Những người theo đạo lặng lẽ.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Chiều hôm ấy, cô giáo trẻ cúi xuống nhìn tôi đã không hiểu những cảm xúc phức tạp của tôi dành cho cái bóng ma tên Mishima Yukio. Nhưng cô rõ ràng là hiểu sự thích thú của tôi với Nhật Bản. Một buổi ra chơi, khi tôi một lần nữa ngồi lại trong lớp để vẽ tranh, cô lại đến gần, cúi xuống nhìn.

Đôi môi hơi hé ra, cô chợt hỏi: "Liên thích ông người Nhật đó lắm ư?"

Tôi ngước nhìn, tròn mắt. Cô mỉm cười, giải thích, từ cái tên tôi buột miệng nói ra, cô đã cố công tìm hiểu trong thư viện hết sức nghèo nàn của thị trấn để biết đó là ai. Việc cô có thể tìm ra thông tin về Mishima, hay chịu bỏ thời gian ra tìm hiểu, khiến tôi có chút khâm phục và khó hiểu. Thật ra thì tôi còn ngạc nhiên hơn là thư viện thị trấn có thông tin về gã nhà văn lập dị đó. Vì thế, tôi chỉ im lặng lắc đầu.

Cúi xuống thật gần tôi, nở nụ cười dịu dàng, cô nhẹ nhàng nói:

"Tại sao Liên lại thích Mishima vậy?"

Tôi im lặng, và cuối cùng chỉ nói: "Ông ấy tự sát."

Cô hơi tròn mắt. Rồi khẽ bật cười.

"Mấy người Nhật đó, họ thích tự sát nhỉ? Liên có nhớ vụ ông người Nhật chết đuối mấy tháng trước không?"

Tôi nhớ. Và tôi cũng từng gặp ông ta. Người kĩ sư Nhật ấy đã từng đến gia đình tôi một lần, vào một ngày đám giỗ, đi theo người quen nào đó. Ông ta cứ ngồi một chỗ im lặng chẳng nói năng gì với ai – thật ra là do ông ta không biết tiếng Việt, và người bạn đã đi mất tăm mất tích. Vì thật bất lịch sự nếu để khách ngồi trơ khấc ra như thế, dù là khách không mời, chú tôi thử nói tiếng Trung, và cô tôi thử nói tiếng Anh với ông ta, nhưng đều vô hiệu. Người khách lạ chỉ ngồi yên lặng, cúi đầu mỉm cười với vẻ lịch sự có gì đó khá kênh kiệu. Cuối cùng nhà tôi mới biết ông ta là người Nhật. Làm thế nào ông ta có thể đến làm việc trên một xứ sở xa lạ mà chẳng biết một tí ngoại ngữ như thế, tôi đến giờ vẫn thực tình không hiểu nổi.

Nhưng bằng sự kiện đó, tôi cảm thấy mình có liên hệ mơ hồ với người Nhật ấy, và có chút khó chịu khi cái chết của ông ta được ai đó xa lạ nhắc đến như trò đùa vặt vãnh để khơi chuyện.

Tôi đứng dậy định bỏ đi. Nhưng cô giáo trẻ phiền nhiễu ấy đã ôm tôi lại, kéo tôi ngồi xuống trong lòng cô, cười khe khẽ:

"Kìa, sao giờ ra chơi Liên lúc nào cũng ở một mình thế? Lại đây chơi với cô đi. Hay ngồi đây, cô tết tóc cho nhé? Liên có thích ăn kẹo dừa không?"

Tôi lắc đầu trước vụ tết tóc, nhưng cầm lấy mấy cây kẹo. Qua những vụ tranh cãi của những người phụ nữ trong nhà, tôi biết rõ, người lớn chẳng tự nhiên gì mà cho kẹo trẻ em. Luôn có một thứ gì đó để trao đổi. Một thông tin gì đó chẳng hạn. Vì vậy, tôi chẳng ngạc nhiên gì, khi một chốc sau, lúc tôi đang nhai kẹo, vẫn còn ôm lấy tôi, cô chợt hỏi: "Dạo này cha mẹ ở nhà có khỏe không Liên?"

Thoạt nghe, đó có vẻ là một câu hỏi bình thường. Nhưng sự căng thẳng đột ngột làm cánh tay đang ôm lấy tôi cứng lại, sự lo lắng dè dặt trong đôi mắt, cùng với một tích tắc – chỉ một tích tắc thôi – hơi thở của cô chùng xuống, đã phản bội cô. Ngồi trong lòng cô, tôi cảm nhận được sự bất thường của câu thăm dò đó. Nhưng tôi chỉ gật đầu, vẫn lặng yên.

Đột ngột ôm lấy tôi, cô chợt cười khe khẽ, như cố xua đi sự bối rối, và hỏi nhanh, bàn tay chải lơ đãng qua mái tóc tôi: Cô An vẫn đi dạy ngoại ngữ à? Chú Thụy bao giờ về nhà? Chú Nguyên vẽ đẹp quá nhỉ, nghe nói định thi kiến trúc phải không? Và cuối cùng, sau khi đã hỏi thăm hầu hết người nhà, cô chợt thì thầm, sự căng thẳng trong giọng nói còn nhiều hơn trước đây:

"Còn bà nội, bà nội có khỏe không?"

Lúc đó tôi đã phát chán trò hỏi cung trá hình này, và cũng đã ăn hết kẹo, nên tôi nhảy xuống khỏi lòng cô, nói lớn: "Ai cũng khỏe cả. Sao cô hỏi nhiều thế?"

Tôi chạy ra khỏi lớp. Khi ngoảnh đầu lại, tôi thấy cô đã đứng dậy, đôi môi thấp thoáng nụ cười.

Tối hôm đó, tôi hỏi bà, cô giáo ấy có phải có họ hàng gì với gia đình mình không?

"Chẳng có bà con gì hết." Bà tôi lắc đầu, nói nhanh bằng giọng rất nhẹ. Tôi biết là có dò hỏi bà nữa cũng vô ích, nên yên lặng tiếp tục lặt rau với bà. Khi trở về nhà với mẹ, tôi hỏi câu tương tự, thuật lại thái độ khó hiểu của bà nội. Mẹ tôi đang xem báo, chợt bật cười thành tiếng, thoạt nghe tưởng như vui vẻ, nhưng đôi mắt có gì đó rất khó hiểu. Cuối cùng mẹ nói, đừng bao giờ hỏi ai trong nhà câu đó nữa.

Đương nhiên gia đình tôi sẽ không có quan hệ gì với cô. Sau thái độ khó hiểu của bà và mẹ, tôi tìm cách tự lý giải. Cô giáo ấy là người theo đạo. Và gia đình tôi, dù là nhà ngoại hay nội, đều không có liên hệ gì với những người theo đạo cả.

Lúc đó, tôi chợt nhận ra, trong cuộc đối thoại, cô không một lần nhắc tới ông nội tôi.

Cô giáo dạy nhạc ấy, là một trong hai giáo viên trong trường mà đám học sinh nhỏ nào cũng gặp qua một lần – tức là chẳng thuộc về lớp nào cả. Người kia là giáo viên dạy Anh văn. Mỗi tuần, chúng tôi có một tiết Nhạc và một tiết Ngoại ngữ. Nhưng thầy giáo dạy Anh văn quá hiền, không thể cai quản tụi học sinh, nhất là ở một thị trấn nhỏ nơi việc học ngoại ngữ được coi là không có chút ứng dụng thực tế nào. "Cần gì họ ngoại ngữ chứ," Văn từng hếch mũi lên nói, tóm tắt suy nghĩ của hầu hết mọi người trong thị trấn. "Người Việt nói tiếng Việt là đủ rồi."

Không át được tiếng nói chuyện cười đùa, thầy mỗi lần lên lớp chỉ bật băng cát sét các bài hát tiếng Anh thật to cho cả lớp nghe. Sau hai tháng học ngoại ngữ, tôi vẫn chỉ viết được mỗi chữ Hello. Việc này làm mẹ tôi bực mình, quyết định không thể để chuyện học hành của tôi cho nhà trường nữa, nên bắt cô tôi dạy tiếng Anh cho tôi vào cuối tuần. Tôi đồng ý ngay, vì chuyện này có nghĩa tôi có cớ để đòi ngủ lại nhà ông bà.

Trái với người thầy giáo tiếng Anh bị đám trò nhỏ coi không bằng một củ khoai, cô giáo dạy Nhạc được học sinh yêu mến. Cô cao ráo, xinh xắn, giọng nói mềm mại ngọt ngào, ít có cái âm sắc địa phương. Đôi lúc, cô cũng mang túi đàn organ lên để đánh cho chúng tôi hát nếu tiết học không đúng lúc bị cúp điện. Vào giờ ra chơi, đám học trò ùa đến bên cô nói chuyện. Tất cả chỉ trừ tôi.

Dù tôi luôn biết phải lợi dụng tình cảm của giáo viên để được sống dễ chịu ở trường, nhưng tôi không thích lại gần cô. Có lẽ là do từ đầu cô đã tỏ ra chú ý đến tôi quá mức.

Một lần, lúc đang ăn tối, không im lặng được, tôi nói với mẹ, tôi ghét cái cô giáo dạy Nhạc theo đạo đó quá.

Mẹ tôi cười mỉa, phải rồi, tôi thì có thích ai đâu? Nhưng sao lại ghét cô ấy đến thế?

"Lúc nào cô ấy cũng gọi con lên hát, gọi con trả lời – ngay cả khi con chẳng giơ tay."

Mẹ tôi nhún vai, chỉ nói, cô giáo gọi học trò thì có gì lạ đâu. Hơn nữa, chắc cô biết rằng tôi thông minh mà.

Tôi im lặng. Như mọi khi, tôi biết rõ những lúc mẹ tôi nói dối, dù bà cố tỏ ra bình thường đến đâu, và bà có lẽ cũng hiểu là tôi biết. Vì vậy, cả hai chúng tôi không nói gì nữa. Buổi tối yên lặng, vì cha tôi lại vắng nhà.

Theo thống kê, vào năm tôi đang học lớp một, thị trấn tôi ở có gần 10.000 dân cư. 6% số đó là người Thiên chúa giáo – tức là trong những căn nhà ống chen chúc bên đường lớn, những xóm nhỏ biệt lập nhau giữa các trảng cát, có khoảng 600 người Thiên chúa giáo đang sinh sống đâu đó. Trong 25 người đi qua cửa nhà tôi có thể có một hai người Thiên chúa giáo. Nhưng suốt thời thơ ấu, tôi hầu như chẳng nhận thức được sự tồn tại của họ. Có một nhà thờ đâu đó trong thị trấn – tôi biết thế – nhưng nó đã nấp kín đâu đó giữa các mái nhà, chưa bao giờ tôi nhận ra.

Đương nhiên chẳng có lý do gì để một người theo đạo phải nói với tôi về việc mình theo đạo. Và gia đình tôi cũng không có quan hệ gì với họ. Như nhiều gia đình khác bình thường khác trong thị trấn, chúng tôi có thể đi chùa cầu xin gì đó, hay nhờ đến thầy cúng những lúc cần thiết, nhưng chúng tôi chưa bao giờ thực sự quan tâm hay tin tưởng đến thế giới tâm linh. Thực ra với cách sống từ chối mọi cảm xúc cuồng nhiệt thái quá, tôi nghĩ chúng tôi chẳng quá tin tưởng điều gì. Thần thánh, tín ngưỡng, đức tin, cũng là một thứ công cụ thuận tiện, như viên thuốc an thần lúc mất ngủ. Việc ai đó có thể tin tưởng nồng nhiệt thứ gì đó xa lạ như một đức Chúa đến từ phương Tây, sẽ là điều gia đình tôi không thể hiểu nổi.

Nhưng rõ ràng người Thiên chúa giáo có tồn tại xung quanh chúng tôi. Tôi nghe nói khi sắp vào đại học chú Thụy đã yêu một cô gái theo đạo. Bà nội tôi không thích điều này lắm, và cả gia đình cũng không tán đồng – đó là vì nhà cô ta có người bị tâm thần, không liên quan đến chuyện cô ta theo đạo hay không. Mặc dù chuyện nhà cô ta muốn chú tôi theo đạo luôn mới cho cưới cũng có thể mang lại chút phiền phức. Vào thời đầu đổi mới này, quan điểm của nhiều người lớn trong thị trấn về việc những người Thiên chúa giáo không thờ cúng tổ tiên có lẽ cũng không khác lắm với Nguyễn Đình Chiểu ở thế kỉ trước. Họ không buồn thắp nhang cho cha mẹ. Họ không buồn khóc ở đám tang. Họ quả thực rất lạnh lùng – mẹ tôi kể.

Chú Thụy tôi có chút bức xúc về chuyện tình yêu bị ngăn cản. Nhưng là kẻ nổi loạn biết giới hạn, chú chỉ lặng lẽ chia tay. Sau đó khi đi học xa nhà, chú dồn hết sự bức bối của mình vào việc tập võ. Nhờ đó mà trong thời gian học đại học, chú đã đạt được đai đen karatedo, nỗi u uất ngày xưa cũng tiêu tán nốt. Thất tình cũng có thể là chuyện tốt đẹp như thế đấy.

Một người đồng nghiệp của mẹ tôi cũng là người theo đạo. Tôi cũng chưa từng gặp trực tiếp bao giờ. Năm đó, người này đánh mất một số tiền lớn trong quỹ của công đoàn. Vì thương người đó mẹ già con nhỏ, những kĩ sư khác như mẹ tôi bấm bụng góp một phần trong số tiền lương còi cọc của họ để bù vào. Khi nhận tiền, người đó rất mừng, buột miệng: "Cảm ơn Chúa."

Câu nói vô tình đó khiến mẹ tôi và những người khác nhìn nhau. Họ đều bực mình, nhưng không nói gì. Khi về đến nhà, mẹ tôi mới xả ra như thường lệ. Tại sao lại có giống người vô ơn đến thế? Vặn nước xả xuống chậu chén bát, mẹ tôi cáu kỉnh nói. Rõ là mình đứng trước mặt đó, mà không cảm ơn mình, lại cảm ơn cái ông Chúa ất ơ nào đó.

Thật ra mẹ tôi là người dễ động lòng trắc ẩn, sẵn lòng giúp đỡ người khác, có thể không nhận lại thứ gì cũng không sao. Nhưng như mọi người, bà muốn một sự hàm ơn tối thiểu.

Mấy ngày sau, khi chúng tôi đang ngồi xem tivi, giữa lúc bà đang tết tóc cho tôi, tôi mới nói, có thể cái người đó muốn nói là cảm ơn Chúa, vì đã có đồng nghiệp tốt như bà.

Mẹ tôi nheo mắt, ngẩn người như chẳng hiểu tôi đang nói đến chuyện gì. Sực nhớ ra, bà chợt cười thành tiếng, và tôi chợt nhận ra chuyện đó thật sự không làm phiền bà nhiều.

"Ai nói thế với con đấy."

"Là cô dạy nhạc ấy."

"À bà cô theo đạo à? Không phải con ghét cô ấy sao?" Mẹ tôi nheo mắt.

Tôi im lặng. Mẹ chỉ nói tiếp, từ giờ không được kể chuyện trong nhà cho người khác. Trong lúc đó, bàn tay bà tiếp tục tết tóc cho tôi, còn ôm cuốn sách, tôi cố giẫy khỏi bà. Yên nào, mẹ tôi tiếp tục nói, con gái đừng có tối ngày chúi mũi vào sách.

Lúc đó, do Mishima mà tôi bắt đầu có hứng thú với văn chương, và lén viết trong sổ những mẩu chuyện ngắn. Mẹ tôi đương nhiên là không hài lòng về chuyện này. Việc tôi vẽ vì sự xúi giục của ông chú, mẹ tôi đành phải chịu. Nhưng văn chương còn là một thứ bệnh dịch khó chữa hơn. Dù đã yêu thích tiểu thuyết của Jane Eyre hay chị em Brontes lúc đi học, bà không muốn văn chương dính líu gì đến bà, hay những người xung quanh bà. Nhà văn – bà nói khi tết tóc cho tôi – luôn ít nhiều bế tắc tuyệt vọng, nếu không họ đã chẳng thèm viết. Một đứa con gái không nên như vậy, phải luôn tươi sáng rực rỡ, là niềm vui của mọi người. Nào – đẩy mạnh tôi ra trước gương, bà nói – hãy tập cười cho tươi tắn trước khi ra ngoài đi.

Nhưng chính tôi cũng biết rõ việc tôi viết văn chẳng phải là sự bộc phát của bản năng sáng tạo – cái mẹ tôi gọi là máu nghệ sĩ- mà đơn giản là mong muốn được trở nên khác người.

Và cũng vì sự ám ảnh của tôi với sự đặc biệt mà dù tôi không ưa việc cô giáo ấy cứ tiếp cận lấy tôi, tôi luôn có chút tò mò và chú ý đến cô. Điều bí ẩn về cuộc sống của những người theo đạo – những người tôi luôn nghe nhắc đến, nhưng chẳng bao giờ nhìn thấy– bao bọc quanh cô như một tấm màn mỏng, cách ly cô với thế giới xung quanh. Tôi theo dõi cô, và chấp nhận để cô lại gần, tất cả là vì điều bí ẩn đó.

Cái tôi mong muốn là có thể bắt được một phút giây, một khoảnh khắc nào đó mà sự khác biệt trong cội rễ của cô lộ ra. Có thể do thành kiến đó, mà tôi có cảm giác, những điều xung quanh cô, những câu nói bất chợt, cách thân người chuyển động, màu sắc của ánh sáng xuyên qua những tầng không khí rọi vào cửa sổ đến bên bàn cô ngồi, đều có gì khác biệt, khác thường, không thực. Và cô biết là tôi đang quan sát cô. Đôi lúc, ánh mắt chúng tôi chạm nhau rất nhanh. Và trong khoảng khắc trước khi tôi ngoảnh mặt đi, tôi thấy cô mỉm cười, dù vẫn im lặng chẳng nói gì.

Cô giáo thời tiểu học đó, là người theo đạo đầu tiên tôi tiếp xúc. Trẻ con luôn có thói quen khái quát hóa mọi thứ. Cũng như những người sống trên hòn đảo xa lạ tên Nhật Bản đã được tóm gọn trong đầu tôi với bóng ma của Mishima, suốt một thời gian dài khi nghĩ đến người theo đạo, gương mặt và nụ cười khó hiểu của cô ngay lập tức hiện ra trong đầu tôi.

Nói một cách công bằng, thì cô chỉ là người theo đạo đầu tiên tôi có quan hệ cá nhân, không phải người đầu tiên tôi gặp.

Một buổi chiều năm tôi đang học lớp một, lúc người lớn đã ra khỏi nhà, một nhóm người đến trước cổng hỏi han vài thứ, trao cho tôi mấy tờ giấy in rất đẹp, và rời đi. Khi cô tôi trở về, cầm mấy tờ giấy đó lên đọc, cô chợt cười phá lên rồi nhanh chóng thảy đi.

Sau này tôi mới biết, những người đó hình như là đi truyền giáo. Vào cái thời còn thiếu thốn đủ thứ đó, mà những tờ giấy đó đều in màu trên giấy láng, trình bày rất đẹp, kể về cuộc đời của một ai đó tên Jesus, cùng một vài đoạn ngắn trông giống như thơ. Họ giàu lắm, có tiền từ Mỹ, nhà thờ ấy – cô tôi bảo, rồi chỉ cười cười mà không giải thích gì thêm khi tôi hỏi kĩ . Người lớn hay có thái độ ấy, làm tôi rất phiền lòng.

Khi cô tôi không để ý, tôi cầm mấy tờ giấy đó lên đọc. Câu chuyện khá hoang đường về người có tên là Jesus khiến tôi thích thú, cùng một cách như những câu chuyện cổ tích Nga cực kì bạo lực cô tôi đọc cho tôi nghe. Tôi đặc biệt thích đoạn ông ta bị tra tấn khốn khổ lúc chết. Ngoài chuyện đời của Jesus, tờ giấy còn in kèm những câu giải thích ngắn về nhánh tu của họ, và mấy dòng kêu gọi người ta trở về với Chúa. Thiên Chúa là tình yêu, tờ giấy đó nói. Tình yêu và sự khoan dung của người bao la vô cùng, người sẽ không ngoảnh mặt quay lưng với những kẻ trở về. Bạn có thể bắt đầu ngay bằng việc cầu nguyện Jesus mỗi ngày với mấy câu ngắn được ghi ở cuối trang.

Vì tờ giấy đó, mà tôi bắt đầu có hứng thú với tôn giáo. Nghĩ lại, có vẻ một câu cầu nguyện mỗi ngày là cái giá quá rẻ cho những gì tờ giấy hứa hẹn: Một niềm tin có ai đó ở trên cao đang nhìn xuống, yêu thương và chăm sóc mình vô điều kiện. Một lời giải thích cho tất cả những điều khó chịu phải trải qua ở đời. Một nơi chốn để trở về, một mái nhà thực sự bên kia cái chết.

Tôi không nói với cha mẹ, lén giấu tờ giấy đó đi, và từ đó bắt đầu việc cầu nguyện mỗi ngày như hướng dẫn, và lôi những cuốn sách về tôn giáo trong tủ ra để đọc. Có lẽ sự tò mò đó cũng xuất phát từ sự ám ảnh của tôi với những thứ đặc biệt, và, trong bối cảnh của thị trấn tôi ngày ấy, Thiên chúa giáo là một thứ đặc biệt.

Sự hứng thú non trẻ của tôi với Thiên chúa giáo làm mẹ tôi có đôi chút khó chịu. Cuốn truyện tranh màu cha mua cho tôi, kể tích truyện Moses dẫn người Do Thái ra khỏi Ai Cập, bị bà chỉ trích là phản khoa học. Cha tôi, trái lại chỉ cười mà nói, tìm hiểu mấy cái đó cũng có thứ hay. Suy cho cùng, tôn giáo nào cũng dạy người ta sống tử tế. Nhưng học cái hay của họ thôi, đừng tin lắm làm gì.

Điều cha tôi lo lắng, sau này tôi mới hiểu, là việc tôi còn quá trẻ để phán xét thứ gì đó một cách logic. Điều ông không thích, không phải là tôn giáo, mà là sự quá khích thường đi kèm với một đức tin nồng nhiệt. Nhưng sự lo lắng của ông là không cần thiết. Vì dẫu sao tôi vẫn là con của mẹ tôi, và cách nhìn đời của tôi vẫn tương đồng với bà. Câu chuyện về Moses ấy, tôi cũng thấy nó kì quái hoang đường quá mức. Và hơn nữa, tôi lại thấy tội nghiệp cho người Ai Cập. Lúc đó vì cuốn sách của chú tôi, mà tôi rất có thiện cảm với người Ai Cập. Một vị Chúa sẵn sang giết con cái của những người Ai Cập sống trong đầu tôi, những người đã vẽ ra những bức tranh tường rực rỡ, đương nhiên là mất điểm trầm trọng với tôi.

Những điều khác trong sách của cha tôi – những trích đoạn, những truyện kể trong Kinh thánh, chút huyền thoại về các thiên thần, cùng với lịch sử giáo hội mà tôi đã biết một phần qua cuốn sử nghệ thuật của chú Nguyên, càng làm tôi ngờ vực. Tôi đã đọc những chuyện kể của Kinh Thánh như đọc một cuốn tiểu thuyết, và vì thế cách tiếp cận của tôi đã sai ngay từ đầu. Nhưng sự coi thường phụ nữ, sự phân biệt giữa người Do Thái với các sắc dân khác, tính hay ghen ghét đầy rẫy trong những câu chuyện của kinh Cựu Ước, khiến đứa trẻ là tôi ngày đó càng lúc càng không thích vị Chúa đó.

Cuối cùng, thứ làm sự quan tâm của tôi với Thiên chúa giáo hoàn toàn chết hẳn là một câu trích ngắn ngủi trong một cuốn sách, từ một ai đó đã chết cách đây mấy trăm năm. Tôn giáo, và sự tin tưởng vào thần linh, người đó nói, là bởi vì con người vốn rất yếu đuối. Và vì vậy, học giả đó tranh luận, trong xã hội con người, để chỉ cho đám đông quần chúng biết đúng sai, tôn giáo là cần thiết, bất kể Chúa có tồn tại hay không.

Tôi hoàn toàn dứt bỏ việc cầu nguyện từ ngày ấy. Và cũng tự thề sẽ không bao giờ đi theo bất cứ loại tín ngưỡng hay tâm linh nào nữa, cũng như sẽ không nồng nhiệt tin tưởng bất cứ cái gì có dấu hiệu sản xuất để giáo dục đám đông.

Kiêu hãnh không thua gì Lucifer, tôi không chịu được việc bị coi là kẻ yếu đuối, không chịu được việc nghĩ mình chỉ là một phần của cái đám đông mù lòa không biết đúng sai cần giáo huấn, dẫu những lời đó là từ một kẻ không quen biết đã chết từ đời nào, mà cái tên tôi thậm chí còn không nhớ nổi.

Dầu vậy nhiều năm sau, mỗi khi có việc bước qua cửa nhà thờ, câu cầu nguyện quen thuộc ấy vẫn làm gáy tôi chợn lên đôi chút.

Trở lại những ngày tuổi thơ nọ, cô giáo kia có lẽ cũng đoán được sự tò mò của tôi xuất phát từ đâu. Bởi dù sao tôi cũng là một đứa trẻ, và đôi khi vẫn để lộ những mối quan tâm của mình, như cách tôi đã để lộ cho cô biết về Mishima Yukio. Một lần, khi ở lại trực nhật trong phòng học, gặp cô nán lại, tôi đã hỏi cô, nhà thờ ở đâu. Với câu hỏi ấy, cô chợt bật cười.

"Ở bên kia cầu đấy." Vừa cười mơ hồ, cô vừa trỏ tay ra cửa sổ, nói ra mấy cái tên thôn xóm xa lạ tôi chưa từng nghe qua.

Hoàng hôn đang xuống dần. Từ cửa sổ lớp học, dưới nắng vàng rực, những mái nhà san sát lụp xụp dồn vào nhau như kết thành một khối, kéo dài đến tận chân trời. Khi tôi nói tôi chưa từng nghe tên những chỗ ấy, cũng chưa từng đi qua, cô chỉ cười nhạt mà nói:

"Liên ít ra ngoài nên dĩ nhiên là không biết rồi."

Đúng là, những ngày thơ ấu ấy, kinh nghiệm của tôi về thị trấn hầu hết gói gọn trong con đường từ trường đến nhà, và phạm vi khá ngắn xung quanh. Nhưng nhận xét ấy làm đứa trẻ là tôi tự ái ghê gớm. Không muốn thừa nhận sự thiếu hiểu biết của mình, tôi chỉ quay mặt đi. Cô bật cười, lấy khăn trong túi cẩn thận lau những phím đàn trước khi cất nó vào bao, và chợt nói một chuyện chẳng liên quan gì:

"Thật ra giọng hát của Liên hay lắm đấy. Liên hát đúng nhạc lắm."

Tôi vẫn im lặng, cất chổi vào góc phòng. Cô đã đứng dậy, khoác túi đàn to nặng lên vai. Tôi chợt nghĩ, túi đàn quá lớn so với thân hình mảnh dẻ của cô, và lần đầu tiên thấy cảm thương ai đó không chút máu mủ nào với mình.

Bước cùng tôi ra cổng, cô chợt ngoảnh lại nhìn tôi mà hỏi:

"Liên có thích lên sân khấu không?"

Thật ra, cô giải thích, có một cuộc thi ca hát sắp được tổ chức ở trường. Người thắng sẽ được đi thi ở cấp thị trấn. Mỗi lớp sẽ được chọn ra một em. Và cô đang định đề cử tôi.

"Nếu đi thi hát, em có phải trang điểm, mặc váy, hay tết tóc không?" Tôi hỏi.

Cô tròn mắt, gật đầu. Đương nhiên rồi, cô nói thêm, nếu tôi thi, cô sẽ trang điểm cho tôi thật đẹp, như mấy cô bé trên tivi.

Tôi lắc đầu, nói: "Em không thích trang điểm."

Mẹ tôi luôn khổ sở mỗi lần phải bắt tôi trang điểm khi cần đi đâu đó.

"Tại sao thế?" Cô tròn mắt.

"Vì ngứa lắm." Tôi trả lời, không muốn nói là vì mình không muốn làm con gái. Nhưng thật ra câu đó cũng chẳng phải lời nói dối. Lớp phấn trang điểm làm da tôi khó chịu. Son môi của mẹ rất dày khiến môi tôi luôn như bị bọc trong một lớp màng nhầy, không thể tự do ăn uống, chì kẻ mắt của mẹ khiến tôi không thể đưa tay lên dụi. Và hơn nữa, khi nhìn mình trong gương, với đôi má phấn hồng, đôi môi đỏ, chút ánh xanh trên mí mắt, tôi luôn thấy mình như một con ngốc.

Cô phì cười: "Liên đừng lo, cô sẽ trang điểm rất nhẹ, sẽ không khó chịu đâu."

Tôi ngẩng đầu nhìn lên cô. Gương mặt cô quả là có chút dấu vết son phấn, nhưng không nhìn kĩ thì không nhận ra. Sau một chút suy nghĩ, tôi gật đầu.

Chiều hôm ấy, khi tôi nói việc này với mẹ, bà phản đối ngay lập tức. Tôi có hơi ngạc nhiên, vì tưởng bà luôn muốn tôi cất mũi ra khỏi sách tham gia hoạt động nhiều hơn, bớt tự cô lập.

"Mẹ không cản con tham gia vào mấy hoạt động trên trường, nhưng con phải biết mình là ai." Vừa ủi quần áo, mẹ tôi vừa bảo. "Nếu lên sân khấu, con chỉ làm trò cười cho mọi người thôi. Lợi thế của con là con rất thông minh, không phải chuyện hát hò."

Ngày hôm sau, tôi mang mấy lời của mẹ nói lại cho cô nghe trong giờ ra chơi. Trong khoảnh khắc, chúng tôi đều im lặng. Cuối cùng, tôi nói: "Vậy cũng được, dẫu sao, em cũng không thích trang điểm."

Trong phòng giáo viên chỉ có tôi và cô. Tiếng học sinh cười đùa vọng lên bên chúng tôi, xuyên qua những tầng không khí nóng bỏng, đã mất hết màu sắc. Ngồi vắt vẻo trên thành ghế bên bàn nước giáo viên, tôi cuối cùng cũng hỏi, điều tôi tò mò từ bấy đến giờ:

"Sao cô chú ý đến em thế?"

Cô mở to mắt. Và chống tay lên cằm, cô mỉm cười, giọng điệu như có chút đùa cợt:

"Vì Liên rất đặc biệt, đúng không nào?"

Tôi im lặng. Tiếng trống vào lớp vang lên. Học sinh bắt đầu sắp hàng vào lớp, nhưng chúng tôi vẫn đứng đó, nhìn nhau. Sự khó chịu trong đầu tôi tăng dần. Tôi lắc đầu, và nói với cô lúc chạy ra khỏi văn phòng: Cô đã nhầm rồi. Tôi không phải như thế. Tôi luôn biết vậy. Tôi không phải như thế.

Một ngày, chợt có ai đó gọi cô từ trong lớp. Đang cho chúng tôi hát dở bài đồng ca, cô ngừng lại, chạy ra hành lang. Đám học trò rướn người nhìn qua cửa. Sau đó tiết học bị dừng lại, từ cửa sổ tôi thấy cô dắt xe vội vã ra khỏi lớp học. Một thời gian sau đó, cô biến mất khỏi trường học. Tôi nghe những thầy cô trong phòng hội đồng nói, mẹ cô đã ngã bệnh đột ngột, và mất sau đó. Sau khi tang lễ xong xuôi, cô sẽ trở lại trường học.

Một buổi chiều tháng hai sau Tết, trên đường đi học về, tôi lại nhìn thấy cô. Nhưng không phải ở trường học, mà là bãi đất trống bên cạnh ủy ban. Tôi nghe nói bãi đất đó trước đây là khu dân cư, sau đó được giải tỏa, với ý định xây công viên thiếu nhi, nhưng do có vấn đề gì đó, mà việc xây dựng bị dang dở. Cuối cùng, mảnh đất chỉ được san phẳng, đổ một lớp đất đá dày đỏ rực nơi cây cỏ không mọc nổi. Một chiếc xích đu, vài ba cầu tuột nằm trơ trọi rỉ sét chính giữa. Bốn phía là đồng không mông quạnh.

Một nơi như thế, đương nhiên, là thiếu nhi không thèm bén mảng đến. Sau này, khi thị trấn của tôi phát triển hơn, nơi này sẽ thành chỗ tụ tập cho đám nghiện hút. Nhưng vào thời đó, có lẽ ngoài tôi và Văn ra, không mấy ai đến đây. Tôi thích nơi này vì sự yên tĩnh, và Văn thích tập đu người trên mấy thanh sắt, khoe mẽ tài nhào lộn của nó. Thực lòng tôi quả có ấn tượng, nhưng vẫn thường làm bộ như chẳng thèm để ý. Văn vì thế mà phụng phịu nhìn tôi như giận dỗi.

Ngày hôm ấy, tôi có hẹn Văn đi hái trái cây dại. Nhưng từ hôm qua, thằng bé đã bị ngộ độc thực phẩm. Tôi không nên qua, mẹ Văn kể nó sợ lây cho tôi. Thực ra có lẽ Văn đã đau bụng vì miếng bánh quá hạn tôi không nỡ ném đi nên đưa cho nó hôm trước. Nhưng tôi chẳng dại gì thú thật với mẹ Văn.

Vì thế hôm đó tan học xong, tôi đi hái trái dại một mình, chia thành hai túi, một cho tôi và một cho Văn. Khi trở về qua công viên hoang vắng ấy, ngẩng đầu nhìn vào trong, tôi ngạc nhiên khi thấy một bóng người.

Cô một mình đong đưa trên chiếc xích đu, đầu cúi gằm xuống đất, im lặng như một pho tượng, một xác chết bất động. Trên con đường đã ngả bóng chiều, những chiếc bóng đen dài kéo qua bãi đất trống, chỉ có tôi đứng đó, im lặng nhìn cô.

Cuối cùng, cô cũng ngẩng đầu lên, nhìn thấy tôi, và vẫy tay ra hiệu cho tôi lại gần. Môi cô thấp thoáng nụ cười nhợt nhạt, và khi đến gần hơn, tôi mới thấy gương mặt cô mệt mỏi thế nào. Với người, kéo tôi ngồi xuống trên đùi, cô dùng chân đẩy nhẹ xích đu, rồi khe khẽ nói, giọng lẫn vào tiếng khớp kim loại cọt kẹt:

"Mai cô đi dạy lại rồi đấy, Liên có nhớ cô không?"

Tôi im lặng. Rồi hỏi, có phải mẹ cô vừa chết?

Cô giáo dừng lại một lát. Đôi môi vẫn mỉm cười, nụ cười bàng bạc mơ hồ, nhưng đôi mắt đỏ báo cho tôi cô đã khóc. Tôi cảm thấy kì lạ, thứ nhất là việc cô đã khóc – những người khác từng nói rằng người Thiên chúa giáo không khóc trong đám tang, vì chết là về với Chúa. Và điều thứ hai làm tôi ngạc nhiên là cô đã đến đây.

Thấy vẻ ngạc nhiên của tôi, cô nghiêng đầu như có ý hỏi. Nghe tôi giải thích lý do đầu tiên, cô liền bật cười

"Liên ít biết về người theo đạo lắm phải không?"

Câu nói đó làm đứa trẻ hiếu thắng trong tôi tự ái. Tôi nhăn mặt, trả lời, không, tôi đã đọc nhiều sách về tôn giáo. Khi tôi bắt đầu kể những cuốn sách ra với sự tự mãn hẳn là rất khó ưa, cô cười nhẹ và nói:

"Cô biết Liên thông minh lắm. Những gì Liên biết chỉ là sách vở thôi. Không phải người theo đạo nào cũng giống nhau đâu. Sau này, khi Liên gặp nhiều người rồi, thấy nhiều thứ, Liên sẽ hiểu ra nhiều chuyện..."

Đến đây, câu nói của cô đứt đoạn giữa chừng, như đã quá mệt mỏi để tranh cãi với một đứa trẻ vô tâm. Chỉ đong đưa xích đu, trong khi cúi người xuống mái tóc tôi, cô khẽ nói:

"Cô chỉ mệt quá. Nên chợt nghĩ, cô muốn về nhà..."

Tôi ngẩng đầu nhìn cô, rồi nhìn xung quanh bãi đất trống. Như nhiều học sinh khác, tôi chẳng buồn quan tâm đến nhà giáo viên ở đâu, hay họ có cuộc sống nào ngoài nhà trường. Nhưng do đã đi cùng đường với cô nhiều lần, nên tôi có thể biết mơ hồ nhà cô ở đâu đó bên kia bờ sông, cách xa nơi đây.

Như đoán được điều tôi đang thắc mắc, cô nói:

"Nhà cô từng ở bãi đất này ấy. Nhưng bây giờ không còn nữa rồi."

Sau khi mẹ cô mất, trong căn nhà họ ở chẳng còn ai ngoài cô. Nên cô chẳng thể cảm thấy nơi đó là nhà nữa.

Xoa đầu tôi, cô chợt mỉm cười:

"Liên có thấy buồn cho cô không?"

Tôi im lặng, chơi đùa với dải tóc dài và mềm của cô rủ xuống vai tôi, buột miệng:

"Em chỉ muốn thấy đám tang của người Thiên chúa giáo mà thôi."

Cô mở to mắt. Rồi chợt bật cười:

"Con độc ác lắm, con biết không? Liên?"

"Đừng gọi em là con." Tôi cúi đầu đạp chân xuống bùn khô. Từ ấy khiến tôi thấy bản thân mình nhỏ bé.

Thế rồi, cô yên lặng. Đưa tay lên vuốt mái tóc của tôi một hồi lâu, cô chợt bảo: "Tóc Liên dài thế này, tết lên cho đẹp đi. Thi thoảng vẫn thấy Liên tết tóc lên trường mà. Mẹ Liên tết cho Liên à?"

"Mẹ tết đau lắm." Tôi lắc đầu. Rồi nói, tôi thà mẹ đừng động vào đầu tôi thì hơn.

"Vậy Liên có yêu mẹ không?"

Tôi suy nghĩ một lúc, rồi trả lời rất nhỏ: Có lẽ thế. Có lẽ.

Cô bật cười, rồi chợt hỏi:

"Liên có yêu cô không?"

Tôi im lặng. Vì tôi không muốn nói dối, và đáng buồn thay, cũng đã đủ khôn ngoan để biết không nên nói thật những lúc thế này. Cô không hỏi gì sau đó, chợt đưa tay tết tóc tôi. Tôi quả thật rất ghét ai động vào tóc mình. Nhưng có lẽ là vì cũng tự biết mình đã nói một câu có lỗi với cô trước đó, tôi ngồi yên.

Khi cố định hai bím tóc của tôi bằng mấy sợi dây trong túi, cô chợt hỏi: "Tại sao Liên lại muốn biết chuyện về người theo đạo vậy."

Vậy tại sao cô lại chú ý đến tôi như thế? Tôi hỏi lại, và cô chợt nói:

"Vì cô muốn làm bạn của Liên."

Trong buổi chiều tối đang hạ xuống thị trấn, giọng cô rất mềm và nhẹ, khiến tôi cảm thấy mơ hồ một nỗi buồn tăm tối, khiến tôi bức rứt, nhưng không hiểu rõ ngọn ngành. Có điều gì chứa chất trong giọng nói đều đều đó, mà tôi lại không sao nhìn rõ được. Cô vẫn tiếp tục thủ thỉ:

"Làm bạn với cô nhé. Liên muốn biết gì về người theo đạo, cô sẽ nói cho Liên biết. Liên cũng có thể kể cho cô nghe về cái gã người Nhật ấy."

Tôi im lặng. Một đứa trẻ như tôi ngày ấy, nghĩ rằng bạn bè chỉ là giữa những người đồng tuổi. Người lớn với người lớn, trẻ em với trẻ em. Việc một người lớn như cô, lại muốn làm bạn với tôi – và vì thế trong đầu óc non trẻ của tôi, tức là coi tôi như ngang hàng, làm tôi không sao hiểu được, dù trong lòng thầm nở sự kiêu hãnh bé nhỏ.

Tôi đứng dậy đột ngột, ngoái lại nhìn cô, và nói, tôi phải về nhà. Ánh chiều đã khiến khoảng sân nhuộm đỏ. Cô ngẩn người ra trên xích đu, gương mặt trong chốc lát không có biểu cảm gì, nhưng mỉm cười rất nhanh, cô đưa tay cho tôi và nói: "Thế cô đưa Liên về nhé."

Tôi đưa tay chạm vào bàn tay cô, và chợt thấy lòng mình thắt lại. Một cảm giác gì đó – gần với nỗi đau, dữ dội, bất ngờ, khiến hơi thở tôi chợt nghẹn lại trong lồng ngực. Tôi biết ngay lập tức, đó là một điều trong suốt quãng đời trước đó của mình tôi chưa từng trải qua. Trong buổi chiều đó, tôi đã nhìn thấy điều gì đó lần đầu tiên, như ánh sáng đỏ chói của một trái banh đỏ lăn ra khỏi màn sương ký ức. Và cũng như đứa trẻ sơ sinh bị cuốn hút bởi cảm nhận đầu tiên về màu đỏ, tôi cũng không ngừng lật đi lật lại, xem xét cảm giác mới mẻ đó, tự vấn về ý nghĩa của nó.

Tôi nắm lấy tay cô. Và chúng tôi cùng nhau bước về.

Khi chúng tôi bước qua cây cầu, quay đầu nhìn những cơn gió thổi qua mặt sông, cô chợt cất tiếng hát. Không phải những bài thánh ca như tôi đã đòi nghe cô hát (cô đã từ chối với một nụ cười, bảo rằng những bài đó không phải để hát ngoài đường) mà là một bài hát tập thể ở trường chúng tôi. Những bài này tôi có biết, nên tôi cũng cao giọng hát theo cô. Người trên đường thi thoảng ngoái lại nhìn chúng tôi, nhưng chúng tôi không buồn nhìn lại.

Cuối cùng cánh cổng nhà ông bà tôi đã hiện ra trước mặt. Ông tôi đang cúi người quanh những bụi hoa màu tím, ngẩng đầu lên tiến chậm rãi về phía cô trò chúng tôi.

Lúc đã đến gần đủ để nhìn thấy rõ mặt chúng tôi, chợt ông dừng lại, sững người như đã bị hóa đá. Đôi mắt ông nhìn lên, không cúi xuống để trông thấy tôi, để xoa đầu tôi. Tôi ngạc nhiên ngẩng đầu, và nhận ra ông đang nhìn cô, chứ không phải ai khác. Chỉ có sự im lặng lấp đầy không khí. Bóng tối nào đó đã quét qua mặt ông khi đó, một câu chuyện không thuộc về thời đại của tôi.

Trông lên, tôi nhận ra cô vẫn mỉm cười. Rồi cúi đầu thật nhanh, cô tự giới thiệu, rồi xin phép ông nội tôi rời đi. Khi cô quay đầu lại vẫy tay với tôi, tôi chợt nhận ra, ông nội tôi vẫn còn im lặng nhìn theo cô.

Chiều ấy, tôi rửa sạch trái cây dại rồi mang qua cho Văn, cùng với tập vở hôm nay tôi đã chép dùm nó. Thằng bé có vẻ cảm động hết sức, hứa đi hứa lại là sẽ chép bài hộ tôi nếu tôi nghỉ học. Nghĩ đến tập vở lem nhem của nó, tôi chỉ im lặng ngồi xuống bên cạnh thằng bé, và nhân mẹ Văn chưa trở về, đưa trái cây dại cho nó.

Trong lúc ăn quả dại, tôi kể cho Văn nghe chuyện đã gặp cô ngoài bãi đất trống, và chuyện kì quặc cô đã hỏi tôi. Kì quặc thật, Văn đồng ý, người lớn tại sao lại đòi làm bạn với trẻ con cơ chứ? Tôi gật gù, tiếp tục ăn, và thằng bé chợt hỏi:

"Cậu muốn biết về người theo đạo à?"

Tôi chần chừ một lúc, cuối cùng chỉ nói, tò mò chút đỉnh thôi.

"Có gì hay ho đâu chứ?" Văn phụng phịu. "Tớ nói chuyện với một bà theo đạo rồi. Bà ấy cứ khăng khăng con người không tiến hóa từ khỉ."

"Con người không tiến hóa từ khỉ, mà có chung tổ tiên với khỉ." Tôi giải thích, nhưng Văn chỉ nhún vai, nói, có gì khác nhau đâu chứ. Tôi kể lại chuyện Adam và Eva, và vườn địa đàng cho Văn nghe. Có lẽ người theo đạo hiểu về nguồn gốc con người như thế.

Đến đoạn Adam và Eva bị đuổi khỏi vườn địa đàng, Văn liền nhăn mặt:

"Chỉ một trái táo thôi mà, thật là một gã kiệt xỉ."

"Ừ, kiệt xỉ thật nhỉ?" Tôi ngạc nhiên thấy mình hoàn toàn tán đồng với phản ứng tự nhiên của Văn. Nhìn bóng trời chiều tối dần, tôi chợt nghĩ, một niềm tin sâu sắc sẽ ảnh hưởng đến tôi mãi sau này:

Nếu Chúa trời tồn tại, hẳn đó phải là một kẻ vô cùng độc ác.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro