Sang thu (ptich nd)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Ngay từ những câu đầu của bài thơ, tác giả Hữu Thỉnh đã gợi lên những tín hiệu của mùa

thu qua hai câu:

"Bỗng nhận ra hương ổi

Phả vào trong gió se"

Chỉ một từ "Bỗng" thôi đã diễn tả cảm giác ngỡ ngàng của nhà thơ khi nhận thấy mùa thu đột ngột tới thông qua "hương ổi". Hương ổi chín nồng nàn, ngào ngạt, tràn ngập khắp không gian nơi làng quê ấy chính là những bước chân đầu tiên của mùa thu đang ngập ngừng trước cửa. Đó là hương vị bình dị và mộc mạc, chân chất chỉ có thể thấy ở các làng quê Bắc Bộ đồng thời cũng là sự mới mẻ của mùa thu. Nhắc đến mùa thu, người ta thường nghĩ ngay đến những hình ảnh như lá rụng, hương cốm hay rặng liễu... thế nhưng mùa thu của Hữu Thỉnh lại là hình ảnh hương ổi độc đáo. Chính hình ảnh đó đã làm toát lên sự sáng tạo mới mẻ, đặc trưng trong thơ của ông. Từng bước chân của mùa thu cứ thế mà "phả vào trong gió se" đi khắp nơi. "Phả" là từ ngữ có sức ngợi tả cao, "phả" ở đây có nghĩa là thổi mạnh, tỏa ra từng luồng. Hương ổi chín cứ phả vào trong gió, sánh lại, cô đặc, tạo thành từng luồng chiếm lĩnh không gian, ngõ ngách nơi đây. Chính mùi hương ấy đã đánh thức tâm hồn thi nhân của người nghệ sĩ, khiến cho ông phải mở lòng để thấy và cảm nhận được tất cả những vẻ đẹp của đất trời nơi đây trong thời khắc giao mùa. Để rồi ông lại bắt gặp những sứ giả khác của mùa thu qua hình ảnh:

"Sương chùng chình qua ngõ

Hình như thu đã về"

"Chùng chình" là từ láy tượng hình, gợi lên hình ảnh làn sương mỏnh manh đang chuyển động nhẹ nhàng, chầm chậm khắp đường thôn, ngõ xóm, làng quê, giăng trên từng ngọn cây kẽ lá. Lối nói nhân hóa "sương chùng chình" khiến cho làn sương trở nên sinh động, có hồn và dường như mang cả tâm trạng bâng khuâng, nửa muốn đi nửa muốn ở lại. Làn sương đang chờ đợi ai hay là sự lưu luyến, bịn rịn khi sắp phải chia tay mùa hạ. Cái 'ngõ" mà làn sương đi qua không còn là cái ngõ bình thường nơi làng quê nữa. Phải chăng nó là hình ảnh ẩn dụ, tượng trưng cho cái ngõ thời gian giao mùa lúc cuối hạ đầu thu? Bằng các giác quan của mình: khứu giác (ngửi thấy hương ôi chín), xúc giác (cảm nhận ngọn gió se), thị giác (nhìn thấy làn sương chùng chình; Hữu Thỉnh đã cảm nhận được sự hiện diện rõ ràng của mùa thu nơi cửa ngõ. Ấy thế mà ông lại viết "Hình như thu đã về", "hình như" là từ ngữ diễn tả cảm giác mơ hồ, nghi hoặc, nửa tin nửa ngờ. Có lẽ là vì sự xuất hiện quá đỗi nhẹ nhàng đến mức bất ngờ của mùa thu khiến cho nhà thơ không tin vào điều mình thấy. Qua những câu thơ trên, Hữu Thỉnh đã vẽ nên một bức tranh khung cảnh mùa thu thơ mộng mà huyền ảo, một mùa thu bình dị mà chỉ có thể thấy ở nơi làng quê Bắc Bộ. Từ đó, người đọc có thể cảm nhận được một tâm hồn nhạy cảm mà lại vô cùng tinh tế, một tâm hồn yêu thiên nhiên, yêu làng quê của tác giả. Sau những giây phút ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của mùa thu, cảm xúc của nhà thơ được mở ra với cái nhìn xa xăm:

"Sông được lúc dềnh dàng

Chim bắt đầu vội vã"

Một lần nữa, những biến chuyển âm thầm của cảnh vật mùa thu đã được tác giá tiếp tục ghi lại qua hình ảnh:

"Vẫn còn bao nhiêu nắng

Đã vơi dần cơn mưa

Sấm cũng bớt bất ngờ

Trên hàng cây đứng tuổi"

Bằng nghệ thuật liệt kê: "nắng", "mưa", "sấm" và "hàng cây", tác giả đã gợi lên cái thời tiết đặc trưng của mùa thu . Kết hợp với những cụm từ "vẫn còn", "vơi dần", "bớt bất ngờ" khiến cho khổ thơ như đang so sánh đối chiếu cảnh vật hai mùa hạ và thu. Nếu như nắng mùa hạ gay gắt, chói chang bao nhiêu thì nắng mùa thu lại dịu êm, vàng tươi bấy nhiêu, đó chính là chút nắng "vẫn còn" xót lại của mùa hạ. Mưa mùa hạ bao giờ cũng nhiều hơn mùa thu, đó là những cơn rào, tầm tã, không chỉ mưa rào, mưa lớn mà nó còn là những cơn mưa bong bóng dai dẳng đặc trưng của mùa hạ. Nhưng sang đến mùa thu, những cơn mưa ấy ngày một "vơi dần" đi, mưa ít đi và nhỏ lại. Mưa đi, vì vậy mà sấm cũng không còn những tia chớp đùng đùng xé toang bầu trời, không còn khiến cho hàng cây giật mình trước tiếng sấm. Bằng những hình ảnh tả thực mang tính ẩn dụ, tác giả đã gợi ra những suy tư, suy ngẫm của ông về cuộc đời. Nắng ở đây là hình ảnh ẩn dụ, tượng trưng cho những khát khao, những đam mê cháy bỏng của tuổi trẻ. Dù cho cái tuổi thanh xuân mùa hạ ấy đã đi qua nhưng những đam mê ấy vẫn còn đọng lại sâu trong tâm hồn ta. Mưa và sấm là những tác động ngoại cảnh của thiên nhiên, chúng đến 1 cách bất ngờ mà không ai có thể lường trước được. Chính vì thế mà chúng tượng trưng cho những chông gai thử thách, những biến cố của cuộc đời. Nhưng đến giai đoạn nào đó chúng cũng phải "vơi dần", phải ít đi. Đời người cũng như một cái cây, từ khi còn là hạt giống trong bụng mẹ cho đến khi trưởng thành, già cỗi. Chính vì thế mà hàng cây đứng tuổi là hình ảnh tượng trưng, tượng trưng cho những con người trưởng thành, những con người từng trải. Từ những hình ảnh thiên nhiên, Hữu Thỉnh đã có những suy ngẫm về con người, về cuộc sống: khi còn trẻ, ai ai cũng có những khát khao, những đam mê chảy bỏng và trong cuộc sống của chúng ta cũng sẽ gặp không ít những khó khăn, thử thách. Chính những khó khăn thử thách ấy mới khiến ta có thể tôi luyện được bản thân mình, bộc lộ những phẩm chất tốt đẹp cao quý, khiến cho ta ngày một trưởng thành hơn.Bởi thế mà ông bà luôn có câu, "Lửa thử vàng, gian nan thử sức". Vì vậy mà khi bước qua cái tuổi thanh xuân mùa hạ với những khó khăn và đam mê cháy bỏng, con người ở cái tuổi "sang thu" ngày càng trưởng thành thì lại càng bình tĩnh, có bản lĩnh dám đứng trước và có thể vượt qua khó khăn trong mọi tình huống.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro