Nhật Bản, và Mishima Yukio

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Mặc dù chúng tôi đều thích vẽ, trong khi chú tôi vẽ những thứ thân thuộc xung quanh, tôi lại cho rằng những thứ tồn tại trong đời thực thì chẳng đáng công vẽ ra. Bức tranh đầu tiên tôi vẽ là Doraemon, sau đó là người có cánh, ngựa biết bay và những đôi mắt trừng trừng rất dữ tợn, gần như kín lề những trang sách. Những đôi mắt ấy đã khiến Văn chọc ghẹo tôi mãi. Mẹ tôi thì la mắng không ngừng. Nghĩ lại thì bà lo lắng đến thế cũng dễ hiểu – trong những phim kinh dị, một đứa trẻ vẽ những đôi mắt kín trang vở không phải là dấu hiệu gì tốt lành.

Nhưng tôi biết tôi đang vẽ ai. Tôi biết chủ nhân của những con mắt ấy. Có điều chẳng bao giờ tôi nói cho Văn hay mẹ, và dù cả hai đều để ý đến thói quen đó của tôi, cũng chẳng bao giờ hỏi điều quan trọng nhất.

Người duy nhất hỏi tôi câu đó, là một giáo viên dạy Nhạc trẻ, chuyển về trường khi tôi lên lớp hai. Một ngày, cô đã đến sau lưng tôi lúc nào không biết, im lặng nhìn tôi vẽ, rồi đột ngột lên tiếng:

"Liên đang vẽ mắt của ai đấy?"

Tôi ngẩng đầu lên, tròn mắt, nhận ra trước mặt là một giáo viên tôi chưa hề quen, tóc dài xõa ngang lưng, gương mặt trẻ trung xinh xắn đang mỉm cười. Hầu như chẳng ai đã hỏi tôi câu đó. Hầu như không ai để ý rằng những đôi mắt ấy là của một cá thể duy nhất, riêng biệt.

Không cần phải nói, tôi cảm động đến run rẩy trước câu hỏi đó. Nên tôi tiết lộ cho cô, bí mật tôi che giấu, quên hết những quy tắc thông thường khi thưa gửi với người lớn:

"Mishima."

"Đó là tên người nước ngoài hả?" Cô giáo vẫn mỉm cười, cúi gần mặt tôi hơn. "Là người Nga à?"

Hai má tôi nóng bừng. Một cảm giác ngượng ngập, pha lẫn tức giận khiến tôi im bặt trong một lúc. Cuối cùng, tôi lắc đầu và chỉ nói: "Là người Nhật."

Tôi chạy vụt ra sân. Khi quay lại, tôi thấy cô giáo trẻ đó đứng đó, và mỉm cười.

Mishima Yukio, và đôi mắt của ông, đã luôn xuất hiện trong những giấc mơ của tôi ngày ấy. Những giấc mơ về Nhật Bản.

Chỉ sau khi tôi vào tiểu học ít lâu, thì thế giới quanh tôi thực sự bước vào cơn sốt Nhật Bản. Thật ra, nếu nói chính xác, sự mê đắm này không phải điều gì mới mẻ. Từ thời cải cách Minh Trị, là đất nước châu Á duy nhất đã duy tân thành công và thoát khỏi ách thuộc địa của phương tây, xứ sở mặt trời mọc đã luôn khiến chúng ta tò mò, khâm phục, và có lẽ là ghen tị. Những ngày xa xưa đó, mặc dù có người vẫn e sợ sự lớn mạnh của chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản, nhiều người vẫn gửi gắm lòng tin vào xứ sở xa lạ đó. Đất nước lý tưởng chúng ta đã không thể trở thành. Một giấc mơ, một niềm tin, hy vọng. Nói một cách nào đó, chúng ta đã nhìn Đại đế quốc Nhật Bản như nó muốn được nhìn: Một sức mạnh có thế giúp chúng ta lấy lại niềm kiêu hãnh bị tổn thương của châu Á.

Trong thời gian ngắn chúng ta bị chiếm đóng, chúng ta dĩ nhiên đã chứng kiến những tội ác tàn bạo quân đội Nhật gây ra. Đôi lúc tôi cũng nghe những lời đồn đãi, rằng ngày xưa lính Nhật đã giết tất cả công nhân trong một nhà máy, hay là họ bàn tính bắt cóc những đứa trẻ Việt Nam để huấn luyện thành binh lính trẻ con. Lời đồn cuối cùng có lẽ có đôi chút sự thực. Ông nội tôi đôi lúc cũng đùa cợt, khi còn bé ông là một đứa trẻ xinh trai, xinh trai đến độ mấy tay lính Nhật muốn mang ông về Nhật luôn.

Tuy vậy, dường như có rất ít sự thù hận còn lưu lại đối với người Nhật. Vào những năm 90, những năm tuổi thơ tôi, khi đất nước đã thoát khỏi sự cô lập và tiến vào cuộc cải cách kinh tế, sự mến mộ với Nhật Bản quay lại. Vì đã tách rời khỏi thế giới suốt một thời gian dài, tôi có cảm giác tin tức bên ngoài đến với chúng ta như chậm vài thập kỉ. Khi Nhật Bản đang gánh chịu hậu quả của sự sụp đổ nền kinh tế bong bóng, chúng ta vẫn còn đang mê đắm với "Điều thần kì Nhật Bản" của năm 60, 70. Sách vở, báo chí, TV cứ mãi ca tụng những đức tích tốt đẹp của người lao động Nhật Bản, và tinh thần trách nhiệm của quan chức Nhật. Khi một vị lãnh đạo địa phương mắc sai lầm, những người xung quanh tôi đều nhắc đến văn hóa từ chức của Nhật, và than phiền tại sao người nước ta không có dũng khí như vậy.

Bây giờ nhìn lại cơn sốt Nhật Bản xung quanh tôi từ thời thơ ấu ấy, tôi không thể không nghĩ, một lần nữa, chúng ta đã không coi đất nước đó như một vùng đất thực sự tồn tại, mà là sự lý tưởng hóa của một quốc gia chúng ta đã không thể trở thành. Suy nghĩ kì lạ đó thêm chút dư vị buồn bã vào hồi ức của tôi.

Đương nhiên, tất cả những điều trên chỉ là suy đoán của tôi, một đứa trẻ chỉ mải mê đọc sách và có quá nhiều thời gian, khi tìm một ý nghĩa cho "sự điên cuồng Nhật Bản". Những ngày thơ ấu, sự hứng thú về Nhật Bản của tôi chủ yếu đến từ truyện tranh, đặc biệt là Doraemon. Những đứa trẻ thời ấy đã biết đến anh đào và núi Phú Sĩ từ cuốn truyện tranh đó. Ở trường tiểu học, chúng tôi bắt chước gập người chào như người Nhật. Bằng cách của chính mình, chúng tôi chia sẻ cơn sốt Nhật Bản với người lớn, dù có lẽ hầu hết đều biết rõ, những gì chúng tôi làm chỉ là sự giả vờ nông cạn bề ngoài.

Biết sự mê đắm kì lạ của tôi với Nhật Bản, hay với Doraemon, mẹ tôi hay sử dụng những con người xa lạ của đảo quốc mơ hồ đó mà thuyết giáo tôi, đặc biệt là sự kỉ luật lễ độ của họ. Khi tôi không chịu ăn cá, bà sẽ bảo: "Con có thấy mấy người Nhật ăn nhiều cá không? Chính vì vậy mà họ mới thông minh chứ?"

Tôi sẽ đáp lại bà: "Nhưng Nobita cũng ăn nhiều cá lắm, mà vẫn ngốc đấy thôi."

Nghe câu trả lời đó, mẹ tôi nhăn mặt, chẳng biết là định mắng tôi hay phá lên cười.

Cha tôi, cũng học theo cách làm của mẹ. Vì tôi luôn tỏ ra căm ghét những món buộc tóc trâm cài của con gái, trong nỗ lực cố làm cho tôi nữ tính hơn, ông mang về cho tôi một cây trâm có đính những bông hoa anh đào bằng thủy tinh.

Tôi thích mê cây trâm cài đó, điều này khiến cha tôi hài lòng. Nhưng ông mau chóng mất hứng khi nhận ra tôi giấu kín cái trâm đó đi mà không dùng tới. Tôi đã bỏ nó vào một chiếc hộp bằng giấy, đậy lại cẩn thận. Sau này tôi nhận ra, hầu hết con gái đều có một cái hộp như thế.

Một lần, khi sang nhà tôi chơi, Văn đã nhìn thấy cái hộp đó, và tò mò mở ra. Lúc phát hiện, tôi giận tái mặt. Nhưng thằng nhóc vẫn nhìn chằm chằm bức hình của Mishima dưới đáy hộp. Gương mặt nó chợt có vẻ nhợt nhạt khác thường. Cuối cùng, nhăn mặt, Văn nói: "Ai mà gớm thế này? Nhìn y như con ma."

Sau đó, tôi giận Văn mấy ngày. Thằng nhóc phải làm hòa bằng một túi me, mặc dù nhìn vẻ bối rối của nó, tôi nghĩ nó đã xuống nước để tuân theo hình mẫu đàn ông đích thực, chứ không biết mình sai chuyện gì.

Tại sao tôi và những đứa trẻ xung quanh lại cố bắt chước người Nhật? Ở trên, tôi đã cố tìm một câu trả lời chung cho hiện tượng đó. Nhưng với cá nhân tôi, tôi nghĩ còn có một lý do khác: trong con mắt tuổi thơ của tôi, vùng đất xa xôi ấy có vẻ chân thực và đặc biệt hơn mảnh đất tôi đã sinh ra – một thị trấn nghèo nàn không một diện mạo văn hóa. Và bởi vì tôi chỉ biết đến Nhật Bản gián tiếp qua sách báo, vùng đất ấy trở nên đẹp đẽ sáng rỡ hơn, như mọi giấc mơ luôn đẹp hơn thực tại.

Ảo ảnh đó có lẽ cũng liên quan tới sự ám ảnh của tôi muốn trở nên đặc biệt. Một đứa trẻ không có gì đáng giá trong một thị trấn không có gì đáng giá, tôi luôn biết quá rõ sự đáng sợ của những đêm mùa đông yên tĩnh, khi dường như không ai sẽ nhận ra nếu thị trấn của chúng tôi biến mất như nó chưa từng tồn tại. Bởi vậy bằng trò chơi bắt chước giả vờ của mình, tôi đã cố trở thành một thứ gì khác, thuộc về cái gì đó mà trong mắt tôi là chân thực, đặc biệt và có ý nghĩa, như một thứ giả mạo bắt chước đồ thật.

Sự tồn tại của chúng ta là đặc biệt, và phải như thế, không còn cách nào khác – Đó là thứ ảo tưởng mà nhiều người có. Nhưng một ngày, ảo tưởng đó sẽ phải tan vỡ, khi chúng ta gặp một người thực sự đặc biệt.

Với tôi, đó là ngày tôi gặp người đàn ông Nhật có tên Mishima Yukio.

Tôi nghĩ, đó là sau khi tôi bắt đầu đi học. Ít nhất phải là sau thời điểm tôi bắt đầu học tiếng Anh. Những ngày ấy, khi tôi ngủ lại nhà ông bà, tôi thường chui vào phòng cô tôi, bắt cô đọc sách. Tủ sách ngoại văn của cô tôi đầy những tập truyện cổ tích nước ngoài vô cùng bạo lực. Cô tôi có thể đọc cả tiếng Anh và tiếng Nga, nhưng cuốn sách của Mishima ấy chắc chắn là bản dịch tiếng Anh.

Đó là một buổi tối ấm áp, khi tôi đang chơi trong phòng của cô, và cô đang đọc sách. Đột ngột, cô tôi cười lớn. Điều đó khiến tôi chú ý, và chạy đến bên cô, tôi hỏi, có chuyện gì thế.

Vẫn chưa dứt tiếng cười, cô tôi kể rằng cậu nhóc trong sách đã mê mẩn vẻ đẹp của một hiệp sĩ oai phong lẫm liệt trong một tấm hình, nhưng khi ai đó bảo với cậu ta rằng đó là một cô gái – nàng Jeanne d'Arc – thằng bé trở nên tức giận mà mất hết hứng thú với tấm hình.

Tôi chẳng thấy câu chuyện đó buồn cười tí nào, nhưng rõ ràng là nó kì cục. Thằng nhỏ ngu ngốc, tôi thầm nghĩ. Cái đẹp là cái đẹp, liên quan gì đến giới tính cơ chứ. Vì tò mò, tôi xin cô đọc cho tôi nghe cuốn sách ấy. Ban đầu, cô đồng ý. Nhưng sau khi lướt qua những trang sách để nắm nội dung của nó, cô đột ngột nói: "Không được, truyện này không dành cho trẻ em."

Độc giả thân mến hẳn đã đoán được, khi một đứa trẻ bị cấm làm điều gì đó, thứ cấm đoán đó lại trở nên hấp dẫn hơn gấp chục lần – không, gấp trăm lần chứ. Vì thế mà tôi không thể không nghĩ về cuốn sách đó. Cái gì trong cuốn sách đó khiến cô tôi kết luận rằng nó không phù hợp cho trẻ con, trong khi cô hoàn toàn OK với câu chuyện cổ tích Nga miêu tả một người bị quái vật ăn sống? Tôi không thể rời mắt khỏi cuốn sách đó, nhớ nằm lòng hình dáng của nó. Khi cô tôi vắng nhà, tôi lén lấy cuốn sách đó từ trên kệ, mở ra nhìn lướt qua vài trang, chỉ để bực mình vì chẳng hiểu gì cả.

Điều duy nhất tôi nhớ được là tên của tác giả, Mishima Yukio, viết rất to ở bìa sách. Trong thư viện của cha tôi, tôi cố tìm thông tin về tác giả đó. Nhưng Mishima không phải một tác giả được biết đến rộng rãi. Một thời gian sau đó, tôi mới tình cờ tìm ra thông tin về y trên một tờ báo cha tôi đã bất cẩn vứt đi. Tờ tạp chí đó giới thiệu tiểu sử, những tác phẩm tiêu biểu, đính kèm với hai bức ảnh đen trắng của Mishima: Một khi còn bé, và một khi đã trưởng thành.

Lúc đó, một dòng điện chạy qua người tôi. Và cũng như thằng bé trong tiểu thuyếttrước tấm hình Jeanne d'Arc, tôi vội vã gập trang tạp chí lại, vừa thấy khó thở, vừa hưng phấn đến không giải thích được.

Đó là vì cặp mắt ấy. Đó là cặp mắt trắng dã lạ lùng, trợn trừng trong tấm hình đen trắng ấy đã khiến tôi sợ, mà cũng cuốn hút tôi. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy một cặp mắt có thể miêu tả là đâm thấu tâm thần, mặc dù chủ nhân của nó không còn trên thế giới này. Không ai tôi từng gặp đã có đôi mắt trực diện, mạnh mẽ đến thế. Nhưng cũng có điều gì đó tàn nhẫn và nghiệt ngã cháy lên dưới đáy sâu lạnh ngắt ấy, làm tôi sợ hãi đến mức phải giấu tờ báo đi đâu đó để không phải nhìn thấy chúng nữa.

Bằng những từ ngữ đơn giản hơn, bạn có thể nói là, tôi rơi vào tình yêu. Sự mê đắm của tôi với một vùng đất mơ hồ đã được đúc kết trong một cá nhân cụ thể.

Giống như một đứa trẻ ngày nay thần tượng một ca sĩ Hàn Quốc, tôi đã yêu Mishima, trước khi đọc được những gì Mishima viết.

Thật là một mối tình đơn phương hoàn hảo. Một thứ tình cảm không thể được đáp lại bằng bất cứ cách gì, không chỉ vì Mishima đã chết, được chôn từ lâu, mà bởi vì tôi là một đứa con gái.

Theo những gì viết trên tờ báo, Mishima sinh năm 1925 ở Tokyo, đã sống qua sự kinh hoàng của Đệ nhị thế chiến, và sau đó là sự chiếm đóng của quân đồng minh trên đất Nhật. Những trải nghiệm đó đã một phần đóng góp vào màu sắc bạo lực của những trang viết của Mishima, nhưng một phần lớn là do tính cách đặc biệt của y. (Có lẽ) là một người đồng tính trong xã hội Nhật cực kì bảo thủ, những khao khát bị giấu kín và những tình cảm mãnh liệt đã từ từ chất chồng trong nội tâm y. Còn chưa kể đến, xã hội hậu chiến Nhật là một nơi vô cùng phức tạp: một đất nước bại trận chứng kiến toàn bộ ý thức hệ của mình bị đảo lộn sau một đêm, không còn cách nào khác là chịu sự sỉ nhục của toàn thế giới. Tất cả những điều đó khiến ngòi bút của Mishima sáng lên một vẻ đẹp đen tối, một nỗi giày vò rực rỡ, và có phần độc ác.

Sự phức tạp đó có lẽ cũng khiến Mishima có đôi mắt ám ảnh nọ. Tôi luôn cảm thấy một người có đôi mắt như thế thì suốt đời chịu đau khổ cũng tự nhiên thôi. Đến bây giờ tôi vẫn nghĩ rằng, những kẻ hạnh phúc không thể là nghệ sĩ thật sự.

Từ những ngày thơ ấu, sức khỏe của Mishima đã luôn yếu đuối, và cũng như nhiều đứa trẻ ốm yếu khác, y náu mình trong sự cô lập dịu dàng của sách vở. Theo cuốn bán tự truyện "Lời thú tội của chiếc mặt nạ", khuynh hướng đồng tính của y đã bắt đầu lộ ra từ rất sớm. Thằng bé đáng thương biết rõ mình thật sự khác biệt với mọi người xung quanh, và cố gắng giấu điều đó đi, hành động mà sau này y sẽ so sánh với việc đeo một chiếc mặt nạ ở nơi công cộng quá lâu, đến nỗi tự thân cũng không biết liệu cái mặt nạ đã thành bản ngã thực của mình hay chưa. Cuốn sách xuất bản năm 24 tuổi đó ngay lập tức khiến Mishima nổi danh lừng lẫy. Nối sau đó, Mishima tiếp tục viết chăm chỉ, được cân nhắc cho giải Nobel Văn học, nhưng thua vào tay Kawabata, một nhà văn Nhật khác mà chính Mishima hết lòng kính trọng.

Trong những trang viết của mình, Mishima dường như luôn dao động giữa hai thái cực, không ngừng nghỉ. Một kẻ khao khát sự trong sạch thuần khiết của quá khứ, vẻ đẹp tàn nhẫn của tuổi trẻ, mà cũng đồng thời mê đắm những cảnh đầu rơi máu chảy. Một kẻ như luôn mơ về vẻ đẹp của một chiến sĩ tử vì đạo, mà cũng quá tỉnh táo để thực sự đắm chìm vào một tình cảm nào. Một linh hồn nhạy cảm, dễ dàng rung động trước mọi biến chuyển nhẹ nhất, mà cũng cay nghiệt và thực tế đến khó tin. Trong những câu chuyện, ngay cả khi dường như Mishima đã nhập tâm vào nhân vật nhất, để ngòi bút bị cuốn theo dòng cảm xúc đến gần như run rẩy, thì cũng là lúc y dường như tách mình ở rất xa, quan sát và phân tích nhân vật của mình với sự lạnh lùng cực đoan của một bác sĩ phẫu thuật – tôi nghĩ đó là cách Mishima nhìn thế giới. Tiểu thuyết cuối cùng của Mishima, mà trang cuối cùng được chấm dứt vào ngày y chết, là một thế giới rộng lớn bao quát xã hội Nhật từ cuối thời Minh Trị đến những năm cải cách kinh tế sau Thế chiến. Khi viết xong cuốn sách này, cũng như thế giới đã kết thúc – Mishima hình như đã thốt lên như thế.

Tuy vậy, điều người ta bàn tán nhiều nhất về Mishima, không hẳn là văn chương, mà là cái chết của y.

Năm 1970, Mishima và những người trong nhóm quốc gia chủ nghĩa tiến vào một văn phòng của JSDF, bắt cóc một sĩ quan cấp bậc cao. Họ yêu cầu binh sĩ phải tập trung trước tòa nhà để nghe một bài diễn văn của Mishima. Mong muốn của họ là khôi phục quyền lực của Thiên Hoàng, và bài diễn thuyết của Mishima là nhằm thúc giục binh sĩ nổi loạn lật đổ chính quyền. Không khó đoán điều gì đã xảy ra. Suốt những năm đã qua, nước Nhật đã cố gắng quên đi sự kinh hoàng của Đệ nhị Thế chiến, và đột nhiên một gã nhà văn điên khùng xuất hiện thúc giục họ quay lại thời kì đen tối. Không ngạc nhiên gì là đám đông binh sĩ thấy bực mình, và lớn tiếng chế nhạo Mishima. Trước sự sỉ nhục tập thể đó, Mishima quay vào phòng, và tự sát bằng cách mổ bụng như một võ sĩ đạo thực sự – loại người từ lâu đã biến mất khỏi nước Nhật hiện đại.

Nhìn từ bên ngoài, cái chết đó có vẻ rất rõ ràng. Y có lẽ đã thấy nhục nhã khi lý tưởng của mình bị chế giễu. Nhưng khi người ta bắt đầu điều tra, mọi thứ bắt đầu trở nên kì quái. Dường như Mishima đã cẩn thận chuẩn bị mọi thứ cho vụ tự sát đó, mà những người khác trong nhóm cánh hữu của y cũng không hay biết tí gì. Nhìn từ cách đó, thì Mishima đã chơi khăm tất cả mọi người, và dưới nấm mồ, y hẳn đang cười vỡ bụng khi người ta không ngừng suy đoán về cái chết của y.

Một vài người thậm chí đã đoán rằng toàn bộ phong trào chính trị đó, và vụ phản loạn bất thành cũng chẳng gì hơn một màn diễn kịch của Mishima. Tất cả để y có thể nếm trải hương vị cái chết "tử vì đạo" bạo lực và lãng mạn y đã mơ mộng từ thủa bé. Mishima luôn bị ám ảnh bởi sự trong sạch thuần khiết, và cuốn tiểu thuyết cuối cùng – Sự mục rữa của các Thiên thần – cho thấy Mishima đã nghĩ rằng xã hội hiện đại Nhật đã mất đi sự trong sạch. Và hơn nữa, kinh sợ tuổi già là thế, Mishima cũng không thể không nhận ra mình đang già đi. Tiếp tục sống, và tiếp tục mục rữa trong một xã hội không còn gì chân thật, chẳng bằng tự tiêu hủy mình một cách rực rỡ trước khi thời gian kịp bắt lấy. Chờ đợi một giải thưởng được vinh danh bởi mấy lão già trong hội đồng Thụy Điển, không bằng tự mình hóa thân thành một ngọn lửa rực rỡ. Suy nghĩ này có vẻ khá điên khùng, nhưng xét về tính cách Mishima, thì không đến nỗi là vô lý.

Nhưng tất cả chỉ là suy đoán, và nguyên nhân cái chết của Mishima, vẫn là một điều không ai có thể hoàn toàn chắc chắn. Một vụ tự sát, bằng một cách nào đó, là một thông điệp gửi đến thế giới. Thậm chí, đó còn là thông điệp mạnh nhất: Điều gì mà cá nhân khao khát tuyệt vọng được bày tỏ, mà không thể nói ra bằng cách nào hơn là sự hủy diệt chính mình. Nếu Mishima quả thật muốn gửi một thông điệp đến thế giới, thì cái gã đó đáng lẽ phải cân nhắc thật kĩ lưỡng, vì gần nửa thế kỉ trôi qua, thế giới vẫn chẳng thống nhất được liệu y đã muốn nói cái quái quỷ gì.

Nếu Mishima đơn giản là một gã quốc gia chủ nghĩa điên khùng, một kẻ đã sống qua chiến tranh mà vẫn còn muốn ủng hộ những kẻ cực đoan, y đã biến mất tăm tích khỏi tâm trí tôi.

Nhưng tôi luôn cảm thấy, có điều gì hơn thế.

Có lẽ người đàn ông ấy, đã chẳng thèm gủi một thông điệp nào. Cuộc đời và cái chết của y đã là một thông điệp rồi: Về sự đặc biệt và quá khích của y. Một gã như thế sẽ chẳng thể chết bằng cách nào khác, tôi đã luôn nghĩ vậy.

Tôi đã luôn yêu mến Mishima, bởi vì sự tồn tại của y hoàn toàn đối lập với những gì mẹ tôi luôn giảng về sự cân bằng cần có trong đời.

Và bời vì, y làm tôi tin rằng, có ai đó thực sự khác biệt trong cuộc đời nhàm chán này.

Thời gian tôi bắt đầu đọc về Mishima cũng là thời gian những mặt trái của xã hội Nhật bắt đầu được nói đến trên đất nước chúng ta, như sự phát triển không bền vững của nền kinh tế bong bóng, hay những nhân viên Nhật làm việc đến lăn đùng ra chết. Gần nhà tôi, một chuyên viên người Nhật chết đuối dưới biển, chẳng rõ do tự sát hay tai nạn khi đi tắm. Đôi giày của y xếp lại ngay ngắn bên bờ cát. Cái chết đó làm thị trấn rối tung, và báo chí như kền kền háu đói thi nhau bay về. Đã chết thì đừng làm phiền người khác – Mẹ tôi không ngớt càu nhàu – Và có gì hay ho khi tự sát cơ chứ? Đàn ông phải biết đưa vai ra gánh lấy trách nhiệm. Dẫu là người nước nào cũng vậy.

Cùng lúc đó, những câu chuyện về Thế chiến cũng được lan truyền. Một dân tộc với mĩ cảm tinh tế đến thế, cũng có thể thử nghiệm trên cơ thể người, hay cưỡi máy bay lao vào quân địch. Những câu chuyện đó, tuy vậy, không làm sự tò mò của tôi đối với Nhật Bản mờ đi. Ngược lại, bóng tối ám ảnh của họ, bóng tối của Mishima, bóng tối mà mẹ tôi nhất quyết chối từ, lại càng làm tôi thấy bị thu hút.

Ở một góc nào trong bóng tối ấy, Mishima sẽ luôn đứng đó, nhìn tôi chằm chằm, chẳng nói câu gì. Và cả nếu y có mở miệng, tôi hẳn cũng chẳng hiểu nửa chữ.

Y đã đi theo tôi từ ngày ấy. Hay đúng hơn, tâm trí tôi đã tạo ra một hình ảnh của y, như một người bạn tưởng tượng, hay một phần khác của chính mình. Điều đó chẳng khác gì với một đứa trẻ ngu ngốc tin tưởng rằng thần tượng nhạc pop có mối liên hệ tâm linh nào đó với mình. Như một khán giả đứng phía dưới luôn có ảo giác rằng ca sĩ trên sân khấu đang hát cho chính mình chứ không phải ai khác trong đám đông, một thời gian dài tôi đã có ảo tưởng rằng tôi có liên hệ nào đó với Mishima. Những trang viết của Mishima dĩ nhiên là dành cho cả thế giới, hàng ngàn người đã đọc, nhưng tôi vẫn có cảm giác, có gì đó bên trong chúng đang nói trực tiếp với mình. Một thông điệp bí mật, của Mishima và tôi.

Và với đôi mắt sáng rực ấy, Mishima đã đứng ở một góc tường, nhìn theo tôi chằm chằm, đôi lúc với một nụ cười mai mỉa trên mặt. Tôi đã tạo cho bóng ma đó một tính cách, có lẽ khác hoàn toàn với Mishima trong thực tế – dẫu sao y cũng đủ khéo léo để tụ hợp một đám cực đoan điên khùng xung quanh mình. Nhưng trong đầu tôi, y vẫn luôn là một gã ngạo mạn, nhìn tôi như thể luôn phán xét hành động và suy nghĩ của tôi. Không có cách nào tôi có thể giả vờ thành ai khác trước mặt y, và cũng chẳng cần. Tôi biết điều đó. Và mỗi lần như thế, nhớ về cuộc đời và những trang viết của Mishima, tôi luôn bối rối giữa việc muốn ôm lấy y, hay tháo giày ra ném vào mặt y.

Tôi mang theo bóng ma ấy, cũng như đã giấu kín tấm ảnh của y trong hộp giấy. Nếu nhìn từ góc độ nào đó, thì Mishima quả thật là mối tình đầu của tôi. Một bí mật tôi chôn giấu thật sâu, tận cõi lòng, không mảy may hé răng với ai, dù Văn năm lần bảy lượt cậy hỏi tôi chân tướng của tấm ảnh trong hộp, lần sau bực dọc hơn lần trước.

Tôi đã yêu mến Mishima một cách ngu ngốc như thế đấy.

Và cùng một lúc, tôi ghét y, sự căm ghét của một thứ giả dối vờ vịt dành cho một thứ thực sự đặc biệt.

Tôi biết, rõ hơn bất kì ai, rằng tôi là một kẻ giả mạo, và chỉ thế mà thôi.

Là không có gì ở tôi là chân thật, và tất cả những gì tôi làm chỉ là trò vờ vịt, để cố gắng trốn thoát khỏi sự buồn chán bủa vây bốn bề, thoát khỏi một thế giới vốn sẽ chẳng đoái hoài nếu một sự tồn tại nhỏ bé tầm thường như tôi biến mất.

Sự tự cô lập, tính cách khác người của tôi, những câu nói kì quái, chẳng là gì hơn một màn kịch để mình trở nên khác biệt. Khi ngồi lại một mình trong phòng đọc sách, từ chối tham gia cuộc vui với mọi người, tôi luôn biết rõ, gia đình mình, ánh sáng và tiếng cười của họ chỉ cách tôi một bức tường mỏng. Và bất cứ lúc nào phát chán với việc tự cô lập, tôi có thể bước qua cánh cửa, ngồi vào giữa họ, cầm lấy món quà vặt từ tay ông tôi, lắng nghe các chú tôi bình luận về bản tin trên Tivi, bật cười khanh khách khi cha tôi xoa đầu tôi, và cuối cùng thiếp ngủ trong lòng mẹ. Sự cô đơn thời thơ ấu của tôi, vì thế, chẳng là gì hơn trò vờ vĩnh của một đứa trẻ đã quá đủ đầy.

Tôi đã cố gắng đến thế để trở nên đặc biệt, vậy mà khi có ai đó nói rằng tôi quả là như thế, những gì tôi có chỉ là sự nghi ngờ. Vì sâu thẳm trong lòng, tôi biết, tôi là kẻ giả mạo. Tôi biết tôi không thông minh, tài năng, trung thực, siêng năng, không chân chính cũng không tử tế. Nhưng có một sự ám ảnh đen tối, một điều ước u ám thúc đẩy tôi bước tiếp: Dù điều đó vô lý cỡ nào, tôi muốn mình trở nên đặc biệt hơn những kẻ thực sự thông minh, tài năng, trung thực, siêng năng, chân chính và tử tế.

Những người thực sự đặc biệt, như Mishima Yukio, sẽ hiểu rõ nỗi đau đi cùng với sự cô lập đó, và phần đông sẽ không mong muốn hay tha thiết gì với sự đặc biệt của chính mình. Sự thật là tôi bị ám ảnh bởi việc làm cho mình đặc biệt, là bằng chứng rõ ràng không chối cãi được về sự bình thường đáng thất vọng của tôi. Nhưng có hề chi. Những thứ giả mạo, bằng nỗ lực của nó để trở nên giống thật, còn đáng trân trọng hơn những thứ đồ thật. Đó là một trong những ảo tưởng ít ỏi mà tôi cố nắm lấy.

Khi nói câu gì đặc biệt ác ý với Văn dù tôi không thực nghĩ như thế, khi từ chối ra ngoài sân chơi đùa với bạn bè, khi ngoảnh mặt lại với những cuộc vui của gia đình – tóm lại là khi vờ vịt – đôi khi tôi có thể thấy Mishima đang sống trong đầu tôi khẽ nhếch môi, rồi nở nụ cười nhẹ nhạo báng.

Nhưng tôi mặc xác. Kẻ đã tham gia vào một vụ đảo chính ngu ngốc, tự biến mình thành trò hề quốc dân, rồi mổ bụng tự sát – chẳng có quyền phán xét cách sống của bất kỳ ai.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro