(2)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Em quên áo khoác.

Lần nào cũng vậy, em luôn để quên áo khoác ở bất cứ đâu, như ngày trước tôi gặp em ở Paris và em để quên hẳn chiếc áo khoác gió màu xanh ở quán cà phê tôi hay lui tới. Cũng chẳng có gì nếu như chiếc áo khoác đó trông giống hệt của tôi và em cứ liều mạng bảo tôi là tên trộm đồ.

Tôi nghĩ cũng thật lạ, dáng người của tôi và em rất khác nhau, em cao hơn tôi một chút, nhưng lại gầy hơn tôi nhiều chút, sao tôi có thể khoác áo của em được, ngay cả khi em dọn đến ở nhà tôi rồi thì có bao giờ tôi mượn được đồ của em đâu, và ngược lại thì em cũng thế.

Nhưng em biết không, mặc dù tôi chẳng phải tên trộm đồ, nhưng tôi lại thấy biết ơn khi trộm được một đoạn nhân duyên với em, tôi và em mặc đồ không cùng size, nhưng trong túi tôi sẽ luôn có chiếc áo khoác vừa vặn với em.

Em à, em là hết thảy những may mắn của tôi, là hết thảy sự tất bật của tôi.

Ngồi trên máy bay, em cứ ngắm nghía căn homestay tôi vừa thuê được vài ngày trước. Tôi muốn mua nhưng em không chịu, em bảo ở vài ngày, mua thì có để làm gì đâu. Nhưng em từng nói em muốn mua một căn nhà ở Vienna, em muốn sống hết đời còn lại ở Vienna mà.

"Anh đoán xem chủ nhân của căn nhà này có phải là một người yêu âm nhạc không?"

"Như em"

Một người yêu âm nhạc như em. Một người sẽ treo cây đàn guitar ở bên cạnh ghế sofa dài, một người sẽ để chồng đĩa than trên kệ sách, một người sẽ luôn để quyển nhạc lý mở ra trên đàn piano, dù đoạn nhạc đó đã chơi đến chán.

"Trương Chân Nguyên, đừng có cái gì cũng giống em có được không hả?"

"Vậy thì không giống em nữa, Á Hiên là người yêu âm nhạc nhất, là người đáng yêu nhất"

Bởi vì em là duy nhất. 

"Aiya cái ông này, ghê quá"

Rồi em cứ xuýt xoa cây đàn piano để ở giữa nhà. Đến khi tận mắt nhìn thấy, khoé miệng em cứ nâng lên mãi, cười hoài không ngớt, em vừa thích thú vừa hạnh phúc không gì tả được. Em từng kể cho tôi về ý định thiết kế nhà của em ra sao khi mua được một căn ở Vienna. Tôi thiết kế như vậy với nhà của chúng ta, sau đó đến Vienna lại nhờ người ta bày trí giúp, tôi không biết nữa, không phải ở nhà em cũng đã bày trí gần giống như vậy sao, sao em lại phấn khích đến thế. 

Em vén màn cửa, đứng phòng tầm mắt ra xa. 

Vienna vào chiều, những ngôi nhà mọc san sát nhau với đủ loại kiến trúc Châu Âu trông rất hút mắt, người ở dưới đường thật đông và hoàng hôn đang im lìm chui vào mắt em. 

"Bởi vì ở đây là Vienna"

Tôi không theo kịp suy nghĩ của em. 

Lúc đó vẫn chưa biết được có ngày mình sẽ hiểu được ý nghĩa của nó. Rằng Vienna cho phép những tâm hồn yêu nghệ thuật được phóng hoang đi đâu đó và hát lên những khúc ca vĩnh hằng. Rằng Vienna dường như là ước mơ được xê dịch của một người si mê từng bản ca huyền thoại. Rằng em, vốn đã yêu âm nhạc, đã yêu Vienna nhiều lắm.

Nhưng em, nhưng chúng ta  không thể ở cả đời với Vienna.

Em đã ngồi đàn "Bản giao hưởng số 5" của Beethoven. Tôi mất ngủ cả đêm, nhìn thấy em rón rén bước ra ngoài, tôi cũng chỉ nằm im nhắm mắt ở trong phòng.

"Bản giao hưởng số 5" được trình diễn lần đầu tiên là ở Vienna, năm 1808. Tác phẩm là sự chuyển biến tâm lý cùng cảm xúc cực kỳ mạnh mẽ của nhà soạn nhạc Beethoven. Khi những nốt đầu tiên trong bản nhạc vô cùng dứt khoát và nặng nề, khiến người ta gần như chìm vào bóng tối của chiến tranh, thuốc súng và sự đau khổ, nhưng chẳng thể chối bỏ sự chiến thắng trước nghịch cảnh như một bản "Anh hùng ca" được chứa đựng trong những nốt tiếp theo.

"Bản giao hưởng số 5" của ngài, được viết trong những ngày tháng ngài phải chịu đựng sự hành hạ của căn bệnh điếc.

Nghịch cảnh của ngài khi ấy, có lẽ không chỉ đến từ bối cảnh lịch sử, còn đến từ chính bản thân ngài nữa.

Em à, vì sao em lại đàn "Bản giao hưởng số 5"? Có phải vì em đang đau không?  Em cố nói với tôi rồi em sẽ vượt qua và tôi hãy chấp nhận điều đó? Những nốt em đàn thật nặng nề, nhưng những nốt em đàn cũng thật dịu dàng.

Đêm ấy tôi ôm em, tôi đã ôm em thật chặt.

Tôi đưa em đi khắp Vienna. Vào Nhà hát Vienna để nghe một bản Opera, tôi đã ngủ quên mất, em cố giải thích bản Opera đó là gì, nhưng sau cùng tôi cũng chẳng hiểu, chỉ nói với tôi dây thanh quản của ca sĩ thật tuyệt và tiếng đàn Cello ở ngoài đời nghe thật lạ. Đến Haus der Musik để em tận mắt nhìn thấy căn phòng sáng tác của Haydn và thử sức sáng tác một điệu Waltz cho riêng mình. Đi dạo dọc theo đường bên cánh rừng cạnh sông Danube và nghe một vài người nghệ sĩ đường phố đàn những bài hát cổ điển khá quen thuộc với em.

Tôi và em băng qua cánh rừng pha xanh lẫn vàng, Vienna sang mùa rồi.

Chúng ta dừng chân ở bên cạnh sông Danube.

Ồ, sông Danube, dòng sông xanh biếc uốn lượn, dòng sông chảy dài, dòng sông trong lời em kể thật trong lành và tinh khiết.

"Có lần anh hỏi em "Blue" có phải nghĩa là buồn không ấy"

Em khoác tay qua tay tôi, lại ngồi dịch sát vào tôi một chút, Vienna chuẩn bị vào đông, lạnh thật.

Tôi không đáp, chỉ theo thói quen lại đưa tay em áp lên má mình.

"Em hi vọng Danube với anh không buồn."

Tôi nghĩ chắc em cảm nhận được mà, hơi ấm từ má tôi, cả hơi ấm từ dòng nước mắt đột ngột chảy ra.

Tôi đã khóc, trước mặt em, yếu đuối như thế trước mặt em. Có bao giờ tôi đủ mạnh mẽ để đối diện với nỗi đau của em đâu, tôi chỉ biết ngã gục và yếu ớt như thế, dù cảm xúc đến với tôi đầy đau đớn và tức giận, tôi cũng chỉ biết trở nên nhỏ bé, vô cùng nhỏ bé, chui tọt vào lòng em và chờ em đến vỗ về.

Bởi vì mỗi lần khi em quấn chặt cả cơ thể vào chiếc gối ôm và mồ hôi rỉ ra trên trán, hay cả lúc em bấu ngón tay vào thành giường đến đỏ au, tôi chỉ biết lặng yên ngồi bên cạnh em, vốn dĩ muốn ôm em, lại sợ em đau thêm.
Chưa lần nào em quấn chặt và bấu lấy tôi, em chỉ biết làm đau mình, mà em làm đau mình, tôi còn đau hơn cho em. Cũng chỉ có em, tự mình mạnh mẽ vượt qua nỗi đau rồi đến vỗ về lòng tôi đang khóc.

Nhưng lần này... em nắm chặt lấy tay tôi, đến nỗi móng tay của em bấu vào da tôi đến chảy máu. Tôi không đau ở chỗ máu chảy, tôi đau ở lồng ngực, choáng cả đầu, khi thấy em phải thu chặt người và kiềm không cho nỗi đau điều khiển chân tay mà làm loạn.

Tôi ôm em, đặt lên trán em một nụ hôn.

Tôi ôm em, rõ là rất chặt

... vậy mà tôi không ôm nổi em bên cạnh mình.

Ôi Danube, ôi Danube, vậy là thêm lần nữa, thêm lần nữa Danube chứng kiến một người rời xa một người.

Sao Danube không cho người ở trên thuyền, không cho tôi chạy đuổi theo. Sao Danube không xanh như màu xanh trong đôi mắt Johann Strauss II. Sao em chẳng ở với tôi đến ngày Giao thừa để nghe người ta chơi bài "Bên dòng sông Danube xanh xinh đẹp". 

Em ơi, em ơi... Danube với tôi thật buồn.

.

"Lần đầu tiên em đến Vienna, cũng không ngờ đã sống hết đời ở Vienna" 

Hoàn. 

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro