Phương Định (dũng cảm)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Đề: Phân tích tinh thần dũng cảm của nhân vật Phương Định trong truyện ngắn những ngôi sao xa xôi của tác giả Lê Minh Khuê

Bài làm

Trong cuộc sống gian khổ ấy, Phương Định lại càng ngời sáng lên bao vẻ đẹp lung linh của người con gái Thanh niên xung phong. Đó chính là vẻ đẹp của tinh thần dũng cảm, gan dạ, không ngại hi sinh mà lại đầy trách nhiệm với công việc. Dẫu biết chiến trường là nơi nguy hiểm nhưng cô vẫn tình nguyện lên đường để rồi trở thành một cô gái thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn khói lửa. Nhiệm vụ của cô là phá bom - một công việc hết sức nguy hiểm. Ấy vậy mà cô lại nghĩ:" Quen rồi. Một ngày phá bom đến năm lần. Ngày nào ít: ba lần" . Với những vết thương của bản thân, cô lại vô cùng xem nhẹ: "Tôi bây giờ vẫn còn một vết thương chưa lành miệng ở đùi. Tất nhiên tôi không vào viện quân y". Bởi cô biết rằng, vào viện quân y tức là phải rời xa chiến trường, phải tạm thời rời xa công việc mà cô gắn bó. Vì thế mà cô chọn ở lại đây, ở lại cùng Nho và Thao để hoàn thành nhiệm vụ. Thậm chí bạn bè còn đùa rằng cô "phá bom như quỷ". Phương Định biết công việc nguy hiểm là vậy nhưng mỗi khi có mệnh lệnh là cô lại đi ngay mà không chút đắn đo, chần chừ . Cô quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ để mở đường cho những đoàn xe về đích an toàn bởi cô biết rằng:

"Xe ta thêm một vòng quay

Miền Nam bớt được một ngày đau thương"

Từ đó, người đọc lại càng cảm nhận được tinh thần quyết tâm và tấm lòng dũng cảm ở Phương Định cũng như bao cô gái thanh niên xung phong khác. Đó không chỉ là tinh thần dũng cảm mà còn là sự trách nhiệm của cô đối với trọng trách mà mình đang mang.

Từ trên cao điểm trở về với khôn mặt phủ đầy bụi và khói nom đến nỗi chỉ hở mỗi con mắt, Phương Định và đồng đội lại cười đùa, họ còn gọi nhau là "những con quỷ mắt đen". Nụ cười rạng rỡ của cô giữa chiến trường khốc liệt ấy mới đẹp làm sao! Nó không chỉ tỏa sáng, xua tan đi cái tăm tối của hiện thực tàn khốc mà còn là biểu hiện của sự dũng cảm đến phi thường ở cô. Không chỉ Phương Định mà đối với các cô gái thanh niên xung phong, được lên trên trọng điểm để làm đường cùng những anh lính lái xe, được đối mặt với cái chết là một niềm vui. Còn nếu phải túc trự trong hang, được an toàn thì lại là một nỗi khổ. Quan niệm về sự sướng khổ ấy đã cho ta thấy được thái độ bất chấp hiểm nguy trong công việc ở cô.

Tinh thần dũng cảm ở cô còn là sự can đảm, không ngại khó khăn trong việc trợ giúp đồng đội. Nếu như khi thấy đồng đội của mình bị thương, người ta thường sợ hãi mà thậm chí là hoảng loạn thì Phương Định lại khác. Khi Nho bị thương cô bình tĩnh moi đất lên, bế Nho đặt lên đùi mình rồi đưa về hang sơ cứu mà không sợ hãi trước cảnh tượng máu me đầm đìa "túa ra từ cánh tay Nho" đến nỗi "ngấm vào đất". Hay khi cô và chị Thao bị bom vùi, cô ngay lập tức ngoi lên từ đất cát mà không chút chần chừ cào đất để kiếm chị Thao. Những cô gái ấy đã quen với việc bị thương, bị bom vùi tới nỗi giờ đây họ chẳng còn lo sợ trước sự nguy hiểm đó. Qua đó, ta thấy được sự gan dạ, dũng cảm không chút sợ hãi trước những hiện thực đầy tàn khốc của chiến tranh bom đạn ở cô.

Có chứng kiến cảnh Phương Định phá bom ta thấy được thái độ khi đứng trước hiểm nguy của cô bình thản đến nhường nào. Chỉ với vài từ ngữ "vắng lặng đến phát sợ", "cây còn lại xơ xác", Lê Minh Khuê đã gợi lên một khung cảnh hết sức khốc liệt của chiến trường nơi Phương Định đang làm nhiệm vụ. Lúc khởi đầu công việc, cô đã thể hiện một bản chất tự nhiên chính là sợ. Bởi phá bom là đối mặt với cái chết, mà chết thì ai chẳng sợ chứ đâu riêng gì cô. Thế nhưng, cảm nhận được những ánh mắt đang dõi theo sau lưng của đồng đội khiến lòng cô như được tiếp thêm lửa. Tinh thần dũng cảm, tự tin của cô đã bị kích thích bởi lòng tự trọng khiến cô không đi khom nữa. Qua đó, ta thấy đợc một Phương Định bản lĩnh, hiên ngang, đáng khâm phục. Với từng thao tác nhẹ nhàng mà lại hết sức thuần thục, cô dùng xẻng đào đất rồi bỏ thuốc mìn xuống cái lỗ cạnh quả bom, sau đó lại chạy về chỗ nấp. Tất cả việc làm này cho ta thấy được sự quen thuộc của công việc phá bom đối với cô. Và rong những giây phút như này, tâm hồn Phương Định lại càng trở nên nhạy bén hơn hết, cô cảm nhận được những "tiếng động sắc đến gai người", những âm thanh đáng sợ như đang "cứa vào da thịt" khiến thần kinh cô căng thẳng đến tột độ. Phải là một người bình tĩnh thì mới có được những cảm nhận chân thực đến như vậy khi thần chết vẫn đang lẫn trong ruột của những quả bom, chực chờ một xơ xuất nhỏ để ra tay cướp đi mạng sống quí báu của cô. Trong những giây phút căng thẳng tưởng như không thể nghe rõ tiếng tim đập khi chờ đợi bom nổ, cô có nghĩ đến cái chết, nhưng đó lại là một "cái chết rất mờ nhạt". Bởi cô không tập trung nghĩ về nó, cô coi nó nhẹ như không. Điều cô quan tâm nhất là "liệu bom có nổ không? Không thì làm thế nào để châm mìn lần hai"? Qua những suy nghĩ đó, ta thấy rằng cô đã đặt nhiệm vụ lên trên cả mạng sống của mình.Cô chỉ sợ bom không nổ, sợ con đường cho những anh lính lái xe đi qua sẽ không an toàn. Chỉ khi bom nổ, cô mới có thể thở phào nhẹ nhõm bởi đó là khi cô hoàn thành trách nhiệm của mình Chính những lúc đó, ta mới thấy tinh thần trách nhiệm một lòng vì công việc, khí phách anh hùng mà đặc biệt tấm lòng hi sinh cao cả ở cô, ở các nữ anh hùng thanh niên xung phong.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro