Nhàn

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

             Nhà sử học Phan Huy Chú từng nhận xét từ ngữ, giọng thơ Nguyễn Binh Khiêm: "Văn chương ông tự nhiên, nói ra là thành không cần gọt giũa, giản dị mà linh hoạt, không màu mè mà có ý vị, đều có quan hệ đến việc dạy đời". Bởi có lẽ Nguyễn Bình Khiêm đã sống gần trọn một thế kỉ đầy biến động của chế độ phong kiến Việt Nam: Lê – Mạc xưng hùng, Trịnh - Nguyễn phân tranh. Hơn nữa ông là người có khí tiết, có nhân cách và trí tuệ hơn người. Nhắc đến ông, người ta thường nghĩ về triết lý sống "Nhàn" như một kiểu phản ứng với thế nhiễu nhương đương thời. "Nhàn" là một phạm trù tư tưởng ăn sâu trong tâm thức các trí thức Nho học thời xưa, nhưng mỗi người có cách thể hiện và xây dựng về triết lý ấy khác nhau. Với Nguyễn Bình Khiêm, cái "nhàn" của ông không thể bị hiểu nhầm hay lẫn lộn với bất kỳ ai. Qua bài "Nhàn", nhà thơ nêu lên quan niệm sống của một bậc ẩn sĩ thanh cao, vượt ra cái tầm thường, xấu xa của một cuộc sống bon chen vì danh lợi.

        Nhà thơ đã nhiều lần đứng trên lập trường đạo đức nho giáo để bộc lộ quan niệm sống của mình. Những suy ngẫm ấy gắn kết với quan niệm đạo lí của nhân dân, thế hiện một nhân sinh quan lành mạnh giữa thế cuộc đảo điên. Nhàn là cách ứng xử thế quen thuộc của nhà nho trước thực tại, lánh đời thoát tục, tìm vui trong thiên nhiên, cây cò, giữ mình trong sạch. Và "Nhàn" của Nguyễn Bình Khiêm đã thể hiện một thái độ sống, một triết lí sống qua từng câu thơ.

Trước hết, ta thấy vẻ đẹp cuộc sống lao động của Nguyễn Bỉnh Khiêm được thể hiện tinh tế qua hai câu thơ đầu:

Một mai, một cuốc, một cần câu,

Thơ thần dầu ai vui thú nào.

    Ngay trước mắt người đọc, hiện lên một Nguyễn Bình Khiêm thật dân dã trong cái bận rộn giống như một lão nông thực thụ. Khung cảnh bình dị, rất đỗi quen thuộc nơi thôn quê dân dã hiện ra trước mắt qua điệp từ "một". Những vật dụng lao động quen thuộc của người bình dân trở thành hiện thân của cuộc sống không vướng bận lo toan, tục lụy. Sự hiện diện của mai, cuốc, cần câu như một cách tô điểm cho cái "thơ thần khác đời" của nhà thơ. Đó là một cách chọn lựa thú hưởng nhàn cao quý của nhà nho tìm về với cuộc sống "ngư, tiều, canh, mục" như một cách đối lập dứt khoát với các loại vui thú khác, nhằm khẳng định ý nghĩa thanh cao từ cuộc sống đậm chất dân quê này. Dáng vẻ thơ thẩn được hác họa trong câu thơ thật độc đáo, mang lại vẻ ung dung, bình thản của nhà thơ trong cuộc sống nhàn tản thật sự. Sự thư thái của cuộc sống, trạng thái thảnh thơi của nhân vật trữ tình chi phối cả âm điệu bài thơ, đều đặn, chậm rãi, nhẹ nhàng, thanh thản lạ kì. Ta nhận ra những suy nghĩ của ông không tách rời quan điểm thân dân của một con người chọn cuộc đời ẩn sĩ làm lẽ sống của riêng mình. Trạng trình đã nhìn thấy từ cuộc sống nhân dân chứa đựng những vẻ đẹp cao cả, một triết lí nhân sinh vững bền: hoà vào cuộc sống bình dị, an nhiên, vui vẻ. Đó cũng là cơ sở giúp nhà thơ khẳng định một thái độ sống đầy bản lĩnh, quan niệm "dại - khôn" của Nguyễn Bình Khiêm:

Ta dại ta tìm nơi văng vẻ

Người khôn người người kiếm chốn lao xao

      Hai câu thực là một cách phân biệt rõ ràng giữa nhà thơ với những ai, những vui thú về ranh giới nhận thức cũng như chỗ đứng giữa cuộc đời. Nguyễn Bỉnh Khiêm sử dụng nghệ thuật đối tạo thành hai đối cực: một bên nhà thơ xưng "Ta" một cách ngạo nghễ, một bên là "Người", một bên là "dại" của ta, một bên là"khôn" của người, một nơi vắng vẻ với một chốn lao xao. Đằng sau những đối cực ấy là những ngụ ý tạo thành phản đề cho thái độ sống của ông, bản thân nhà thơ nhiều lần đã khẳng định nghĩa dại – khôn bằng cách nói ngược này. Ông bảo rằng những người chọn chốn quan trường là những người "khôn". Đây là một cách khen rất tinh tế, khen mà chế, cũng có thể là khen mình và chế người. Với thời thế lúc bấy giờ và với cốt cách của ông thì "nơi vắng vẻ" mới thực sự là nơi để ông sống đến suốt cuộc đời. Tìm nơi vắng vẻ không phải là lánh đời mà là tìm nơi mình thích thú, được sống thoải mái, an nhiên. Nơi vắng vẻ là nơi không có chuyện cầu cạnh, bon chen. Một cốt cách thanh cao, một tâm hồn đáng ngưỡng mộ. Chốn lao xao là chốn cửa quyền trống giong cờ mở, là đường hoạn lộ tấp nập ngựa xe. Đến chốn lao xao là đến nơi con người chen chúc xô đẩy, giẫm đạp lên nhau để giành giật quyền lợi, vinh hoa. Ông quả là con người tỉnh táo sâu sắc, cười cợt vào thói đời bằng cái nhếch môi lặng lẽ mà sâu cay. Phê phán những con người chạy theo danh lợi bằng tư thế của bậc chính nhân quân tử không bận tâm những trò khôn - dại. Ở một bài thơ khác, Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng viết:

Khôn mà hiểm độc là khôn dại,

Dại vốn hiền lành ấy dại khôn. - Thơ Nôm

Không những tác giả chọn cuộc sống thanh cao, tránh xa tham vọng, tác giả còn hết mình hòa nhập với thiên nhiên qua hai câu luận:

"Thu ăn măng trúc, đông ăn giá

Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao"

     Khác hẳn với lối sống hưởng thụ vật chất, đắm mình trong vinh hoa, Nguyễn Bỉnh Khiêm tận hưởng thiên nhiên bốn mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông. Cuộc sống ấy mạng dấu ấn lánh đời thoát tục, tiêu biểu cho quan niệm "độc thiện kỳ thân" của các nhà nho, đồng thời gần với triết lí "vô vi" của Đạo Lão, "thoát tục" của Đạo Phật. Nhưng gạt sang một bên những triết lý siêu hình, ta nhận ra con người nghệ sĩ đích thực của Nguyễn Bỉnh Khiêm, hòa hợp với tự nhiên bằng sự trong sạch của tâm hồn. Không những vậy, "măng trúc", "giá", "hồ sen", "ao" còn mang ý nghĩa biểu tượng gắn kết với phẩm chất thanh cao của người quân tử, sống không hổ thẹn lòng mình. Hòa hợp với thiên nhiên là một Tuyết Giang Phu Tử đang sống với đúng thiện lương của mình. Cuộc sống này vốn không xa lạ với tâm thức của người xưa:

Xuân du phương thảo địa,

Hạ thưởng lục hà trì,

Thu ẩm hoàng hoa tửu,

Đông ngâm bạch tuyết thi.

(Cổ thi – TQ)

   Ta không còn thấy một Trạng Trình, không thấy tư thế cao ngạo,chễm trệ của một ông quan mà chỉ hiện lên ở đây một lão nông tri điền. Ông chọn cho mình một cuộc sống hợp với tự nhiên, hòa với đời thường bình dị mà không kém phần thanh cao. Đó chính là triết lý sống của ông. Triết lý sống Nhàn của Nguyễn Bình Khiêm, cuối cùng được tác giả gửi gắm qua hai câu kết:

Rượu, đến cội cây, ta sẽ uống,

Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao.

         Mượn điển tích cổ một cách rất tự nhiên, Nguyễn Bình Khiêm đã nói lên thái độ sống dứt khoát, đoạn tuyệt với công danh phú quý. Quan niệm ấy gắn với đạo Lão - Trang, có phần yếm thế tiêu cực nhưng đặt trong thời đại nhà thơ đang sống lại bộc lộ nghĩa tích cực. Phú quý đi với chức quyền với nhà thơ chỉ là cuộc sống của bọn người thủ đoạn, giẫm đạp lên nhau mà sống. Nguyễn Bỉnh Khiêm mang phong thái một tiên ông, tìm đến gốc cây để nghỉ ngơi, tìm đến rượu để say, tìm đến say để tỉnh, tìm đến tỉnh để nhận ra chân lí của cuộc sống., quy luật trong cuộc đời: công danh, phú quý chỉ là giấc mộng thoảng qua. Thái độ "nhìn xem phú quý tựa chiêm bao" cũng là cách nhà thơ chọn lựa con đường sống gần gũi với nhân dân. Cuộc sống đạm bạc mà thanh cao của người bình dân đáng quý vì đem lại sự thanh thản cũng như giữ cho nhân cách không bị hoen ố, vấn đục. Tìm đến cuộc sống tĩnh lặng cho tâm hồn, hòa hợp với thiên nhiên, xem phú quý là giấc mơ hư ảo. Đó mới chính là cuộc sống của một nhân cách lớn, nhà trí tuệ lớn.

      Trong bài thơ trên, Nguyễn Bình Khiêm đã khéo léo sắp xếp các cặp thơ đan xen nhau đầy dụ ý. "Nhàn" hoàn toàn đi ngược lại với các văn bản thơ khác, cấu trúc thơ chia làm hai phần nội dung lớn. Nhà thơ đan xen hai câu thơ về vẻ đẹp cuộc sống và hai câu về vẻ đẹp nhân cách. Cách sắp xếp này nhằm nhắn nhủ con người rằng trong cuộc đời, nhân cách tâm hồn luôn gắn với đời sống. Đó là lời răn đe, nhắn nhủ con cháu đời sau, phải luôn sống đẹp, sống thanh cao, vượt lên trên danh lợi, tầm thường.

            Khép lại bài thơ, "Nhàn" vẫn là bài thơ mang âm vang đến muôn đời về quan niệm của một bậc đại trí, vinh hoa làm nhiễm bẩn nhân cách chỉ là phù du, phải biết tìm lấy hướng đi đúng giữ lại sự trong sạch cho chính mình. Quan niệm sống nhàn của Nguyễn Bình Khiêm không hề đi ngược lại đạo đức Nho học, rất hài hòa với tinh thần Lão Trang và cả Phật giáo. Nó là một đóa hoa thơm ngát được kết tinh từ vẻ đẹp của 3 tôn giáo tuyệt đẹp và vẫn còn giữ nguyên giá trị đến ngày nay.

( Bài viết được thực hiện bởi Lê Thị Nhã My - HS Lớp Chuyên Vật Lý khóa 32 )

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#văn10