Thị trấn, và mẹ tôi.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Mẹ tôi đã khuyên tôi giả tiếng để thích nghi với những đứa trẻ khác, bởi vì đó là điều bà đã làm. Và vì bà đã trải qua chuyện tương tự, nên mặc cho sự bất hòa dai dẳng giữa hai mẹ con, ngày hôm ấy, bà cũng không nỡ phạt tôi.

Gia đình bà cũng là một gia đình trở về từ miền Bắc.

Hoàn cảnh gia đình bà, giống hệt gia đình cha tôi. Cả hai đều là con cả. Người cha miền Nam đi tập kết ra Bắc, mắc kẹt ở đó vì cuộc chiến nằm ngoài tầm kiểm soát của một cá nhân, và kết hôn với một người phụ nữ miền Bắc. Số anh chị em của hai bên cũng giống y hệt nhau. Họ sống ở gần nhà nhau, chỉ cách vài cây số. Hai người thực là một cặp đôi hoàn hảo. Cha mẹ tôi sinh ra là để dành cho nhau – đó là một trong những điều kì diệu hiếm hoi mà tôi còn tin là có thực.

Điểm khác biệt lớn nhất giữa hai người, là thời điểm cha họ đã trở về miền đất phía trong này. Ngay sau khi thống nhất, ông ngoại tôi đã hăm hở kéo con gái và vợ trở về. Những đứa con sau – tức là dì cậu tôi – đều sinh ra ở phía Nam, chưa từng biết gì đến phương Bắc.

Nên tôi đoán, ở một mặt nào đó, mẹ tôi còn cô đơn hơn cha tôi, vì không ai quanh bà hiểu được những điều bà đã trải qua.

Và cũng bởi vì bà là phụ nữ.

Bà ngoại tôi người gốc Hải Phòng, và đó cũng là nơi mẹ tôi đã sống qua thời thơ ấu. Đôi khi mẹ tôi vẫn kể về những năm tháng ấy với một niềm vui trẻ thơ nhảy múa trong mắt. Bà kể về ánh sáng của những khu phố, những cuộc đi dạo qua bến cảng với mẹ mình – tức là bà ngoại tôi – và thói quen của bà ngoại lúc nào cũng phải nốc cạn một ly bia trước khi về nhà. Trái với ông nội tôi, ông ngoại trở về miền Nam chiến đấu ngay khi con gái đầu lòng mới được một hai tuổi. Khi ông trở về Hải Phòng năm 1975, mẹ tôi lên mười tuổi, và đã tám năm không gặp cha, bà nhất quyết từ chối coi ông là cha, như một phiên bản đời thực của truyện ngắn Chiếc lược ngà. Cũng may chiến tranh đã chấm dứt, ông ngoại tôi có thời gian quà cáp bánh trái dụ dỗ cô con gái nhỏ, nên mọi việc không kết thúc bi thảm như trong truyện.

Sau đó, ông ngoại cố gắng chèo kéo, dụ dỗ cả nhà về quê. Bà tôi đồng ý. Chẳng bấy lâu sau, họ đều chuyển về khu vực họ đang ở bây giờ. Một làng xóm nghèo khó nhất trong cái thị trấn nghèo nàn của chúng tôi, và có vẻ bây giờ nó cũng chẳng mấy khấm khá. Trước khi họ trên đường về miền Nam, bà cố của tôi, đã đưa cho bà ngoại ít vàng bà giấu trong nhà, để vợ chồng có cái làm ăn. Nhưng khi trở về, ông tôi đã hồ hởi sung công số tiền đó ngay. "Độc lập rồi. Giải phóng rồi. Cuộc đời mới đến rồi," ông lạc quan nói, "việc gì phải bo bo giữ cho riêng mình chứ?" Thi thoảng, mẹ tôi kể lại chuyện số vàng cũ, lại nói: "Mỗi khi nhà có ai bệnh tật đau yếu túng tiền, lại giận bố quá, không tha thứ được."

Có lẽ cũng với sự hồ hởi đó, ông đã giao nộp gần hết ruộng đất của mình cho chính quyền mới chia ra. Thi thoảng, khi trở về quê ngoại, mẹ tôi vẫn cao hứng chỉ trỏ khắp nơi, bảo: "Ngày xưa đó là đất của ông bà cố đấy." Bà còn chỉ cho tôi cái nền nhà cũ, và kể rằng, ngôi nhà bằng gỗ đó cháy mấy ngày mới hết.

Gia đình ông cố ngoại tôi, vốn gốc là địa chủ, dù con cái đều đi theo cách mạng. Có điều, ông ngoại dường như đã quên khuấy điều đó, vì có lần, uống rượu say, ông bảo bà ngoại tôi: "Nếu hồi đó biết bà là con gái địa chủ, tôi đã không cưới bà rồi."

Bà ngoại tôi sau này nhắc lại, chỉ nói: "Lúc ấy bà giận ông mày quá, tới giờ cũng không tha thứ được."

Nhưng cuối cùng thì bà ngoại cũng không chấp nhặt với ông. Cuối cùng thì hai người vẫn sống hạnh phúc với nhau đến già, chiều chiều ngồi hóng mát trên cái chõng tre dưới gốc dừa, tối tối cùng nhau xem phim truyền hình Hàn Quốc hay Đài Loan gì đó, ngậm ngùi xót thương số phận cô nữ chính nhà nghèo gặp gia đình chồng giàu có kênh kiệu. Cuối cùng thì ngày nào đi nắng về bà cũng chuẩn bị cốc nước chanh cho ông giải nhiệt, lo lắng hằng đêm khi ông đau ốm. Có lẽ bà ngoại – và cả mẹ tôi – đều đã quyết định tha thứ cho ông. Bởi vì họ điều hiểu, bằng một cách nào đó, ông tôi đơn thuần vô cùng, trong sạch đến đáng sợ, như mặt trời tỏa nắng không hay biết mình đang thiêu đốt mặt mũi khách bộ hành.

Sau khi trở về quê, ông bà tôi đều thành giáo viên dạy trong những trường học gần đó. Tôi vẫn nghe kể lại, khi bà ngoại tôi ngày ấy vấn cao tóc lên đi ra chợ, mọi người đều phải ngoảnh đầu nhìn. Dù đã có một con, bà ngoại vẫn đẹp. Và hơn nữa, bà vẫn có dáng vẻ khác. Cách ứng xử, nói năng của một cô con gái gia đình nề nếp. Một người đến từ phương Bắc. Bà sẽ không ở lại đây được đâu. Bà sẽ không chịu khổ được. Ai cũng đã đoán già đoán non như thế, và tất cả đều sai. Bây giờ, khi bà ngoại tôi ngồi giữa những bà già vừa nấu ăn vừa nói chuyện rôm rả trong căn bếp tối tăm chật hẹp, chẳng ai có thể nhận ra sự khác biệt nào. Con người có thể thích nghi với mọi hoàn cảnh – mẹ tôi đã nói thế, và luôn sống như thế– có lẽ là noi gương người mẹ của chính mình.

Khi mẹ tôi vào đây, cũng như tôi, bà không có nổi một người bạn ở trường vì giọng nói của bà. Và đó còn là một thời kỳ phức tạp hơn bây giờ, khi bà còn không dám đi ra ngoài vào ban đêm, vì sợ có người trả thù. Vì thế, mẹ tôi thay đổi giọng nói lẫn cách đi đứng, cho giống với mọi người xung quanh. Sau này khi học đại học ở Huế, bà lại phải thay đổi giọng nói một lần nữa, vì mấy bà mệ ngoài chợ chặt chém những người nói giọng tỉnh lẻ -–mảnh đất cố đô đã chẳng lưu lại trong bà chút ấn tượng tốt đẹp nào.

Cách sống đó ảnh hưởng đến tính cách của mẹ tôi. Bây giờ khi nói chuyện với những người khác nhau, bà thay đổi cử chỉ, giọng nói, và có lẽ là cả suy nghĩ. Bà như một con tắc kè hoa nhanh chóng hòa mình với bất cứ môi trường nào, và tự hào về điều đó. Bà có thể nói cười nồng nhiệt với bất cứ đồng nghiệp, họ hàng, làng xóm, như chí tình chí thâm lắm, dù sau lưng, khi chỉ còn mình tôi với bà, bà hết lời phàn nàn về những thói xấu của họ: ti tiện, bủn xỉn, hèn hạ, ngu dốt, đần độn, keo kiệt, ngạo mạn.

Từ người mẹ của bà, từ cuộc đời mình, mẹ tôi đã học được một bài học quý giá mà bà luôn khắc cốt ghi tâm: Để sống yên ổn ở đời, đừng bao giờ trở nên khác người, ở bất cứ điểm nào. Đó là điều bà đã đúc kết, và là châm ngôn bà cố gắng khắc vào đầu tôi bằng mọi giá.

Nhưng đó cũng là điểm mà từ những ngày thơ ấu ấy, tôi không thể đồng ý với bà. Cách cư xử hằng ngày của mẹ tôi là sự hiểu biết đầu tiên của tôi về vẻ giả dối của giao tiếp xã hội. Và tôi là một đứa trẻ ngây thơ, ngây thơ đến tàn nhẫn, nên tôi không chấp nhập được sự giả dối của bà, cũng không chịu hiểu cuộc đời và suy nghĩ của mẹ tôi. Những ngày thơ ấu ấy, tôi thực lòng thấy chợn mỗi khi ngồi nghe bà ngọt ngào với bất cứ ai, và có lẽ lòng tôi có một phần coi thường chính cái kĩ năng mà bà tự hào.

Tôi cố từ chối cái viễn cảnh mình sẽ trở nên giống bà, và vì vậy, từ những năm mới đi học, tôi đã luôn phản đối khi có vị khách đến chơi nhà nào đó khen rằng hai mẹ con trông hệt như nhau.

"Con không giống mẹ Doanh" Nếu đang ngồi gần bà, tôi sẽ đẩy bà ra mà bảo. "Con giống bố Phong cơ."

Cha tôi đã chuyển đi làm ở thành phố, thi thoảng mới trở về nhà, và lần nào tôi cũng quấn lấy ông khi bỏ mặc mẹ tôi, người luôn chăm sóc tôi mỗi ngày. Tôi háo hức chờ ông về, chờ những món quà của ông, chờ tiếng cười vô tư của ông – người hoàn toàn xa cách với những lo toan thường nhật của gia đình. Vì tôi luôn mong muốn trở thành một đứa con trai, cha tôi với tôi đã trở thành một hình mẫu lý tưởng, như một hiệp sĩ phương xa, một hoàng tử trong chuyện cổ tích, và cũng xa vời như thế.

Nhiều lúc, khi sự ương bướng của tôi trở nên quá mức, bà giận lên, kí trán tôi mà bảo: "Chị được giống như tôi đã là phúc đức lắm rồi, biết không?" Trong giọng nói của bà có sự tuyệt vọng lẫn nỗi buồn, mà mãi về sau nhớ lại tôi mới nhận ra.

Mẹ tôi cô độc – giữa những người phụ nữ trong nhà luôn làm bà thấy phiền phức – giữa những người đồng nghiệp bà luôn coi là hợm hĩnh, hãnh tiến và ngu ngốc, coi thường bà chỉ vì giới tính của bà. Khi tôi ra đời, dù ít hay nhiều, bà đã trông cậy ở tôi một đồng minh.

Nhưng tôi, một đứa trẻ cực đoan tàn nhẫn, đã nhất quyết từ chối bà.

Thị trấn mẹ tôi đã trở về, thị trấn nơi tôi sinh ra, giống như một thị trấn Viễn Tây trong truyện tranh Lucky Luke, xoanh quanh một trục đường chính – ở đây là đường quốc lộ – và một đường tàu lửa chạy song song. Vào những năm tháng ấy, chỉ có hai bên đường xe chạy, nhà cửa mới san sát, hàng quán mới sáng đèn. Rời xa phố chính, những căn nhà thưa dần, và chẳng mấy chốc, sự văn minh chấm dứt đột ngột dưới hình ảnh những trảng cát mênh mông, trắng lóa, bao bọc bốn bề thị trấn. Đó đây, nhấp nhô những túp lều bỏ hoang, những ngôi mộ, những bia đá đã mòn vẹt không đọc nổi tên. Không có mấy cây cối mọc được nơi này, nên phóng hết tầm mắt chỉ có bầu trời xanh ngắt. Đúng là thị trấn có cái không khí của miền viễn Tây – và khi nắng chiều sập xuống, cũng có vẻ buồn bã quạnh hiu như thế.

Thị trấn hẳn đã được lập nên trong cuộc mở đất di dân bắt đầu từ đời các chúa Nguyễn. Những kẻ mang tội, những người chạy trốn, những kẻ tìm vận may ở vùng đất mới, đã dần dần lan xuống phía Nam. Gia tộc ông nội tôi, nếu tra tường tận gốc gác, cũng đã vào đây mấy trăm năm trước từ phía Bắc. Vì một lý do nào đó, họ đã lựa chọn ở lại vùng đất khô khốc cằn cỗi này, mà không tiếp tục đi vào những cánh đồng phì nhiêu ở miền Nam. Từng người trong họ đã có lý do gì, tôi đôi lúc tự hỏi, nhưng cũng khó mà trả lời được.

Trước đây, từng có một phần không nhỏ dân cư thị trấn là người gốc Hoa. Nhưng suốt thời thơ ấu, tôi không nhìn thấy người gốc Hoa nào cả. Họ đã bỏ đi, hầu hết chắc đã về lại Trung Quốc, mẹ tôi kể. Những người còn lại, hẳn đã chọn cách náu mình vào bóng đêm của sự đồng nhất, im lặng không lên tiếng, không để sự tồn tại của họ lọt vào mắt người khác. Những dãy nhà của họ để lại vẫn còn đó, một số đã bị lửa thiêu trụi, một số đã chuyển sang tay chủ sở hữu khác. Khi tôi lên tiểu học, gần khu nhà đó mọc lên một thư viện tiếng Pháp, nhưng hầu như không có ai ghé thăm.

Sau cuộc chiến tranh kéo dài, cũng như nhiều vùng khác của đất nước, thị trấn đã trải qua những năm tháng khó khăn. Và suốt những năm tháng thời thơ ấu, tôi cảm thấy những người trong thị trấn ít nhiều chia sẻ một thái độ với quá khứ: Cứ tạm quên nó đi. Vì có quá nhiều thứ để lo. Vì tồn tại đã đủ chật vật. Bài học về lịch sử địa phương duy nhất chúng tôi có được ở trường dừng lại ở những năm chiến tranh. Nếu biết thêm chút ít về lịch sử thị trấn, cũng là chuyện hay ho – điều này hẳn ai cũng sẽ đồng ý – như ít ra ta cũng lý giải được rốt cuộc cái tên kì quái của thị trấn đã được viết bằng chữ Hán nào, và vốn có ý nghĩa gì. Nhưng đó không phải là một điều cần thiết. Ở thị trấn này, chẳng có ai có thời gian để nghĩ về chuyện quá khứ, và chẳng có ích gì khi cố nhìn xa vào tương lai.

Điều đó khiến sự tồn tại của thị trấn ám ảnh một nỗi buồn. Và chẳng phải là nỗi buồn đặc biệt gì. Khi Orhan Pamuk viết về Istanbul của ông, nhà văn đã phải dành cả một chương để giải thích ý nghĩa từ huzun ông dùng để chỉ "nỗi buồn Istanbul". Thị trấn của chúng tôi buồn, cái vẻ bế tắc giản dị và quen thuộc của một thị trấn nhỏ, chẳng có gì lớn lao hay bi kịch nào sâu đậm trong đó. Ít nhất Pamuk cũng có thể hoài niệm về sự sụp đổ của đế chế Ottoman vĩ đại trong khi ca cẩm về sự suy thoái của Istabul, trở thành một nơi "biến mất trên bản đồ thế giới" – theo quan điểm của ông. Chúng tôi chưa bao giờ tồn tại trên tấm bản đồ ấy, và tôi nghĩ, nếu Pamuk được sinh ra trong một thị trấn thế này, có khi ông sẽ bớt than van.

Phải, những đoàn xe bắc nam nối đuôi nhau không ngừng nghỉ trên đường quốc lộ không đoái hoài đến chúng tôi. Những đoàn tàu thi thoảng dừng lại ở ga nhỏ không đoái hoài đến chúng tôi. Và những chiếc máy bay để lại vệt mây kéo dài trên bầu trời cũng không nhìn đến chúng tôi nốt. Rốt cuộc mọi người đang vội vã đi đâu nhỉ? Mái nhà họ đang trở về có giống như nhà chúng tôi không? Ở đâu đó, bên ngoài thị trấn, những dãy nhà hình ống đơn điệu như những chiếc hộp nối nhau san sát, tối tăm ở giữa ban ngày này, có còn tiếp tục không? Đó là những câu hỏi lởn vởn trong đầu tôi mỗi khi nhìn dòng xe trên đường lúc còn nhỏ, và đến tận bây giờ.

Cha mẹ tôi mua một căn nhà ở mặt đường quốc lộ. Sau khi đến tuổi đi học tiểu học, tôi bị buộc phải chuyển về sống với hai người. Vì đã quen ở nhà ông bà, ban đầu tôi nhất quyết không chịu, nằng nặc đòi về nhà – tức là nhà ông bà – dù cha mẹ mang đủ thứ bánh kẹo váy áo ra dụ dỗ. Đỉnh điểm là vụ tôi ném váy áo đi mà hét: "Con không thích mặc váy, mẹ chẳng hiểu gì cả!" Cha tôi cáu lên, đó là lần đầu tiên và cũng là lần cuối ông đánh con.

Việc này đến tai bà nội tôi, bà đến nhà la rầy cha mẹ tôi: "Việc có gì đâu mà cũng phải đánh con bé?" Nhưng bà cũng không cho tôi trở về nhà ông bà, ngoại trừ cuối tuần, nên tôi chẳng còn cách nào khác là ở lại với cha mẹ.

Chẳng bấy lâu sau, cha tôi tiếp tục đi học thạc sĩ – theo lời chèo kéo của vị giáo sư đã hướng dẫn ông thời đại học. Mẹ tôi bận bịu cả ngày ở nhà máy – bà là một kĩ sư. Vì thế, tôi ở nhà một mình rất nhiều trong thời gian ấy.

Từ bên trong cửa sắt nhà mình, đong đưa trên ghế, tôi dõi theo những chiếc xe chở hàng mờ ám, những chiếc xe khách đầy người, những chiếc máy kéo, những con bò và người chăn dắt chúng mặt mũi na ná như nhau, những chiếc xe máy phóng vèo vèo không thèm đếm xỉa xung quanh, những người thồ lợn ra chợ khi tiếng kêu thảm thiết của con vật hòa lẫn vào tiếng ồn xung quanh. Thi thoảng, khi xe rác đi qua, mùi hôi thối bốc lên, nếu có nhà mẹ tôi lại lớn tiếng quát: Mau đóng cửa lại đi, khói bụi mù mịt lên cả rồi.

Những chuyện nhỏ nhặt ấy là nguồn cơn bất tận của những trận chiến bé nhỏ giữa tôi và mẹ tôi. Tôi và bà không hợp tuổi – bà đôi lúc vẫn viện dẫn sự mê tín mơ hồ nào đó. Mọi thứ đều có lời giải thích, và bà không phải chịu trách nhiệm với điều gì.

Và quả thật, có lẽ bà không thực sự phải chịu trách nhiệm về điều gì. Khó ai sống trong tiếng ồn chát chúa bốn bề, trong căn nhà ống chật hẹp nóng nực, những giờ làm căng thẳng với những người đồng nghiệp nam khiếm nhã, những ca trực đêm, những người đàn bà ngồi mát ở phòng văn thư cứ bàn tán sau lưng, mà không có lúc trở nên cáu gắt. Thêm vào đó, là phụ nữ, dù là một phụ nữ hiện đại đi làm, bà vẫn được trông chờ phải hoàn thành công việc ở nhà. Kết quả là bà buộc phải chạy đi chạy lại như ngựa, từ chỗ làm ra chợ rồi về nhà. Khi cuối cùng cũng có lúc nghỉ ngơi, bà chỉ có thể nằm dài trên giường khi tivi chiếu đi chiếu lại một bộ phim Trung Quốc nào đó đến lần thứ ba. Bà nội tôi thi thoảng đến thăm, đôi khi vẫn nhắc qua nhà cửa mấy tháng rồi không lau. Điều đó cũng làm mẹ tôi bất mãn trong dạ. Thói quen hút thuốc của mẹ tôi cũng khiến bà tôi không vừa ý -–dù theo lời mẹ tôi thì bà không có cách nào khác. Những người đồng nghiệp nam của bà đều hút thuốc, và để giao tiếp làm việc với họ dễ dàng, đôi lúc bà cũng phải hút.

Nói tóm lại, mẹ tôi lúc nào cũng căng thẳng, ở chỗ làm hay ở nhà. Mẹ tôi kết hôn ngay sau khi tốt nghiệp, với thời đó là khá trễ. Nhưng tôi vẫn có cảm giác, có lẽ bà vẫn chưa sẵn sàng. Có lẽ bà đã có hình mẫu khác về cuộc sống gia đình, với những đứa con khác. Nhưng tôi, là một đứa trẻ quá ương bướng, quá lỳ lợm, quá bất thường. Trong những năm tháng bà mải mê làm việc để trả nợ cho ngôi nhà và tôi ở lại nhà ông bà, điều gì đó đã đánh mất giữa mẹ con chúng tôi. Mắt xích nào đã đứt, và dù tôi biết bà yêu thương tôi vô cùng – cũng như về sau tôi nhận ra mình quan tâm đến bà –hai mẹ con tôi không thể hòa thuận. Như nước với lửa, chỉ ngồi với nhau dăm ba phút, nói vài câu về bộ phim truyền hình dài tập trên Tivi, chúng tôi đã bất hòa.

Vì thế, cũng như tôi từ chối tất cả những điều bà muốn dạy, bà cũng từ chối việc tính nết xấu xa của tôi có liên quan gì đến bà. Bà luôn chì chiết, chữ tôi xấu như chữ chú Thụy, khó chiều như cô An, và cái "tính nghệ sĩ" – đến bây giờ tôi vẫn không hiểu ý bà là gì khi dùng từ này – bà căm ghét ở tôi chắc chắn là từ chú Nguyên bày ra chứ không đâu. Bà nói, bà không ngừng hối hận vì đã để tôi cho họ hàng nuôi dưỡng từ bé, nếu tôi đã theo lề lối của bà, chắc chắn đã không trở thành một đứa thần kinh như bây giờ.

Mặc mẹ tôi có cố chối bỏ đến đâu, tôi vẫn cho rằng, ít nhất sự ngoan cố và hiếu thắng của tôi là di truyền từ bà chứ không ai.

Cứ như thế, trong căn nhà ống bên đường ấy, tôi và mẹ tôi kẹt trong một cuộc chiến bất tận. Những chiếc váy đẹp bà đã dành dụm tiền mua cho tôi dịp Tết, tôi nhất quyết gạt ra không chịu mặc, khiến nụ cười tươi hào hứng của bà nguội lạnh. Tôi nói rằng chiếc áo khoác mới của bà khiến bà giống con cá vàng, và ngược lại, khi tôi nghịch chơi cài hoa lên tóc, bà bảo tôi giống một con điên. Tôi cố tình kể lại tường tận những lời than vãn của bà về mẹ chồng cho bà nội tôi nghe, và đôi lúc, vào cuối ngày, khi có chuyện gì đặc biệt xui rủi ở nhà máy, hay ở chợ bị chém chặt giá cả, bà mắng tôi, nói rằng tất cả là tại tôi đã nhìn bà trừng trừng như một kẻ giết người lúc mẹ con tôi cãi nhau lúc sáng. Có một lần, lúc giận lên, bà đã nói, bà ước gì tôi đừng ra đời, ước gì bà đã có một đứa con khác, một đứa con bình thường. Dù vô ý, những lời của mẹ khiến tôi đau, và trả đũa, tôi đáp lại, chẳng sao, vì bà chẳng quan tâm gì đến tôi.

Ngày hôm đó, đôi mắt đỏ lên của mẹ tôi nhòe nước. Tôi đã làm bà khóc, và đó chẳng phải lần đầu tiên. Mẹ tôi đã làm đau tôi, và đó chẳng phải lần cuối cùng. Bà bỏ vào bếp. Và một lúc sau, tôi bước theo bà ra sân sau, nhưng không thấy bà đâu.

Đột ngột, một nỗi sợ khó hiểu trùm lấy người tôi. Tim tôi lạnh toát, khi đứng một mình ở khoảng sân mà bà đã biến mất. Sau này nghĩ lại, tôi cho rằng lúc ấy bà đã bước qua cánh cửa sau dẫn ra đường tàu mà quay sang nhà hàng xóm, hoặc nấp đâu đó, để đe dọa tôi như các bà mẹ trẻ vẫn hay làm. Nhưng lúc ấy, đứa trẻ là tôi, lại chẳng suy nghĩ được nhiều đến thế. Trong đầu tôi, chỉ đơn giản là bà đã biến mất.

Đứng giữa khoảng sân trống, tôi bật khóc, cho đến khi bà trở lại và ôm tôi.

Và lần ấy, tôi không đẩy bà ra.

Chắc bạn đọc đã đoán ra, khi nhắc đến Pamuk và Istanbul, lòng tôi tuyệt nhiên chẳng có chút thông cảm gì với nỗi buồn của Pamuk, dù bình thường vẫn khá yêu thích ông. Nhưng có một điều ông viết trong tập sách ấy mà tôi hiểu : cái mong ước thi thoảng thoáng qua trong đầu, rằng mình có thể sinh ra trong một thành phố khác, một quốc gia khác, hay một gia đình khác. Mặc dù vậy, Pamuk viết, ông tự biết mình vẫn còn may mắn khi sinh ra trong một gia đình giàu có khi đất nước đang suy tàn. Và tôi cũng tự hiểu, từ những ngày thơ ấu, tôi may mắn hơn những người khác ra sao, và đáng lẽ chẳng nên phàn nàn gì cả.

Nhưng đôi lúc, khi ngồi trên ghế nhìn dòng xe chạy qua trước cửa, tôi vẫn không kìm được mong muốn trở thành một người khác. Một lần nhìn thấy tôi chằm chằm ngồi nhìn ra đường, chú Nguyên, lúc ghé chơi nhà cha mẹ tôi, cúi đầu hỏi, đôi mày hơi chau lại: "Bé Liên đang nghĩ gì thế?"

Chẳng có gì. Tôi đáp, mình chỉ đang muốn có thể ở hai nơi cùng một lúc mà thôi. Chú tôi nghiêng đầu, cau mày nhẹ. Nhưng chú cũng chẳng nói gì, hay thưa lại cho mẹ tôi.

Cứ như thế, thi thoảng, khi nổi hứng lên, tôi bắc ghế ngồi nhìn dòng xe chạy qua nhà, dù trời nắng hay mưa, đêm hay ngày. Thực sự những khi có cơn giông, bầu trời chuyển động, sấm sét ầm ầm, mây mưa vần vũ dữ dội, tôi lại càng thích thú. Trong đầu tôi, thầm nảy ra mong ước sét sẽ giáng xuống thiêu trụi một mái nhà, hay bầu trời sẽ đổ sập xuống thật. Những chiếc xe vẫn lao vù vù trên đường, kiên nhẫn, lì lợm. Tôi chợt nghĩ rằng những chiếc xe đó đang hối hả giục nhau xông ra một chiến trường nào đó ở phương xa. Tôi đong đưa trên ghế, chìm đắm trong những ảo tưởng đó.

Nhưng rồi, một lúc, mưa cũng ngừng rơi. Gió quang mây tạnh. Thị trấn lại trở về vẻ buồn chán như lúc nào. Thường những lúc ấy, tôi đã mất hứng. Tôi thấy mệt mỏi cực độ, và khi những đứa trẻ khác trong xóm bắt đầu chạy ra phố nô đùa trên những vũng nước đọng, tôi quay vào nhà đọc sách, học bài, vẽ tranh hoặc chơi xếp hình. Khi mẹ tôi trở về, bà sẽ mắng tôi, tại sao không ra ngoài chơi mà cả ngày ru rú trong nhà?

Trong khi mẹ những đứa trẻ khác phải bắt chúng ngồi vào bàn mà không được trốn đi chơi, mẹ tôi luôn phải quở trách tôi điều ngược lại. Bà coi đó là một trong những chuyện bất thường của tôi. Bà không ưa điều đó, như bất cứ sự bất thường nào.

Sau vài tháng ở trường, tôi cuối cùng cũng nhận ra một phương pháp để tồn tại. Một phương pháp trái ngược hoàn toàn với cách mẹ tôi tìm ra.

Những ngày ấy, tôi luôn bị chế giễu, không chỉ vì giọng nói, mà còn vì chuyện tôi không biết đánh vần, do không đi học mẫu giáo. Về sau tôi mới biết, cô giáo đã nói với mẹ tôi chuyện này, bảo rằng gia đình cần quan tâm đến cháu hơn, và có lẽ vì bối rối với sự bất thường của tôi, trong những tối dạy kèm tôi, mẹ tôi luôn cú đầu kéo tóc tôi thật mạnh, và mắng chửi, sao mà ngu quá vậy, có thế mà cũng không biết.

Nhưng họ đều không biết, là tôi biết đọc, dù không thể đánh vần. Không biết ai đã dạy cho tôi, có thể là cô tôi, bằng những cuốn sách đọc trước giờ ngủ, hoặc chú tôi, lúc có quá nhiều thời gian khi phải trông tôi mỗi ngày. Nhưng tôi biết đọc. Trong đầu tôi có một giọng nói không ngừng giải nghĩa những con chữ đó cho tôi, và việc đánh vần chỉ làm chậm tôi lại. Khi những người bạn trong lớp còn phải loay hoay từng chữ một, tôi đã đọc được cả câu trôi chảy, và có thể đọc được một cuốn sách không thành tiếng.

Khi tôi ở trong nhà với ông bà, chuyện này chẳng có gì lạ lùng. Nhưng khi chuyện được phát hiện ra ở trường, nói một cách không khiêm tốn thì, ngay lập tức tôi trở thành ngôi sao. Các thầy cô khác nhìn thấy tôi trong thư viện, đều cầm cuốn sách hay tờ báo nào ra, bắt tôi đọc, để xem có thật tôi đọc được trôi chảy hay không, có hiểu được những gì trong sách hay không. Do không bị pha giọng địa phương, nên dần dà, giọng đọc của tôi được cô giáo ưa thích, cho phép tôi đọc chính tả cho các bạn cùng lớp.

Vì tôi hay quanh quẩn bên họ như thế, thái độ của thầy cô giáo với tôi trở nên thân thiện hơn hẳn, và đám bạn học trong lớp, cũng thay đổi dần dần. Mái trường tiểu học xập xệ đổ nát ấy đã dạy cho tôi một bài học quan trọng: dù đám đông luôn đồng nhất, những thứ nằm ngoài nó là không giống nhau. Một người bình thường mặc quần rách sẽ là đề tài cười cợt, nhưng một diễn viên truyền hình mặc áo ngược ra đằng sau sẽ là biểu tượng thời trang. Một kẻ khác biệt đến một mức nào đó, sẽ được mọi người cho một số đặc quyền.

Chính vì vậy, từ đó, tôi bắt đầu lao đầu vào học.

Tôi biết sự khác biệt đầu tiên này không kéo dài được lâu, nên tôi phải tìm cách để trở nên nổi trội xuất sắc theo cách khác. Tôi phải trở nên giỏi giang đến mức, không ai có thể nói gì được nữa, không một học sinh nào dám ganh đua với tôi nữa. Dần dần, trong giờ ra chơi, người ta có thể để tôi yên với những cuốn sách. Dần dần, giọng nói của tôi không còn là đề tài đùa cợt nữa. Và những học sinh khác cũng bắt đầu làm thân với tôi, một số bắt đầu bắt chước giọng đọc của tôi trong giờ học.

Nói cách khác, dù hoàn cảnh giống nhau, nhưng cách thích nghi của tôi và mẹ tôi hoàn toàn khác nhau. Trái với sự linh hoạt uyển chuyển để thích nghi tình thế của bà, tôi tự xây cho mình một bức tường thành còn kiên cố hơn, cô lập với cuộc đời một cách mãnh liệt hơn, từ chối thực tại một cách tuyệt đối – nó chấp nhận tôi hay là không, không có nhượng bộ. Nói tóm lại, mẹ tôi bị ám ảnh bởi việc làm cho mình trở nên bình thường cũng mãnh liệt như tôi bị ám ảnh với việc trở nên khác biệt.

Sự hứng thú đột ngột của tôi với việc học ban đầu khiến mẹ tôi vui mừng. Nhưng sau đó, đánh hơi ra nguyên nhân thực sự, bà trở nên sợ hãi, lo lắng, giận dữ. Những bà mẹ khác ép con họ ngồi vào bàn học thế nào, bà cố đẩy tôi ra khỏi đó như thế. "Con người phải có bạn" Bà nói. "Kẻ có tài mà cô độc thì làm được trò trống gì."

Một lần, giận điên lên vì việc gì đó khác, bà nói, bà không cần một đứa con gái học giỏi, thông minh – trí khôn có ích gì khi ta là phụ nữ? Bà chỉ cần một đứa con gái bình thường.

Nhưng bà không biết, sự bình thường là thứ khiến tôi sợ hãi nhất.

Những âm tiết của nó, như vang lên từ một nấm mồ.

Và như thế, khoảng cách giữa mẹ con tôi xa nhau dần dần.

Do không còn phải dạy học cho tôi nữa, và biết rõ tôi học tốt hơn khi không có bà bên cạnh, nên khi dọn dẹp xong, tối tối, mẹ tôi chỉ ngồi xem tivi, hết thời sự, chương trình quảng cáo nước ngọt, mì ăn liền, tìm người lạc, phim truyền hình Đài Loan, đến cải lương mỗi cuối tuần. Nhiều lúc, tôi thấy bà chỉ nhìn đăm đăm lên màn hình, có vẻ chẳng thèm để tâm đến chuyện gì đang xảy ra. Bà có lẽ đã mệt đến mức không buồn xem tivi nữa.

Khi trong xóm chỉ có nhà tôi có tivi, có bà già hàng xóm vẫn thường chạy sang xem phim truyền hình. Bà già ấy ở lại rất khuya, không buồn để ý mẹ tôi đã mệt nhoài, ngáp liên tục khi nói chuyện. Chấm chấm nước mắt khi nhân vật nữ chính bị đánh ghen, bà luôn miệng nói: "Tội con nhỏ quá con ha?" Mẹ tôi buồn ngủ đến chảy nước mắt, vừa cố đẩy tôi vào sâu trong giường để bắt tôi ngủ, vừa phải đáp lại cầm chừng mấy câu như: "Dạ, đúng đó cô Hai à." Về sau, khi nhà ấy mua tivi, bà ấy chẳng qua nhà tôi nữa. Nhưng tối tối, mẹ tôi vẫn ngồi đó trước màn hình, gương mặt bơ phờ, hệt như cách tôi thi thoảng vẫn nhìn chằm chằm vào khoảng không, dù bà hay la mắng tôi vì chuyện đó.

Vả chăng, cũng chẳng có gì khác để làm trong một thị trấn đến sáu giờ là nhà nhà đóng cửa. Bên ngoài chỉ có các quán nhậu phục vụ cho tài xế Bắc Nam là còn sáng đèn. May trời còn có tivi. Phải. May mà có tivi.

Sự nghèo nàn của thị trấn không chỉ thể hiện ở sự lộn xộn ngổn ngang của nhà cửa hai bên đường, hay tấm biển tróc sơn ở lối vào, mà còn ở sự thiếu thốn văn hóa của nó. Cả thị trấn chỉ có một hiệu sách, nơi người ta có thể tìm được vài đầu báo cùng với mấy cuốn truyện Nguyễn Nhật Ánh phủ bụi. Di tích lịch sử duy nhất được nhắc đến trong giờ học là tượng đài chiến thắng thô cục xấu xí nằm trơ trọi trên một ngọn đồi thấp. Sự kiện lịch sử địa phương duy nhất được kỉ niệm hằng năm là ngày giải phóng thị trấn. Sự kiện văn hóa duy nhất nổi bật là những hội chợ thi thoảng được mở gần dịp Tết, hoặc khi có một đoàn bê đê đi qua. Bà nội tôi nhất quyết không cho tôi ra khỏi nhà vào những đêm đó. Từ cửa sổ phòng cô trông ra bãi đất trống họ dựng rạp, tôi lặng lẽ ngắm nhìn ánh điện từ sân khấu, nghe những câu đùa nhạt nhẽo eo éo của họ lẫn vào tiếng cười của đám đông, mà tôi biết đang cười nhạo họ nhiều hơn là cười với họ.

Lâu lâu, thị trấn mới có một vụ ồn ào nhỏ, như công an phá vỡ tụ điểm mại dâm ở gần ga tàu lửa, hay vụ tai nạn xe hơi làm một tay bợm nhậu văng lên vỉa hè trước nhà tôi một buổi chiều. Những lần như thế, mọi người liền chụm đầu vào nhau trò chuyện, bàn tán xôn xao, gật gù trước một "tin tức động trời" nửa hư nửa thực nào đó. Và khi chúng tôi xuất hiện trên tivi vì tụ điểm mại dâm đó, mọi người đồn nhau xem lại bản phát lại, trong sự xấu hổ hiển nhiên có cả nỗi kiêu hãnh kín đáo. Chẳng ai để ý đến nội dung của bản tin, chỉ thi nhau chỉ trỏ: Ồ quán nhậu của chị Hồng có chút chút ở góc trái màn hình kìa.

Chúng tôi đang sống trong những ngày hoang vắng sau tận thế, khi tận thế đã không đến. Sống trên đống đổ nát gạch vụn của một nền văn hóa, và tiếp nhận rác thải nhổn nhan của thế giới hiện tại.

Những ngày ấy, khi tan học, tôi thường không về ngay, mà lẻn ra sau những ngôi nhà, đi ra trảng cát, tìm con đường nào dài nhất để trở về. Điều đó làm mẹ tôi nhiều phen đau tim. Mỗi lần tôi về đến nhà, bà đều mắng, tại sao từ nhà tới trường chỉ có mười lăm phút đi bộ mà tôi đi cả nửa tiếng mới về nhà? Khi bà biết tôi và thằng bạn cùng bàn tên Văn lẻn lên trảng cát, mẹ tôi càng giận dữ và hoảng hốt hơn. Tôi là con gái, lỡ có chuyện gì xảy ra với tôi thì sao? Theo lời bà, những căn nhà thưa thớt cách xa đường chính đều là những tổ quỷ, và bà cấm tôi lảng vảng quanh đó. Là một đứa trẻ độc ác như lời bà nói, đương nhiên tôi bỏ ngoài tai, và cứ nhìn thấy bóng dáng bà chạy xe trên đường tìm kiếm tôi, là tôi lẻn qua những khe hở giữa các ngôi nhà để ẩn náu.

Những ngày ấy, tôi và Văn đi lang thang giữa các đồi cát, trèo qua hàng rào những ngôi nhà hộp cũ kĩ nằm rải rác cách xa nhau, ăn bất cứ thứ trái cây dại gì tay chúng tôi với tới, cố đọc một cái tên đã nhòe đi, bạc thếch trên những bia mộ xỉn màu, giả trò đám tang như thầy Mạnh Tử ngày xưa. Nhưng mẹ tôi không có khả năng chuyển nhà thường xuyên như mẹ thầy Mạnh Tử.

Có lẽ tôi đang chỉ muốn nhìn thật kĩ thị trấn của tôi, nơi tôi ra đời. Trong những ngày thơ ấu ấy, tôi đã luôn cảm thấy hoang mang lạc lõng, khi có ai đó, một đứa trẻ đi xa về, nhắc với giọng điệu tự hào về cái giếng ở nhà có nước ngon hơn những vùng khác chẳng hạn. Tôi biết, tôi đã chẳng có một cảm giác gắn bó nào, lưu luyến nào với mảnh đất này, và bây giờ, những người có thể nói say sưa về tình yêu của mình với một vùng đất vẫn làm tôi sợ hãi pha lẫn xấu hổ. Những người có thể yêu cái bóng của một thành phố, một cái tên của một vùng đất khiến tôi khó hiểu. Ngay cả khi rời đi thật xa, dù biết trong những trang viết tôi vẫn bị ám ảnh bởi những đoàn tàu chạy qua thị trấn ấy, khi đã nhìn kĩ nó, trong tôi vẫn chẳng có gì ngoài sự chán chường.

Tôi đã nhìn quá lâu, hiểu quả rõ sự buồn bã của thị trấn này, và vì thế tôi sợ nó.

Tôi sợ mình sẽ trở thành giống như nó, nơi những chuỗi ngày dài lặp đi lặp lại, nơi lịch sử là thứ gì không còn chút ý nghĩa nữa, và tương lai cũng chẳng có gì đáng trông chờ. Một thị trấn nhỏ, như một chấm bé trên bản đồ, vô nghĩa. Nhiều lúc, khi ngồi nhìn xe cộ chạy qua, tôi cứ luôn có cái ảo giác – là nếu một ngày thị trấn này đổ sập vào chính nó, thành một điểm duy nhất, nhỏ dần rồi biến mất, sẽ chẳng còn ai nhớ đến, chẳng ai quan tâm đến sự biến mất, như đã thờ ơ với sự tồn tại của chúng tôi.

Chính thị trấn ấy là khởi đầu của những nỗi sợ hãi lớn nhất của tôi: những buổi trưa rực nắng khi vỉa hè không một bóng người và thị trấn chìm trong cơn ngái ngủ bực bội, những hoàng hôn gay gắt của chiều tà khi ánh sáng cũng nhuốm đầy một sự tối tăm khó hiểu, tiếng còi tàu rít trong gió mỗi đêm yên ắng, những con bò gầy nhom cúi đầu đi hai bên đường, bóng tối và sự ẩm thấp lúc nào cũng ẩn hiện trong các tiệm tạp hóa cũ kĩ, gương mặt cáu kỉnh mệt mỏi của những người đàn bà bán hàng ở chợ, mùi cá rữa hôi thối hai bên bờ sông, và những con rối dán giấy bạc thếch trên cửa sổ một ngôi nhà lá dưới gậm cầu.

Có lẽ nào thị trấn của tôi đã tồn tại từ lâu khi các chúa Nguyễn mở đất vào vùng này, như người ta đôi khi nhắc đến? Tôi cảm thấy, dường như thị trấn của chúng tôi đã hoàn toàn bị hủy diệt và xây lại ngay tức thì, không để lại chút dấu vết gì của quá khứ. Năm lên lớp ba, trong những cuốn sách nghiên cứu về tôn giáo khó hiểu của cha tôi, tôi đọc được một giả thuyết rằng có thể thế giới đã được tạo ra vừa mới đây, với tất cả những giấu hiệu của năm tháng đã có sẵn đó, như một trò đùa của Thượng đế. Và từ lúc đó, tôi bắt đầu có những cơn ác mộng, rằng thị trấn của tôi bị hủy diệt mỗi đêm, kể cả tôi. Và khi bình minh đến, chúng tôi lại được tạo ra một lần nữa, với đầy đủ những vết nhăn, những ký ức của ngày hôm qua. Nhưng không có gì chân thực trong sự tái sinh ấy. Chúng tôi đang sống trong một giấc mơ của ai khác.

Thị trấn ấy, đã làm cho tôi biết sợ cái chết, bóng tối, và tệ hơn thế, là sự vô nghĩa và lãng quên.

Vào một đêm như thế, tôi và mẹ tôi bị đánh thức bởi tiếng ai đập mạnh vào cửa. Cha tôi đã đi từ hôm trước, và do có một vài việc ở vùng khác mà ông nội tôi cũng không thể lên với chúng tôi. Mẹ tôi thức dậy, dưới ánh đèn ngủ mờ mờ, tôi thấy bà cau mày. Tiếng ai đó vọng vào, rất lớn, giọng điệu rất gay gắt, bực tức.

Hai chúng tôi hé nhìn qua cửa sổ, và thấy một cặp thanh niên đứng trong bóng tối, gương mặt bặm trợn. Tay một người ròng ròng vết máu. Họ không phải ai đó quen. Mẹ tôi vội đóng sầm cửa, suỵt tôi im lặng. Ôm chặt lấy tôi trong bóng tối, tôi thấy người bà lạnh toát, tay bà run lên.

Những tiếng chửi bới lớn dần. Có ai gõ tay mạnh vào cửa như đòi bà mở cửa. Nhưng mẹ tôi vẫn ôm chặt tôi không buông, mặc tôi cố giẫy ra. Một lúc sau những âm thanh ấy nguôi bớt. Nhưng ngay cả khi chỉ còn tiếng xe cộ nối tiếp nhau vô tình ngoài cửa, bà vẫn không buông tôi ra. Sau này, tôi mới biết, có tin đồn hai tên cướp vượt ngục đang lảng vảng quanh vùng chúng tôi. Bà đã sợ hãi đến vậy, vì chỉ có hai chúng tôi ở nhà. Mẹ tôi nói, giọng vẫn chưa hết kích động. Bà không quan tâm đến chuyện gì xảy ra với bà, nhưng bà sợ nếu xông được vào nhà, chúng sẽ làm gì với tôi. Sự sợ hãi khiến bà mất hết lý trí, và chỉ còn biết ôm chặt lấy tôi, cho đến khi hai người thanh niên đó rời đi.

Cuối cùng, cũng không ngủ được, mẹ tôi bật điện hỏi tôi có muốn uống sữa không. Vì vẫn chưa hết bình tĩnh bà cũng pha một cốc sữa cho chính bà. Nhưng cuối cùng bà lại không uống, chỉ châm một điếu thuốc.

Đột ngột, giữa lúc đang hút, mẹ tôi nói, bà sẽ bỏ thuốc.

Điều này khiến tôi luyến tiếc, và buột miệng:

"Khi hút thuốc nhìn mẹ đẹp hơn."

Mẹ tôi chỉ hơi nhếch môi. Bà bảo, đó là do tivi vừa nói rằng hút thuốc sẽ gây béo phì.

"Mẹ cũng hơi tròn rồi nhỉ." Tôi liếc sang bà, cười khì khì.

"Tại sinh chị ra mẹ mới béo lên đấy." Bà phản pháo. "Uống nhanh rồi ngủ, mai đi lao động có phải không?"

Tôi nhăn mặt.

"Chỉ đi dọn rác mà cau có gì." Mẹ tôi cau mày. "Chị có biết, ngày xưa lúc mẹ bằng tuổi chị, năm nào người ta cũng bắt mẹ đi trồng cây trên trảng cát đấy."

Tôi mở to mắt.

Như nhớ ra điều gì, mẹ tôi chợt thở dài, dụi điếu thuốc xuống gạt tàn mà nói: "Năm nào họ cũng bắt học sinh đi trồng cây. Nhưng rốt cuộc chẳng có cái cây nào sống được. Chẳng có gì thay đổi cả."

Đó là đêm cuối cùng mẹ tôi hút thuốc. Bà luôn là một người phụ nữ cứng rắn, và khi đã nói bỏ là bỏ. Thi thoảng vẫn hiện lên trong đầu tôi, gương mặt trông nghiêng của bà khi ấy. Những lọn tóc nhỏ xoăn tít mà bà không cách nào làm cho thẳng được ôm lấy gương mặt bà, trong khi đôi mắt mệt mỏi dán vào điểm nào đó lơ lửng trên bức tường. Có gì đó trong cách bờ vai bà chùng xuống, cách bà cầm lấy điếu thuốc, khiến tôi trong khoảng khắc ấy cảm thấy xúc động muốn khóc. Điều gì đó như là sự nữ tính của mẹ tôi.

Đêm ấy, mẹ kéo tôi lại gần hơn mọi khi. Và mặc cho đêm hè nóng nực, tôi cũng không tìm cách giẫy khỏi vòng tay bà. Thầm thì khi đang rơi dần vào giấc ngủ, mẹ tôi bảo, tôi biết không, những ngày còn nhỏ, lúc đi lao động trên trảng cát, bà đã từng bắt được những con ruồi trắng toát. Không phải là do dính cát. Chính là do chúng tiến hóa để thích nghi với môi trường. Chúng chẳng có cách nào khác. Con người cũng thế. Bà hiểu tôi đã trải qua điều gì, bà hiểu. Khi bà ở miền Bắc, họ gọi bà là đứa con miền Nam. Khi bà ở đây, họ khinh bà là dân từ Bắc vào. Bà không còn biết mình là ai nữa, nhưng điều đó có quan trọng gì? Rốt cuộc, vẫn phải thích nghi mà thôi.

Rồi thở dài một cách bất lực, mẹ tôi hỏi, tôi không thể trở thành một đứa trẻ bình thường hơn được sao?

Đêm yên tĩnh kì lạ ấy, một mình thức dậy, tôi thấy mình nằm gọn trong vòng tay của mẹ, lắng nghe tiếng bà thở đều đều. Lông mày bà cau lại trong giấc mơ. Tôi im lặng nhìn dáng bà, gương mặt bà lúc ngủ, và nhận ra, bà vẫn còn trẻ, và vẫn là một người phụ nữ đẹp. Trong khoảng khắc đó, đột ngột, tôi muốn nằm xuống mà ôm chầm lấy bà, không bao giờ muốn rời khỏi bà nữa, khi chúng tôi cùng bị hủy diệt trong đêm tối đè nặng lên thị trấn.

Nhưng cuối cùng, tôi lăn ra xa mẹ tôi, và quay lưng vào tường, nhắm mắt.

Và như thế, trong tuổi thơ ấu tàn nhẫn độc ác ấy, tôi đã cố hết sức chống đối mọi điều mẹ tôi tin tưởng, né tránh mọi ảnh hưởng từ bà. Từ sâu thẳm trong lòng, tôi sợ hãi bóng tối của thị trấn nghèo nàn đơn độc này, vì thế mà cố gắng chối bỏ nó, như đã từ chối vòng tay người mẹ của mình.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro