Chữ người tử tù (nhân vật Huấn Cao)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

*hình tượng nhân vật Huấn Cao

Nguyễn Tuân được mệnh danh là nhà tùy bút số một Việt Nam, khá thành công ở thể loại truyện ngắn. Ông có những đóng góp không nhỏ cho nền văn học hiện đại Việt Nam, góp phần làm phong phú ngôn ngữ văn học dân tộc. "Chữ người tử tù" là một trong những truyện ngắn tiêu biểu góp phần làm nên tên tuổi của Nguyễn Tuân. Trong truyện, để lại ấn tượng với người đọc hơn cả là Huấn Cao- nhân vật được tác giả khắc họa như một người anh hùng, một con người hội tụ cả tâm, tài và đức

Đọc tác phẩm, Huấn Cao hiện lên là một người có tài thư pháp, cầm đầu đám phiến loạn nổi dậy chống lại những bất công ngang trái của triều đình phong kiến và bị khép vào tội chết. Trong tác phẩm, người đọc gặp Huấn Cao là một tử tù suốt nửa tháng ở trại giam tỉnh Sơn, đang sống những ngày tháng cuối cùng của cuộc đời.

Dưới ngòi bút tài hoa của Nguyễn Tuân, Huấn Cao hiện lên trước hết là một nghệ sĩ tài hoa, có tài viết thư pháp "rất nhanh và rất đẹp", ông là một bậc thầy trong nghệ thuật thư pháp. Tài của Huấn Cao được tác giả khéo léo khẳng định gián tiếp qua sự ngưỡng mộ của quản ngục và thơ lại "..cái người mà vùng tỉnh Sơn mà ta vẫn khen cái tài viết chữ rất nhanh và rất đẹp... " "thế ra y văn võ đều có tài cả. Chà chà! ". Cái tài ấy còn được thể hiện qua niềm khát khao có được chữ ông Huấn của viên quản ngục "có được chữ ông Huấn mà treo là có một vật báu trên đời". Ngay chính Huấn Cao cũng tự ý thức rất rõ về chữ của bản thân. Ông khẳng định chữ của ông rất quý nên "trừ chỗ tri kỉ ông ít chịu cho chữ". Trong cuộc đời Huấn Cao tự nhận rằng "Đời ta cũng mới viết hai bộ tứ bình và một bức trung đường cho ba người bạn thân của ta thôi". Ông coi trọng cái tài của mình, không bao giờ ép mình viết câu đối cho dù đó là vàng bạc hay quyền thế, bởi với ông những nét chữ vuông tươi tắn chứa đựng trong đó không chỉ tài năng nhân cách mà "còn nói lên cái hoài bão tung hoành của một đời con người".

Trong tác phẩm, Huấn Cao là một nhà nho, một người nghệ sĩ nhưng cũng được Nguyễn Tuân khắc họa là một tử tù mắc trọng tội với triều đình, và đang chờ ngày ra pháp trường. Nhà văn nhắc tới Huấn Cao là người có chí lớn nhưng không thành, một bậc trượng phu có lí tưởng cao đẹp,muốn dẹp bỏ những bất công ngang trái, sự phi lí của triều đình phong kiến để mang lại công bằng cho xã hội. Nguyễn Tuân đã tập trung bút lực của mình để làm bật lên vẻ đẹp của Huấn Cao với khí phách, tư thế của một người anh hùng, người đọc khó có thể quên hình ảnh người tử tù Huấn Cao "lạnh lùng, chúc mũi gông nặng, khom mình thúc mạnh đầu thang gông xuống thềm đá tảng" để đuổi rệp dỗ gông bất chấp những lời đe dọa và thái độ hách dịch của bọn lính áp giải. Người đọc càng ngưỡng mộ nể phục hơn khi cảm nhận được sự ngạo nghễ, bất khuất của Huấn Cao trong những ngày sống cuối cùng ở buồng giam tử tù "vẫn thản nhiên nhận rượu thịt, coi như đó là một việc vẫn làm trong cái hứng sinh bình", vẻ thản nhiên gợi một phong thái ung dung, tự tại, thể hiện sự điềm tĩnh của một con người có bản lĩnh vững vàng trước mọi hoàn cảnh của cuộc đời. Hơn thế nữa, nhân vật càng khiến người đọc ngạc nhiên bởi thái độ "khinh bạc" khi mắng đuổi quản ngục "ngươi hỏi ta muốn gì? Ta chỉ muốn một điều. Là ngươi đừng đặt chân vào đây.". Qua câu trả lời người đọc thấy rõ hơn phong thái của người tù, hình tượng dường như trở nên lớn lao hơn về thái độ "khinh bạc" ấy. Nhà văn cũng không quên nhấn mạnh vẻ đẹp khí phách ở nhân vật trong thái độ sẵn sàng đợi sự trả thù của quản ngục mà ông gọi là "trò tiểu nhân thị oai"
Khi đến với Chữ người tử tù, người đọc cũng không thể quên hình ảnh ông Huấn "đường hoàng đĩnh đạc, đỡ viên quản ngục đứng thẳng người dậy" cất lên những lời khuyên chí tình chí nghĩa. Chính tài hoa, khí phách khiến hình tượng nhân vật trở nên lớn lao hơn tròn ngục tù tăm tối. Từng lời khuyên của ông Huấn cất lên như khẳng định chân lí: cái đẹp có thể được sinh ra từ nơi xấu xa, hôi hám nhưng không thể chung sống với cái xấu cái ác và con người chỉ có thể thưởng thức cái đẹp khi giữ được thiên lương lành vững, đó cũng là quan niệm của Nguyễn Tuân về nghệ thuật, cuộc đời, về mối quan hệ giữa tâm và tài, giữa cái đẹp và cái thiện.
Tác giả đã xây dựng hình tượng nhân vật Huấn Cao bằng bút pháp lãng mạn, nhân vật hiện lên mang tính lí tưởng hóa qua lối kể chuyện khách quan, ngôn ngữ đậm chất cổ kính và qua giọng văn trang trọng. Huấn Cao là một nhân vật lãng mạn điển hình tiến bộ được khắc họa qua ngòi bút tài hoa uyên bác của Nguyễn Tuân.

Có thể nói, Huấn Cao là một hình tượng đẹp đầy khí phách và tài hoa trong Chữ người tử tù. Nhân vật gợi cho người đọc nghĩ đến hình bóng của Cao Bá Quát- một nhà thơ tài hoa phóng khoáng, một thầy trong nghệ thuật thư pháp. Bên cạnh đó, nhân vật Huấn Cao đã góp phần làm nên sức sống của tác phẩm, giúp ta hiểu hơn về tài năng của những con người vừa có tài, vừa có tâm.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro