Đồng Chí

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


"Rất đẹp hình anh lúc nắng chiều

Gió trèo lên đỉnh dốc cheo leo

Núi không đè nỗi vai vươn tới

Lá ngụy trang reo với gió đèo."

- Tố Hữu -

Lịch sử nước ta là lịch sử của những năm kháng chiến giữ nước chống giặc, là "lịch sử thành văn trên mình ngựa". Trong bối cảnh chung khi ấy, hình ảnh những người lính Cụ Hồ đã được các nhà thơ đưa vào thơ ca với những lời thơ thật đẹp Là nhà thơ quân đội, Chính Hữu cũng đã có những bài thơ viết về những người lính Cụ Hồ mà trong đó phải kể đến bài thơ Đồng Chí được in trong tập thơ " Đầu súng trăng treo"- tập thơ đầu tay của ông viết về những người lính. Những câu thơ của ông đã làm sống dậy trong tâm hồn của mỗi chúng ta và những năm tháng hào hùng, gian khổ của ông cha ta thời chín năm kháng chiến chống Pháp qua bài thơ Đồng Chí.

Được ra đời vào năm 1948, sau chiến thắng Việt Bắc-Thu Đông. Có thể nói đây là bài thơ hay nhất của Chính Hữu viết về những người nông dân mặc áo lính trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Cho đến nay bài thơ đã đi qua một chặng đường hơn nửa thế kỉ nhưng bài thơ vẫn làm sáng bừng nên những phẩm chất cao đẹp của người lính trong thời kì gian khổ ấy.

Tình đồng chí, tiếng gọi thiêng liêng ấy chính là cội nguồn sức mạnh để những người lính vượt qua khó khăn, gian khổ trên chiến trường và lập nên những chiến công chói lọi. Ngay từ những câu đầu bài thơ, nhà thơ đã lí giải nên cơ sở hình thành của thứ tình cảm thiêng liêng ấy:

"Quê hương anh nước mặn đồng chua

Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá

Anh với tôi đôi người xa lạ

Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau."

Hai câu đầu có cấu trúc song hành, đối xứng với nhau như lời thủ thỉ tâm tình của đôi bạn. Giọng nhỏ nhẹ, lời thơ hết sức mộc mạc. Đặc biệt, hai thành ngữ "nước mặn đồng chua" và "đất cày lên sỏi đá" đươc sử dụng một cách khéo léo, tài tình. Từ đó giúp ta hiểu được cội ngườn sâu xa của tình đồng chí chính là sự tương đồng cảnh ngộ. Người ra đi từ vùng đất nhiễm phèn nơi đồng bằng duyên hải, kẻ lại đến từ miền trung du cằn cỗi quanh năm. Tuy không đồng hương nhưng cả hai đều là những người dân cày lam lũ trên mảnh đất quê nghèo. Chính sự tương đồng ấy đã giúp họ thấu hiểu, đồng cảm với nhau hơn và trong phút chốc trở nên gần gũi, thân quen. Những câu thơ với ngôn từ giản dị , tự nhiên mà ại vô cùng sâu sắc. Nói "chẳng hẹn" nhưng thực ra là có hẹn, cái hẹn đó là sự gặp gỡ của lòng yêu nước, của khát khao đi tìm độc lập, tự do. Một cái hẹn không lời mà mang bao ý nghĩa cao cả sâu trong tâm hồn người lính. Họ vốn chẳng hẹn quen nhau nhưng lí tưởng chung của thời đại đã gắn kết họ lại với nhau dưới hang ngũ quân đội Cách Mạng. Ngay từ những ngày đầu dưới quân kì, anh với tôi đã gắn bó cùng nhau bởi mình đồng cảnh ngộ, nhưng xa hơn thế, tình đồng chí được hình thành từ những gì thiêng liêng nhất:

"Súng bên súng, đầu sát bên đầu

Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỷ

Đồng chí!"

Nếu những câu thơ trên mang hình ảnh mộc mạc, chân thực bao nhiêu hình những câu thơ dưới lại khái quát, mang ý nghĩa tượng trưng sâu sắc bấy nhiêu. Phép điệp từ: "súng", "đầu", "bên" tạo nên âm điệu rắn chắc, khỏe khoắn. "Súng bên súng" là cùng chung một chiến hào, cùng sát cánh bên nhau, cùng vào sinh ra tử có nhau. "Đầu sát bên đầu" là hình ảnh mang ý tượng trưng sâu sắc. Họ là những người trai cày có chung lí tưởng quyết đem thân mình đền nợ núi sông, cầm súng chiến đấu để bảo vệ cho nền độc lập của quê hương, Tổ quốc, để bảo vệ hòa bình sự sống cho dân tộc. Vì lí tưởng ấy mà có lẽ tất cả người lính trên khắp mọi miền quê hương đất nước đã về đây, hội tụ với nhau giữa chiến trường. "Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỷ" là hình ảnh đầy xúc động, cho ta thấy sự đồng cam cộng khổ, chia sẻ mọi gian lao cũng như niềm vui của những người lính. Những năm tháng cùng nằm gai nếm mật, cùng đắp chung một tấm chăn mỏng chia ngọt sẻ bùi ấy chính là những kỉ niệm đẹp không bao giờ phai trong lòng người lính. Đọc câu thơ trên gợi cho ta những dòng thơ mà Tố Hữu đã từng viết:

"Thương nhau chia củ sắn lùi

Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng"

Giữa chiến trường khốc liệt ấy, giữa cái lạnh giá rét của nơi núi rừng Việt Bắc, những người lính chia cho nhau bữa ăn của mình, cùng đắp chung một tấm chăn. Và chính trong những đêm ấy các anh cùng nhau chia ngọt sẻ bùi từ những câu chuyện đời mình đến những khát khao, mơ ước. Từ đó các anh lại càng thấu hiểu nhau hơn như hiểu chính bản thân mình. Để rồi từ chỗ chỉ "quen nhau" họ trở thành "tri kỷ" - một tình bạn gắn bó, biết người như biết mình. Và tình tri kỷ ấy lại ngày một phát triển, trở thành một thứ tình cảm thiêng liêng hơn:

"Đồng chí!"

Khép lại khổ thơ là câu thơ thật ngắn gọn chỉ vỏn vẹn có hai tiếng: "đồng chí". Là câu thơ đặc biệt, tạo nên một kết cấu mới lạ trong đoạn thơ. Hai tiếng "đồng chí" vang lên một cách tha thiết mà lại đầy kiêu hãnh như một nốt nhấn trong bản hòa ca, chứa đựng biết bao tình cảm thiêng liêng sâu sắc của người lính. "Đồng chí" là tình cảm của những con người có chung chí hướng, cùng chung lí tưởng cao đẹp. Đó là lí tưởng sống và chiến đấu vì đất nước, vì dân tộc. Tình đồng chí cũng có cái gắn bó thân thiết và sự thấu hiểu của tình tri kỷ nhưng nó còn cao hơn tri kỷ. Bởi, đó không chỉ là tình cảm của hai người bạn mà nó còn là tình cảm của một đội quân đông đảo của những con người chân đất áo nâu. Từ đó, ta có thể nói rằng tình đồng chí chính là thứ tình cảm thiêng liêng nhất trong mọi cung bậc cảm xúc của con người. Chữ "đồng" ấy khắc ghi trong lòng của mỗi người lính giống như Nguyễn Du đã từng nói: "Trăm năm tạc một chữ đồng đến xương." Bởi vì nó là sự đồng cảnh ngộ, đồng cam cộng khổ, đồng cảm mà nên "đồng chí". Hơn thế nữa, câu thơ đặc biệt tựa như một cái bản lề, khép lại bảy câu đầu là cơ sở hình thành để mở ra những biểu hiện của tình đồng chí đồng thời làm nổi bật lên vẻ đẹp của những người lính năm xưa. Trước hết là tình yêu nước nồng nàn, tình yêu quê hương sâu sắc của người lính:

"Ruộng nương anh gửi bạn thân cày

Gian nhà không mặc kệ gió lung lay

Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính."

Bằng hình ảnh sóng đôi và thủ pháp liệt kê: "ruộng nương", "gian nhà" nhà thơ đã cho chúng ta thấy được ý nghĩa của lòng yêu nước: đó không chỉ là những lời nói sáo rỗng mà là sự thể hiện cụ thể nhưng lại hết sức chân chất, giản dị như tâm hồn của những anh trai cày. Đó chính là sự hi sinh, gác lại những quyền lợi, tài sản cá nhân mình vì Tổ quốc. Đối với người nông dân, "gian nhà" và "ruộng nương" là máu thịt, là tài sản vô giá mà họ đã chắt chiu cả đời để dành dụm. Đằng sau gian nhà và ruộng nương ấy chính là hình cảnh của người cha mẹ già yếu, của người vợ và những đứa con thơ. Ấy vậy mà khi đứng trước lời kêu gọi của non song Tổ quốc, họ sẵn sang bỏ tất cả lại sau lưng mà không một chút đắn đo, toan tính. Đặc biệt, hai chữ "mặc kệ" lại càng thể hiện ý chí mạnh mẽ và thái độ dứt khoát, quyết tâm gác bỏ tình riêng vì nghĩa lớn của những người lính. Điều đó đã thể hiện được tình yêu nước sâu sắc của các anh. Câu thơ phảng phất hình ảnh những đấng trượng phu ngày trước trong thơ của Nguyễn Đình Chiểu: " Ra đi không vương thê nhi". Lòng yêu nước của họ chính là nguồn cảm hứng tuyệt đẹp trong thi ca, không chỉ Chính Hữu mà Nguyễn Đình Thi cũng đã từng viết rằng:

"Người ra đi đầu không ngoảnh lại

Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy"

Những câu thơ của họ đã thể hiện rõ tinh thần "vì nước quên thân" của người lính. Hơn ai hết, các anh là người hiểu rõ nhất "nước mất thì nhà tan", bảo vệ được đất nước chính là bảo vệ mái ấm quê hương của mình. Người lính bỏ lại những gì thân thương nhất của mình để ra đi mà không chút băn khoăn. Song không phải bởi vì họ lạnh nhạt, hờ hững với quê hương mà sâu trong họ luôn là những nỗi niềm đau đáu: "Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính" Bằng những hình ảnh ẩn dụ tinh tế kết hợp lối nhân hóa nhẹ nhàng, nhà thơ đã diễn tả sâu sắc tình yêu quê hương của các anh. "Giếng nước", "gốc đa" là những hình ảnh hết sức gần gũi, là biểu tượng của quê hương là nơi chôn nhau cắt rốn đầy ắp những kỉ niệm đẹp đẽ... Giữa nơi chiến trường khốc liệt ấy, các anh vẫn luôn đau đáu về một nỗi nhớ quê hương. Các anh hình dung ra hình ảnh quê hương, người thân đang ngày đêm mong nhớ, chờ mình chiến thắng trở về. Và chính nỗi nhớ ấy đã luôn là nguồn động viên cho người lính càng vững tay súng hơn trên chiến trường để bảo vệ Tổ quốc. Nỗi nhớ ấy làm ta chợt nhớ đến những câu thơ mà Hoàng Trung Thông đã từng viết rằng:

"Lúa xanh xanh ngắt chân đê

Anh đi là để giữ quê quán mình."

Rõ ràng là người lính nhớ ấy vậy mà nhà thơ lại viết "giếng nước gốc đa nhớ". Phải chăng đó là cách nói khác cho ta thấy ý chí quyết tâm, vượt lên trên những nỗi nhớ nhung, vượt lên cả sự yếu đuối của bản thân để tiêu diệt kẻ thù. Ở đây, Chính Hữu đã viết "ruộng nương anh gửi bạn thân cày" như một cách để diễn tả sự thấu hiểu sâu sắc của những người lính đến từng khát khao, nỗi niềm. Đó cũng chính là một biểu tượng đẹp đẽ cho tình đồng chí giữa họ. Từ biệt quê hương để đến với chiến trường khốc liệt, các anh phải ra trận vói "áo vải chân không đi lùng giặc đánh", phải đối mặt với một cuộc sống vô cùng khó khăn và thiếu thốn:

"Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh

Sốt run người vừng trán ướt mồ hôi

Áo anh rách vai

Quần tôi có vài mảnh vá

Miệng cười buốt giá

Chân không giày

Thương nhau tay nắm lấy bàn tay"

Bằng nghệ thuật liệt kê những hình ảnh hết sức chân thực, nhà thơ đã khắc họa lại những khó khăn, gian khổ của người lính khi xưa. Vừa đói vừa rét lại phải sống ở Việt Bắc-giữa nơi rừng thiêng nước độc, những người lính hầu như không ai thoát khỏi căn bệnh sốt rét rừng dữ dội đầy đau đớn vè thể xác "sốt run người vừng trán ướt mồ hôi". Và đã có không ít người đã phải nằm xuống ở nơi chiến trường khắc nghiệt ấy. Không chỉ thế, họ còn thiếu thốn đủ điều về quần áo, lương thực, thuốc men... ấy vậy mà họ phải chống lại cả một mùa đông lạnh lẽo giữa chốn rừng Việt Bắc hoang vu. Chỉ bằng vài hình cô đọng mà lại vô cùng gợi cảm, nhà thơ đã khái quát một cách đầy đủ nhất cuộc đời gian khổ của người lính trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp. Đồng thời cho ta thấy hình ảnh của cả dân tộc phải trải qua muôn vàn khó khăn để đứng lên giành lại non sông. Đau đớn và thiếu thốn đủ điều, ấy vậy mà những người lính vẫn mang một nụ cười rạng rỡ trên môi:

"Miệng cười buốt giá"

Câu thơ là một hình ảnh đối lập, nếu như những câu thơ trên đã diễn tả những khó khăn gian khổ chồng chất của người chiến sĩ thì câu thơ này lại làm nổi bật lên tinh thần lạc quan, yêu đời của các anh. Bất chấp cuộc sống khó khăn có thể đối mặt cái chết bất cứ lúc nào, các anh vẫn luôn nở một nụ cười tự tin, tươi rói ở trên môi, một nụ cười đẹp đến kì lạ. Nụ cười ấy làm sáng bừng lên cả những đông u ám, là biểu hiện của tinh thần dũng cảm, lòng lạc quan và hơn hết là niềm tin vào ngày mai chiến thắng của các anh. Trong cuộc sống ấy, các anh vẫn cười, bởi các anh luôn mang trong mình hơi ấm và niềm vui của tình đồng đội: "Thương nhau tay nắm lấy bàn tay". Hình ảnh thơ giản dị, xúc ddooojng đã khẳng định tình yêu thương sâu sắc của người trên sĩ. Có nhà thơ đã từng viết rằng: "bàn tay nói những điều không thể nói". Thật vậy, đôi khi không cần những lời nói sáo rỗng mà chỉ cần một cử chỉ nhẹ nhàng cũng đã đủ để bộc lộ yêu thương. Cái nắm tay nhẹ nhàng ấy của người lính chính là sự sẻ chia những gian lao, khó khăn. Đồng thời là lời hứa, lời động viên, nhắc nhở nhau phải vượt lên những chông gai, truyền cho nhau hơi ấm để đối mặt với kẻ thù. Qua cái nắm tay, người lính còn muốn truyền cho nhau hơi ấm để sưởi gữa mù đông buốt giá. Dù mang ý nghĩa gì đi nữa thì cái nắm tay ấy cũng đã cho ta cảm nhận được tình đồng đội, đồng chí thiêng liêng, sâu sắc của những người lính giành cho nhau. Đặc biệt, hình ảnh "anh" và "tôi" trong đoạn thơ lúc nào cũng ở bên nhau, lúc thì đứng chung trong một câu thơ, lúc lại sóng đôi thành những cặp câu liền kề nhau. Từ đó diễn tả một cách thấm thía sự đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi của những người lính giành cho nhau.

Khép lại bài thơ là bức tranh tuyệt đẹp về hình ảnh của người chiến sĩ. Khổ thơ một lần nữa vẽ lên hình ảnh người lính mộc mạc, đơn sơ mà khỏe khoắn, oai hùng khi đang làm nhiệm vụ:

"Đêm nay rừng hoang sương muối

Đứng cảnh bên nhau chờ giặc tới

Đầu súng trăng treo"

Mở đầu đoạn thơ là hình ảnh đậm chất hiện thực, tác giả đã dựng lên hình ảnh người lính đang phục kích chờ giặc tới. Các anh làm nhiệm vụ trong hoàn cảnh khó khăn với không gian khắc nghiệt của "rừng hoang", với cái lạnh thấu xương, cái rét cắt da thịt của "sương muối" trong đêm khuya. Có thể chỉ trong chốc lát nữa thôi, quân thù sẽ xuất hiện, sẽ có tiếng súng nổ ra và có những người sẽ phải nằm xuống... Chỉ một câu thơ ngắn gọn mà nhà thơ đã khắc họa lại sự khốc liệt, nghieejkt ngã của chiến tranh. Trong khung cảnh ấy, hình ảnh những người lính Cụ Hồ hiên ngang bất khuất đã hiện lên thật nổi bật "đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới". Hình ảnh "đứng cạnh nhau" một lần nữa cho ta thấy được sự gắn kết tuyệt vời của tình đồng chí. Không chỉ san sẻ những khó khăn, thiếu thốn mà giờ đây các anh còn tiếp lửa cho nhau khi cùng sát cánh làm nhiệm vụ, cùng đối mặt với quân thù và sống chết bên nhau. Đó chính là biểu hiện cao đẹp nhất của tình đồng chí, đồng đội của các anh. Chính tình đồng chí thiêng liêng ấm áp như ngọn lửa hồng ấy đã tiếp sức, sưởi ấm cho các anh để vượt qua hiện thực tàn bạo của chiến tranh. Cụm từ "chờ giặc tới" cho ta thấy tư thế sẵn sàng chiến đấu, chủ động tiến công của người lính đồng thơi thể hiện ý chí mạnh mẽ, quyết tâm tiêu diệt kẻ thù. Ý chí đó bắt nguồn từ tấm lòng yêu nước, yêu Tổ quốc thiết tha của các anh. Trong đêm khuya làm nhiệm vụ, người lính đã cảm nhận được một hình ảnh tuyệt vời: "Đầu súng trăng treo". Trong giây phút căng thẳng làm khi nhiệm vụ, khi phải đối mặt với cái chết, ấy vậy mà chỉ trong một khoảnh khắc bất chợt ngước nhìn lên bầu trời, các anh đã cảm nhận được vẻ đẹp thơ mộng của mảnh trăng trong trẻo phía cuối khu rừng, cảm nhận như trăng đang lơ lửng nơi đầu súng. Chính cảm nhận này đã cho ta thấy được sự tinh tế, nhạy cảm, tình yêu thiên nhiên tha thiết và lãng mạn trng tâm hồn người lính. Câu thơ cuối đã được tác giả đặt làm tựa đề cho tập thơ viết về người lính của mình. Bởi nó là một hình ảnh ý nghĩa, gợi cho ta những liên tưởng sâu sắc. "Súng" và "trăng" là gần và xa, là thức tại và mộng mơ, là biểu tượng cho người lính và thi nhân. Khẩu súng trong tay là biểu tượng cho chiến tranh khốc liệt còn ánh trăng trên cao là hiện thân cho sự bình yên mà người lính đang hết lòng bảo vệ. Hai hình ảnh đối lập tưởng chừng không có một mối liên hệ nào, thậm chí là đối lập, tương phản đến gay gắt ấy và mà lại hòa quyện một cách chặt chẽ, hài hòa trong câu thơ. Có thể nói, đây là hình ảnh biểu tượng cho thơ ca thời kháng chiến, thời cách mạng. Không chỉ Chính Hữu mà Ánh Trăng của Nguyễn Duy cũng đã từng viết rằng:

"Hồi chiến tranh ở rừng

Vầng trăng thành tri kỷ"

Câu thơ là sự kết hợp hài hòa giữa chất hiện thực và cảm hứng lãng mạn. Qua hình ảnh này, nhà thơ đã gửi gắm cho người đọc ý nghĩa cao cả cuộc chiến đấu: chiến đấu là để bảo vệ cho sự bình yên của Tổ quốc, bảo vệ vầng trăng hòa bình. Câu thơ cuối đã làm sáng ngời nên bức chân dung của người chiến sĩ đồng thời đọng lại những cảm xúc sâu sắc trong lòng người đọc về hình ảnh người lính.

Bằng thể thơ tự do chỉ vỏn vẹn hai mươn dòng cô đọng, hàm xúc kết hợp với những hình ảnh chân thực mà hết sức gợi cảm được chắt lọc từ đời sống của người lính và bút pháp hiện thức lãng mạn. Đặc biệt là lời thơ mộc mạc, giọng thơ tâm tình mà cô đọng, hàm súc và giàu sức biểu cảm tiêu biểu của phong cách thơ Chính Hữu. Bài thơ đã xây dựng hình tượng người lính trong thời chín năm kháng chiến với tình đồng chí thiêng liêng và những phẩm chất đẹp đẽ của họ

Tóm lại, bằng cảm những cảm xúc chân thành, sâu lắng, tác giả đã thành công khắc họa lại hình ảnh người lính trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp với tình đồng đội cao đẹp. Phải chăng nhà thơ muốn khẳng định rằng: chính tình đồng đội ấy là cội nguồn cho mọi chiến thắng vĩ đại, là nguyên nhân làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu"? "Đồng chí" không phải tác phẩm duy nhất viết về người lính nhưng nó là một sự thành công lớn trong số những tác phẩm thi ca viết về người lính Việt Nam. Bài thơ gợi cho ta những câu thơ của Tố Hữu đã từng viết:

"Thiếu tất cả, ta rất giàu dũng khí

Sống, chẳng cúi đầu. Chết, vẫn ung dung

Giặc muốn ta nô lệ, ta lại hoá anh hùng

Sức nhân nghĩa mạnh hơn cường bạo."


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro