Chú tôi, và những người Ai Cập bé nhỏ

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tình bạn chớm nở giữa tôi và Văn, cùng với những lời khoe khoang của thằng bé về người cha mẫu mực của mình, khiến tôi tò mò hơn về nam tính. Tôi bắt đầu quan sát những người đàn ông quanh mình, thầm đánh giá và xếp loại họ. Đa số hình như đều coi việc ăn nhậu, hút thuốc, bạo lực với phụ nữ là biểu hiện của đàn ông. Cha Văn thì khác hẳn, nhưng bằng việc nhấn mạnh sứ mạng bảo vệ phụ nữ, ông cũng gián tiếp liên kết sự nam tính với sức mạnh áp đảo.

Nhưng tính cách của con người không thể bị định nghĩa chỉ bằng giới tính của họ. Vì không hiểu điều ấy, ngày còn nhỏ tôi suy luận, hẳn cũng có rất nhiều loại nam tính. Ngay những người đàn ông gần tôi nhất, cũng khác nhau rất nhiều. Liệu tôi có thể đánh giá ai trong số họ ít nam tính hơn ai? Câu hỏi đó làm tôi bối rối, và dĩ nhiên trong ngày thơ ấu ấy, tôi không trả lời được.

Ngoại trừ ông nội, hai người đàn ông tôi có thể quan sát gần nhất, là hai người chú ruột của tôi.

Cha tôi có hai người em. Và tính khí của hai người chẳng giống nhau tí nào. Mặc dù tôi luôn bám theo chú Nguyên, người chú còn lại tên Thụy luôn khiến tôi sợ. Tuy có những lúc cao hứng lên, chú Thụy có thể dạy tôi chút tiếng Trung, nhưng bình thường tôi luôn cố gắng né chú thật xa thật tốt. Không chỉ có tôi, mà những người khác trong nhà, đều biết tính khí chú thất thường đáng sợ thế nào.

Trong khi cha tôi là bức tranh hoàn hảo của một đứa con trưởng nghiêm trang, cần cù, lễ phép, sự nghiệp ổn định, biết lo nghĩ đến dòng họ, không hút thuốc uống rượu – thì chú Thụy của tôi lại là điều mọi người nghĩ đến khi nhắc tới một kẻ nổi loạn. Đến bây giờ, mọi người vẫn nhắc đến việc chú đấm vào mặt giáo viên khi tranh cãi một bài kiểm tra chấm sai, bị ghi tên vào sổ đầu bài, và rồi xé cả sổ đầu bài. Từ cấp ba, chú đã bắt đầu hút thuốc, uống rượu, lý sự rằng cha tôi đã giành hết phần ngoan hiền của ông nội, những tính xấu của ông, phải đế cho chú. Những mùa hè trở về từ trường đại học, chú đều xách xe đi đến tối, bù khú với đám bạn, chỉ trở về khi mặt mày đã đỏ gay, nhìn thấy tôi là gườm mắt, tôi chỉ có thể chạy đi chỗ khác. Ông luôn cáu kỉnh khi thấy tôi đọc sách, hay khi tôi nói đến chuyện gì trong sách. "Con nít nếu không biết rõ thứ gì thì im miệng đi, đừng khoe khoang" – ông vẫn hay càu nhàu như thế.

Có điều, dù ngỗ ngược, bạn gái theo đuổi ông rất nhiều. Một số loại đàn bà thích được đối xử tệ hại – mẹ tôi nhếch mép cười và nói như thế. Dẫu sao thì ông cũng rất thông minh, kết quả học tập rất tốt – nếu ông chịu học. Một kẻ nổi loạn không mục đích, lại tài năng, thường là gu của nhiều thiếu nữ mơ mộng ngốc nghếch.

Trong đám con gái theo đuổi chú Thụy, có một người đặc biệt lì lợm. Ngay cả sau này, khi chú đã đính hôn với người khác, cô ta vẫn không hết hy vọng. Nên một ngày, chú dẫn người yêu đến nhà cô ấy, lấy cớ là đi thăm bạn cũ, đường hoàng ngồi nói chuyện, rồi bảo cô ta nấu ăn cho cả chú và người yêu. Bởi vì hồi cấp ba cậu ấy nấu ngon lắm – chú đã bảo vậy. Hẳn là cô gái si tình đó đã vừa nấu mà nước mắt lưng tròng. Tin tức lan ra, và cả thị trấn đều trách chú là kẻ tàn nhẫn. Nhưng mẹ tôi lại bật cười khi nghe chuyện này, hết sức tán đồng: "Làm vậy mới đáng mặt đàn ông chứ. Thà cắt đứt hẳn, còn đỡ phiền phức hơn là không dứt khoát, lây nhây đến tận bao giờ?"

Hình ảnh đậm nét nhất về chú Thụy tôi nhớ được trong đầu là những buổi chiều buồn bã ở thị trấn, khi ông ngồi hút thuốc một mình ngoài hiên. Có lẽ chính ông cũng cảm thấy sự chán chường của một thị trấn nhỏ, và sự đập phá của ông cũng chỉ là biểu hiện của nỗi buồn dai dẳng đó. Dĩ nhiên đó cũng chỉ là suy diễn của tôi. Dù ông rất khó tính, và chẳng biết khi nào ông sẽ quay sang tôi mà cáu gắt, nhưng tôi vẫn thích ngắm ông hút thuốc. Một phần cũng vì ông có đôi mắt khá dữ – đôi mắt khiến tôi nhớ đến Mishima Yukio, dù cũng chưa đến mức hút hồn như thế.

Chính vì ôngvà mẹ tôi, mà tôi đã thích mùi thuốc lá từ nhỏ, dù biết rõ những tác hại của nó. Có điều, cách hai người cầm điếu thuốc, bóng dáng họ khi nhìn nghiêng có gì đó khác hẳn nhau. Nhờ ông mà tận bây giờ, tôi vẫn liên tưởng thuốc lá với sự nam tính.

Ngược lại, chú Nguyên của tôi, sẽ ho sặc sụa, rồi ôm miệng xua tay như một cô gái trẻ khi nghe thấy mùi thuốc lá.

Có hai người anh nổi bật có lẽ là nguyên nhân khiến chú Nguyên trở nên cực kì trầm lắng. Như một câu văn của Agatha Christie mà tôi không thể dứt khỏi đầu, ông dịu dàng như một người phụ nữ – nếu phụ nữ có thể thực sự dịu dàng. Dù cô An mới là người con gái duy nhất trong nhà, chú tôi là người quẩn quanh trong bếp nhiều nhất.

Chú Nguyên chỉ hơn tôi vài tuổi. Ông vài cấp ba khi tôi còn học tiểu học. Không thông minh xuất sắc như hai người anh, hầu như chẳng ai hy vọng ở ông điều gì đặc biệt – đậu sư phạm, cao đẳng hay đại học, sau đó kiếm việc làm được đã là tốt lắm rồi.

Có điều, dần dần, mọi người cũng nhận ra, bên trong vẻ ngoài lặng lẽ ấy, chú Nguyên đã nổi loạn một cách âm thầm lặng lẽ như tính cách của ông, và xét một mặt nào đó, còn sâu sắc hơn người anh của mình.

Chú tôi vẽ.

Điều đó đã bắt đầu từ lúc nào, không ai nhớ được. Cũng như chẳng ai biết ông nội hiền lành của tôi tại sao lại có đứa con ngỗ ngược như chú Thụy. Khi tôi nhận thức được, thì đã thường thấy chú ngồi vẽ những lúc rảnh rỗi: lên những trang cuối của cuốn tập học sinh kẻ ô, lên bìa cuốn sách giáo khoa thừa kế được từ anh chị, lên mặt sau còn trắng của những tài liệu mẹ tôi in ra rồi không sử dụng nữa. Dường như, ông cũng không có ý thức về việc đó – chỉ tự nhiên, trong giờ học, lúc đang làm bài tập, bàn tay ông chợt tự động nguệch ngoạc gì đó lên giấy – có khi giật mình ông mới nhận ra mình đã vẽ lên bài kiểm tra. Ông bị mắng lần đó – tôi cũng có mặt. Ông im lặng cúi đầu, không bào chữa gì, vì có lẽ thật lòng cũng chẳng biết giải thích hành động của mình thế nào.

Chính chú tôi cũng không thể trả lời mình đã nghĩ gì khi vẽ. Nó đến với ông một cách tự nhiên, thế thôi. Ông cũng không thể nhớ rõ mình đã vẽ từ lúc nào. Đến khi ông và mọi người nhận ra, chuyện vẽ vời đã không thể tách rời khỏi cuộc đời ông, cũng giống như sau này, tôi cũng không thể nhớ ra cuộc đời mình đã thế nào mà không có những con chữ.

Một lần, mẹ tôi hỏi trong giờ cơm tối, có chút khiêu khích, rằng rốt cuộc em hãy giải thích cho chị biết, chuyện vẽ vời có gì mà em ham thích đến thế hở Nguyên? Chú tôi đã im lặng, mỉm cười nhẹ nhàng, với vẻ dịu dàng cam chịu của đứa con út trong một gia đình đông anh em:

"Em nghĩ nếu nói được ra thành lời, điều đó sẽ không còn ý nghĩa nữa."

Câu trả lời kì quặc đó đương nhiên là mẹ tôi không hiểu được, nên tiếp tục căn vặn. Nhưng chú tôi chỉ tiếp tục mỉm cười, lắc đầu với vẻ bối rối nhẹ nhàng trong mắt. Tôi nhận ra rằng, có lẽ thực lòng chú chẳng biết câu trả lời cho câu hỏi của mẹ tôi.

Điều đó có nghĩa: tình yêu nghệ thuật của chú là chân thực, không giống với tôi.

Tôi đã luôn cảm thông với chú tôi, và ghen ghét ông, chính vì điều đó.

Lúc bé, tôi đã vẽ vời chút ít, chủ yếu là do sự ảnh hưởng của chú Nguyên. Nhưng tới khi đi học, tôi mới trở nên đặc biệt quan tâm đến việc vẽ. Tôi bắt đầu nhìn ngắm những tập tranh của chú, để học cách phối màu, cách đi nét. Mỗi lần có cuộc thi vẽ, tôi đều xung phong, và nhờ chú giúp tôi rèn luyện, mà luôn đoạt giải cao. Mọi người đều cho rằng "máu nghệ sĩ" của tôi là di truyền từ chú. Nhưng quan điểm về việc vẽ vời của tôi và chú tôi khác nhau xa.

Không giống tình yêu trong sáng của chú tôi, sự ám ảnh của tôi về những thứ đặc biệt đã thúc giục tôi tiếp tục vẽ. Tôi muốn bằng tài lẻ ấy, mình được chú ý đến, được trở nên khác biệt – vì vậy bạn có thể nói, sự ham thích nghệ thuật của tôi đã luôn gắn liền với những tính toán hơn thiệt và lòng ham muốn danh tiếng. Suy nghĩ của tôi gần với người mẹ thực dụng hơn là người chú bay bổng.

Có lẽ mẹ tôi cũng hiểu điều đó, nên dưới mắt bà, và cả gia đình, sự mê thích của tôi không nguy hiểm như chú Nguyên.

Như mọi gia đình trung lưu thực dụng và tử tế khác, gia đình tôi có một sự tôn trọng vừa phải với nghệ thuật như một thứ để cuộc sống không cằn cỗi nhàm chán. Nhưng chỉ đến thế là hết. Nghệ thuật chẳng qua là một thứ gia vị, một thú tiêu khiển, một trò chơi mà người ta phải biết lúc nào dẹp sang một bên, như đứa trẻ cất búp bê vào tủ sau mỗi giờ chơi, ngồi vào bàn học bài, và không còn để ý gì đến nó nữa. Khái niệm nghệ thuật thuần túy, sự mê đắm nó, và những nỗi buồn rầu bực dọc mà quá trình sáng tạo có thể mang lại, không phải là những điều sẽ được hoan nghênh ở gia đình chúng tôi, thậm chí, có thể được coi là một thứ ôn dịch khó chữa.

Việc ham thích vẽ của chú tôi, đã gây cho nhà tôi nhiều sự phiền muộn sâu sắc hơn là sự nổi loạn không mục đích của chú Thụy rất nhiều. Mọi việc đều ổn khi chú tôi có thể dùng tài lẻ của mình vào một thứ gì đó thiết thực: dỗ dành đứa cháu gái cứng đầu, làm trò tiêu khiến cho mấy đứa trẻ họ hàng ngày lễ Tết, giúp cô tôi chép mấy bức tranh làm giáo cụ dạy tiếng Anh. Nhưng khi chú vào cấp ba, và càng lúc càng bộc lộ thiên hướng, sự thích thú, hay – như cách gia đình chúng tôi gọi nó – sự ám ảnh kì quặc với chuyện vẽ tranh, trong khi thờ ơ hay lảng tránh những câu hỏi về thi cử hay sự nghiệp trước mắt, mọi người đều không khỏi lo lắng. Mặc cho sự bất mãn bà tôi từng có với chú Thụy, có lần trong bữa ăn, bà đã buột miệng nói, nó cứ phá hoại nhưng biết lo nghĩ cho tương lai thế có được không.

Chú Thụy tôi, quả thật là biết lo nghĩ tới tương lai. Lên đại học, chú học hành chăm chỉ hẳn. Mùa hè cuối cùng, khi trở về, chú mang theo một cô người yêu cùng trường. Và từ đó, chú đổi tính hẳn. Như trở thành một con người khác, và sự ngỗ ngược trước đây chưa từng tồn tại. Khi chú cúi xuống cười ha hả xoa đầu tôi, tôi sợ đến tái mặt.

Bữa cơm đêm đó thật rôm rả. Cha mẹ tôi cũng có mặt. Cô người yêu cũng trổ tài nấu nướng các món ăn ở quê nhà cho cả nhà tôi ăn, cười nói vui vẻ, kể chuyện chú tôi ở trường đại học, trong khi ông chỉ ngồi một bên, tủm tỉm cười, nhìn xuống chén.

Cô người yêu ấy, học cùng lớp với chú. Và theo lời cô kể, họ đều là những học sinh giỏi nhất, cạnh tranh khốc liệt cho vị trí đứng đầu. Vì vậy mà chú tôi chuyên tâm học hành. Dù trong quá khứ ông đã có không ít bạn gái, nhưng đây là lần đầu tiên ông dẫn người ta về nhà ra mắt. Nhìn cách hành xử của chú tôi bên cạnh cô ta, tôi chợt cảm thấy, chắc là hai người sẽ cưới nhau.

Bên bàn ăn, tôi chợt thần người, buông đũa. Chú Nguyên gắp nem vào trong chén cho tôi, chợt hỏi nhỏ, bé Liên làm sao thế?

Tôi lắc đầu, thì thầm để mọi người không nghe thấy. Nhưng cũng chẳng cần, vì họ đều mải nghe người con gái kia kể chuyện chú Thụy ở trường đại học. Chẳng sao cả, tôi nói, chỉ vì tôi đã nghĩ chú Thụy sẽ vẫn luôn là kẻ nổi loạn.

"Kẻ nổi loạn? Anh Thụy á?" Chú Nguyên phì cười.

Cô gái kia thấy tôi đã buông đũa, liền gắp tiếp cho tôi. Tôi lắc đầu, chỉ nói: "Đồ cô nấu cay quá, cháu ăn không được." Rồi đứng dậy, tôi bảo mình đã no, muốn về nhà ngủ.

Mẹ tôi trừng mắt nhìn tôi phía bên kia bàn, nhưng cha tôi cho phép tôi rời đi. Thấy vậy chú Nguyên cũng đứng dậy, nói đã ăn xong, muốn đưa tôi về.

Khi đi đến cổng, tôi một lần nữa ngoái lại nhìn phòng khách sáng đèn đầy tiếng cười nói đằng sau. Chú Nguyên kiên nhẫn đứng đợi tôi, chợt nói mơ hồ:

"Người ta chỉ có thể nổi loạn đến một tuổi nào đó mà thôi."

Đứng trong bóng tối, tôi lặng lẽ suy nghĩ về những điều chú nói. Người ta chỉ có thể nổi loạn đến một lúc nào đó thôi. Sau đó, ta phải trưởng thành. Phải xếp lại những ngày tháng ồn ào phía sau, để xây dựng một cuộc sống ổn định. Nổi loạn là thứ chỉ dành cho tuổi trẻ. Vì vậy, khi nhìn chú Thụy ngoan ngoãn ngồi ăn cơm người yêu nấu, vui vẻ trò chuyện với mọi người trong nhà, khác xa sự ngỗ ngược trước đây của ông, tôi chợt nghĩ, chú đã già hẳn rồi.

Chúng tôi nắm tay nhau trở về nhà cha mẹ tôi. Trên bầu trời trong trẻo, những vì sao mùa hạ thi nhau nhấp nháy. Ngẩng đầu nhìn chấm đỏ của một chiêc máy bay cắt qua bầu trời, chú chợt nói, nhẹ nhàng bình thản:

"Ngay cả chú, cũng không biết mình tiếp tục được bao lâu."

Câu nói chẳng rõ ràng đó làm tôi buồn bã. Và đột nhiên, tôi cảm thấy lòng mình có chút giận chú Thụy. Đúng hơn là giận sự phản bội của ông.

"Chẳng sao." Tôi ngước mắt lên nhìn chú Nguyên. "Con thích chú hơn."

Dưới ánh sáng hắt ra từ hàng rào một căn nhà, tôi thấy chú tròn mắt. Và ông chợt bật cười.

Để được gia đình tôi chấp nhận, chuyện vẽ vời hay nghệ thuật nói chung phải trở nên có ích, phải là thứ gì đó ứng dụng được. Nếu là văn chương, tốt nhất là trở thành nhà báo. Nếu là chuyện vẽ vời, cũng phải đưa ra được một cái nghề cụ thể. Thiết kế thời trang. Kiến trúc. Đại loại vậy. Ví dụ cho nếp suy nghĩ này, có thể kể ra chuyện một đêm giao thừa, lúc cả nhà tôi quây quần ở nhà ông bà, mẹ tôi đang cố sức tết tóc cho tôi, chợt nhìn lên tivi đang chiếu chương trình thời trang, và hỏi:

"Chị bảo này, tại sao chú không làm thiết kế thời trang ấy. Vẽ bao nhiêu tùy thích nhé, lại còn có tiền."

Chú tôi mỉm cười, chỉ nói: "Nhưng em nghe nói đám thiết kế thời trang đều thành gay cả, chị biết không, nếu không thì đo đạc thân hình mấy cô người mẫu cũng khó lắm."

Mẹ tôi im bặt. Như mọi công dân bình thường của thời đó, bà không bao giờ nói rằng mình có chút thành kiến nào với thế giới thứ ba – miễn họ giấu mình thật kĩ, đừng dính líu gì tới bà và thế giới quanh bà. Từ đó về sau bà không đả động chuyện này nữa. Lúc đó, tôi nghĩ là chỉ trong chốc lát, khi mọi người đều hướng mắt về màn ảnh, chú đã nháy mắt với tôi.

Có điều, có lẽ những ngày đó, chú tôi cũng chẳng dễ chịu gì với câu hỏi như thế này. Không phải ông có ao ước hay tham vọng sâu xa nào với nghệ thuật. Ông chỉ biết rõ câu hỏi của mẹ tôi chẳng khác gì một trò đùa ác, dù bà không cố ý. Không có cách gì một học sinh ở thị trấn nhỏ như chúng tôi có thể đỗ kì thi vào một trường mỹ thuật, hay kiến trúc. Không có lò luyện vẽ nào quanh đây, và cách duy nhất những học sinh muốn thi kiến trúc có thể có chút cơ hội là đi học vẽ ở thành phố cách đây hơn trăm cây số. Mà bà tôi, chắc chắn sẽ chẳng bao giờ đồng ý cho chú đi xa nhà vì chuyện vẽ vời bấp bênh đó.

Vì vậy khi nhắc đến chuyện thi đại học, chú tôi chỉ đơn giản nói, mọi người quyết thế nào, chú cũng không có ý kiến. Thật ra, đi dạy cũng không phải chuyện không tốt. Dù lương lậu ít ỏi, nhưng cũng có thời gian. Lúc đó chú muốn vẽ giải trí, thì cũng chẳng ai nói gì nữa. Đây là lời khuyên của cha tôi, quả thật sáng suốt.

Nhưng một chiều, khi tôi đang ngồi trong phòng chú, vẽ những đôi mắt lên bảng đen, chú chợt bảo:

"Bé Liên, con có nghĩ ra chuyện chú sẽ đi dạy không?"

Tôi quay đầu lại.

Bật cười, ông chỉ bảo: "Chú thật tình chẳng hình dung được tương lai mình sẽ làm gì cả."

Tôi không nói gì, nhìn chú, và lắc đầu..Chú tôi phì cười. Và tôi cũng cười lớn thành tiếng.

Cuộc đời của chú tôi, hẳn sẽ qua đi như thế, nếu một ngày, thị trấn của chúng tôi không có thay đổi lớn.

Một họa sĩ đã trở về – một người tốt nghiệp trường mĩ thuật hẳn hoi. Ông ta thuê nhà làm phòng vẽ gần đường đến trường cấp ba. Cũng như nhiều họa sĩ khác, để có thể sống được mà sáng tác, ông ta bắt đầu đánh tiếng nhận vẽ thuê, cùng với việc mở lớp dạy vẽ cho những ai có nhu cầu.

Một ngày, lúc tôi đang ngồi ngắm bà chuẩn bị muối cà, chú chợt nói: Thật ra, chú định, có lẽ sẽ thử ôn thi vào Kiến trúc.

Hóa ra chú tôi đã nói chuyện với người họa sĩ đó trước đây, và đã mang tập vẽ lên cho ông ta xem, nhờ ông ta tư vấn. Sau khi xem qua, ông ta chỉ nói, với thời gian còn lại, chú tôi tốt nhất nên học vẽ tranh tượng để thi Kiến trúc. Trường mỹ thuật đòi hỏi khả năng dùng màu, và phải biết vẽ trước. Nếu không, họa may có đỗ vào trường, đến khi cần làm dự án, phải làm sao? Những lời nhận xét ấy, khi nghe chú trình bày lại với bà, làm tôi thấy cáu giận hết sức với ông họa sĩ chưa từng gặp mặt kia. Tại sao ông ấy lại dám nói như thể chú tôi chưa từng biết vẽ?

Điều làm tôi ngạc nhiên là, chú có vẻ chẳng hề giận dữ gì về điều đó cả.

Đương nhiên, bà tôi từ chối ngay lập tức. Chú tôi yên lặng một lúc, và giải thích lại cho bà, giọng điệu vẫn từ tốn, nhưng không giấu được tôi sự bối rối. Lần đầu tiên, tôi thấy ông tỏ ra thực sự mong mỏi điều gì. Việc đó trái với tính cách ông, tôi không lý giải được, nên chỉ yên lặng nghe, thò tay nghịch những trái cà đang ngâm trong chậu nước.

Cuối cùng, bà tôi chỉ nạt: "Đợi thằng Phong anh mày về rồi tính."

Cuối tuần đó, khi cha tôi trở về, gia đình tôi họp bất thường ở nhà ông bà. Trước đó, cha tôi đã gọi điện cho chú Thụy ở trường đại học để hỏi ý kiến, nhưng giữa lúc đang căng thẳng vì công việc ở phòng nghiên cứu, chú gắt vào điện thoại: "Thi gì mặc kệ nó. Anh là anh cả, quyết sao đó quyết. Thằng này OK hết." .

Ăn trưa xong, trong khi cô chú tôi dọn bếp, mẹ tôi pha trà và giúp bà xếp những cái bánh đậu xanh có người vừa gửi từ Hà Nội vào. Khi mọi người đã ngồi quây quần, bà tôi mới bảo chú tôi trình bày một lượt.

Cha tôi im lặng một lúc, rồi từ tốn bảo: "Chú ấy có suy nghĩ về tương lai thế cũng được thôi. Nhưng chú đã nghĩ kĩ chưa, thi kiến trúc khó lắm."

Gần nhà chúng tôi, đã có người luyện thi suốt bốn năm năm trời ở thành phố mà vẫn không đậu nổi.

Rồi ai đó, cô tôi thì phải, hỏi chú tôi về chuyện học phí để luyện thi. Khi chú tôi trả lời, bà nội tôi nhíu mày tỏ vẻ không hài lòng. Một khoản tiền quá lớn cho một việc viển vông như học vẽ.

Một lát, chú tôi cúi đầu bảo, ông bà không cần chi tiền, chú định sẽ đi làm thêm cho một đại lý ở gần ga tàu lửa. Họ cần người giúp chở bia nước ngọt – chú có thể lái xe máy, dù chưa có bằng lái.

"Không được." Bà tôi cau mày, đáp. "Anh chị trong nhà đi làm, bố mẹ còn mạnh khỏe, để con chạy ngoài đường, người ta nhìn ra thứ gì?"

Cách suy nghĩ đó rất quen thuộc vào thời kì bấy giờ. Bây giờ nhớ lại, dù người trưởng thành trong tôi thấy ngạc nhiên, nhưng đứa trẻ là tôi ngày ấy đã chấp nhận logic của bà nội vô cùng thản nhiên. Những người khác trong nhà cũng vậy. Họ lắc đầu ngay lập tức. Ý tưởng của chú tôi bị bắn hạ nhanh chóng. Cuộc thảo luận kéo dài khoảng nửa giờ, thi thoảng lại đi chệch chủ đề một tí, và cứ thế, một lúc sau, bằng cách nào đó, gia đình chúng tôi đã chuyển sang bàn tán về tin đồn nhà máy nào đó đổ hóa chất xuống sông.

Ngồi trong lòng ông, lúc mọi người không để ý, tôi với tay lấy bánh đậu xanh trên đĩa của cô tôi. Cô cau mày, nhưng miệng lại bật cười: "Bé Liên, sao lại lấy bánh của cô?"

Tôi ngẩng lên cười. Mẹ tôi mỉm cười với cô tôi, nhưng đôi mắt liếc sang tôi lạnh như băng.

Cha tôi vẫn im lặng giữa tiếng ồn ào. Cuối cùng, ông đột ngột lên tiếng:

"Cứ để chú ấy thử xem sao, nếu không cứ giữ ấm ức trong lòng cũng không tốt. Việc làm thêm thì khỏi, lo tập trung học hành đi."

Bà nội tôi cau mày. Cha tôi vội nói thêm:

"Chuyện tiền học vẽ của chú, vợ chồng anh chị sẽ cho mượn, sau này ra trường đi làm trả lại cho anh chị. Nhưng chú cũng phải chuẩn bị thi một trường khác dự phòng đi. Anh cho chú cố gắng một năm. Nếu trượt, thì bỏ luôn chuyện vẽ vời mà tập trung học hành nghe chưa."

Bà tôi nhìn sang cô tôi. Cô chỉ thản nhiên nói: "Anh Phong chị Doanh đã quyết, em là em gái cũng nghe thôi."

Bà tôi liếc sang chú tôi, nạt: "Còn không mau cảm ơn anh chị đi."

Cha tôi nhìn sang mẹ, và bà mau chóng mỉm cười, dù cách bà cau đôi mày và cách khóe môi bà hơi cong lên mách cho tôi rõ, cha tôi hẳn đã không bàn luận chuyện này trước với mẹ tôi, và thực lòng bà chẳng muốn chi tiền cho cậu em chồng theo đuổi chuyện vẽ vời vớ vẩn này tí nào.

Và sau đó, một tuần vài lần, chú tôi đi học vẽ. Từ đó, tôi không thấy ai than phiền hay thì thầm nho nhỏ khi ông vẽ tranh nữa. Có điều chú tôi cũng không vẽ những bức tranh tôi thích nhìn nữa. Ông tập vẽ tĩnh vật, những khối hộp, hình cầu, vỏ lon, đầu tượng – những thứ sẽ giúp ông đậu trường kiến trúc, và cũng là những thứ tôi thấy nhàm chán phát chết.

"Vẽ cái này chán lắm. Vẽ cánh đồng đi." Tôi níu áo ông, nhưng chú tôi chỉ cười mà nói, bé Liên thôi nào, để chú rèn luyện. Nếu không thi đậu sẽ không làm kiến trúc sư được đâu.

"Tại sao chú phải làm kiến trúc sư chứ?" Tôi phụng phịu. "Chú muốn xây nhà ư?"

"Chú chẳng biết nữa." Chú tôi chợt im lặng. Cuối cùng ông nói: "Chú chỉ muốn làm nghề gì mà chú có thể tiếp tục vẽ thôi."

Một ngày nọ, chú tôi mang về từ lớp học vẽ một cuốn sách bìa cứng. Đó là một cuốn lịch sử nghệ thuật, với nhiều trang in màu, ông mượn từ thầy giáo dạy vẽ. Đôi má hơi hồng lên, chú gọi tôi cùng đọc. Có lẽ đó là vì trong chuyện vẽ vời, chú đã luôn coi tôi là đồng hội đồng thuyền.

Chương trình mỹ thuật ở trường học ngày ấy rất nghèo nàn. Ở một thị trấn nhỏ, những thứ phù phiếm như giáo dục nghệ thuật lại càng không được coi trọng. Suốt một thời gian dài, chúng tôi chưa từng nghe đến tên họa sĩ nào khác ngoại trừ Tô Ngọc Vân, tác giả của những bức tranh Hà Nội thỉnh thoảng được chiếu trên Tivi, mà lúc bé tôi chưa bao giờ thấy đẹp. Sách vở về mỹ thuật cũng cực kì khan hiếm. Nói vậy bạn đọc cũng hiểu được sự hào hứng của chú tôi với cuốn sách ấy.

Suốt một thời gian dài, chú đã vẽ hoàn toàn bản năng, gia nhập một trò chơi mà ông không biết luật lệ, mò mẫn trong bóng tối dịu êm của thời thơ ấu mù lòa, không thấy chút ánh sáng nào của những người đi trước. Cuốn sách lịch sử nghệ thuật ấy, dù giản lược sơ sài đến đâu, cũng đã lần đầu tiên giới thiệu cho ông biết sự sâu rộng của thế giới mỹ thuật, mở ra trước mắt ông những cảnh tượng kì dị, khác thường

Trong cuốn sách ấy, bằng một giọng kể thoải mái nhẹ nhàng, tác giả giải thích sự phát triển của nghệ thuật tạo hình từ những bức tranh tường cổ đại cho đến các trường phái mới sau chiến tranh thế giới thứ nhất. Điều đặc biệt là ông ta cố tạo ra một câu chuyện, một dòng kể chảy dài liên tục từ thời đại này sang thời đại khác, tập trung vào những mối quan hệ ảnh hưởng lẫn nhau giữa các nền văn hóa và các trào lưu. Cách viết có hơi đơn giản, và do tác giả là người phương Tây, nên với ông nghệ thuật thế giới chẳng qua là nghệ thuật phương Tây. Nhưng với tư cách người kể chuyện, ông quả thực vô cùng hấp dẫn duyên dáng, và cuốn sách của ông cũng làm chúng tôi mê đắm như Ngàn lẻ một đêm vậy.

Trong những chiều cùng đọc sách với nhau trong phòng chú tôi, khi chú tôi say mê nhìn ngắm những bức tranh in màu, tôi đuổi theo dòng kể hấp dẫn của tác giả. Khi không ai ở bên, chúng tôi thi thoảng lại nhắc đến những họa sĩ được đề cập đến trong cuốn sách và những lời bình luận dí dỏm của học giả đó. Từ từ, chúng tôi chuyển dịch tri thức trong cuốn sách trở thành của chúng tôi. Mặc dù đã có hàng ngàn người đọc cuốn sách này, tôi luôn nhớ đến nội dung của nó như một bí mật riêng tư của hai chúng tôi. Tác giả của cuốn sách, vị học giả đã nói chuyện với hàng ngàn người trên thế giới, người hai chúng tôi chưa từng gặp mặt, trở thành một người bạn cũ.

Tương tự như thế, những nghệ sĩ được nhắc đến trong cuốn sách cũng trở thành những bóng ma trong đầu tôi. Từ cuộc đời và tác phẩm của họ, tôi hình dung ra gương mặt của từng người, có lẽ khác xa hình ảnh thực sự của họ – trừ một số người có lưu lại chân dung tự họa – nhưng cái đó có hề gì. Trong căn phòng nửa sáng nửa tối của chú tôi, giữa những góc tối trong kệ sách, họ hiện ra, lặng lẽ đi dạo, ngắm nhìn chúng tôi, rồi biến mất khi bóng chiều buông xuống và đèn điện bật sáng. Và cũng như Mishima, họ chẳng để lại một lời với chúng tôi.

Trong những câu chuyện trong cuốn sách, tôi ưa thích nhất có lẽ là câu chuyện về người Ai Cập. Có lẽ đó là do Ai Cập là phần đầu tiên của cuốn sách, và lần đầu tôi thấy giọng kể duyên dáng của tác giả. Một lý do khác là, người Ai Cập đósẽ xuất hiện trở lại trong cuốn sách nhiều lần do tác giả cố gắng tạo ra một dòng chảy thống nhất, một sự tiến triển tuần tự qua các thời đại. Dưới sự dẫn dắt đôi lúc khá lộ liệu đó, người Ai Cập nhỏ bé ấy sẽ trồi lên trong những tranh cãi dữ dội nhất của giáo hội về vấn đề tranh tượng, qua cuộc cải cách tôn giáo thay đổi hoàn toàn diện mạo hội họa phương Tây, hay rảo bước trên con đường Paris sau chiến tranh thế giới thứ Nhất, khi mọi người đang cố gắng giũ bỏ thứ lý tính lạnh lùng theo họ là cội nguồn của cái ác.

Người Ai Cập bé nhỏ ấy, từ thời xa xưa, đã vẽ những bức tranh nhiều màu sắc lên tường những hầm mộ.Với cách nhìn của người hiện đại, những bức tranh đó thật vụng về như trẻ con tập vẽ. Nhưng nghệ thuật Ai Cập có ảnh hưởng nhiều đến nghệ thuật phương Tây và sau đó là nghệ thuật thế giới, nhà học giả đó lưu ý. Đừng cười, ông nói, khi những bức tranh mô tả vị pharaoh lớn gấp ba bốn lần tùy tòng, hay bỏ qua những quy tắc phối cảnh mà vẽ một cái hồ thành hình vuông, với những cái cây phẳng dẹp y hệt nhau bao xung quanh, hay những dáng người kì quái mà gương mặt nhìn nghiêng, nhưng bờ ngực quay lại chúng ta chính diện. Để hiểu được những bức tranh kì cục ấy, ông nói, ta phải hiểu cách người Ai Cập suy nghĩ.

Vị học giả đó nói rằng, giống như những đứa trẻ mẫu giáo, người Ai Cập đã vẽ thế giới này như cách họ hiểu nó, chứ không phải như mắt họ nhìn thấy. Đó là một cách nghĩ trái ngược hoàn toàn với lối suy nghĩ đã sinh ra lối vẽ tả thực của phương Tây. Để hiểu những bức tranh đó, ta phải hiểu cách người Ai Cập, hay trẻ em nhìn thấy thế giới. Nếu không lấy chủ đề là trăng tròn, một đứa trẻ sẽ luôn vẽ mặt trăng thành hình lưỡi liềm như trên lá cờ của một nước Hồi giáo: vì đó là cách giúp người xem nhận ra mặt trăng dễ nhất. Cũng như thế, trong những bức tranh của trẻ em, những chiếc xe luôn được vẽ từ một bên, chiếc bàn ăn là một hình vuông trên đó mọi thứ chén đĩa được để riêng biệt rõ ràng. Bằng một lối tư duy tương tự, người Ai Cập đã tạo ra một dáng đứng kì cục như thế, vì anh ta đã vẽ lại những bộ phận cơ thể bằng cách dễ nhận ra với anh ta nhất. Những người quan trọng phải được vẽ to rõ dễ nhìn hơn những kẻ tùy tùng, khu vườn phải được vẽ ra rõ ràng như một tấm bản đồ, và một tấm bản đồ có ích gì nếu nhìn vào đó người ta không biết rõ quanh hồ có bao nhiêu cái cây?

Nhân loại đã bắt đầu bằng sự ngây thơ đó, nhà học giả nói. Và sự ngây thơ đó không bao giờ biến mất. Khi những nghệ sĩ thời Trung Cổ tìm cách vẽ những bức tranh đơn giản nhất để người bình thường nhìn lên tường cũng hiểu được đó là tích truyện nào trong Kinh thánh, khi những nghệ sĩ Phục Hưng cố đi tìm một vẻ đẹp hoàn thiện hơn tự nhiên, hay những nghệ sĩ hiện đại cố vứt bỏ những kiến thức đã biết để nhìn thế giới một lần nữa với đôi mắt trẻ thơ – tất cả đều là dấu vết sót lại của người Ai Cập bé nhỏ đó.

Trong đầu mỗi người đều có một người Ai Cập nhỏ, khi ta quay đầu đi, y sẽ cố gắng quên đi tất cả những tri thức về phối cảnh hay hình họa, để vẽ thế giới như y biết chứ không phải như y thấy. Vì vậy trong những bức tranh của trẻ em, những chiếc xe mới luôn được nhìn từ bên hông, những ngôi sao đều có cánh, và vầng trăng hầu như luôn khuyết. Những gì viết trong cuốn sách mà chú tôi đọc khiến tôi thích thú. Lăn qua lăn lại trên giường khi chú đang vẽ tranh, con bé tiểu học là tôi cố hình dung người Ai Cập trong đầu mình hình thù ra sao, anh ta sẽ tranh cãi với những nghệ sĩ Hy Lạp, Ý, Pháp nhỏ bé trong đầu tôi thế nào. Nhưng cuối cùng, họ luôn cãi nhau to đến mức tôi không nghe thấy suy nghĩ của mình nữa. Và điều đó nghĩa là tôi đã lăn ra ngủ trên giường của chú tôi.

Mấy ngày sau, khi đọc xong cuốn sách ấy, chú tôi lại vẽ tranh thị trấn những lúc rảnh rỗi. Mỉm cười nhìn tôi, ông chỉ bảo, vẽ tĩnh vật mãi ông cũng mệt rồi.

Lý luận của học giả đó có lẽ đã lỗi thời, và khi trình bày ra cho bạn nghe thế này, tôi cũng không thể phủ nhận được sự tự mãn phương Tây của chúng. Nhưng điều quan trọng nhất tôi nhớ từ cuốn sách đó, có lẽ là cách nghĩ, để hiểu một tác phẩm, ta cần phải hiểu cách suy nghĩ của người tạo ra nó.

Mỗi bức tranh, trang viết, bất cứ thứ gì được tạo ra trong hoạt động sáng tạo, đều ghi dấu cách nhìn thế giới của tác giả, ngay cả những tác phẩm được cất sâu trong tủ, không có dự định cho bất cứ ai thấy. Có thể nói, đó là một thứ dấu ấn tồn tại.

Chú tôi đã nghĩ gì khi bắt đầu vẽ tranh? Ông đã nhìn thấy thế giới như thế nào? Những gì ông vừa đọc, cái dòng chảy liên tục, nỗ lực chất chồng lên nhau của những nghệ sĩ đi trước, có khiến ông sợ hãi, choáng ngợp hay không? Ông có mơ hồ nhận thức một con đường khác để sống với chuyện vẽ vời, một lý do khác để cầm bút, ngoài niềm đam mê trẻ con của mình và tính toán thực dụng của gia đình tôi hay không?

Khi nhìn những tập kí họa của chú tôi trong giai đoạn ấy, tôi có thể đọc được sự bối rối của ông: Bằng sự tò mò trẻ con, ông đã thử bắt chước- dĩ nhên là bí mật thôi –những cách vẽ đã làm ông thích thú trong tập sách. Ông không thể bắt chước thành công, tôi nghĩ một phần cũng vì ông không hiểu nền văn hóa đã sinh ra những họa sĩ đó, hay cách suy nghĩ của họ, nên mọi thứ chỉ nhàn nhạt bề ngoài. Dù ông cố gắng ngụy trang thế nào, tôi vẫn nhìn thấy hình ảnh ông trong những bức sao chép ấy, điều gì đó chỉ có thể là ông, bất di bất dịch, và tôi hài lòng.

Chú tôi đã vẽ gì trong những ngày ấy? Hầu như là bất cứ điều gì xung quanh. Khung cảnh thị trấn. Người đi qua dưới khung cửa. Những con trâu bên kia rặng cây dày rậm rạp quanh vườn. Sau này, khi xem lại những bức tranh ấy, tôi nhận ra sự vụng về trong kĩ thuật của ông, nhưng đồng thời, vẻ đẹp ngây thơ của chúng vẫn khiến tôi xúc động. Bình thản, yên lặng, chú tôi ghi lại hình ảnh thị trấn nghèo nàn không chút đặc sắc của chúng tôi. Những khung cảnh ấy, khi lọc qua tấm màn nào đó bên trong chú, dường như đã thấm đầy sự dịu dàng của ông.

Ngày thơ ấu ấy, khi say mê ngắm nhìn ông vẽ tranh, tôi đã bắt đầu hiểu ra lờ mờ, sự tái tạo dẫu là bằng ngôn từ, hội họa hay nhiếp ảnh, luôn bị chi phối bởi một điểm nhìn, chẳng bao giờ có thể hoàn toàn tương đồng với sự thật.

Nhiều năm sau, khi tuyết rơi ở một vùng đất xa xôi, tôi chợt nhận ra mình thích ngắm những vệt sáng lấp lánh bay qua nền trắng đục của khung cửa kính mờ hơn là nhìn tuyết thực sự.

Như đã say mê ngắm những bức tranh về thị trấn của chú tôi, tôi hiểu ra, cái tôi yêu không phải thế giới này, mà là hình ảnh phản chiếu của nó.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro