CHƯƠNG HAI

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Gần bốn giờ chiều thì tàu đến chợ huyện Bạt Ngàn. Người Nam và người Nữ dắt nhau rời khỏi bến tàu. Tiếng là chợ huyện nhưng phố xá không được sung túc, về chiều nên chợ thưa người qua lại. Hai người dắt nhau đi quanh chợ chừng nửa giờ thì giáp vòng. Người Nữ mua hai ổ bánh mì bỏ vào túi bàn, người Nam hỏi bà già bán bánh mì : 

 – Thưa dì, dì có biết ở đâu cho mướn nhà.

Bà già chậm rãi :

 – Ở đây thì ít ai cất nhà cho mướn, chỉ có bà Hai con gái bà Phú Hộ, cất phố và nhà cho mướn; phố thì không còn trống nhưng nhà thì tôi không biết có còn không .

Người Nam vội hỏi :

   – Thưa dì, nhà bà Hai ở đâu.

Bà già đưa tay vừa chỉ vừa nói :

   – Cậu xem phố lầu có hai căn, một căn làm chủ dựa, một căn để ở, phía sau tiếp giáp bờ sông, nhà kho lớn lắm.

Hai người cám ơn bà già rồi dắt nhau đến đó.

Thấy có người đứng trước cửa, bà Hai bước ra. Bà mặc quần lụa đen, áo lụa màu tím than, bới tóc theo kiểu Nam bộ. Bà Hai có khuôn mặt trái xoan, sóng mũi dọc dừa, chân mày vòng nguyệt, vành môi trái tim, nhân trung dài và sâu, mắt sáng ngời, dáng người thon thả, thanh thoát, nước da trắng hồng. Thấy người Nữ dựa sát người Nam, bà Hai đứng khựng lại và quan sát người Nữ, bà hơi mất bình tĩnh, nói lầm bầm : “Sao mà giống dữ vậy”.

 Người Nữ mặc quần lụa đen, áo lụa màu tím hoa cà. Nhìn áo lụa màu tím hoa cà, bà bồi hồi xúc động. Hai mươi năm qua, bà đã gìn giữ cái áo lụa màu tím hoa cà như một báu vật trong đời; vì hôm đó, bà mặc áo lụa màu tím hoa cà, ôm đứa con gái đầu lòng, nó giống bà như đúc một khuôn, và vừa mới ăn đầy tháng. Chính bà ôm đứa bé vào cái áo lụa màu tím hoa cà, không biết bà giữ bao lâu hơi ấm da thịt của nó vào cái áo ấy, cho đến khi chuyền tay thì nước mắt của bà cũng thấm nhòa trên áo lụa màu tím hoa cà.

 Đã lâu rồi bà không dám nhìn lại cái áo ấy, nhưng bà vẫn giữ nguyên cái áo; vì mỗi khi nhìn thấy áo lụa màu tím hoa cà là bà đau xót trong lòng, bà tưởng như mùi da thịt của trẻ thơ nó còn đọng lại trong đó. Bà không nói chi hết chỉ ngơ ngác đứng nhìn. Người Nam ái ngại, hồi lâu chàng lên tiếng :

 – Dạ chào bà, có phải đây là nhà của bà chủ nhà cho mướn nhà.

 Bà Hai giật mình lẹ làng đáp :

  – Ủa quên xin mời vào, phải chính là tôi.

  Như thường lệ bà tiếp khách ở ngoài, hôm nay bà mời khách vào cái bàn sát bên trong, bà mời hai người ngồi rồi kêu người giúp việc lo bánh nước. Người Nam nói :

 – Dạ cám ơn bà, hai cháu vừa mới uống.

  Bà cũng không hỏi việc mướn nhà, bà kéo ghế ngồi đối diện và nhìn người Nữ không chớp mắt, một hồi lâu bà chợt hỏi :

– Cháu gái này từ đâu đến ? 

Bà Hai hỏi như nhân viên điều tra làm nàng giật mình, nàng lẹ làng đáp :

– Dạ cháu từ hành tinh khác đến.

Người Nam nghe nàng trả lời thì biết nàng đã nhập tâm những gì chỉ dành riêng cho hai người, nên chàng vội vàng tiếp lời :

  – Thưa bà, từ tỉnh khác đến .

Bà Hai thấy sao lu bu quá, chính tai bà nghe từ hành tinh khác đến. Người Nữ mỉm cười nói khẽ :

 – Dạ cháu lỡ lời, người từ tỉnh khác đến .

Bà Hai hỏi tiếp :

– Cháu có chồng hay chưa ?

Nàng nhìn qua người Nam :

– Dạ chồng cháu đây .

Bà lại hỏi tiếp :

 – Mà cháu nói tỉnh khác là tỉnh nào? Nghe mơ hồ quá, không phải tỉnh này là tỉnh khác, tỉnh phải có tên.

Nàng ngập ngừng không biết trả lời sao cho phải lẽ nên đành lặng thinh.

Bà Hai đứng lên đi tới đi lui, bà nhìn thẳng vào mặt nàng, bà xoay góc độ nhìn ngang bờ vai mái tóc, một hồi lâu bà ngồi xuống cầm tay nàng, bà xem chỉ tay rồi bà xòe bàn tay của bà ra để đối chiếu, bà quan sát từng ngón tay, rồi đưa bàn tay của bà ra so sánh. Hai người thấy bà lăng xăng, không đi vào vấn đề mướn nhà mà cứ ngồi nói bâng quơ, xem tay, xem tướng. Chàng đứng dậy định cáo từ thì bà khoát tay nói như ra lệnh :

– Cháu ngồi đó dì có chút việc .

Người Nữ nghe nói có chút việc, nàng hơi lo âu, mà đã lỡ vào đây rồi, nàng nhớ lại hiện tại là đang ở một nơi phương trời xa lạ nên nàng cũng yên tâm. Bà Hai chậm rãi hỏi :

 – Năm nay cháu bao nhiêu tuổi.

Người Nữ ngập ngừng nói gượng gạo :

– Dạ… cháu ba mươi.    

Bà Hai chau mày hồi lâu rồi quan sát lại nàng, bà cất giọng dịu dàng :

– Chắc cháu chừng hai mươi, làm sao mà tới ba mươi, nhiều khi trích lục khai sanh sai đi mười năm.

Người nhà dọn bánh, bà mời và nói giòn giã, bà ép người Nữ ăn bánh này bánh nọ, bà làm giống như mẹ ân cần lo lắng cho con. Chợt nhớ ra cái gì, bà vội nói :

– Hai cháu ở đây, dì lên lầu có chút việc, chừng vài phút dì xuống.

Người Nam xoay qua kề sát tai nàng :

– Em giống bà Hai dữ lắm, anh không biết tại sao mà giống quá trời vậy ?

Người Nữ nói thật nhỏ : 

– Em cũng không biết có việc gì, sao thấy lu bu quá.

Chừng năm phút sau bà Hai mang xuống một tấm hình, bà ngồi đối diện với người Nữ, bà thong thả :

– Hôm trước con của dì nó đi tàu, không biết ai bỏ quên tấm hình này mà sao giống cháu nên dì có ý cho lại cháu, không phải hình của dì thì dì giữ nó làm gì.

Bà xoay qua xoay lại tấm hình, bà âu yếm nhìn người Nữ :

– Cái hình này chừng hai mươi tuổi cho nên dì nói cháu hai mươi tuổi.

 Người Nữ ngắm nghía tấm hình một hồi lâu rồi mỉm cười, trìu mến nhìn bà Hai, lễ phép :

 – Thưa dì Hai, cháu cũng có tấm hình, khuôn mặt giống như hình này, nhưng chiều cao cổ áo thì khác nên không phải hình của cháu.

Bà Hai vui vẻ:

– Giống là được rồi, cháu thấy cái mặt nó giống như đúc một khuôn, như cắt mặt để qua.

Nàng chợt nhớ lời chàng “Em phải sống hồn nhiên như trẻ thơ thì cuộc đời em sẽ được hạnh phúc và vô cùng thoải mái”.

Nàng ngước lên mỉm cười, dịu dàng :

– Dạ, giống như hai hạt gạo.

Bà Hai reo lên :

 – Con nói rất chính xác, con so sánh hay lắm.

Rồi bà nhẹ nhàng :

 – Nếu con muốn diễn tả một cái gì mà nó không có giới hạn nghĩa là con mắt trần tục không thấy hết được nó như : Núi .

Người Nữ nhìn bà mỉm cười khẽ đáp :

– Dạ, núi trùng điệp .

- Rừng.

– Dạ, rừng bạt ngàn.

-  Bầu trời.

– Dạ, bầu trời mênh mông.

-  Biển.

– Dạ, biển bao la.

Ngẫm nghĩ một hồi lâu bà hỏi tiếp :

– Lòng mẹ.

Người Nữ nhìn bà bằng ánh mắt thương cảm, nàng ngập ngừng, chớp mắt nói như nghẹn lời:

– Dạ,  lòng mẹ thì bao la, mênh mông như trời biển.

Bà Hai cười ngất rồi vỗ tay khen :

– C..o..n  t..ô..i  hay lắm, c..o..n  t.ô. i giỏi lắm. 

Hai tiếng “con tôi”, bà kéo dài âm thanh như có cái gì nó thiêng liêng cao quí làm rung động trong lòng, bà muốn giữ mãi cái tiết điệu mà ngôn ngữ trần gian đành bất lực, chỉ có bà và trời đất biết mà thôi. Bà cũng cãm nhận được hạnh phúc như người mẹ khi nghe con nói được tiếng đầu lòng kêu ba kêu má. Hình như không ngăn được cảm xúc, bà bước đến ôm choàng nàng, đầu bà gục xuống, trán hai người chạm vào nhau. Không biết thời gian im lặng bao lâu cho đến khi giọt nước mắt của bà rơi trên má của nàng, nàng ngước lên, bà buông ra và đứng khum người, bà hơi lảo đảo, bà nhìn xuống thấy cái túi bàn ở dưới chân nàng còn sót lại vài thứ bắp, khoai, chuối và hai ổ bánh mì. Bà thẫn thờ trở lại ghế ngồi. Môt hồi lâu bà Hai đẩy tấm hình sát bên nàng, bà cố ngăn cảm xúc, bà vói tay chùi nước mắt trên má  của người Nữ. Bà âu yếm nhìn Nữ và cất giọng ngọt ngào :

– Cổ áo ngắn dài thì ăn thua gì, con cứ mang về treo trong nhà của con, ai mà biết cái cổ áo dài ngắn đâu mà con sợ.

Người Nữ nhìn bà Hai bằng ánh mắt trìu mến :

– Dạ cháu không dám nhận vì nó không phải là của cháu.

 Bà Hai hơi mất bình tĩnh nên vừa buông cái này thì bà bắt cái kia, bà chợt lên tiếng :

– Mà quên nữa, hai cháu định mướn nhà.

Người Nam lẹ làng đáp :

– Dạ thưa dì Hai cháu đến đây mướn nhà.

Bà Hai vói qua nắm tay người Nữ, bà mỉm cười hồn nhiên ân cần :

– Hai con đừng có lo việc mướn nhà, dì sẵn sàng cho mướn.

Bà nhìn lên đồng hồ :

– Sáu giờ chiều rồi, hai con phải đi ăn cơm chiều với dì thì dì mới cho mướn nhà, đồ dạc cứ để đây.

Bà Hai nắm tay người Nữ dắt đi, bà làm rất tự nhiên, bà không cần hỏi ý kiến, cử chỉ giống như người mẹ ra lệnh cho con. Bà tiếp tục nắm tay người Nữ ra đến đường, hai bên phố nhìn bà và người Nữ, người Nam lẽo đẽo theo sau, bà Hai vẫn còn nắm tay người Nữ và quay lại nói với người Nam :

– Cháu vào quán này.

Ba người ngồi quanh bàn tròn, bà Hai ngồi sát bên người Nữ, chủ quán là người Hoa bước đến chào hỏi niềm nở :

– Dạ lâu quá không thấy chế Hai đến quán, dạ thưa chế dùng chi .

Sau khi chọn xong bà đưa thực đơn cho người Nữ và người Nam : 

– Các con chọn thêm món nào thì gọi. 

Bà xoay qua người Nam :

– Cháu uống cái gì cứ kêu.

Bà vỗ nhẹ vai người Nữ :

– Con uống gì cứ gọi. Thôi dì và con cùng uống một  thứ.

Bà Hai như có cái gì vui sướng trong lòng, bà cứ nói mà không cần biết người nghe có thực hiện hay chưa.

Giờ cơm chiều nên quán đông khách, đa số là người có tiền, chủ cơ sở tiệm buôn, các viên chức. Đối với chợ huyện Bạt Ngàn thì quán này là sang trọng. Từ bàn trong góc, ông Tư đồng hồ kéo ông chủ quán lại hỏi nhỏ :

– Chế Hai đi với ai vậy.

Ông chủ quay lại nhìn rồi nói thí mạng :

– Thì đi với con gái bả chớ ai, hia nhìn là biết chứ cần gì phải hỏi.

Ông Tư đồng hồ đứng lên ngó dáo dác định tìm một vị trí, quá gần thì bất tiện, mà xa thì nhìn không rõ, cuối cùng thì ông tìm một vị trí tạm vừa ý. Dưới góc độ nhìn ngang hông ông quan sát được bờ vai, trụ mũi, sống mắt, vành môi người Nữ thật rõ ràng.

Ông Tư đồng hồ bồi hồi xúc động, ông như người vừa bắt được cái bóng của hình ảnh hai mươi năm về trước. Đối với ông dù đêm trăng sao có đẹp cỡ nào cũng không qua nổi được nàng, trăng sao đối với ông cho có tụ, chỉ có nàng là hốt hồn ông mà thôi. Ông nhìn người Nữ, ông tưởng tượng rằng bà Hai hóa kiếp lại để làm người con gái này. Ông tự hỏi sao trên đời có chuyện lạ vậy. Ông kêu thêm rượu, để đêm nay ông ngủ say ngây ngất trong dĩ vãng, trong hình ảnh chập chờn của bà Hai. Còn hiện tại trước mặt ông là một người cụ thể chứ không phải là một con người tưởng tượng. Cái con người tưởng tượng, ông đã sống với con người tưởng tượng bằng hình tư tưởng hai chục năm qua, nó như tấm hình cũ phai mờ một phần nào nên không còn rõ nét. Còn bây giờ một phép lạ nào biến thành người con gái bằng  xương bằng thịt trước mặt ông.

Ông thông cảm với nhà thơ trầm mình xuống nước để ôm bóng trăng mà chết. Mặt trăng là vật có thật, cái bóng là ảo ảnh, vậy mà còn ôm để chết. Còn ông ôm cái quá khứ, hình ảnh bà Hai trong quá khứ cũng giống như ảo ảnh của mặt trăng, sao họ dám chết còn ông lại không. Ông tự hỏi chẳng lẽ trên đời có người chết vì quá khứ. Chỉ có cái quá khứ mà nó giết chết con người của ông hay sao. Ông cố mở mắt thật to để nhìn một người bằng xương bằng thịt mà cũng là cái quá khứ đang hiện rõ ràng trước mắt ông.

 Quá khứ hiện về là của văn sĩ họ diễn tả một sự việc đã qua, có thật nhưng đã bị chôn vùi trong lớp bụi thời gian, cụ thể hóa bằng đóng tro tàn. Còn bây giờ trước mặt ông là một người cụ thể, cho nên ông không còn can đảm uống thêm rượu mà chỉ ngồi bất động nhìn người Nữ. Trong ý nghĩ chập chờn, ông không còn phân biệt được quá khứ và hiện tại.

Bà Hai gắp thức ăn cho người Nữ, bà làm như con gái bà bị bệnh nặng cầm gắp không nổi thiếu điều bà muốn đút cơm cho người Nữ, dù nàng có từ chối cỡ nào nhưng bà vẫn làm thản nhiên. Bà đưa đũa dẽ con cá, bà gắp miếng cá lên, bà quan sát thật kỹ, chỉ có một cọng xương nhỏ xíu bà cũng lấy nó ra bà đưa đến gần người Nữ :

– Con hả miệng ra. 

Bà đưa miếng cá vào miệng rồi bà mỉm cười bằng ánh mắt âu yếm :

– Con tôi ngoan lắm.

Người Nam nhìn hai người, chàng cũng thấy có cái gì nó vui mà không diễn tả được nên chàng đọc hai câu thơ :

Thương con từ thuở còn thơ

Miệng nhai cơm búng lưỡi lưà cá xương.

Bà xoay qua nhìn người Nam rồi xoa vai người Nữ, bà tấm tắc khen :

– Con có người chồng thông minh lắm, dì mừng và vừa ý lắm.

Bà cũng không nói chuyện thêm, chỉ lo gắp thức ăn cho người Nữ, thấy nàng ăn ngon miệng là bà vui. Đối với người Nam và người Nữ thuộc về con nhà giàu, ăn uống phủ phê nên không quan trọng trong cái ăn nữa mà bà thì không biết, cứ tưởng con bà đói lắm nên ép ăn hoài; vì bà đã liếc thấy trong cái túi bàn toàn khoai, chuối, bắp còn sót lại.

Bà cảm thấy sự thương nhớ con hai chục năm qua được trời đất gom lại để trên cái bàn này. Bà chỉ biết thể hiện bằng hành động nói lên tình thương của bà mà trời đất không nỡ để cho bà mỏi mòn trong thương nhớ.

Người Nam thấy bà Hai nhìn người Nữ rồi cười chúm chím, chàng cũng không biết tại sao mà có cớ sự này. Người Nữ chợt nghĩ hay là mình từ hành tinh đến đây có đại diện của loài người tiếp rước ân cần như thế này, nghĩ đến đó nàng bật cười. Người Nam thấy hai người cùng cười nên chàng cũng cười theo.

Ông Tư đồng hồ thấy ba người cùng cười vui quá mạng, còn ông ôm cái quá khứ làm cho ông buồn thương nhớ đứt từng đoạn ruột. Phải chi trời đất cho ông ngồi chung cái bàn ấy thì ông không có buồn. Cái quá khứ nó giết chết cái vui của ông hai chục năm qua. Hai chục năm rồi ông không biết vui là gì. Đi đến góc phố nào mà trước đây ông và bà Hai hẹn hò là ông đứng chết lặng hàng giờ, ông đến đứng dựa lưng vào tường mà hai người trước đây úp mặt vào mỗi khi có người qua lại, ông tưởng tượng hương thơm của bà còn phản phất đâu đây.

 Bà Hai nhìn đồng hồ gần tám giờ, bà kêu tính tiền, chủ quán bước đến vừa cười vừa nói :

Chế Hai hôm nay đi mà không có hia Hai, hai ông bà như chim liền cánh như cây liền cành.

Bà Hai mỉm cười đáp :

Ông nhà tôi đi Sài Gòn lo cho thằng con đi du học. Rồi bà đổi giọng như để phân trần :

Mắc dịch hia mười mấy đứa con rồi mà còn liền cánh liền cành cái gióng gì.

Ông chủ quán trợn mắt quơ tay như dấu hiệu hoan hô :

– Trời, mười mấy đứa con còn liền cánh liền cành ác liệt nữa, mà tôi cũng mười mấy đứa rồi. Từ cái ngày tôi có nhiều con, tôi thích câu : “Chúng mình như chim liền cánh, như cây liền cành”.

Bà Hai chậm rãi :

– Nuôi mười mấy đứa con, lo chạy ăn muốn chết.

Chủ quán cười ngất :

– Chế mà chạy ăn cái gióng gì, tài sản của chế ăn ba đời cũng chưa hết; phân nửa chợ này là phố của chế lại có thêm một số nhà cho mướn.

Bà Hai nói nhẹ nhàng :

–Tàn sản như đầu móng tay, thấy đó rồi mất đó, cái đức mới là quan trọng. Tôi chỉ lo làm việc, lo bổn  phận của tôi còn cái kết quả tôi phú cho trời, trời cho bao nhiêu tôi hưởng bấy nhiêu .

Chủ quán nhìn người Nữ rồi lẹ làng hỏi :

– Ủa mà sao cháu gái này giống chế trời quá vậy, không phải tôi nói cái mặt đẹp nó giống mà còn giống cả dáng người.

Bà Hai mỉm cười có vẻ đắc ý nói bông đùa :

–Hia này nhiều chuyện quá .

Chủ quán vừa cười vừa nói :

– Tôi không có nhiều chuyện đâu à, phàm quán ăn, tiệm uốn tóc, tiệm hớt tóc là trung tâm nhiều chuyện, tôi cũng mang tiếng lây.

Ba người rời khỏi bàn, ông chủ đưa ra tới cửa. Ông Tư đồng hồ ngó người Nữ không chớp mắt cho đến khi nàng khuất dạng, ông ngồi bất động như một pho tượng. 

Ra đến đường bà Hai choàng lên vai người Nữ vừa đi bà vừa hỏi nhỏ :

– Hình như con có bầu phải không .

Người Nữ vòng tay qua ôm sát eo của bà, nàng nói thật nhỏ :

– Dạ con có bầu gần bốn tháng.

Bà Hai dặn dò :

– Con phải đi đứng cẩn thận, ăn uống phải kiêng cữ, quần áo phải mặc cho thoáng. Còn việc sanh đẻ thì con đừng lo, ngày nào dì còn sống thì dì lo cho con không thiếu một thứ gì .

Người Nữ cảm động chớp mắt khẽ nói :

– Dạ, con đội ơn dì, con như người từ hành tinh khác đến đây được dì tiếp đãi ân cần như thế này là quý lắm rồi.

Bà Hai hơi thắc mắc, không biết tại sao cứ nói người từ hành tinh khác, bà xoa nhẹ lên vai nàng rồi nhìn mặt nàng, bà thấy không có gì, bà nghĩ chắc bà xúc động nhiều nên đầu óc lu bu, sự nghe không chính xác.

Ba người về đến nhà cũng ngồi y chỗ cũ. Bà Hai bước vào trong chừng năm phút, bà trở ra và nói :

– Hai con ngồi đây chừng nửa giờ, dì dắt con lại chỗ ở. 

Người Nam ngước lên lễ phép :

– Thưa dì, cháu phải trả tiền đầu tháng hay cuối tháng và thời gian có giới hạn hay không ?

Bà Hai kéo ghế ngồi sát bên người Nữ, hình như bà không bận tâm đến câu hỏi của người Nam, bà vuốt tóc nàng :

– Tóc con đẹp lắm giống như tóc của dì.

Người Nam thấy bà không trả lời, chàng cũng không biết tại sao, chàng không dám hỏi thêm vì sợ thất lễ. Chàng nghĩ thì thôi bao nhiêu cũng được mình đâu có lợi dụng ai mà sợ. Người Nữ  nghe câu hỏi của chàng, ý cũng chờ đợi câu trả lời của bà Hai, nàng ngạc nhiên thấy bà ân cần hỏi han đủ thứ chuyện giống như người mẹ lo lắng cho con, chỉ cần nghe tiếng hắt hơi của con là người mẹ quýnh lên không biết con tôi bị bệnh gì.

Nàng đánh bạo choàng qua ôm bà và ngước lên trìu mến hỏi :

– Thưa dì Hai chồng con hỏi...

Bà Hai thấy nàng ôm bà, bà cảm động chớp mắt âu yếm nhìn nàng :

– Dì có nghe rồi, dì đã nói với con, dì lo tất cả, con đừng bận tâm. 

Người Nam bản tính xưa nay, chàng không thích lợi dụng mà chỉ muốn giúp được ai là chàng vui, nay gặp hoàn cảnh này thì thôi đành phú cho trời.

Đúng như bà nói, nửa giờ sau một người thanh niên khoẻ mạnh từ ngoài bước vào đến bên bà lễ phép :

– Thưa bà Hai, nhà đã dọn dẹp sạch sẽ xong, con đã chuyển đến những gì theo lệnh của bà .

Bà Hai ngước lên nhìn người thanh niên ôn tồn bảo : 

– Cháu cầm cái đèn lồng đi trước, phải đi thật chậm.

Xoay qua người Nam bà tiếp :

– Con đi sau người này, dì và vợ con đi sau, con nhớ đi phía trước vợ con để dò xét đường coi chừng có ổ gà, con nhớ chỉ cho vợ con ổ gà để vợ con tránh ra .

Bà Hai làm như sĩ quan ban lệnh hành quân phải đi cho có đội hình, nhất là phải bảo vệ con bà, bà sợ con bà vấp ổ gà.

Người Nam vai mang túi quần áo, tay xách túi bàn còn bà thì cặp kè đi với người Nữ.

Đêm nay có trăng, con đường bề ngang chừng hai mét, vì có nhiều bóng cây hai bên đường nên hơi tối, người địa phương đi lại bình thường nhưng bà sợ con bà vấp ổ gà, nhất là đang mang bầu. Người thanh niên cầm cái lồng đèn đi trước, vì theo lời dặn của bà nên y không dám đi nhanh và bình thường mà đi thật chậm …cà rề…cà rề. Người đi đường qua lại thấy bốn người di chuyển sao mà quá chậm, họ tưởng mất cái gì, xách lồng đèn đi kiếm.

 Bà Hai choàng qua vai người Nữ. Người Nữ  thấy bà sao quá thân tình, hơn nữa nàng đã nghe ông chủ quán xác nhận nàng giống bà từ khuôn mặt đẹp cho đến dáng người nên nàng cảm thấy có cái gì nó thân thiết hơn bình thường. Nàng vòng tay qua ôm ngang eo của bà, dưới ánh sáng chập chờn của trăng, hai người đi như cặp tình nhân. Bà Hai khẽ nói :

– Cái chợ này người ta nhiều chuyện lắm, con đừng nói con từ đâu đến, dì nghĩ con nói từ tỉnh khác đến là được rồi, dượng Hai con tức là chồng của dì, con cũng nói từ tỉnh khác. Dì cũng không cần biết con từ đâu đến. Còn vấn đề tiền mướn nhà, bất cứ ai hỏi thì con nói giá trong biên nhận, con phải làm như lời dì. Mà quên nữa chợ này người ta đổ nứơc bừa bãi con hạn chế đi chợ, con nhớ là con đang mang bầu rủi té là nguy hiểm lắm. Dượng Hai con là người nhân hậu, tội nghiệp dượng con trông cho dì sinh một đứa con gái giống như dì mà đến nay mười hai con trai rồi mà đứa nào cũng giống dượng Hai con, nó không giống dì một chút nào hết, cho nên dì gặp con là dì xem con như là con gái của dì, con đừng e ngại và bận tâm, hãy nghĩ về dì như là mẹ nuôi hay mẹ ruột gì cũng đươc, dì nghĩ được gọi là  mẹ thì không ai còn lòng dạ nào để phân biệt.

Người Nữ cảm động vòng tay ôm sát vào bà, bà Hai xúc động vì mùi da thịt của nàng, bà tưởng tượng trời đất mang đến cho bà mùi da thịt của bé thơ còn đọng lại trong cái áo lụa màu tím hoa cà, cái mùi thơm da thịt của trẻ thơ bà tưởng nó bị biến mất, thì hôm nay nó đang ôm sát bà. Cái vòng tay của người Nữ, bà Hai cảm tưởng như có một phép lạ mà trời đất gom lại  cho bà bằng hơi ấm của nàng. Tình thương bao la của người mẹ được đền đáp bằng vòng tay của nàng. Bà chợt nghĩ, thi sĩ mà biết tình cảm của bà trong lúc này chắc họ cũng làm thơ để phổ biến cho loài người biết cái tình bao la như trời biển của bà đối với con.

Bình thường đi chừng năm phút là đến, vì đi chậm nên mười lăm phút mới đến nơi. Đó là một ngôi nhà ngói kiểu xưa, bề ngang chừng sáu mét, dài chừng mười hai mét là nhà chính, sân trước có vài chậu kiểng, nối tiếp với nhà sau bằng một lối đi có mái che, trong nhà chính có phòng khách và hai phòng ngủ. Vô đến nhà thì đèn đã thắp sáng từ trong đến ngoài, bà Hai dắt người Nữ và người Nam đi từng phòng vừa đi bà vưà nói :

– Nhà này trước đây dì cất cho thằng con trai lớn, nó học ở Sài Gòn, đến mùa hè nó thường dẫn bạn bè nó về đây, vài hôm nữa là nó đi du học chừng bốn năm. Còn các em nó thì ở  nhà bà ngoại, một số thì ở với dì, hai con cứ ở đây đừng có bận tâm gì hết. Sau khi kiểm tra đồ dùng trong nhà, bà rất hài lòng, bà nói với người thanh niên :

– Cháu dọn dẹp sạch sẽ và ngăn nắp lắm, thôi chuẩn bị về .

Người Nam bước đến lễ phép :

– Dạ để cháu đưa dì Hai về nhà.

Bà  Hai khoát tay :

– Cháu ở đây lo cho vợ cháu, địa phương này đâu có lạ gì đối với dì.

Bà Hai nắm tay người Nữ kéo vô buồng, bà hôn lên trán nàng thật lâu rồi bà đi thật nhanh ra đường, người thanh niên bước vội theo tay cầm lồng đèn đi trước bà.

Người Nam đóng cửa trước, vì là con nhà giàu nên tiện nghi trong nhà đối với hai cũng bình thường nhưng cái ngạc nhiên là sự tiếp đãi ân cần của bà Hai. Tắm xong hai người lên giường ngủ. Người Nữ nằm sát bên chồng cất giọng nũng nịu :

– Em không biết đâu, vừa rồi em đi với dì Hai, em cũng bị ám ảnh câu nói của anh cho nên em nói “người từ hành tinh khác”, dì Hai ngạc nhiên nhìn em rồi dì Hai xoa lên vai em, chắc dì Hai nghĩ em không  được bình thường, làm em ngượng quá, em bắt đền anh đó.

Người Nam xoay qua dịu dàng :

– Thì em mới hồn nhiên như trẻ thơ, nhìn cái gì em cũng ngạc nhiên.

Người Nữ nựng cằm chồng và thỏ thẻ :

– Cái miệng này ăn nói hay lắm làm em cứ nghe theo anh.

Người Nam cười khoái chí :

– Nhờ vậy mà em mới được hồn nhiên như em bé.

Người Nữ liếc ánh mắt trìu mến :

– Phải rồi ! Em hồn nhiên như em bé nên dì Hai tưởng em là em bé. Dì Hai cho em ăn, tập cho em nói rồi dì Hai ôm em giống như mẹ với con, hình như dì Hai tưởng em là em bé thật nên đi về đây mà dì còn sợ em vấp té.

Người Nam nói phóng theo :

  – Chắc dì Hai tưởng em là em bé nên dì mới lo cho em đủ thứ, dì còn nói “Con đừng bận tâm đã có dì”.

Người Nữ phân vân ngập ngừng :

– Em lớn rồi mà làm như em bé không biết em có tội gì không hả anh ?

Người Nam mỉm cười :

– Người già đôi khi họ vẫn sống hồn nhiên như em bé, em cỡ tuổi này làm em bé là phải lắm rồi.

Người Nữ cười khúc khích giả giọng em bé :

–  Em là em bé cuả anh em bé của dì Hai. 

Ngập ngừng một hồi, nàng tiếp :

– Làm em bé của người khác họ cười em chết.

Người Nam khen vợ :

– Trời ! Em làm em bé thật rồi đó.

Người Nữ giọng nũng nịu :

-  Em làm em bé là em hạnh phúc nhất.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro