19- 30

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

VŨ TRỤ THẦN LINH

Chúng ta còn biết rất ít về cuộc sống của con người trên Trái Đất cách đây vài trăm nghìn năm. Một vài sọ người xưa và những bộ xương cổ đại cùng những đồ vật tìm thấy được nhờ công việc tỉ mỉ của các nhà nhân chủng học và khảo cổ học đã cho phép chúng ta hé mở được một số mảnh rời rạc về cuộc sống hằng ngày của họ. Tuy nhiên, chúng ta biết rằng não của họ cũng phát triển như não chúng ta. Cách đây 3 triệu năm, thể tích não bộ của loài vượn phương Nam, ở Nam Phi, đã lên tới 400- 500ml, lớn hơn thể tích não bộ của các loài linh trưởng. Sự phát triển của não đã diễn ra nhanh chóng. Trải qua một triệu năm, thể tích não của Homo halbilis là 600- 700ml, rồi đạt đến 900- 1100ml ở người Homo erectus cách đây một triệu năm. Sọ người hiện đại có thể tích trung bình là 1,375ml.
Cùng với sự phát triển của não bộ đã ra đời ngôn ngữ. Ngôn ngữ, cùng với các cấu trúc biểu tượng của nó, đã cho phép con người trao đổi các ý tưởng, ham muốn và tình cảm một cách không trực quan, và xây dựng một cách biểu diễn tinh thần về thế giới. Một số nhà nhân chủng học cho rằng vào thời kì đầu, tổ tiên chúng ta tiến hóa trong một vũ trụ thần linh, được chi phối bởi đủ mọi loại thần linh. Vũ trụ được chiếu sáng ban ngày bởi thần Mặt trời và ban đêm bởi thần Mặt trăng. Thần Trái đất biểu lộ sự hiện hữu của mình bằng các đợt phun trào núi lửa. Cành của một cây bị gãy, sấm nổi, cầu vồng đa sắc xuất hiện, nước sông dâng lên, mưa đổ xuống: mỗi một sự kiện này đều là biểu hiện của một thần linh. Thế giới các thần linh gần gũi và phù hợp với con người. Con người tương tác với các thần linh bằng cách dỗ dành, gầm gào hoặc mặc cả với họ. Thật vậy, thần đá làm một đứa bé bị vấp sẽ phải nhận những lời mắng mỏ, trong khi cây cối cho hoa trái sẽ nhận được những lời cảm ơn. Chính những quy tắc sống đó trong xã hội đã chi phối thế giới các thần linh và thế giới con người. Nhưng, với sự tích lũy kiến thức, con người nhận thức được rằng sự phức tạp và tổ chức của vũ trụ không thể được chi phối bởi các thần linh giống với con người, mà các vị thần phải có một quyền lực siêu nhân. Sự trao đổi trực tiếp giữa người với các thần linh không còn nữa, nó từ nay được thực hiện thông qua trung gian là các cá nhân đặc biệt, những người được hưởng đặc ân, đó là các thầy tu. Các lời dỗ dành và mắng nhiếc nhường chỗ cho những lời cầu khấn và tế lễ. Những lời cầu nguyện và cầu khấn thay thế những trao đổi trực tiếp để cầu mong mùa màng được bội thu. Yếu tố thần thoại của các vị thần xuất hiện. Vũ trụ thần linh thay đổi dần dần, qua nhiều giai đoạn, thành một vũ trụ thần thoại- thần linh. Tín ngưỡng Totem, dựa trên sự lựa chọn một con vật, một cây hoặc một đồ vật làm người bảo vệ cho một nhóm xã hội, hoặc một bộ lạc, đối với những nhóm người khác của cùng một xã hội, cũng đã xuất hiện. Để săn bắn và giết thịt, cần phải xin phép không chỉ chính con mồi, như trước kia, mà còn phải cầu xin thần đại diện của cả loài. Những cách miêu tả các con vật trong các bức vẽ trên vách đá thời Đồ Đá cũ ở các hang động Chauvet và Lascaux, miền Nam nước Pháp, được thực hiện cách đây khoảng 30 ngàn năm, có lẽ tượng trưng cho thần linh Totem này, những thần linh mà con người cần phải cầu xin để bảo đảm thành công trong săn bắt và sự sống còn của nhóm.

Những vị thần chính của vũ trụ thần thoại Babylon được thể hiện trên tảng đá vôi màu đen được chạm khắc cách đây khoảng 1100 năm TCN. Ở dưới, là Anu, thần Bầu trời và Enlil, thần Khí quyển, mỗi vị thần được biểu diễn bằng một chiếc mũ ba mũi đặt trên một cái bệ. Một cái đầu cừu đực đặt trên một con dê cái mình cá gợi đến Ea, thần Nước của vực thẳm. Ở trên là những biểu tượng của ba vị thiên tinh: hình lưỡi liềm Sim là thần Mặt trăng, sao Ishtar và Mặt trời Quamash.(Bảo tàng Louvre, Paris, Pháp)

Các loài vật cũng thay đổi theo các nền văn hóa và môi trường của các nền văn hóa này. Đối với những người Da đỏ sống ở bờ biển Tây Bắc của Bắc Mỹ, nhân vật thần thánh có hình một con quạ lớn. Còn đối với những người Da đỏ Seneca, New York, Mỹ, con vật thiêng là một con rùa. Đối với người Dogon châu Phi sống ở miền trung Mali, thần sáng tạo, tên là Nommo, được hiện thân là con cá sấu.

VŨ TRỤ THẦN THOẠI

Cùng với thời gian, các thần linh ngày càng rời xa thiên nhiên và có nhiều quyền lực hơn. Họ biến thành các vị thần, và vũ trụ thần thoại- thần linh đã nghiêng hẳn về vũ trụ thần thoại. Khía cạnh thần linh có xu hướng biến mất. Các vị thần trở nên xa cách và mang tính toàn vũ trụ. Xa cách bởi vì họ không còn ngự trên cây cối, sông suối hay đất đá nữa, mà sống ở những miền xa xôi nằm ở bên ngoài Trái đất; còn mang tính toàn vũ trụ, bởi vì tất cả, trong vũ trụ, đều phụ thuộc vào hành động của họ. Sự liên minh giữa con người và thiên nhiên bị cắt đứt. Con người bắt đầu tôn thờ những vị thần của vũ trụ thần thoại, nhưng đã mất đi sự giao hòa khăng khít và thân mật với môi trường của mình. Cây cối bị chặt hạ không còn khiến người ta đau đớn nữa. Không còn cần thiết phải xin phép thần rừng trước khi đi vào rừng, hay thần lợn lòi trước khi bắt đầu mùa săn bắt.
Bây giờ, tất cả được thực hiện với sự cho phép của các vị thần. Thiên nhiên trở nên trống rỗng sự sống. Người ta có thể đối xử tàn tệ với thiên nhiên mà không bị trừng phạt- đá một viên đá, đốn hạ cây cối- bởi vì các vị thần không còn sống ở đó nữa. Và do đó, ý thức tôn trọng và sùng bái thiên nhiên đã không còn nữa.
Sự thờ ơ này đối với thiên nhiên cũng mở rộng ra đối với các loài vật và cả những con người khác. Trong vũ trụ thần thoại, người ta không còn bận tâm về sự đau khổ của những sinh vật khác. Còn đối với những xã hội tôn thờ những vị thần khác, người ta phủ nhận địa vị con người của các thành viên thuộc những xã hội này, và người ta mặc sức tàn sát hoặc biến họ thành nô lệ. Đối mặt với những xã hội của vũ trụ thần thoại, những xã hội cố gắng níu kéo một cách tuyệt vọng vũ trụ thần linh không có một cơ hội nào sống sót: chúng bị tiêu diệt hoặc bị đồng hóa.

CÁC LỰC LƯỢNG HỖN MANG
Sự chuyển từ vũ trụ thần linh sang vũ trụ thần thoại chưa bao giờ được chấp nhận ở một số bộ tộc ở Bắc và Nam Mỹ, cũng như ở Australia hay một số miền xa xôi hẻo lánh, nơi cư dân là những người tới từ những cuộc di trú lớn diễn ra cách đây khoảng 20 nghìn năm hoặc xa hơn nữa. Tuy nhiên, trong khi những nhóm dân cư này vẫn tiếp tục mê đắm trong vũ trụ thần thoại- thần linh, thì vũ trụ thần thoại đã phát triển nhanh chóng ở Trung Đông, Trung Quốc, Ấn Độ, Đông Nam Á và Trung Mỹ. Phong phú và đa dạng, những vũ trụ thần thoại này thay đổi theo các nền văn hóa và theo từng thời đại. Cách đây hơn 5000 năm, các vị thần vũ trụ đã xuất hiện trong những nền văn minh nổi lên tại các vùng đồng bằng sông Nile, Ephrate* và Tigre (tức Iraq và Syria hiện nay - ND), Indus. Mọi hiện tượng tự nhiên, kể cả sự sáng tạo ra vũ trụ, đều là kết quả hành động của các vị thần bị thúc đẩy bởi tình yêu và lòng hận thù của họ. Tự nhiên như một sân khấu múa rối được điều khiển và chi phối bởi các vị thần toàn năng này.

☆ Euphrate: là một trong hai con sông làm nền tảng cho nền văn minh Lưỡng Hà.

Các thần thoại về Sáng thế đã đóng một vai trò đặt biệt quan trọng trong các xã hội phương Tây, ở đó các truyền thống Do Thái - Cơ Đốc giáo và Hồi giáo thường xuyên gán cho chúng một ý nghĩa vũ trụ. Chúng thường lấy cảm hứng từ chức năng sinh sản của người phụ nữ.
Nền văn minh Lưỡng Hà* đầu tiên xuất hiện ở Sumer, gần vịnh Ba Tư*. Trong thần thoại Babylon* về Sáng thế như được kể trong Enuma Elish* (2000- 3000 trước CN), thế giới được sinh ra từ sự xung đột giữa các lực lượng của Hỗn mang và sức mạnh của các vị thần. Hỗn mang, nguồn gốc của tất cả, đến từ những sinh vật đầu tiên: Apsu*, đại diện cho nước ngọt, và Tiamat, đại diện cho nước mặn. Sự giao hợp giữa nước ngọt và nước mặn đã sinh thần Trời, Anu. Các thần thoại cũng thường lấy cảm hứng từ vị trí địa lý của những nơi mà từ đó chúng được sinh ra. Thần thoại Babylon phản ánh ở đây sự gặp gỡ của nước ngọt và nước mặn trong vịnh Ba Tư. Nước là mẹ đẻ của sự sống, phù sa của 2 con sông Tigre và Euphrate lắng đóng ở cửa sông trong vịnh đã làm cho đất đai trở nên phì nhiêu và kích thích sự phát triển nông nghiệp. Từ sự hôn phối của Anu và Tiamat (những quan hệ loạn luân như thế không hiếm trong các thần thoại này) đã sinh ra Ea, thần Đất. Các lực lượng của Hỗn mang đã dần bị khuất phục và số lượng các vị thần tăng nhanh, đạt tới khoảng 600 cả thảy, mỗi vị thần cai quản một phương diện của thế giới (chẳng hạn, các ngôi sao và các chòm sao), và tất cả không ngừng cãi vã nhau.

☆ Lưỡng Hà (hay Mesopotamia) : là khu vực lịch sử của Tây Á, tương ứng với Iraq, Đông Syria, Đông Nam Thổ Nhĩ Kì...

☆ Vịnh Ba Tư (hay vịnh Ả Rập): là vành đai nông của Ấn Độ Dương nằm giữa bán đảo Ả Rập và vùng Tây Nam của Iran.

☆ Babylon: là một thành quốc của Lưỡng Hà cổ đại, được phát hiện ở Iraq. Là thành phố đầu tiên có dân số trên 200,000.

☆ Enuma Elish: là truyền thuyết sáng thế của người Babylon. Được phát hiện 1849 ở Iraq. Dài khoảng một nghìn dòng được ghi trên 7 miếng đất sét.

☆ Tiamat: là nữ thần khởi thủy của Babylon. Là biểu tượng của hỗn mang nguyên thủy cùng với chồng mình là Apsu. Có hình ảnh là con rắn biển hoặc rồng.

Các thần thoại về tự sáng tạo ra vũ trụ thường lấy cảm hứng từ chức năng sinh nở của người phụ nữ. Ở đây, ta thấy Thần Vệ Nữ Wilendorf, pho tượng đã có niên đại cách đây khoảng 30,000 - 25,000 năm TCN, tượng trưng cho sự phồn thực. (Bảo tàng lịch sử tự nhiên, Vienne, Áo).

Gần như cùng thời gian đó, vũ trụ thần thoại của người Ai Cập cũng đã phát triển ở 2 bờ sông Nile. Ngoại trừ thung lũng sông Nile phì nhiêu, Ai Cập trải dài trong một sa mạc mênh mông khô cặc. Vì vậy không có gì ngạc nhiên khi Mặt trời là Chúa sáng thế trong vũ trụ này. Giống như trong thần thoại Babylon, nước là nguồn của sự sống: sông Nile và các cơn lũ hằng năm của nó cho phép nông nghiệp và do đó nền văn minh Ai Cập phát triển. Trong vũ trụ thần thoại Ai Cập, sự sống xuất hiện từ đại dương nguyên thủy, Nun. Ra, thần Mặt trời, xuất hiện dưới nhiều dạng bổ sung cho nhau: một con chim cắt bay lượn trên bầu trời, một con bọ hung đẩy cái đĩa mặt trời qua vòm trời. Geb là đất: một cái đĩa phẳng được bao bọc bởi núi non, nổi giữa đại dương nguyên thủy Nun. Cơ thể của nữ thần Nout xinh đẹp, được đỡ bởi thần không khí Shu, tạo nên vòm trời. Những đồ trang sức trang điểm cho cơ thể nữ thần Nout và tỏa sáng bằng tất cả ánh sáng rực rỡ của nó chính là các hành tinh và các vì sao. Thần Mặt trời, Ra, ban ngày dong thuyền trên cơ thể nữ thần Nout và ban đêm trở về bằng đường thủy bên dưới mặt đất. Trong thế giới ngầm đó, thần Mặt trời phải giao chiến với con rắn khổng lồ, Apep, ngăn trở đường đi của con thuyền; cuộc chiến tàn khốc này biểu lộ trên mặt đất bằng những cơn bão. Khi có nhật thực toàn phần nghĩa là Apep đã tạm thời nuốt mất con thuyền. Nhưng Ra luôn luôn chiến thắng: Thần lại xuất hiện vào ngày hôm sau để chiếu sáng và sưởi ấm thế giới bằng những tia sáng ấm áp của mình.

GIẤC MƠ CỦA BRAHMA
Mặt trời, thiên thể của sự sống, đã đóng vai trò quan trọng trong rất nhiều vũ trụ thần thoại. Trong vũ trụ thần thoại Ấn Độ, thần Mặt trời, Surya, đi qua bầu trời trên một cỗ xe bằng vàng do bảy con ngựa kéo được điều khiển bởi một xà ích không có chân. Thế giới quan Hindu gợi nhớ một cách đáng ngạc nhiên đến một số khái niệm của vũ trụ học hiện đại. Brahma là một trong những vị thần chính trong số chư thần của đạo Hindu. Thường được thể hiện với bốn tay và bốn đầu tượng trưng cho sự toàn năng và toàn thức, Brahma là thần được sinh ra đầu tiên và cũng là đấng sáng tạo ra vạn vật. Ngài tạo ra thế giới trong lúc ngủ và mơ. Mỗi một chu kỳ của vũ trụ tương ứng với một nhịp thở của Brahma, vũ trụ nở ra khi thần thở ra và co lại khi thần hít vào. Sự nở ra này của vũ trụ gợi ta nhớ đến sự giãn nở của vũ trụ được phát hiện bởi nhà thiên văn học người Mỹ, Edwin Hubble hơn 20 thế kỷ sau. Mỗi một chu kỳ kéo dài khoảng 8,6 tỷ năm, một con số trùng hợp một cách kỳ lạ với những khoảng thời gian đặc trưng của vũ trụ học hiện đại, bởi vì nó gấp khoảng 2 lần tuổi của Hệ Mặt trời (4,55 tỷ năm) và khoảng một nửa tuổi của vũ trụ (14 tỷ năm).
Vũ trụ tiêu tan sau một trăm chu kỳ, khi giấc mơ của Brahma kết thúc. Sau 86 tỷ năm, Brahma bắt đầu mơ trở lại giấc mơ lớn vũ trụ, và vũ trụ lại bắt đầu một pha mới gồm 100 chu kỳ. Điều này gợi ta nhớ đến quan niệm hiện đại về vũ trụ tuần hoàn với sự luân phiên vô hạn của Big Bang (vụ nổ lớn) và "Big Crunch" (vụ co lớn).
Vũ trụ thần thoại Ấn Độ cũng chứa đựng tư tưởng về sự vô hạn của các vũ trụ, mỗi vũ trụ là sản phẩm của giấc mơ của các vị thần khác nhau. Một lần nữa, quan niệm này lại trùng hợp với quan niệm đã vũ trụ song song của vũ trụ học hiện đai.

Trong vũ trụ thần thoại Ấn Độ, chính vũ điệu của thần Shiva (ở đây được thể hiện như là vua khiêu vũ) đã tạo ra thế giới. Trong bức tượng đồng của thế kỷ XII - XIII này, thần được bao quanh bởi một vầng hào quang những ngọn lửa thể hiện vũ trụ đang bốc cháy. Vòng hào quang xuất phát từ một đóa hoa sen, biểu tượng của giác ngộ. Shiva nhảy trên một cái bệ thể hiện thể hiện sự ngu dốt. Thần có bốn tay: tay phải trên cầm một cái trống lục lạc tượng trưng cho sáng tạo; tay trái trên cầm một lưỡi lửa tiên đoán sự chết của vũ trụ trong tương lai; các cử động của hai tay còn lại tượng trưng cho sự cân bằng vĩnh cửu giữa sống và chết.

ĐẠO TRUNG DUNG
Quan niệm về bản chất tuần hoàn của chuyển động vũ trụ và sự chuyển hóa không ngừng của nó cũng hiện hữu trong vũ trụ học của người Trung Hoa. Giống như người Hindu, người Trung Hoa nghĩ rằng có tồn tại một hiện thực tối hậu bên ngoài các hiện tượng quan sát được, họ gọi đó là Đạo - nghĩa là Con đường vũ trụ. Họ tin rằng, mỗi khi một hiện tượng phát triển đến cực điểm, nó sẽ phải chịu một chuyển động ngược lại, biến nó thành cái đối lập của chính nó. Như vây, tất cả các phát triển của tự nhiên - dù là sự tiến hóa của vũ trụ, những chuyển động của Mặt Trời và Mặt Trăng, sự luân chuyển của các mùa hay là sự tiếp nối ngày và đêm - hết thảy đều tuân theo những chuyển động tuần hoàn, giãn nở rồi co lại, hay là đến rồi đi. Những chuyển động tuần hoàn này áp dụng không chỉ cho những hiện tượng tự nhiên, mà còn cho cả các sự vật của cuộc sống hằng ngày. Theo triết gia Trung Quốc, Lão Tử* (thế kỷ VI- V TCN), " trở về là cái động của Đạo, xa là trở lại" ( Hai vế của câu này lấy từ chương 40 và 25 trong cuốn Đạo đức kinh của Lão tử, vế thứ hai viết đầy đủ là "Đạo là lớn, lớn là đi, đi là xa, xa là trở lại" - ND). Niềm tin này mang lại hy vọng, lòng dũng cảm và sự kiên trì trong những thời khắc khó khăn, vì những lúc khó khăn này không chỉ sẽ được thay thế bằng những lúc những lúc thuận lợi hơn, mà còn gợi nhắc ta về sự khiêm tốn và thận trọng trong những lúc thuận lợi, bởi lẽ sự suy tàn cũng chẳng xa xôi gì. Nó đã cho ra đời học thuyết Trung dung: đừng bao giờ ham mê những cái thái quá, hoang phí cũng như sớm thỏa mãn.
Để minh họa cho khái niệm chuyển động tuần hoàn của Đạo, vào khoảng năm 500 TCN, Khổng tử (551- 479 TCN) đã đưa ra khái niệm về các cực đối lập, đó là Dương và Âm. Vì khái niệm Đấng sáng thế không tồn tại trong vũ trụ học Trung Hoa, nên thế giới được hình dung như là được sinh ra từ sự tác động qua lại liên tục giữa 2 lực đối cực đó. Trời gắn liền với Dương, là sức mạnh nam tính, mạnh mẽ và sáng tạo, trong khi đất là Âm, là nữ tính, là mẹ, là trực giác. Vũ trụ tuân theo một chuyển động tuần hoàn vĩnh cửu, Dương đạt đến cực điểm sẽ nhường chỗ cho Âm. Mặt trời là Dương, là ánh sáng, là nóng và khô. Mặt trăng là âm, là tối tăm, ẩm ướt. Ngày tiếp nối đêm, mùa hè tràn ngập ánh sáng và nóng tiếp nối mùa đông u ám và lạnh; còn rất nhiều những ví dụ khác về sự tương tác hài hòa của cặp Âm- Dương này.

TÍNH QUY LUẬT LÀM YÊN LÒNG CỦA TRỜI
Cùng với thời gian, con người bắt đầu nhận ra rằng các hiện tượng trên trời đều bộc lộ tính quy luật và thường hằng vốn rất thiếu vắng trong các công việc và quan hệ của con người. Sự đều đặn không gì lay chuyển được của Mặt trời đi qua bầu trời vào ban ngày, và Mặt trăng thay đổi hình dạng của nó theo các khoảng thời gian đều đặn trong tháng, những mùa tiếp nối nhau một cách bất biến từ năm này sang năm khác, sự quay trở lại của Mặt trời sau nhật thực toàn phần: tính chuẩn xác, không bao giờ sai lệch này của các hiện tượng trên trời tựa như một dạng bảo hiểm trước những bất trắc, vô định của ngày mai. Mặt trời trở lại chiếu sáng ban ngày sau những tối tăm của ban đêm được xem như là một sự tái sinh sau cái chết. Con người cổ đại nhìn thấy trong tính quy luật này của bầu trời như một bằng chứng cho tính bất diệt của linh hồn.
        Hơn nữa, sự sống sót và yên ổn của con người phụ thuộc vào sự hiểu biết của họ về các hiện tượng trên trời và mối quan hệ giữa những cái xảy ra trên trời và dưới đất. Thật vậy, mùa săn bắt phụ thuộc vào những đợt di trú của các đàn linh dương chỉ xảy ra vào những thời điểm rất xác định trong năm. Mặt khác, phát minh ra nông nghiệp còn làm tăng thêm nhu cầu hiểu biết về bầu trời. Vì việc thu hoạch hoa lợi chỉ có thể thực hiện được vào một số mùa, nên khả năng đọc lịch trên bầu trời trở thành một vấn đề có tính sống còn.
          Các bạn hãy ngẩng đầu nhìn lên trời vào một đêm tối đẹp trời. Mắt bạn tự nhiên sẽ bị những ngôi sao sáng nhất cuốn hút. Theo cách gần như bản năng, bạn bắt đầu tưởng tượng nối chúng với nhau bằng những đường nét và vẽ nên các họa tiết trên bầu trời. Cố gắng xác lập một trật tự trên bầu trời, đó là một nhu cầu hết sức con người. Qua các thời đại và các nền văn hóa khác nhau, con người đã phóng chiếu lên các bầu trời những ước mơ và khát vọng của mình: các họa tiết và hình ảnh mà con người cảm nhận thấy ở đó thường chỉ là sự phản ánh môi trường cụ thể của họ. Chẳng hạn như tại bán cầu Bắc, chòm sao mà người Tây phương gọi là Đại Hùng (Gấu lớn), một hình ảnh do người Hy Lạp cổ đại và những người Da đỏ châu Mỹ truyền lại tới chúng ta là do họ là những người săn bắt đích thực. Còn người Pháp trung thành với truyền thống ẩm thực của mình, lại nhìn thấy ở đó hình ảnh của chiếc xoong. Chủ đề bếp núc cũng được người dân Bắc Mỹ sử dụng, đối với họ đó là một cái muôi (muỗng). Người Trung Quốc, vốn quen với một bộ máy hành chính khổng lồ, ở đó các quan lại của Đế chế dành nhiều thời gian để tra cứu những văn bản cũ, truyền những chỉ thị và thảo các báo cáo, lại thấy ở đó hình ảnh của một thầy ký trên thiên đình, ngồi trên một đám mây và nhận đơn khiếu nại của thần dân. Đối với người Ai Cập, chòm sao này lại biểu thị một đoàn rước kì lạ gồm có một con bò tót, một vị thần nằm, và một con hà mã cõng một con cá sấu trên lưng. Còn đối với những người Trung Âu, họ thấy đó là một cỗ xe ngựa. Những hình ảnh mà chúng ta cảm nhận thấy trên bầu trời thường nói về chính chúng ta, về lối sống của chúng ta hơn là về chính những hiện tượng đó.
         Toàn bộ bầu trời được phân bố thành 88 chòm sao trong đó rất nhiều chòm sao được người Tây phương đặt tên theo những nhân vật thần thoại cổ đại, như Hercule hay Persée. Cũng giống như Mặt trời và Mặt trăng, các ngôi sao - và như vậy cả các chòm sao do chúng tạo nên - đều mọc ở phía Đông và lặn phía Tây. Sở dĩ vẻ bề ngoài của bầu trời thay đổi trong đêm, như hiện nay chúng ta đã biết, là do chuyển động quay của Trái Đất quanh trục của nó. Các chòm sao cũng thay đổi theo các mùa, do chuyển động hằng năm của Trái Đất xung quanh Mặt trời. Như vậy trời có một trật tự và chúng ta có khả năng dự báo được, nhờ đó mà con người an tâm hơn trước những rối ren và bấp bênh của cuộc sống con người.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro