Kỳ Truyện Ngoại Biên

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Nhà xuất bản Kiến thức Huyền Môn nhận thấy nội dung “Kỳ truyện ngoại biên” có vài điểm tương đồng với tư tưởng Huyền Môn. Xin trân trọng gởi đến quý độc giả.

                                              Kỳ Truyện Ngoại Biên

                                                                            Dịch giả : Nguyễn Văn Lượng

Lý Phổ là người học trò đất Hoài An, văn hay võ giỏi lại thêm rất nho nhã, đậu Bảng nhãn hồi hai mươi tuổi, bổ làm quan tại triều nhà Nguyên.

Bấy lâu ăn học mong được làm quan vinh hiển không dè khi được làm quan rồi … Lý Phổ treo ấn từ quan, một người một ngựa đi về quê cũ. Nhằm lúc thu qua đông lại, tiết trời lạnh lẽo, gió bất lai rai ! Lý Phổ đi ngang qua rừng bị lạnh lắm, phần trời tối không biết đâu mà tạm đỡ một đêm. Qua khúc quẹo thì thấy xa xa trong chòm cây có bóng đèn leo lét. Lý Phổ giục ngựa tới nơi thì là một cái chòi tranh cửa lau. Vỗ vào cửa thì cửa không đóng. Lý Phổ muốn vào mà sợ mạng phép bèn đứng ngoài ngó vô thì thấy một cái bàn thờ, sau bàn thờ là một cái linh cửu bằng đá để quàn. Ấy là cái nhà mồ để quàn linh cửu chờ ngày an táng. Trời càng khuya càng lạnh lại thêm có mưa to nên Lý Phổ xô cửa vào trong ẩn mình.

Trời gió tạt vào vách, lạnh thấu xương, Lý Phổ lại ngồi nép bên linh cửu ẩn lạnh. Gió lạnh sương sa, lai rai tuyết xuống. Lý Phổ ngồi kê trán vô vách hòm mà ngủ. Vừa thiu thỉu ngủ, ở ngoài có người xô cửa bước vào. Xem kỹ dưới bóng đèn là một người con gái chừng 20 tuổi, da trắng hơi xanh, tóc bỏ xả, chít khăn ngang. Cả mình chỉ mặc cái áo thùng bằng vải mỏng. Người con gái vói tay khêu đèn cho tỏ, rồi đi thẳng lại linh cửu, vừa thấy Lý Phổ, hỏi lớn rằng:

– Ngươi là ai mà nửa đêm dám đến nhà ta?

 Lý Phổ đứng dậy thong dong đáp : 

– Tôi là Lý Phổ làm quan Trung Úy tại triều. Nhơn thấy lòng người điên đảo, thế sự trắng đen, nên treo ấn từ quan mà về quê cũ. Đi ngang qua đây trời tối vào đụt mưa, xin tiểu thơ miễn chấp.

 Người con gái ngó Lý Phổ một lát rồi nói:

– Thiếp xem chàng là người chất phác, vậy phải lấy sự thật mà đối đãi với nhau. Nhà nầy là nhà mồ của thiếp. Thiếp là con của Châu viên ngoại ở Đông Thôn. Năm ngoái chẳng may thiếp bất hạnh, cha mẹ thương không nở lấp ngọc vùi hoa dưới ba thước đất nên cất nhà quàn để thây thiếp giữa cánh rừng nầy. Thiếp tên là Châu Cẩm Tú năm nay đã 19 tuổi.

Lý Phổ cười mà nói rằng: 

– Nếu vậy nàng là ma chớ không phải là người chăng ?

Cẩm Tú cũng cười : 

– Ừ! Người chết rồi thì gọi là ma là lẽ thường. Song cái thể phách anh linh của loài người không bao giờ chết theo cái xác thịt. Chớ tưởng người chết rồi lại mất; tuy xương tiêu thịt nát, nhưng cái khối linh quang (linh hồn) vẫn còn như thường.

Lý Phổ suy nghĩ một hồi rồi hỏi :

– Người ta nói rằng hễ chết rồi thì xuống âm cảnh, chịu hình phạt nơi mười cửa ngục, lành được thưởng, dữ phải đọa có vậy không ?

Cẩm Tú cười lớn rồi nghiêm nét mặt :

– Ăn học như chàng mà còn mê muội như thế. Dương gian là đâu, âm phủ lại là đâu. Chẳng qua là lành được thưởng, dữ bị phạt hồi lúc còn sống đó thôi. Cái thưởng phạt, ta có khi thấy mà có khi không. Khi bị khổ về hình thể, khi thì khổ về lương tâm. Chớ người thác rồi cũng còn lẫn lộn với người đời, nhưng ghét người đời xảo trá, ghét thế là ghét cái ngục mung lung nên không chịu thông đồng với kẻ sống, chớ lầm tưởng rằng có dương gian mà có âm phủ.

Lý Phổ nói:

– Sao tôi nghe người ta nói có kiếp luân hồi đặng đền ơn trả oán, cái oan gia lúc tiền thân?

Cẩm Tú ngần ngại một lúc lâu rồi nói :

– Việc đó có thiệt nhưng chưa tiện nói ra đây, vì muốn biết có kiếp luân hồi hay không thì phải dẫn giải nhiều cớ khác nữa mới thấu hiểu đặng. Bây giờ thiếp xin hỏi: Chàng treo ấn từ quan rồi tính về quê làm những chuyện gì? Người không ưa công danh tức là người có chí nhàn, mà nhàn cư thì không nên.

Lý Phổ đáp :

– Non xanh nước biếc đâu đâu cũng có cảnh tốt vật xinh chốn chốn đợi người. Thong thả dạo chơi cho phỉ chí bình sanh, một đời người gẫm chẳng bao xa, khốn gì đem thân vào vòng gió bụi? Tôi hằng xem sách “Giải Tỏa” nên chê cuộc đời là nơi giam hảm con người, mê mệt vì phú quí công danh chẳng khác trẻ ranh mò trăng đáy nước. Tranh nhau vì cái hư danh vô vị, giành nhau vì chỗ đứng nơi ngồi, giết nhau vì miếng ăn, hại nhau vì đất ở. Rõ ràng trường danh lợi là nơi biển lửa núi gươm. Trách người đời sao ham hố đem mình vào nơi đó, như đá giằn thây mà gọi rằng vui, như dao gọt da mà gọi rằng sướng.

Cẩm Tú khen :

– Chàng có chí cao thượng xui khiến nên gặp gỡ thiếp đêm nay.

Nói rồi liền dỡ nắp hòm chỉ đống xương trắng cho Lý Phổ xem và tiếp :

– Thiếp lúc sanh tiền cũng như ai: ham, muốn, chuộn, ganh, chê, đủ cách. Nay qua kiếp sống rồi, thịt thúi xương tanh, chỉ làm ô uế cho núi non, làm phân cho cây cỏ mà thôi! Phải chi thiếp biết rằng trần ai là bể khổ thì có đâu ngày nay hồn uế còn dật dờ. Tiếc rằng thuở sinh tiền thiếp không sửa khí rèn ngươn cho tinh anh thể phách. Nói ra thêm não, chớ mà người bình sanh, trước động tâm can uế ư não trí, thì lúc mai một rồi còn phải trau dồi cho sạch sẽ, tắm gội cho tinh anh, sớm phải nghe kinh, mà cổi sạch thói tục phàm, chiều phải suy nghĩ đặng thoát ra vòng u ám. Chết rồi thiệt sướng là ném xa cái xác thịt như để gánh Thái Sơn xuống, song phải nhiều công phu mới thoát ly tình muội. Lao xao trên cảnh thế, muôn vạn con người. Trăm ban vạn vật đều phải chịu cái luật tiêu diệt. Tan ra mạt, rồi tụ lại như hình. Ấy là phép huyền diệu của Tạo công, cái kiếp luân hồi cũng nương theo đó. Vật thì mau tuyệt mau hư, còn người thì mau sanh mau tử. Vậy thì phải chịu cái nạn hủy phá nơi tay người, còn người phải bị hại vì vật. Ấy là cái phép năng diệt tự diệt của lệ trần ai, ta dày công khảo cứu ra thì thấy.

Lý Phổ ngẫm nghĩ rồi hỏi :

– Thế gian là khổ, sao tạo hóa sanh ra chi cái thế giới nầy rồi đặt để người vào cho xâu xé nhau gớm ghê như vậy.

Cẩm tú giải tiếp :

– Chàng đã biết, thế gian nầy là chốn cõi tạm cách đày, đày đọa sanh linh trăm họ, khi nắng lửa, lúc mưa dầu, kìa sông rộng biển sâu, thú dữ rắn độc. Trăm cái khổ, ngàn cái hình phạt gớm ghê để sửa trị lòng người, song người mê muội hoài cứ đem mình vào cái khổ thì biết làm sao thoát ly cho đặng?. 

Lý Phổ hỏi: 

– Loài người tội tình gì mà Tạo Công hành phạt như thế? Trước chưa có thế gian thì người ở đâu? Mà Tạo Công lại lập ra thế gian  rồi bắt loài người giam hãm vào như vậy?

 Cẩm Tú đáp : 

– Ôi còn tại thế thì không bao giờ biết chuyện ngoại thế. Muôn ngàn tinh tú tức là muôn ngàn cái thế gian. Có cái đã khô rồi tức là cái mà người ở đấy đã thoát ly rồi đó vậy. Cái không tuyệt mù trên kia là cái thế giới của các Đấng Siêu Nhơn (Phật–Thánh–Tiên). Những Đấng ấy không bao giờ có cái xác thịt nặng trịu muôn cân như bọn ta đây, chỉ có cái linh quang sáng rực mà thôi, cái khối đó gọi là linh hồn. Khỏi cái nạn phải ăn uống, khỏi cái hình phạt lạnh, nóng như ở thế gian. Đường xa muôn vạn dậm, người  dùng sức ngựa truy phong mà đi đời kia qua đời nọ cũng không đến bao giờ, mà các Đấng không có xác đó chỉ trong nháy mắt là tới liền.

Người mà được vào vòng thảnh thơi rồi thì thung dung lắm, luyện phép kia phép nọ mà tạo nên cảnh thế cho loài người, rồi phải chăm nom cho loài người từng ly từng tí. Người mà ở trần thế tức là người bị tội tình phải mang lấy cái cùm nặng cho linh hồn tức là cái xác thịt vậy. Phải chịu cả huyền phép nơi các Đấng ở trên. Nước trong thì nổi thảnh thơi, cáu cặn thì chìm xuống đáy. Đó là cái lệ đày đọa của loài người, cái kiếp người là do cái căn số thanh đục, mà đời đời phải bị trầm luân.

Các tôn giáo thì để thuyết minh cho loài người rõ mà thoát ly, song tôn giáo chẳng qua là muôn một trong phép thoát ly nhiệm mầu của máy tạo. Thiên cơ huyền bí lắm, không phải nói một lát là hết.

Phải học cả đời rồi chết, chết rồi phải học nữa mới được tiêu diêu. Nay thiếp gặp chàng đây, thiếp thố lộ một chút máy huyền cơ thức tỉnh chàng trong muôn một. Họa may chàng kiếm ngỏ mà đi, chớ thế gian lạc một bước thì ngàn kiếp sa đà. Chàng khá lựa lấy. Trời gần sáng rồi, chàng nên đi cho thiếp ẩn thân tu luyện.

Lý Phổ than : 

– Ôi! Cái kiếp con người ngàn năm khổ cực. Người là chúa vạn vật mà làm chi. Cái thân tù tội khổ não với trăm ngàn hình phạt mà ai có biết đâu? Chỉ có biết là đem cả tâm huyết mà đổi lấy đất, lấy đá mà gọi rằng sung sướng vinh diệu.

Tôi nhờ nàng thức tỉnh, từ đây quyết lo thoát kiếp trầm luân. Tôi sẽ phế đời  mà tu tâm dưỡng tánh, ngày nào dứt nợ thế xin nàng đón rước tôi cùng. Duyên hội ngộ này hôm nay xin nàng nghĩ đến ngày hết kiếp của tôi cho trọn câu tri kỷ.

 Nàng Cẩm Tú lấy hộp đen trên bàn đưa cho Lý Phổ mà dặn rằng: 

– Khi nào gặp việc gì rắc rối chàng nghĩ không ra thì mở hộp nầy kêu lấy tên thiếp sẽ đến giải bày cho chàng rõ.

Lý Phổ lãnh hộp rồi từ giã Cẩm Tú ra đi, ngồi trên ngựa suy đi xét lại các lời của Cẩm tú thì tựa hồ như tỉnh giấc nam kha mới than rằng: “Nàng Cẩm tú giấu cả mật thiết của máy huyền vi, duy lấy lẽ mà chỉ cho ta trong muôn một. Vậy ta cố gắng học hỏi cùng người cho thấu đáo lẽ nhiệm mầu trong trời đất. Người mà được làm quen với ma thật ít có. Ta hữu hạnh được cùng nàng Cẩm Tú một hôm hội ngộ thì có gì hân hạnh bằng”.

Trời đông u ám, mây đụng đầu non, cây không lá xơ rơ, gió lai rai rung lạnh. Lý Phổ ngồi trên lưng ngựa đạp tuyết mà đi, áo quần ướt hết lại thêm có mưa, rung cả mình. Lý Phổ than rằng: “Nóng lửa, lạnh đồng là cái họa chung của nhơn loại. Ta há vì sự lạnh mà nản chí bước đường hay sao?” Nghĩ rồi giục ngựa lướt tới. Chẳng dè ngựa cũng bị lạnh mà cóng giò.

Lý Phổ xuống dắt ngựa mà đi, chiều tối mới đến Phiên An Trấn là nơi phiên ba thắng cảnh, chợ lớn người đông, lại là chỗ giáp với Đông Tề nên có bến đò Tân Giang. Muốn qua Đông Tề thì phải qua sông Tân Giang. Nguyên Lý Phổ là người ở Hoài An thuộc Đông Tề, nay muốn về quê thì phải qua Tân Giang. Đến Phiên An Trấn thì trong mình còn ít lượng bạc Lý Phổ bèn vào khách sạn mà ở.

Phiên An Trấn là nơi nhiều khách phong lưu tài tử, lại là nơi các thuyền buôn ngoại quốc thường đến cất hàng, nên khách sạn nào cũng đẹp đẽ mà giá lại cao. Lý Phổ vào ngụ nơi Túy Hoa khách sạn mỗi đêm là một lượng bạc, có nơi uống rượu lại có nhiều cô hát đẹp đẽ vô cùng. Ở tứ phương đồng đến đây chơi thỏa thích; uống rượu đánh đờn, chơi bài lại có thêm mấy cô má đào môi son theo ôm hót, thiệt là nơi chơi đủ cách và đủ cuộc mua vui. Lý Phổ thấy vậy than rằng: “Ôi! Là mê muội cho người đời. Lặn hụp nơi ao máu vũng tanh. Kìa là cao lương mỹ vị, trà tốt rượu nồng toàn là thuốc lú bùa mê để đem con người vào cái đọa trầm luân khổ hải. Gái tốt hoa xinh là thuốc độc hại con người mà ai cũng giành nhau mà nếm”.

Thiệt là đem cả tâm huyết cả hình hài mà đổi lấy cái hại cái ác. Nhưng người đời xô lấn nhau, chen chúc nhau mà đi vào một con đường. Muốn ăn mặc cho sang trọng, muốn chơi bời cho thỏa thích thì phải thí cái thân nhỏ mọn hèn yếu kia mà làm cho có của. Cái trí non nớt cái não cân thấp hèn cũng bươi móc ra cho hết đặng dùng vào chỗ kiếm tiền. Làm được nhiều tiền, phải gian xảo đủ ngón, phải dụ dỗ đủ cách mới có tiền. Một người muốn có tiền thì rút biết bao nhiêu tâm huyết chúng sinh và hại biết bao nhiêu máu mủ của mình nên gọi đồng tiền huyết mạch là vậy đó.

Lý Phổ thấy những cuộc truy hoan thế tục lấy làm sợ lắm, bèn trả tiền phòng rồi dắt ngựa đi ra đồng kiếm miễu mà ở qua đêm. Lý Phổ ngồi yên lặng dựa cột miễu thì nhớ đến nàng Cẩm Tú liền lấy hộp ra mà gọi nàng. Vừa dứt tiếng thì hơi thơm nồng mũi, du quế ngạt ngào, ở ngoài một cô thiếu nữ thon thót gót tiên bước vào; nhan sắc cực kỳ mỹ diện, trang sức cực kỳ huê lệ, ngó Lý Phổ cười duyên mà hỏi rằng: 

   – Chàng gọi thiếp có việc gì?

Lý Phổ xem kỹ nàng là Cẩm Tú, diện mạo hân hoan liền nhắm mắt lại mà nói rằng: 

– Hay a! Người đã thác rồi mà còn noi theo thế tục hồng trần trang sức cực kỳ lịch sự như vậy.

Cẩm Tú cười mà nói rằng: 

– Chàng xem lại coi phải người tri kỷ đêm hôm chăng?

Lý Phổ mở mắt ra thì là một người con gái chít khăn ngang, mặc áo thùng rõ là Cẩm Tú. Nàng tiếp rằng:

– Lúc sanh tiền thiếp cũng mê mệt với đời cực kỳ trau diện, thiếp lấy cái hình lúc sống để cho chàng biết thiếp cũng như ai. Nay mai một rồi thì chỉ còn một linh hồn, thế tục phù ba trả cho mây gió.

Lý Phổ hỏi:

– Người chết rồi đủ phép biến hóa, cái thuật ấy phải học hay là tự nhiên mà có.

Nàng đáp rằng:

– Hễ thác rồi mọi người được phép biến hóa tự do. Hễ muốn chi được nấy. Người thác rồi có thể muốn sống lại được, nhưng phải mượn xác của người khác. Song mỗi người sống có linh hồn và xác, ai lại cho mượn của ai. Nếu dùng xác người mới chết thì xác ấy bị hư; cái cơ thể nào mới chết, dùng tạm thời thì được mà dùng lâu cái xác ấy thúi rồi phải bỏ. Tuy là nói vậy, chớ một lần thoát kiếp mừng rất đổi mừng, ai dại gì lấy cái xác thịt khổ thân làm chi nữa.

Lý Phổ hỏi rằng: 

– Tôi muốn bỏ xác nầy rút linh hồn đi có đặng không?

Cẩm Tú đáp:

– Được mà không được, vì mỗi người đều có cái số sinh tử tiền định. Nếu ai rủi ro mà bỏ mạng, hoặc phạm tội tử hình, hoặc bị sát, cùng tự sát thì phải bị đầu thai trở lại trần gian trả cho rồi nợ thế.

Lý Phổ ngẫm nghĩ giây lâu rồi hỏi nữa rằng: 

– Một lần chết thì trả rồi nợ thế, sao lại có cái luân hồi là nghĩa gì?

Cẩm Tú đáp rằng: 

– Luân hồi nghĩa là trở lại mà trả cái nợ tiền kiếp đã gây ra. Sanh ra thế gian thì ăn chịu với người thế gian, mà phải sanh ra thế gian là do tiền kiếp còn dính dấp với thế gian. Nhơn sanh hữu số nhưng mãn số mà còn dính dấp ăn chịu với người thế thì phải trở lại nữa mà đền bồi hoặc đòi hỏi. Nói tóm lại: Rửa cho sạch trần ai thì không trở lại trần ai, mà còn vướng trần ai thì không mong thoát kiếp.

Lý Phổ không hiểu cho cạn lẽ luân hồi nên hỏi tiếp rằng:

– Nàng nói rằng nhơn sanh hữu số định thời nghe cũng có lý. Vậy chớ trong một trận giặc, thế muôn ngàn người thì là định số hay sao? Bị địa chấn, lửa trời thì dân một miền chết hết, ấy là thiên tai; không lẽ một xứ một miền từ nhỏ tới già đều một số mạng? Cái họa chiến tranh thì người gây ra, còn thiên tai là trời làm ra. Trời đã gây ra cái tai biến mà sát hại sinh linh thì cái số mạng đó tự tay trời độc địa sát hại rồi, bắt đọa luân hồi nữa sao?

Cẩm Tú cười và đáp rằng:

– Chàng hỏi hoài thiếp đáp mãi, mà phép mầu nhiệm nói chẳng hay cùng. Thiếp tuy là người quá kiếp chớ chưa thấu đáo lẽ cao sâu. Biết bao nhiêu nói bấy nhiêu cho chàng rõ. Chàng là người học thức, chàng ráng mà học, ráng mà suy xét, ráng mà khảo cứu thì ra. Cái mầu nhiệm tại thế chớ không đâu ra. Ráng mà suy xét chiêm nghiệm thì thấy. Thôi bây giờ trời đã khuya rồi, để thiếp lén đem chàng đi coi thế giới của người chết. Song chàng phải nhớ rằng: Người chết ít ưa kẻ sống, chàng đừng quen theo cảnh thế không nên.

 Nói rồi nàng bảo Lý Phổ nhắm mắt lại, thổi một hơi nơi mặt thì chàng mê mẩn tâm thần, lần lần hồn xuất ra, Lý Phổ lấy làm khỏe khoắn muôn phần và nhẹ nhàng hơn lông, bèn cùng Cẩm Tú bay đi. Qua mây lọt gió thoát không có gì gàn trở đặng.

Đêm đó nhằm đêm rằm, nguyệt mờ mờ vì mây án. Lý Phổ cùng Cẩm Tú qua khỏi núi rồi thì thấy rực rỡ như ban ngày. Cái ngôi tinh tú lăng xăng, cái lại cái qua, cái xây cái trở. Nhân đi gần mặt trăng, Lý Phổ năn nỉ Cẩm Tú ghé nguyệt điện mà xem chị Hằng Nga.

Cẩm Tú cũng vui lòng. Té ra mặt trăng là một bầu thế giới mạc kiếp chỉ có núi khô với bãi sa mạt. Đâu là nguyệt điện mà gọi Hằng Nga, nào là khúc Nghê thường võ y của Minh Hoàng lúc nọ. Chẳng qua là chuyện bịa để ám lòng người, Lý Phổ hỏi Cẩm Tú rằng: 

– Thế giới người chết ở đâu, xin nàng đem tôi đến xem. 

Cẩm Tú chỉ ngoài không mà nói rằng:

– Kìa là cảnh của người thoát kiếp không phải ở nhà cửa lầu đài lên xe xuống ngựa như người thế gian đâu. Chỉ ở giữa không vậy thôi. Chàng coi chúng ta đứng trên không như vầy mà không té. Nếu xác thịt mà ở đây thì nát tan ra mạt nhỏ. Kìa là vị linh quang kẻ ngồi người đứng, kẻ chạy người đi, chàng có thấy không? Cái đốm sáng nhỏ đó là một người. Người ta ở đây là vậy. Nhưng chàng thì khó mà phân biệt được chớ thiếp thì nhận được liền. Muốn nói chuyện hoặc giao tiếp dễ dàng lắm. Làm ngôi cả cai trị loài người ở đây là ai thiệt thiếp không rõ, chớ cả linh hồn đều tùng quyền một luật mà luật ấy nhiệm mầu lắm, chàng không nên hiểu. Thôi thiếp với chàng  trở về.

Lý Phổ xin dắt mình lên mặt trời thì Cẩm Tú chỉ cười mà không đáp. Hai người về đến miễu thì trời đã đúng trưa. Cẩm Tú liền biến mất còn Lý Phổ thì qua sông về Hoài An đóng cửa đọc sách một mình ở trong suy xét lẽ nhiệm mầu của trời đất.

Dich giả: Nguyễn văn Lượng.

Nhà xuất bản Kiến thức Huyền  Môn nhận thấy  những đoạn văn sau đây có những điểm tương đồng với tư tưởng Huyền Môn.

Trở về từ cõi sáng (1)

Dịch giả: Nguyên Phong

Cuối tháng 4 năm 1987, người ta chở bà Mary Houghton, 68 tuổi vào bệnh viện Boston vì chứng đau tim. Bệnh nhân ngưng thở lúc 6 giờ tối, mọi cứu chữa đều vô hiệu và bác sĩ tuyên bố bệnh nhân đã chết. Xác bà được tạm đặt trong một căn phòng riêng chờ thân nhân đến làm giấy tờ tẩm liệm. Khoảng 11 giờ đêm, bà Houghton tỉnh lại bấm chuông gọi y tá. Bác sĩ trực đến khám và xác nhận bà lão đã hồi sinh. Trường hợp bệnh nhân đã tắt thở vài giờ sau lại sống dậy không có gì lạ lùng với y giới nhưng bà Houghton đã nhớ lại những diễn tiến sau khi chết và kể lại như sau:

“Tôi đang ngồi nhà đọc báo thì thấy choáng váng, xây xẩm mặt mày và tự nhiên hôn mê. Khi tỉnh dậy tôi cảm thấy nhẹ nhàng, thanh thoát, chung quanh tôi là một lớp sương khói dày đặc khiến tôi bỡ ngỡ không biết mình đang ở đâu. Tôi lên tiếng kêu gọi nhưng vô hiệu. Tôi mò mẫm đi trong lớp sương mù đó được một lúc thì nhận thức rằng có lẽ mình đã chết. Tôi biết mình mắc chứng đau tim đã lâu. Bác sĩ nói rằng tôi chẳng còn sống được bao lâu nữa nên tôi không lấy thế làm buồn. Điều bất ngờ là khi vừa chấp nhận điều này thì tôi thấy mình đang đứng ngay bên cạnh giường quan sát thân thể của tôi nằm bất động trên đó. Sau một lúc xúc động tôi cố gắng trấn tĩnh và tự nhủ rằng mình sống như thế cũng là đủ rồi. Trong khi xúc động thì luồng ánh sáng bao quanh tôi trở nên đen tối, khó chịu, tôi có cảm giác như bị lôi kéo vào một vũng bùn nhầy nhụa, hôi hám. Tôi bèn lên tiếng cầu nguyện thì thấy trong mình dễ chịu lạ thường, lớp ánh sáng bao quanh dần dần trở nên quang đãng hơn.

“Một lúc sau tôi thấy thân thể nhẹ hẫng như có thể bay bổng lên được. Tôi bèn để cho nó tự nhiên và thấy mình lơ lửng trên không nhìn xuống phía dưới. Lúc ở trên cao nhìn xuống, tôi thấy có một chùm chìa khóa màu đỏ của ai để trên nóc tủ thuốc. Tôi thầm nghĩ ai lại để chìa khóa trên đó làm chi? Đang suy nghĩ vẩn vơ thì tôi thấy mình đã đi xuyên qua trần nhà để lên lầu trên và thấy hai người y tá đang xem một trận đấu bóng rổ trên ti-vi, trận đấu vừa kết thúc khi đội Los Angeles Lakers thắng Boston Celtics và một người y tá đánh cuộc thua phải trả cho bạn đồng nghiệp 20 mỹ kim. Tôi thong thả đi dọc theo hành lang bệnh viện và gặp rất nhiều người như tôi, cũng đang lướt đi, không ai nói với ai lời nào. Đa số có vẻ vội vã, có người hoảng hốt là đàng khác. Tôi thấy một thanh niên đang đứng cạnh xác mình một cách đau khổ, tôi lên tiếng an ủi nhưng có lẽ anh không nghe được lời khuyên bảo của tôi. Vì một lý do gì không rõ, tôi hiểu ngay sự bận tâm của anh ta vì đã không hoàn tất được một số việc. Anh ta cố sức chui lại vào cái xác đã lạnh cứng nhưng vô hiệu. Anh đâm ra hoảng hốt khiến tôi cũng mất bình tĩnh theo nên tôi đành bỏ anh ta ở đó mà đi chỗ khác. 

Tôi nghĩ đến các con của tôi và lập tức thấy mình đang đứng trước mặt đứa con gái lớn. Con gái tôi đang khóc. Tôi muốn ôm lấy nó nhưng tiếng khóc của nó làm tôi thấy khó chịu. Mỗi khi trong người thấy khó chịu thì lớp ánh sáng bao quanh tôi lại chuyển sang một màu đen tối, nhầy nhụa khiến tôi sợ hãi. Tôi cố gắng trấn tĩnh tâm hồn và nghĩ đến hai đứa con trai thì thấy mình đang đứng ngay bên cạnh chúng. Hai đứa đang bàn việc chôn cất cho tôi. Thằng Michael phàn nàn về việc tôi đã không chịu mua bảo hiểm nhân thọ … cả hai chỉ nghĩ đến số tiền mà chúng sẽ phải chi ra hơn là nhớ thương đến mẹ của chúng. Tôi không hiểu tại sao tôi lại có thể đọc rõ tư tưởng của các con tôi như vậy. Càng đứng đó lâu tôi càng bực bội vì hai đứa cứ cãi nhau mãi về việc chôn cất và việc phân chia gia tài nên tôi lại bỏ đi. Tôi không biết sẽ đi đâu. Tôi chẳng có thân nhân hay  bạn bè nào cả. Đến lúc đó tôi mới bắt đầu nghĩ lại cuộc đời mình. Hình như tôi đã sống một cách ích kỷ, không giao thiệp với ai và cũng không có ai là bạn thiết. Cả một quá khư bỗng nhiên hiện ra trước mắt tôi như người đang xem phim chiếu bóng. Tôi thấy rất rõ những quyết định của mình, những lỗi lầm mà tôi đã tạo. Những việc mà tôi nghĩ là tầm thường, không đáng kể đều hiện ra rõ rệt và phản ảnh tâm trạng của tôi khi đó; vì sao tôi đã hành động như vậy; tại sao tôi lại làm việc đó … hơn bao giờ hết tôi thấy sự việc một cách khách quan vô tư chứ không chủ quan như trước. Tôi không hiểu tại sao mình lại có thể bình tĩnh nhận xét như thế được. Tôi bắt đầu cầu nguyện và tự nhiên thấy lớp ánh sáng bao quanh bỗng sáng chói một cách lạ lùng. Tôi thầm nghĩ phải chăng tôi có thể hành động khác khi xưa khi biết rõ những nguyên nhân, hậu quả việc làm của mình. Tất cả có thể quy về một điều duy nhất: Tôi là một người quá tự hào về mình, quá hãnh diện về những giá trị viển vông, tạm bợ mà không hề biết rằng những điều đó hoàn toàn vô giá trị khi người ta từ bỏ cõi sống này. Chính vì tự hào mà tôi đã khoác lên mình những mặc cảm tự tôn, coi thường người khác, bất chấp dư luận và nghĩ rằng tôi luôn luôn có lý trong mọi công việc. Hậu quả là tôi có một đời sống khô khan, không bạn bè thân thiết, ai ai cũng muốn xa lánh tôi, ngay cả những đứa con của tôi nữa. Phải chăng tôi có thể chuộc lại những điều đã làm? Chưa bao giờ tôi lại có ý nghĩa lạ lùng như vậy. Lần đầu tiên tôi hối hận một cách chân thành và tự nhiên tôi lên tiếng cầu nguyện.

Tự nhiên tai tôi bỗng ù đi, luồng ánh sáng bao quanh tôi trở nên sáng chói  một cách lạ lùng, tôi thấy bình tĩnh như có một sự an ủi lớn lao nào đó vừa đến với tôi, và tôi cương quyết rằng tôi sẽ chuộc lại những lỗi lầm khi xưa. Tôi chắp tay cầu nguyện Thượng Đế hãy cho tôi một cơ hội nữa và luồng ánh sáng chung quanh tôi tự nhiên chói sáng một cách mãnh liệt khiến tôi phải nhắm mắt lại và bất chợt tôi nghe được các âm thanh quen thuộc. Tôi thấy mình đang nằm trên giường bệnh viện … Tôi đã tỉnh lại”.

Lời khai của bà Houghton đã được bác sĩ Elizabeth Kubler Ross kiểm chứng rất kỹ. Hai nhân viên trực trong bệnh viện xác nhận họ có đánh cuộc với nhau về trận bóng rổ, kết quả trận banh xảy ra đúng như lời bà Houghton đã thuật lại. Hai đứa con của bà Houghton cũng xác nhận họ đã cãi nhau về việc bảo hiểm và tiền chôn cất. Điều bất ngờ nhất là một bác sĩ trực đánh mất chùm chìa khóa xe hơi màu đỏ từ mấy tuần trước, nhờ lời khai của bà Houghton mà ông nhớ rằng lúc vội vã, ông đã ném đại nó lên nóc tủ thuốc. Chiếc tủ này rất cao, gần chạm đến trần nhà, một người đứng dưới đất không thể nào nhìn thấy nó được nên mặc dù tìm kiếm mãi mà vẫn không thấy … trừ khi họ đứng trên trần nhà nhìn xuống.

Trở về từ cõi sáng (2)

Dịch giả: Nguyên Phong

Cậu Jo nói lớn:

– Cha mẹ ơi, con đã bước vào cõi sáng rồi, tại đây con rất thoải mái an lành, xin cha mẹ đừng lo lắng nhiều về con.

Nó xong, Jo cười một cách sung sướng rồi thăng.

Mặc dù buổi lễ cầu hồn có kết qủa tốt đẹp nhưng đa số mọi người vẫn không tin cho lắm. Một số bác sĩ đã nghi ngờ đó là một màn kịch được đạo diễn bởi ông Piquet mặc dù họ không biết ông này làm thế với mục đích gì. Cuộc bàn cãi trở nên sôi nổi hơn khi bác sĩ Kunz có ý nghiêng về phía ông Piquet và tỏ ý chê trách các bạn đồng nghiệp đã quá khắt khe với những dữ kiện thu thập được. Sau cùng mọi người đồng ý sẽ tổ chúc buổi nói chuyện với Jo thêm một lần nữa. Hai tuần lễ sau Jo trở lại, lần này cậu tỉnh táo hơn và đã nói như sau:

– Cha mẹ ơi, khi xưa con chỉ biết nghĩ đến đời sống vật chất. Con nghĩ đến tương lai huy hoàng sau khi tốt nghiệp đại học. Con nghĩ đến tiện nghi của đời sống như có một chiếc xe hơi, một căn nhà riêng, và một tình yêu thật đẹp. Chính vì thế mà con không muốn rời bỏ cõi trần nên cứ sống trong trạng thái bị ngộp nước suốt mấy tháng. Đó là do lỗi của con quá thiết tha với cái vỏ vật chất mà con không muốn từ bỏ. Bây giờ bước qua cõi sáng, con nhìn lại và thấy mình quá ngu dại, lầm lẫn. Từ chỗ của con ở mà nhìn lại cõi trần, con thấy nó âm u, ảm đạm làm sao, khác hẳn với sự tươi sáng của cõi này. Đời sống của con bây giờ đẹp lắm, đẹp không thể tả được. Phải chi khi vừa chết con biết được như vậy …

Bất chợt cậu quay qua một bác sĩ ngồi gần đó:

– Cháu kính chào bác Morris. Cháu biết bác không tin tưởng gì ở những điều cháu nói. Cháu biết bác nghĩ rằng cha cháu đã quá dễ dãi với những dữ kiện mơ hồ, không thể kiểm chứng này; nhưng bác ơi, cha cháu không lầm lẫn đâu. Làm sao cháu có thể nói cho bác biết được những điều cháu đã thấy hay đã kinh nghiệm được nơi cõi này cũng như những điều mà cháu đã thấy nơi cõi trần. Cháu không biết có nên nói tiếp nữa không … Thôi cháu cứ trình bày và để bác tự quyết định.

Cháu biết bác là người rất quí trọng thời giờ. Bác tin rằng thời giờ là tiền bạc, nhưng này bác Morris, ở cõi bên này tiền bạc không còn quý báu nữa và cũng không có một giá trị gì. Thay vì lo kiếm tiền, bác nên dành thời giờ để lo cho Yvonne, con gái của bác thì hơn. Yvonne rất thương bác nhưng hiện nay cô ta đang đau khổ vì nghĩ rằng không ai hiểu được sự cô đơn của cô ấy. Này bác Morris, bác chỉ có một người con gái độc nhất mà bác rất yêu quí nhưng bác lại quá lo lắng về vật chất mà quên rằng con của bác đâu cần những thứ đó mà chỉ cần sự thông cảm của người cha dành cho người con mà thôi. Này bác Morris, Yvonne đâu cần những số tiền khổng lồ mà bác cất giữ trong ngân hàng, cô cũng đâu cần những trương mục của bác dành riêng cho cô ấy. Điều cô ấy cần là sự cảm thông và hiểu biết của bác kìa. Cách đây mấy hôm, Yvonne đến gặp bác trong phòng làm việc để khoe bức tranh cô ấy vừa vẽ xong nhưng bác chẳng những không để ý, còn nghiêm giọng bảo cô ấy đi ra chỗ khác để bác làm việc. Bác còn nhẫn tâm nói rằng: Đừng làm phí phạm thì giờ quí như vàng của bác. Bác có biết Yvonne đau khổ như thế nào không? Cô ấy đã xé nát bức tranh và còn có ý nghĩ điên rồ là nhảy từ trên lầu xuống đất. May thay sau một lúc khóc lóc, cô ấy nguôi ngoai nhiều nên đã bỏ cái ý định dại dột ấy đi. Cháu thiết nghĩ bác nên suy nghĩ lại. Điều Yvonne thèm khát nhất trong lúc này chỉ là một câu nói yêu thương chân thành và dịu dàng của bác, mà điều này đâu có khó phải không bác?

Bác sĩ Morris ngồi chết sững. Mỗi câu nói của Jo là một mũi kim xuyên vào tim ông. Làm sao Jo biết được điều này? Những sự kiện riêng tư này làm sao một người  ngoài có thể biết được, trừ khi họ quan sát nó từ một cõi giới nào đó? Liệu ông có nên tin như vậy không? Là một khoa học gia, ông không thể chấp nhận những điều “phản khoa học” như thế này được, nhưng ông cũng không thể phủ nhận những dữ kiện có tính cách cá nhân mà ông không ngờ nhất. Mặt ông dúm dó lại như đau đớn lắm. Sau cùng ông run rẩy nói:

– Cám ơn … cám ơn Jo. Bác đâu ngờ sự tình lại xảy ra như vậy …

Cậu Jo quay qua một người khác:

– Còn bác Franz nữa. Có phải bác đang nghĩ rằng cõi giới bên kia cửa tử là một nơi nào xa lắm, xa như một tinh tú trên bầu trời mà người ta không thể đến được không?

Bác sĩ Franz giật nẩy mình, ấp úng:

– Phải … phải đấy … Nhưng làm sao cậu lại biết?

Jo cười lớn:

– Cháu có thể đọc được tư tưởng của bác. Ở cõi bên này người ta có thể đọc rõ tư tưởng của những người bên cõi trần một cách dễ dàng. Này bác Franz, điều bác nghĩ không đúng đâu! Cõi giới bên này rất gần với cõi trần và chỉ trong chớp mắt là người ta có thể qua đến bên này. Để cháu lấy một thí dụ cho dễ hiểu: khi bác mặc áo choàng là lúc bác ở cõi trần, và khi cởi bỏ áo choàng ra là bác đã qua cõi bên kia rồi. Con người của bác khi khoác chiếc áo choàng và khi cởi bỏ nó nào có khác gì đâu, vẫn y nguyên như trước đấy chứ. Bác không hề thay đổi gì, cũng như đi làm bác mặc áo choàng rồi về nhà cởi bỏ áo ra, bác đâu thình lình bay bổng lên một hành tinh nào đâu, bác vẫn đứng nguyên ở chỗ cũ đấy chứ. Nói một cách khác, khi từ trần, người ta vẫn ở nguyên chỗ cũ, chỉ có khác là các giác quan thuộc về xác thân đã hư hại không còn sử dụng được nữa nhưng các giác quan mới lại bắt đầu làm việc. Sau một giây phút thay đổi như người đang đi ở chổ tối bước ra chỗ sáng, bị lóa mắt một lúc rồi mới có thể nhìn được mọi vật một cách rõ ràng; thì cũng như thế, nhờ các giác quan mới hoạt động mà người ta có thể ý thức được cõi giới bên này một cách rõ rệt hơn. Điều đáng nói ở đây là sự quyến luyến với cõi vật chất, giống như người từ chỗ tối bước ra chỗ sáng lại cứ nhắm mắt, không muốn nhìn gì nữa. Tuy họ không còn ở chỗ tối nữa nhưng họ cũng chưa thể thấy gì ở cõi sáng vì mắt nhắm chặt. Đó là cái áp lực vật chất, cái cảm giác u mê, đau khổ đè nặng lên tâm thức con người khiến cho họ trở nên tê liệt không sáng suốt, không ý thức và cũng không hiểu biết gì. Ôi, cái tâm trạng sống không ra sống mà chết cũng không ra chết, cứ vất vưởng trong trạng thái lúc từ trần, ở giữa hai cõi giới này thật vô cùng ghê gớm, không thể tưởng tượng được.

Cậu Jo im lặng một lúc rồi nói tiếp:

– Con muốn nói để cha mẹ và mọi người hiểu biết thêm về thế giới bên này. Có rất nhiều vong linh sau khi từ trần vẫn không chịu rời bỏ những ràng buộc vật chất. Số nầy rất đông, họ sống vất vưởng, lang thang, đói khổ, không nơi nương tựa, không biết phải làm gì và cũng không chịu nghe ai. Phần con thì rất thoải mái, muốn làm gì cũng được. Con có thể di chuyển lên, xuống nhẹ nhàng, nhưng con thích ở bên cõi sáng này hơn vì mỗi lần đi trở lại vào cái đường hầm âm u tăm tối kia con thấy buồn lắm. Buồn vì thấy còn có những người cứ u mê, than khóc; buồn vì cứ nghe những câu trách móc, than van, những lời nguyền rủa, những sự oán hận, đau đớn không thể kể xiết. Mấy tháng trước con cũng như thế nhưng nhờ cha mẹ và mọi người cầu nguyện mà con tỉnh thức, thoát khỏi cái tình trạng kinh khủng kia. Bây giờ con đã hiểu rồi nên cố gắng giúp đỡ những người còn đang u mê để họ có thể tỉnh thức . . . Con làm việc ngày đêm không biết mệt và cũng không cần phải ăn uống nữa…

Bà Kunz  giật mình kêu lớn:

– Sao, con không ăn uống gì ư?

Cậu Jo cười lớn:

– Ở bên này đâu ai cần phải ăn uống! Người ta sống bằng tâm thức chứ đâu bằng thân xác vật chất nữa. Này mẹ, mẹ hay làm nhiều đồ ăn quá, mẹ nên hạn chế bớt việc nấu nướng đi. Hiện nay sức khỏe của cha mẹ không còn như xưa, mẹ không nên quá cực nhọc trong việc nấu nướng, ăn uống. Phần con thì không nghĩ gì đến việc ăn uống, thế mà sức khỏe của con lại hơn xưa vì ở bên nầy thức ăn cần thiết là tình thương chứ không phải thứ gì khác. Cha mẹ ơi, lạ lùng lắm! Con nghiệm được rằng tình thương là sự cho ra chứ không phải nhận vào. Càng cho ra bao nhiêu con càng cảm thấy thoải mái, sung sướng, mạnh khỏe bấy nhiêu. Đó cũng là đặc điểm của cõi sáng bên này: càng yêu thương bao nhiêu, người ta càng nhẹ nhõm, sung sướng, thoải mái, bình an bấy nhiêu. Hiện nay con đang cố gắng giúp đỡ những vong linh vừa từ trần đang đau khổ. Con tự nhủ: thế nào họ cũng phải trải qua tâm trạng đau khổ, oằn oại, thao thức như con đã trải qua, và họ sẽ sống trong đau khổ như thế cho đến lúc tỉnh thức. So sánh với hoàn cảnh của con thì nhiều người còn khổ hơn nhiều, có người đã đau khổ như vậy cả mấy trăm năm rồi, không thể nào cảnh tỉnh họ được. Con có cảm giác rằng tâm thức họ bị đè nặng bởi những áp lực rất lớn, những áp lực kinh khủng mà sức con không thể giúp họ được. Chắc hẳn họ đã phạm những lỗi lầm ghê gớm lắm. Theo chỗ con biết, họ là những người khi sống không hề biết yêu thương, không hề biết xúc động; trái tim của họ đã khô kiệt, chỉ còn những sự thù hận, oán hờn, ích kỷ nên họ phải sống trong những nỗi đau khổ cùng cực cho đến khi nào những động năng thù oán đó tiêu tan bớt đi. Phần con rất may mắn là chỉ đau khổ trong vòng mấy tháng thôi; vì mê muội không chịu chấp nhận sự thật rằng mình đã chết, cứ u mê thiết tha với những vọng tưởng về vật chất mà không biết đời sống ở đâu cũng có cái hay, cái đẹp của nó. Nếu biết như vậy con đâu để mình bị ngộp nước lâu đến thế. Những điều con nói đây là sự thật mà con đã nghiệm được, cha mẹ nên trình bày cho mọi người biết để họ tránh cái hoàn cảnh đau khổ mà con đã trải qua.

Bác sĩ Kunz lên tiếng:

– Nói Jo, con có thể cho cha biết tai nạn đó xảy ra như thế nào không?

– Cha muốn con trở lại tình trạng khổ sở đó sao?

– Không phải vậy, nhưng bây giờ con đã siêu thoát rồi, cha tưởng con có thể cho cha mẹ biết sự việc một cách rõ ràng và khách quan hơn.

– Cha mẹ biết rằng con rất thích bơi lội. Hôm đó sau khi thi xong, thấy làm bài trôi chảy, con bèn tự thưởng cho mình bằng cách ra hồ vùng vẫy một lúc cho thoải mái. Con nhào lộn một hồi mà quên rằng mình đã mệt vì phải thức khuya học thi suốt mấy ngày liền. Con vừa bơi được một lúc thì đuối sức nên bị chìm xuống đáy hồ, mắc vào những cọng rong rêu. Bình thường con có thể đạp chân để trồi lên được nhưng hôm đó mệt quá nên con hoảng hốt và bị sặc nước. Thật ra dù có trồi lên được thì con cũng chết thôi vì phận số đã đến lúc rồi. Việc ra đi cũng nhẹ nhàng chỉ như người ta lật một trang giấy thôi, nhưng con lại không muốn chết vì còn muốn bám víu vào cái thể xác vật chất. Con thấy mình còn quá trẻ mà cuộc đời lại quá tươi đẹp nên không muốn chết, chỉ muốn trở lại với thể xác nên cứ mơ màng trong cái trạng thái bị sặc nước, cho đến khi được Ơn Trên phù hộ giúp con tỉnh thức và hiểu biết. Trong lúc u mê, con không biết gì và cũng không hiểu gì cả nhưng con cảm nhận được tư tưởng yêu thương chân thành và nghe được những lời cầu nguyện của mọi người. Chính sự cầu nguyện đã giúp con tỉnh táo nhiều.

Bác sĩ Franz lên tiếng:

– Này Jo, cháu có thể cho bác biết thêm về cõi giới bên đó không?

– Được chứ. Cõi bên này không phải là nơi mà người đi qua sẽ không bao giờ trở lại, hoặc là nơi tối tăm, ghê rợn hễ ai rơi vào đó là mất hút; mà trái lại, đó là một cõi sáng rất linh hoạt. Có lẽ nó còn linh hoạt hơn cả những đô thị sống động nhất ở cõi trần, nhưng sự linh hoạt ở đây không phải là sự ồn ào, náo nhiệt mà là một sự linh hoạt rất nhẹ nhàng, bình an, thoải mái để người ta có thể cảm nhận một tình thương yêu tuyệt đối, một ân phước dồi dào không bút mực nào có thể tả xiết. Trong sự bình an này, người ta bắt đầu hồi tưởng được nhiều việc đã xảy ra để rút tỉa kinh nghiệm và học hỏi để chuẩn bị cho một đời sống mai sau.

– Cháu nói sau? Còn có một đời sống nữa hay sao?

– Đúng thế. Còn có một cõi giới nữa chứ không phải chỉ có một cõi bên này mà thôi. Hiện nay việc học hỏi của cháu còn giới hạn nên cháu không biết rõ những cảnh giới khác ra sao, nhưng cháu được biết sẽ có lúc cháu trở lại cõi trần, dĩ nhiên dưới một hình thức nào đó. Theo sự hiểu biết của cháu thì việc học hỏi ở bên này chỉ có tính cách lý thuyết  thôi vì đây là cõi tư tưởng. Sau khi học lý thuyết còn phải mang ra thực hành, và nhờ kinh nghiệm thực hành mà người ta mới thực sự học hỏi. Vì người ta chỉ có thể kinh nghiệm được qua đời sống ở cõi trần mà thôi nên trước sau gì các vong linh cũng đều tái sinh trở lại.

Cậu Jo quay qua cha mẹ:

– Thưa cha mẹ, con đã nói tất cả những gì con biết về cõi giới bên này. Con xin cha mẹ cứ yên chí, đừng quá lo lắng gì nhiều cho con và cũng đừng gọi con trở lại nữa. Sự liên lạc này không cần thiết, gây quyến luyến và làm trở ngại cho việc học hỏi của con. Công việc của con hiện nay rất bận rộn. Con xin cảm ơn cha mẹ và mọi người đã cầu nguyện cho con, chính nhờ việc này mà thần trí con sáng suốt và được thức tỉnh. Việc cầu nguyện chân thành cho người chết có thể giúp đỡ cho họ rất nhiều, đây là một điều hết sức quan trọng mà mọi người cần nên biết. Khi từ giã cõi trần, người ta không thể mang theo tiền tài, sự nghiệp, danh vọng mà chỉ có thể mang được lòng yêu thương và sự hiểu biết mà thôi. Chính lòng yêu thương là mãnh lực duy nhất có thể vượt qua không gian, thời gian và tồn tại với người đó mãi mãi, nó cũng là yếu tố quan trọng nhất giúp người ta tiến hóa, phát triển ở cõi giới bên này. Người ta có thể chuẩn bị cho cuộc hành trình này với hành trang quí báu và độc nhất là sự thương yêu mà thôi. Nhưng điều con nói ra hôm nay cần được trình bày cho mọi người biết rõ, đó cũng là lý do ông Piquet viết thư riêng cho cha để báo trước. Dĩ nhiên tin hay không là vấn đề riêng của mỗi người, điều này không quan trọng, nhưng sự hiểu biết về cõi sáng và các áp lực vật chất sẽ là một hạt giống tốt gieo vào tâm thức người đó, và rồi trong giờ phút khổ sở lúc lìa đời, người ta sẽ nhớ lại. Con xin kính chào tất cả, chúc cha mẹ và mọi người luôn luôn được bình an, hạnh phúc.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro