cảnh cho chữ ( chữ người tử tù)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Nguyễn Tuân được mệnh danh là nhà tùy bút số một Việt Nam, khá thành công ở thể loại truyện ngắn. Ông có những đóng góp không nhỏ cho nền văn học hiện đại Viêt Nam, góp phần làm phong phú ngôn ngữ văn học dân tộc. "Chữ người tử tù" là một trong những tác phẩm góp phần làm nên tên tuổi của ông. Trong truyện ngắn, cảnh cho chữ được tác giả gọi là "cảnh tượng xưa nay chưa từng có". Trong cảnh cho chữ người đọc nhân ra sự kết tinh vẻ đẹp của nhân vật trung tâm chủ đề truyện, làm sáng lên sự tài tình của ngòi bút Nguyễn Tuân.

Sau khi hiểu được nỗi lòng và biết được sở nguyện của viên quản ngục, Huấn Cao đã thoáng ân hận vì những hiểu lầm "thiếu chút nữa ta đã phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ". Cho nên dù là người chỉ cho chữ những người bạn thân hay tri kỉ, ông Huấn vẫn đồng ý cho chữ kẻ đối nghịch với mình vì cảm tấm lòng biệt nhỡn liên tài.

  Cảnh cho chữ diễn ra vào một đêm khuya, khi trại giam tỉnh Sơn chỉ còn "vẳng tiếng mõ trên vọng canh"- đêm cuối cùng của tử tù Huấn Cao trước khi ra pháp trường.  Đặc biệt hơn cảnh cho chữ diễn ra tại nơi buồng giam tử tù "chật hẹp, ẩm ướt, tường đầy mạng nhện, đất bừa bãi phân chuột phân gián" - một không gian gợi sự hôi hám, chật hẹp. Đó không phải thư phòng nơi các nhà nho thể hiện tài thư pháp của mình. Trong không gian ấy, cảnh cho chữ diễn ra nghiêm trang và xúc động "không khí khói tỏa như đám cháy nhà" "ba cái đầu người đang chăm chú trên một tấm lụa bạch còn nguyên vẹn lần hồ". Ánh sáng từ bó đuốc như đang xua tan cái lạnh lẽo, hôi hám và như đẩy lùi bóng tối đang bao phủ trại giam. Bao nhiêu tình cảm từ ngòi bút tài hoa của Nguyễn Tuân đã dành cho việc khắc họa người tù "một người tù, cổ đeo gông, chân vướng xiềng đang đậm tô nét chữ"- một hình ảnh chưa từng có. Trong lời văn của Nguyễn Tuân, xiềng xích, gông cùm như đang bất lực trước phong thái ung dung tự tại, một tư thế chủ động, bình thản. Người tử tù bỗng trở thành một người nghệ sĩ đang thăng hoa trong cảm xúc để mỗi nét chữ trên phiến lụa óng đều là sự sáng tạo của nghệ thuật. Hình ảnh người tù trở nên lớn lao, kĩ vĩ giữa trốn ngục tù trong khi những kẻ thực thi pháp luật của triều đình hoặc "khúm núm cất những đồng tiền kẽm đánh dấu ô chữ" hoặc "run run bưng chậu mực". Sự đối lập tương phản đã tạo nên sự thay bậc đổi ngôi, sự đảo lộn trật tự trong nhà tù càng góp phần làm tôn lên vẻ đẹp của Huấn Cao. Chính giây phút dòng chữ cuối cùng được hiển hiện cũng là lúc cái xấu, cái ác được đẩy lùi. Nhà văn còn tài tình hơn khi tiếp tục khẳng định bản lĩnh cứng cỏi, phong thái ung dung của tử tù trong hành động "đỡ viên quản ngục đứng thẳng người dậy". Thân phận người tử tù Huấn Cao càng trở nên uy nghi hơn trong tư thế của người hướng đạo với những lời "đĩnh đạc" khuyên bảo quản ngục. Những lời của ông Huấn không chỉ là lời khuyên mà còn là lời tâm sự của tri kỉ dành cho tri kỉ. Đó là tiếng nói của người tử tù nhưng cũng là của một con người có nghĩa khí với tấm lòng trọng nghĩa khinh lợi dành cho một tấm lòng "trọng người ngay, biết giá người". Ông khuyên quản ngục nên thay trốn ở, thoát khỏi nghề rồi hãy nghĩ đến chuyện chơi chữ. Bởi nơi ngục tù tăm tối lẫn lộn "không phải là nơi để treo một bức lụa trắng với những nét chữ vuông tươi tắn". Hơn thế nữa ở nơi khi nghĩ đến người ta chỉ hình dùng đến đòn roi, sự tàn bạo, nơi "khó giữ được thiên lương cho lành vững", sự thơm tho của chậu mực, sự trong trắng của phiến lụa óng không thể tồn tại. Từng lời của ông Huấn cất lên như khẳng định một chân lí: cái đẹp có thể được sinh ra từ nơi xấu xa hôi hám nhưng không thể chung sống với cái xấu, cái ác và con người chỉ có thể thưởng thức được cái đẹp khi giữ được thiên lương, cái tâm trong sáng. Đó cũng là quan niệm của Nguyễn Tuân về nghệ thuật, về cuộc đời,  về mối quan hệ giữa tâm và tài, giữa cái đẹp và cái thiện. Chính vì thế những lời khuyên của Huấn Cao đã thức tỉnh kẻ mê muội là quản ngục. Viên quản ngục cúi đầu bái lĩnh Huấn Cao và cái cúi đầu ấy "làm cho con người bỗng trở nên cao cả hơn, lớn lao hơn, lẫm liệt hơn, sang trọng hơn" (Nguyễn Đăng Mạnh)
  Cảnh cho chữ là cảnh tượng xưa nay chưa từng có bởi nghệ thuật của Nguyễn Tuân trong tài miêu tả, dựng cảnh, sử dụng hiệu quả thủ pháp đối lập tương phản từ đó làm nổi bật sụ chiến thắng của cái đẹp và cái thiện. Đó cũng là quan điểm tư tưởng của Nguyễn Tuân trong suốt thiên truyện.
 
    Có thể nói,  cảnh cho chữ đã tôn lên vẻ đẹp lí tưởng của Huấn Cao và tấm lòng biệt nhỡn liên tài của quản ngục. Cảnh tượng xưa nay chưa từng có là sự thăng hoa của hình tượng nhân vật Huấn Cao hay cũng chính là sự thăng hoa của ngòi bút lãng mạn Nguyễn Tuân.

 

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro