3

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Lần đầu tiên tôi biết căn nhà này có lẽ là 16 năm về trước. Lúc đó, tôi vừa rời khỏi quân đội và được điều về làm cảnh sát địa phương ở đồn Cao Lĩnh. Tôi nhớ lúc đó là cuối tháng 3, vừa mới vào xuân, thời tiết vẫn rất lạnh. Hôm đó, tôi nhận được điện thoại điều động của trung tâm chỉ huy, nói rằng trong khu vực quản lý có trẻ nhỏ bị khóa ở trong nhà nên tôi phải tới xem. Chuyện này trước đó tôi cũng đã từng gặp, thường là cha mẹ ra ngoài một lát để làm các việc như đổ rác chẳng hạn, vì vậy không mang theo chìa khóa nên đã nhỡ tay khóa trái cửa lại. Chuyện như thế cũng không có gì phiền phức, chỉ cần gọi một thợ khóa đi cùng, ba đến năm phút sau là sẽ giải quyết được. Đến hiện trường....", Dương Hưng Xuân giơ tay chỉ về phía cửa, "Chính là bên ngoài cánh cửa kia - thì mới biết tình hình không thông thường như vậy. Có hai đứa bé bị nhốt trong nhà, người lớn thì không biết đi đâu. Sau đó, đứa lớn - một đứa bé gái hơn 3 tuổi mở cửa chạy ra ngoài, nhưng khi nó chạy ra thì lại khóa cửa lại, và trong nhà vẫn còn một đứa bé hơn."

La Phi gật đầu vẻ đã hơi hiểu ra. Rất rõ ràng là Dương Hưng Xuân đang nói đến chuyện lần đầu tiên Lý Mộng Nam từ trong nhà chạy ra. Chuyện này La Phi vừa nghe bà Vương kể, nhưng anh không biết, người cảnh sát chạy đến hiện trường lúc đó thì ra lại chính là Dương Hưng Xuân.

Dương Hưng Xuân tiếp tục kể: "Lúc đó, đứa bé lớn đứng bên cửa. Trời lạnh như vậy mà nó cởi trần, chiếc áo khoác to đùng trên người, nhìn thì biết ngay là của ai đó tốt bụng mới khoác lên cho. Trên người đứa bé toàn phân là phân, đầu tóc toàn chấy rận, trông không còn ra hồn người nữa. Nhìn điệu bộ ấy thì biết có lẽ nó đã không được chăm sóc nhiều ngày rồi.

Lúc đó tôi cũng không kịp hỏi nhiều, vội bảo thợ khóa mở cửa ra. Người thợ khóa rất giỏi nên chỉ sau vài ba động tác là mở được ngay. Chúng tôi chạy vào nhà tìm đứa bé còn lại. Lúc đầu không thấy đâu, cuối cùng thì cũng đã tìm thấy nó. Anh có biết nó ở đâu không? Ở trong nhà xí! Đứa bé đó nằm sấp trên bệ xí, trong tư thế cúi xuống uống nước trong bồn xí.

Nói đến đây, Dương Hưng Xuân cố ý dừng lại nhìn La Phi một chút. La Phi bất giác thè lưỡi, uống nước ở bồn xí? Chi tiết này lúc trước bà Vương không nhắc đến, bây giờ mới nghe thấy nên anh không khỏi thấy rùng mình.

Dương Hưng Xuân cũng thở dài một cái rồi nói tiếp: "Lúc mới đầu cứ tưởng là đứa bé đó đã chết rồi, nhưng đưa tay sờ thì thấy vẫn còn thở! Tôi vội bế nó lên, đầu tiên cho nó uống chút nước, sau đó có một cô hàng xóm mang sang cho một bát sữa nóng. Đứa bé uống ừng ực hết bát sữa mới dần lấy lại sức sống. Tôi vội gọi xe cấp cứu đưa bọn trẻ đến bệnh viện kiểm tra. Dọc đường, tôi luôn bế đứa bé ấy. Theo lý thuyết thì trẻ hơn một tuổi đã bắt đầu biết lạ, nhìn thấy người lạ sẽ khóc tướng lên đúng không? Nhưng đứa trẻ đó lại đưa bàn tay nhỏ tí xíu của mình ra nắm chặt lấy tay tôi không chịu rời một phút." Nói đến đây, Dương Hưng Xuân hơi nheo mắt lại, lộ vẻ vô cùng bối rối, anh ta thở dài: "Hôm ấy, tôi mới thực sự hiểu được thế nào gọi là chết đuối vớ được cọc. Đứa bé đó nắm chặt tay tôi, giống như nắm chặt lấy tia hy vọng cuối cùng trong đời. Tôi có thể cảm nhận thấy mong muốn được sống của nó, đó là bản năng nguyên thủy nhất của mọi loài sinh vật."

La Phi biết tại sao Dương Hưng Xuân lại bối rối, vì đứa bé đó cuối cùng vẫn chưa thoát khỏi kiếp nạn đáng sợ. Còn Dương Hưng Xuân là người đã từng cứu nạn, nên chắc chắn càng có cảm xúc rất sâu về bi kịch đó.

Sau một hồi xúc động, Dương Hưng Xuân trở lại với hồi ức: "Đến bệnh viện, sau khi kiểm tra xong, hai đứa trẻ đều được kết luận là suy dinh dưỡng nghiêm trọng, nhất là một tuổi rồi mà chỉ mới biết bò, mông nó chỉ bằng bàn tay. Đứa lớn cũng không khá gì hơn, phần dưới người nó có nhiều chỗ lở loét, đó là kết quả của việc lâu ngày không được thay tã gây ra.

Tôi nhớ, lúc đó có một hộ lý tắm rửa cho hai đứa bé, cô ấy vừa làm vừa chảy nước mắt. Sau đó, cô ấy nói riêng với tôi rằng: trong miệng của bọn trẻ cũng có phân. Vì là đàn ông, không dễ khóc như phụ nữ, nhưng nghe vậy trong lòng tôi cũng thấy rất thương xót. Nói thật, từ trước đến lúc đó, tôi chưa thấy đứa trẻ nào tội nghiệp đến thế. Tôi thực sự không biết kiểu cha mẹ nào lại có thể để con ra nông nôi ấy.

Sau đó, qua tìm hiểu hàng xóm xung quanh, được biết đứa lớn tên là Lý Mộng Nam, còn đứa bé tên là Lý Mộng Kiều. Bố của bọn trẻ tên là Lý Quân, mẹ là Tần Yến. Lúc đó Lý Quân đang trong trại giam vì tội chứa chấp người sử dụng ma túy, anh ta bị phạt giam 6 tháng. Còn Tần Yến thì mất liên lạc, nghe nói tới hai ba ngày rồi mà chưa thấy có mặt ở khu.

Tôi báo cáo tình hình với đồn, đồn cử người đi thăm dò tin tức của Tần Yến. Đến chiều muộn, cuối cùng thì cũng tìm được cô ta trong một quán net ở đường Thu Vũ. Đồng nghiệp của tôi đưa Tần Yến đến bệnh viện. Người đàn bà đó, nói thế nào nhỉ? Nhìn bề ngoài thì không có vẻ là một người xấu. Ăn mặc cũng bình thường, chỉ có điều mắt chẳng có hồn gì cả, phản ứng cũng có phần chậm chạp. Lúc đó, tôi hỏi Tần Yến, tại sao cô lại bỏ lũ trẻ ở nhà không chăm sóc? Tần Yến trả lời tôi rằng, đến bản thân mình cô ta còn không tự chăm sóc được thì làm sao chăm sóc được cho bọn trẻ?

Sau đó, tôi còn nghe nói người đàn bà đó không biết nấu cơm, không biết giặt quần áo, không biết làm gì cả. Có lần, cô ta xin được của hàng xóm hai quả trứng gà về cho con ăn, loay hoay một hồi không biết luộc thế nào, cuối cùng đành mang trứng sang để hàng xóm luộc hộ cho."

La Phi lắc đầu tự nhủ: một người phụ nữ mà đến cả luộc trứng cũng không biết thì làm sao có tư cách trở thành mẹ của hai đứa trẻ được nhỉ?

Dương Hưng Xuân cũng mỉm cười bất lực: "Đối với người phụ nữ đó, tôi cũng không biết nói thế nào cho được, đành đưa cô ta đến phòng bệnh thăm bọn trẻ. Nhìn thấy hai đứa trẻ, Tần Yến cũng khóc, một tay bế đứa bé, một tay ôm đứa lớn, xem ra cũng rất đau lòng. Tôi đứng bên thầm nghĩ: dù thế nào thì người làm mẹ cũng vẫn cứ thương con, bây giờ, chủ yếu là cuộc sống không được ổn định, khả năng tự chăm sóc lại kém, sau này có lẽ sẽ khá hơn. Hừ, sự thật sau này chứng minh, tất cả chỉ là những suy đoán trong mơ của tôi mà thôi.

Bệnh viện lẽ ra muốn giữ hai đứa trẻ lại để tiếp tục điều trị, nhưng Tần Yến kiên quyết đòi mang chúng về, vì cô ta là người giám hộ hợp pháp của chúng, nên chúng tôi cũng không có quyền phản đối. Có điều, chuyện bọn trẻ chạy ra ngoài tự cầu cứu lần này khá lớn, nên tổ dân phố và đồn cảnh sát cũng bắt đầu quan tâm. Tối hôm đó, mọi người cùng đưa ba mẹ con cô ta về, tổ dân phố còn đưa tiền để nhờ bốn bà lớn tuổi đến quét dọn trong ngoài nhà một lượt. Bởi vì ở đó toàn cứt đái, chẳng có vẻ gì là nơi ở của con người.

Tất nhiên, sự giúp đỡ của mọi người với ba mẹ con họ không chỉ đơn giản ở việc quét dọn vệ sinh, cân nhắc đến chuyện Lý Quân vẫn đang ở trong tù, gia đình đó hoàn toàn không có nguồn kinh tế, tổ dân phố còn quyết định trợ giúp kinh tế cho họ. Hồi đó, khoản tiền trợ cấp quy định là mỗi tháng 800 đồng" Dương Hưng Xuân ngừng một lát, anh ngẩng đầu lên nhìn La Phi với ý tứ sâu xa, sau đó kể tiếp: "Và nhiệm vụ phát tiền cứu trợ được giao cho tôi."

"Ồ", La Phi gật đầu hiểu ý, rồi nói: "Đây là một việc cũng gai góc đấy."

"Đúng thế." Dương Hưng Xuân đưa đầu ngón tay, khẽ gõ lên mặt bàn mấy cái, "Nhiệm vụ của tôi không phải đơn giản là phát tiền, điều quan trọng hơn là tôi phải giám sát Tần Yến, đảm bảo rằng số tiền đó được dùng vào sinh hoạt hàng ngày của mấy mẹ con, chứ không phải bị cô ta tiêu linh tinh cho mình."

"Tất nhiên rồi. Nếu như chỉ là phát tiền, thì trong tổ dân phố có nhiều bà già lớn tuổi như vậy, ai phát mà chẳng được? Cần gì phải giao cho một cảnh sát?"

"Đội trưởng La đúng là rất hiểu người khác!" Dương Hưng Xuân ngừng một chút, rồi nói tiếp: "để hoàn thành nhiệm vụ này, tôi phải cố nghĩ ra một cách cấp tiền đặc biệt, đem khoản trợ cấp cấp làm bốn lần. Cũng có nghĩa là mỗi tuần cấp một lần, mỗi lần 200 đồng. Như vậy, mỗi tuần đến kỳ cấp tiền, tôi lại đến nhà Tần Yến xem một lần, để đảm bảo rằng cuộc sống của bọn trẻ vẫn bình thường. Tôi nghĩ rằng, như thế có thể kiểm soát được Tần Yến, thúc đốc cô ta chăm sóc tốt cho bọn trẻ."

La Phi tỏ ý tán thành: "Cách đó rất tốt."

"Nhưng anh biết không, chuyện đó cuối cùng làm tôi đổ bể đấy." Dương Hưng Xuân hơi nhếch mép lên, để lộ nụ cười đau khổ. Nụ cười đó ẩn chứa sự tự trách và bất lực.

La Phi "ồ" một tiếng, chờ nghe tiếp.

"Thực ra, lúc mới bắt đầu, kết quả cũng khá tốt." Dương Hưng Xuân tựa người vào ghế, ngước mắt nhìn lên, tỏ vẻ tự an ủi, "Từ tháng 3 đến tháng 6, tổng cộng tôi cấp 11 khoản trợ cấp, tổng số là 2200 đồng. Trong thời gian đó, cuộc sống của ba mẹ con xem ra cũng khá tốt. Mỗi lần tôi đến cấp tiền, cả hai đứa trẻ đều có ở nhà và nhà cũng được dọn sạch sẽ. Sau đó, tôi đưa Tần Yến đi mua những nhu yếu phẩm cần thiết cho cuộc sống, giúp cô ta mang về nhà rồi mới ra về."

La Phi xen vào: "Thời gian anh đến cấp tiền đều vào ngày cố định trong tuần à, hay là vào những lúc anh rỗi?"

"Chủ yếu là xem lúc nào tôi rỗi. Vì bình thường công việc của tôi cũng rất bận rồi, không xác định được thời gian chắc chắn, do vậy phải áp dụng cách làm tương đối linh hoạt. Trước lúc tới, tôi đều gọi điện cho Tần Yến. Gần như chúng tôi đã thỏa thuận bảo Tần Yến ở nhà chờ."

"Nếu như vậy...", La Phi nhắc Dương Hưng Xuân, "thì tình hình anh nhìn thấy mỗi lần chưa hẳn là trạng thái cuộc sống đích thực của bọn trẻ."

"Ý của anh là...", Dương Hưng Xuân trầm ngâm, "vì trước khi đến tôi đều thông báo cho Tần Yến, nên cô ta đã có thể chuẩn bị trước để tạo ấn tượng tốt cho tôi, và có thể lấy được số tiền trợ cấp một cách thuận lợi?"

"Đúng thế. Hơn nữa, trạng thái cuộc sống thực của ba mẹ con ngày thường, có lẽ anh đã không nhìn thấy được."

"Đúng là tôi đã không để ý đến vấn đề này." Dương Hưng Xuân thở dài, nói tiếp: "Bây giờ nghĩ lại, thực ra một số việc đã có manh nha, nhưng đáng tiếc là lúc đó tôi lại không coi trọng."

"Thế sao? Ví dụ?"

"Ví dụ bà ngoại của Tần Yến đã báo cảnh sát, nói rằng cô ta lại nhốt bọn trẻ trong nhà không chăm sóc."

Bà ngoại của Tần Yến?" La Phi hơi ngạc nhiên.

"Đúng vậy. Sao thế ?"

"Cô ta có người thân à? Tôi cứ tưởng..."

Dương Hưng Xuân hiểu rõ ý của La Phi: "Anh tưởng rằng cô ta là trẻ mồ côi không có người chăm sóc? Không phải đâu. Có điều, cũng chẳng khác gì trẻ mồ côi."

"Thế à? Nói thử xem." La Phi thấy hứng thú với gia cảnh của người phụ nữ này.

"Mẹ của Tần Yến có bầu trước khi lấy chồng, bố của cô ta là ai, có lẽ đến cả chính bà ấy cũng không rõ. Sau khi đẻ Tần Yến, bà ta bỏ đi với một người đàn ông khác, bây giờ đã lấy chồng và sinh con ở Tứ Xuyên rồi và hầu như không liên hệ gì với người trong gia đình. Từ nhỏ, Tần Yến đã ở với ông bà ngoại, không biết bố đẻ ở đâu và cũng chưa gặp lại mẹ lần nào. Anh nói xem, như vậy thì có khác gì trẻ mồ côi?"

La Phi khẽ thở dài, rồi nói: "Thảo nào." Trước đó, anh cứ lấy làm khó hiểu rằng là một phụ nữ mà sao Tần Yến lại thiếu luân lý làm người như vậy? Từ nhỏ, cô ta đã không có được tình yêu thương của mẹ thì làm sao biết dùng tình yêu của người mẹ để quan tâm chăm sóc cho những đứa con của mình?

Thắc mắc này đã được giải đáp, La Phi vội quay lại với vấn đề hiện tại: "Được rồi, anh nói tiếp đi, về chuyện bà ngoại của Tần Yến báo cảnh sát."

"Bà cụ đó đã báo cảnh sát hai lần, nhưng lần đầu thuần túy là một sự hiểu lầm." Dương Hưng Xuân nhấp một ngụm trà, rồi kể chi tiết: "Tôi nhớ lúc đó vào tháng 4, bà cụ liên lạc với Tần Yến mấy lần mà không được, không yên tâm, bà đã chạv đến khu Tường Hinh Uyển để thăm các chắt. Gõ cửa một hồi lâu nhưng trong nhà không có ai trả lời. Bà cụ cuống lên, nghi là Tần Yến lại bỏ đi, hai đứa trẻ bị nhốt trong nhà lâu có khi đã xảy ra chuyện. Thế là bà cụ gọi điện đến đồn cảnh sát. Nhận được điện thoại xong, tôi cũng thấy rất lo, vội gọi thợ khóa đến để mở cửa. Chúng tôi tức tốc chạy ngay vào trong nhà, đến khi vào phòng ngủ thì thấy Tần Yến và hai đứa trẻ đang ngủ rất say. Tần Yến tỉnh dậy cứ mắng bà ngoại, trách bà làm mất giấc ngủ của mình. Chúng tôi đứng bên, nghe thấy vậy cũng rất khó chịu. Anh thấy đấy, chuyện đó thật là khó xử."

"Như vậy... đúng là muốn tốt lại thành ngược lại." La Phi trầm ngâm một lát rồi nói: "Thực ra, bà cụ cũng có thể cầm một bộ chìa khóa, như thế chẳng phải có thể thường xuyên đến thăm các chắt sao? Sau này, có gặp phải chuyện tương tự cũng không đến nỗi tạo ra kinh động lớn."

Là hàng xóm, chị Đặng cũng đã từng giữ một bộ chìa khóa để chăm sóc hai đứa trẻ, thì người là cụ càng không nên từ chối việc này mới phải. Hơn nữa, bà cụ là quan hệ máu mủ với bọn trẻ, nên sẽ không phải lo liên lụy giống như chị Đặng nếu như có việc gì xảy ra.

Dương Hưng Xuân chìa tay nói: "Chúng tôi cũng nghĩ như vậy, nhưng bà cụ lại không chịu."

"Tại sao?"

"Trước đó bà cụ cũng đã từng giữ một bộ chìa khóa, nhưng sau đó Tần Yến cứ nói thiếu cái này, mất cái kia, rồi cứ trách móc bà cụ. Bà cụ không chịu được oan ức ấy, đem trả lại chìa khóa cho Tần Yến. Khúc mắc ấy chưa được giải quyết, thái độ của cô ta với bà cụ lại tệ hại như vậy thì liệu bà cụ có cầm chìa khóa được không?"

"Như vậy... đúng thật là...", La Phi nói đến nửa chừng thì không nói nữa, vì anh không biết nên đánh giá thế nào. Ai cũng biết nhà nào cũng có chuyện, nhưng chuyện nhà họ quả là hiếm thấy và khó hình dung. Thôi, hãy đưa câu chuyện trở về với sự việc chính vậy.

"Vì việc báo cảnh sát lần đầu xảy ra hiểu lầm, nên đến lần thứ hai khi bà cụ lại báo cảnh sát, thì các anh không coi trọng nữa, đúng không?" La Phi đoán.

Dương Hưng Xuân gật đầu.

"Anh có đến đó không?"

"Không." Dương Hưng Xuân im lặng một lát rồi nói: "Nhưng tôi vẫn điều tra."

La Phi cười khì một tiếng: "Không đến thì điều tra thế nào?"

"Tôi hỏi bà cụ, có nghe thấy tiếng trẻ con đập cửa trong nhà hay kêu khóc gì không. Sau đó, tôi lại hỏi mấy hàng xóm cùng đơn nguyên, thì họ nói mấy ngày đó không thấy tiếng gì khác thường. Tôi thì nghĩ: đứa trẻ đó đã ba, bốn tuổi, nếu gặp phải chuyện chẳng lành nghiêm trọng, hẳn sẽ tạo ra tiếng động trong nhà."

"Vì vậy, thấy trong nhà không có tiếng động thì anh nghĩ rằng bọn trẻ không có chuyện gì?"

"Đúng thế." Dương Hưng Xuân giải thích: "Lần trước, Tần Yến nhốt bọn trẻ trong nhà, hàng xóm đã nghe thấy tiếng Lý Mộng Nam đập cửa và kêu khóc. Vì vậy tôi nghĩ: lần này có lẽ mấy mẹ con lại nằm ngủ trong nhà thôi, hoặc là Tần Yến đưa chúng ra ngoài chơi."

"Phán đoán như vậy cũng phù hợp logic, chỉ có điều...", La Phi lắc đầu, "Chuyện này liên quan đến an nguy tính mạng của hai đứa trẻ, nếu chỉ dựa trên suy đoán logic e rằng có phần cẩu thả."

"Anh nói rất đúng." Dương Hưng Xuân bất giác cúi đầu, như muốn lẩn tránh điều gì đó.

La Phi biết được là đối phương đang tự trách mình, bèn hỏi với vẻ rất nhạy cảm: "Chính là chuyện đã xảy ra trong lần này?"

"Không phải thế." Dương Hưng Xuân ngẩng đầu lên, tiếp tục nhớ lại, "Thực ra, sau lần thứ hai bà cụ báo cảnh sát, ít nhiều tôi cũng thấy không yên tâm, vì thế mấy ngày sau lại hẹn Tần Yến để đến cấp tiền. Khi tôi đến nhà, thấy người lớn và trẻ con đều khỏe. Vì vậy, việc báo cảnh sát lần thứ hai có lẽ cũng là một lần hiểu lầm."

"Có thể...", La Phi nhún vai, cảm thấy rất không vừa lòng với cách dùng tù đó, sau đó anh cố gắng nói: "Dù thế nào, thì nếu lần thứ hai mà anh cũng không tới thì lần thứ ba bà cụ sẽ không báo cảnh sát nữa. Vì vậy, khi mà cuối cùng bọn trẻ gặp chuyện, chúng đã mất đi kênh thông qua cụ ngoại để cầu xin giúp đỡ."

"Đúng vậy... Chính là vì sự suy đoán chủ quan của tôi nên mới gây ra hậu quả đáng tiếc đó." Dương Hưng Xuân cười buồn bã thừa nhận. Một lát sau, anh ta nói thêm: "Thực ra, ngòi nổ dẫn đến việc xảy ra chuyện sau đó cũng là do tôi châm lửa."

"Ồ?" La Phi nheo mắt, nhìn đối phương bằng ánh mắt xem xét.

Dương Hưng Xuân thở dài, chậm rãi nói: "Lúc đó là tháng 6, qua một tháng nữa là Lý Quân mãn hạn tù. Tôi luôn mong ngóng đến ngày đó, bụng thầm nhủ chỉ cần kiên trì đến ngày Lý Quân ra tù, thì trách nhiệm của tôi sẽ được trút bỏ. Nhưng, ông trời lại không chiều theo lòng người. Đầu tháng 6, trong khu vực của chúng tôi xảy một vụ cướp của giết người. Ảnh hưởng của vụ án đó rất xấu, lãnh đạo thành phố ra lệnh phải phá được vụ án đó trong một thời hạn. Loại vụ án không có manh mối kiểu này chắc anh cũng biết, việc phân tích tình hình vụ án cơ bản không có tác dụng, chỉ có thể lấy hiện trường vụ án làm trọng điểm để điều tra loại trừ. Hồi đó, đường phố cũng không có nhiều camera như bây giờ, việc điều tra chủ yếu là dựa vào chiến thuật biển người. Trong hai ngày, tôi đi khắp ba dãy phố, tìm hỏi từng cửa hàng ven đường, từng người qua đường, chân mỏi rã rời tưởng như muốn gãy. Như thế vẫn chưa hết, về đến đồn lại phải chỉnh lý lại hàng chồng bút lục... Tóm lại là mấy hôm đó tôi bận tối mắt tối mũi, thực sự không còn sức đâu mà lo đến những việc khác nữa."

La Phi hỏi: "Có phải anh đã quên cấp tiền trợ cấp cho Tần Yến không?"

"Chuyện đó thì không. Chỉ là thực sự không có thời gian đến nhà, nên tôi gọi điện cho Tần Yến, bảo cô ta đến đồn để lấy tiền."

La Phi gật đầu, giải quyết như vậy thì cũng không có gì là không được.

"Sau khi Tần Yến đến, tôi mới hỏi cô ta: bọn trẻ thế nào? Cô ta trả lời: đều ổn, đang ở nhà." Dương Hưng Xuân im lặng một lát, sau đó mỉm cười tự châm biếm với vẻ lạnh lùng: "Tôi đã tin vào lời của cô ta."

"Cô ta đã lừa dối anh?"

"Thực ra, đã hai ngày rồi cô ta không về nhà."

"Thế sao?"

Dương Hưng Xuân nhìn La Phi, cười buồn bã: "Vừa rồi anh nói không sai, tình hình mà tôi nhìn thấy trong mấy lần đến cấp tiền lúc trước đều không thật, đều là do Tần Yến cố tạo ra để tôi thấy. Cô ta vẫn thường xuyên ra ngoài, vứt hai đứa trẻ ở nhà mà không nhòm ngó đến. Mỗi lần biết tôi sắp đến là cô ta lại về nhà dọn dẹp sẵn."

"Lần đó anh không đến nên cô ta không cần phải về nhà nữa?"

"Đúng thế." Dương Hưng Xuân ủ rũ, "Chính là vì lần thiếu trách nhiệm này nên cuối cùng mới xảy ra chuyện đó."

La Phi trầm ngâm một lát, mày hơi nhíu lại, nói: "Tôi vẫn không hiểu lắm... chỉ vì một lần anh không đến nhà mà dẫn đến bi kịch sao? Không lẽ trước đó chỉ khi anh đến thì Tần Yến mới về nhà? Mà mỗi tuần anh cũng chỉ đến có một lần thôi mà. Nếu như vậy thì hai đứa trẻ đã sớm không qua khỏi rồi chứ?"

"Không phải là cô ta một tuần mới về một lần, đại khái vài, ba ngày về một lần. Mỗi lần trước khi đi cũng để lại cho bọn trẻ một ít nước uống và đồ ăn. Điều quan trọng là, tuần nào tôi cũng đến thì trong lòng cô ta cũng có một chút áp lực, nên thỉnh thoảng lại về nhà xem bọn trẻ, nếu không sẽ không biết ăn nói thế nào với tôi. Và, một khi mà tôi không đến thì điều mà cô ta cảm thấy là áp lực sẽ đột nhiên biến mất. Vì vậy, hôm cầm được tiền đó cô ta đã không về nhà, mà là đi chơi đâu đó cho thoải mái."

Khi Dương Hưng Xuân nói đến hai chữ "thoải mái", giọng anh đặc biệt nhấn mạnh, dường như muốn nhấn mạnh điều gì đó. La Phi chú ý đến chi tiết này, lập tức tức hỏi dồn: "Thoải mái thế nào?"

Dương Hưng Xuân cười khan, đáp: "Cô ta tới sàn nhảy disco ngầm và dùng số tiền cứu trợ vừa có được mua một ít ma túy..."

Ma túy? La Phi lặng lẽ lắc đầu. Nói chuyện đến đây thì cũng không cần hỏi gì nữa, anh đã nhìn thấy rất rõ số phận bi thảm sắp đến của hai đứa trẻ.

Dương Hưng Xuân cũng im lặng. Anh ta cầm chiếc túi đen ở mép bàn lên, lấy một bao thuốc từ trong túi ra, sau đó đưa mắt nhìn La Phi, dốc hộp thuốc, ý hỏi: có làm một điếu không?

La Phi xua tay: "Tôi không hút." Tiếp đó, anh nhấc chén trà trước mặt lên, nhấp một ngụm lấy lệ.

Dương Hưng Xuân lấy ra một điếu rồi tự châm lửa. Anh ta rít một hơi dài, giữ lại trong giây lát rồi mới từ từ nhả khói qua mũi. Cùng với làn khói thuốc bay ra là một tiếng thở dài. Xong hơi thuốc đó, anh ta tiếp tục kể.

"Mấy ngày sau, vụ án cướp của giết người phá xong, cuối cùng chúng tôi cũng được xả hơi một chút. Lúc đó, tôi nhớ đến chuyện mấy ngày chưa nhìn thấy bọn trẻ, bèn gọi điện cho Tần Yến, hẹn thời gian đến thăm. Nhưng, điện thoại của cô ta không liên lạc được. Tôi thấy hơi lo, nên hết giờ làm tôi đến thẳng đó. Tôi đứng ngoài gọi cửa một hồi lâu mà cũng không thấy tiếng người trả lời. Sau đó, hàng xóm đối diện đi về, cho tôi biết là đã hàng tuần rồi không thấy Tần Yến. Tôi vừa nghe thì biết là không ổn rồi. Mấy hôm trước, khi đến lấy tiền, Tần Yến đã nói rằng hai đứa trẻ đều ở nhà, còn cô ta thì đã một tuần rồi không thấy bóng dáng, điều đó có nghĩa là gì? Tôi chẳng kịp nghĩ đến chuyện hiểu lầm hay không mà lập tức gọi ngay thợ khóa đến mở cửa.

Cửa vừa bật ra, một mùi hôi thối xộc đến. Tôi chợt thấy lòng nặng trĩu như rơi xuống đáy vực. Lần vào nhà ba tháng trước cũng thấy rất hôi thối, nhưng đó là mùi phân và nước đái. Nhưng mùi hôi thối lần này thì khác. Là một cảnh sát, tôi quá biết mùi hôi thối đó là gì..."

Dương Hưng Xuân đưa điếu thuốc lên môi rít tiếp. Lần này, anh ta rít liên tục. Dường như muốn dùng khói thuốc để xua tan đi cái mùi hôi thối cứ quẩn quanh trong ký ức, nhưng mọi cố gắng đều vô ích, thứ mùi đó đã in đậm vào sâu trong tâm hồn anh, mãi cũng không thể tiêu tan.

Việc làm có ý nghĩa nhất, đó là dốc hết can đảm để nhìn thẳng vào đoạn ký ức đó.

"Tôi đi từng bước vào trong nhà, và thấy rõ mùi hôi thối đó tỏa ra từ phòng ngủ. Cửa của phòng ngủ cũng đóng, nhưng nhìn qua khe ván cửa và khung cửa thì thấy cửa không khóa, mà chỉ là khép hờ. Tôi đưa tay đẩy ra, nhưng không đẩy được. Thấy lạ, tôi nhìn kỹ thì phát hiện ra khe cửa có nhét một miếng giẻ lau to, chính miếng giẻ đó đã kẹt vào giữa cánh cửa với khung của, khiến cho cánh cửa rất chặt. Khi tôi chú ý đến chi tiết đó, tôi chợt thấy lòng đau thắt lại. Tôi đã hiểu ra, tại sao mấy ngày nay, Tần Yến thường xuyên ra ngoài không về mà không có ai ở ngoài nghe thấy tiếng kêu khóc của bọn trẻ."

"Vì Tần Yến đã dùng giẻ chèn làm cho cửa phòng ngủ kẹt chặt, khiến hai đứa trẻ không thể nào ra khỏi phòng ngủ được. Chúng chỉ có thể kêu khóc và đập cửa trong phòng ngủ, và những tiếng kêu khóc ấy không thể nào vượt qua phòng ngủ và lọt ra ngoài được." Khi La Phi nói ra sự thật tàn khốc đó, lòng anh cũng đau thắt, anh không nén được, hỏi dồn: "Nhưng, tại sao cô ta lại làm như vậy?"

"Vì cô ta không muốn bọn trẻ chạy ra ngoài, cũng không muốn người khác nghe thấy tiếng kêu gào của bọn trẻ. Cô ta cảm thấy chuyện đó khiến mình rất mất mặt."

"Cô ta không bén mảng về nhà, làm thế chẳng phải là cố ý dồn bọn trẻ vào đường chết ư?"

"Có thể lúc ra khỏi cửa cô ta vẫn nghĩ là mình sẽ về nhà, nhưng khi đã đi rồi thì không kìm được bản thân nữa. Nhất là sau khi đã hít ma túy."

La Phi lắc đầu, cảm thấy không thể nào tưởng tượng nổi, nhưng anh biết: những chuyện đó chính là sự thật đã từng xảy ra, rồi anh lại nghĩ đến: nơi anh đang ở đây chính là hiện trường xảy ra sự kiện đó! Điều đó khiến anh bất giác quay đầu lại, nhìn về phía phòng ngủ cách đó không xa.

Cánh cửa đó vẫn khép hờ, và La Phi dường như mơ hồ nghe thấy tiếng đập cửa dồn dập và tiếng kêu khóc thảm thiết. Anh thu ánh mắt lại như chạy trốn, đồng thời khẽ nói: "Thảm quá!"

"Đúng vậy, rất thảm." Dương Hưng Xuân cũng nhắc lại, rồi trong hàng chục giây sau đó, anh ngồi yên bất động, giống như một bức tượng xuyên không. Cuối cùng, anh từ từ quay đầu lại, mắt cũng nhìn về phía cánh cửa phòng ngủ, và ký ức của anh cũng theo đó bước vào nơi kiêng kỵ cuối cùng.

"Tôi ra sức đẩy cánh cửa kia, tiếp đó nhìn thấy một thảm cảnh như dưới địa ngục. Đứa bé tên là Lý Mộng Kiều đáng yêu xinh xắn ấy lúc này đã nằm chết trên giường trong tư thế vô cùng đáng sợ, thân hình không còn nguyên vẹn của nó đã bắt đầu phân hủy và bốc ra mùi hôi thối."

Nói đến đây, Dương Hưng Xuân đau khổ nhắm mắt lại, như muốn cố thoát ra khỏi đoạn ký ức đó.

La Phi im lặng chờ đợi trong giây lát, sau đó hỏi: "Thế còn Lý Mộng Nam thì sao?"

"Lý Mộng Nam...", Dương Hưng Xuân mở mắt nhìn La Phi, "Có lẽ anh đã biết, nó đã may mắn sống sót." Hơi ngừng một chút, Dương Hưng Xuân bổ sung: "Khi tôi vào nhà, đứa bé đó đang nằm bên cửa phòng ngủ, thoi thóp, mê man. Tôi đoán, nó đã cố sức mở cửa phòng ngủ để chạy ra ngoài. Nhưng cánh cửa đó đến cả người lớn đẩy từ bên ngoài cũng còn mất sức, nó làm sao có thể kéo ra được từ bên trong?"

Lý Mộng Nam dù sao cũng lớn hơn Lý Mộng Kiều ba tuổi, đã tương đối có khả năng hành động độc lập. Còn Tần Yến trước khi ra khỏi nhà cũng để lại một ít đồ ăn và nước uống, nên Lý Mộng Nam mới có thể sống sót trong bi kịch đó.

Nhưng, còn có một tình tiết, tại sao Dương Hưng Xuân từ đầu đến giờ không nhắc đến? La Phi đành chủ động hỏi: "Thế còn Hắc Oa?"

"Hắc Oa?" Dương Hưng Xuân có vẻ không hiểu La Phi đang nói gì.

"Nhà Tần Yến nuôi một con chó. Anh không thấy nó ở hiện trường à?"

"Anh nói đến con chó đen bé đó chứ gì?" Dương Hưng Xuân rít một hơi thuốc, nói: "Tôi biết rồi, đó là con chó mà Tần Yến mang về từ đầu tháng 5, tên nó là "Hắc Oa". Thực ra, tôi không ủng hộ lắm việc họ nuôi chó. Nhưng Lý Mộng Nam hình như rất thích, tôi thấy con bé chơi với con chó rất vui, nên cũng đồng ý. Bây giờ nghĩ lại thì thấy đó là một sai lầm. Nếu như không có con chó đó, thì Kiều Kiều cũng không đến nỗi thảm như vậy."

"Sao thế ?"

"Có một số chi tiết tôi vốn không định nói, nhưng nếu anh đã hỏi...", Dương Hưng Xuân do dự một lát, cuối cùng cũng nói ra: "Khi tôi vào phòng ngủ, thì con chó đó dường như đang ăn thi thể của Kiều Kiều."

Thì ra là như vậy, La Phi hít một hơi sâu. Thảo nào Dương Hưng Xuân đã dùng mấy từ "không còn nguyên vẹn" để nói về thân thể của cô bé, thảo nào mà hai chữ "Hắc Oa" trở thành ác mộng trong ký ức của Lý Mộng Nam!

"Bây giờ thì anh đã có thể hiểu tâm trạng của tôi rồi chứ? Khi tôi bước vào căn nhà này lần đầu, Kiều Kiều đã dùng đôi bàn tay bé nhỏ của nó nắm chặt lấy tay tôi, như thể tôi trở thành Chúa cứu thế của nó. Nhưng cuối cùng tôi đã không thể cứu được nó. Sau đó, khi tôi ôm xác của nó đi, tôi nhớ cảm giác đó, nhẹ bẫng, hầu như không có trọng lượng. Nhưng nó đã từng là một sinh mệnh! Cô bé đã thật sự tồn tại trong thế giới này. Tất cả mọi thứ của cô bé đã bị chôn vùi trong căn nhà này." Dương Hưng Xuân nói với vẻ hết sức đau lòng, cuối cùng, anh ta giơ tay chỉ không gian xung quanh, nhìn La Phi và nói: "Anh nói đi, đây có đúng là một nấm mồ không?"

"Đối với gia đình Tần Yến mà nói thì là đúng. Nhưng với anh thì tại sao lại như vậy?" La Phi nhìn vào mắt Dương Hưng Xuân, "Câu chuyện của anh, có phải mới chỉ kể một nửa không?"

Dương Hưng Xuân hút nốt mẩu thuốc cuối cùng, vẻ mặt anh dần dần thay đổi. vẻ đau buồn lúc trước tan biến, thay vào đó là vẻ kiên quyết và cương nghị. Anh ấn đầu thuốc xuống bàn, dụi tắt lửa. Lúc này, đột nhiên anh cất tiếng cười rồi hỏi lại La Phi: "Thực ra, anh đang thấy hứng thú với nửa câu chuyện khác, đúng không?"


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro