III. Sơ suất của chiếc mặt nạ và nỗi sợ bị phơi bày

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Nói sơ về hoàn cảnh của tôi, tôi của khoảng thời gian trước mười tuổi sống ở một thành phố nhỏ không mấy sầm uất và phát triển. Năm tôi mười tuổi thì chuyển từ Bắc vào Nam theo đề nghị của bác Ngân-chị gái ruột của bố tôi. Nói là bác ấy đề nghị nhưng thực chất nó mang tính mệnh lệnh hơn, bác tôi yêu cầu mẹ chuẩn bị giấy tờ để tôi chuyển vào Nam học và sống với gia đình bác ấy. Dẫu mẹ tôi cũng không thật sự cam lòng vì bà không nỡ xa tôi nhưng bà cũng chỉ còn đường gật gù đồng ý. Tất nhiên tôi biết bác kiên quyết làm vậy là muốn tốt cho việc học cũng như tương lai của tôi và gia đình. Ban đầu bác ấy đưa anh trai tôi vào Nam dạy dỗ để sau này gánh vác gia đình nhưng ông anh này của tôi thì lười biếng và ham chơi (nói chung ổng thuộc dạng thiếu suy nghĩ và không chín chắn) nên bác Ngân đoán gia đình tôi chẳng dựa dẫm vào ổng được. Kết luận, tôi trở thành người thay thế anh trai gánh vác cả nhà.

Gia đình tôi sống ở một thị trấn nhỏ mà sau này tôi phải gọi là nó bé như cái lỗ mũi ấy, tôi nói như vậy không phải chỉ vì diện tích mà còn vì sự thiếu thốn đủ thứ từ các điều kiện vật chất đến tinh thần, chẳng hạn như công viên giải trí hay quán bar. Chính vì lẽ đó khi lần đầu đặt chân lên một thành phố lớn, tôi cứ như người ngoài hành tinh lạc xuống trái đất vậy. Nói chung nơi tôi ở chất lượng sống tương đối thấp nếu đem cân đo đong đếm so với những nơi khác. Hiển nhiên hầu hết các gia đình ở quê tôi đều thuộc hộ nghèo, nhà tôi cũng chẳng ngoại lệ. Thậm chí còn hơi khó khăn và lận đận vì bố tôi mắc bệnh tâm thần, một mình mẹ vất vả nuôi bốn miệng ăn. Đó cũng là một trong những nguyên nhân chính tôi vào Nam sống với gia đình bác Ngân và là khởi đầu cho những bước ngoặc lớn của cuộc đời tôi. Có lẽ bắt đầu từ đây cuộc sống của tôi như lật sang một trang mới.

Tôi dần dần làm quen với môi trường sống mới, được gia đình bác Ngân hết mực quan tâm. Một lần nọ, cũng khá lâu rồi, tôi không nhớ là việc này và cuộc nói chuyện hôm đó với Phương việc nào diễn ra trước nữa. Khi ấy, tôi đi biển cùng gia đình anh Ngạn-con trai của bác Ngân và đám bạn bè của ảnh. Lúc đến khách sạn, đám trẻ mệt mỏi và nằm ườn lên giường, tôi không suy nghĩ gì mà cứ thế thoải mái nằm lên với đám trẻ. Tư thế và bộ dạng của tôi trông như một đứa trẻ (mà đúng là khi ấy tôi vẫn còn nhỏ, gọi là độ tuổi thiếu nhi thì cũng không quá vô lí), với tôi nó trông khá xấu hổ và khó coi, không giống bộ dạng vờ vịt ngoan ngoãn và tạo hình người lớn của tôi ở nhà người bác ruột. Tôi thất thần nhận ra điều đó khi anh họ tôi và mấy người bạn khác của ảnh trở vào phòng, tôi lập tức bật dậy và sẵn sàng mở chế độ diễn xuất, trông tôi cứ như một con dối được điều khiển khéo léo dưới bàn tay một người thợ lành nghề.
"Thật may mắn, không ai nhận ra cả", tôi thở phào nhẹ nhõm.
"Ồi! Nằm thì cứ nằm thôi. Sao cô cứ giả vờ như người lớn ấy", thằng cháu họ đột nhiên ghé sát tai thì thầm với tôi.

Câu nói khiến tôi sởn cả tóc gáy. Nói xong nó còn không quên bồi thêm một nụ cười giễu cợt tôi. Hoá ra thằng cháu họ tôi, Tâm, đã nhận ra điều khác thường của tôi so với mọi ngày dù chỉ qua một hành động nhỏ. Tôi sợ hãi đến ngây người ra như mất hồn, không biết lúc ấy có đổ mồ hôi hột hay không. Tôi chẳng còn nhớ bản thân đã làm gì để che giấu đi bộ dạng luống cuống xấu hổ bị phát hiện của mình nữa, nhưng chắc chắn trông rất đần độn như một tên hề bị bắt bài trò biểu diễn của hắn vậy. Tôi cá trông dáng vẻ tôi lúc đó không khác khi bị con Phương phát hiện là bao. Thật muốn tìm một cái hố nhảy vào ngay. Tôi biết mình đã quá mất cảnh giác nên tự nhủ với mình phải cẩn thận hơn nữa, không được lơ là với bất kì ai, ở bất kì đâu. Từ sau lần định mệnh đó, tôi bán tín bán nghi việc đứa cháu họ kém hai tuổi biết được con người giả tạo của tôi và tôi thầm coi nó như khắc tinh hay cái gai ngầm cần loại bỏ. Cũng giống như nhỏ bạn thân của tôi lúc trước, nó và Phương đã tạm thời trở thành nguy cơ khiến tôi bị vạch trần. Không phải tôi đa nghi hay gì mà lại phòng bị với thằng cháu tám tuổi, nhưng nó thật sự là một đứa thông minh láu cá. Chỉ nghĩ đến cái ánh mắt mỉa mai và vẻ mặt tinh nghịch của nó ở khách sạn lúc phát giác hành vi giả tạo của tôi là tôi lại rùng mình với ớn đến tận cổ. Kiểu như xung quanh là khoảng không tối đen tĩnh mịch còn tôi thì quay mòng mòng trong đó mà không thể thoát ra được. Không phải tôi nói quá hay phóng đại đâu mà tôi thực sự đã cảm thấy như thế dù chỉ trong giây lát. Tôi tự hỏi nếu như không có ai đánh thức tôi thì đầu óc tôi còn mê man trong cái hố đen đó đến bao giờ. Nếu như có ai đó giống như thằng nhóc ấy vô tình hoặc cố ý tìm hiểu về bản chất của tôi và biết được sự thật thì sao? Và nếu như điều đó thực sự xảy ra thì hẳn là bốn phương tám hướng đều không có lối thoát như cơn mê man kia chăng? KHÔNG CÓ GIẢI PHÁP...CŨNG KHÔNG CÓ LỐI THOÁT!!! Đúng vậy, thật kinh khủng, thế nên tuyệt đối không được để điều đó xảy ra, tuyệt đối không được để ai biết về cái tôi vặt vẹo ấy của mình. Chính từ ấy mà tôi vô thức duy trì vai diễn của mình vì sợ hãi và cũng vì quá lâu và thân quen rồi nên không thể vứt bỏ được. Chiếc mặt nạ của tôi đã hình thành dáng vẻ của nó và ngày một dính chặt hơn trên khuôn mặt tôi, tùy cơ ứng biến mà thay đổi nên ngày càng có nhiều hình dạng hơn. Tôi đã đeo chiếc mặt nạ lâu đến mức không còn biết đâu là bản thân mình nữa và đâu là hình thái mà chiếc mặt nạ tạo ra. Tuy chuyện này chẳng là gì trong mắt người khác đâu nhưng với tôi điều ấy lại đi sâu vào tâm tư, khiến cho thậm chí mấy năm sau khi hồi tưởng về chuyến đi ấy, tâm trí tôi còn đọng lại rõ rệt đến ấn tượng cảm giác hãi hùng của tôi lúc bấy giờ. Những ký ức ấy như thể những tác phẩm điêu khắc gỗ được gọt đẽo tỉ mỉ và bảo quản cẩn thận trong tủ kính nên theo thời gian tác phẩm dường như không hề thay đổi mà chỉ có tủ kính bám bụi mờ mịt, nhưng chỉ cần đợi người ta lau đi là mọi thứ trong tủ lại hiện rõ mồn một như thể với nó thời gian không hề tồn tại. May mắn thay, không, phải nói là kì tích thì đúng hơn. Dường như đứa cháu họ kia của tôi lớn lên trưởng thành và hiểu chuyện hơn nhiều. Nhưng điều kì tích mà tôi muốn nói đến ở đây không phải điều này mà là việc cậu nhóc dường như không nhớ gì về chuyện này. Dẫu vậy, đó cũng có thể là sự im lặng trước một cơn giông tố. Nghĩ đến đây sự nghi hoặc trong tôi lại trỗi dậy mà hơn thế là nỗi sợ hãi thấp thỏm lo âu. Con người ta vẫn luôn muốn phô bày những cái đẹp của mình và chôn giấu những điều tồi tệ để khiến bản thân trông tốt hơn trong mắt người khác. Còn với tôi, nó không chỉ đơn giản là thế mà vì tôi sợ, sợ cái cảm giác bị vạch trần tất thảy điều xấu xa bẩn thỉu của mình, đó là nỗi ám ảnh bị giật phăng đi chiếc mặt nạ. Vì thế, tôi cẩn thận phân tích tới lui tính cách đứa cháu và nhận thấy nó khá trầm tính ít nói, với tính cách như thế liệu có phải nó đang toan tính vạch trần tôi từ rất lâu không, sự hoài nghi trong tôi bỗng chốc tăng vọt. Tuy nhiên, sau một thời gian quan sát nghiêm túc, kết luận cuối cùng vẫn là không có dấu hiệu đã nhận ra bản ngã của tôi. Dù sao cũng là do tôi quá nhạy cảm đi, chỉ biết lo bò trắng răng, làm gì có đứa nhóc bình thường nào mà lại như vậy đâu. Không nên suy bụng ta ra bụng người. VÌ CHỈ CÓ TÔI LÀ BẤT BÌNH THƯỜNG THÔI. Từ lúc ấy đến giờ tôi vẫn luôn đảm nhiệm tốt vai diễn một đứa cháu ngoan ngoãn hiểu chuyện trước mặt người thân. Tôi diễn tốt đến nỗi thi thoảng chính tôi còn tưởng mình là người như vậy nhưng trong thâm tâm hiển nhiên vẫn thấy gò bó. Tình cảnh của mình khiến tôi chợt nhớ lại vài câu hát trong phim Frozen của nàng công chúa Elsa: "Don't let they know. Don't let they see. Be a good girl that you have to be.", nó khiến tôi đồng cảm vô cùng. Nếu như một ngày tôi cũng như nhân vật này bị phơi bày bí mật trước mắt nhân gian thì liệu cuối cùng sẽ được người đời chấp nhận như nàng chứ? Thật không dám nghĩ đến, có lẽ phim ảnh vẫn chỉ là phim ảnh thôi, tôi tốt hơn hết vẫn nên mang chiếc mặt nạ của mình thì hơn.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro