Biển, và những người chết cháy.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Đột ngột, âm thanh rung động rầm rì của dòng điện trong không gian vụt tắt, như một người trút hơi thở cuối cùng. Những bóng đèn tắt ngấm, những cánh quạt ngừng quay, màn hình Tivi hiệu Toshiba của gia đình chúng tôi chỉ còn là một mảnh kính hình chữ nhật đen nhờ nhờ, và mẹ tôi thở dài, buông bỏ tất cả những gì bà đang làm để lục lọi tìm nến, diêm quẹt, hay ngọn đèn dầu lần trước bà đã để lạc đâu đó không rõ, trong lúc lẩm bẩm bực dọc: Lại cúp điện nữa rồi.

Như mọi người đã sống qua thời kỳ chuyển giao khó khăn đó, và nhất là những vùng cách xa thành thị, tôi đã quen thuộc với những lần cúp điện từ nhỏ, và trong một thời gian dài, đã luôn tin rằng mình có dự cảm với sự đến và đi của dòng điện. Nếu lắng tai nghe thật kĩ, tôi có thể nhận ra được một âm thanh trầm và đều đặt, như một đợt sóng ngầm, một cơn run rẩy mà người ta phải cảm thấy hơn là nghe. Ngay cả trước khi những ngọn đèn kịp nhấp nháy, tôi đã nhận biết ngay, khi tiếng rè rè đó vụt tắt.

Những ngày đó, việc cúp điện là thường xuyên liên tục, nhất là vào mùa khô. Dù luôn biết là thế, sự nóng bức vẫn khiến tôi giật mình thức dậy mỗi khi cánh quạt ngừng quay, ngay cả giữa đêm. Ngôi nhà ngột ngạt, và việc không thể xem Tivi được cũng khiến mẹ tôi cáu gắt. Vì thế, những buổi chiều cuối tuần, nếu cúp điện, nhà tôi thường đi xuống bờ biển hóng gió. Đôi khi, cô chú tôi cũng đi theo, hoặc Văn cũng cưỡi đằng sau xe máy của cha nó đi cùng. Trong khi cánh đàn ông bơi lội dưới biển, những người phụ nữ ở lại bên bờ nước thấp gần bãi cát. Mẹ bắt tôi phải khởi động kỹ càng trước khi xuống nước, dù cả tôi với bà đều không biết bơi, và chỉ quanh quẩn ở những vùng nước chưa quá bụng tôi.

"Đừng nhăn nhó như thế." Tôi như có thể nghe thấy giọng mẹ tôi bây giờ, và nhìn thấy bà đặt chiếc giỏ xuống nền cát. "Cứ ru rú trong nhà mãi thì ra sao? Buộc cao tóc lên, xõa sợi như con ma thế kia."

Tôi ngoi đầu lên khỏi mặt nước, và vì bà nói tôi giống con ma, tôi thích chí bật cười khanh khách. Bà nắm tay tôi lôi lên, dùng dây buộc lại mái tóc trên đầu tôi thành một cái đuôi ướt đẫm.

"Con ghét buộc tóc lắm, không buộc đâu." Tôi lắc đầu thật mạnh. Mẹ tôi nhăn mặt, mắng: "Thế sao chiều hôm trước gặp bà cô dạy nhạc kia, cô buộc tóc cho, lại chẳng kêu khóc gì đấy?"

"Vì cô đẹp hơn mẹ." Tôi ngẩng đầu lên nhìn bà thách thức. Mẹ tôi lau tóc dính trên trán, cau mày

"Chẳng qua do bà cô ấy còn trẻ hơn mẹ thôi. Cứ vài năm nữa mà xem, lại chẳng sồ sề ra."

"Tóc cô dài đen hơn tóc mẹ." Tôi tiếp tục, trong khi vẫn cố giẫy khỏi tay bà. "Da cô cũng trắng hơn nữa."

Mẹ tôi đưa tay lên cú đầu tôi đau điếng. Cha tôi từ xa bơi lại, nghe thấy thế, liền bật cười. Là đàn ông, lại xa nhà thường xuyên, chẳng hiểu gì về nội bộ những người phụ nữ trong nhà, ông cất giọng, hết sức vô tâm:

"Kìa Doanh, chuyện có gì to tát đâu, con bé còn nhỏ, nó biết gì đâu mà."

"Con gái anh biết đấy, Anh đi mà nói với nó." Mẹ tôi liếc nhìn cha tôi giận dỗi. Những lọn tóc xoăn như cọng mì tôm dính vào trán bà, và tôi nhận ra, bà vẫn còn là một phụ nữ trẻ, và có thể nói là bà đẹp.

Mẹ tôi không hài lòng với chuyện tôi đi cùng với cô giáo về nhà hôm trước – dù chẳng phải chủ ý của tôi.

Những năm ấy, hầu như chẳng có khách du lịch nào đến một chỗ khỉ ho cò gáy như thị trấn chúng tôi. Nhưng những chiều chủ nhật, bãi cát vẫn đầy người. Dường như cả thị trấn đều đổ về đây tránh nóng, tìm chút không gian thoáng đãng trong cái nóng hun người đang thiêu đốt những khối xi măng nham nhở, và những hàng cây còi cọc như sắp chết khô bên đường. Ai cũng hy vọng mơ hồ rằng khi họ quay về, cuối cùng thì cũng có điện để tiếp tục học hành, làm việc, hay xem tiếp bộ phim truyền hình Hàn Quốc trên Tivi. Khi còn thơ bé, tôi đã chẳng nghĩ gì về đám đông tụm năm tụm bảy khắp nơi trên bãi tắm ấy. Nhưng khi nhớ lại, tôi không thể không cảm thấy đó là biểu hiện của điều gì chung nhất trong thị trấn. Một điều gì đó khiến mọi người có thể tin rằng họ thuộc về nhau, dù tất cả chẳng là gì hơn một cộng đồng tưởng tượng.

Mẹ tôi luôn nhắc đi nhắc lại, bà dẫn tôi ra biển là để trau dồi tình yêu thiên nhiên cho tôi. Bà vẫn luôn sợ hãi sự tàn nhẫn ẩn trong tính cách của tôi, và dù cố gắng ngăn cản tôi tiếp xúc với nghệ thuật hay văn chương, bà mong muốn tôi có thể cảm thấy những vẻ đẹp mà mọi người đều thấy. Bà mong tôi có một "tâm hồn", một thứ trừu tượng mà bà hy vọng sẽ làm tính cách của tôi dịu lại.

Là một đứa trẻ, đương nhiên là tôi thích nước biển mát lạnh, không khí thoáng đãng và bầu trời xanh. Nhưng tôi luôn làm ra vẻ khó chịu phản kháng mỗi lần mẹ bảo tôi sửa soạn đi biển, vì là một đứa trẻ tàn nhẫn, tôi thích hơn cả là làm mẹ tôi khổ sở. Đương nhiên tôi có thể lì lợm như thế là vì tôi hiểu rõ tính cách của mẹ – tôi càng tỏ ra chống lại thì bà càng tin việc bà đang làm là đúng, và thế nào rồi bà cũng đẩy tôi đi.

Đáng lẽ mẹ tôi không cần lo lắng nhiều về điều đó. Dĩ nhiên, tôi cảm thấy vẻ đẹp của biển xanh. Dĩ nhiên, tôi thích âm thanh của những con sóng trên đầu, khi tôi nhắm mắt ngụp xuống mặt nước. Nhưng tôi không thích đám đông người lô nhố trên bãi cát như một bầy kiến đen kịt. Tôi không thích tiếng cười nói của đám trẻ con vọng lên từ bờ nước, những người đàn bà ngồi xuống bên bãi cát nói chuyện với mẹ tôi, và giọng mẹ tôi vui vẻ đáp lại bọn họ. Sự hiện diện của con người làm tôi mệt mỏi.

Và làm tôi buồn phiền hơn cả, là những túp lều dựng vội vàng quanh bãi biển để bán nước ngọt, ốc hút, mồi nhắm, rượu bia cho những người đi tắm. Sự tồi tàn của những tấm lều dựng vội vàng đó luôn nhắc tôi về sự bần hàn của thị trấn, và sự thực là tôi vẫn không thoát ra được khỏi nó. Như một tấm lưới đột ngột phủ lên đầu, tôi thấy những niềm vui sướng vừa rồi chợt tan biến, và nhớ về những ngôi nhà vắng lặng nằm hứng chịu nắng gió bụi đường trong chiều cúp điện. Tâm trạng trở nên bực dọc, tôi chẳng còn hứng bơi lội nữa, cũng chẳng còn hứng ở lại đây nghe tiếng cười càng lúc càng to và khó chịu của những người đang nhậu ngoài bờ biển, và kéo tay mẹ tôi, tôi cố đi thật xa khỏi những cái lều đó, dù bà ra sức níu lại vì không muốn đi quá xa bờ.

Một lần, khi tôi cố kéo bà đi giữa lúc bà đang chị chị em em thân thiết với một đồng nghiệp (mà ngày thường bà vẫn hết lời nói xấu), mẹ tôi cáu lên và quát: "Bị làm sao thế? Đã không biết bơi mà cứ đòi ra xa là sao?"

"Con không thích con người. Đi chỗ nào vắng vắng đi" Tôi nói, vẫn kéo tay bà.

Tâm sự khó hiểu của đứa trẻ con là tôi ngày ấy (thật ra thì đứa trẻ nào cũng có những thói quen kì lạ, những logic chỉ mình nó hiểu) mẹ tôi không sao chấp nhận được, và coi đó là một biểu hiện của sự chống đối xã hội. Bà mắng tôi một trận, bảo không thích người chẳng lẽ lên rừng ở với khỉ. Tôi im lặng, không phản đối bà, và tự giận mình ngu ngốc đã tâm sự chuyện đó với bà. Mẹ tôi cáu giận vì sự ương bướng ngấm ngầm của tôi, liền buông tay ra, bỏ lên bờ.

Nhưng cô giáo đó, lại không tỏ ra giận dữ. Cũng không đùa cợt, khi biết suy nghĩ đó của tôi.

Thực sự, tôi cũng chẳng buồn tâm sự cho cô biết. Chỉ vì những bức tranh vẽ bờ biển của tôi không có lấy một bóng người. Khi cúi đầu nhìn những bức tranh ấy, khẽ mỉm cười, nụ cười rất nhẹ, cô chỉ nói:

"Cô biết một chỗ không có người đấy."

Từ nơi gia đình chúng tôi thường tắm, cô nói, nếu đi ngược lên mạn trên một tí nữa, sẽ đến một nơi hầu như chẳng có bóng người, ngay cả trong những buổi chiều cả thị trấn ra biển trốn cái nóng hầm hập. Bởi nơi đó đầy những mỏm đá lớn nhỏ từ vách đá ăn ra tận bờ biển. Nước rít xung quanh những mỏm đá – nơi này rất dễ hụt chân, vì vậy người ta ít khi dám lại gần. Đôi khi cô tới đó, một mình. Dựng xe đâu đó bên cạnh vách đá, gần một nhà dân lẻ loi giữa cát trắng, cô tháo giày, và cứ thế chân trần leo lên những mỏm đá tròn, ngồi đó hóng gió, ngắm cảnh, nói chung là chẳng làm gì cả. Nếu phóng tầm mắt ra xa, có thể nhìn thấy đám người lố nhố như bầy kiến ở bãi cát. Nhưng âm thanh ồn ào của họ đã bị sóng biển che lấp. Có thể quan sát họ từ một khoảng cách xa như thế luôn khiến cô thấy dễ chịu yên bình. Nếu tôi muốn, cô có thể dẫn tôi cùng đi theo – cô đã nói với tôi như thế đấy.

Tôi im lặng, và lắc đầu, chỉ bảo, tôi không thể đi ra biển mà không có người nhà tôi đi kèm. Cô chỉ cười nhàn nhạt, và không hỏi thêm nữa, để tôi ngồi lại với những bức tranh của mình.

Nhưng cuối cùng, mấy tuần sau, lúc cha tôi có việc bận không trở về, tôi đã xin phép mẹ đi ra biển cùng cô. Mẹ tôi nhíu mày, cuối cùng cũng đồng ý, nhưng trong mắt bà thoáng chút nghi ngờ. Đương nhiên, tôi chẳng giải thích gì cho bà về chuyện tôi thực sự đi đâu. Bà sẽ chỉ nghĩ là tôi đi xuống bãi tắm thường lệ, nên bắt tôi chuẩn bị khăn tắm, dầu gội, quần áo để thay vào túi xách thường hay mang ra biển, và dặn đi dặn lại tôi không được một mình bơi ra xa. Nếu bà biết chúng tôi đã định leo lên những mỏm đá hiểm trở phía Tây, bà chắc đã hồn bay phách lạc.

Sau khi xuống xe, tôi và cô đều không ai để ý đến túi đồ bơi nữa. Chúng tôi bước dọc theo con đường, đến khi những mỏm đá nhấp nhô đã hiện lên trước mặt. Đúng như cô nói, nơi này quả thực vắng lặng. Bãi biển không có dấu vết của con người. Không có tiếng những đứa trẻ bán hàng rong, tiếng người đạp nước, cười đùa, đuổi nhau, trò chuyện. Chỉ có những con thuyền nhấp nhô ngoài xa, và bóng người như những chấm đen bên kia bãi tắm. Tôi im lặng, thâu cảnh tượng trước mắt vào tâm trí mình, chợt nhận ra, đây đúng là bờ biển như mình đã muốn thấy. Nhưng đồng thời, một cảm giác cô độc lạnh lẽo khiến tôi rùng mình, và chợt muốn giằng khỏi bàn tay cô, chạy trở về nhà với mẹ ngay lập tức.

Nhưng tôi chẳng thể làm thế. Vì cô đang nắm lấy cả hai bàn tay tôi mà cẩn thận dẫn tôi lên một mỏm đá tròn, vừa nói vừa mỉm cười: Cố lên một chút, sắp được rồi. Nếu giật tay ra, tôi hẳn sẽ trượt té, rơi vào đâu đó giữa những mỏm đá kia, chìm sâu mất hút dưới đáy nước tối tăm mù mịt, sẽ biến mất mà không kêu kịp một tiếng. Phóng tầm mắt nhìn ra bãi tắm, tôi chợt nghĩ, nếu chuyện đó xảy ra, hẳn đám đông ồn ào đó cũng chẳng hay biết. Chính suy nghĩ đó, chứ không phải chuyện té ngã, khiến tôi sợ, và khiến tôi bám chặt vào cô hơn, trong khi cả người khẽ run rẩy. Mặc dù nhờ Mishima mà tôi đã bị ám ảnh bởi sự yên lặng và cái chết, trong khoảng khắc cheo leo trên mỏm đá ấy, tôi chợt nhận ra, mình thực sự rất sợ cả hai thứ đó.

Sự hèn nhát đột ngột của tôi khiến cô tròn mắt, và bật cười. Tôi không hiểu vì sao, và chợt thấy hổ thẹn, cố lấy lại vẻ thờ ơ lãnh đạm như trước. Nhưng mọi chuyện đã rồi. Cô cứ cười tủm tỉm mãi, và tôi lại càng khó chịu với cô hơn.

Khi chúng tôi đã ngồi yên vị trên mỏm đá tròn bằng phẳng, cô vui vẻ lấy từ cái túi đang đeo trên lưng cho tôi mấy cái bánh ngọt nhỏ, và một chai nước. "Liên uống nhiều lên nhé, kẻo bị say nắng."

Thu mình ngồi trên tảng đá, tôi nhìn ra bãi biển hoang vắng, rồi nhìn lại cô, hỏi, cô hay đến đây khi cúp điện ư? Cô giáo tròn mắt, như không hiểu nổi, chuyện cúp điện và chuyện đi ra biển có liên quan gì với nhau. Lúc đó tôi chợt nhận ra, không phải ai cũng có những liên tưởng như tôi.

Bất chợt, cô reo lên khe khẽ, và bảo tôi ngồi yên, cô đứng dậy, rời khỏi tôi. Mặc dù cố tỏ ra thờ ơ, tôi cũng không khỏi tò mò. Khi trở lại, cô chợt xòe tay đưa cho tôi một cái vỏ sò.

Đó là một cái vỏ sò khá lớn, loại khó có thể tìm thấy ở bãi tắm phía bên kia. Tôi chợt nhớ lại, khi đã chán ngâm mình trong nước biển, hay lắng nghe tiếng cười nói của đám người ăn uống trên bờ, tôi hay đi dọc theo bờ biển nhặt vỏ sò, đôi khi có Văn cùng đi theo. Văn vốn khéo tay, nó thích làm ra những món đồ chơi nhỏ nhỏ từ những thứ đó. Tôi chẳng có việc gì với chúng, nên thường cuối ngày đưa cả cho Văn. Nhưng một cái vỏ sò lớn thế này, chúng tôi đều chưa thấy bao giờ.

"Ở đây ít người hơn nhiều." Cô giải thích. "Liên thích không? Nếu thích thì cô cho Liên đấy."

Tôi không phải Văn, và chẳng có hứng thú gì với vỏ sò cả – tôi định trả lời nhưng có gì đó kiềm tôi lại. Vì vẻ mặt của cô có vẻ hào hứng quá? Hay tôi, trong lúc đó, cũng bị thôi miên bởi những màu sắc kì lạ uốn lượn trên mặt chiếc vỏ, óng ánh dưới nắng mặt trời.

Tôi thò tay ra, nhận lấy chiếc vỏ sò.

Ngay lập tức, một điều gì sống dậy bên trong tôi. Như một bàn tay đột ngột bóp chặt lấy lồng ngực, rồi buông ra rất nhanh. Khi nghĩ lại lúc đó, tôi cảm thấy rõ là mình đang sợ hãi. Nhưng ngay lúc đó, vào thời thơ dại đó, tôi không sao cắt nghĩa được cảm xúc của mình, chỉ biết điều gì nóng bỏng và đáng sợ vừa nở ra trong lòng ngực.

Không phải vì mỏm đá cheo leo, hay sóng biển trắng xóa phía dưới, hay cảnh vật trống trơn không bóng người. Nỗi sợ hãi của tôi, có cái gì đó rất gần một người sắp phải nhún người nhảy qua vực. Điều gì đó đã mách bảo tôi, đây có thể là một sai lầm không cứu vãn được. Một cách kì quái nào đó, tôi đã liên tưởng việc nhận cái vỏ sò, với việc chấp nhận lời đề nghị của cô hôm trước. Lời đề nghị làm bạn với cô.

Nhưng tôi chưa kịp suy nghĩ rõ ràng, cô đã đều đều kể tiếp, nhẹ nhàng đơn giản như thế đó chỉ là chuyện tình cờ ngẫu nhiên thật. Cô kể về chuyện cổ tích nước ngoài cô đã đọc được trên báo thiếu nhi trước đây. Một đất nước đột ngột xuất hiện những cơn động đất. Một đoàn thám hiểm được nhà vua cử xuống lòng đất, để tìm hiểu nguyên nhân. Và ở đáy sâu đó, họ đã khám phá ra dưới lòng đất là một người khổng lồ đang say ngủ. Vì lý do nào đó, dạo gần đây, ông ta liên tục trở mình, như thể không an giấc, và đó là nguyên nhân của những cơn động đất.

Khi trở về, mọi người họp bàn làm thế nào để trấn an người khổng lồ đang ngủ ấy. Và một thành viên trong đoàn thám hiểm chợt nhớ ra, trên cánh tay ông ta xăm một cái mỏ neo khổng lồ. Hẳn người đàn ông ấy là thủy thủ. Nên nhà thám hiểm để nghị, hãy mang vỏ sò để vào trong tai ông ta. Qủa nhiên là sau đó, có lẽ nhờ nghe thấy tiếng sóng biển thân thuộc, người khổng lồ đã bình tĩnh lại, nằm yên, và đất nước đó không bị động đất quấy nhiễu nữa.

Những ngày đó, báo thiếu nhi thường đăng những mẩu chuyện sưu tầm không ghi nguồn, nên đến bây giờ tôi cũng không biết câu chuyện đó là ở đâu ra. Sau khi cô kể xong, tôi buột miệng hỏi: Nhưng làm thế nào một thủy thủ lại bị chôn vùi dưới lòng đất cơ? Ông ta đã ngủ như thế từ khi nào? Nếu ông ta là thủy thủ, thì cũng phải có một chiếc thuyền, thủy thủ đoàn, hành khách – hẳn là một ngày xa xưa, trên mặt đất đã đầy rẫy những người khổng lồ như thế. Vậy thì họ đi đâu cả? Có khi nào dưới mặt đất đầy những người khổng lồ đang say ngủ thế không? Thực tình, những điều này có vẻ thú vị hơn là bản thân câu chuyện.

Trước những câu hỏi hẳn là kì quặc của tôi, cô bật cười. Đưa tay lên dụi mắt, cô chợt nói: "Liên nghĩ được nhiều thật, cô đọc xong chỉ thấy tội nghiệp anh thủy thủ ấy thôi. Anh ta hẳn là muốn trở về nhà đấy. Trở về với biển đấy. Tội nghiệp thật, đúng không?"

Vẻ buồn bã cuốn qua gương mặt cô khiến tôi giật mình. Tôi chợt buột miệng nói, mình cũng muốn về nhà. Hiểu nhầm điều tôi muốn nói, cô gật đầu, đứng dậy, và đưa tôi rời khỏi bờ biển.

Khi chúng tôi đến nơi, thì trời đã tối. Sau khi chào cô, mẹ tôi quay vào giở túi đồ chuẩn bị sẵn cho tôi ra giặt. Nhận ra chúng vẫn khô nguyên, bà ngạc nhiên hỏi: "Thế hai cô trò không bơi lội gì cả à?"

Đã thấm mệt, tôi chỉ vâng dạ, nằm xuống giả vờ ngủ. Mẹ tôi vẫn chưa chịu thua: "Đã không tắm, sao còn ở đó cả ngày trời làm gì? Nắng như thế, nhỡ ngày mai cảm thì sao? Ngồi dậy, chưa ăn tối nữa! Đợi một lát rồi cũng phải đi tắm lại đi chứ?"

"Con không tắm đâu." Buồn ngủ ríu mắt, tôi vùi mặt vào gối. "Sáng mai tắm cũng được."

"Sáng mai tắm là thế nào? Đi cả ngày người bốc mùi sữa chua rồi." Mẹ tôi cao giọng, ngồi xuống bên tôi. "Dậy! Dậy đi tắm mau. Nếu không dậy, mẹ cú đầu đấy?"

"Mẹ cứ cú đầu đi." Tôi ương bướng đáp lại.

"Nếu không dậy, mẹ sẽ cù con đấy." Bà chợt nói, và đột ngột như thế, bà đưa thay cù vào sau gáy, hai bên nách tôi. Không chịu được, tôi bật cười thành tiếng, lăn lộn trên giường. Mẹ tôi cũng bật cười theo, và tiếng cười đùa của chúng tôi cứ thế vang lên trong căn nhà đang tối dần.

Đột ngột, cái đèn neon trên đầu giường chợt nháy lên một chút, rồi chập chờn như thể đang cố gắng tỏa sáng. Mẹ tôi suỵt tôi im lặng. Đặt một tay lên vai tôi, bà ngồi yên như tượng, nhìn chằm chằm vào cái đèn, sự căng thẳng khiến cả người bà như hóa đá – như thể bà sợ, chỉ một cử động nhỏ của bà sẽ khiến dòng điện đang trở lại kia quay đầu chạy mất.

Cuối cùng cái đèn vụt tắt, và một lúc lâu sau, mặc sự yên lặng của chúng tôi, vẫn lì lợm không cháy sáng trở lại. Mẹ tôi thở hắt ra, bực bội nói: "Đến bây giờ mà vẫn chưa có điện! Nóng chết mất thôi."

Nghe giọng bà tôi biết là bà đang bực thật sự, nên không dám cãi nữa, vội ngồi dậy đi vào nhà tắm, trước khi ánh hoàng hôn bên kia cửa sổ biến mất.

Khi mẹ tôi đã ra khỏi nhà sau đó có việc, tôi mới lấy cái vỏ sò trong túi ra, áp tai lên mà nghe. Trong tai tôi vang lên những âm thanh ì ầm.Nhưng vì đã đọc những cuốn sách khoa học của cha tôi, nên tôi biết, những âm thanh ấy chẳng có gì liên quan đến sóng biển.

Mấy ngày sau, khi tôi và Văn đi học về, một chuyện lớn đã xảy ra ở cây cầu gần nhà chúng tôi.

Thực ra, có lẽ đây là sự kiện lớn nhất, động trời nhất ở thị trấn của chúng tôi năm ấy. Khi tôi và Văn sắp đi qua cây cầu, chúng tôi nhìn thấy một chiếc xe khách đỗ lại cho hành khách đi xuống xe. Và thình lình – như tiếng sét giữa trời quang – trong ngày trong xanh không có chút gì lạ đó, chiếc xe bừng bừng bốc cháy.

Tôi và Văn ngây người, đứng sững. Những người xung quanh chúng tôi cũng lập tức dừng mọi việc đang làm. Trong khoảng khắc ngắn ngủi, trong tích tắc đó, một sự im lặng đồng loạt, gần như phi thực, như một cơn mơ choàng lên tất cả mọi người. Ngọn lửa bừng lên, chớp nhoáng, nuốt trọn chiếc xe trong tấm màn đỏ rực. Xung quanh tôi vọng tiếng người la hét. Ai đó bên trong chiếc xe đó đang kêu cứu, và ai đó đang hô hoán xung quanh.

"Liên, đừng nhìn!" Văn kéo mạnh lấy tay tôi, kéo tôi lại gần như muốn che cho tôi khỏi cảnh tượng quái đản trước mặt. Nhưng đã quá muộn.

Dưới bầu trời trong xanh đó, những lưỡi lửa vươn dài, như một đóa hoa độc ác. Khủng khiếp và đẹp đẽ quái đản. Bên tai tôi vọng đến tiếng người gào thét. Khi những người xung quanh chạy vội đến tìm cách cứu những người còn kẹt lại trong xe, Văn nắm chặt tay tôi, và kéo tôi chạy về phía sau. Tiếng thét, tiếng kêu cứu, và mùi khét của ngọn lửa vẫn đuổi theo chúng tôi. Hoàn toàn ngây người ra như mất hồn, tôi để Văn kéo mình chạy đi, không cưỡng lại.

Lúc chúng tôi đã chạy xa khỏi cảnh tượng đó, Văn mới dừng lại đột ngột. Hai chúng tôi va vào nhau, loạng choạng suýt ngã xuống nền đất. Ngoái đầu lại phía sau, chúng tôi chỉ thấy đám đông lố nhố, cùng với những cuộn khói đen bốc cao trên nền trời xanh.

"Chuyện gì xảy ra thế?" Văn không ngừng lắp bắp trong cơn hoảng hốt. "Chuyện gì xảy ra?"

Câu hỏi của Văn, sẽ là điều ám ảnh mọi người trong thị trấn nhiều năm sau. Nhưng chúng tôi chưa bao giờ có một câu trả lời chính xác. Mấy ngày sau, tin này được đăng trên báo địa phương. Trong những cuộc bàn luận sôi nổi của người lớn, tôi nghe rằng chiếc xe đó đã chuyên chở hóa chất trái phép. Ngọn lửa bừng lên ở cuối xe, và lan đi nhanh đến nỗi những người đang lấy hành lý xuống xe ở gần cửa cũng không thoát được. Họ kể về người thanh niên đã chết cháy đen thui ngay ở cửa xe, tay vẫn bám vào thanh vịn. Những tin đồn này làm mẹ tôi khó chịu thấy rõ, mặt mày xanh lét, cả ngày đó bà không ăn được cơm.

Vì đã quá nhiều người chết, bắt đầu xuất hiện tin đồn khúc quanh đó sáng sớm xuất hiện oan hồn. Họ gõ cửa nhà dân, than thở, khát nước quá, cho xin nước. Và kết quả là những nhà dân xung quanh đó bắt đầu để một chậu nước ở bên ngoài, cùng với hoa quả đèn hương, mong cho những linh hồn kia sớm siêu thoát. Những bóng ma không được cúng bái sẽ mãi vất vưởng như vậy đấy.

Vậy sao? Tôi thầm nghĩ, vậy hóa ra rời khỏi thân xác, linh hồn, nếu nó có thật, trở nên yếu đuối mong manh đến thế sao? Nếu không, tại sao họ không trở về nhà? Tại sao họ lại bị trói buộc ở địa điểm họ đã chết không rõ ràng nguyên nhân, không một nghĩa lý? Vậy thì trước khi người nhà y có thể đến mang những gì còn lại của y đem chôn, hẳn hồn ma của Mishima cũng lởn vởn ở địa điểm y đã tự sát, nhìn chòng chọc vào hậu quả những gì mình đã gây ra. Những ý tưởng đó làm tôi bực bội hết sức, và quyết định sẽ không bao giờ tin vào sự bất tử của linh hồn nữa.

Nhưng điều làm tôi bực mình và sợ hãi hơn, là những thùng nước đặt ngoài cửa nhà. Sự hiện diện của chúng nhắc tôi nhớ sự vô nghĩa của những cái chết đó. Một lần, không hiểu vì lý do gì, tôi đã hất đổ cả thùng nước khi đang đi về với Văn, rồi quay đầu bỏ chạy. Những gì tôi suy nghĩ trong đầu, tôi không nói cho Văn biết. Thằng bé mắt tròn mắt dẹt, nhưng cũng chỉ chạy theo tôi, mà không hỏi gì.

Và cũng từ đó, tôi thường gặp ác mộng. Trong giấc mơ, tôi nhìn thấy, từ mặt đất nơi vụ cháy xảy ra, từ dưới lòng đất căn nhà tôi ở, từ khắp mọi nơi trên thị trấn, những người khổng lồ đen ngòm như những cái xác chết thiêu đội đất sống dậy. Dưới ánh trăng lạnh lẽo, họ diễu hành về phía bờ biển phía Tây thị trấn, một hàng dài câm lặng trong bóng đêm. Lúc đó tôi sẽ giật mình thức dậy, với tay lấy cái vỏ sò tôi đã nhận được từ cô, áp tai vào lắng nghe âm thanh rì rầm trong đó. Tôi biết đó chẳng phải là tiếng sóng biển. Nhưng một mình trong bóng đêm, tôi cho phép mình bị đánh lừa, và chìm dần dần vào giấc ngủ.

Dần dần, tôi không thể không ngủ được mà không có cái vỏ sò đó. Một ngày thứ hai, khi sắp đi ngủ, nhận ra mình đã để quên nó ở nhà ông bà lúc vào Chủ Nhật trước, tôi nói với mẹ, để tôi chạy sang nhà ông bà một chút thôi.

Mẹ tôi vừa khóa cửa xong, cau mày: "Đã khóa cửa rồi, mà nhà ông bà cũng ngủ."

"Nếu không có cái vỏ sò đó, con không ngủ được!"

"Tại sao không ngủ được?" Mẹ tôi cáu lên, gắt. "Ở nhà mình tại sao lại không ngủ được? Tôi mệt lắm rồi, chị đừng có làm rộn chuyện lên nữa. Đến khi về gọi cửa inh ỏi lên nữa."

"Vậy con ở lại nhà ông bà ngủ cũng được."

Mặt mẹ tôi chợt xám lại với câu nói đó. Một sự giận dữ tôi không thể định nghĩa được trùm lên gương mặt bà. Hai tay mẹ tôi nắm chặt lại, mắt bà quắc lên khi giọng run rẩy trong thịnh nộ, hay tuyệt vọng:

"Nếu như chị cứ tiếp tục đi ngủ nhà người ta, chị không phải con tôi nữa!"

Tôi im bặt, và trở lại vào phòng. Đêm đó, tôi và mẹ tôi chẳng ai ngủ được. Chúng tôi trở mình qua lại trong căn nhà nóng nực vì cúp điện đến tận sáng. Nhức đầu quá, mẹ tôi lẩm bẩm, có lẽ phải đi bác sĩ xem sao.

Ngày hôm sau, mẹ tôi trở về rất muộn. Khi dọn bàn ăn, bà chợt nói, tôi sắp có một đứa em.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro