn mà tôi bận đi ký mấy cái hợp đồng mới, cũng sắp về tới rồi.

Thầy à lên một tiếng. Cảm tạ ơn cứu nguy, thầy mấy ngày sau qua lại nhà cô ta trả quần áo, rồi từ đó thầy cũng thầm thương người ta. Hay lấy cớ này cớ nọ qua nhà cô ta nói chuyện, lúc thì gửi tặng mấy trái ổi hái trộm, khi thì bịch nhãn thầy mua ngoài chợ.

Chuyện trò cô ta nhiều ngày, thì thầy cũng biết từ khi quân miền Bắc vào cưỡng chiếm miền Nam, áp đặt luật lệ hà khắc và những mớ lý thuyết " cào bằng xã hội " hoang đường du nhập từ bên Nga Tàu, thì nhà cô gần như mất hết gia sản. Cha cô phải đi " học tập ", nhưng thực chất chẳng khác gì đi tù khổ sai. Chánh quyền lại lâu lâu lấy cớ này, cớ nọ để làm khó công việc mua bán gạo, hòng bòn rút chút đỉnh tiền còn sót lại của gia đình cô.

Thầy lúc đó nghĩ vậy, nên cũng không lạ gì khi cô ấy sớm có lòng nghi ngại những người khoác trên mình chiếc áo " nhân viên công lực ". Đối với cô, một anh công an cũng chẳng khác gì một thằng du đãng như thầy. Có khác chăng chỉ là thầy dám nhận mình là du đãng, còn những vị áo xanh áo vàng kia thì nhục nhã đứng sau lớp bình phong quyền lực, để tự cho mình cái quyền ăn cướp ăn cắp trên mồ hôi công sức đồng bào.

- Cô tên gì ? - Thầy sau khi đã thân thiết hơn, mới ngỏ lời quen - Từ lúc quen cô tới nay tôi vẫn chưa được biết tên của cô. Chắc hẳn phải đẹp lắm.

- Anh cứ trêu tôi. Tôi là Khuyên. Ninh Cát Ngân Khuyên - cô e thẹn trả lời.

- Tôi đoán đúng rồi mà. Tên cô cũng đẹp như tính nết và con người cô vậy.

Nhìn Ninh Cát Ngân Khuyên bẽn lẽn, quay đầu hướng khác, trông con trăng mới mọc để che đi hai má đang hồng lên, trong lòng thầy rộn lên cảm xúc thương mến vô cùng. Người đâu mà dịu dàng đến thế, mà trong sáng đến vậy.

- Tôi là Long Đầu ... ủa lộn ... tên khai sanh của tôi là Vương Đình Khải.

- Ồ anh là người Việt gốc Hoa ?

- Ừ. Nhưng lâu lắm rồi. Ông cố tổ của nhà tôi trốn giặc Thanh qua bên Đại Việt lập nghiệp. Máy trăm năm qua rồi, giờ tôi là người Việt rồi, chứ không phải bọn Tàu Cộng đâu. Em đừng lo. Ôi chết, tôi lỡ miệng ... cô đừng lo.

Cô ấy bẽn lẽn, mà thầy cũng ngượng ngùng. Nhưng chuyện đời không phải như cuốn tiểu thuyết, nơi cô bé Lọ Lem có thể sánh đôi với hoàng tử, nơi Hoàng tử Cóc cưới được công chúa xinh đẹp. Thầy cũng hiểu ra điều đó chứ. cô ấy ăn học đàng hoàng, biết tiếng Anh tiếng Pháp, tối rảnh lại dạo đàn piano thư giãn. Còn thầy học hành không đến nơi đến chốn, nhà nghèo nàn, sống cùng bọn du thủ du thực.

Cô ấy lại là người Công giáo, còn thầy vốn là kẻ không đạo. Thế giới hai bên cách xa nhau quá. Thầy lúc đó lo từng miếng cơm bỏ bụng, lo cho mẹ già và em nhỏ. Còn cô ấy chỉ biết ngắm trăng, ngắm sao rồi làm thơ. Thế rồi nhân một chuyện, mà thầy cũng đành phải dứt tình ra đi.

Chẳng là một buổi sáng gặp lại, cô ấy cười hỏi thầy :

- Anh định học theo Romeo và Juliet dấy à ?

- Đó là gì ? - Thầy trố mắt ngạc nhiên.

- Đó là một mối tình đẹp của hai người không đến được với nhau, vì những thù hận sâu sắc giữa hai dòng họ.

- Anh không hiểu ?

Nhìn vẻ mặt ngơ ngác của thầy, mà cô ấy cứ tưởng thầy trêu. Chứ thầy lúc đó thật sự không hiểu gì là Romeo, là Juliet.

- Lần sau anh muốn tặng thơ cho em là cứ đưa trực tiếp được rồi, không cần phải học theo người Tây lặn lội lên trên mái nhà gấp giấy thả thơ xuống đâu.

- Thơ ? - thầy lại càng ngạc nhiên hơn.

Ngân Khuyên không trả lời mà ngân nga một khúc :

Xin vì em, cất dao bỏ kiếm,
Xin vì em, tẩm liệm gió sương.
Vì em, nâng khúc yêu thương
Vì em, nguyện kiếp uyên ương vĩnh bền.
Mỗi phút giây mông mênh khắc khoải
Những tháng ngày bải hoải vấn vương.
Tối mai anh mượn song thưa,
Ánh trăng dẫn lối, chút thơ hãy còn.

Thầy nghe xong không hiểu gì hết, đứng trố mắt ra nhìn Ninh Cát Ngân Khuyên như người từ cung trăng mới xuống. Cô ấy vỗ vỗ hai má thầy như người lớn nựng trẻ em :

- Tưởng anh sống đời lang bạt, không biết đến thơ văn nữa chứ. Đã làm thơ lại còn chọn thể lục bát gián thất khá khó. Đáng yêu quá đi mất !

Nhìn cô ấy cười khoe hai lúm đồng tiền mà tim thầy se thắt lại. Thầy đâu phải là cái người thả thơ thả hoa xuống cửa sổ nhà cô hồi đêm qua. Thầy là tên võ biền, cục súc, chỉ biết đánh đấm đòi nợ, và đi bảo kê. Thầy nào có dáng vẻ thư sinh của một tay lãng tử có học vấn.

Lúc đầu, thầy tưởng bài thơ tình là của một cây si nào đó, không ngại cực khổ, trèo lên mái nhà thả xuống, lén tặng cô. Nên trái tim thầy tan nát khi biết hình ảnh phu quân tương lai hoàn hảo trong mắt cô không giống con người của thầy. Nhưng khi đọc đi đọc lại một hồi, thầy mới hiểu ra bức thư cố gắng mạo danh thầy.

Vốn cố tình sử dụng những từ ngữ miêu tả việc giang hồ chợ búa, có đao, có kiếm, rồi còn làm như giữa người viết thơ, và Ninh Cát Ngân Khuyên đã là một cặp vô cùng khắng khít, khiến ngay cả cô gái cũng ngỡ người gửi thư là thầy. Thầy mới bất chợt rùng mình.

Theo thông lệ, hôm đó thầy luôn luôn bận rộn cùng băng Hải Âu, nên làm sao tới thăm Ngân Khuyên được. Mà mọi khi thầy cũng chỉ tới thăm cô vào những ngày đầu tuần, do cuối tuần các sòng bạc hoạt động rất nhộn nhịp. Hôm nay nhân một chuyến đi mua đồ lặt vặt cho đại ca, thầy mới nhân tiện qua thăm Ngân Khuyên mà thôi.

Thầy lúc đó chợt nhận ra là nếu hôm nay, theo như lệ thông thường, thầy không đến thăm được Ngân Khuyên, thế nào đêm nay cô ấy cũng hé cửa cho " người tình " tới tặng thơ tiếp, như những gì ẩn ý trong bài thơ đã được để lại lúc nửa đêm. Nhưng người tình sẽ tới vào tối nay lại không phải là thầy ! Qua những suy nghĩ bất chợt đó, thầy chợt hiểu ra là có ai đó đang cố gắng mạo danh để chuẩn bị giở trò đen tối, hãm hại Ngân Khuyên. Cô ấy không hiểu tâm ý của thầy, mới nói tiếp :

- Tối qua anh định làm gì nè ? Leo mái nhà giữa đêm, có phải anh thấy em đóng kín cửa sổ nên định dùng thơ dụ em mở cửa vào đêm nay không ? - Cô bấu nhẹ vào một bên hông của thầy trách móc - em tuy theo Tây học, nhưng không phải em sống theo lối Tây đâu nhé.

- Không ! Không phải đâu. Em cho anh xem bức thư nào !

Cô ngơ ngác đưa thầy xem lại lá thư mà " chính thầy " đã viết đêm qua. Thầy nhìn qua nét chữ trong bức thư mà mặt mũi thầy xám ngoét. Không còn nghi ngờ gì nữa ! Kẻ gửi lá thư cho Ngân khuyên, mạo danh là thư tình của thầy, chính là Báo Đen. Nét chữ y chang nét chữ để lại trong bức thư gã bỏ vào túi Vương Đình Luân. Hắn đã theo dõi thầy bấy lâu, biết được lúc nào thầy đi thăm Ngân Khuyên, biết được khi nào thầy vắng mặt.

Hắn tranh thủ điều đó nên định tới ám hại. Nào ngờ Ngân Khuyên là cô gái cẩn trọng, luôn luôn khoá cửa cẩn thận. Nên hắn ta mạo danh thầy, dụ dỗ cô ấy mở cửa. Bởi chỉ có thơ tình mới đủ sức dụ dỗ Ngân Khuyên bỏ qua lễ nghĩa mà cho thầy vào thăm lúc nửa đêm thôi, nên hắn viết ra những dòng làm mê đắm con gái nhà lành. Có trời mới biết hắn ta định làm gì cô ấy, nếu sáng đó thầy không tới và vạch trần âm mưu của hắn định làm.

Ninh Cát Ngân Khuyên sợ run lên khi thầy kể lại những thủ đoạn ác độc mà Báo Đen thực hiện trên em trai Vương Đình Luân của thầy, cũng như những ai liên quan đến đại ca Soạn Đĩ. Số trời may mắn muốn cho cô gái ngây thơ xinh đẹp thoát nạn, nên mới an bài cho thầy một cuộc thăm viếng cô ấy trước khi tên hung thủ kịp ra tay.

Sau khi kiểm tra tình hình, thầy dặn cô ấy vào nhà khoá kín cổng lại, còn thầy lập tức tìm đại ca Soạn, và các anh em bày mưu tính kế. Phụng Hoàng Hà Nội cười run lên khi tưởng tượng ra cảnh Báo Đen cuối cùng cũng sa lưới :

- Đụ mẹ. Đi đêm có ngày gặp ma. Thằng Báo Đen gian xảo nhưng đâu ngờ ông Trời cũng tới lúc muốn chơi nó. Nó tính lập mưu hại cho thằng Long Đầu thêm một lần đau khổ đây mà. Nhưng đâu có dễ !

Đại ca Soạn ngồi trầm ngâm, anh ta mỉm cười nửa miệng. Nụ cười tự tin vào chiến thắng của mình :

- Bị thằng Báo Đen ám hại bấy lâu, nhưng cũng nhờ nó mà ta mở mang ra, biết được thêm bao nhiêu là trò gian trá. Nó gian xảo cùng cực, bây giờ mình cũng thử gian manh lại với nó. Cứ tương kế tựu kế, dụ hắn vào rọ. Lần này nó ba đầu sáu tay cũng không thoát.

Càng theo anh Soạn lâu năm, thầy lại càng thấy anh ta vốn thực là có một cái đầu mưu mô xảo quyệt. chỉ có điều là đại ca quá biết khéo léo giấu kín nó. Thành ra những tụi giang hồ xung quanh chỉ biết tiếng của Tứ Linh mà chẳng mảy may đề phòng bộ óc của đại ca. Huy Rùa sau này gia nhập, vốn tiếng cơ mưu, làm quân sư cho đại ca, nhưng theo lời hắn thì đại ca mới đích thực là kẻ cơ mưu nhất mà Huy Rùa từng biết.

Lường Xuân Cường ngồi nghe sư thầy Thích Hồi Đầu kể chuyện xưa tích cũ, thấy bắt đầu có những chi tiết lạ, Cường không nén được tò mò, hỏi thẳng :

- Ủa thầy ơi, Tứ Linh có phải là nhóm Tứ Đại Thiên Vương trùm du đãng Sài Gòn mà khi trước thầy đề cập không thầy ?

- À không phải con ơi. Chà chà, để thầy giải thích. Hồi trước ở miền Nam này vốn chuộng những chuyện nghĩa khí giang hồ huynh đệ, lại có lối dùng chữ hoa hoè. Nên những biệt danh cũng theo đó mà lung linh huyền ảo.

Sau biến cố hai miền nam Bắc thống nhất, thì Tứ Đại Thiên Vương cũng không còn nữa. Cái thời hào hùng, anh em, tình nghĩa, nó bị những chính sách khủng bố tinh thần khác của chế độ mới chèn ép, rồi con người dần dần lấy lợi quên nghĩa. Những băng nhóm cũng không còn chút nghĩa khí giang hồ như xưa nữa. Cũng đúng thôi, phải ăn bo bo thay cơm, ai ai cũng chầu chực đi mua nhu yếu phẩm hàng ngày như một kẻ ăn xin thì còn tình nghĩa với nhau nổi gì nữa.

Nhưng dưới bàn tay dẫn dắt của đại ca, băng Hải Âu không những vẫn còn xứng đáng là một băng nhóm biết nghĩ đến anh em trong băng, giúp đỡ lẫn nhau. Nên tuy là băng du đãng, nhưng sống có quy tắc, như một hội kín giúp đỡ nhau. Cũng nhờ đó, " đất lành chim đậu " mà dần dần những tay cộm cán khác cũng quy tụ. Trong đó có Trần Trọng Huy và Lê Quang Lân.

Thằng Huy có cái đầu ma mãnh, võ nghệ mèo quào, nhưng cái trí nó thì không thua ai, chắc chỉ thua mỗi đại ca Soạn. Nó cầm tinh " con rùa ", ha ha ha ha - thầy Thích cười ngặt nghẽo - đại ca Soạn nói vậy đấy. Nó luôn đứng sau anh em bày mưu tính kế, chứ không khi nào dám ra tay. Y như con rùa rụt cổ. Nên mới có biệt danh Huy Rùa.

Riêng Lê Quang Lân, vốn trong tên của nó có chữ Lân, nên được xem là con lân trong Tứ Linh. Hai thằng Huy Rùa và Quang Lân gia nhập sau, nhưng lập được nhiều công trạng lớn, do lúc đó thầy lặn lội ra Bắc. Rồi dần dần họ lấy được lòng tin của anh Soạn. Về sau, trong băng Hải Âu, dưới anh Soạn là bốn vị, mà ai nấy cũng đều phải nghe lệnh. Rồi những băng nhóm khác cũng phải vị nể mấy phần.

- Ý của thầy, Tứ Linh tức là Long - Lân - Quy - Phượng ? - Lường Xuân Cường phấn khích hỏi.

- Đúng rồi đó con. Anh em trong băng gọi như vậy. Mà đại ca Soạn cũng lại là người hơi mê tín, đại ca cuối cùng thâu tóm được Tứ Linh trong tay thì mừng lắm, nghĩ rằng trời đất phù hộ mình, càng tự tin đối phó với các băng nhóm khác hơn. Nên vai trò của nhóm Tứ Linh càng lúc càng quan trọng trong các sự vụ của băng, không nhiệm vụ nào mà không có ít nhất một trong Tứ Linh tham gia, để đảm bảo công việc được thành công. Đại ca Soạn luôn luôn nghĩ thế. Có lúc, Tứ Linh nắm hết quyền hành và các hoạt động của băng, còn đại ca thì rảnh rang, mặc sức đi chơi đĩ.

- Con hiểu rồi, Tứ Linh tức là bao gồm Phụng Hoàng Hà Nội Phạm Hồng Phùng, Long Đầu Vương Đình Khải, Trần Trọng Huy " Rùa " và Lê Quang Lân.

- Thằng nhỏ này, cứ say mê những chuyện gì đâu. Để thầy kể tiếp vụ chạm trán với Báo Đen tại nhà cô Ninh Cát Ngân Khuyên. Sau khi đại ca Soạn và các anh em đã bàn mưu tính kế kỹ lưỡng, quyết định tự đút đầu vào lưới của Báo Đen giăng sẵn.

Thầy thì khăng khăng phản đối, bởi kế hoạch là sẽ dùng một cô gái yếu đuối làm mồi dụ. Hơn nữa đó lại là cô gái mà thầy hết mực yêu thương. Nhưng rồi đại ca Soạn nói :

- Mày nghĩ xem, nghĩ kỹ đi Long Đầu. Mày với cô ta khác biệt quá. Ba mẹ cô ta sẽ cho mày làm rể chắc ? Nhưng khoan hãy tính xa xôi vậy. Bây giờ nếu tụi mình không tiêu diệt Báo Đen, mày nghĩ mày sẽ bảo vệ được cô ta lẫn ngày lẫn đêm à ?

Rồi mày cũng phải đi làm, cô ta cũng phải đi làm. Trên đường đi làm, ai biết được liệu có xảy ra một cuộc tai nạn giao thông " tình cờ " nào hay không ? Chỉ có dứt điểm một lần, tụi mình mới giữ an toàn được cho cô gái, và cho bản thân tụi mình, gia đình tụi mình nữa.

- Nhung nếu lỡ lần này tụi mình thất bại thì sao ? Và Báo Đen vẫn chạy thoát thì sao ?

- Không thể thất bại được. Tao chuẩn bị đủ đồ nghề để thịt tới mười thằng
Báo Đen rồi.

- Nhưng nếu vẫn lỡ ... ? - Thầy ấp úng.

- Thì lúc đó phải nhờ tới tài ăn nói của mày đó Long Đầu, còn phải xem mày yêu cô ta tới đâu nữa kìa.

Phụng Hoàng Hà Nội vỗ vai thầy, như muốn an ủi khi thấy thầy hai mắt ngấn lệ. Một người đàn ông giang hồ khi đã rớm nước mắt thì cũng có nghĩa sự chịu đựng đã tới cực hạn. Tối hôm đó, băng Hải Âu nằm mai phục theo như những chuẩn bị từ hồi ban sáng.

Mẹ của Ninh Cát Ngân Khuyên không mảy may hay biết gì, còn cô gái tiểu thư thì đã được thầy thuyết phục. Thế là băng Hải Âu bày bố chiến trận trong những căn phòng, trong sân nhà từ sáng, theo những cách bí mật nhất, đề phòng Báo Đen lượn lờ kiểm tra phát hiện ra.

Tối hôm đó, ai nấy cũng đều hồi hộp, khi nghĩ đến cảnh trừng phạt bóng ma đã đeo bám mọi người nhiều năm trời. Cửa sổ nơi căn phòng Ngân Khuyên vang lên những tiếng lộp cộp. Mọi người mai phục gần đó tỉnh hẳn cả ngủ, thấy một bóng người từ trên mái nhà thò đầu xuống, hai tay buông thõng dài ra, gõ vào tấm kinh cửa sổ.

Căn phòng của Ninh Cát Ngân Khuyên tại tầng một của nhôi nhà gạch trắng khang trang, có cửa sổ nhìn ra vườn rau, nơi có đủ loại xanh đỏ tím vàng. Trên khung cửa sổ, cô gái còn treo cả những giỏ hoa lan nhiều màu sắc. Thầy vẫn còn nhớ như in những khung cảnh yên bình thơ mộng ấy.

Ngân Khuyên run run nhỏ nhẹ, giọng nói như hơi thở ảu một nàng tiên, mang theo những yêu thương vô bờ :

- Anh vào đi anh Khải, em không khoá cửa sổ đâu.

Thân hình của Báo Đen lúc đầu trườn như một con rắn từ trên mái ngói xuống, phần chân vẫn để lại trên mái ngói, như hễ có động sẽ lập tức thu mình lên trốn mất. Nay nghe giọng nói của cô gái vọng ra, Báo Đen sập bẫy, tưởng là cô gái hoàn toàn không nghi ngờ gì.

Rồi bất ngờ nhanh như điện xẹt, Báo Đen nhảy phốc xuống mái hiên, trái ngược với sự lờ đờ ban nãy của hắn. Thầy được mai phục bên trong phòng của Ngân Khuyên từ sớm, cả ngày chỉ ăn bánh mì uống nước lã cầm hơi. Nay thấy kẻ tử thù đã hãm hại em trai mình đang đứng trước cửa sổ, thầy giận run lên.

Bóng trăng sáng vằng vặc chiếu rọi bóng của gã vào căn phòng. Cái bóng cao lêu nghêu, mảnh dẻ lạ thường. Hắn đẩy nhẹ cửa sổ rồi chui vào phòng. Giữa lúc hai chân hắn đặt lên thành cửa sổ, thầy nép trong góc phòng, đứng lù lù trước mặt hắn, nói rõ ràng rành mạch cốt cho hắn nghe :

- Không uổng công tao bày trò yêu đương để dụ mày !

Tên Báo Đen đứng trước mặt thầy, hai mắt mở to trợn trừng. Toàn gương mặt hắn đã phủ một lớp vải đen che mặt nên thầy không thấy gì, nhưng cũng đoán hắn đang há hốc mồm ngạc nhiên. Có lẽ hắn quá sửng sốt khi bị mắc bẫy, lại càng không nghĩ tới chính thầy đã bày ra trò yêu đương giữa mình với Ninh Cát Ngân Khuyên để dẫn dụ Báo Đen vào tròng.

Nói dứt lời, thầy tung cú đá thẳng vào ngực gã. Nhưng tốc độ của hắn còn nhanh hơn cả thầy. Hắn vừa lùi lại vừa dùng một tay gạt cú đá của thầy sang bên cạnh như cách người ta gạt tay trẻ con ra. Thầy bị mất đà, ngã chúi về phía hắn, cò hắn thì thuận theo thế lùi ban nãy, lộn ngược người lại xuống dưới sân. Hai thùng rác vốn hằng ngày chứa những thứ dơ bẩn, giờ bỗng bật tung, Phụng Hoàng Hà Nội và đại ca Soạn nhảy ra đồng thanh :

- Cảm ơn cô Khuyên nhé. Tiền thù lao diễn kịch để tụi này sau sẽ trả.

Màn kịch bày ra trước mắt khiến thầy đau xót trong lòng. Nếu không phải vì đã để một mối tình sâu đậm trong tim, thầy nào để mọi người diễn kịch như vậy. Nếu chẳng may màn kịch này không được bắt được Báo Đen mà để hắn giải thoát, thì thầy cũng phải vĩnh viễn từ biệt Ngân Khuyên. Phải để Báo Đen nghĩ rằng cô tiểu thư chỉ là một con cờ lợi dụng, chứ chẳng phải người thân thích yêu thương gì của thầy, thì hắn mới ngừng nghĩ cách hãm hại.

Bới bản tính của Báo Đen chỉ hãm hại những kẻ sẽ gây đau đớn cho đối thủ của hắn mà thôi. Hắn xem mọi người là con mồi nhưng không vội ra tay, mà muốn nhìn mọi người dần dần chìm trong sâu khổ. Thầy lúc đó tiếc đứt ruột khi cú đá mình tung ra nhanh và mạnh như vậy, nhưng cũng không làm Báo Đen mất một sợi tóc.

Nhưng cũng may dưới sân còn có đại ca và Phụng Hoàng Hà Nội không ngại dơ bẩn thối hoắc mà núp trong thùng rác. Hai người phóng ra giữa lúc hai chân Báo Đen chỉ vừa mới chạm đất. Phụng Hoàng múa tít côn nhị khúc, còn đại ca Soạn móc ra một cây mã tấu. Hai người lao vào loạn đả với Báo Đen.

Chừng như đoán được mình không phải là đối thủ với cùng một lúc hai người, Báo Đen nhảy lùi ra sau mấy bước thật nhanh nhẹn, đồng thời dùng hai chân hất lớp đất cát lên thẳng mặt đại ca và Phụng Hoàng. Như quá qhen với những trò bẩn thỉu của Báo Đen, đại ca Soạn lùi lại, đưa hai tay lên đỡ. Trong khi đó Phạm Hồng Phùng mải mê dụng võ, múa may côn nhị khúc, nên hai mắt bị cát bay vào.

Phụng Hoàng Hà Nội hai mắt đau nhức, gần như không còn có thể tham chiến, anh ta múa tít côn nhị khúc để phòng thân, còn đại ca Soạn thì tiếp tục lao tới, nhằm giải nguy cho Phụng Hoàng. Đại ca dùng hết sức bình sinh, giơ cao mã tấu nhảy lên, định bổ xuống đầu Báo Đen. Nhưng " hự " một tiếng, Báo Đen hụp xuống lách người qua một bên, đồng thới xoay lưng lại hướng anh Soạn, mượn thế để gót chân của hắn xoay vòng một đường, chấn ngay giữa ngực của đại ca.

Lực phóng tới của đại ca, cộng với lực xoay vòng của gót chân gã hợp lại khiến đại ca gục xuống tại chỗ, thở không ra hơi. Nhưng động tác đó không phải không có sơ hở. Nếu chỉ phải đối đầu với đại ca Soạn Đĩ và Phụng Hoàng Hà Nội thì Báo Đen đã nắm chắc phần thắng trong tay, muốn kết liễu họ lúc này không khó gì.

Nhưng chính động tác xoay vòng này của hắn đã khiến hắn quay lưng lại phía đối thủ, một điểm yếu chết người trong khi giao đấu. Thầy phóng từ trên tầng một xuống, hai chân nhắm ngay cột sống của Báo Đen, quyết chí khiến hắn một đòn tàn phế.

Báo Đen " hự " một tiếng thật thê lương. Chạm vào lưng hắn, thầy cảm nhận sự rắn chắc một cách khác thường, không phải da thịt. Cứ như hắn ta đã mặc áo giáp sẵn trong người. Nhờ vậy mà cột sống hắn không bị gãy, nhưng hắn cũng bị đòn đạp khá mạnh của thầy khiến hắn ngã chúi vào một gốc cây gần đó.

Chưa kịp đứng dậy, một bóng đen trên thân cây đã nhảy xuống, định giậm hắn. Khá khen cho tài bố trí của đại ca Soạn, cả sân vườn của cô Ninh Cát Ngân Khuyên giờ đây đầy những người của băng Hải Âu mai phục. Người vừa nhảy xuống, trên tay cầm một con dao gọt trái cây sáng loán chính là Quý Mặt Ngựa. Anh ta vung dao loạn xạ đâm chém Báo Đen giữa khung cảnh trời tối đen như mực. Linh Mập cũng từ thân cây gần đó chạy tới tiếp cứu.

Bỗng Quý Mặt Ngựa rú lên một tiếng thảm khốc. Dưới ánh trăng vàng, thấy thấy một mảnh thép loang loáng ánh bạc. Chính là Báo Đen ! Hắn cũng thủ sẵn dao trong người. Trong tình thế hỗn loạn hắn đã rút một con dao trước bụng ra đỡ lại, và hậu quả là Quý Mặt Ngựa, một thằng không biết võ, đã bị chặt rụng một bàn tay, y như số phận của Hưng Cụt, một đàn em khác của đại ca. Linh Mập co rúm ró, vứt con dao gọt trái cây xuống đất chạy mất dạng vì máu từ tay Quý Mặt Ngựa phun xối xả.

Con dao sáng loáng trên tay Báo Đen không giống dao bình thường, mà có bản to, và có quai y như con dao thầy xài, chính là song tô này này- thầy Thích vừa diễn tả, vừa lôi trong người ra song tô để minh hoạ - sau này thầy mới hiểu cảm giác cứng chắc mà thầy cảm nhận được khi thầy đạp vào lưng hắn là do con dao quai thứ hai, hắn đặt sau lưng. Con dao bản to che lưng hắn như một tấm áo giáp chắc chắn.

Chính ví vậy khi hắn chạy đi sau khi chém cụt tay Quý Mặt Ngựa, Phụng Hoàng Hà Nội lúc này mắt nhắm mắt mở, đã lấy lại chút ít thị lực, anh móc khẩu súng lục ra, món vũ khí cuối cùng, nã liền hai phát vào lưng Báo Đen, hai tiếng " koong " vang lên chát chúa y như viên đạn đã bị một tấm thép chặn lại. Báo Đen vẫn không hề hấn gì, cắm đầu chạy tiếp. Những tên còn lại của băng Hải Âu cũng thất kinh hồn vía, bỏ chạy bán sống bán chết.

Ngay cả vũ khí cuối cùng, súng, cũng đã không thể hạ được Báo Đen. Hắn đã tính toán quá cẩn trọng. Thân người hắn gầy gò, nên con dao bản to vô tình che kín gần hết lưng hắn. Hắn lại quá may mắn khi người bắn là Phụng Hoàng, hai mắt đang xót vì cát, nước mắt nước mũi kèm nhèm không thấy rõ. Tiếng súng kinh động cả khu phố, khiến băng Hải Âu phải lập tức di tản, mỗi người một hướng, không dám nán lại. Báo Đen chạy vào bóng tối, bình yên biến mất trước sự nuối tiếc của mọi người. Còn Quý Mặt Ngựa từ đó đâm ra khiếp đảm, bỏ băng Hải Âu về quê nuôi cá.

B. BỊN RỊN

Sư thầy họ Thích kể tiếp :

- Mưu kế hoàn hảo là thế. Báo Đen cũng bị mắc bẫy rồi. Nhưng hắn quá cao tay. Một mình hắn hạ gục đại ca Soạn, loại bỏ Phụng Hoàng Hà Nội dễ như trở bàn tay, hất văng Quý Mặt Ngựa và Linh Mập khỏi vòng chiến. Cả hai cú đá của thầy hắn cũng xem như trò chơi, đỡ gạt không mấy khó khăn.

Cuộc đời thật buồn cười, khi không thầy lại trở thành kẻ thù của Báo Đen, và từ khi chính hắn hãm hại em trai thầy, thầy cũng nguyện một lòng, là phải báo thù hắn, rửa hận cho em trai. Oan oan tương báo đến giờ này vẫn không dứt, nay Huệ Khang lại phải tiếp tục bị kéo vào chuyện này.

Sáng hôm sau cái buổi mai phục Báo Đen, thầy cầm nắm tiền, cố gắng diễn màn kịch cuối cùng, đó là trả thù lao cho " cô gái diễn viên ". Để nếu lỡ Báo Đen có đang thầm quan sát, thì cũng sẽ nghĩ rằng Ngân Khuyên chỉ là con cờ trong kế hoạch, chứ không phải là người thầy yêu thương.

Nhìn cô gái đáng yêu mà thầy phải buộc lòng rời xa, cổ họng thầy cứ nghèn nghẹn. Cô ấy cũng hiểu chuyện, chỉ nhìn thầy rồi quay mặt đi vào trong nhà. Thầy đứng lặng lẽ nhìn cánh cổng khép lại.

Sau hôm đó, thầy quyết chí ra Bắc tìm ông Ba, mà theo lời ông Hai Đờn Cò, là một kẻ chuyên dạy võ cho tội phạm. Có học được những ngón nghề của ông Ba thì thầy may ra mới nâng cao được khả năng phòng thân cho mình.

Đồng thời chuyến đi lần này cũng là để thầy quên đi Ninh Cát Ngân Khuyên và giúp cô xa rời nguy hiểm. Bức thư thầy viết cho Ngân Khuyên ướt đẫm nước mắt với những câu từ vụng vệ, đầy lỗi chính tả, kẹp trong mớ " tiền thù lao ". Thấy bóng cô ấy sau lớp cửa kính trên phòng riêng, ôm bức thư vào lòng quay mặt đi, không cho thầy nhìn nữa, mà cũng không nhìn thầy, thì thầy biết chắc cô cũng đang khóc, và đang cố giấu những giọt lệ đau khổ. Cô ấy muốn thầy ra Bắc một cách yên lòng. Đến giờ thầy vẫn còn nhớ y nguyên nội dung bức thư thầy gửi cô ấy.

" Khuyên thương yêu của anh,

Cho anh được gọi em thương yêu một lằn. "

Thầy đã cố gắng hết mức để viết ra những dòng đó. Tim thầy quặn thắt. Thầy lại không phải loại người giỏi chữ nghĩa, dùng thư từ bịp người. Nên viết những lời lẽ yêu thương như vậy cũng là lần đầu, và là lần cuối. Khi viết ra những dòng đó, cũng tức là thầy không bao giờ gặp lại cô ấy nữa, để cô ấy không bị Báo Đen làm hại.

Lường Xuân Cường hai mắt cũng dần nhạt nhoà. Sư thầy Thích rưng rưng, cũng dần run lên khi thầy chậm rãi đọc lại từng câu từng chữ được viết bằng những giọt máu rỉ ra từ con tim trong bức thư gửi lại người yêu :

" Khuyên thương yêu của anh,

Cho anh được gọi em thương yêu một lằn. Dù cho anh đã muốn gọi Khuyên thương yêu ngìn lằn trước đó. Anh đả kể hết mọi lý do với em, và vì xao anh phải rời xa em. Tên tội phạm biến thái đeo bám anh từ lâu lắm rồi. Nhiù lúc anh muốn kết thúc cơn ác mộng này, nhưng đâu chỉ bằng lời nói mà xong.

Nếu phải chết được mà giử em được an toàn thì anh củng chết. Hôm qua, anh cùng các anh em đả ra tay, đã dùng tới xúng. Mà nó vẫn thoát được. Thì xự trừng phạt hắn xắp gây ra còn nguy hại tới dường nào.

Nhưng nói cho cùng, giữa Khuyên và anh có cần chi giải thích dài dòng nửa đâu nhỉ. Tụi mình mới gặp nhau mà như từ muôn kíp trước. Em củng hỉu là chúng ta không thể có một tương lai hoàn hảo như ý em được. Anh không biết làm thơ. Anh không được đi học đầy đủ. Anh củng không biết thưởng thức một đoá hoa nở trong đêm như em.

Tụi mình ở hai thế dới khác biệt quá. Có lẻ em thương cảm cho anh một thân mồ côi, có lẻ anh thương em vì em có nhửng nét đẹp mà anh hằng mong ước, là hiện thân của tình yêu đơn dản nhưng xâu lắng. Nhưng làm xao duy trì nhửng tình cảm đó khi em nhìn một nơi, anh ngỉ một hướng. Nên dù đao lòng, anh củng ngỉ Khuyên nên nhìn nhận lại mối quan hệ của chúng ta, để rồi quên anh đi.

Chắc hẳn em xẻ rất buồn. Anh cũng buồn nửa. Nhưng em cũng không cần gì phải quyến luyến những gì xẻ không bao giờ thành hiện thực. Anh đã tranh thủ đọc Romeo và Juliet, câu chuyện thật buồn, củng vì họ cố gắng vượt qua rào cản không thể vượt qua. Tụi mình củng vậy. Anh không muốn ai hại Khuyên yêu thương của anh.

Ngày nào em còn cạnh anh thì em sẽ gặp nguy hỉm, mà không nguy hỉm thì cuộc xống đôi ta củng không thể trở nên tốt đẹp được. Anh củng không hối hận gì về xố mệnh tụi mình. Anh đả được gặp và quen biết Khuyên yêu thương. Như vậy là đủ với anh, và anh ngỉ là Khuyên củng nên ngỉ như thế.

Lần này anh đi là xẻ đi luôn. Không về nửa. Phải như vậy thì kẻ thù của anh mới buông tha em được. Anh không về nửa đâu. Đừng đợi anh làm gì. Khuyên thương yêu của anh, thư anh viết chỉ thế thôi, vỉnh biệt em nhé ! "

Cuối thư, thầy biết cô ấy thích thơ, nên thầy cố sức làm một bài thơ ngắn tặng cô ấy :

" Dù muôn phương biền biệt

Anh củng nhớ đến Khuyên.

Nhưng em đừng tiếc làm chi

Và củng đừng nhớ làm gì. "

Sư thầy ngồi thừ ra. Quá khứ hiện ra đau thương và bỡn cợt sư thầy. Một cuộc sống giang hồ đem đến cho thầy bao nhiêu đau đớn, nhưng số phận dường như đã định như vậy rồi. Bao khổ ải như từ trên trời rơi xuống, chỉ bởi một tên biến thái quái đản, đã hãm hại không biết bao người.

Một tiểu tăng chạy tới báo là đến giờ thầy đọc kinh, làm lễ cho Huệ Khang. Sư thầy mới dần dẩn trở lại bình thường, chậm rãi theo vị tiểu tăng đi ra gian khách. Lường Xuân Cường không chịu nổi bầu không khí tang thương, u uẩn, liền trở gót quay về.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro