1.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tại Hiền gặp lại anh vào những giờ nhạt nhất của đêm, cậu không ngủ được.

Ẻo lả và sống sượng.

Anh.

Tên anh thoát trên môi nhưng không bật thành tiếng. Tại Hiền tự hỏi anh, nhạt nhòa và khó nắm bắt, thuộc về thế giới nào?

Đã nhiều năm nay, cái chứng mất ngủ này cứ dai dẳng đeo bám cậu không tha. Cứ mỗi lần tỉnh dậy dở giấc, cậu sẽ lại nhìn thấy bóng dáng anh nhạt nhòa, đang tan ra vào màn đêm như những hạt bụi mờ. Sự tồn tại ấy tựa như một bóng ma, hoặc một mảnh nhỏ của ký ức đã bị thời gian bào mòn. Không bao giờ nhiều hơn thế. Sau đó, lần nào Tại Hiền cũng nằm thao láo nhìn lên trần nhà xám ngắt, nhìn ánh sáng dần dần chiếm lấy không gian. Trước khi kịp nhận ra, trời đã sáng hẳn.

Có thể là từ cái ngày cậu gặp lại Tư, người bạn thân thiết cậu quen vào tám năm trước, chứng mất ngủ mới quay trở lại thường xuyên đến thế. Thực ra cậu đã không liên lạc với Tư trong suốt khoảng thời gian ấy, cho đến hôm trước, Tư nhắn tin hỏi han, hẹn một bữa cà phê vào một dịp nào đó cô có thể đảo ra Hà Nội chơi.

Tại Hiền chần chừ khá lâu. Vốn không có ý định gặp lại người cũ, không, sau những chuyện đã xảy ra. Tư muốn gặp vào thứ Hai, nhưng Tại Hiền dùng dằng muốn đẩy sang thứ Ba. Khổ nỗi cô vướng lịch đi dạy, một tuần có ba ngày phải lên lớp, từ thứ ba đến thứ năm, hai ngày cuối tuần thì dành để trông con, chỉ còn thứ Hai và thứ Sáu thì bà mẹ trẻ mới rảnh tay để từ Mỹ Đức lên tận Hà Nội uống một cốc cà phê với một người tám năm rồi cô chưa gặp. Một người mà ngay cả lễ cưới của cô cũng không xuất hiện. Tại Hiền chốt hẹn thứ Sáu dù thứ Hai cậu rảnh. Cậu cần chút thời gian để chuẩn bị tâm thế.

Suốt tuần đó, cậu ngẫm nghĩ cố tìm xem cái lý do của cuộc gặp gỡ bất ngờ này có thể là gì, nhưng cuối cùng cũng phải chấp nhận rằng cậu chẳng bao giờ có thể dò đoán tâm ý đàn bà, nhất lại là những người đàn bà có tính nết trái gió trở trời như cô. Vậy nên Tại Hiền đành để tạm chuyện này ra sau đầu, kiểu gì cậu chẳng biết. Chờ đến thứ Sáu của một ngày cuối tháng ba, thế nào mà như trêu ngươi, trời bỗng nhiên đổ mưa. Hà Nội âm u hẳn đi, dù ngay ngày hôm trước thôi, nắng vẫn hửng.

"Tháng ba chắc có hoa sưa nhỉ? Em ở Mỹ Đức nên chẳng biết hoa sưa trông như thế nào." Ngồi đợi đồ uống trong một tiệm cà phê nhỏ trên con đường ngay gần nhà, Tại Hiền nghe Tư bỗng nhiên tâm sự về hoa sưa thì lấy làm lạ, nghĩ có bao giờ cô đua đòi những xa xỉ phù phiếm của người trong thành phố đâu. Vốn là con nhà nông, cả đời Tư chỉ quanh quẩn sống cuộc đời bên ruộng lúa, vật lộn tìm cách ra khỏi cái chốn ấy để rồi lại quay trở về, cứ thế lặp lại như một trò đuổi bắt của cuộc đời.

Cậu ngẫm nghĩ rồi lấy tấm ảnh mình chụp cây hoa sưa vào một lần đi thăm ký túc xá Mễ Trì và đưa cho cô xem, thứ hoa nhỏ xíu trắng ngần cứ mỗi lần nở là lại rụng đầy gốc, li ti rơi như tuyết đổ, có cái thứ vẻ đẹp trong ngần và lãng mạn phụ nữ sẽ thích. Cậu thì không.

Nước được đem ra, Tư nhấp một ngụm trà và tấm tắc khen. Cô bảo ít khi vào thành phố chơi, thấy cái gì cũng sang, cũng đẹp cũng xịn hơn ở chốn nhà quê. "Anh sao rồi?"

"Thì cũng chẳng sao." Tại Hiền không có gì nhiều để nói về mình với cô. Thật ra cậu đã thành thật đấy chứ, đời cậu ở thời điểm nào đi chăng nữa cũng không có gì để nói.

Tư cười, vẫn mái tóc ngắn hơi chĩa sang hai bên, nụ cười rộng nhưng không thật tươi sáng. Cô có cái nét cười cực khổ, đi cùng dáng người nhỏ và lầm lì người ta thường không thích nhìn thấy ở phụ nữ. Trông cô không khác cô của bảy tám năm trước là mấy, chí ít là đối với cậu. Và không hiểu vì lẽ gì, điều ấy đem đến một sự nhẹ nhõm trong tâm hồn. Tại Hiền ít khi gặp lại những người đã quen biết nhiều năm trước bởi cái lý do khá là khó cắt nghĩa, rằng, lòng cậu chẳng bao giờ thấy dễ dàng khi nhìn người ta thay đổi. Có lẽ điều đó lý giải vì sao cuộc hội ngộ này đem tới nhiều lo sợ hơn là vui mừng thật lòng.

"Anh hỏi em cái gì đi." Tư nghiêng đầu, nhường lời. Tại Hiền hắng giọng và tìm từ ngữ.

"Sao em đột nhiên lại hẹn gặp tôi? Có chuyện gì rồi à?"

Tư bật cười, chống khuỷu tay lên mặt bàn gỗ và nhìn ra ngoài cửa sổ. Bàn tay cô to bản, những ngón tay không ngăn nắp mềm mịn như gái thành phố. Đúng thôi, cô đi buôn hoa, tối ngày đất cát phân bón thì làm sao bàn tay lại mịn màng nhung lụa cho được.

"Em đang làm thủ tục ly hôn với thằng chồng. Hôm nọ mới ngồi làm đơn ly hôn, cũng lằng nhằng níu kéo ỏm tỏi lắm, xong xuôi một cái thì em muốn gặp anh để thông báo đầu tiên."

Tại Hiền ngồi ngây ra một lúc. Cuộc hôn nhân của cô sắp đổ bể rồi ư? Cái cuộc hôn nhân mà dù chẳng phải mẹ cha người ta cậu cũng ra mặt phản đối đến cùng vẫn không sao ngăn được. Thật mỉa mai làm sao. Giờ thì nên cảm thấy thế nào?

"Nói đi, nói cái câu người ta hay nói, thấy chưa anh đã bảo mà, nói rằng em ngu ngốc, không chịu nghe lời người khác. Nói đi."

Tại Hiền bật cười và lắc đầu, khuấy cho tan bọt cà phê trong cốc. Hương cà phê nhàn nhạt hòa với mùi mưa, kéo ký ức lần nữa lại sống động trong tâm trí. Ký ức của tám năm trước, khi họ lần đầu gặp nhau.

Dạo ấy cậu mới ra trường, mang trong mình lắm lý tưởng, kèm theo một mớ thái độ sống cực kỳ khác đời. Học du lịch nhưng không yêu du lịch, Tại Hiền nuôi mộng viết lách, thế nhưng tuyệt đối không phải dạng viết lách chuyên nghiệp, hàn lâm như đám nhà văn. Câu chữ của cậu còi cọc và ít bao dung, thế nên, với bản tính hay tự hạ thấp mình, không chấp nhận để cho người ta mổ xẻ và phán xét, Tại Hiền không dám mơ trở thành nhà văn. Viết thì vẫn viết nhưng chỉ để đấy, không kiếm cơm được, cùng lúc đó một người thì vẫn phải sống, vẫn phải kiếm miếng ăn, thành thử cậu xin vào một công ty làm dịch vụ visa cỡ nhỏ đang cần người viết bài tiếp thị để đăng lên website.

Tại Hiền viết tiếng Anh tốt, lại có hiểu biết về tuyến điểm nên sau vài bặn phỏng vấn cũng được nhận vào. Đó cũng là lúc cậu gặp Tư. Mới đầu cũng chẳng có ấn tượng gì cho lắm. Nhưng công ty chỉ có vài mống nhân viên, cậu và Tư lại chỉ hơn nhau mấy tuổi, thành ra dần dà cũng làm quen nói chuyện. Được dăm ba bặn, cậu mới biết lý do Tư chấp nhận đến làm ở công ty với mức lương bèo bọt chẳng đủ ăn. Đó là bởi vì cô tự nguyện. Tư quen biết một đàn anh tốt bụng ở trường cũ, thấy anh này rất giỏi máy tính nên cô sinh ra lòng hâm mộ, muốn được anh ta dạy cho vài kỹ năng lập trình có thể dùng để kiếm cơm, hòng trụ lại ở thành phố. Đến khi thân nhau hơn hỏi ra mới biết đàn anh có bỏ vốn thành lập công ty dịch vụ, vậy là cô ngỏ lời xin vào công ty theo chế độ vừa học vừa làm. Biết cô say mê lập trình nhưng kiến thức cơ bản không có, đàn anh miễn cưỡng nhận về nuôi quân, chỉ trả tiền lương ba cọc ba đồng. Thế nhưng Tư chấp nhận hết. Kể cả dù cho chị vợ của anh ta không ưa cô ra mặt.

Hồi đó công ty nằm ở tận Nhật Tân, Tư thì thuê trọ ở Mỹ Đình, lại không có xe máy trong khi cậu thì ở ngay Triều Khúc, thế nên Tại Hiền ngỏ ý mỗi sáng đi làm sẽ qua đón cô cho tiện. Tình bạn nảy nở và bắt đầu một cách đơn thuần và hết sức tự nhiên. Tại Hiền dạy cô đi xe máy, và để Tư có thêm tự tin, thi thoảng cậu sẽ nhường cho cô lái, nếu, như cậu hồi ấy nói, cô có đủ tự tin. Tư được người ta dạy cho làm cái nọ cái kia nên mạnh dạn hơn hẳn, tỏ ra rất thích mỗi khi được lái xe hoặc được học cái gì đó mới mẻ. Đáp lại những cử chỉ tử tế ấy, Tư chỉ biết liên miệng mời cậu cùng mọi người trong công ty về Mỹ Đức quê cô chơi vài hôm, đi bắt cá về nướng, đi chơi hội Trung Thu, đi đuổi trăng đêm trên đồng ruộng. 'Các anh các chị tốt với em quá', Tư hay hồn nhiên nói như thế.

Không được lâu trước khi Tại Hiền nhận ra sự lạ. Có những hôm Tư xuất hiện ở công ty với mu bàn chân sưng tấy, bầm tím cả lại, bị mọi người hỏi thì cô bảo rằng do lỡ tay đánh rơi cái máy tính vào chân mà máy cô nặng tận năm cân. Lớ ngớ thế nào, ai rồi cũng tin.

Rồi có một bận công ty rủ nhau đi xe máy về quê chồng chị sếp ở tận Thái Bình và ở chơi một vài hôm. Gần đến ngày đi, Tư đột nhiên báo rằng không đi được, làm mọi người cứ hỏi mãi, nhưng cô chỉ lấy vài lý do ngớ ngẩn khác để thoái thác. Sau đó một hôm, Tư gọi riêng cậu ra một góc, nét mặt tái mét và kể hết sự tình. Rằng cô hiện đang trọ cùng nhà với người bạn trai cùng quê, anh này đang làm đầu bếp tại một quán ăn nhỏ, cả hai rủ nhau lên Hà Nội lập nghiệp được hơn một năm rồi. Người yêu cô từ khi biết ngày nào Tư cũng được cậu cho đi nhờ xe, liền sinh ra ghen tuông, cứ vài bặn lại đá thúng đụng nia, giờ mà biết cô còn cùng công ty đi chơi tận Thái Bình, chắc chắn sẽ lại hành hạ cô thêm khổ. Tại Hiền cố gắng tìm cách để hóa giải tình hình. Nhưng có nghĩ cách nào cũng thấy không đáng để níu giữ một người tồi tệ như vậy, cậu mạnh dạn bảo cô về trú tạm tại căn nhà trọ của mình một hôm rồi sẽ cùng mấy anh chị ở công ty tìm cách giải quyết triệt để. Hết giờ làm hôm ấy, Tại Hiền chở Tư trên con xe cà tàng của mình, ra đến đầu ngõ thì bỗng nhiên từ sau xe Tư bỗng hét lên, bảo rằng thằng bạn trai cô đã đứng đợi đón lõng từ bao giờ.

Tại Hiền chỉ thấy một người đàn ông cao dong dỏng, gương mặt lì lợm và cục cằn, ánh mắt gườm gườm hướng về phía này. Cậu nuốt khan, vẫn điềm nhiên lái xe đi và quyết định sẽ tỏ ra không biết gì cả. Không ngờ được rằng người đàn ông đó không nói câu nào, cứ thế kéo tuột Tư từ trên xe xuống, khiến cả xe chao đảo mất lái, lao ngay vào cây cột điện gần đấy. Khi đã định thần lại được việc gì vừa mới xảy ra, không kịp ngăn máu nóng bốc lên đầu, Tại Hiền vội vã dựng xe, quay lại và bắt đầu to tiếng.

Một đàn anh từ trong công ty nghe tiếng tri hô liền chạy ra giải vây, Tại Hiền kéo Tư quay vào, trốn rịt trong phòng khách ngồi đợi kẻ kia rời đi. Đến lúc này cậu đành phải kể tường tận mọi việc cho mọi người hay. Tất cả đều đồng ý rằng Tư nên rời khỏi căn nhà trọ đó, chuyển sang nơi khác mà ở.

Đến khi trời tối hẳn và đã dám chắc gã bạn trai không còn lảng vảng quanh đó nữa, Tại Hiền đưa cô về nhà trọ để lấy đồ khi Tư cứ khăng khăng rằng giờ này gã bạn trai đang làm ở nhà hàng và sẽ ở đó cho đến đêm muộn mới về. Lấy đồ xong, cậu đưa cô đi chơi, mua quần áo và những thứ lỉnh kỉnh khác rồi mới trở về căn nhà trọ tồi tàn của mình. Họ thức thâu đêm suốt sáng để tâm sự và Tại Hiền đã dám chắc, cô ghét bỏ người đàn ông bạo lực kia đến tận xương tủy.

Không lâu sau, cậu cùng với Tư đều dọn về cùng một khu trọ khác nằm không xa công ty là bao. Từ lúc đường ai nấy đi với bạn trai cũ, cô đổi khác hẳn, dáng vẻ, lời nói đều tự tin, vui tươi hơn. Cuộc vui nào với các anh chị cô gái nhà quê ấy cũng tham gia. Tại Hiền cùng cô vẽ ra những dự định nghề nghiệp, những điều họ muốn làm, muốn học, nhiều lắm, nói chung cứ khi nào tâm sự, cả hai đều cùng nhau ba hoa một thứ tương lai vui vui vẻ vẻ ở phía trước.

Trong những tối mát mẻ đến mức lòng người ít phòng bị nhất, Tại Hiền thổ lộ với cô niềm đam mê viết lách chẳng đi đến đâu của mình, cả lòng ngưỡng mộ nhiệt thành của cậu với văn chương phương Tây, cả sự sùng bái triết học một cách thái quá không ra cơm ra cháo gì. Tư vốn theo đạo Thiên Chúa nên lắm khi họ cũng sẽ vui vẻ cãi nhau về những tiền đề của Nietzsche. Chúa đã chết, hay gì gì đó tương tự. Tư sẽ chê ông ta ngạo mạn, còn Tại Hiền sẽ chê cô không hiểu cố nhân.

Cái dạo ngày còn xanh ấy, cứ có dịp cuối tuần nào rảnh, Tại Hiền lại để Tư đèo về tận Mỹ Đức chơi, lần nào cũng được bố mẹ cô chiêu đãi cá rán nhà tự nuôi và canh chùm ngây lạ miệng. Chốn nhà quê yên bình nhưng nhiều muỗi, được cái ruộng đồng thẳng băng cánh cò bay đến là đẹp mắt. Mỗi khi hứng lên, kể cả đang giữa trời nắng Tại Hiền xắn quần đến gối lội hết mấy thửa ruộng để được đắm chìm thỏa thích trong cái khao khát muốn được ở một mình của bản thân. Cậu mê mẩn những con đường ruộng trơ trọi sau vụ mùa, chúng chia cắt cánh đồng ra như những ô bàn cờ, cứ chạy ra xa tít tắp.

Khi nào bận không về cùng được, cậu sẽ cho cô mượn xe, muốn đi đâu thì đi. Họ thân thiết đến mức ấy. Bởi Tại Hiền tin Tư mà.

Lại có những cuối tuần Tư sang nấu cơm cho cậu vì đã quá rõ cái thói hễ đã đặt mông ngồi viết, cậu sẽ quên sạch kể cả là chuyện nước nôi cơm cháo, hay chuyện tắm giặt ngủ nghỉ.

Tại Hiền chưa bao giờ cho Tư đọc những gì mình viết.

Thời gian trôi đi, đến một ngày đẹp trời, chẳng báo trước, Tư đột nhiên thông báo sắp tới sẽ nghỉ làm. Tại Hiền có vặn nát óc cũng không hiểu như thế là ra làm sao, lý do nào, nên cực chẳng đã trực tiếp tìm gặp riêng cô để hỏi cho ra nhẽ. Mãi rồi Tư mới nói, nước mắt lưng tròng, rằng cô sắp đi lấy chồng. Tại sao, cậu hỏi, lấy ai mới được, lấy ai mà lại phải nghỉ việc, bỏ dở việc học nghề như thế. Tư vừa khóc vừa trả lời, cô sắp làm vợ cái thằng người yêu cũ. Ai cơ, Tại Hiền nói, cái người đã đánh em đến mức sưng cả mu bàn chân, đã kéo em từ trên xe máy đang chạy xuống lòng đường đấy á, em lấy kẻ như thế?

Vâng, cô nói, em có thai rồi. Khi nghe những lời ấy, từng con chữ cậu vốn hiểu, cậu vốn yêu đột nhiên không còn chút ý nghĩa nào nữa. Có thai. Bao giờ kia? Mà làm sao lại gặp được nhau kia?

Em lén đi gặp hắn lúc nào, gặp thế nào? Em còn không có xe-

Em xin lỗi, cô ngắt lời rồi tủi hổ cúi đầu.

Tại Hiền nhận ra, những ngày cậu cho cô mượn xe để 'về quê', Tư lái xe cậu đi gặp người cũ, người cô vẫn còn liên lạc, người đã khẩn khoản nhận sai, người đã hứa hẹn sẽ sửa đổi. Người đã khiến cô mang thai không mong muốn.

Giờ thì sao? Đời em sẽ ra sao?

Dù gì em cũng chẳng có tương lai với lai với lập trình máy tính, học mãi không được giao việc, lương không đủ sống, cùng lắm em về quê đi buôn cây buôn hoa, cộng với lương đầu bếp của chồng, em sẽ ổn thôi.

Sao em không bao giờ nói gì?

Cảm thấy như bị phản bội, Tại Hiền buông tay dù trước đó cậu chưa bao giờ cố gắng nắm giữ bất cứ thứ gì. Và cứ thế, Tư cuốn xéo khỏi cuộc đời cậu như chưa bao giờ xuất hiện. Trước khi cô dọn hẳn để về quê ở, cậu đưa cho cô một cuốn sách của Rousseau, mặt bìa trong có ghi vài chữ, nhắn nhủ rằng cậu vẫn hy vọng Tư có thời gian nghiền ngẫm sách vở, và dù bận đến đâu, đừng vì nghĩ rằng mình là người nhà quê mà bỏ bê việc học. Tại Hiền không về dự đám cưới của cô và đương cũng chẳng biết khi nào cô sinh con. Cậu chỉ nghe đây nghe đó cho đủ biết, rằng cô vẫn ổn.

Thế mà bây giờ lại xuất hiện ở đây, trước mặt cậu, trong một bộ váy đẹp đẽ, nhưng vẫn có cái dáng dấp xưa kia ẩn nấp đâu đó trong điệu bộ, trong ánh mắt, trong cách nói năng. Tư giờ đây đã tự lo được cho mình, việc kinh doanh của cô khấm khá, cô buôn may bán đắt, dịp lễ hoa cô đắt như tôm tươi. Cũng là cô một tay nuôi hai đứa con lớn lên khỏe mạnh, và giờ thì cũng tự cô quyết định rời bỏ người đàn ông kia, có lẽ là lần cuối.

Tư đã trưởng thành, đã đi qua những khổ ai của cuộc đời cậu không biết. Còn cậu thì sao? Vẫn là một sự tồn tại cheo leo như ốc đảo? Vẫn vẫn giậm chân tại chỗ chẳng khá hơn chút nào? Vẫn thấy mình đã bị phản bội sao?

"Đáng lẽ em nên nghe lời anh." Tư cười.

"Nếu nghe lời anh, em sẽ có cuộc sống tốt hơn ư? Có lẽ, đó chính dụng ý của số phận, rằng em sẽ bỏ người đó vào cái lúc em mạnh mẽ nhất."

Tư lắc đầu và chủ động chuyển chủ đề. "Anh thế nào rồi, Tại Hiền? Người đàn ông bản lĩnh nhất em từng biết."

Đến lượt cậu lắc đầu. "Anh chẳng thế nào. Vẫn viết lách và ít đọc sách hơn. Hình như mấy năm rồi anh chưa đọc được cuốn nào tử tế. Còn những việc khác thì cứ loay hoay mãi. Luôn luôn. Không biết rằng anh đã quá kiêu ngạo hay quá ngu dốt. Có lẽ cả hai."

Tư không nói thêm trước khi cô uống hết nửa cốc nước. Màn mưa bên ngoài đã ngớt đi đôi chút, cái se lạnh của mùa xuân Hà Nội bao giờ cũng thế, gieo rắc trong lòng bao vấn vương.

"Anh không yêu ai ư? Tại Hiền, biết đâu tình yêu..."

"Sẽ cứu đời anh?" Anh mớm lời và Tư phá ra cười.

"Không, biết đâu tình yêu sẽ cho anh một điểm nhìn mới. Em nghĩ thế."

Tại Hiền không nói và đột nhiên Tư thốt ra một điều kỳ lạ. "Anh chưa bao giờ có tình cảm với em, phải không?"

"Hả...?" Cậu chớp mắt, lắng nghe tiếng nhạc êm dịu phát ra từ cái loa gần đó. Opus 23, nếu cậu nhớ không lầm. Lần nào nghe bản này cũng có cái cảm giác như đang từ từ chìm xuống một mặt nước lặng.

"Anh thích đàn ông mà. Em luôn nghĩ người đàn ông nào anh yêu cũng sẽ rất tuyệt."

Cô biết từ bao giờ, cậu muốn hỏi nhưng vì quá mải mê với tiếng nhạc dịu êm của Opus 23, Tại Hiền không tiếp lời.

Cuộc gặp gỡ kết thúc mà không có thêm những sự hứa hẹn về một cuộc gặp thứ hai. Tại Hiền tỏ ra mình quan tâm đủ nhiều để hỏi cô sẽ dự định làm gì sau khi ly hôn. Tư nói cô không rõ, có lẽ sẽ phải đợi. Nhưng những việc đang làm thì sẽ tiếp tục phải làm, để nuôi các con khôn lớn.

"Sau khi hai đứa nó khôn lớn, rồi sẽ đến lượt em."

Thế đấy, sau khi gặp Tư, chứng mất ngủ quay lại. Nhờ cuộc nói chuyện với cô những ký ức về Thái Dung được gợi lại trong tâm trí, khiến đêm không còn yên ả, khiến đêm không còn là cõi khuất nẻo riêng tư để kẻ lữ hành chạy trốn khỏi ý thức trú ngụ. Bao giờ cũng thế, chỉ riêng ký ức về người ấy mới có thể kéo những đêm thao thức quay trở lại.

Khoảng một năm sau khi Tư lấy chồng, cậu vô tình gặp Thái Dung ở một hiệu sách cũ trên phố cổ. Tên cửa hiệu có độc một chữ 'Nhớ'. Tiệm mang cái phong cách cổ điển không hiếm gặp ở Hà Nội. Nhưng có điều gì đó của cửa tiệm này thu hút sự chú ý của cậu ngay từ lần đầu nhìn thấy. Bên ngoài tiệm có một bàn nhỏ đặt những cuốn mới về, bàn này che khuất gần hết lối đi. Đi qua cái bàn sẽ tới một kệ đựng đủ những thứ vật dụng nhỏ xinh được đóng khung trong tủ kính, với vài bóng đèn dây tóc nho nhỏ trang trí ở các góc, làm cho cả cái tủ sáng bừng như một giấc mơ con trẻ ngày xưa. Cậu cúi người nhìn kỹ từng vật dụng được đặt trong tủ, đặc biệt mê say. Những trang thơ viết dở, những trang bút ký và nhật ký của những người chiến sĩ thời xưa được sưu tầm và lưu giữ với nhiều sự cẩn trọng, những tem thư, những phong bao đã ố màu, vài cái đồng hồ quả quýt kiểu cách đã không còn chạy được nữa..Một cái bút mực tinh xảo nằm về một góc, thân bút có những đường vân giống như vân đá nhiều màu, lại thêm vài đốm vàng li ti như bụi nắng trên lớp tráng bóng, Tại Hiền phải tự hỏi không rõ chiếc bút này đã được dùng để viết ra những từ ngữ xinh đẹp đến mức nào, cậu vẩn vơ đoán vậy.

Đi qua chiếc tủ kệ này người ta sẽ tiến vào đến vương quốc sách ở bên trong, bên cạnh quầy thu ngân khiêm tốn, chẳng còn gì khác ngoài những dãy kệ bụi phủ liên tiếp nối nhau chiếm toàn bộ diện tích còn lại. Nhiều sách đến nỗi dường như những câu chữ mà những cuốn sách ấy cất giữ đã lắng thành lớp trầm tích của thời gian. Giữa cái không gian đặc quánh những dấu vết của quá khứ, có một người đàn ông gầy gò và mộc mạc đến bình dị. Nhớ đó là mùa đông, anh mặc áo len màu gỗ, dong dỏng anh đứng bên một cái thang lùn để ngay sau quầy thanh toán, thang tựa vào thân kệ sách cao chạm đến nóc nhà. Người trông quầy này dường như đang làm cái công việc kiểm lại số lượng sách trên kệ để đối chiếu với với sổ sách. Hoàn toàn chăm chú.

Trông anh ta như thể người từ trong sách bước ra.

Không có ai ngoài cậu ở trong tiệm, nhưng Tại Hiền thậm chí đã quên phải cất tiếng hỏi, kỳ khôi làm sao khi cậu nhớ rõ lúc đó cậu đang vội đến mức nào. Đến tận lúc anh ta quay ra, cả hai mới giật mình lên tiếng.

"Ô. Chào cậu. Cậu tìm sách gì?"

Tại Hiền đã nghĩ rất nhanh xem có cách nào, bất cứ cách nào để câu nói sắp thoát ra trong miệng gây được một ấn tượng đủ mạnh cho người kia. Một cái cớ. Một khả năng. Bất cứ thứ gì.

"À. Bằng hương với cỏ tùng."

Người đàn ông chậm chạp đưa mắt nhìn cậu, hai đầu mày hơi nhíu lại, và gương mặt vuông vức của anh lộ ra vẻ ngạc nhiên, cùng đôi con ngươi tròn tròn, đen lay láy chiếu vào cậu không giấu diếm chút nghi hoặc.

"Gì cơ? Đó là tên sách sao? Cậu chắc chứ?"

Tại Hiền chợt bối rối, vội xua tay, thốt lên khe khẽ. "Do tôi... không nhớ đã đọc câu thơ đó ở đâu. Nên..."

Người đàn ông để cuốn sổ trên tay xuống bàn gần đó, rồi đi tới trước cái máy tính và bật nó lên. "Cậu không nhớ tên tập thơ sao? Có nhớ tên tác giả không?"

Tại Hiền lắc đầu. "Không. Cũng lâu lắm rồi. Thật ngại quá."

Cảm giác áy náy dâng lên khi cậu chứng kiến người đó cứ gõ rồi lại xóa bằng bộ bàn phím đã cũ, động tác đủ nhanh và không thừa thãi, nhìn là hiểu anh ta đã làm công việc này được khá lâu rồi. Sau khoảng ba lần thử các loại biến thể của câu thơ, lần nào trên màn hình cũng không trả kết quả, người đàn ông mới bỏ cuộc và quay lại và giải thích. "Thật xin lỗi. Tôi đã thử nhưng hệ thống bên tôi chỉ lọc được đến tên sách mà thôi."

Cậu nhoẻn cười. "Không sao. Đã làm phiền anh rồi."

Khi cậu dợm bước định bỏ, trong lòng vẫn tự trách và cảm thấy xấu hổ với hành động xốc nổi của bản thân, thì không ngờ rằng người đàn ông giữ cậu lại bằng một đề nghị đầy nhã ý. "Thế này đi, cậu có thể để lại số điện thoại, khi nào tra ra được, tôi sẽ báo cho cậu biết."

Hơn cả mong đợi, Tại Hiền vui vẻ làm theo, và trên đường về, tim cậu đã kịp đập những nhịp bồi hồi mong nhớ.

Dẫu vậy, cứ ngỡ cuộc gọi ấy sẽ phải đến sớm thì ngược lại, bẵng đi sau gần hai tháng không có hồi âm, Tại Hiền tự thuyết phục mình nên chấp nhận cái khả năng không phải ai cũng biết cuốn sách ấy. Thậm chí nếu có biết, chắc gì sách đã sẵn có ở tiệm, hoặc ở bất cứ đâu.

Cho đến một ngày xuân non mơn mởn, một số lạ gọi đến. Tại Hiền hấp tấp nghe máy, không đoán được cuộc gọi này có thể là từ ai. "A lô."

"Cậu là Tại Hiền phải không?"

"Ai đấy ạ?" Nhờ có công việc mới quay cậu như chong chóng, câu chuyện tìm sách ngớ ngẩn hồi mùa đông đã hoàn toàn trôi tuột ra khỏi đầu, và phải mấy gần hai phút nghe đầu dây bên kia giải thích, cậu mới lớ ngớ nhớ ra.

"À... tôi là... Thái Dung, đang làm ở tiệm sách Nhớ. Khoảng hai tháng trước, cậu có để lại số điện thoại ở chỗ tôi, nhờ tìm cho một cuốn thơ có câu 'bằng hương với cỏ tùng', tôi đã tìm được sách rồi nên mới mạo muội gọi điện để báo cho cậu. Không biết cậu có cần nữa không?"

"A, phải. Đúng rồi. Anh Thái Dung." Tại Hiền à lên một tiếng, gọi trúng tên của anh ta thì lại hơi ngượng. Tìm sách có thể quên nhưng tên của người này thì vì một lý do gì đó cậu tuyệt đối không quên. .

"Vâng vâng. Câu thơ cậu đọc nằm trong bài thơ 'Bài ca từ đài cao nhất' của tập 'Một mùa địa ngục' viết bởi Arthur Rimbaud, được Nhà Xuất Bản Văn học phát hành năm một chín chín bảy. Tôi phải tìm mãi mới lấy được một cuốn cho cậu. Bao giờ cậu đến nhận sách được?"

Tại Hiền há mồm vì ngạc nhiên. Một cuốn sách cũ đã dừng tái bản quả thật cực kỳ khó tìm. Người này lại còn vì một khách hàng xa lạ mà mất công như vậy, không hiểu thế gian còn bao nhiêu người như thế. Tại Hiền vội vàng sắp xếp vài tiếng rảnh ngay chiều hôm ấy để, đi lấy sách là phụ, gặp người mới là chuyện chính yếu.

Đến nơi, cậu nhận được mặt người đàn ông ngay lập tức. So với lần gặp trước, hôm nay anh ta xuất hiện với vẻ lịch lãm và đặc biệt cuốn hút, đeo cặp kính gọng sáng trông khá mắc tiền, mặc áo khoác mỏng màu xanh lam nhàn nhạt, và không biết có phải vì màu áo, trông anh trẻ trung hơn nhiều so với ấn tượng của cậu vào lần đầu gặp mặt.

Cửa tiệm vẫn thế, cổ kính, bí ẩn với cái tủ kính đầy những thứ nho nhỏ hay ho đủ làm say mê một kẻ chăm đọc hay viết sách.

"Chào cậu. Sách của cậu đây." Cuốn thơ đã được gói sẵn trong túi, được đưa tới cho cậu bằng cả hai tay. Quả thực trong đời, Tại Hiền chưa được ai đối xử với nhiều sự kính cẩn và khách sáo đến thế. Cậu cười, nhận lấy sách.

"Của tôi bao nhiêu?"

"Bảy mươi ngàn."

Nghe giá, Tại Hiền lấy làm ngạc nhiên vì quá rẻ, liền hỏi lại cho chắc. "Có bảy mươi ngàn thôi sao? Không phải cuốn này rất khó tìm sao?"

Thái Dung kéo ra một nụ cười nhỏ, ôn tồn giải thích. "Tôi lấy đúng giá ghi trên sách."

Cậu trả liền, cảm xúc trong lòng hơi phức tạp. Đã mất nhiều công sức đến vậy lại chỉ nhận lại được có bảy mươi ngàn, cảm thấy lần này cậu quả đúng đã làm khó người ta. Không biết có phải vì thấy áy náy, Tại Hiền cứ nấn ná lại thêm chút nữa, không nỡ về.

"Sao anh tìm được hay vậy?"

Thái Dung lấy tay gãi mũi. "Tôi lên mạng tìm chỉ ra được bản dịch, không có thông tin về tập thơ. Mà dường như Rimbaud có đến tận hai bài thơ đều tên là 'Bài ca từ đài cao nhất' nên cũng rối trí lắm. Cuối cùng tôi gửi bản thơ gốc sang cho một đứa bạn đại học từng học chuyên khoa tiếng Pháp, nhờ nó tìm giúp. Khổ nỗi cô nàng ấy bận làm dự án nên mới phải chờ lâu như vậy. Cô ấy bảo phải đọc mấy bài phân tích thơ Pháp mới tra được tên tập thơ. Thử tìm tên tập thơ bằng tiếng Việt thì may quá có thông tin bản dịch."

Tại Hiền ngây ra nhìn anh, cười cười với vẻ mãn nguyện. Cậu vẫn cứ không nỡ về.

"Tôi đã làm phiền anh quá rồi. Nếu có thể, cho tôi mời một bữa cà phê, coi như trả ơn. Liệu có được không?"

Anh mím môi và cúi xuống, gật đầu vài cái và Tại Hiền sung sướng đến suýt chút nữa quên đường về nhà. Cậu hẹn Thái Dung một chiều chủ nhật rảnh rang vào hai tuần nữa. Có lẽ đến khi ấy, công việc ở chỗ làm mới sẽ đỡ cập dập hơn.

Công việc mới vẫn chỉ xoay quanh việc viết lách, kiến tạo nội dung, thuần túy tiếp thị. Vẫn chẳng liên quan quái gì đến điều cậu thực sự muốn làm, đến giấc mơ. Nói thế cũng không có nghĩa cậu biết mình muốn viết cái gì. Nhưng cái cậu không muốn viết thì Tại Hiền lại rõ lắm.

Lạc lối trong giữa những điều nên viết và không viết, Tại Hiền tìm lại tập bút ký cũ cậu từng mải mê viết vào cái thời mà ngày vẫn còn xanh, ở cái đoạn đầu của câu chuyện, khi nhân vật chính vẫn chưa hoàn toàn đánh mất chính mình, khi cuộc đối thoại của cái 'tôi' và cái 'không tôi' còn nảy lửa, thi thoảng người hùng sẽ phản ứng hơi thái quá một chút. Cái hồi tất cả mọi thứ vẫn còn bùng nhùng với nhau nhập nhoạng, khi cơn mê kết thúc và cuộc đời bắt đầu, cậu đã để trái tim mình vùng vẫy, có lẽ.

Cậu đã viết.

Mãi mãi lớn lên nhưng không bao giờ trở thành 'người lớn'. Nói đi, vì lẽ gì mày không chịu lớn? Mày hãy vẫn cứ viết những điều mày muốn và giữ những thứ chó gặm đó dưới hộc tủ đi, ai ngăn cấm được cơ chứ? Và nếu như mày được sinh ra với chút ít gan dạ, chút ít sức sống trong lồng ngực, không, cái sức sống nguyên thủy, cơ bản và mãnh liệt ấy, như của bất cứ ai ngoài kia đang xoay xở giữa cuộc đời để kiếm miếng cơm manh áo ngày qua ngày, thì mày đã cầm bút như cầm vũ khí, mày đã chạy theo tiếng gọi của giấc mơ. Khi ấy, chẳng phải phần thưởng sẽ là cái ngày mày không cần phải băn khoăn chữ mày viết ra liệu có nuôi sống được thân mày, không phải sao? Nhưng bởi mày chỉ là một bóng ma, quá hèn nhát và nhu nhược, quá lười biếng, quá tự cao tự đại, nên giờ đây, mày tự đẩy mày vào cảnh này, giằng xé giữa cái thật trân và cái giả tạo. Rằng vì cái mớ ngôn từ giả tạo mày viết ra mỗi ngày trong chán ghét và khinh thường, một cách nào đó, con người mày sẽ bị bào mòn và rồi biến mất. Xin lỗi nhé, bởi chưa bao giờ mày tròn đầy hay vẹn toàn, giấc mơ làm cho mày nghĩ thế, cứ làm như nội cái việc ấp ủ giấc mơ là đã đủ để khiến người ta trở thành vĩ nhân không bằng. Giờ đây, nhìn đi, thấy những đầu ngón tay sứt mẻ, yếu đuối, tráo trở, không toàn vẹn, sự trống rỗng nguyên thủy, biết đó mới chính là mày, những đầu ngón tay ấy, những con chữ tầm thường ấy. Đều là mày. Thế thì đừng có đạo đức giả nữa, 'nghệ sĩ dỏm' ơi, hãy cứ viết những gì người ta cần, người ta muốn, bán chữ lấy tiền nuôi thân, đó là điều tốt nhất mày có thể làm trong cuộc đời này, cho bản thân hay bất cứ ai.

Đọc xong cuốn thơ của Rimbaud, Tại Hiền mơ màng nhớ lại lý do tại sao mình lại va vào cái nghiệp viết, cái ách khổ ai của việc kiến tạo con chữ. Để mà thực sự công bằng và trung thực với bản thân, có lẽ viết lách, văn chương là điều duy nhất cậu có thể làm tốt. Từ cái hồi còn rất nhỏ kia, cậu đã luôn vui thích khi được viết, những bài tập làm văn luôn bị giáo viên đặt trong cái khuôn khổ bị giới hạn chặt chẽ, sức sáng tạo chưa bao giờ được khuyến khích, nhưng Tại Hiền luôn luôn, phải, luôn luôn tìm được cách để vui vẻ với những con chữ. Vì thế, mỗi khi nghe chúng bạn chán ghét môn Văn, vì nó dập khuôn và lý thuyết, vì nó thiếu tính tự do và sáng tạo, Tại Hiền luôn tự hỏi tại sao môn Văn với mình lại thú vị đến thế. Dường như chỉ có cậu mới hiểu được tác giả đang nói gì, một cách dè dặt, và giữa cậu và những con chữ dần dần hình thành một sự thấu hiểu thân mật, thậm chí bí mật.

Tại Hiền luôn đạt được điểm cao môn Văn, hầu như bài nào của cậu cũng được giáo viên chọn dùng làm văn mẫu cho cả lớp. Giờ nhìn lại, Tại Hiền nhận ra suốt thời học sinh cậu chưa từng viết ra những câu chữ của riêng mình. Cậu đã viết những gì giáo viên, những người chấm điểm muốn cậu viết. 'Ý hiểu' họ muốn cậu đạt được không phải là 'ý hiểu' của cậu, mà cái việc cậu được đòi hỏi phải làm ở đây luôn là tiếp thu được 'ý hiểu' của họ với tác phẩm. Bởi đó mới là 'ý hiểu' đúng. Những câu chữ ấy không thuộc về cậu, không thuộc về sự hiểu biết gần gũi giữa cậu và tác giả, nó hoàn toàn thuộc về những người sẽ quyết định phải hiểu tác phẩm thế nào cho đúng.

Dù với rất ít không gian sáng tạo được cho phép, Tại Hiền cũng đã rất vui khi được làm cái công việc dở dở ương ương ấy, kể cả nó không có ý nghĩa mấy đối với sự đọc hiểu của bản thân thì suốt những năm trên ghế nhà trường, cậu vẫn lượm lặt được những kỹ năng cơ bản nhất cần có để 'viết'.

Viết như là lao động. Và trong cái trường nghĩa khấp khuỷu và khó khăn ấy, cậu đã lao động ra sao rồi?

Nếu chỉ đơn giản là giỏi chữ nghĩa hơn người ta một chút, liệu một đứa trẻ có dám chọn con đường đi làm 'nhà văn' hay không? Một nghề cao sang, lịch lãm nhưng không dễ để tiến lên trong đời. Ở cái ngưỡng cửa vào đời, nó còn không đáng để đặt cược.

Đương nhiên ngoài Tư ra, người thân, bạn bè của cậu đều không biết đến niềm đam mê khác đời khác người ấy. Tại Hiền cũng nào dám mở mồm để rêu rao rằng cậu ao ước muốn trở thành nhà văn, bởi như đã nói, cậu vừa quá kiêu ngạo, vừa quá tự ti.

Thế nhưng đam mê thì cũng giống như một ngọn lửa khó lòng dập tắt, thành ra viết văn mạng lại là cách vô cùng thích hợp cho những người không muốn lộ danh tính như cậu thỏa mãn sở thích viết lách của mình. Dĩ nhiên Tại Hiền không kiếm được xu nào, dù lắm khi để viết ra một câu chuyện vừa ý, cậu mất ăn mất ngủ, nhiều khi còn đổ bệnh giữa chừng. Những khi ấy, cậu tự an ủi bản thân rằng chí ít có ai đó ngoài kia đang đọc những con chữ ấy, vậy cũng đủ rồi.

Nhưng có thật thế không?

Dạo ấy vì công việc mới quá bận rộn, cậu bỏ bê việc viết văn mạng, những truyện tâm đắc nhất cũng bị bỏ xó, mặc cho độc giả có van nài xin cậu viết tiếp. Tại Hiền còn phải kiếm tiền nuôi thân, nuôi sự nghiệp đang bắt đầu đi lên của mình.

Những trăn trở về việc viết không khiến cậu hết bồn chồn khi nghĩ đến cuộc hẹn với Thái Dung. Mãi rồi cũng tới ngày gặp mặt. Ngày chủ nhật cuối xuân, anh đến trong màu áo sơ mi kẻ sọc, giản dị như một bài thơ.

"Cậu uống gì để tôi gọi." Dù cậu là người mời nhưng lại rất sẵn sàng nhường quyền chủ động cho đối phương.

"Chắc tôi uống cà phê sữa thôi." Tại Hiền trả lời, đã hồi hộp càng thêm hồi hộp. Trước khi đến đây, cậu đã cố tình đi cắt mái tóc lởm chởm của mình, mua hẳn một bộ quần áo mới cứng, và đem cả đôi giày âu đen đi đánh cho thật bóng. Không có nhiều người trên đời có thể khiến một kẻ lười biếng và có độ ì khá lớn như cậu chăm chút cho vẻ ngoài của mình đến mức này. Tại Hiền có chút ngạc nhiên với bản thân.

Họ làm quen nhờ một sở thích chung - đọc sách. Thích đọc sách khiến anh nhận vào làm ở tiệm 'Nhớ' đã gần hai năm nay. Cậu hỏi anh thường đọc sách gì, nhận được câu trả lời rằng anh thường đọc các nhà văn nữ, chủ yếu là sách của Jane Austen. Điều này khiến Tại Hiền ngạc nhiên, cậu chưa từng biết qua người đàn ông nào thích đọc Jane. Mọi gã cậu biết nếu có đọc thì chỉ đọc Bố Già, hoặc tân thời hơn thì đọc Murakami Haruki.

"Tôi thì không thích Murakami Haruki lắm. Dù ông ta chịu ảnh hưởng của nhà văn tôi thích." Tại Hiện nhiệt tình chia sẻ. Đến khi được hỏi tác gia đó là tác gia nào, Tại Hiền trả lời thật lòng. "Kafka."

"Và Rimbaud." Anh thêm vào.

Nhưng Rimbaud là nhà thơ, cậu nghĩ vậy nhưng đủ nhã nhặn để không phủ định sự thêm thắt nhầm lẫn đáng mến của anh. Có lẽ Thái Dung nghĩ cậu thích Rimbaud khi tìm mua một cuốn thơ cũ đến thế. Thực ra cậu đọc các nhà thơ nổi tiếng để nuôi dưỡng sự trữ tình và tìm cảm hứng viết lách. Khác với nhà văn, cậu không có nhà thơ yêu thích.

Dù sao cũng khá vui khi nghe anh tán thưởng những sự lựa chọn của cậu, cho rằng cậu có gu đọc tinh tế với những tác gia không dễ để thấu hiểu.

"Nhưng tại sao cậu không thích Haruki?"

Tại Hiền nhún vai. "Tôi mới đọc được một cuốn của ông ấy. Kafka bên bờ biển. Tên cuốn sách làm tôi khá tò mò, bởi nó có nhắc đến Kafka. Thế nhưng đến khi đọc được nửa cuốn, phải nói thật rằng câu chuyện không được như kỳ vọng của tôi."

"Không được như kỳ vọng là sao? Cậu không thấy hay ư?" Nét mặt vô cùng nghiêm túc của anh làm cậu có chút ngạc nhiên. Có vẻ như đề tài về các tác phẩm tác giả làm anh hào hứng hơn hẳn.

Tại Hiền mỉm cười và chầm chậm nói. "Không biết câu chuyện đó vượt quá ý hiểu của tôi hay chỉ đơn giản là do vấn đề thể loại. Những ám ảnh tình dục trong truyện, đối với tôi mà nói, là khá nhạt nhẽo, hay là do quá thực tôi cũng không biết nữa. Tôi khá thích nhân vật Hoshino và hành trình khám phá âm nhạc của anh ta. Hoshino tầm thường một cách độc đáo. Tất cả những người khác đều bất thường nhưng lại cho người đọc cái cảm giác họ là những bản sao từ một người, phân ra để làm những nhiệm vụ hay nói một ý nào đấy. Riêng Hoshino thì khác. Anh ta tầm thường, với hệ thống tư tưởng, những cảm nhận và xúc cảm tách biệt với những nhân vật còn lại. Và dường như anh ta có cuộc tìm kiếm và đấu tranh riêng của bản thân. Dù gì cũng phải nói, khi đọc tác phẩm này, phần nào sự thỏa mãn về mặt chữ nghĩa đã được phần nào giải tỏa. Chỉ có điều, về mặt suy tưởng thì tôi không dám chắc lắm."

Thái Dung nghe xong không bình luận, khiến bầu không khí đột nhiên trở nên hơi kỳ lạ. Tại Hiền nói xong không nhận được phản ứng nào rõ rệt thì hơi ngương, cố gắng nghĩ ra chuyện gì khác để nói.

"Anh bao nhiêu tuổi?"

Anh bỗng nhiên cười xòa. "Hàng trăm tuổi." Tại Hiền giật mình quay ra nhìn đối phương lăm lăm. Đâu thể nào một người sống được đến hàng trăm tuổi mà lại còn trẻ trung như thế? Nếu có thì chắc chắn không phải là người. Nhưng bằng một cách nào đó, anh đem lại cảm giác ấy, rằng anh thuộc về một kiếp người nào khác. Tại Hiền lắc đầu, cảm thấy sắp không bắt kịp những suy nghĩ quái gở của mình.

"Tôi hỏi thật."

Thái Dung giữ nụ cười. "Theo cậu thì trông tôi bao nhiêu tuổi?"

Tại Hiền nghiêng đầu, tự cười với mình rồi mạnh dạn trả lời. "Hai mươi sáu. Hoặc hai mươi bảy. Không, hai mươi sáu."

"Vậy thì tôi hai mươi sáu."

Nghĩ rằng người ra đang cố gắng tỏ ra bí ẩn, Tại Hiền chiều luôn, không cố gặng hỏi để cho ra được một câu trả lời.

Bên quán cà phê lề đường, cạnh một con phố bận rộn đến ngả nghiêng, trên mặt bàn gỗ nhỏ và khiêm nhường với những tách cà phê nhỏ giọt, nép ở cái góc nhỏ dường như bình yên nhất ở chốn đô hội này, họ quên thời giờ để dông dài về những thế giới xa xôi, hư ảo và chẳng có thật. Cuộc gặp đầu tiên khép lại, họ vẫn chưa biết gì nhiều về người kia. Cả hai đều khá thận trọng trong mọi câu trả lời của mình. Tại Hiền cảm ơn lần nữa về lòng tốt của anh, nói bóng gió về cuộc gặp thứ hai, nếu như anh muốn.

Nhưng anh không hứa hẹn gì, chỉ bảo sắp tới có thể anh bận. Cậu băn khoăn mãi không rõ phản ứng như vậy có nghĩa là ra làm sao. Vì cậu đã làm sai điều gì chăng? Vì một câu gì đó cậu đã nói? Hay chỉ đơn giản là anh không thích cậu? Bởi ngay từ đầu, cậu đâu có giấu diếm cái sự thật rằng cậu có hứng thú với anh. Sẽ không ai mất công hẹn riêng một buổi cà phê ở một quán lãng mạn thế này nếu chẳng cảm thấy gì với đối phương, phải không?

Hoặc có thể cậu đã hiểu nhầm, vẫn có cái khả năng là anh không thích đàn ông.

Ngồi một mình trong phòng và hồi tưởng lại cuộc gặp mặt cậu đã mất bao công chờ mong nhưng cuối cùng lại không được như kỳ vọng, Tại Hiền láng máng nhớ ra trước khi chia tay, anh đã nói gì đó về một điều với cậu mà nói là khá khó hiểu và phải mất nửa tiếng, Tại Hiền mới nhớ ra chính xác từng chữ.

"Cậu biết không? Những giấc mơ nào mà khi tỉnh dậy chúng ta quên mất thường thì những giấc mơ đó sẽ ở lại. Ngược lại những giấc mơ nào ta có thể nhớ đến từng chi tiết thì thường những giấc mơ ấy sẽ mất đi mãi mãi."

Không hiểu đột nhiên anh nói sang chuyện mơ mộng thì có ý gì, cộng với nỗi hổ thẹn vì mình đã hiểu lầm lòng tốt của người ta, Tại Hiền cố quên đi trải nghiệm ấy, ép bản thân quay trở lại công việc bận rộn của mình. Thế mà một đêm không trăng không sao, một giấc mơ lạ đến trong giấc ngủ chập chờn của cậu.

Cậu mơ thấy căn phòng nhỏ của mình đã chìm trong biển. Những luồng ánh sáng yếu ớt cố xuyên ra tầng tầng lớp lớp thứ chất lỏng xanh ngắt, lấp lánh nhẹ nhàng, run rẩy cố gắng chạm tới được đáy đại dương. Ngồi co gối trong một hốc đá nông, Tại Hiền đưa mắt nhìn ra xung quanh. Thứ chất lỏng xanh ngắt này không ngừng chuyển động, đem theo mọi vật chất trong nó, đến rồi đi. Đến rồi lại đi.

Những đàn cá hàng trăm con lướt qua trên đầu, cỏ, rêu, san hô xung quanh tôi không ngừng chuyển động theo dòng nước. Tĩnh lặng, cậu không nghe thấy bất cứ âm nào của cuộc sống bên trên. Cậu tự hỏi chuyện gì đã xảy ra.

Dù không thở được nhưng Tại Hiền không chết. Cậu lại tự hỏi không biết chuyện gì đã xảy ra.

Tối qua cậu nhớ rằng mình đi ngủ khá sớm. Bữa tối tôi làm cà ri với chút ít khoai tây còn sót lại từ tuần trước. Trước khi đi ngủ còn nhớ dặn mình rằng sáng hôm sau phải đảo qua chợ vì cái tủ lạnh đã trống trơn. Trước bữa tối mẹ có gọi điện, hỏi rằng tại sao cậu không về nhà. Cậu đã nói dối bằng một lý do nào đó và mẹ cũng thôi. Cuộc điện thoại chỉ kéo dài không đến hai phút.

Tại Hiền nhắm mắt lại, "chỉ là mơ thôi", cậu tự nhủ vậy.

Mở mắt ra, bao bọc xung quanh vẫn là nước. Màu xanh này càng lúc như càng xanh trong hơn, sâu thẳm hơn, những luồng sáng như lấp lánh hơn. Nước chuyển động dịu dàng như thôi miên, như đang cố kéo cậu ra khỏi hàng vạn câu hỏi đang chạy trong đầu.

Chuyện gì đã xảy ra?

Trong lúc cậu vẫn còn phân vân nên ra khỏi hốc đá này hay cứ tiếp tục ngồi đây cho đến khi tỉnh mộng, một thứ âm thanh lạ lẫm vang bên tai. Nghe na ná như tiếng máy sục khí trong bể cá. Liếc mắt qua rìa hốc đá, cậu nhìn thấy ở đằng xa, một con cá voi xanh đang bơi đến gần.

Không biết có phải vì ngạc nhiên bởi kích thước của nó mà cậu quên hẳn việc phải sợ hãi hay vì vốn dĩ, bằng một cách nào đó, đã biết được rằng con cá voi này không hề đáng sợ chút nào? Đáng lẽ cậu nên đứng dậy, ra khỏi cái hốc này và bơi lên mặt nước.

À. Cậu không biết bơi. Hồi cấp hai bố có nói rằng cậu nên đi học bơi. Bố thường khoe về chuyện hồi nhỏ bố bơi giỏi ra sao, rằng trong tất cả đám con trai trong làng, bố là người bơi giỏi nhất, có thể ở dưới mặt nước đến vài phút đồng hồ. Cậu đã từng rất hào hứng với chuyện đó. Nhưng vì lý do gì đó, cậu vẫn chưa bao giờ được đi bơi cả.

Nhưng làm sao mà giây phút này chuyện đó lại về trong ký ức nhỉ? Kỳ khôi nhất là chuyện cậu không tài nào nhớ được lý do tại sao cậu chưa bao giờ được đi học bơi dù rằng, cậu nhớ là, cậu đã rất muốn.

Tại sao nhỉ?

Trước khi Tại Hiền định làm gì đó, con cá voi đã đến gần. Nó dừng lại ở ngày bên ngoài hốc đá như đang chờ đợi. Như thể nó muốn cậu đi cùng với nó.

Ngạc nhiên thay cậu dường như biết được một việc. Con cá voi này không hề muốn làm đau ai cả. Chỉ đơn giản như vậy. Sự hiện diện của nó thật tĩnh lặng, thật hiền hòa. Như thể nó đã sống trước cậu rất lâu rồi và sẽ sống sau cậu rất lâu nữa.

Một sự hiện diện thật tốt bụng.

Nhìn con cá voi, lòng cậu nhẹ nhõm đến kỳ lạ. Tưởng chừng như rằng nếu con cá voi này biết nói và chỉ cần cậu hỏi, nó sẽ cho cậu biết vì sao ngày trước cậu không đi học bơi. Như thể nó có mọi câu trả lời.

Cậu cố đứng dậy. Lúc này hai đầu gối lần đầu tiên cảm nhận được sức ép của nước, run rẩy không vững. Và chỉ đến lúc này Tại Hiền mới nhận ra, ngay phía dưới chân mình là hố vực thăm thẳm, màu xanh cứ xoáy xuống và kết đặc lại thành một màu đen hun hút.

Cậu lại ngồi thụp xuống, không biết bơi, chỉ cần sai một bước chân là sẽ rơi xuống vực thẳm kia và rời xa thứ màu xanh dịu dàng này mãi mãi. Cậu ngước nhìn con cá voi già, cố gắng để nó hiểu rằng cậu muốn nó bơi qua đây, đến ngay trước mặt và cậu chỉ việc bám vào vây của nó và rời đi. Nhưng con cá voi không di chuyển, nó cứ ở lại phía rìa ngoài mép đá như thể chính nó cũng sợ sẽ bị hút xuống dưới vậy.

Ít nhiều cậu cũng hiểu được tình thế của mình. Cậu sẽ là người phải quyết định. Việc này thật phiền toái. Giấc mơ này thật phiền toái. Con cá voi đó sẽ ở lại đó trong bao lâu chứ? Nếu nó đi rồi, sẽ có con cá nào khác xuất hiện chăng?

Hốc đá này không có vẻ sẽ sụp đổ ngay lập tức. Những dòng nước vẫn cứ êm đềm chuyển động, chẳng có dấu hiệu gì cho thấy sẽ có một cơn bão bất chợt. Cũng chẳng có con cá mập nào gần đây có ý định biến cậu thành bữa ăn. Không có gì cả.

Không gì cả. Không có gì bảo cho cậu biết phải quyết định thế nào. Không có gì bảo cho cậu biết tại sao cậu phải quyết định.

Tỉnh dậy đi. Cậu thốt lên với chính mình. Đưa tôi trở lại căn phòng xập xệ đó. Tôi vẫn còn một ít cà ri. Tôi cần phải đi chợ. Tôi cần phải gọi điện cho mẹ. Ngay từ bây giờ tôi sẽ nghĩ ra điều gì đó để mùa hè này đỡ nóng hơn mùa hè trước. Sau đó vào mùa thu tôi sẽ đi học một lớp dạy vẽ căn bản. Sau đó là chuẩn bị cho mùa đông. Sang xuân tôi sẽ mua một cuốn sách dạy viết. Tôi không thể bị mắc lại trong hốc đá này được.

Tiếng ọc ọc vừa rồi lại cất lên, đưa cậu ra khỏi dòng suy nghĩ miên man của mình. Tại Hiền quay nhìn con cá voi già. Nó vẫn ở đó nhưng có điều gì cho cậu biết rằng nó sắp đi khỏi đây. Nó không có kiên nhẫn để ở đây mãi. Cũng không có kiên nhẫn đợi cậu suy nghĩ cho quyết định của mình.

Tại Hiền run rẩy đứng dậy lần nữa. Nhưng khi vừa cố bước những bước đầu tiên, hốc đá bắt đầu vỡ vụn, những viên đá dưới chân rơi xuống. Cậu thấy mình bị khoảng không bao la vô tận bên dưới kéo đi, bị bỏ lại, bị quên lãng.

Hình ảnh con cá voi cứ nhỏ lại dần. Màu xanh êm dịu kia cũng dần biến mất. Chỉ còn bóng tối đen đặc bủa vây.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro