hạ.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


"Báo đây, báo đây, báo mới nóng hổi đây!"


Một cậu nhóc gầy gò, mặt mũi lấm lem, quần áo vá chằng chịt đang thoăn thoắt chạy nhanh trên phố, một bên tay đỡ lấy sấp báo dày cộp, một bên phất phất tờ báo mới được in sáng nay.


Phác Lộ Hàm miệng gặm dở chiếc bánh bột mì, ngoắc thằng nhóc lại rồi đưa cho nó một hào, cầm tờ báo mới lên lật giở, khi lật đến trang cuối cùng, phía góc dưới tờ báo có một mẩu tin nhỏ được đề tên "đưa tin bởi ký giả Phác Lộ Hàm". Y sung sướng la lên, suýt thì làm rơi chiếc bánh, mẩu tin với nội dung tìm bò bị mất cho một bà cụ ở trấn Trai Đường, chỉ chiếm vỏn vẹn một góc nhỏ xíu trên cả mặt báo to, hơn nữa còn nằm tận trang cuối cùng. Tuy vậy nhưng đây là lần đầu tiên bài do Phác Lộ Hàm viết được in trên báo của tòa soạn lớn. Y cười lớn hớn hở, chân trước chân sau như bay trên mặt đường, phải chi hôm nay chuyện gì cũng suôn sẻ thì tốt biết mấy.


Chưa ngồi ấm chỗ, bà chị đồng nghiệp đã đi đến dúi vào tay Phác Lộ Hàm một tập tài liệu chỉ vỏn vẹn vài ba trang giấy mới vừa được in ra còn nóng hổi.


"Đọc qua đi rồi lát nữa đến Điền Hoa lâu, có một cuộc phỏng vấn cần cậu làm."


"Phỏng vấn? Phỏng vấn ai ạ?"


Phác Lộ Hàm vừa đưa mắt lướt nhanh qua tập tài liệu trên tay vừa sốt sắng hỏi.


"Phỏng vấn con trai ông chủ ở đó, lấy tư liệu để viết số báo mới, đề tài nghệ thuật hí kịch Trung Hoa."


Phác Lộ Hàm không giấu được phấn khích, trong ánh mắt ngập tràn hy vọng:


"Tôi được phụ trách đề tài đó sao?"


Bà chị bận bịu, ném lại cho Phác Lộ Hàm một câu rồi chạy mất:


"Không, cậu chỉ đi phỏng vấn người đó để lấy thêm tư liệu thôi, bài sẽ do người khác viết."


Đốm lửa nhỏ trong lòng Phác Lộ Hàm vừa được thổi cháy ngay tập tức bị tạt một gáo nước lạnh. Ủ rũ đọc mấy trang giấy trong tay mình, là thông tin của người y cần phỏng vấn và câu hỏi được viết sẵn.


Nghiêm Thịnh Huyền, con trai cả độc nhất của ông chủ Điền Hoa lâu, một ca kỹ thường đóng vai Sinh trong các vở hí kịch. Nhắc đến Điền Hoa lâu, Phác Lộ Hàm không khỏi trầm trồ mà nhớ lại những chuyện mình đã từng được nghe kể qua trước đây. Điền Hoa lâu là sân khấu kịch nổi tiếng và lớn nhất ở Bắc Bình, vốn đi lên từ một gánh hát rong nhỏ nhưng ông chủ nơi đây lại là một đại danh linh, một cây cổ thụ trong làng hí kịch Trung Hoa, Nghiêm lão gia am hiểu mọi loại hí cụ, thuộc làu tất cả các kịch bản cũ mới, tỉ mỉ từng cử chỉ đưa tay, từng điệu hạ chân xuống khi diễn trên sân khấu. Cả cuộc đời ông đã đào tạo ra biết bao nhiêu giác nhi, danh linh tiếng tăm lẫy lừng, thế mà người con trai duy nhất của ông, người được đặt kỳ vọng nhiều nhất sẽ kế thừa cha mình lại là một kẻ bất tài vô dụng.


Tuy rằng dùng câu nói đó để miêu tả Nghiêm Thịnh Huyền là có đôi chút quá lời, vì hắn không phải người lười tập luyện nên mới hát hí không tốt, mà đó là do trời sinh. Hắn được tiếp xúc với hí kịch từ khi còn trong bụng mẹ, ngày ngày đã được nghe cha hát, vừa chập chững biết đi đã trực tiếp được nhìn cha diễn hí mà trưởng thành. Hỏi hắn có yêu hí kịch không à? Đương nhiên là có rồi, hắn yêu thứ nghệ thuật này đến điên dại, thứ nghệ thuật mà cha hắn xem như nó là cả cuộc đời ông, gìn giữ và vun đắp nó. Hắn theo cha học hát, học đàn, học múa, ai thấy bóng dáng hắn ở đâu là đều đang trông thấy một Nghiêm Thịnh Huyền luyện thoại rất chăm chỉ. Có điều đằng đẵng gần 20 năm như vậy, hắn vẫn chỉ là một đào kép nhỏ, chuyên đóng vai phụ trong các vở diễn mà thôi. Hắn ca không dở, nhưng lại chẳng có gì đặc sắc để khiến người ta lưu tâm, đôi lúc còn bị nhận xét rằng quá vô hồn, không truyền được cảm xúc gì đến trái tim người nghe, vì là con của ông chủ nên mới đương còn được diễn trong Điền Hoa lâu. Bởi vậy nên người đời chẳng ai gọi hắn một tiếng danh linh hay bèo bọt hơn là con hát cả, họ gọi hắn châm biếm với cái tên Nghiêm lão bản, ông chủ Nghiêm.


Một kẻ vô danh tiểu tốt, hữu danh vô thực, bảo sao tập tài liệu về thông tin của Nghiêm Thịnh Huyền trong tay Phác Lộ Hàm lại chỉ có vỏn vẹn ba trang giấy. Y thở dài, thôi thì đến phỏng vấn nhanh nhanh cho xong.


Đứng trước cửa Điền Hoa lâu, Phác Lộ Hàm không kiềm nổi mà tròn mắt trầm trồ, y đã từng đi qua đây cả trăm lần nhưng chưa lần nào để ý kỹ để thấy Điền Hoa lâu to lớn, đẹp đẽ vô cùng thế này. Chưa kịp hoàn hồn thì từ bên trong, người quản gia đã đẩy cửa gỗ bước ra, trịnh trọng mời Phác Lộ Hàm vào trong, vì có hẹn trước từ tòa soạn nhưng Nghiêm Thịnh Huyền lại đang bận chút việc nên sai người ra mời Phác Lộ Hàm vào trong nhà hát đợi mình. Y đầy khách sáo, liên tục cúi đầu cảm ơn vị quản gia và bảo ông không cần phải cho lắng cho mình, cứ để y tự nhiên ngồi dưới nhà hát đợi Nghiêm lão bản là được rồi.


Vị quản gia gật gù, yên tâm khi biết Phác Lộ Hàm là ký giả của một tòa soạn lớn nên để y lại một mình mà đi lên lầu. Một mình buồn chán, Phác Lộ Hàm bắt đầu lượn quanh một vòng nhà hát lớn để thăm thú xem sao, biết đâu lại có thêm tư liệu.


Phác Lộ Hàm từ từ lướt qua những dãy ghế dài để tiến gần đến khán đài, đứng trên đó đưa mắt nhìn xuống dưới đều tăm tắp các ghế gỗ nhỏ, bấy giờ kinh kịch rất nổi tiếng ở Bắc Bình, thậm chí những người làm nghề ca kỹ này có khi còn giàu có hơn cả những ký giả như y, nhiều nhà hát lớn nhỏ, đoàn hát rong mọc lên khắp nơi, hí kịch dường như phủ khắp chốn phồn hoa nhộn nhịp, thế nhưng Phác Lộ Hàm lại chưa từng đi nghe hí bao giờ, vậy nên ngay lúc này đây, trong lòng y bất giác sượt qua ý nghĩ vu vơ rằng không biết ngồi từ dưới nhìn lên sẽ trông ra sao. Y tò mò phát hiện ra một đống nhạc cụ để ở góc sân khấu, Phác Lộ Hàm lại gần xem xét, đôi tay nhỏ nhắn không kiềm được mà khẽ lướt qua dây của chiếc đàn tranh cũ, vô ý tạo thành mấy nốt nhạc không rõ nhịp, trong lòng rộn ràng như ngàn bướm bay lượn. Y chưa từng đến đây, cũng không biết rõ hí kịch là như thế nào, nhưng khi những nốt nhạc vang lên, Phác Lộ Hàm dường như cảm thấy quen thuộc vô cùng, một cảm giác gì đó thôi thúc y tiếp tục gẩy mấy nốt đàn tranh, không thanh không chua, Phác Lộ Hàm như thấy bản thân mình đã từng đánh qua đàn tranh cả trăm lần, từng đứng trên khán đài này múa hí cả ngàn lần, bất giác giật mình rụt tay lại. Chạy vội xuống dưới ngồi vào hàng ghế gỗ dài, chân rung lên vô thức, nhìn ngó hai bên than thở:


"Nghiêm lão bản không biết bao giờ mới xuất hiện, đã quá hẹn một canh giờ rồi, tự nhiên bị bắt đi phỏng vấn một người vô danh, lặn lội xa xôi lại còn phải chờ đợi, về không được tự tay viết bài mà còn phải đưa tư liệu cho người khác nữa chứ, đời mình đúng là đời tàn mà."


"Ngươi bảo ai vô danh?"


Giọng nói chầm chậm từ đằng sau lưng vọng lại khiến Phác Lộ Hàm một phen thất kinh, không dám quay đầu, chờ đến khi Nghiêm lão bản từ đằng sau đi lên đứng trước mặt y, Phác Lộ Hàm mới run rẩy đáp:


"Tôi.. tôi... tôi xin lỗi, tôi không biết là ngài tới rồi!"


Giọng Nghiêm Thịnh Huyền vẫn một điệu trầm ổn:


"Ngươi là ký giả được tòa soạn cử đến để phỏng vấn Nghiêm lão bản ta?"


Nghiêm Thịnh Huyền không đem chút giận dữ nào để trong lòng nhưng vẫn khiến Phác Lộ Hàm sợ hãi không dám nhìn thẳng, chỉ khẽ gật đầu nhẹ một cái.


"Được rồi, vậy lên lầu đi, ở đây không tiện nói chuyện."


Thấy Nghiêm Thịnh Huyền không tra hỏi những lời buột miệng khi nãy của mình nữa, Phác Lộ Hàm thở phào một hơi, y lấy túi, cầm sách bút chuẩn bị sẵn lẽo đẽo theo hắn lên lầu. Cuộc phỏng vấn cũng diễn ra suôn sẻ, sau khi cảm ơn Nghiêm Thịnh Huyền vì đã dành chút thời gian vàng bạc của mình cho cuộc phỏng vấn ngày hôm nay, Phác Lộ Hàm toan cất sách bút và chuẩn bị ra về thì bị Nghiêm Thịnh Huyền gọi lại:


"Ta sẽ liên lạc với toà soạn để yêu cầu họ về việc ngươi là người sẽ trực tiếp viết bài cho phóng sự về Nghiêm lão bản ta."


Dặn xong mới để y rời đi, bước ra khỏi Điền Hoa lâu, Phác Lộ Hàm vẫn còn đương ngơ ngác chưa hiểu gì, thật sự trên đời có người tốt vậy ư. Y gọi hắn là kẻ vô danh, hắn lại không chấp nhặt mà giúp đỡ y, thật sự có người rộng lượng vậy sao? Phác Lộ Hàm xoay người, hướng mặt về cửa Điền Hoa lâu, hô lớn:


"Nghiêm lão bản muôn năm! Đội ơn Nghiêm lão bản!"


Số báo tuần sau, phóng sự về đề tài nghệ thuật hí kịch Trung Hoa được đăng trên trang nhất, mặt đầu tiên ngay chính giữa tờ báo, bên dưới là cuộc phỏng vấn với Nghiêm Thịnh Huyền - Nghiêm lão bản của Điền hoa lâu, phỏng vấn và viết bởi ký giả Phác Lộ Hàm.


Phác Lộ Hàm ở tòa soạn, chân ngồi vắt vẻo trên mặt bàn, phổng mũi, miệng cười thiếu điều muốn rộng đến mang tai, giơ cao tờ báo sáng nay lên trước mặt ngắm nghía đã hơn nửa canh giờ rồi. Người ta thường có câu trước giông bão là bầu trời bình yên, bất cứ khi nào đang hạnh phúc, cuộc đời đều có thể vả bạn một cái thật đau, Phác Lộ Hàm lại không cảm nhận được điều đó. Từ ngoài cửa, chị gái đồng nghiệp hớt hải chạy vào:


"Lộ Hàm, cậu mau chuẩn bị đồ đạc đến Điền Hoa lâu đi."


Y hạ tờ báo xuống, ngó nửa mặt chỉ để lộ mỗi đôi mắt:


"Sao lại vậy?"


"Ngoài kia đang rầm rộ lên sau bài báo sáng nay, mọi người phản ứng rất tốt về câu chuyện con trai ông chủ nhà hát nỗ lực tập luyện cả đời nhưng không thể kế nghiệp cha mà cậu viết đấy."

"Mau đứng dậy đến Điền Hoa lâu săn tin, đám ký giả của các tòa soạn khác cũng đang bu đen bu đỏ ở đấy rồi!"


"Nhưng sao lại là tôi?"


"Cậu thật ngốc!"

Bà chị mắng.

"Chủ tòa soạn đã liên hệ được với Nghiêm Thịnh Huyền rồi và cậu ta yêu cầu người ký giả lần trước phỏng vấn cậu ta đến thì mới chịu gặp mặt."


Nghiêm Thịnh Huyền yêu cầu Phác Lộ Hàm đích thân đến? Y có đang nghe nhầm không? Tuy lần trước hắn ta không chấp nhặt y việc lỡ lời chê bai hắn, nhưng một người bị nói là vô danh tiểu tốt vẫn muốn gặp người thốt ra câu đó hay sao? Phác Lộ Hàm đột nhiên cảm thấy có luồng điện chạy xoẹt qua người, toàn thân run lên một nhịp. Tên này ngoài mặt ra vẻ không sao nhưng trong lòng lại để bụng vậy ư? Còn nếu không phải thì Nghiêm lão bản này đang muốn gì ở y?


Cuối cùng dù không muốn, Phác Lộ Hàm vẫn phải vác thân đến trước Điền Hoa lâu. Chen qua đám đông chật kín ngoài cửa, toàn là những ký giả đến đòi phỏng vấn, những nam nhân nữ tử tìm mua vé xem hí kịch tối nay để ngắm bằng được Nghiêm lão bản trong câu chuyện, có vẻ sau bài viết sáng nay, độ nổi tiếng của Nghiêm Thịnh Huyền nhờ y mà tăng lên bội phần.


Do vị quản gia đã biết mặt Phác Lộ Hàm từ trước nên chỉ khi y vừa mới chen được người qua khỏi đám đông là cửa Điền Hoa lâu liền mở để y chui tọt vào.


Trước mặt y, Nghiêm Thịnh Huyền một thân hí phục hoa long bào, đeo râu đen dài quá eo, mặt bôi phấn trắng, đầu đội mão đỏ đang đứng thẳng lưng, oai phong múa kiếm mà xướng lên:


"Lực bạt sơn hề, khí cái thế,

Thời bất lợi hề, Truy bất thệ

Truy bất thệ hề khả nại hà,

Ngu hề, Ngu hề nại nhược hà."


Sức dời núi, khí trùm trời,

Ô Truy chùn bước bởi thời không may!

Ngựa sao chùn bước thế này?

Ngu Cơ, biết tính sao đây hỡi nàng?


Trong bất giác, Phác Lộ Hàm như bị hút vào ánh nến vàng mờ ảo trên khán đài, hút vào tiếng đàn tranh được gảy, tiếng kèn được thổi vang kia, rồi như thể bị ma nhập, y từ từ tiến lại nơi Nghiêm Thịnh Huyền đang đứng, dùng giọng điệu thánh thót như đang ca hí mà ngâm lên rằng:


"Hán binh dĩ lược địa,

Tứ diện Sở ca thanh.

Trượng phu ý khí tận,

Tiện thiếp hà liêu sinh."


Quân Hán lấy hết đất,

Khúc Sở vang bốn bề.

Trượng phu chí lớn cạn,

Tiện thiếp sống làm chi.


"Ngươi có biết vở chúng ta đang diễn tên là gì không?"


Câu hỏi của Nghiêm Thịnh Huyền làm Phác Lộ Hàm giật mình hoàn hồn, y nhận ra bản thân vừa ngâm lên một bài thơ mà chính y còn không biết nó từ đâu ra. Y từng nghe ai đọc qua? Từng xem trên sách báo? Hay từng nghe trên radio? Phác Lộ Hàm không lú lẫn đến độ không nhớ được rằng y chưa từng biết bài thơ này.


Phác Lộ Hàm ngơ ngác lắc đầu. Rồi Nghiêm Thịnh Huyền cười một tiếng nhẹ, tự chỉ tay vào hắn:


"Ta là Tây Sở Bá Vương Hạng Vũ."


Rồi quay sang chỉ vào y:


"Ngươi là nàng Ngu Cơ, vương phi của ta."


Nói đoạn hắn phất ống áo hí phục lên cao:


"Vở kịch mà chúng ta đang diễn chính là vở Bá Vương Biệt Cơ."


Bá Vương Biệt Cơ là một vở kinh kịch dựa trên câu chuyện tình giữa Tây Sở Bá Vương Hạng Vũ và người vợ yêu của ông là nàng Ngu Cơ thời Hán Sở Tranh Hùng.Năm 209 TCN, Hạng Vũ và chú là Hạng Lương khởi nghĩa để lật đổ nhà Tần. Ngu Tử Kỳ là một chiến tướng dưới trướng Hạng Vũ, em gái của Ngu Tử Kỳ là Ngu Cơ do vậy gặp được Hạng Vũ. Ngu Cơ không chỉ có dung mạo xinh đẹp mỹ miều, còn rất giỏi võ.

Lúc đó Hạng Vũ tuổi trẻ dũng mãnh, anh hùng một phương, thực sự là người đàn ông trong mộng của Ngu Cơ. Cũng bởi vậy, mặc dù Hạng Vũ đã có vợ, Ngu Cơ vẫn cam tâm tình nguyện gả cho Hạng Vũ làm thiếp.

Trải qua những trận đánh vẻ vang, thanh danh Hạng Vũ bay xa, chân chính trở thành đại anh hùng, gọi là Tây Sở Bá Vương. Trong khoảng thời gian liên tục chinh chiến, Ngu Cơ luôn bên cạnh Hạng Vũ như hình với bóng. Nàng không chỉ giúp Hạng Vũ có được hạnh phúc thực sự, có giúp đỡ rất nhiều trong những cuộc chiến ác liệt.

Đáng tiếc, hạnh phúc không kéo dài lâu, vào năm 202 TCN, Lưu Bang và Hạng Vũ tranh đoạt thiên hạ. Hạng Vũ bị Lưu Bang vây ở thành Cai Hạ, qua mấy lần đột phá vòng vây thất bại, binh mỏng lương cạn, Hạng Vũ rơi vào thế nguy khốn cùng cực.

Biết không thể thoát khỏi nạn này, Hạng Vũ uống rượu trong trướng cùng Ngu Cơ và đau đớn làm bài thơ "Cai Hạ ca". Cứ thế, vị đại anh hùng ngày nào vừa ảo não vừa ca bài thơ vài lần. Ngu vì quá hiểu lòng Hạng Vũ, đã quyết định múa kiếm, hát hòa theo lời ca. Sau khi ca múa xong, nàng kiên định, dũng cảm lấy kiếm tự sát để tránh làm vướng bận trượng phu của mình.

Mắt thấy mỹ nhân chết, Hạng Vũ chảy nước mắt khóc than. Đây cũng là lần duy nhất vị anh hùng rơi lệ. Sau đó, vị bá vương chọn vài người trung thành, mở đường máu phá vòng vây quân Hán chạy ra ngoài. Chạy đến sông Ô Giang thì cùng đường, cảm thấy không còn mặt mũi qua sông về Giang Đông tái dựng cơ đồ, Hạng Vũ tự sát.


Phác Lộ Hàm không hiểu vì sao Nghiêm Thịnh Huyền lại nói cho y nghe mấy điều này, càng không hiểu vì sao mình lại thuộc bài thơ kỳ lạ đó.


"Bài thơ tôi đọc là lời của nàng Ngu Cơ? Tại sao tôi lại thuộc nó?"


Nghiêm lão bản xoay người, phất hai ống áo thủy tụ ra sau:


"Phàm cái gì là duyên phận, chắc chắn sẽ luôn là duyên phận."


Nói rồi liền bỏ đi, để lại mình Phác Lộ Hàm đứng trên khán đài. Có gì đó rất rối ở đây, ngay từ ngày đầu tiên đặt chân đến nơi này, từ cái cảm giác lúc rộn ràng, lúc bồn chồn trong lòng mình và giờ là đến vô ý bất giác đọc ra một bài thơ lạ. Nghiêm Thịnh Huyền thì dường như biết điều gì đó nhưng lại không muốn nói cho y. Càng như vậy, Phác Lộ Hàm lại càng cần phải tìm hiểu nguyên do. Y bước ra khỏi Điền Hoa lâu, vẫn phải chen qua đám đông chật kín, ngoảnh đầu nhìn lên trên lầu. Y, nhất định sẽ còn quay lại đây.


Từ sau bài viết về cuộc phỏng vấn với Nghiêm Thịnh Huyền do Phác Lộ Hàm viết làm doanh thu tòa soạn tăng gấp hai gấp ba lần những tháng trước, y liền được thăng chức, được chủ tòa soạn cho phụ trách nhiều bài báo chính hơn. Dần dần cái tên ký giả Phác Lộ Hàm xuất hiện vài lần trên cùng một số báo của tuần mới trở thành điều rất đỗi bình thường. Đương nhiên vì vậy mà công việc của Phác Lộ Hàm cũng nhiều lên, bận bịu từ đầu tuần đến cuối tuần, có khi còn phải tăng ca vào ngày nghỉ. Thế nhưng dù bận là vậy, Phác Lộ Hàm vẫn luôn sắp xếp được lịch, ngày cuối tuần nào cũng đều đặn ghé qua Điền Hoa lâu, bám dính lấy Nghiêm Thịnh Huyền. Lúc thì lân la hỏi chuyện về hí kịch, khi lại nói về gia đình, kể chuyện ở nơi làm việc. Ban đầu, y cũng sợ hắn sẽ cảm thấy y phiền phức, nhưng lâu dần chẳng thấy Nghiêm lão bản này phàn nàn gì. Thế là cứ hắn kể về hí kịch, y sẽ kể chuyện làm báo, hắn tâm sự về gia đình, y sẽ huyên náo chuyện hằng ngày của y.


Cứ thế mà từ khi nào Phác Lộ Hàm lại đem Nghiêm Thịnh Huyền biến thành tri kỷ, hoặc hơn cả thế, một thứ tình cảm lớn hơn hai từ tri kỷ rất nhiều mà Phác Lộ Hàm không thể nào lý giải, không thể nào nói thành lời, viết thành câu chữ. Từ việc phải điều tra nguyên do đến không còn chút phòng bị với vị Nghiêm lão bản này, chuyện gì cũng đem kể, đem tâm sự hết với đối phương. Và có lẽ Nghiêm Thịnh Huyền cũng cảm thấy giống y, cũng coi y là tri kỷ của hắn. Y hỏi gì hắn cũng trả lời, thường xuyên tự kể chuyện nhà, chuyện hí kịch cho y nghe.


Phác Lộ Hàm tự cảm thấy thế này cũng tốt, y không muốn quan tâm đến chuyện nguyên do việc như bị ma nhập của mình, trong thời thế hỗn loạn này, tìm ra được một người hiểu mình, muốn nghe mình chia sẻ đã là quá may mắn với Phác Lộ Hàm rồi.


Lại nói đến tình hình thời ấy, năm tháng mà cuộc Đại cách mạng Văn Hóa mới chớm nổ ra, chính phủ Bắc Bình phải ban hành giờ giới nghiêm cho toàn bộ nhân dân tại đây. Không ai được ra khỏi nhà quá 8 giờ tối để tránh các bè phái, tổ chức chính trị phản động tụ họp, cũng để tránh bạo loạn do các phe phái tiêu cực phát động. Và vì là tòa soạn lớn, đứng đầu cả thành phố Bắc Bình nên Phác Lộ Hàm cùng mọi người ở tòa soạn đều phải làm việc hết công suất để liên tục cập nhật tình hình chính trị lên mặt báo mới mỗi ngày.


Vào một buổi chiều muộn đầu hạ, Phác Lộ Hàm đang đi lấy tin về một vụ cháy lớn cách Bắc Bình vài dặm thì chợt nghe thấy tiếng rao bên lề đường, Nhìn kỹ một chút, y phát hiện đó là tiếng phát ra từ một sạp bán bánh quế hoa, nhìn những miếng bánh trắng thơm đang bốc khói nghi ngút, Phác Lộ Hàm chợt nhớ đến Nghiêm Thịnh Huyền, hồi trước hắn từng kể lúc bé hắn rất thích ăn bánh quế hoa mẹ làm nhưng từ khi bà mất, chẳng ai làm món bánh này cho hắn ăn cả. Chỉ nghĩ được đến thế, sau khi lấy tin tức xong xuôi, Phác Lộ Hàm liền hai tay, mỗi tay xách hai bich bánh quế hoa, vui vẻ muốn đem về ngay cho Nghiêm Thịnh Huyền.


Về đến Điền Hoa viên cũng đã quá 7 rưỡi, Phác Lộ Hàm vội vàng gõ cửa, Nghiêm Thịnh Huyền từ trong bước ra đầy ngạc nhiên. Y giơ lên, đung đưa bốn túi bánh trước mặt hắn, cười lớn nói bằng giọng điệu rất hớn hở:


"Bánh hoa quế cho ngài!"


Nghiêm lão bản đón lấy, có chút bất ngờ xen lẫn hạnh phúc thoáng vụt qua:


"Sao ngươi nhớ ta thích bánh quế hoa mà mua."


"Đương nhiên là nhớ rồi, vì tôi là..."


Bỗng từ xa có tiếng động lớn, Phác Lộ Hàm quay lại nhìn thì phát hiện có bóng người khả nghi vừa chạy khỏi từ một ngôi nhà bỏ hoang. Với máu tò mò vốn có của mình và bệnh nghề nghiệp, y nhét nốt vào tay Nghiêm Thịnh Huyền hai túi bánh còn lại, vội đuổi theo bóng đen kia, cũng chẳng kịp nghe thấy Nghiêm Thịnh Huyền nói gì sau lưng.


"Này, sắp đến giờ giới nghiêm rồi, ngươi đừng..."


Nghiêm Thịnh Huyền cũng chẳng kịp nói hết câu thì Phác Lộ Hàm đã chạy đi mất. Nhìn theo bóng y, hắn chẳng thể nào thôi lo lắng, lòng cứ như thiêu như đốt.


Mấy túi bánh hoa quế trong tay Nghiêm Thịnh Huyền bỗng rơi xuống cùng hai tiếng súng nổ ở phía Tây, đó là hướng Phác Lộ Hàm đã chạy đuổi theo người kia. Nghiêm Thịnh Huyền vứt hết cả, lao nhanh vào màn đêm tối, chạy tới nơi có tiếng súng lại chẳng phát hiện ra một bóng người nào. Chạy xa hơn, càng ngày càng xa hơn, xa hơn nữa, mỗi lần tìm kiếm, nhìn ngó xung quanh là mỗi lần có một đống củi được nhét thêm vào đám lửa đang cháy lớn trong lòng Nghiêm Thịnh Huyền, rốt cuộc vẫn chẳng thấy Phác Lộ Hàm đâu. Nghiêm Thịnh Huyền dần không biết nên làm gì, hắn cứ đi đi lại lại một chỗ, hết cắn tay, vò đầu đến vò áo. Rồi bỗng từ trong một con ngõ nhỏ, Nghiêm Thịnh Huyền nghe thấy tiếng sột soạt cùng tiếng mèo con kêu, từ trong mảng màu đen, Phác Lộ Hàm bước ra cùng với một bé mèo nhỏ trên tay, mặt mũi lấm lem toàn bụi gỗ cháy. Nghiêm Thịnh Huyền lao đến ôm chặt lấy y, như thể sắp chết nghẹn.


"Sao ngươi không nghe lời ta, sao cứ chạy lung tung thế hả."


Phác Lộ Hàm ngây ngô cười hì hì, chỉ chỉ vào chú mèo nhỏ y ôm trong lòng:


"Tôi đuổi theo người kia được một đoạn thì bị mất dấu, định quay về ngay nhưng lại nghe thấy tiếng mèo kêu trong ngõ, rồi phát hiện chú mèo nhỏ này bị kẹt trong đám củi cháy."


Y hai mắt tròn xoe nhìn hắn:


"Chúng ta nhận nuôi nó đi!"


Bộ dạng này của Phác Lộ Hàm làm cho Nghiêm Thịnh Huyền vốn muốn mắng cũng không mắng được, cố kiềm ngọn lửa trong lòng mình lại, có trách thì trách Phác Lộ Hàm quá đỗi lương thiện mà thôi. Hắn xoa xoa mái tóc y, cười khổ:


"Được rồi, bình an là được rồi."


"Này, người đứng ở kia, không được chạy!"


Tiếng đám quân lính đi tuần làm cả hai giật mình, như nhớ ra gì đó, Nghiêm Thịnh Huyền đem Phác Lộ Hàm giấu vào con ngõ nhỏ không đèn khi nãy. Hai tên lính đi tuần tiến đến, chĩa đèn và súng lên người Nghiêm Thịnh Huyền, quát lớn:


"Ngươi là ai, có biết giờ này là giờ giới nghiêm không hả?"


Nghiêm Thịnh Huyền giữ im lặng, giơ hai tay lên cao biểu thị mình không có vũ khí, càng không có ý muốn chống trả. Hắn cứ giữ nguyên như thế cho đến khi hai tên lính kia nhìn rõ người trước mặt là ai, bọn chúng hoảng hốt, lắp bắp:


"Nghiêm... Nghiêm lão bản... sao ngài lại ở đây?"


"Ta biết bây giờ là giờ giới nghiêm, cấm ra đường. Nhưng cha ta ở nhà đang ốm nặng, cần tìm đại phu gấp. Ta biết mình đã vi phạm luật được đặt ra, nhưng hai người có thể thông cảm, coi như chưa từng thấy ta được không?"


Hai tên lính nhìn nhau, rồi gãi đầu, ấp úng:


"Nhưng... nhưng mà, chúng tôi chỉ làm theo luật thôi."


Nghĩ đến đây, thấy không thể lạt mềm buộc chặt được nữa, Nghiêm Thịnh Huyền bèn hắng giọng, quát lớn:


"Không phải giờ giới nghiêm được đặt ra là để bảo vệ người dân hay sao, nay cha ta ốm nặng ở nhà, nếu ông có mệnh hệ gì thì luật lệ này đặt ra cũng vô nghĩa, cũng vẫn là giết người. Hai ngươi cũng biết cha ta có công với cuộc cách mạng này như thế nào, ông cho chính phủ các ngươi mượn hí kịch để tuyên truyền, lấy Điền Hoa lâu làm nơi củng cố niềm tin từ nhân dân cho chính phủ các ngươi. Nay ông lâm bệnh, các người không thể nhắm mắt cho qua được hay sao."


Hai tên lính thấy Nghiêm Thịnh Huyền đổi giọng liền lập tức tái mét mặt mày, cúi đầu xin lỗi lia lịa rồi bỏ chạy đi mất. Thấy hai tên lính đã khuất xa, Phác Lộ Hàm đang nép sau lưng Nghiêm Thịnh Huyền bỗng liền ngó lên, giơ ngón cái về phía hắn, cười cười:


"Ngầu quá!"



Từ sau tối đó, Nghiêm Thịnh Huyền chợt nhận ra Phác Lộ Hàm trước mặt này, quan trọng với hắn thế nào, không chỉ đơn giản là tri kỷ, không chỉ đơn giản là sợi tơ duyên từ kiếp trước. Nghiêm Thịnh Huyền đã quyết định sẽ kể cho Phác Lộ Hàm nghe một câu chuyện.



Bên hiên lầu Điền Hoa lâu, trên đầu có ánh trăng cao, dưới chân có đèn lồng đỏ, tiếng người buôn bán, rao hàng tấp nập, tiếng cười đùa vui vẻ râm ran, Nghiêm Thịnh Huyền ngắm nhìn Phác Lộ Hàm hồi lâu rồi mới cất tiếng hỏi:


"Trước đây ta đã từng có một giấc mơ rất kỳ lạ, ngươi muốn nghe không?"


Phác Lộ Hàm mơ màng, đáy mắt nhòe đi vì sự xa hoa phía dưới, khẽ gật đầu.


"Năm ta mười tám tuổi, trong giấc mơ của mình, ta đã từng thấy bản thân đi lạc vào một khu rừng thần tiên. Gặp một bà lão trong ngôi nhà cây và ngươi biết gì không? Bà ấy đã cho ta thấy kiếp trước của mình."


Kiếp trước, ta không phải là một người diễn hí, thậm chí còn rất ghét hí kịch, kiếp trước ta là một Trạng nguyên. Từ nhỏ, ta đã đem lòng thương thầm mến mộ vị sư đệ của mình, ta vốn luôn nghĩ đó là điều sai trái, nghịch thiên ngược đạo, nên ta luôn tìm cách né tránh cậu ấy, cho đến một ngày ta phát hiện cậu ấy cũng có cảm tình với ta. Tiểu sư đệ rất xinh đẹp, là một danh linh nổi tiếng diễn hí rất hay. Ta ghét hí kịch nhưng lại rất thích xem đệ ấy diễn, ta yêu đệ ấy, yêu tất cả những thứ thuộc về đệ ấy. Nhưng ngươi biết không, ta là một tên khốn khiếp, đê hèn, vì đất nước mà chính tay ta đã đẩy người mình yêu đến nơi xa chốn lạ, mặc cho người mình yêu sống chết không rõ vẫn một thân gấm lụa kiệu rồng, mang danh Trạng nguyên lập công hiến kế.


"Tiểu tử, ngươi có tin vào kiếp trước không?"


Phác Lộ Hàm buồn chán nghịch ngợm mấy cái chén không trên bàn, chầm chậm gãi đầu:


"Ờm... không tin lắm."

"Nhưng mà nghe ngài kể lại thấy giấc mơ đó của ngài rất kỳ diệu."


Nghiêm Thịnh Huyền cười cười xua tay, cũng phải thôi, dù sao chỉ là một giấc mơ, thực hư lẫn lộn, ngay lúc đó chính hắn còn không tin huống hồ gì Phác Lộ Hàm chỉ được nghe kể lại đây.


"Vậy, ngươi có biết vở hí Mẫu Đơn đình không?"


Vở kịch Mẫu đơn đình gồm 55 màn thường được chia làm ba hồi: Kinh Mộng, Hồi Sinh và Viên Giá. Nội dung của Mẫu đơn đình là câu chuyện tình lãng mạn triền miên sinh sinh tử tử của đôi trai gái Đỗ Lệ Nương và Liễu Mộng Mai.

Đỗ Lệ Nương là con gái độc nhất của quan thái thú Nam An là Đỗ Bảo. Nàng vừa xinh đẹp lại rất đỗi thông minh nên vợ chồng Đỗ Bảo rất yêu quý, mời thầy học là Trần Tối Lương về nhà dạy cho con gái về Kinh Thi. Nhà họ Đỗ giáo dục con gái rất nghiêm, suốt ngày Đỗ Lệ Nương chưa bao giờ dám rời khỏi khuê phòng nửa bước. A hoàn là Hương Xuân cũng theo nàng cùng học, nhưng Hương Xuân rất ham chơi, thường trốn học đi ra ngoài.

Một hôm, Hương Xuân rủ Lệ Nương ra vườn hoa sau nhà chơi. Sắc xuân khắp vườn đã khiến cho Lệ Nương vô cùng say đắm. Khi vào đình Mẫu đơn trong vườn nghỉ chân, Lệ Nương chợp mắt ngủ thiếp đi, mộng thấy mình gặp một chàng thư sinh tài mạo là Liễu Mộng Mai trò chuyện tâm tình rất tương đắc. Từ đó Lệ Nương về nhà ốm tương tư Liễu Mộng Mai. Bệnh tương tư càng ngày càng nặng, Lệ Nương vẽ một bức chân dung tự hoạ và đề một bài thơ bảo Xuân Hương đem giấu dưới ngọn giả sơn rồi lặng lẽ qua đời. Vợ chồng Đỗ Bảo theo di nguyện của con, an táng nàng dưới một gốc mai ở vườn hoa sau nhà. Sau đó Đỗ Bảo được thăng làm An phủ sứ ở Hoài Dương, trước khi đi ông cho dựng Mai Hoa quán ở trong vườn rồi sai Trần Tối Lương và Thạch Đạo Cô ở lại trông nom phần mộ của Lệ Nương.

Liễu Mộng Mai lên kinh đi thi, trên đường qua Nam An bị cảm ốm phải xin ở nhờ Mai Hoa quán. Một hôm Mộng Mai ra sau vườn dạo chơi nhặt được bức chân dung tự hoạ và bài thơ trước khi chết của Lệ Nương, liền đem về phòng. Mộng Mai vừa thấy chân dung Lệ Nương tưởng như mình đã quen biết khi nào, tình cảm vô cùng sâu nặng, cũng đề một bài thơ lên tranh, rồi suốt ngày ngồi bên bức vẽ, "cùng chơi, cùng hỏi, cùng gọi, cùng đùa". Cảm tấm chân tình của Liễu Mộng Mai, Lệ Nương đã ra khỏi bức tranh và hẹn hò ước nguyện với người tình trong mộng năm xưa. Sau khi biết căn nguyên câu chuyện, Mộng Mai năn nỉ Thạch Đạo Cô cho mở nắp quan tài lên. Lệ Nương sống lại, hai người nên duyên vợ chồng, cùng với Thạch Đạo Cô lên kinh ứng thí. Trần Tối Lương phát hiện ra bèn đến Hoài Dương tố cáo với Đỗ Bảo tội trộm mộ của Liễu Mộng Mai.

Liễu Mộng Mai ứng thí ở Lâm An thì gặp lúc quân Kim vào cướp phá. Việc yết bảng bị đình lại, Hoài Dương bị vây hãm. Lệ Nương liền bảo Mộng Mai đến Hoài Dương dò la tin tức cha mẹ. Mộng Mai đến Hoài Dương cũng vừa lúc quân Kim lui binh. Nhưng Đỗ Bảo cho rằng Liễu Mộng Mai là kẻ dối trá nên đánh cho một trận rồi áp giải về Lâm An thẩm vấn. Ngày yết bảng, Liễu Mộng Mai đỗ trạng nguyên, nhưng Đỗ Bảo cố chấp vẫn không chịu nhìn mặt cả con gái lẫn con rể. Đến khi Hoàng thượng hỏi rõ câu chuyện liền giáng chỉ cho nhà họ Đỗ: "Cha con vợ chồng nhận nhau, về phủ đệ thành thân". Cuối cùng cả gia đình đoàn viên sum họp, Đỗ Lệ Nương và Liễu Mộng Mai sống với nhau vô cùng hạnh phúc.


Phác Lộ Hàm lắc đầu, nhưng vẫn đầy hứng thú, như được sống trở lại sau khi ngồi nghe hết câu chuyện trong mơ mà y cho là nhàm chán ban nãy:


"Khi nào ngài diễn cho tôi coi đi!"


Nghiêm lão bản xòe chiếc quạt trên tay, phe phẩy, cười cười gật gù:


"Được, nhất định sẽ hoàn trả ngươi vở Mẫu Đơn đình."


Phác Lộ Hàm không hiểu câu nói có phần kỳ quặc này của Nghiêm Thịnh Huyền nhưng vẫn vui vẻ ngoắc tay đóng dấu với với hắn, đem lời hứa này nhớ mãi trong lòng, miệng treo nụ cười, ngực trái động tâm



Bấy giờ, cuộc Đại cách mạng Văn Hóa ngày càng trở nên gay gắt, giờ đây không chỉ ban hành giờ giới nghiêm mà chính phủ đương thời còn áp dụng một biện pháp mới đó chính là "phá tứ cựu, lập tứ tân", có nghĩa là sẽ tiêu diệt hết tất cả những tư duy cũ, văn hóa cũ, thói quen cũ và phong tục cũ của người dân Bắc Bình. Chính phủ cho người đập phá các công trình nghệ thuật lâu đời, phá hủy bảo tàng, ngay cả đến hí kịch, Điền Hoa lâu của Nghiêm Thịnh Huyền cũng lâm vào nguy khốn.


Ngày Điền Hoa lâu bị ủi tan hoang, Nghiêm lão gia bị chọc giận, sốc đến đứng tim mà chết, Nghiêm Thịnh Huyền thì bắn nhốt vào nhà giam chờ ngày đem ra đấu tố trước toàn dân chúng. Chẳng ai ngờ một Bắc Bình phồn thịnh, tấp nập người xe nay chỉ còn lại những ngôi nhà xơ xác, người dân chạy nạn hết, không còn một ai. Chẳng ai ngờ một Điền Hoa lâu đã đứng vững hơn hai thập kỉ lại ngay trong phút chốc biến thành đống gạch vụn nằm lăn lóc, chẳng ai ngờ Nghiêm lão bản uy nghi, phong lưu giờ đây lại bị chính phủ đương thời coi là thứ bỏ đi, rác thải của xã hội cũ. Chẳng ai ngờ mọi thứ lại sụp đổ, bay biến đi chỉ trong một tích tắc như vậy.


Tòa soạn nơi Phác Lộ Hàm làm việc vẫn còn hoạt động, nhưng giờ đây chỉ thưa thớt, heo hút vài bóng người, có lẽ nó cũng đang chờ để bị đập bỏ giống như những thứ xưa cũ cần phải biến mất kia chăng.


Vào một buổi sáng nọ, Phác Lộ Hàm đang trên đường đến tòa soạn, khi đi qua ngã tư đường lớn y liền bị thu hút bởi một đám đông chật kín người. Bước đến xem, quỳ rạp quanh đám lửa lớn được đốt bằng vụn củi, mùn khô rơi ra từ những căn nhà bị phá dỡ là hàng chục vị sư tăng, một thân áo gụ đang chắp niệm phật, vài ba tên lính tay cầm súng trường với những lưỡi lê dài ngoằng đứng đằng sau lưng họ. Dân chúng xung quanh càng xô đẩy, ép nhau vào lại càng bị đám lính hất ra, họ muốn tìm náo nhiệt gì ở đây? Chỉ thấy rau củ thừa bay đến, có khi lại kèm theo cả gạch vụn khiến đầu một vị sư trẻ liền bật máu, viên đá nhỏ được ai đó ném từ đâu đó lăn lông lốc đến dưới chân y, một phần của tượng phật tổ sau khi bị đập bỏ đang nhìn Phác Lộ Hàm mà nở nụ cười từ bi. Chỉ thấy những vị sư vẫn quỳ nghiêm trang, dân chúng thì ồn ào, chửi rủa. Phác Lộ Hàm chẳng nghe rõ họ chửi gì, mắng gì, hai tai y đã bị sự tàn nhẫn trước mắt làm ù đi mất. Những người từng được trọng vọng, được dân chúng đến dưới gối lạy lục van xin cầu bình yên, nay lại bị chính dân chúng xem là phần dư thừa của xã hội mà dồn ép đến đường cùng. Phác Lộ Hàm tự hỏi, đây chính là đấu tố mà chính phủ nói hay sao? Những người được đem ra đấu tố thậm chí còn không có quyền được lên tiếng để thanh minh một giây một khắc nào. Phác Lộ Hàm cay đắng, nghĩ đến một thời sầm uất của mảnh đất Bắc Bình mà không khỏi nghẹn lòng. Y không thể để Nghiêm Thịnh Huyền bị đem ra đấu tố như thế này, không thể để hắn chịu tủi nhục, chịu đánh chịu mắng như thế này được.


Phác Lộ Hàm chần chừ hồi lâu trước cửa phòng chủ tòa soạn, suy nghĩ mãi rồi nhất quyết đẩy cửa bước vào. Bên trong không có ai cả vì nay ông chủ có cuộc họp gấp, Phác Lộ Hàm biết. Nhìn xuống bao thư nhỏ trên tay mình, y đặt nó ngay ngắn trên bàn làm việc của ông chủ rồi nhẹ nhàng rời khỏi phòng.


Hai tuần sau đó, Phác Lộ Hàm chạy vạy khắp nơi tìm cách bán nhà, căn nhà của y nằm giữa Bắc Bình, chính diện trung tâm thành phố nên dù không được lớn và tiện nghi cho lắm nhưng vẫn bán được giá khá cao. Cả căn nhà và đồ gia dụng bán lẻ, được tổng cộng đúng một trăm bốn mươi ba nghìn đài tệ không thừa không thiếu. Nhờ quen biết, y liên lạc được với một quan chức cấp cao và tìm cách dùng tiền bảo lãnh Nghiêm Thịnh Huyền ra ngoài, cũng lân la hối lộ quản ngục nơi Nghiêm Thịnh Huyền bị giam để gửi giúp y lá thứ đến tay hắn.


Cánh cửa phòng giam được mở tung, quản ngục không nói gì, chỉ để nguyên đó dù đã đưa đồ xong, biểu thị Nghiêm Thịnh Huyền có thể rời đi.


Nghiêm Thịnh Huyền từ tốn ăn hết bát cơm trắng vừa được đưa đến trưa nay, không nhanh không vội uống cạn chén rượu lạt, xong xuôi mới mở đến lá thư.


Nghiêm lão bản kính mến, là tôi, Lộ Hàm đây!

Khi lá thư này trao đến tay ngài, có lẽ ngài đã tường tận rõ được phần nào tấm lòng tôi. Tôi vẫn nhớ như in câu chuyện về giấc mơ kỳ diệu mà ngài kể. Người đệ đệ trong câu chuyện ấy thật tội nghiệp, nhưng có lẽ vị sư huynh kia còn đáng thương gấp vạn phần. Nhưng ngài biết không Nghiêm lão bản, chuyện của quá khứ cứ nên để nó trở thành quá khứ thì hơn, huống hồ gì còn là việc của kiếp trước, người của kiếp trước. Tôi không rõ tôi có phải vị sư đệ kia không, ngài cũng càng không chắc chắn người huynh trưởng kia là ngài. "Phàm cái gì là duyên phận, chắc chắn sẽ luôn là duyên phận.", ngài đã từng nói với tôi như thế, vậy sao không để hiện tại quyết định duyên phận của chúng ta. Và có lẽ ngài vẫn còn nhớ lời hứa đêm trăng tròn trên lầu cao Điền Hoa lâu ngày ấy, quân tử nhất ngôn cửu đỉnh, mong ngài sẽ giữ lời.

Phác Lộ Hàm tôi ngàn nhớ ngàn thương, mong được một lần gặp mặt. Chính Ngọ ngày mai, hẹn tại bến xe lửa ngoại thành. Chúng ta, không gặp không về.


Nghiêm Thịnh Huyền nắm chặt lá thư trong tay mình, thở dài một tiếng. Từ trước đến nay, hắn vẫn luôn rõ mồn một tâm tình nằm sâu trong lòng Phác Lộ Hàm, nên là dù có lá thứ này hay không, có lẽ hắn vẫn đã đưa ra được quyết định của riêng mình rồi.



end.


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro