Chương 18 : Màu tím hoa ban

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tác giả : Vưu Chấn Lộc

A. DẠO CHƠI

Ngoại trừ những buổi chủ nhật là Lường Xuân Cường phải làm việc sáng lẫn chiều cho ông Sào Thìn Nớ, còn những ngày khác trong tuần thì Cường chỉ phải làm một buổi. Buổi còn lại Cường cắp sách tới trường như thường lệ. Tuy thời dụng biểu vẫn vậy, thế mà thời gian mà Cường gặp gỡ Thu Lệ hàng ngày dần dần ít hơn hẳn lúc trước.

Lường Xuân Cường dọn vào nhà ông Nớ làm một chân sai vặt, bốn bề đều luôn luôn có người, từ đó cũng làm Thu Lệ thêm phần ngượng ngùng. Về phần Lường Xuân Cường, cậu cũng cảm thấy khó bày tỏ những tình cảm thân mật giữa mình và Thu Lệ khi xung quanh lúc nào cũng có thể có người xuất hiện bất ngờ.

Hơn nữa, cả Lường Xuân Cường lẫn Phù Thu Lệ cũng không biết viện dẫn lý do nào để bên nhau lâu hơn những lúc gặp mặt trong nhà ông Nớ. Khi trước, Phù Thu Lệ luôn chọn địa điểm vườn rau nơi Cường trông nom làm nơi đến cuối cùng của những lần giao cơm, để từ đó lấy lý do nán lại trò chuyện. Vườn rau cô quạnh, vắng vẻ, nên Thu Lệ cũng thường cắp tập sách qau học bài, rồi tranh thủ chuyện trò. Thầy Tư Khiếu cũng là người tế nhị, biết ý biết tứ, nên luôn đi uống cà phê ngoài quán những lúc Thu Lệ tới thăm Cường.

Trong khi giờ đây, Cường luôn luôn có cảm giác như bị bốn bề theo dõi. Hễ Thu Lệ tới nhận cơm, Cường vừa xáp lại định hỏi han, thì bà Thu đang ngồi lặt rau gần đó, dường như cũng giỏng tai lên nghe ngóng. Lầu Á Sáng cũng lấy lý do ăn cơm, chạy lên chạy xuống bếp lấy đồ lặt vặt. Lúc thì anh ta bảo quên nước mắm, lúc anh ta lại nói rằng tìm ớt rừng để ăn cho bữa cơm thêm ngon miệng. Có hôm, Hạnh lại đi xuống bếp, hỏi han tình hình sức khoẻ gia đình của Thu Lệ, hoặc tình hình của các vườn rau. Lường Xuân Cường chán nản, như mèo bị ướt mưa, cụp đuôi, tiu nghỉu ngồi đếm thời gian trôi.

Cái khó ló cái khôn, Lường Xuân Cường thấy rằng nếu mình không thân mật với Thu Lệ trong nhà ông Nớ được, thì mình sẽ gặp cô ấy ở ngoài đường. Thế là những buổi tan trường, thay vì trước đây Cường về ngay nhà ông Nớ đợi cơm, thì giờ, Cường đạp xe qua trường Thu Lệ để thăm người con gái bé nhỏ.

Tháng tư là mùa thi cử, cũng là mùa hoa ban nở rộ khắp phố phường. Với sáng kiến trong đầu, Lường Xuân Cường phơi phới lòng, đạp xe tung tăng hoan hỉ. Nỗi niềm được nói những điều chan chứa tình cảm với Thu Lệ đã bị cậu dồn nén quá lâu. Cường không có lấy một phút giây riêng tư với cô gái kể từ ngày cậu chuyển chỗ làm.

Cây ban hai bên đường cũng rung rinh sắc trắng muốt như vui lây với cậu. Nhìn những hoa ban bay bay trong gió, Cường thấy trong lòng bồi hồi những năm tháng xa xôi. Khi Cường còn nhỏ, ký ức chỉ còn lãng đãng một màu khói sương, thì cái sắc hoa ban trắng muốt đã in sâu vào đôi mắt thơ trẻ của cậu.

Thuở ấy, bản làng cũng vẫn nghèo nàn như bây giờ. Lũ trẻ con đâu có gì để vui chơi. Từ khi ông Nớ cấm cửa hết thảy trẻ con trong xóm, không được qua nhà ông ấy phá phách nữa, thì những cái cây này trở thành nơi chốn mới cho lũ trẻ vui đùa. Những trò chơi cũng hết sức giản đơn, hầu như là chơi trốn tìm, hoặc nhảy lò cò, ô ăn quan dưới bóng mát của những cây ban.

Có hôm, mấy thằng con trai chơi trốn tìm bị thua, tức khí lên chuyển sang cãi lộn rồi đánh nhau. Lường Xuân Cường cũng bị cuốn vào những trận ẩu đả ấy đến nỗi lấm lem hết đất cát lên người. Cường lúc vui chơi thì vô lo vô nghĩ, nhưng đến giờ phải về nhà ăn cơm thì cậu lại đâm lo lắng sợ sệt. Mẹ Cường, bà Trịnh Thị Lai, khá là khó tính. Bà rất bực bội và phiền lòng mỗi khi thấy con mình lem luốc. Những lúc đó bà than thở :

- Trời ơi con ơi là con. Mẹ đi làm đồng làm rẫy cho người ta rất là cực nhọc rồi. Thời gian đâu mà giặt quần giặt áo cho con chứ hả. Ối trời ơi là trời. Làng nước ơi, có ai khổ như tôi không nào. Ối giời ơi là giời.

Bà hết than thở lại khóc lóc, có lúc còn cầm cây chổi lông gà lên vụt mấy phát vào mông Cường. Lường Xuân Cường nhảy dựng lên la oai oái, nước mắt nước mũi kèm nhèm. Những khi ấy, ba Cường, ông Lường Xuân Hào, lại chính là người hay can thiệp cứu nguy cho cậu. Chuyện lạ đời là vậy. Nhưng gia đình khác thì người cha bao giờ cũng đứng ra roi vọt con trẻ, nhằm uốn nắn nó nên người, người mẹ bao giờ cũng là người chăm sóc cho đứa con sau mỗi trận đòn roi.

Nghĩ lại chuyện năm xưa tích cũ, Lường Xuân Cường vừa đạp xe vừa cười buồn. Khoảng thời gian mộng mơ êm đẹp ấy nay đã lùi vào dĩ vãng. Mẹ cậu giờ đây lâu lâu lại đi làm xa một chuyến, cha cậu do bị căn bệnh tim hành hạ, chỉ quanh quẩn làm việc lặt vặt trong nhà. Cũng bới bệnh tim, mà từ trước đến nay ông Hào phụ thuộc hoàn toàn vào đôi tay kiếm tiền của vợ, còn việc nấu nướng, giặt giũ trong nhà là phần của ông Hào.

Có lẽ là vậy mà mẹ Cường phải đảm đương những công việc vốn lẽ dành cho đàn ông. Bà cáng đáng hết thảy những việc nặng nhọc trong nhà, cho tới việc nuôi dạy, uốn nắn Cường. Từ đó bà đâm ra khó tính, cứng rắn để trở thành trụ cột gia đình. Ông Hào thấy Cường năng động, hoạt bát thì lại vui mừng chứ không cáu kỉnh như vợ. Ông hay nói :

- Thằng nhỏ thiệt là vui tươi, tràn đầy sức sống. Nó có chạy giỡn dơ quần dơ áo thì bà cũng đừng trách mắng nó mà tội nghiệp. Cứ để cho tui giặt đồ nó cho. Con nít đứa nào mà không chạy giỡn.

- Nó chạy giỡn tui đâu có cấm - mẹ Cường cãi lại - tui chỉ bực vì nó làm dơ quần dơ áo thôi. Chạy giỡn tùm lum vậy, lỡ rách áo thì tiền đâu mà mua cái khác.

- Thôi thôi, tui biết rồi bà nó ạ. Tại tui mừng khi thấy thằng con trai tụi mình năng động mạnh khoẻ chứ không ốm yếu bạc nhược như tui. Con hơn cha đúng là nhà có phúc mà. Thằng nhỏ đúng là khác với tui quá bà ạ.

Mẹ Cường nghe chồng khuyên bảo thì chỉ biết ngồi buồn buồn, không nói thêm gì. Có lẽ bà không muốn cắt ngang niềm vui nhỏ bé của ông Hào. Nghe mọi người kể lại rằng, ngày trước, khi biết tin vợ sinh được đứa con trai kháu khỉnh, ông Lường Xuân Hào mừng đến mức gần như tắt thở, mọi người phải đưa ông lên trạm xá cấp cứu. Ông Hào bị bệnh từ nhỏ quá yếu ớt, may sao đến lúc trung niên ông may mắn được mẹ Cường ưng bụng làm vợ.

Cũng bởi tính chịu thương chịu khó mà ông Lường Xuân Hào hết mực yêu vợ mình. Cả làng biết bao nhiêu cô gái, nhưng họ đều chê bai ông Hào bệnh tật quặt quẹo, ngay cả ngồi thở cũng còn khó khăn. Thế mà rồi lại có một cô gái ưng bụng chịu về làm vợ ông, đó là mẹ của Cường. Từ khi mẹ Cường về với ông Hào, bà làm lụng cực nhọc, chăm lo từng bữa ăn giấc ngủ cho chồng, đến mức bà sinh Cường bị thiếu tháng.

Ông Lường Xuân Hào mừng phát khóc khi thấy Cường ra đời mạnh mẽ bình thường. Có lúc ông đã rất đau khổ khi nghĩ mình chính là nguyên nhân khiến mẹ Cường sinh thiếu tháng. Ông từ đó lại càng thương vợ mình nhiều hơn. Bà nói gì ông cũng nghe cũng gật. Đến nỗi một hôm bà nói :

- Ông à. Nhà tụi mình nghèo khổ quá. Cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc. Vùng này sống khổ sống sở, mà những người ngoài xã lớn họ cũng không hơn mình là bao. Lúc trước cả nước còn phải ăn bo bo độn khoai sống qua ngày. Nếu mà còn đẻ nữa chắc phải chết đói hết cả nhà quá. Ông cũng lại có thằng Cường là con trai nối dõi tông đường rồi, hay là để từ từ rồi mới thêm đứa nữa, ông nhỉ ?

- Bà nói cũng hợp ý tui. Tui có thằng Cường là cũng đã mãn nguyện lắm rồi. Tui cũng biết nhà tui mình nghèo nàn, bà cũng chịu thiệt thòi khi về ở với tui. Với lại tui ... tui ốm yếu thế này, có thằng Cường xong là tui cũng đã hết xí quách rồi.

- Ông chỉ được cái thích nói bậy.

Thấy vợ mình giả vờ giận lẫy, ông Lường Xuân Hào cười lớn, nhưng tiếng cười chưa ra khỏi họng thì ông đã bị kích ứng phế quản mà ho lên sù sụ. Có lẽ vậy mà từ nhỏ tới lớn Cường cứ thui thủi một mình, không anh chị em. Những lúc hiu quạnh, Cường lại chạy chơi chỗ này chỗ nọ với bọn trẻ cùng làng. Lớn lên, lũ bạn ngày xưa mỗi đứa đi mỗi nơi. Có đứa thì đi theo người lớn, buôn hàng qua lại giữa những hai biên giới. Có đứa lặn lội đến những vùng sầm uất để kiếm tiền. Thân nhất với Cường còn lại có lẽ là Cư Seo Tùng.

Giờ đây, trong cuộc đời Cường đã có thêm hình bóng một cô gái nhỏ, luôn luôn hiện lên trong suy nghĩ của cậu. Hễ có những lúc rảnh rỗi, thay vì nghĩ tới những bộ phim mà Cư Seo Tùng thó được với lòng đầy háo hức, thì Cường nghĩ về Thu Lệ với một nụ cười nở trên môi. Hôm nay cũng thế, một ngày đẹp trời, gió mát mẻ trong lành, Cường quyết định qua trường Thu Lệ đón cô về.

Ngôi trường Thu Lệ học là một ngôi trường khang trang. Lớp vôi vừa mới được quét lại trong những năm gần đây, nên đem lại vẻ rất tươi mới. Khi Cường đạp xe tới, thì học sinh cũng đã ra về quá nửa. Biết Phù Thu Lệ là lớp phó, luôn luôn ra về sau cùng để kiểm tra cửa nẻo lớp học, cũng như trả sổ đầu bài cho cô giám thị, nên Cường đinh ninh thế nào mình cũng được gặp cô bạn gái, mặc dù hai đứa tan trường cùng lúc.

Giây phút Thu Lệ dắt xe ra cổng trường cũng là giây phút đôi mắt Cường ngập tràn hạnh phúc. Cậu vội phóng tới sát kế bên cô hỏi han rối rít. Những học sinh đang tụm năm tụm ba ngoài cổng trường, thấy một đứa nhóc cấp hai chạy qua trường cấp ba thì cũng tò mò nhìn ngó. Thu Lệ cứ nghĩ mọi người chòng chọc nhìn chuyện giữa mình và Lường Xuân Cường thì có chút xấu hổ, bởi Cường nhỏ hơn cô những tận hai tuổi. Cô líu ríu :

- Trời ơi. Hôm nay bày đặt qua trường đón tui nữa à. Có chuyện gì nè ?

- Bộ có chuyện gì mới được kiếm Thu Lệ à. Không có chuyện gì hết. Hôm nay tui có hứng đi ăn chè. Thu Lệ có muốn đi ăn chè không ?

- Thôi cũng được. Nhưng sau đó tui còn phải về nhà cất tập vở rồi qua nhà ông Nớ giao cơm nữa.

- Có sao đâu. Lát tui cũng về nhà ông Nớ làm việc mà. Tụi mình đi chung luôn.

Đôi trẻ tung tăng vui tươi sau một khoảng thời gian không được tự do chuyện trò. Hôm thì rủ rê ăn chè, hôm thì Cường và Thu Lệ nán lại trong trường để xem đội văn nghệ tập dượt cho một buổi trình diễn nào đấy. Có hôm Cường và cô lại lặn lội ra ngoài suối bắt nhái. Ba của Thu Lệ, ông Phù Trung Lực, rất mê câu quăng. Mồi câu của ông thường là những con nhái. Thu Lệ mặc dù rất buồn khi mẹ cô bắt gặp chồng mình có bồ nhí, nhưng cô vẫn rất thương ba mình.

Những khi ông Trung Lực có mồi câu, ông đi câu từ sáng tới tối mịt và đem về những xâu cá. Con nào con nấy mập mạp. Thu Lệ biết ba cô bận đi câu thì sẽ không đi thăm bồ nhí, và mẹ cô sẽ được những bữa cơm sum họp gia đình vui vẻ. Cá ông Lực mang về, thường quẳng cho vợ ông nấu canh măng, hoặc nấu cháo, rồi cả nhà quây quần bên nhau chuyện trò. Đối với Thu Lệ, hạnh phúc đôi khi chỉ giản đơn như vậy.

Thế là, đa phần những buổi trưa Cường và Thu Lệ gặp nhau, hai đứa lấm lem như người cày ruộng vì công việc bắt nhái ở bờ suối. Về sau, chỉ mỗi Cường là người bắt nhái, còn Thu Lệ xách giỏ theo sau. Hễ Cường bắt được con nào, cậu la lên í ới vui vẻ, Thu Lệ thì chạy ngay lại, mở nắp giỏ cho Cường bỏ con nhái vừa bắt vào. Cả hai lại cùng cười sảng khoái.

Cường và Thu Lệ dạo đó, càng lúc lại càng như hình với bóng. Trong thâm tâm Cường, Thu Lệ như một nàng tiên tuyệt trần mà ông trời hứa ban cho cậu. Cậu càng mong chóng trưởng thành rồi đi kiếm việc làm, chăm sóc cho cô. Cả hai rồi lại sẽ cùng nau bắt nhái cho ba Thu Lệ câu cá.

Viễn cảnh vẽ ra tươi đẹp như thế, nên khi Phù Thu Lệ bảo cậu cũng về nhà cô cất tập sách cho tiện đi bắt nhái, Cường xem đó như một lời gợi ý, cho thấy Thu Lệ cũng muốn giới thiệu Cường với ba mẹ cô. Căn nhà của Thu Lệ cũng tuềnh toàng, vách tre mái lá y như nhà của Lường Xuân Cường. Nhưng nhà cô nằm giữa những rặng cây cao nên mát mẻ như nhà ông Nớ, chứ không nóng bức như nhà Cường. Những khi có con gió thổi qua, những tiếng rì rào khe khẽ vang lên, tạo thành một bản giao hưởng dịu ngọt, mà Cường nhớ mãi về sau.

Phía sau nhà là một cái ao mẹ Thu Lệ dùng để nuôi cá. Những rặng tre xung quanh bờ hồ được trồng cho đất khỏi xói lở. Tiếng chim cứ ríu rít trên những ngọn cây cao, hoà cùng tiếng gió, đem lại một không khí thật yên bình. Trước nhà Thu Lệ là những luống rau lan, được trồng chủ yếu cho heo ăn. Nhưng những lúc không đi chợ, nhà Thu Lệ cũng ra vườn, lựa chọn những đọt non nhất, hái về luộc chấm nước mắm.

Ba Thu Lệ thì chỉ thỉnh thoảng mới có nhà. Trong những lần hiếm hoi Lường Xuân Cường qua nhà Thu Lệ chơi, mỗi lần Cường thấy ông Trung Lực là lần đó ông lại say mèm, chờ tới giờ cơm trưa. Nếu như ba Thu Lệ không say khướt, thì cũng chẳng mấy khi buồn chú ý đến Cường. Ông bận rộn với những con số chi chít được ông tỉ mỉ tô xanh xanh đỏ đỏ trong một xấp giấy nhàu nát.

Biết Cường thắc mắc, Thu Lệ mới giải thích :

- Ba tui đang nghiên cứu số đề đó. Tiền của bao nhiêu ba tui cứ đổ vào đó, mà chỉ thấy lỗ chứ không thấy lời.

- Mà sao lại phải dùng bút màu tô xanh tô đỏ chi vậy ?

- Có rất nhiều kiểu đánh trong đề đóm, có kiểu đánh không chỉ đơn thuần dựa vào may mắn mà còn có sự tính toán theo những công thức tính xác suất. Ví dụ như một đồng xu, luôn luôn có mặt trái và mặt phải, nếu ta tung nó lên rồi cho nó tự do rớt xuống, lúc nào cũng có một trong hai đáp án là mặt trái, hoặc mặt phải sẽ nằm ngửa lên. Đúng không ?

- Ừ. Đúng rồi. Rồi ? - Cường vẫn còn thắc mắc.

- Nếu ta chọn một mặt, và theo mặt đó mà đập tiền vào, ta sẽ có xác suất năm mươi phần trăm thắng. Tương tự như vậy, bằng cách đong đếm các tỉ lệ thắng, và các cách thức nâng tiền để theo một chuỗi số nào đó, người chơi đôi khi may mắn sẽ có lời sau một khoảng thời gian đầu tư. Việc tô màu là để người tham gia dễ dàng theo dõi sự biến đổi huyền ảo của các con số. Nhưng vấn đề là vốn cần nhiều, mà độ may rủi rất bấp bênh, không ai biết trước khi nào sẽ thắng. Nên có nhiều khi, những con số vừa bỏ thì lại ra, những con số cố gắng theo thì mãi không tới.

- Vậy chẳng khác gì cờ bạc nhỉ ? Hèn chi nhà nước cấm.

- Ừ. Tui thấy cấm là đúng. Vì tiền bạc đổ vào biết bao nhiêu. Nhưng họ cấm đề đóm mà vẫn duy trì vé số thì đời nào cấm được. Ngày nào vé số còn tồn tại thì đề đóm vẫn còn nguồn sống rất mạnh mẽ. Bởi đánh đề lấy kết quả từ xổ số kiến thiết mà ra.

- Ờ ha. Cấm đề đóm mà lại không cấm xổ số. Thật lạ lùng. Cả hai đều là những hình thức đánh bạc.

- Chẳng có gì lạ cả. Một bên hoạt động không phép, nguồn lợi thu được chui vào túi các nhà cái. Một bên thì nguồn lợi chui vào túi các ông quan có quyền hành, có chức vị. Phải cấm một bên để một bên được độc quyền mà vơ vét chứ. Bên nào bị cấm thì luôn có những thông tin mô tả sự xấu xa nguy hiểm về nó, bên không cấm mà cho hoạt động thì lại được tung hô " ích nước lợi nhà ". Mặc dù cả hai đều là hình thức may rủi, dùng tiền thưởng với những con số lớn để làm mờ mắt người tham gia.

- Thu Lệ nói cũng đúng. Miệng lưỡi con người thật ghê gớm, nói cái sai thành cái đúng dẻo quẹo.

- Tui rất bực vì những đồng tiền bị nướng một cách vô ích. Nhưng nói mãi cũng vậy. Ai mà đã đam mê cờ bạc rồi thì họ khó lòng dứt ra được. Họ xem đấy như một hình thức giải trí hàng ngày. Không có là không được. Có hôm ba tui bỏ ăn bỏ uống, hồi hộp ngồi chờ kết quả sổ xố. Mẹ tui khóc hết nước mắt cũng vì vậy.

Cái khổ của mỗi gia đình không ai giống ai, nhưng đều làm những người có tâm phải chùng lòng xuống. Những câu chuyện của gia đình Thu Lệ khiến Lường Xuân Cường không có mấy thiện cảm với ông Phù Trung Lực. Nhưng với mẹ Thu Lệ, Cường luôn luôn có một niềm kính phục nào đấy. Thân phận phụ nữ ở bản làng, thôn quê của Cường ai cũng như ai, tảo tần sớm hôm nuôi chồng nuôi con.

Mẹ Thu Lệ lần nào thấy Cường qua chơi, cũng dúi vào tay cậu không bánh ú thì cũng bánh gai. Có hôm, bà còn bảo Cường bắc ghế, hái những trái mướp nặng trĩu từ trên giàn xuống để nấu canh. Dĩ nhiên, Cường không nề hà gì cả mà sẵn sàng làm ngay. Nếu không có Cường, nhà Thu Lệ chỉ ăn canh rau muống hoặc canh khoai môn, còn những trái mướp bà để dành mang ra chợ bán. Nghe Thu Lệ kể lại, Cường mới hiểu mẹ cô rất quý mến Cường, nên mới nấu canh rau dền và mướp rồi mời cậu ở lại nhà dùng cơm trưa.

Vì thế, Cường cũng hết sức quý mến mẹ của Thu Lệ. Sự quý mến của Cường nhiều khi khiến cậu hay lăng xang phụ giúp bà nhổ cỏ, lặt rau, quét nhà mỗi khi đến chơi, mà quên bẵng mất ông Trung Lực đang nằm chăm chú với những con số trên chiếc võng ngoài sân. Có lần, ông Trung Lực bực tức sau chuỗi ngày thua đề, khiến Cường nhận ra sự vô ý vô tứ của mình :

- Mẹ nó. Thằng mất dạy. Qua chơi không biết chào hỏi một ai.

Lẽ dĩ nhiên, Cường chẳng đến mức ghét bỏ hay thù hằn gì ông Phù Trung Lực mà làm ngơ như ông không có mặt trong nhà. Chẳng qua, cậu xem nhà Thu Lệ thân thiết như nhà mình, nên sự buông tuồng suồng sã làm cậu không chú tâm đến quá nhiều khuôn phép. Hơn nữa, lần nào Cường đến nhà Thu Lệ, ông Trung Lực cũng say sưa chăm chú vào những trang giấy, Cường đâm sợ sẽ quấy rầy ông. Mẹ Thu Lệ thì biết rõ ông Trung Lực chỉ là đang bực mình với những con đề, muốn mượn cá chém thớt, chửi đổng một câu cho quên đời, nên bảo Thu Lệ dẫn Cường đi chơi cho khuây khoả.

Nhà Thu Lệ ở gần chợ Hà Linh. Những khi hai đứa tránh mặt ông Trung Lực thì thường ra chợ dạo chơi. Trời tuy đã trưa, nhưng chợ vẫn còn rất nhộn nhịp. Những lúc cả hai thơ thẩn, những hàng quán xanh xanh đỏ đỏ của lụa là, vải vóc thu hút ánh nhìn của Thu Lệ nhiều nhất. Còn Cường, cậu chú ý đến những con tò he rực rỡ sắc màu. Bàn tay nghệ nhân khéo léo nặn đủ hình thù cuộc sống, cho đến những nhân vật thần tiên trong những bộ phim lúc nhỏ mà Cường luôn yêu thích.

Thấy Cường mê mẩn,Thu Lệ cũng đứng nhìn chăm chú theo. Nhưng cả hai không có tiền để mua. Cường và Thu Lệ chỉ đứng đó nhìn với ánh mắt thèm thuồng, pha lẫn chút ganh tị khi có những đứa nhóc thuộc gia đình khá giả tới sắm quà. Khung cảnh những tờ giấy bạc được xếp ngay ngắn, rồi người nghệ nhân trao con rồng xanh xanh đỏ đỏ, những móng vuốt kiêu kỳ cho đứa nhóc cũng trạc tuổi Cường, Cường lại thấy trong lòng buồn buồn như vừa mất đi vật gì.

Những khi đó, Thu Lệ lại phải kéo Cường đi tới hàng quán khác, vì người nghệ nhân đã bắt đầu cảm thấy khó chịu khi có hai đứa nhóc không chịu mua gì mà cứ đứng nhìn.

Cũng có khi, chợ Hà Linh được những người mãi võ ghé đến. Họ biểu diễn trong tiếng chiêng trống vang lừng cả khu. Những lúc ấy không khí vui như hội. Lường Xuân Cường và Phù Thu Lệ phải cố gắng lắm mới chen được chân vào vòng tròn người dày đặc.

Chính giữa chợ, dưới gốc cây ban hoa trắng là những người đàn ông dáng vẻ nhanh nhẹn mạnh khoẻ. Những thanh niên cởi trần trùng trục khoe những đường cơ bắp nổi cộm, cánh tay và cẳng chân cứng như thép nguội. Họ thay phiên nhau múa những bài quyền lả lướt, động tác cương mãnh. Vừa thực hiện động tác đầy tính nghệ thuật, họ lại vừa hô to những câu khẩu quyết như trong các bộ phim kiếm hiệp. Một chập, một ông già râu tóc bạc phơ nhưng dáng người vẫn khá khoẻ khoắn, chừng như trưởng nhóm, ông ta đi một vòng xung quanh những người đang đứng theo dõi, đi tới đâu ông ta lại chìa nón ra xin tiền biểu diễn :

- Anh em tụi tui dày công tập luyện Qua La võ phái, ngày đêm không nghỉ, để mong hầu vui cho bà con. Ai thấy hấp dẫn thì xin ủng hộ. Có ít cho ít, có nhiều cho nhiều, không cho cũng không sao.

Những tờ bạc lẻ thoăn thoắt được dân làng ném vào. Lường Xuân Cường cũng bỏ vào chiếc nón của ông già một tờ bạc hai trăm đồng. Những người mãi võ này Lường Xuân Cường đã xem họ biểu diễn hàng chục lần. Họ là những người sống du mục, thường đi đây đi đó biểu diễn thu tiền sinh sống. Mặc dù đã xem họ nhiều lần, nhưng lần nào Cường cũng có cảm giác hồi hộp, thích thú vì họ luôn luân phiên thay đổi cách thức biểu diễn, tạo nên một vẻ huyền diệu nào đó.

Cứ mấy tháng một lần, họ lại ghé qua chợ Hà Linh biểu diễn. Cũng vẫn những gương mặt ấy, những lời rao và những phương thuốc cao họ bày bán vẫn vậy. Đôi khi họ cũng trình diễn một số tiết mục nguy hiểm, nếu thấy dân làng thưởng tiền không nhiều. Những khi đó, dân làng lại càng xúm lại vô cùng đông đúc. Nhất là một người hiếu kỳ như Lường Xuân Cường, cậu nhất định không bỏ qua những chi tiết nhỏ nhặt nhất.

Ông già trưởng nhóm dùng chiếc loa tay, rao dõng dạc từng tiếng :

- Và đây, thưa bà con. Một tiết mục độc đáo và hết sức hấp dẫn, cũng cực kỳ nguy hiểm, mà chỉ có những tay gan dạ mới dám thực hiện. Xin bà con xem xong chớ có thử tại nhà, kẻo tiêu tùng tánh mạng.

Lời rao của ông già mãi võ thu hút sự hiếu kỳ của mọi người dần đó. Ngay cả những người vốn chẳng chú tâm gì đến những màn biểu diễn đường phố cũng rời khỏi ghế ngồi, rồi nhập vào trong vòng người đang mỗi lúc một dày thêm. Một anh thanh niên vạm vỡ, cơ bắp cuồn cuộn như một lực sĩ, đúng dựa lưng vào một tấm ván to như chiếc bàn vừa được những người còn lại dựng đứng lên. Trên mặt tấm ván chi chít những lỗ sâu hoắm mà Cường đoán là do va chạm với binh khí. Đích thân ông già trường nhóm xách ra một hộp gỗ bóng loáng. Ông nhanh tay bật nắp, cơ man nào là những lưỡi dao théo bóng loáng, chuôi mỗi con dao đều có gắn một mảnh vải nhỏ đỏ óng.

Ông già nín thở, đưa một con dao lên ngắm nghía trong tiếng trống dồn dập của bọn đệ tử. Mọi người ai nấy cùng hồi hộp theo dõi màn ông già phóng dao. Hễ sơ sẩy một chút là mất mạng như chơi. Ông già hít một hơi dài lấy khí thế, hét lên một tiếng lanh lảnh thì lưỡi dao trong tay ông ta cũng được phóng ra với tốc độ kinh người rồi cắm phập vào miếng ván gỗ, chỉ cách anh thanh niên làm bia có vài centimet. Các bà các cô thì hốt hoảng bịt mắt, còn các anh thanh niên đứng bên ngoài xem thì hò reo, tay vỗ lốp bốp lia lịa.

Cứ thế, cứ thế, những lưỡi dao lần lượt được ông già phóng về phía chàng trai, cắm ngập vào ván gỗ. Mỗi lưỡi dao mà chỉ cần đi chệch tí thôi thì đời của anh thanh niên kia cũng úa tàn. Cho đến khi chỉ còn lại một lưỡi dao chưa được phóng mà thôi, ông già dừng tay, nhìn xung quanh tuyên bố :

- Thưa bà con. Và đây là màn biểu diễn kinh thiên động địa, màn biểu diễn nguy hiểm nhất từ trước đến nay của đoàn chúng tôi. Đã có nhiều người bắt chước theo biểu diễn, và vì vậy có rất nhiều người bỏ mạng oan uổng. Tôi xin nhắc lại, bà con không nên tự ý luyện tập ở nhà. Con dao cuối cùng này, tôi sẽ không phóng nó theo cách thông thường, mà là bịt mắt lại, rồi dùng một chân của mình kẹp lấy con dao và phóng nó đi.

Đâu đó xung quanh bắt đầu có tiếng ồ à. Dân làng dường như vẫn không tin ông già này lại có thể thực hiện được một màn phóng dao kỳ dị như thê. Bịt mắt phóng dao đã khó, nay ông già này lại đứng bằng một chân, và dùng một chân còn lại để phóng, thì lấy lực từ đâu ra. Một đệ tử của ông già mang ra chiếc khăn đen dài, xếp thành nhiều vòng cho dày lại, rồi cẩn thận bịt mắt ông ta lại. Một không khí căng thẳng bao trùm mọi nơi. không ai bảo ai, họ ngừng ồn ào mà chăm chú theo dõi, đến nỗi xung quanh chỉ văng vẳng tiếng chó sủa gió mà thôi.

Ông già sau khi đã đượt bịt mắt cẩn thận, nhóm mãi võ còn cẩn thận mời một người dân làng lên kiểm tra lớp vải bịt mắt cho chắc chắn rằng ông già không còn nhìn thấy gì nữa. Xong đâu đấy, ông già cầm con dao sáng loáng lên, còn cẩn thận dùng một chiếc khăn lau đi lau lại nhiều lần rồi kẹp vào hai ngón chân. Con chó của đoàn người mãi võ mang theo cũng vô cớ sủa lên mấy cái như báo hiệu có điềm chẳng lành sắp xảy ra.

Ông già đứng trong một tư thế kì dị, một chân ông giữ thăng bàng trên đất, một chân ông giơ ngang người co lại cho đầu gối áp thẳng vào bụng mình. Mọi người hồi hộp theo dõi, không khí lặng im như tờ. Người đông như vậy mà không ai dám nói lời nào, để khỏi làm ông già bị phân tâm, dẫn đến tính mạng chàng thanh niên trẻ làm bia có thể bị nguy hiểm. Ông già sau khi đã chuẩn bị tư thế kỹ lưỡng, mới hét lớn :

- Chuẩn bị kỹ chưa, sư phụ phóng dao đây !

Người thanh niên đứng làm bia, trên mặt không biểu lộ bất cứ sự sợ hãi nào, hét lên một tiếng " Dạ " âm vang trời đất. Người mãi võ già hơi nghiêng người lại phía sau, lấy tư thế và chân trụ làm điểm tựa để cú phóng được nhanh và mạnh. Chân ông phóng ra một đường lăng lệ. Nhưng hỡi ôi, thay vì bàn chân đi đúng theo hướng đã định sẵn, nó lại vô tình bị lệch đi bởi một con chó nhảy ra. Chính là con chó mà đoàn mãi võ mang theo, nãy giờ sủa râm ran, giờ chính nó lại phóng vào phá rối. Con chó không hiểu điều chi bỗng nhiên lao đầu vào giữa lúc người đàn ông già tung chân ra phóng con dao định mệnh, khiến cổ chân ông bị lệch đi, và con dao cũng vô tình bay chệch một chút. Ông ta hốt hoảng la lên :

- Trời ơi ! Con chó !

Những người đang đứng xem trong tích tắc cũng kinh hoàng bạt vía. Có một số người còn đưa tay lên che mắt la thảm. Phù Thu Lệ ôm chầm lấy Lường Xuân Cường, úp mặt vào ngực cậu không dám nhìn. Con dao sáng loáng bay thẳng đến trước bụng của người thanh niên trẻ không một chút lưỡng lự. Khi ai nấy đều nghĩ người thanh niên ấy thế là toi rồi, tiếc thương anh ta, trai tráng trẻ tuổi mà phải vong mạng sớm, thì chuyện thần tiên xảy ra. Cơ bụng rắn chắc nổi rõ sáu múi được anh ta dùng khí công gồng lên, con dao sáng loáng bay tới như bị va phải đệm cao su đàn hồi, bật ra và rơi xuống đất trong sự vui mừng của mọi người.

Ông già ném dao hấp tấp cởi bỏ chiếc khăn vải bịt mắt trong sự hoang mang tột độ, rồi lại vô cùng vui mừng khi thấy học trò của mình vẫn bình an vô sự. Ông chạy lại, ôm chầm lấy chàng trai trong tiếng vỗ tay hò reo của mọi người. Ông già giơ hai tay ra xung quanh, quay nhìn hết thảy khán giả rồi nói :

- Thưa quý vị, quý vị cũng thấy là màn trình diễn vừa rồi rất là nguy hiểm. Nếu không phải chúng tôi luyện tập theo những phương pháp cổ truyền của Qua La phái, thì thằng nhóc này đã uổng mạng dưới con dao oan nghiệt đó rồi. Hơn nữa, điều làm cho da của đệ tử tui cứng như thép nguội là vì nó hay dùng các bài thuốc chữa trị vết thương ngoài da mà tôi sắp sửa giới thiệu cho bà con đây.

Một vài đệ tử của ông ta khệ nệ mang ra những gói bột thuốc bọc trong lớp giấy gói màu vàng. Ông ta cùng các đệ tử mang tới mang lui cho mọi người xung quanh xem, vừa giới thiệu công dụng :

- Đây là những bài thuốc trị thương cổ truyền, được các nguyên liệu thuốc quý mà thầy trò tui cất công lên núi cao để hái rồi sắc trong ấm sừng tê. Ai bông gân trật xương, pha với nước rồi đắp lên. Ai bị vết thương trầy da chảy máu thì cứ lấy bột thuốc này rắc vào. Bảo đảm da lành lặn trong vòng vài ngày. Ai không bệnh không tật, cũng không sao, thuốc này cũng giúp bà con tráng gân bổ cốt nếu dùng hàng ngày một cách thường xuyên. Ai hay đi rừng đi củi cứ mang theo phòng thân. Mua đi bà con, mua đi bà con. Bôi tới đâu khoẻ tới đó.

Ông già đi tới đâu, bà con mua tới đó. Nếu có người không mua thì cũng bỏ vào vài tờ bạc lẻ để thưởng cho những màn biểu diễn nguy hiểm của mọi người. Riêng Lường Xuân Cường thì kéo Thu Lệ ra, để chuẩn bị về nhà vì trời cũng đã quá trưa. Thu Lệ đi mà đầu vẫn hướng về cảnh nhộn nhịp sau lưng :

- Món võ phái Qua La thật là lợi hại ghê, Cường nhỉ. Con dao bị đẩy bật ra luôn.

- Nó không phải Qua La - Cường vừa lắc đầu vừa mỉm cười nho nhỏ trong miệng.

- Không phải ? Thế là sao ?

- Qua La không có những bài quyền rồng bay phượng múa như vậy. Rồi lại còn món thuốc gia truyền nữa chứ.

Lường Xuân Cường định kể lại những gì mình được sư thầy Thích Hồi Đầu cho biết, nhưng vì lỡ hứa với sư thầy nên lại thôi. Thu Lệ thấy Cường đang nói chợt im, thì tò mò hỏi tiếp :

- Thế sao con dao lại bật ra chứ không làm anh ta bị thương ? Mà Cường cũng có biết về môn phái Qua La à ?

- Không, Cường cũng chỉ nghe người ta đồn thôi. Ai học món đó thì đều giấu giếm, chứ không ra đường múa may như vậy. Còn về việc người thanh niên đó không bị con dao làm hại thì ... thì Cường không biết.

Cường gãi đầu gãi tai bối rồi. Phần vì đã trễ, nên Thu Lệ cũng không hỏi han thêm gì, mà cả hai cùng về nhà ông Nớ. Một người thì đi nhận cơm cho các vườn rau, một người thì sửa soạn cho những buổi khuân vác ban chiều. Cả hai tất bật với công việc, còn trong lòng vui vẻ như xuân về.

B. ĐƯA ĐÓN

Hết hẹn hò nhau giờ tan trường, Lường Xuân Cường còn tranh thủ giờ đi học. Hôm nào Cường cũng cố gắng dậy thật sớm, khi mặt trời con đang chìm sâu sau đường chân trời. Khi không gian còn mờ đẫm hơi sương, Cường đã gõ cửa nhà Thu Lệ. Lần đầu tiên, Thu Lệ hết sức bất ngờ khi trời còn đang nhá nhem tối đã có người gõ cửa. Cô cốc đầu Cường một cái, vì tiếng chuông xe leng keng của cậu suýt chút nữa thì đánh thức ba mẹ cô.

- Lần sau, đánh chuông xe ở ngoài ngõ thôi nhé. Sao Cường dậy sớm vậy ?

- Dậy sớm để đi học chung với Thu Lệ.

- Đồ quỷ. Mấy đứa bạn tui bắt đầu chọc tui rồi đó nghen.

Mặc dù Thu Lệ e thẹn là vậy, nhưng mỗi khi Cường đến để cùng cô đi học, cô đều không từ chối. Hai đứa vừa đạp xe cạnh nhau, vừa huyên thuyên những chuyện trên trời dưới đất. Những lúc Cường đến quá sớm, khi cổng trường vẫn còn chưa mở, thì Cường và Thu Lệ tranh thủ những giây phút hiếm hoi đó, ngồi uống nước ở một cái quán trước cổng trường.

Món chè phổ tai bao giờ cũng được Thu Lệ lựa chọn. Biết cô thích món chè dai dai giòn giòn đó, lần nào Cường cũng chọn những quán chè có món phổ tai đậu xanh những khi hai người đi chơi cùng nhau. Cường qua chơi nhà Thu Lệ thường xuyên đến mức mẹ cô bé cũng biết Cường có tình ý với con gái mình. Một hôm bà hỏi :

- Con Thu Lệ nhìn nó vậy, chứ nó đoảng lắm. Nấu nướng ăn dở ẹt à.

Cường trong lúc ngây ngô, không hiểu lắm ý của mẹ Thu Lệ, cậu chàng đáp gọn lỏn :

- Có sao đâu. Có gì con sẽ chỉ Thu Lệ nấu những món mà con biết.

Mẹ Thu Lệ cười ngất :

- Nấu cho nó ăn suốt đời được à ? Phải tập cho nó nấu chứ. Còn con Thu Lệ, tập nấu đi nghe chưa, con gái mà không biết nấu nướng, ma nó thèm cưới.

- Kìa mẹ ...

Thu Lệ chu môi trách mẹ sao lại chê bai con gái quá thậm tệ. Cường giờ cũng hiểu ra ý tứ trong lời nói của bà, nên cười toe toét. Từ đó Cường lại càng năng sang nhà Thu Lệ chơi hơn, vì cậu biết cậu đã có đồng minh.

Tuy Thu Lệ không phải trang nghiêng nước nghiêng thành, nhưng Cường nhận thấy ở cô những nét duyên ngầm cá tính. Thu Lệ lại biết cách làm đẹp qua những điều bình dị. Khi thì cô quàng chiếc khăn len, khi thì cô dùng chiếc nơ hồng trang trí cho mái tóc. Những mùa hoa ban nở, cô khéo léo lựa những bông hoa có sọc tím để kết lên mái tóc của mình, chứ không chọn những bông hoa trắng bình thường. Cường nhìn Thu Lệ rạng ngời mà chợt ngẩn ngơ.

- Hoa ban có đẹp đến mấy cũng không bằng Thu Lệ ... Dù cho có là hoa ban sọc tím chăng nữa.

Cường lẩm bẩm cốt cho Thu Lệ nghe thấy. Cô gái bẽn lẽn quay đi, để lại trong lòng cậu trai trẻ niềm ấp áp khôn tả.

Thế thế, ngày lại qua ngày, sáng rồi lại trưa, người ta đều thấy Thu Lệ và Cường, cặp thanh mai trúc mã rạng rỡ đạp xe cạnh nhau giữa sắc tím hoa ban.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro