Một gia đình từ miền Bắc

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Thỉ thoảng trong những giấc mơ, tôi lại nhìn thấy ngôi nhà ấy.

Những hình ảnh ấy đến đột ngột lúc giấc mơ sắp tan đi, chói rực kì lạ, như một trái banh đỏ đột ngột lăn ra khỏi đám sương mù, đến bên tôi, và biến mất.

Đôi lúc, khi sắp thức giấc, chập chờn trong mơ, tôi lại thấy mình nhìn lên những rường cột ngả màu đen của ngôi nhà ấy, thấy sắc xanh của khoảng trời đằng sau khung kính, và màu tím của những chùm hoa mà đến giờ tôi vẫn không biết tên gọi đích xác là gì. Những khung cảnh ấy luôn thiếu bóng người, và lúc nào cũng yên lặng. Lúc nào cũng vậy, sau những giấc mơ như thế, khi tỉnh lại ở một nơi xa lạ nào đó, tôi luôn sững ra một lúc, tâm trí như còn kẹt trong mơ. Trong chốc lát, tôi bàng hoàng không nhớ ra được mình đang ở đâu, tại sao mình lại đến nơi này, tựa hồ đến cái tên của mình cũng quên mất.

Tôi nghĩ, sự trở lại của những giấc mơ ấy có nghĩa là đâu đó trong tiềm thức, tôi coi căn nhà ấy là nhà tôi.

Không phải tôi luyến tiếc nhớ nhung, hay có tình cảm gì mãnh liệt với căn nhà ấy đâu. Không phải tôi có những kỉ niệm gì vui vẻ hay đặc biệt buồn rầu ở nơi đó. Tôi cũng không giống như Tanizaki, người thông qua những chuyện bài trí nhà cửa nhỏ nhặt mà ca tụng vẻ đẹp của một nền văn hóa ông e sợ là đang biến mất. Thậm chí, lý trí tôi biết rõ, căn nhà đó chẳng phải là nhà tôi. Đó chẳng phải là nơi tôi ra đời. Đó không thuộc quyền sở hữu của tôi hay cha mẹ tôi. Đó không phải là nơi sau này sẽ thuộc về tôi. Thời gian tôi sống ở nơi ấy, cũng chỉ là những năm tháng ngắn ngủi, và trong ý nghĩa đó, căn nhà ấy chỉ là một nơi chốn tạm bợ, như mọi chỗ lưu trú khác trong cuộc đời. Nhưng điều đó không thể phủ nhận một sự thật, là trong những giấc mơ, tôi vẫn nhìn thấy căn nhà đó. Dù tuyệt nhiên không có ý định muốn trở lại, tôi cũng không thể phủ nhận là một phần nào đó của mái nhà đó đã đi theo mình, và nếu suy nghĩ theo nghĩa đó, tôi nghĩ có thể gọi nơi ấy là nhà tôi.

Đôi khi, tôi cũng có dịp quay trở lại căn nhà ấy trong thực tế. Nhưng đối diện với hình hài của nó, trái tim tôi hoàn toàn dửng dưng, dù đã luôn nhìn thấy nó trong mơ. Có lẽ những giấc mơ ấy, chỉ là sự biểu hiện của một tâm trí đã luôn muốn tìm một nơi nào đó để trở về – của một người không thể gọi một mảnh đất nào là quê hương. Trong cơn bối rối, giữa khi lạc đường, tiềm thức tôi đã chộp lấy hình ảnh ngôi nhà ấy để điền vào khoảng trống.

Và như thế, tôi biết rõ, trong những giấc mơ, mình chỉ đang nhớ đến một thứ đã không bao giờ tồn tại – điều đó cũng vô lý như lòng mong muốn quay trở về một mái nhà đã không bao giờ hiện hữu.

Ngôi nhà ấy, là do ông bà tôi xây nên.

Ban đầu, đó chỉ là một mảnh đất trống gần cuối xóm, cây cỏ chẳng mọc được mấy. Khi ông nội tôi trở về từ miền Bắc, ban đầu trên mảnh đất đó, họ chỉ dựng một ngôi nhà tạm bợ. Lúc ấy, tôi vẫn chưa ra đời, và chỉ nhìn thấy quang cảnh thời ấy qua những bức ảnh chụp hiếm hoi vào ngày đám cưới cha mẹ tôi. Trong ảnh, căn nhà lụp xụp thời ấy lấp ló phía sau hậu cảnh. Mẹ tôi cười tươi, nhưng có chút nhăn nhó, hẳn là do chói nắng. Thân hình nhỏ bé gầy guộc của cha tôi lọt thỏm trong bộ lễ phục, có lẽ là mượn từ người khác, và tôi chợt nhận ra, khi cưới nhau, họ trẻ đến thế nào.

Sau khi tôi ra đời ít lâu, ông nội tôi cuối cùng cũng quyết định xây cất ngôi nhà ấy. Đó là một trong những niềm tự hào của ông bà tôi, ngoài điều quan trọng hơn là họ đã nuôi được bốn đứa con ăn học đàng hoàng, một thành tựu không nhỏ trong thời ấy, và có lẽ là cả bây giờ.

Tính về diện tích, đó không phải là một ngôi nhà lớn, và bây giờ, mỗi khi trở lại, tôi đều thấy ngạc nhiên bởi kích cỡ của nó, nhỏ bé hơn nhiều so với trí nhớ của tôi. Không thời gian trong kí ức, vẫn có tính tương đối, vì vậy mà ta cảm thấy những mùa hè thời thơ ấu dường như dài gấp mấy lần những năm tháng sau này.

Nhưng ít nhất, căn nhà đủ sức che chở cho mọi người trong đó, và khi nhớ lại, tôi ngạc nhiên khi nhận ra, mọi người đều có chỗ của mình. Căn phòng của cô tôi, đầy những hộp nhạc, búp bê, hoa hồng thủy tinh từ một người bạn trai nào đó, và những cuốn sách ngoại văn tôi chẳng hiểu lấy một chữ. Căn phòng của người chú thứ hai của tôi, chất đầy sách Hán văn và lúc nào cũng ngập mùi thuốc lá. Phòng của ông nội tôi có một tủ sắt chứa đầy sách cũ mà ngoài tôi ra hình như chẳng ai lục ra. Phòng của người chú cuối cùng của tôi, nhỏ hẹp và bừa bộn những tập giấy vẽ. Dường như không gian mỗi góc nhà đều thay đổi theo tính cách chủ nhân của nó – và dẫu có nhắm mắt chơi trốn tìm dưới gậm bàn trong phòng khách, tôi cũng nhanh chóng nhận ra khi mình đến quá gần căn phòng của người chú thứ hai khó tính. Hoặc cũng có thể, tôi chỉ nhận ra vì mùi thuốc lá.

Sau khi tôi ra đời, mẹ tôi cũng đã sống một quãng thời gian ngắn trong căn nhà ấy cùng với mọi người. Ít lâu sau, cha mẹ tôi chuyển ra ở riêng trong một căn nhà khác cách đó vài trăm mét, chỉ thi thoảng quay lại vào cuối tuần. Mẹ tôi luôn muốn có một căn nhà của riêng mình. Dù có mang nợ bao nhiêu, một người phụ nữ độc lập và có phần ương bướng như mẹ tôi nhất quyết không ở chung với họ hàng mãi – tính cách đó cũng là một phần nguyên nhân dẫn đến những mâu thuẫn lớn nhỏ giữa bà với những người phụ nữ khác trong nhà.

Nhưng do công việc của hai người đều bận rộn, nên tôi vẫn ở lại với ông bà, và trải qua thời thơ ấu trong căn nhà đó. Vì vậy những năm tháng tuổi thơ của tôi đã vắng bóng cha mẹ. Hiện diện trong tâm trí tôi mạnh mẽ hơn là ông bà cô chú tôi, những cư dân thường trực trong ngôi nhà đó. Thi thoảng, có vài đứa em họ hay bà con gì đó ghé qua ở lại ít hôm, nhưng diện mạo họ dường như giống y hệt nhau, tôi không cách chi phân biệt nổi, và vì thế chẳng lưu lại chút ấn tượng nào.

Thật ra mẹ tôi cũng chẳng hài lòng với việc tôi ở nhà mãi như thế, và cố đẩy tôi đi học mẫu giáo. Nhưng suốt một ngày trời, tôi chỉ ngồi nhìn chăm chăm vào đồng hồ treo tường trong lớp, không thèm trả lời ai, hay ăn uống gì, hay nhấc chân ra khỏi ghế, mặc giáo viên dọa nạt đánh mắng. Chú út của tôi nghe chuyện, chỉ cười mà nói:

"Thật ra, chỉ cần biết chữ là được. Con bé đã tự biết đọc rồi đấy thôi, đến lớp một rồi đi học có sao đâu chị."

Vì câu nói vô tình đó mà mẹ tôi quay sang quát sang chú tôi một trận. Nguyên, em đừng dạy hư con bé được không? Con người không biết cách giao tiếp xã hội thì làm ăn được gì – bà nói.

Nhưng từ ngày ấy, chuyện giao tiếp với người ngoài đã làm tôi mệt mỏi, gần như đau đớn. Trường mẫu giáo, với những đứa con nít thò lò mũi xanh, và những giáo viên cố gắng nhồi vào đầu tôi những bài hát đơn điệu, dạy cho tôi giọng trả lời kéo dài và ngân nga như chương trình thiếu nhi trên đài, những chuyện người tốt việc tốt quá rõ kết cục đã khiến tôi phát chán, và tôi đã thề mình chẳng bao giờ muốn quay lại.

Sau mấy ngày, mẹ tôi chịu thua, và mặc kệ tôi. Tôi tự do. Ngày ngày, tôi chạy qua lại những căn phòng, giữa những thế giới riêng biệt như những quả cầu thủy tinh trong suốt đó, quấy phá cô chú của tôi, vòi vĩnh ông nội tôi, bị bà đuổi ra ngoài, bèn dành cả buổi sáng nghịch ngợm trong vườn. Thế giới kết thúc ở hàng cây cao vút ông nội tôi đã trồng, chắn không gian quanh nhà hoàn toàn với bên ngoài, như một tấm rèm dày nặng. Mọi thứ tôi muốn đều có đủ, và tôi cũng chẳng thèm nghĩ đến chuyện bước ra ngoài, giao tiếp với bất cứ ai không chung dòng máu, điều sẽ khiến mẹ tôi đau đầu vô cùng trong những năm tháng về sau.

Nhưng không có nghĩa là tôi không có giáo dục gì trong những năm tháng đó. Mặc dù những người lớn trong nhà đều bận rộn, và không có ai nhìn ngó đến tôi nhiều, trong suốt thời gian lượn lờ giữa họ, tôi cũng học lóm được vài điều. Cô An dạy tôi đọc chữ qua những cuốn sách đọc cho tôi trước giờ đi ngủ. Chú Thụy, dù khó tính hay càu nhàu, đôi khi chỉ cho tôi vài chữ Hán khi cao hứng. Vì bắt chước chú Nguyên, người chú út dịu dàng của tôi, mà tôi bắt đầu cầm bút vẽ. Và nhờ thói quen làm vườn của ông nội tôi mà tôi biết tên các loại hoa cỏ mọc trong nhà.

Chẳng biết bằng cách nào, trên mảnh đất cằn cỗi đó, ông tôi đã trồng được đủ loại cây: những cây bạch đàn lá cong và sắc như lưỡi kiếm, những cụm hoa hồng, hoa nhài, hoa đồng tiền nở rộ quanh nhà. Bên hàng rào là loại hoa màu tím mà cô An khăng khăng là hoa Đừng-quên-tôi, dù hình in trong tạp chí khác hẳn. Cô An cũng kể cho tôi sự tích về một hiệp sĩ hái loại hoa đó cho một quý cô, rồi bị nước cuốn trôi, chỉ kịp thốt lại câu "Xin đừng quên tôi." Chú Thụy ngồi hút thuốc bên cạnh, liền nhếch mép cười và nói: "Chuyện đó chứng tỏ đàn bà bao giờ cũng mang lại phiền phức cho đàn ông."

"Thế cậu nói thế với đám bạn gái cậu sao?" Cô tôi cười giòn giã, với sự thoải mái mà người ta luôn bảo là nguyên nhân cho việc cô ế chồng. Chú Thụy tôi nhăn mặt, không trả lời, biết rõ cô tôi đang có ý trêu. Dù tính tình cộc cằn khó chịu như thế, nhưng không hiểu sao, con gái theo đuổi chú rất nhiều.

Ở cuối vườn, nơi hàng hoa tím thẫm ấy kết thúc và bức tường xi măng nhà hàng xóm bắt đầu, ông nội trồng một cây mai. Mỗi cuối năm, tôi đều hớn hở ôm rổ ra cùng ông hái lá. Bên cạnh cây mai, còn có một cây đào, nhưng chẳng mấy khi có hoa. Mỗi khi thấy ông tôi tưới cây đào ấy, chú Thụy của tôi lại càu nhàu:

"Bố cũng thật là, ở đây nóng đến thế, nó có sống được đâu mà."

Về điểm này thì người chú đang tuổi nổi loạn của tôi nói sai. Cái cây ấy vẫn sống, dù lá lèo tèo tới mức tôi đồ rằng nó chỉ ra lá để thông báo cho chúng tôi rằng chưa đến lúc nó cần được đốn đi làm củi. Ai đó, một người quen của cha tôi, đã gửi cho cả nhà một cây đào bằng một chuyến xe tải Bắc Nam. Năm mới qua đi, cha tôi nhờ ông nội tôi trồng cây đào ấy trong vườn, bởi nhà cha mẹ tôi ở trên đường quốc lộ, chẳng có lấy một mẩu đất trống trồng cây.

Nhiều năm về sau, nếu có thể, cha tôi vẫn luôn cố tìm một cành đào để chưng với hoa mai trong ngày Tết. Dẫu sao, khi chuyển vào Nam, ông đã xong đại học và bắt đầu đi làm. Ở cái tuổi đó, người ta khó bỏ được thói quen.

Gia đình chúng tôi, là một gia đình di cư từ miền Bắc.

Và đó là khởi đầu sự lạc lõng của tôi.

Gia đình chúng tôi, là một gia đình di cư từ miền Bắc.

Nhưng từ "di cư" có lẽ là không chuẩn xác. Thực sự, dòng họ ông nội tôi vốn là người ở đây, cư trú ở thị trấn nghèo nàn phía Nam này đã bao nhiêu đời. Sau khi chiến tranh chống Pháp kết thúc, ông nội tôi, giống như nhiều người lúc đó, theo lệnh tập kết ra Bắc. Có lẽ, lúc đó cậu thanh niên là ông chỉ nghĩ, đó chỉ là một chuyến đi ngắn hạn, cùng lắm là vài năm chứ gì. Nhưng do những sự kiện phức tạp của lịch sử mà một con người nhỏ bé như ông không thể chi phối được, vài năm chia cách hóa thành cuộc ly biệt vài thập kỉ.

Khi ở lại miền Bắc, ông đã gặp bà nội tôi. Họ kết hôn với nhau. Sau đó cha tôi và các cô chú ra đời. Cha tôi đã sống qua cuộc ném bom xuống Hà Nội năm 1972, và trải nghiệm đó gây ra chứng sợ máy bay cho ông mãi về sau. Năm 1975, chiến tranh kết thúc, nhiều gia đình có hoàn cảnh như chúng tôi kéo nhau trở về miền Nam. Sau đó ít lâu, gia đình ông nội tôi cũng trở về thị trấn này, chỉ riêng cha tôi vẫn ở lại Hà Nội học hết đại học mới trở về hẳn. Những người hàng xóm vẫn hay kể lại cho tôi về cha tôi ngày ấy – một bác sĩ trẻ nói giọng Bắc, gương mặt thư sinh, đạp xe đạp đội mũ cối trên đường giữa trời nắng chang chang. Khi bị mấy cô gái bạo gan trêu chọc thì ông đỏ cả mặt mày mà chẳng dám nói gì.

Và nói như thế, đối với ông tôi, hay từ đó kéo ra chúng tôi, đây chẳng phải là di cư, mà là trở về. Ông tôi chỉ đang trở về với gốc rễ của mình, với anh em họ hàng, với những người thân yêu đã bị chia cắt trong suốt thời gian dài. Còn tôi, một đứa trẻ được sinh ra ở thị trấn này, cuộc chiến đó và sự chia cắt có lẽ chẳng đáng được nhắc tới. Nhìn thế nào thì, quê hương của tôi vẫn là ở đây. Tôi thuộc về mảnh đất này – bạn có thể coi là vậy – và điều đó có vẻ chẳng thể tranh cãi nữa.

Nhưng dẫu gì, thì gia đình ông nội tôi cũng đã sống quá lâu ở miền Bắc.

Vì thế, dù ông tôi đã nhanh chóng lập lại quan hệ với xóm giềng họ hàng, dù bà tôi vốn không thiếu những bà già bạn bè buôn chuyện hằng ngày, có những điểm khác biệt dù nhỏ nhặt nhưng cũng khó thay đổi. Mấy thập kỉ chia cách, không thể dễ dàng biến mất.

Dẫu sao những thứ sai khác ấy cũng quá nhỏ nhặt. Nên chẳng ngạc nhiên gì khi gia đình chúng tôi không coi chúng là quan trọng, và cũng không buồn sửa đổi. Những thứ ví dụ như, cách xưng hô trong nhà. Như cách gọi tên những vật dụng thường ngày. Như mùi vị thức ăn của bà nội tôi, người không bao giờ bận lòng đến việc học cách nấu những món ăn địa phương. Vì thế mãi đến khi đi học, bắt đầu ăn vặt ở cổng trường, tôi mới biết cái mà những đứa trẻ khác sau này sẽ gọi là mùi vị quê hương, Nhưng với tôi ở tuổi ấy, những món ăn đó chẳng còn gì đặc biệt để sau này hoài nhớ.

Sẽ thật sai lầm nếu ta cho rằng mọi gia đình sống ở một vùng miền đều có những thói quen giống nhau. Lần đầu tiên ăn ở nhà một người bạn miền Tây, tôi đã thấy bà mẹ bỏ mì chính vào trong nước mắm, và nghĩ gia đình nào ở vùng ấy đều làm vậy. Nhưng sự thực thì đâu phải. Trong những sự khác biệt của chúng tôi ngày ấy, có lẽ không ít là do thói quen riêng của gia đình chúng tôi. Nhưng những ngày còn nhỏ, chưa bước chân ra khỏi thị trấn bao giờ, tôi chỉ biết điều đó có nghĩa là tồn tại một ranh giới: giữa gia đình chúng tôi và bên ngoài. Và do không biết gọi tên, hay không thể định nghĩa chúng tôi là như thế nào, tôi đã vẽ nên trong tâm trí mình hình dung mơ hồ của mảnh đất phương Bắc, nơi mình chưa bao giờ đặt chân tới.

Và rõ ràng hơn tất cả, là giọng nói. Ở mức độ nhiều ít khác nhau, giọng nói của gia đình tôi vẫn khác biệt rất rõ ràng với những người khác trong vùng. Và đậm đặc nhất, có lẽ là bà nội tôi. Do sống quá lâu với bà từ nhỏ, nên cũng nhiễm luôn cái giọng rất rõ ràng miền Bắc của bà. Đôi lúc, khi được ông nội dẫn ra ngoài chơi, tôi chỉ im lặng cả buổi lắng nghe giọng nói của những người xung quanh, thường thì chẳng hiểu gì. Tôi cũng chẳng hiểu tại sao họ bật cười khi tôi mở miệng nói điều gì đó. Điều đó làm tôi phiền muộn, và lại càng chẳn muốn ra ngoài.

Căn nhà và những người trong đó, đối với tôi ngày ấy, như một thành trì đóng kín, một nơi chốn an toàn biệt lập, mà đằng sau những bức tường của nó, tôi không biết gì về thế giới bên ngoài, không biết về sự khác biệt của tôi, và cũng không biết gì về nỗi cô đơn.

Chuyện đó là không tốt. Mẹ tôi thường lặp đi lặp lại như thế, khi những cuộc trò chuyện quay về thời thơ ấu của tôi. Nếu người ta phải bị thương, tốt nhất là khi còn bé, khi chưa kịp nhận thức gì – bà tin như thế.

Nhiều năm về sau, khi nhìn lại, tôi nghĩ mình có thể đồng ý với bà.

Cú sốc văn hóa lớn của tôi xảy ra khi vào tiểu học. Đó là lần đầu tiên tôi nhận ra mình không giống với những đứa trẻ khác, và còn tệ hơn là thế, là một thứ thiểu số.

Tôi không hiểu được cô giáo và những đứa trẻ trong lớp nói gì. Và khi cô đọc chính tả bằng chất giọng địa phương đặc sệt của giáo viên tiểu học ở thị trấn nhỏ, tôi thấy bực dọc và cáu kỉnh. Giờ ra chơi, khi những đứa bạn chơi đùa, cười ré vào mặt nhau, tôi nhận thức lần đầu điều tôi sẽ gặp lần nữa trong những năm tháng ở nước ngoài sau này: Mọi người xung quanh tôi như đang chia sẻ với nhau một trò đùa bí mật, mà chỉ có tôi là không biết.

Không ai tin giọng nói của tôi vốn luôn là thế – tất cả đều nói là tôi giả tiếng, và dựa vào cái cớ đó, chúng trêu chọc tôi như thể tôi mang một tội lỗi lớn. Sự việc đột ngột đó khiến tôi giận dữ hơn là buồn rầu, hoặc nói đúng hơn, vì quá giận dữ nên quên cả buồn rầu.

Một buổi chiều, khi chúng tôi tan trường về, một đứa con trai đã kéo đuôi tóc của tôi, cười nhăn nhở khoe hàm răng sún của nó ra mà nói, những lời đại khái như sau: Mày không phải người ở đây, cút về miền Bắc của mày đi.

Lúc đó, tôi sững lại trên sân trường, quay lưng bỏ đi, từ đó không thèm chủ động nói chuyện với đứa nào trong lớp.

Khi biết chuyện, trái với bình thường, mẹ tôi không mắng mỏ tôi, chỉ hỏi, tại sao tôi không giả tiếng giống như đứa trẻ khác.

"Những đứa cười cợt con chỉ vì giọng nói" Tôi cáu kỉnh nói "Không đáng làm bạn con."

Lúc đó, mẹ tôi có một biểu cảm rất buồn cười, như bà không biết là nên đánh tôi một trận, hay ôm tôi vào lòng. Cuối cùng, bà cốc đầu tôi thật mạnh, vì thật lòng, có lẽ bà chẳng thể đánh tôi. Tôi không khóc khi bà cốc đầu, quay đầu vào tường làm mình làm mẩy với bà bằng cách quen thuộc: Là không thèm đếm xỉa gì đến bà.

Cho đến tận giờ ăn tối, khi người cha mới về thăm nhà của tôi thắc mắc nguyên nhân dẫn đến cuộc chiến tranh lạnh mới đây giữa tôi và mẹ, bà vẫn không giải thích gì, một điều lúc ấy tôi thấy rất kì lạ. Bà vốn chưa bao giờ bỏ qua cơ hội hạch tội tôi trước mặt cha tôi.

"Chẳng biết nữa." Mẹ tôi nói, vọng từ trong nhà ra, cốt cho tôi nghe thấy. "Không ăn thì thôi, kệ nó."

"Con xuống nhà ông bà đây." Tôi đứng dậy xỏ dép bước ra ngoài. Mẹ tôi nhăn mặt. Bà vốn không thích chuyện tôi cứ chực chạy về nhà ông bà khi có cơ hội, nhưng cũng không muốn tỏ thái độ trước mặt cha tôi.

Ở nhà ông bà, mọi người đã ăn cơm xong. Chú Nguyên lấy cơm cho tôi, trộn nước tương với nửa quả trứng, rồi chỉ im lặng nhìn tôi ăn, khi mọi người đang ngồi coi tivi trong phòng khách. Đôi lúc, chú đưa tay lên gãi đầu, xoa hai tay vào nhau, miệng mấp máy như định nói gì đó. Bây giờ nghĩ lại, tôi cho rằng chú tôi, hay những người khác trong nhà, đã biết được vụ việc ở trường. Dẫu sao tin tức cũng lan đi rất nhanh trong một thị trấn nhỏ.

Tôi không còn nhớ được chú cháu tôi đã làm gì trong tối hôm ấy. Có lẽ chúng tôi đã cùng nhau đi mua kẹo ở tiệm tạp hóa đầu ngõ. Hoặc tôi đã ngồi trong phòng nhìn chú vẽ tranh đến khi ngủ gục. Nhưng chắc chắn là, chú tôi chẳng đả động gì đến việc tôi gây sự ở trường cả. Chỉ có một câu nói mơ hồ thoáng qua, không hiểu sao ghim vào tâm trí tôi mãi về sau: Những chuyện đó cũng chẳng quan trọng gì đâu. Cứ mặc kệ đi.

Cứ mặc kệ đi. Nếu biết chú đã nói với tôi như thế, mẹ sẽ giận chú lắm. Nhưng lời khuyên đó, lại làm tôi dễ chịu. Và vì thế, tôi quyết định làm như chú nói. Mãi đến những năm sau này, khi chuyển đi những vùng đất khác, bắt gặp ai nói những điều nhàm chán vô duyên đại loại như: Anh/chị chẳng tin em là người vùng ấy đâu? Em nói giọng đâu có giống vùng ấy? Em chẳng cần giả tiếng nữa, cứ nói tiếng vùng em cho vui đi nào – như thể tất cả chỉ là một trò đùa – tôi đều mỉm cười và mặc kệ.

Có lẽ giọng tôi, kể từ ngày ấy, sau bao nhiêu năm cũng có thể thay đổi. Nhưng nhất quyết là không phải do chủ ý hòa nhập với người khác theo lời mẹ tôi khuyên bảo. Tôi nhất quyết không thay đổi chính mình vì một việc như vậy – một sự kiêu ngạo lì lợm rất trẻ con.

Vì vậy mãi đến bây giờ, tôi vẫn không thể hiểu được cảm giác của những con người có thể tự hào về một mảnh đất chỉ đơn giản vì mình sinh ra trên nó, những nhà văn có thể viết ra những lời đối thoại đậm sắc thái vùng miền một cách dễ dàng thoải mái như hơi thở. Đôi lúc tôi suy nghĩ, mình cũng có thể làm chuyện tương tự, thêm tính địa phương vào ngôn từ trong những câu chuyện mình viết, để làm hài lòng những độc giả hay bắt bẻ. Nhưng đó sẽ chỉ là bắt chước. Là mô phỏng. Cũng sẽ không tự nhiên và thiếu tôn trọng như cách những nhà văn người Kinh nhại giọng ngọng nghịu của những người dân tộc đang học tiếng Việt vậy. Sự cố chấp đó cũng là từ lòng kiêu ngạo của tôi.

Cứ mặc kệ tất cả đi, chú tôi đã khuyên bảo như vậy, bởi chính chú cũng là một kẻ lì lợm khác thường, một kẻ lập dị, dù theo một cách lặng lẽ và quyết liệt hơn tôi. Mặc kệ nó đi. Tôi cố không quan tâm, hay không để bị ảnh hưởng bởi những điều xung quanh. Và dù vẫn nhận biết cuộc đời ở một mức độ khiến mình không gặp nguy hiểm, khi cánh cổng đóng lại, trong những buổi chiều yên ả khi gió thổi xào xạc qua các hàng cây cao vút, khi ăn tối hoặc xem thời sự địa phương trên chiếc tivi trắng đen cũ kĩ, tôi không để người khác, thế giới bên ngoài, hay thị trấn đang chìm vào bóng tối này, phạm vào cuộc sống của mình.

Tất nhiên, tôi biết, những ngày ấy, thực chất không hoàn toàn yên ả. Luôn có những đợt sóng ngầm đằng sau, những tranh chấp từ lớn đến bé, những mâu thuẫn ngầm, những nỗi sợ hãi mơ hồ về tương lai. Nhưng trong những giấc mơ, nằm giữa bóng tối của ngôi nhà ấy, tôi thấy mình an toàn. Và có lẽ đó là lý do trong tiềm thức, tôi đã coi nó là nhà tôi.

Nhiều năm sau này, khi những người trong nhà đều có gia đình riêng, và chỉ quay lại đây sum họp mỗi khi lễ tết, tôi cũng chợt nhẹ lòng khi nghe thấy, mỗi khi vang lên từ ngoài ngõ, là tiếng nói quen thuộc của ai đó mình quen biết, chất giọng đặc trưng của gia đình chúng tôi.

Những ngày hiếm hoi ấy, trong buổi trưa nắng, giữa tiếng cười đùa, chúng tôi cùng nhau dùng bữa, ăn những món ăn quen thuộc, đùa cợt về việc bánh nướng của bà nội luôn cứng như đá dù răng bà cứ yếu dần, nhắc lại những chuyện xưa lúc ông nội còn sống, và dỗ dành đám con nít cứ tăng dần về số lượng. Thi thoảng, giữa những buổi sum họp đó, đột ngột có một phút giây nào, mọi người đều im lặng. Những đứa trẻ thôi kêu khóc. Người lớn cũng không buồn trò chuyện với nhau nữa, im lặng ăn uống. Chỉ có tiếng gió lùa qua sân trống. Và lúc đó, cơn buồn ngủ dâng lên hai mắt, tôi sẽ nghĩ, mình muốn về nhà. Mình muốn về nhà.

Khẽ rùng mình, tôi chợt mơ hồ nghĩ, hình như những người xung quanh cũng đang cảm thấy điều này. Tôi muốn về nhà. Tôi muốn về nhà. Chúng tôi đều nhung nhớ một nơi chốn, mong mỏi quay về một tình trạng vượt lên trên sự hiện diện vật chất của ngôi nhà này. Một mong ước cũng mãnh liệt như muốn quay ngược thời gian, và cũng vô phương như thế.

Tôi vẫn luôn thích tin rằng, sự nhung nhớ có tính chất tuyệt vọng ấy là bản chất của gia đình chúng tôi, rằng có một sự liên lạc nào đó, một nỗi buồn chung nhất khiến chúng tôi trở thành một gia đình.

Mặc dù điều đó, cũng như mái nhà trong mơ của tôi, có thể chỉ là ảo tưởng của riêng tôi mà thôi.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro