Chương 1 - 4

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

(1)

Nếu ai đó hỏi tôi đời này đã từng yêu ai sâu đậm hay chưa, thì câu trả lời nhất nhất là “đã từng”, là tuổi 16 của tôi may mắn gặp được anh.

Chàng thiếu niên cao cao, trắng trắng, thường hay mặc áo khoác màu be và cưỡi con xe máy cũ kỹ lượn lờ khắp ngỏ cùng hẻm tận. Đuôi áo xòe rộng phần phật trong gió, thật giống đôi cánh nghiêng mình.

Ngày đó, tôi sống dưới mái nhà tồi tàn nhất của khu ổ chuột. Vách bên có một người phụ nữ quá niên trạc ngoại tứ tuần, làm gái. Đêm đêm những vị khách lạ của bà ta cứ tới gõ cửa nhà tôi, hỏi bao giờ sẽ bán thân nuôi miệng.

Tôi chặn cửa ra vào và tất cả cửa sổ bằng những tấm ván gỗ, kín kẽ đến nỗi không một tia sáng nào lọt được qua. Cho tới khi nghe thấy tiếng xe máy rền vang quen thuộc ở đầu ngõ mới từ từ dời mấy tấm ván chặn kia đi. Anh xuất hiện, một tay vịn cửa, một miệng ngả ngớn: “Em gái, áo quần đã giặt xong chưa?”

Ở khu ổ chuột này, những cô gái tầm tuổi tôi đều phải mưu sinh rất sớm từ việc làm thuê làm mướn; số khác thì đã làm mẹ với vô vàn nỗi lo cơm áo gạo tiền. Còn tôi vẫn đang đi học. Bà nội nhắc đi nhắc lại luôn miệng, rằng “Phan Phan phải lên Đại học nhé cháu”. Vậy nên dù phải bóp bụng cắn răng, tôi cũng phải học tiếp Cấp ba. Học phí là phần tiền trợ cấp ít ỏi của bà, còn sinh hoạt phí thì phụ thuộc vào những bữa giặt quần áo cho mấy cậu thiếu niên loanh quanh xóm nghèo này.

Họ chân ướt chân ráo mới vào làm, cộng với cái tuổi vô lo vô nghĩ kia, nên quần áo khó tránh khỏi bụi bẩn lao động và vết nhơ dầu máy. Thế là họ thường vò cuộn chúng lại rồi ném cho tôi.

Tôi làm gì có máy giặt. Đơn giản là sử dụng một chiếc nồi đồng nhỏ vá chằng vá đụp, đun nước sông để giặt, sau đó dùng đáy nồi đang nóng để là phẳng phiu quần áo. Một đêm giặt thuê tôi kiếm chừng 5 nhân dân tệ, vậy là đủ tiền ăn cho ngày hôm sau.

Ngày đó, tôi nghèo và sống rất trầm. Chẳng bao giờ dám dây dưa với ai nhưng chính điều này lại khiến tôi trở nên lập dị trong mắt kẻ khác. Bạn cùng lớp thường trưng ra ánh nhìn kỳ thị. Mỗi lần tôi đi ngang qua, họ lại tằng hắng liên tục. Tôi bị mỉa mai là “Phan đi khách”, vì tại thị trấn nhỏ này, những cô gái sống ở khu ổ chuột đều bị đánh đồng làm gái bán thân.

Có một tối trên đường từ lớp tự học trở về, một đám con gái cùng lớp cùng bạn trai tụi nó chặn tôi lại. Lý do là tôi không cho một đứa nào trong đó mượn vở chép bài, cũng chẳng rõ nữa, chỉ nhớ họ đã lôi tôi đến một góc khuất. Phỉ báng đủ điều…

“Không phải lúc trước mày giương oai với tao hay sao? Giờ lại sợ hãi thế!”

“Nghe nói mày đã phá thai rất nhiều lần rồi, trên người mày chẳng còn gì ngoài những lở loét nhỉ?”

“Không phải mày làm gái sao? Để tụi tao xem xem nào!”

Đám con gái tiến lên, túm lấy áo quần tôi giật xé; đám con trai lấy điện thoại ra quay phim và cười một cách đầy nhạo báng. Tôi điên cuồng chống cự và la hét ầm ĩ như một con thú hoang. Đột nhiên có tiếng xe máy gầm rú.

Trước đó, tôi vẫn chưa một lần nói chuyện với anh. Nhưng tôi nhận ra là anh ấy - thiếu niên đầu sỏ của khu ổ chuột. Và, tôi chỉ biết gào khóc, như cá gặp nước: “A Phi! Anh A Phi!”

Lần đầu tiên tôi cho phép bản thân mình gào khóc với thế giới bên ngoài trong suốt 16 năm qua.

Anh xuống xe, đảo mắt một vòng và nhận ra tôi. Anh nghênh mặt: “Gì đó? Tụi mày đây là đang ức hiếp  người ở khu ổ chuột bọn tao?”

“Liên quan khỉ gì tới mày! Khôn hồn thì biến ngay! Một thằng to xác giở giọng hăm he.

Anh ấy hơi nhếch mép, cởi mũ bảo hiểm và lẩm bẩm: “Nhãi con.”

Mấy thằng con trai kia nhỏ tuổi hơn và còn đang học Cao trung, căn bản cả đám hùa lại cũng không phải là đối thủ của anh. Hai tên hăng máu nhất bị anh đánh gục ngay tại chỗ, mấy tên còn lại liền cong đuôi bỏ chạy. Rồi anh ấy trưng ra bộ mặt dữ tợn, túm lấy đầu cô gái, chỉ tay về phía tôi, nói: “Đó là em gái tao, biết chưa hả? Nếu mày còn dám đụng vào nó dù chỉ một sợi tóc thì tao cũng sẽ cứa nát mặt mày.”

Tên bạn trai của con nhỏ ấy đã chạy xéo tự bao giờ. A Phi dọn dẹp bãi chiến trường gọn ghẽ và chóng vánh, chưa tới năm phút.

Nhưng bấy nhiêu thôi cũng đủ để tôi phải lòng một ai đó rồi...

(2)

Trước khi vụ việc đó xảy ra, với tôi anh cũng chỉ là một thiếu niên tên A Phi thích cưỡi con xe máy cũ kĩ của mình tung hoành khắp xóm nghèo.

A Phi sống trong căn nhà xiêu vẹo rìa ngoài cùng của khu ổ chuột. Bố mẹ nghiện ngập và năm năm tháng tháng phải ở trại cai. Bởi vậy anh đã bỏ học từ hồi cấp hai để bươn chải kiếm sống. Có lẽ hiện tại A Phi đang làm bảo vệ của một quán rượu.

Anh là đầu sỏ của đám đầu gấu ổ chuột, những ngày hè thường xuyên phải đụng mặt bọn họ đang tụ tập hút thuốc ngay đầu ngõ. Trong đám thanh niên cởi trần, chỉ có A Phi là người duy nhất vẫn mặc chiếc áo khoác màu be, thật giống với những chàng trai vừa phong lưu đẹp mã, vừa ong bướm đào hoa trong phim Hồng Kông ngày trước. Và, luôn có mấy chị gái xinh đẹp váy ngắn tất ren dựa sát vào anh.

Hôm bị bắt nạt, anh đã ném áo khoác cho tôi, cười ghẹo: “Khóc lóc thì có ích gì chứ? Học quá hóa rồ chăng?”

Tôi cố gắng kìm tiếng nức nở, run run nhặt lấy áo khoác mặt vào. A Phi đưa tôi về đến cổng, dừng lại và hỏi: “Bà em có đó không?”

Tôi gật đầu.

Anh cười nói: “Vậy tôi đi đây.”

Sau đó tôi giặt áo khoác trả anh. A Phi nói áo tôi giặt rất sạch nên anh và đám bạn của mình thường tìm tôi giặt đồ. Có bọn họ tới tới lui lui, mấy kẻ với ý đồ đồi bại xấu xa trước đây cũng không dám ve vãn trước cửa nhà tôi nữa.

...

Vẫn ít khi nói chuyện. Thi thoảng gặp nhau, chúng tôi cũng không chào hỏi gì sất. Người trong khu ổ chuột này, hình như tất cả đều là vậy.

Nửa năm cứ thế trôi qua. Vào kỳ nghỉ đông, tôi có gặp anh ngồi đánh bài đầu ngõ, mặt dính đầy vụn giấy. Thấy tôi, anh ấy như với được một cái cớ, liền ném bài xuống bàn: “Không chơi nữa, mau gom quần áo bẩn lại đi!”

Nguyên đám í ới kêu ca quá trời. Một người anh tên Tiến Tư nói lớn: “Tưởng gì, hóa ra mày có hứng thú với con bé này á?”

A Phi lườm lườm vẻ không muốn tranh cãi, cho gã kia một cái bạt tai: “Đừng nói điêu, nhỏ còn là học sinh!”

“Thì sao chứ? Chẳng phải càng thú vị hơn à?”

Tiếng cười trêu vang lên từ phía sau. Anh ấy một tay dắt tôi đi một tay giơ ngón giữa lên với bọn họ mà không thèm đoái hoài nhìn lại.

Còn mặt tôi lúc đó chẳng khác nào quả gấc chín.

A Phi lấy điếu thuốc đã vắt sau tai từ trước ra, hỏi tôi: “Thi cử thế nào rồi?”

“Sao anh biết?”

“Tôi dốt chữ chứ đâu có ngốc.”

Chiếc bật lửa lóe lên, nét chân mày của anh rõ là đẹp. Anh sành sỏi nhả ra một ngụm khói mờ ảo.

Tôi ngờ ngợ nói: “Tàm tạm.”

Đi tới cửa, anh ấy bảo: “Tôi có hai bộ đồ cần giặt. Em vào đi.”

Cách đó không xa vẫn truyền đến những tràng cười châm chọc của đám thanh niên kia. Tôi cúi đầu lúng túng: “Tôi sẽ đợi ở đây.”

A Phi bật cười, kéo tôi vào: “Sợ tôi ăn thịt em sao?”

Căn nhà tối tăm. Một cái động không đáy.

(3)

Ở Thâm Quyến này, mỗi khi có tiếng còi tàu xuyên đêm vang vang, tôi thường sẽ giật mình bàng hoàng, ngỡ như lần nữa thấy bản thân của năm 16 tuổi, chạy mãi… chạy mãi… trong căn phòng tịch mịch ấy. Không lối thoát. Chỉ thấy xa xa là chút khói thuốc và bóng lưng quen thuộc của A Phi. Tôi gọi. Không một ai trả lời.

Nhưng lập tức, những phản chiếu trên ô kính kia sẽ đẩy tôi ngã nhào về thực tại. 37 tuổi. Người phụ nữ với gương mặt rũ rượi. Có bọng mắt và quầng thâm. Tôi trong gương, nhìn cứ đã quá xa tuổi xuân thì.

Chuông điện thoại lúc này đột nhiên reo lên. Tôi do dự rồi nhấc máy.

“Phan Phan? Vẫn lo làm giàu ở Thâm Quyến sao hả?” Giọng nói đặc thù của người ở khu ổ chuột. Không sai, là của bà Đoan Quyên - hàng xóm cũ của tôi. Vẫn giọng nói điệu đà rót mật vào tai như xưa: “Để chị báo cho em tin này, ai nhỉ… à là A Phi, hắn ra rồi đó.”

Khoảnh khắc ấy, đầu óc tôi bỗng trở nên sáo rỗng, môi mấp máy chẳng tròn vành.

“Ai mà biết hắn sao lại được thả ra? Hắn đang tìm em đó.” Bà ta không giấu được sự hả hê, nói tiếp: “Chị định không nói đâu, nhưng em cũng biết chứ nhỉ, hắn từng giết người...”

Tôi cúp máy và vội vã chạy về nhà, trong bộ dạng đầu bù tóc rối. Phải, tôi nên về nhà thật nhanh.

Mở cửa ra, một mùi hôi thối xộc thẳng vào mũi. “Con khốn, mày vừa đi đâu!”, Tử Tuyền nằm giữa đống phân lẫn nước tiểu, không ngừng đay nghiến.

“Anh không thể nhịn thêm một lúc sao?” Cho dù cảnh tượng này xảy ra như cơm bữa, tôi vẫn không thôi ngán ngẩm.

“Nếu vậy thì cần thứ như mày để làm gì, hả, con khốn chết giẫm. Chẳng phải mày đang trù ẻo cho tao sớm chết quách đi sao! Như vậy thì cái nhà này hiển nhiên sẽ thuộc về mày!”

Bỏ ngoài tai những lời mắng mỏ liên miên, tôi dọn sạch sẽ căn nhà. Sau đó ra phía cửa sổ châm điếu thuốc.

Cuộc sống tôi muốn đây ư? Tôi đánh khói vào khoảng không và nghĩ. Thứ gì có thể khiến tôi cảm thấy bất hạnh hơn nữa nhỉ? Vả lại từ trước đến nay, mình vốn chẳng còn gì để mất cả.

A Phi ra rồi, rất nhanh thôi sẽ đến tìm tôi. Trước đây, chính tay tôi đã tống anh vào bệnh viện tâm thần.

Xưa, lúc còn bên nhau, tôi đã phải cật lực làm việc đêm ngày để đủ tiền nuôi anh ấy. Một lần nấu ăn, tôi không may làm đổ dầu nóng vào mu bàn chân anh, phỏng rộp và để lại sẹo thâm. A Phi đã điên lên và ra tay đánh tôi. Đến tận bây giờ tai vẫn còn ù, hẳn là di chứng để lại.

Khi bị bắt đi, A Phi nhìn tôi với đôi mắt vằn lên những tia máu, gào thét đến đau lòng: “Giết mày! Tao phải giết mày!”

Về sau, tôi kết hôn cùng Tử Tuyền.

May mắn được sinh ra trong một gia đình trung lưu, Tử Tuyền vốn chưa từng biết đến xó xỉnh nào gọi là khu ổ chuột. Ban đầu, anh tưởng rằng tôi là một cô sinh viên bình thường, rụt rè và hiền lành. Cho đến khi biết về quá khứ và xuất thân của tôi, khi chuẩn bị ly hôn thì anh gặp tai nạn, liền bại liệt và nằm chỗ chờ ngày chết.

Nhưng cái chết chưa đến với anh thì tâm tính lương thiện của người đàn ông lành như đất này đã bị gậm nhấm và đục khoét bởi vô vàn thói đời cay độc. Ngày qua ngày, anh không ngừng áp bức tinh thần tôi bằng những lời chửi rủa kinh khủng. Hành hạ tôi có lẽ là niềm vui lớn nhất của anh.

Thi thoảng, tôi nhìn Tử Tuyền và rồi hoảng hốt, nghĩ anh chẳng khác nào con quái vật đang nhe răng nanh vàng khè, nhỏ dãi lả chả.

Con quái vật ấy tự tin rằng tôi không dám ly hôn, vì tôi thèm muốn khối tài sản thừa hưởng của anh ta.

Chính tôi, vâng, tôi cũng là một con quái vật.

(4)

Chẳng biết có phải là tưởng tượng không nữa. Khi nãy ra ngoài tôi cảm giác như có người đang dõi theo mình. Quay đầu lại mấy lần nhưng chỉ mơ hồ thấy một người phụ nữ với mái tóc đen dài. Lén lén lút lút. Ngoài ra cũng không phát hiện gì thêm.

Ngày còn trẻ, tôi cũng có mái tóc đen dài như thế. Tử Tuyền, anh ấy thích tôi trước hết cũng vì mái tóc này. Từ khi bại liệt, anh cứ trút giận vô cớ lên người tôi  bằng cách nắm lấy mái tóc dài bằng đôi tay dính đầy phân và nước tiểu. Thế là tôi đã cắt nó đi.

Nhưng mà giờ có người theo dõi thì đã sao chứ, dù trời có sập tôi cũng phải đi làm. Món nợ trả góp căn nhà vẫn còn đè nặng trên vai. Chỉ là tôi có chút không yên lòng. Hai cuộc điện thoại được gọi cho Tử Tuyền, không thấy bắt máy.

Mãi đến trưa, đầu tôi mới tá hỏa ra. Cũng bởi chuyện của A Phi khiến tôi chẳng nghĩ được gì khác cả. Giờ thì tôi nhớ ra người phụ nữ đó là ai rồi. Cô ấy là tình nhân của Tử Tuyền.

Ba năm sau cuộc hôn nhân, anh dắt về một người phụ nữ. Tóc đen dài, xinh đẹp, có nét giống tôi thời còn con gái. Anh nhìn tôi, lớn tiếng lạnh nhạt: “Còn đứng như trời trồng? Nấu ăn đi chứ!” Người phụ nữ khoảng chừng hai mươi, nghe vậy liền yêu kiều nép vào người Tử Tuyền.

Không do dự. Không nghĩ nhiều. Tôi điên cuồng lao vào giằng co với cô ta. Rồi thì thế nào? Chồng tôi tàn nhẫn hất văng tôi ra, ngã nhào xuống sàn.

Tử Tuyền gặp tai nạn và bại liệt không lâu sau đó. Và, cô gái trẻ khiến chồng tôi ngoại tình cũng lặng mất tăm. Cũng phải thôi, chuyện yêu đương vụng trộm làm sao có thể để nhuốm màu phân và mùi nước tiểu được? Đó là những thứ thuộc về bổn phận của người làm vợ.

Tôi vơ lấy túi xách và xộc thẳng vào nhà. Tôi đã nhẫn nhục chịu đựng suốt năm tháng qua, giả như giờ người phụ nữ đó lại xuất hiện trước mặt mình, tôi tuyệt đối không cho cô ả bước vào căn nhà đó.

Tôi hùng hục khí thế như vậy xông lên lầu, run người lục lọi tìm chìa khóa. Nhưng cửa mở.

Tôi nhìn thấy người phụ nữ kia.

Bao nhiêu năm không gặp, cô vẫn đẹp. Chỉ là… gương mặt đã tím tái rồi. Cô ấy đang treo cổ bằng một sợi dây thừng, giữa nhà. Mái tóc dài rủ xuống. Lơ lửng. Một con ruồi đậu trên đầu lưỡi đang lè ra của cô ta, bị tiếng thét thất thanh của tôi làm động, bay vù đi.

Tôi sợ hãi tột, ngồi phịch xuống.

Tử Tuyền ở một bên, gương mặt cắt không còn giọt máu, gào lên dữ dội: “Cứu tôi! Làm ơn… hắn… kẻ điên… kẻ sát nhân!”

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro