Văn, và sự nam tính

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Khoảng một tháng sau khi tôi đi học, một người đàn ông hàng xóm đến nhà ông bà tôi, dắt theo một thằng bé. Đó là ngày cuối tuần, nên mẹ tôi dù muốn hay không cũng cùng tôi về nhà ông bà ăn cơm trưa. Khi cả nhà đang uống trà thì từ bên ngoài hàng rào vang lên tiếng gọi rất to như sấm nổ. Người đàn ông đó dắt thằng bé đang đỏ hoe mắt vào, sau khi cúi chào cả nhà, liền đẩy nó ra, nói, cho ông xin lỗi vì hành vi của nó, đã bắt nạt tôi ở trường.

Tôi nheo mắt, nhận ra đó là Văn học cùng lớp. Hóa ra Văn ở rất gần nhà tôi. Thằng bé như đang khóc, mím môi lí nhí lời xin lỗi. Người đàn ông kia -–mà sau này tôi biết là cha Văn – đập mạnh vào vai nó, nói lớn: "Khóc, khóc cái gì? Đàn ông con trai ai lại khóc. Mà ai lại bắt nạt bạn nữ cơ chứ? Đàn bà con gái yếu đuối ghê lắm, nên đàn ông con trai phải bảo vệ họ biết chưa?"

"Nhưng nhỏ đó có yếu đâu? Nó đánh con trước mà" Văn phản pháo lại, nhưng bị cha nó trừng mắt, liền im bặt. Thằng bé vừa khóc vừa vòng tay xin lỗi lí nhí, lại bị cha nó quát:

"Đàn ông phải ăn to nói lớn chứ, lí nha lí nhí thế là sao hả?

Bạn đọc vốn đã biết, ngày thơ ấu ấy, bất mãn với giới tính của mình, tôi luôn muốn làm một đứa con trai, một người đàn ông. Nhưng nếu lật ngược lại câu hỏi, một người đàn ông là thế nào, nam tính là ra sao, tôi chắc chắn sẽ không trả lời được.

Nhưng Văn, đứa trẻ cùng lớp đã kéo tóc chế giễu tôi vào ngày khai trường ấy, sẽ trả lời ngay không ngần ngại, nam tính là giống như cha nó. Hầu hết những đứa con trai đều cần hình bóng một người đàn ông để trưởng thành, và Văn đã lớn lên trong khi đuổi theo tấm lưng to rộng của cha nó.

Người cha của Văn, cũng là một hình mẫu đáng học hỏi. Người đàn ông ấy, ăn to nói lớn, hoạt bát vui vẻ, sẵn sàng giúp đỡ mọi người, thường hay mang đàn guitar ra đánh mỗi khi cả xóm có việc tụ tập, và ngồi lên xe máy là phóng vèo vèo. Văn thường hay khoe chuyện cha nó có thể đi trong nửa tiếng quãng đường sẽ khiến người khác mất hơn một giờ, và chuyện cha nó hứa sẽ cho nó đi xe máy khi nó lên cấp hai. Khi tôi đáp lại ác ý rằng sẽ có ngày cha nó chui xuống dưới gầm xe tải, mặt thằng bé nhăn nhó, môi mím chặt, nhưng có lẽ vì đã hứa với cha nó, nên Văn không đánh tôi.

Mà ngẫm lại, trước đó, dù luôn trêu cợt tôi, Văn cũng không chủ động đánh tôi. Nó là đứa trong những ngày ấy, đã luôn kéo tóc, bắn dây thun, cười cợt tôi, gọi tôi là đứa con gái miền Bắc. Nhưng Văn không đánh tôi. Có lẽ, nó chỉ thấy tò mò về sự tồn tại của tôi.

Khi đó, tôi luôn thu mình, ngồi một mình trong lớp đọc sách hay vẽ tranh ngay vào giờ ra chơi. Không phải do sức khỏe yếu đuối như Mishima, mà là do chính tôi không thèm nói chuyện hay tiếp xúc với ai cả. Thi thoảng từ cửa sổ lớp học, Văn phi vào, vẫn mang giày đất bẩn chạy huỳnh huỵch qua những dãy bàn, chạy gần tôi, cười ré lên câu nào đó, hay kéo tóc tôi, rồi lại chạy biến, leo qua cửa sổ quay lại với lũ bạn cười nói ầm ĩ ngoài kia.

Nhưng một ngày, Văn đi quá ranh giới. Đôi giày đất bẩn ấy, nó giẫm lên cuốn tập của tôi. Nhìn xuống dưới chân, Văn vừa cười vừa nói: "Ê này, con bé kia, gớm quá, nó vẽ toàn là mắt này."

Cuốn tập đó, tôi đang vẽ đôi mắt của Mishima. Không nói không rằng, tôi cũng đứng lên, cầm hộp bút trên tay, phang mạnh vào đầu Văn tới tấp. Qúa bất ngờ, Văn loạng choạng ngã khỏi bàn. Tôi vẫn không tha, xông vào vừa đấm vừa đạp nó. Văn vội đưa tay lên đỡ, và cũng để đáp trả. Sách vở bút viết văng tung tóe khắp nơi. Đám học sinh vây quanh chúng tôi, hò hét gì tôi nghe không rõ.

Là tôi đánh Văn trước. Nhưng khi nhác thấy thầy cô bước vào, tôi cũng là người ôm mặt khóc nức nở, trong khi Văn vẫn ngồi trên sàn, mở to mắt, thở hổn hển.

Vì thế mà thầy cô mắng Văn chứ không phải tôi.

Ngày thơ ấu, dù bất mãn với việc mình là con gái, tôi đã bước đầu nhận thức được vài thứ đặc quyền của mình. Văn phải viết kiểm điểm cho phụ huynh ký vì tội đã bắt nạt bạn nữ, còn tôi thì được cho qua, sau lời cảnh cáo rằng con gái không được đánh nhau.

Khi Văn mang tờ kiểm điểm về nhà, là lúc cha nó vừa mới trở về sau một chuyến làm ăn xa. Về sau thằng bé mới kể cho tôi, ngày hôm đó cha nó đã nổi cơn lôi đình đáng sợ thế nào. Dù cha Văn cũng tin vào sự yếu đuối của phụ nữ lẫn sự vượt trội của nam giới, với ông điều đó biểu hiện bằng mong muốn bảo vệ phụ nữ, chứ không phải bạo lực với họ như những gã đàn ông đánh vợ đập con nhan nhản trong xóm. Vậy mà con trai ông lại đi đánh một đứa con gái yếu đuối, và lại là cháu nội của một người ông kính trọng cơ chứ! Cha Văn xách cổ nó đi xin lỗi ngay lập tức, và bắt nó hứa trước mặt mọi người sẽ không bắt nạt tôi nữa, mà ngược lại sẽ phải luôn giúp đỡ tôi.

Thấy thằng bé vòng tay xin lỗi, mặt đầy nước mắt, mẹ tôi vội cười giả lả, chuyện chẳng đáng gì đâu mà, với con bé nhà này cũng có lỗi.

Khi không ai để ý, bà liếc sang tôi lạnh lẽo. Bằng sự thấu hiểu nào chỉ có giữa mẹ và con gái, có lẽ bà đã thừa biết tôi cũng chẳng vô tội ngây thơ như cha Văn miêu tả.

Tôi không biết liệu cha Văn đã dùng lời lẽ nào để tẩy não nó, nhưng sau hôm đó, quả là thái độ của Văn với tôi thay đổi hẳn. Một trăm tám mươi độ. Trước mặt những đứa con trai khác, Văn chỉ tay vào ngực mình nói sẽ không bắt nạt tôi nữa, thay vào đó, đứa nào còn bắt nạt tôi sẽ là gây chuyện với Văn. Văn bắt đầu lẽo đẽo đi theo tôi khi tan học, bởi vì thằng bé đã để ý tôi hay rời khỏi trục đường chính để lang thang đâu đó. Cũng như cha nó, Văn tin rằng một đứa con gái không nên một mình đi tới những chỗ như thế.

Cũng từ đó trở đi, Văn cố sức bắt chuyện với tôi. Khi tôi đang vẽ tranh, khi tôi đang đi bộ về nhà, Văn cứ gọi tôi không ngừng: "Nè, nhỏ Liên, cho nói chuyện cái coi" – Những lời đại loại như thế. Cuối cùng, tôi phát cáu, và bảo Văn: "Không được xưng là nhỏ nữa. Xưng hô với tớ là cậu tớ."

Cậu tớ, giống như những cuốn sách truyện tôi đọc.

Văn tròn mắt. Có lẽ nó chẳng thấy chuyện xưng hô cậu tớ có ý nghĩa gì khác với cách đám trẻ trong lớp mày mày tao tao.

"Nếu cậu không nói thế, tớ không nói chuyện với cậu nữa?" Tôi đã quay lưng đi và bảo thế.

Nhưng tôi cũng không ngờ, Văn đổi cách xưng hô thật. Vì Văn đã trở thành một thứ như thủ lĩnh của đám con trai, cách xưng hô ấy lan ra cả lớp. Có thể thay đổi một phần hiện thực bao quanh mình, dù chỉ là một chút, cũng khiến tôi cảm thấy dễ chịu. Nhưng tôi nhất quyết không để lộ điều này cho Văn biết, dù đã bớt xa lánh thằng bé.

Dần dần tôi nhận ra thằng Văn đeo bám bảo vệ mình cũng phiền phức không kém gì thằng Văn hay trêu cợt mình trước đây. Điều làm tôi khó hiểu nhất, là tại sao Văn có thể quên béng chuyện ngày trước nó đã thích quấy rầy tôi đến mức nào, mà lại có thể thay đổi hoàn toàn như thế. Tính cách đơn giản của Văn khiến tôi khó hiểu hơn là bực mình. Mẹ tôi chỉ cười mà nói, như thể đó là lẽ tất nhiên: Vì nó là con trai. Lũ con trai không để tâm những chuyện nhỏ nhặt như thế.

Tôi im lặng suy nghĩ điều bà nói. Nhưng mẹ tôi đã nói thêm: "Có điều, cũng có những đứa con trai nhỏ mọn chả khác gì đàn bà. Như chú Thụy của con đấy. Cha con ra Huế có việc mà không ghé lại trường cũng giận dỗi. Anh cả có chuyện bận rộn của anh cả, em út không giúp được thì thôi lại còn mè nheo. Đàn ông mà tính giống đàn bà, thì thật chẳng ra gì."

Tôi hơi ngạc nhiên, vì từ trước đến giờ vẫn nhìn chú Thụy cộc cằn thô lỗ như hình mẫu nam tính thuần nhất. Nhưng bỏ qua điều đó, thì những điều mẹ tôi nói khiến tôi suy ngẫm.

Điều đó có nghĩa, tôi suy luận, là những tính tốt và thói xấu cũng chia thành những thứ của phụ nữ và đàn ông. Một người mang tính xấu của giới kia, một người đàn ông thù vặt nhỏ mọn chẳng hạn, không chỉ đáng ghét, mà còn đáng ghê tởm nữa.

Nhưng tại sao trong lời nói của mẹ tôi, phụ nữ dường như mang nhiều tính xấu hơn? Nhỏ mọn, lắm điều, ghen ghét, chơi bẩn, hình như đều là tính nết của đàn bà. Làm phụ nữ thật phiền toái, và dính líu đến phụ nữ thật mệt mỏi – tôi bắt đầu có suy nghĩ sai lầm như thế. Nghĩ đến điều đó, và nghĩ đến vẻ ngoài vô tư lự của Văn, đến nụ cười của thằng bé, càng làm tôi thấy ghen tị với nó.

Nhưng tôi cũng không buồn để tâm đến điều đó lâu. Tôi chỉ cần biết, nhờ Văn đe dọa những đứa con trai phiền nhiễu trêu đùa tôi, những đứa con gái lắm chuyện xì xầm sau lưng tôi, mà tôi có thể trải qua những ngày tháng yên bình nhàn nhã ở trường tiểu học. Mẹ tôi đã bảo tôi nên chơi với Văn. Tôi nghĩ ý thực sự của bà là nên lợi dụng thằng bé.

Có điều tính tình trẻ con của nó khiến tôi bực mình. Tôi cố gắng làm ra vẻ người lớn mỗi khi nói chuyện với Văn. Nhưng tôi cũng là một đứa trẻ con, và chỉ đóng vai người lớn được một lúc. Vì vậy chúng tôi cãi nhau luôn. Như một lần, Văn thì thầm cho tôi chuyện phía sau nghĩa địa có ma trơi. Tôi liền nói:

"Chẳng có ma quỷ gì hết, đó là chất lân tinh."

Đó là chuyện tôi đã đọc được trong mấy cuốn khoa học thường thức của cha.

"Lân tinh là gì?" Văn tròn mắt.

"Là một thứ phát sáng được trong đêm."

"Nhưng nó là gì? Mà sao lại phát sáng được cơ chứ?" Văn vẫn khăng khăng.

Tôi đuối lý. Tôi hoàn toàn không biết, ngoài những chuyện đã ghi trong sách. Sau khi trả lời vòng vo, bực bội trước sự khăng khăng của thằng bé, tôi quát: "Thì nó là lân tinh chứ là gì?"

"Cậu lúc nào cũng làm ra vẻ như cái gì cũng biết." Văn cười khì. "Nhưng thực ra cậu chẳng biết gì hết."

Những vụ giận dỗi của chúng tôi đại khái là như thế. Lần ấy, tôi im lặng bỏ về trước, không thèm để ý đến Văn gọi đằng sau, đến tối mới nghe mẹ tôi mắng: "Chị đi học kiểu gì mà có cái cặp cũng bỏ quên để thằng Văn nó mang về thế?"

Văn nói, nó đã nhìn thấy tôi từ trước khi vào lớp một, khi nó vẫn còn học mẫu giáo trong xóm. Mỗi lần đi ngang nhà ông bà tôi, nó đều thấy một đứa con gái tóc dài ngồi chơi trước sân, hoặc đọc sách, hoặc ngồi xé mấy bông hoa hồng. Văn nghĩ nó sẽ gặp tôi ở trường mẫu giáo, nhưng tôi không đi học. Vào ngày đầu tiên học lớp một, nó mới nhìn thấy tôi. Thật ra nó nhận ra tôi là vì mái tóc mẹ tôi bắt để dài, với hy vọng là kiểu tóc ấy làm mặt tôi nữ tính hơn. Văn chưa từng thấy đứa con gái nào cùng tuổi có tóc dài đến thế. Tóc nhìn như có thể ăn được ấy – thằng bé lặp đi lặp lại cách miêu tả kì quặc này.

Nhiều năm sau, khi chúng tôi đều lớn hơn một ít, và có thể biểu lộ suy nghĩ của mình một cách thuần thục hơn, Văn bảo, thật ra từ ngày đầu nó đã luôn muốn nói chuyện với tôi.

Nhưng chẳng biết làm thế nào, trong ngày đầu tiên đó, nó đã chẳng thể bắt chuyện với tôi bình thường, mà lại kéo tóc và trêu cợt tôi. Có lẽ vì đám con trai xung quanh đều làm thế.

Về sau, khi nghĩ lại chuyện này, tôi cho rằng vào ngày đầu ở trường học ấy, tất cả học sinh của hai giới đều đang quan sát nhau để biết cách mình nên hành xử. Người ta có thể định nghĩa thứ gì đó dễ dàng hơn nếu nhìn thấy ví dụ của điều tương phản với nó. Nên nhìn đám con gái, có lẽ Văn đã vô thức rút ra kết luận rằng nó phải hành xử khác với cách bọn gái nên làm. Có nghĩa là nó không nên ăn nói nhỏ nhẹ, lễ phép, hay tỏ ra ngoan ngoãn. Có nghĩa là nó phải ồn ào, nói tục, quậy phá như những đứa con trai khác. Vì vậy nó phải kéo tóc tôi, trêu cợt tôi, để thu hút sự chú ý của tôi.

Những gì cha Văn đã làm, là thay thế những suy nghĩ ban đầu của thằng bé với một hình mẫu nam tính khác.

Nhưng rốt cuộc, với thằng bé, nam tính vẫn là phải khác với phụ nữ. Đó chẳng là gì khác hơn cái vẻ ngoài, mặt nông cạn nhất của nam tính và nữ tính: những quy tắc xã hội trói buộc cả hai giới, trong đó Văn và tôi nếu không rơi vào cái rổ này thì phải vào cái rổ khác.

Nhưng sự nam tính và nữ tính thuần túy liệu có tồn tại, bên ngoài những lớp vỏ bọc nhân tạo đó? Khi nhìn Văn đuổi nhau với đám bạn trai trên sân, đôi lúc tôi tự hỏi, nếu không có những quy chuẩn ràng buộc chúng tôi, cái vỏ ngoài của hai giới đó, liệu cuộc gặp gỡ giữa chúng tôi sẽ diễn ra như thế nào.

Tôi còn nhớ một ngày nọ, Văn và đám bạn hè nhau đi đánh nhau với đám nhóc ở lớp bên. Tất cả chỉ bắt đầu bằng chuyện tranh giành mấy cây chổi quét lớp. Nhưng tôi ngờ còn nguyên nhân sâu hơn thế – đám con trai đang tranh giành quyền chỉ huy, như một bầy thú non gườm nhau dù chân còn chưa đứng vững.

Ngồi nghe Văn nói chuyện với đám bạn, tôi đâm cáu vì sự ngớ ngẩn của vụ việc, không nhịn được bảo Văn: Có chuyện quái gì phải đánh nhau cơ chứ? Nếu không chịu được, thì hỏi giáo viên phân xử là được. Đánh nhau vỡ đầu, lăn lội trong đám bụi bặm có gì hay đâu?

Lúc đó, ngồi vắt vẻo trên bàn, đung đưa hai chân, giữa luồng nắng chiều xuyên qua cửa sổ, Văn tròn mắt nhìn tôi. Đôi mắt thằng bé trong veo, khiến tôi bất giác giật mình. Và tôi cũng lập tức nhận ra, Văn hoàn toàn không hiểu điều tôi đang nói.

Chỉ có bọn con gái mới đi méc cô giáo. Đứa nào trong đám con trai nói thế, và cả đám bắt đầu rộ lên. Văn vẫn nhìn tôi. Chợt nói: "Cậu lo cho tớ à?"

Tôi tròn mắt. Văn đưa tay quẹt mũi, kéo cái mũ lưỡi trai ngược ra đằng sau, ưỡn ngực, cố làm bộ ngầu như những diễn viên nó hay thấy trên Tivi:"Không cần lo đâu. Tớ mạnh lắm."

"Không phải thế!!" Tôi quát lớn, lắc đầu nguầy nguậy. "Hở tí là đánh nhau, các cậu ngu lắm!"

"Chớ chẳng lẽ méc cô như tụi con gái mít ướt? Tụi tớ là con trai, con trai phải làm thế!"

"Vậy thì con trai là một lũ ngu."

"Cậu là con gái! Con gái thì biết gì?" Cuối cùng Văn cáu, hét lên, rồi quay đầu kéo đám bạn bỏ đi, không chờ tôi về như mọi hôm.

Đứng một mình giữa sân, tôi giận run người. Bởi vì Văn đã động chạm đến một trong những mặc cảm sâu kín của tôi. Tôi không phải là một đứa con trai. Vì vậy, theo ý niệm của Văn và hầu hết mọi người xung quanh, có những phần của sự nam tính mà tôi không thể chạm vào được, không thể lý giải được. Tôi quay đầu bỏ đi, và quyết định, dù thế nào cũng không tha thứ cho Văn lần này.

Ngày hôm ấy, ngay khi về đến nhà, vứt cặp lên giường, tôi đã vội vã chạy sang nhà Văn, mách mẹ Văn về kế hoạch của lũ con trai. Bà mẹ vội vã gọi cho giáo viên chủ nhiệm, và buổi chiều hôm ấy, khi tôi nằm nhà xem phim hoạt hình, mấy thằng con trai đã bị thộp cổ tại trận. Văn hẳn đã ăn no đòn vì vụ này, vì sáng hôm sau lên lớp, tôi thấy mắt thằng bé hoe đỏ, bỏ đi ngay không thèm nhìn mặt tôi. Đám con trai bị bắt giảng hòa với sự ép buộc của người lớn.

Nhưng tôi lại thấy hả lòng hả dạ. Với tôi, mối quan hệ với Văn không đáng giá bằng sự kiêu hãnh của chính mình. Tôi muốn cho Văn thấy, vẫn có cách khác để giải quyết vấn đề, mặc dù hậu quả có thể là Văn không nhìn mặt tôi nữa.

Nhưng về điều đó, tôi đã sai. Chỉ mấy ngày sau, khi tôi hì hụi một mình dọn rác trong giờ lao động, Văn đã tiến tới, giật lấy cái bao tải, xách hộ tôi trong lúc cười hì hì:

"Cậu muốn tớ giúp thì cứ nói đi chứ?"

Thằng bé như đã quên mất mọi việc. Có thể Văn chẳng coi nặng việc đã xảy ra như tôi. Có thể thằng bé ngốc nghếch hết sức tưởng tượng. Hoặc đơn giản, như mẹ tôi bảo, chỉ vì Văn là con trai. Suy nghĩ đó khiến tôi khó chịu, nhưng cũng để cho Văn xách, rồi bước cùng nó trên sân trường.

Vì quan hệ của chúng tôi đã cải thiện đáng kể, nên giáo viên chủ nhiệm xếp cho chúng tôi ngồi cùng bàn. Chủ ý là muốn tôi giúp Văn học. Ngồi cùng bàn với nó, tôi mới biết Văn không thể ở yên một chỗ. Nếu nói theo ngôn từ bây giờ, có vẻ thằng bé có triệu chứng rối loạn tăng động. Ngồi học một chút, nó đã chui xuống ghế làm gì đó, thò tay vào hộc bàn nghịch ngợm những thứ nó mang theo, hay liếc sang vở của tôi xem tôi đang làm gì. Tôi mặc kệ thằng bé, vì những ngày ấy tôi cũng ngầm vẽ tranh hay đọc sách mỗi khi giờ học trở nên quá nhàm chán. Tức là tôi cũng không thèm để tâm đến bài học, dù theo một cách tĩnh lặng và kín đáo hơn Văn.

Do không tập trung như thế, mà Văn chẳng thể hoàn thành bài tập bao giờ. Vở viết của nó là một cơn ác mộng. Những con chữ to như gà mái nằm ễnh bụng, xiên xẹo trên trang giấy. Vì Văn có thói quen ấn bút chì rất mạnh, và hay nhấp nước bọt lên những chỗ viết sai, vở của nó quăn quéo, thủng lỗ chỗ. Khi thằng bé viết chữ số, thì số bảy nhìn cũng giống số một, số sáu trông giống số không. Mẹ Văn không ít lần mang tập vở của Văn sang so sánh với tôi, rồi than phiền với mẹ tôi. Đáp lại, mẹ tôi chỉ cười, gục gặc đầu mà nói: "Có sao đâu, nó là con trai mà."

Vậy ra là con trai thì lôi thôi cẩu thả cũng chẳng sao. Tôi suy nghĩ như thế và càng quyết ý mặc kệ Văn, chẳng giúp đỡ gì nó theo ý của thầy cô.

Nhưng khi tiết thủ công đến, Văn lại như hóa thành một người khác. Thằng bé đột nhiên im bặt, không chạy nhảy quấy phá nữa. Đôi mắt sáng và trong vắt của nó chăm chú nhìn vào vật giữa hai tay, môi tủm tỉm cười. Một lát, nó sẽ quay sang, chỉ cho tôi thấy tuyệt tác của nó: Một con giống bằng đất sét, hay một cái rổ giấy nho nhỏ.Mặc dù rất khó chịu trước sự hào hứng của thằng bé, và muốn dội cho nó vài xô nước lạnh, nhưng tôi không thể phủ định rằng Văn rất khéo léo. Khi thằng bé nặn một con voi bằng đất sét, con vật sống động đến nỗi tôi có cảm giác nó sắp đưa vòi lên ve vẩy chào tôi. Thằng bé cũng rất khéo léo khi học may vá thêu thùa, dù chẳng tự hào với điều này lắm – nó bình luận có chút bất mãn, ai lại dạy con trai may vá cơ chứ?

Trái với Văn, tôi vô cùng tệ hại với môn này, dù được điểm cao trong giờ học vẽ. Đến nặn hình tròn cũng không xong. Nên khi Văn quay sang khoe khoang, tôi chỉ có thể gật đầu với thằng bé, cố kìm sự ghen tị, và quay lại hí húi với đất nặn trên tay mình.

Cái hình cầu trên tay tôi vẫn không chịu tròn. Tức giận, tôi bóp mạnh. Văn đã nặn xong trái đu đủ cô giáo yêu cầu từ lâu, và do rảnh rỗi, ngồi nặn tiếp mâm ngũ quả, thi thoảng liếc sang tôi, nhưng tôi nhất định phớt lờ. Nếu không được điểm tốt, tôi sẽ khó duy trì vị trí đứng đầu lớp. Nghĩ thế, một ý tưởng nháy lên trong đầu, tôi liếc sang Văn. Nhân lúc thầy cô không để ý, tôi thì thầm:

"Này, cậu chưa làm bài tập toán đúng không?"

Văn tròn mắt. Rồi gật đầu.

"Vậy đưa tớ làm giùm cho. Đổi lại, nặn hộ tớ cái đi."

Mắt Văn mở to hơn. Rồi thằng bé nhoẻn cười, đắc thắng, giọng nói như reo lên, và tôi chợt nhận ra nó đã chờ đợi câu này đã lâu rồi:

"Thực tình là cậu không biết nặn chứ gì? Nên mới muốn tớ giúp chứ gì?"

Tôi nhăn mặt.

"Không phải là giúp, là hai bên cùng có lợi cơ mà."

Nhưng Văn hầu như hoàn toàn chẳng nghe thấy tôi nữa. Lấy đất nặn trong túi ra, thằng bé hăng hái bắt đầu, chợt nói:

"Nếu cậu cần tớ giúp, cứ nói thẳng ra là được rồi mà."

Tôi im lặng, không trả lời. Cuối giờ ấy, Văn đưa lại cho tôi quả đu đủ đã nặn xong, trong khi tôi nhét vở bài tập toán đã giải vào cặp nó. Đó là sự bắt đầu của mối quan hệ lợi dụng lâu dài giữa chúng tôi.

Để giáo viên không phát hiện, tôi đã cố tình viết sai đáp án vài câu, và bắt chước nét chữ nham nhở của Văn, trong khi cẩn thận né những chỗ có dính nước miếng. Nhưng Văn, đơn giản ngây thơ là thế, nó chẳng để ý gì, và chăm chút những mẫu làm cho tôi còn hơn bài tập của chính nó. Mặc dù vậy, khi nhận lấy chúng từ tay Văn, tôi lặng lẽ bóp méo đi một chút, xé rách một chút, để thầy cô không nhận ra.

Gương mặt Văn hơi héo đi khi thấy tôi làm điều này. Tại sao phải làm thế chứ, nó đã mất công tỉ mẩn vậy mà? Thằng bé càu nhàu với tôi. Nhưng mặc tôi giải thích bao nhiêu lần, Văn vẫn cứ làm ra không hiểu. Hay nó không hiểu thật. Thằng bé cảm thấy những tính toán chi ly của tôi chẳng đáng quan tâm, và tôi cũng thấy phiền với tính cách đơn giản khó ưa của nó.

Nhưng những thứ Văn làm cho tôi, vẫn cẩn thận tỉ mẩn như trước.

Mỗi năm, cũng là Văn làm cho tôi những cái lồng đèn ông sao dán giấy bóng.

Một đêm trung thu nọ, Văn gõ cửa nhà tôi lúc trời chập tối, và chìa ra trước mặt tôi hai cái lồng đèn ông sao nó tự tay làm. Dù tỏ ra dè bỉu, tôi vẫn không thể rời mắt được hình dạng chắc chắn gọn gàng của chúng.

"Đi thôi." Văn cười toe toét.

Tôi cầm lấy lồng đèn và cây nến, bước ra ngoài theo thằng bé, nhưng cố tình phớt lờ bàn tay nó chìa ra.

Chúng tôi đã đi đâu? Chuyện gì đã xảy ra? Tôi không nhớ rõ, và có lẽ cũng chẳng quan trọng gì. Có lẽ lần rước đèn đã biến thành cuộc thi gan dạ, có lẽ chúng tôi đã để lại đám bạn ở khúc quanh nào đó mà đi khám phá ngôi nhà hoang gần đường ray. Nguyên nhân nào cũng không quan trọng nữa, cái chính là trong trí nhớ của tôi, đêm đó, bằng cách nào, tôi và Văn đã một mình đi bên nhau, dọc theo đường ray, phía sau những dãy nhà, nơi ánh đèn phố chính không rọi tới.

Đêm đó bầu trời phủ một lớp mây mỏng. Chúng tôi có thể nhìn thấy vầng sáng của mặt trăng, nhưng không rõ được hình thù của nó. Bên kia những dãy nhà, ánh đèn đường phố chính hắt lên trời đêm. Tiếng còi xe vẳng đến bên tai chúng tôi, nhưng trở nên xa vắng khác thường. Phía sau những dãy nhà, đôi khi chúng tôi thấy ánh đèn hắt ra từ cửa sổ, nghe tiếng Tivi đọc rè rè một bản tin, tiếng khóc của vai nữ chính trong phim truyền hình lẫn vào tiếng cãi nhau trong một tranh chấp gia đình nào đó.

Đằng xa, trong các xóm nhỏ bên kia đường ray, vọng đến tiếng trống múa lân. Từ bên này chúng tôi có thể thấy những điểm sáng nhấp nháy thành hàng từ từ bò xuống con đường nhỏ. Đám trẻ con trong xóm đang tụ tập rước đèn nơi ấy.

Văn chợt quay sang hỏi tôi, có muốn sang đó chơi với đám bạn không? Tôi chỉ lắc đầu, im lặng bước đi. Văn bắt đầu than phiền, thế này thì nhàm chán quá. Nhưng rốt cuộc, thằng bé cũng không bỏ sang bên kia, mà tiếp tục bước theo tôi trong bóng tối, bị ngăn cách với âm thanh vui vẻ của đám rước bằng sự hiện diện nặng nề lặng lẽ của đường ray.

Một cơn gió nóng ẩm chợt nổi lên, đến bên chúng tôi, mang theo mùi hăng hắc của những loại cây cỏ mọc lổn nhổn hai bên đường ray. Ngọn nến trong chiếc đèn lồng của tôi lay động dữ dội. Chợt ngọn lửa phừng lên – lửa đã bắt vào chiếc đèn lồng giấy. Văn kêu lên hoảng hốt. Tôi vội buông tay. Chiếc đèn rơi xuống, ngọn lửa thoát ra, cháy bừng rực rỡ trong đêm tối, nhưng chỉ trong một phút chốc ngắn ngủi. Thành quả một ngày trời của Văn đã hóa thành tàn tro đen đủi. Những đốm lửa đỏ rực theo gió tan tác, nhảy múa hỗn loạn trước mắt tôi rồi biến mất vào màn đêm.

Gió nổi lớn hơn. Một vài hạt mưa lạnh buốt rơi xuống gò má tôi. Văn thấp giọng: "Về nhà thôi."

Chúng tôi cùng nhau bước về. Chỉ còn chiếc đèn của Văn soi lối. Mặt trăng đã khuất sau những đám mây dày, con đường càng tối tăm hơn. Văn yên lặng cắm cúi bước, khác hẳn vẻ hoạt bát thường ngày. Ánh đèn hắt lên gương mặt nó khiến tôi thấy thằng bé đang cau mày nhăn nhó, như thể đang suy nghĩ điều gì. Cuối cùng, quay sang tôi, Văn đưa tay sửa lại mũ, nói:

"Nếu cậu sợ thì nắm tay tớ đi."

"Tớ không sợ." Tôi đơn giản đáp.

Nhưng Văn vẫn khăng khăng: "Đừng có giả bộ nữa. Cứ cầm tay tớ đi này Toàn giả bộ hoài à.."

Sự cứng đầu của thằng bé khiến tôi bắt đầu bực mình. Còn bực hơn nữa, là việc không hiểu sao Văn cứ nhất quyết cho rằng tôi sợ, nhất quyết cho rằng nó hiểu tôi đang giấu diếm điều gì.

"Tại sao tớ phải sợ chứ?" Tôi giằng tay ra khỏi tay Văn, cáu gắt.

Văn gân cổ lên cãi. "Vì cậu là con gái mà."

Tôi đứng lại, yên lặng. Phía xa chợt vọng lại âm thanh ầm ầm như sấm nổ. Một đoàn tàu chạy qua đường ray, phía sau chúng tôi, ánh đèn rực rỡ của nó loang loáng dội xuống nền đất. Trong cơn bão âm thanh ánh sáng ấy, Văn đứng yên, mở to mắt, nửa như ngạc nhiên, nửa như bối rối. Tôi muốn quát vào mặt Văn, nhưng sự trong trẻo của đôi mắt thằng bé khiến cơn giận dữ trong lòng tôi chìm xuống đáy sâu thăm thẳm nào trong bóng tối.

Khi đoàn tàu đã chạy qua và biến mất, khi âm thanh của nó tan dần vào đêm, chúng tôi vẫn đứng đó, đối mặt nhau, im lặng. Cuối cùng tôi quay đầu, bỏ đi.

Này, đợi đã! – Văn vội kêu lên và đuổi theo tôi. Có chuyện gì vậy? Rốt cuộc là có chuyện gì? Thằng bé hỏi đi hỏi lại, nhưng tôi nhất quyết im lặng. Dù không còn muốn tranh cãi, tôi vẫn còn giận nó. Và hơn hết, tôi chợt hiểu, bản chất sự giận dữ trong lòng, đến tôi còn không rõ, chứ đừng nói gì giải thích cho Văn.

Đột ngột, từ trong bụi rậm, một cánh chim đen tối nào bay lên, cất tiếng kêu quái gở vang tận trời. Cả hai chúng tôi giật mình, đứng sựng lại. Quay đầu, tôi thấy mặt Văn tái nhợt. Chúng tôi dáo dác nhìn xung quanh, nhưng bóng đêm đã trở lại vẻ yên tĩnh lúc trước.

Giọng Văn chợt run rẩy khác thường, dù vẫn cố tỏ ra bình tĩnh, có lẽ để không mất mặt trước tôi. Thằng bé thì thầm, khi ông nội nó chết, nó nghe thấy tiếng con chim đó ngoài cửa. Ai nghe thấy sẽ chết sớm, người ta nói thế.

"Vớ vẩn, chẳng có căn cứ khoa học gì cả!" Tôi nạt, bàn tay siết chặt gấu áo.

Ngọn đèn trên tay Văn đã bắt lửa, rơi xuống đất. Dưới ánh trăng mờ nhạt, chúng tôi vội vã trở về, khi tiếng sấm âm âm dội lại từ đằng đông. Và chẳng biết từ khi nào, tay chúng tôi đã nắm lấy nhau. Là Văn nắm tay tôi trước, hay trong vô thức tôi đã tìm đến bàn tay thằng bé trong bóng đêm? Tôi không biết, và chắc chẳng ai có thể trả lời được. Bàn tay Văn ẩm ướt mồ hôi – điều đó khiến tôi nhăn mặt, nhưng cũng báo cho tôi biết, thằng bé thực sự thấy sợ.

Nhưng khi chúng tôi đã trở về phố chính, Văn vẫn chưa buông tay tôi ra. Dưới ánh đèn đường, tôi thấy mặt thằng bé vẫn tái nhợt. Nhưng trên mặt nó hiện ra nụ cười. Văn đưa mắt nhìn tôi thật nhanh, nhưng chẳng nói gì, chỉ cười như một thằng ngốc.

Tôi chẳng hiểu nổi nụ cười đó. Và khi Văn rời tay ra, vội vã chạy lại đá mấy cụm cỏ bên đường với sự hào hứng kì quái, tôi chợt nghĩ, hay đó cũng là một phần của cái gọi là nam tính.

Đêm hôm đó, dưới ánh trăng mờ nhạt, tôi đã nghĩ, nếu tôi là con trai, có lẽ tôi sẽ hiểu Văn nghĩ gì chăng.

Nếu đứa con trai tên Thiết có thể ra đời thế vào chỗ của tôi, liệu nó có như Văn chăng?

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro