Chương 4 - Xuất Hành

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

- Tuyệt đối không thể được! - Nguyễn lão gia đập bàn tức giận nói. Ly trà vì cái đập đó mà đổ tràn hết cả ra bàn. - Con cái hư hỏng dám tự ý chọn mối trao đổi tín vật. Thật là đồ mất nết!

Vừa nói, Nguyễn lão gia vừa chỉ thẳng vào mặt đứa con gái yêu quý đang quỳ dưới sàn. Khuôn mặt nàng vẫn giữ vẻ kiên định. Ngọc Lan biết cha sẽ phản đối, bởi lẽ mọi sự chuẩn bị cho đám cưới đang tiến hành, nếu giờ mà từ hôn sẽ khiến nhà bên đó mất mặt mà nhà nàng cũng mang tiếng. Nhưng nhớ đến tín vật đã trao của hai người và cái ôm ấm áp của Khát Chân, nàng sẽ kiên trì thuyết phục cha đến cùng.

- Thưa cha, cho con được nói lời xin lỗi. Đứa con bất hiếu đã tự tiện chọn mối cho mình. Nhưng con và chàng tâm đầu ý hợp, có tình ý với nhau cớ sao lại không được? Mà chàng cũng đâu phải phường du thử du thực. Gia thế hiển hách, là tướng quân trong triều đình. So ra chẳng phải thân thế của chàng hơn nhà bên kia sao?

- Chính vì thế ta mới không đồng ý! - Nguyễn lão gia quát lên – Con cái không hiểu chuyện gì cả! Ta hỏi con Khát Chân họ gì?

- Họ Trần thưa cha. - Ngọc Lan trả lời, gương mặt tỏ vẻ khó hiểu. Sao cha lại hỏi cái điều rõ mười mươi đến vậy?

- Thế thiên hạ hiện giờ đang là của ai?

- Của... - nàng toan định nói nhưng im bặt. Đúng vậy. Thiên hạ hiện giờ không còn là của nhà Trần nữa mà sắp thành của họ Lê rồi. Trong trận tranh đấu giành lại ngai vàng này, nhà Trần sắp thua rồi. Nếu giờ kết thân với Trần Khát Chân, sau này khó tránh khỏi gia đình nàng sẽ bị liên lụy. Nhưng nàng tin, chàng là người có dũng khí, có ý chí. Chắc chắn chàng sẽ vực lại được cơ ngơi nhà Trần. Lê Qúy Ly đã xưng vương đâu. Thế nên nàng càng quyết tâm trả lời.

- Tuy hiện giờ nhà Trần đang nguy nan nhưng vẫn đủ sức kiềm chế Lê Qúy Ly mà cha. Vẫn còn bao nhiêu tôn thất nhà Trần đang sống đấy ạ. Hắn không thể làm càn được nếu không dân chúng sẽ dấy binh khởi nghĩa.

- Ngây thơ! Con vẫn còn quá non nớt để hiểu được việc chính sự. 200 năm trước nhà Trần lật độ nhà Lý như thế nào con có biết không? Là giết cả họ nhà Lý đấy! Và cả các dòng tộc có liên quan khác nữa để trừ mọi hậu họa. Con nghĩ kết giao với Trần Khát Chân nhà ta có thoát khỏi kiếp nạn như nhà Lý không?

- Hắn dám... - Nàng bắt đầu khóc. Nghĩ đến cảnh Trần Khát Chân bị sát hại khiến nàng không cầm nổi nước mắt. Nhưng nàng vẫn cố đối chọi lại với cha mình.

- Có gì mà họ Lê không dám? Hắn xây thành đô ở Châu Hóa kia kìa. Ta không muốn nói điều này đâu, nhưng nay mai thôi dòng tộc họ Trần sẽ bị diệt hết! Dân đen thì biết cái gì? Họ chỉ quan tâm vua có mang lại ấm no hay không mà 3 đời nhà Trần gần đây đâu có mang lại cho chúng ta cái gì gọi là no đủ! Chiến tranh đói kém liên miên. Sĩ phu thì làm được gì? Chỉ biết kêu ca oán thán thôi. Rốt cục vận đồi sao dời, chúng ta chỉ có thể bất lực đứng nhìn thời cuộc.

Ngọc Lan nức nở. Không phải nàng chưa từng nghĩ đến chuyện đó. Rằng một ngày nào đó có thể Khát Chân sẽ không còn trên cõi đời này nữa. Nhưng chàng là người đàn ông đầu tiên nàng gặp, người đã cho nàng biết thế nào là rung động, là tình yêu, cho nàng biết cái ôm ấm áp và ngọt ngào đến thế nào. Nàng nhớ đến đôi mắt kiên định của chàng, giọng nói trầm bình ổn hai tiếng "chờ ta" của chàng. Chàng bảo ta chờ thì sao chàng có thể chết được. Chắc chắn chàng đang có kế hoạch của riêng mình. Hôm đó chàng đi chào bạn cũ mà sắc mặt căng thẳng. Có lẽ không đơn giản chỉ là lời chào bình thường. Đúng thế chàng không thể khoanh tay đứng chờ cái chết. Chàng đang hành động và chắc chắn sẽ thành công. Ngọc Lan tự an ủi bản thân. Nàng lau nước mắt, nhìn cha nói:

- Thưa cha, con muốn thành thân với người mà con yêu. Hôn thư chưa định ngày nào có lẽ vì chàng đang có kế sách diệt nội loạn của mình. Con sẽ chờ đến khi chàng giết được họ Lê khôi phục được nhà Trần. Xin cha hãy thành toàn cho con!

Nói xong nàng dập mạnh đầu xuống nền đất một cái cốp, không ngẩng dậy. Nguyễn lão gia nhìn thấy đau lòng nhưng ông không thể để đứa con yêu quý và cả gia đình này vào nguy hiểm được. Ông cầm lấy hôn thư và xé nát, vứt xuống đất. Ngọc Lan đầu vẫn chạm đất, nước mắt rơi. Nguyễn lão gia từ tốn nói:

- Con ơi đừng hi vọng nữa. Vận nhà Trần đã hết. Dù có làm gì cũng thế thôi. Con đừng nên dính dáng vào họ. Làm vợ Khát Chân, một khi hắn chết con cũng không có đường sống đâu. Mà không chỉ con, cả cái nhà này nữa.

Thấy Ngọc Lan không nói gì, ông nghĩ là nàng đã nghĩ thông nên vỗ vỗ đầu nàng, nói tiếp.

- Một tháng nữa là cử hành hôn lễ rồi. Con đừng nghĩ ngợi gì nữa. Đó chỉ là tình cảm nhất thời mà thôi. Hãy quên vị tướng quân ấy đi. Cậu ta tài giỏi nhưng số mệnh nguy hiểm. Phận gái nên lấy người có thể bảo đảm cho cuộc sống của mình sau này. Hãy nghe ta. Về phòng sửa soạn cho hôn lễ đi.

Ngọc Lan không nói gì. Nàng ngẩng đầu lên. Trán vì dập đầu mạnh mà sưng đỏ. Đôi mắt đẹp ngấn đầy nước mắt. Nàng lấy tay áo lau đi, lạy chào cha rồi xin phép về phòng. Mọi chuyện dường như lại êm đẹp như trước nhưng thực ra trong đầu nàng đã có một ý định khác.

* * * * * *

Đi từ Thăng Long đến Tây Đô ước chừng phải mất hơn nửa tuần trăng. Mấy ngày đầu tiên, đường dễ đi nhất vì địa hình chủ yếu là đồng bằng và trung du. Tuy nhiên cũng có chút bất tiện vì sông ngòi nhiều, cứ đi bộ được một quãng là phải đi đò qua sông, thành thử lộ phí cũng vì vậy phải tăng lên chút đỉnh. Nơi đây dân cư khá đông đúc. Chỉ đi vài ba dặm là sẽ thấy một ngôi làng. Nhưng bước sang đến ngày thứ bảy là khách bộ hành phải băng qua những ngọn núi và rừng già rậm rạp. Thi thoảng lắm mới bắt gặp một vài ngôi làng nhỏ. Dân cư thưa thớt, núi rừng hiểm trở, thú dữ khắp nơi, và còn có cả đạo tặc nữa. Mặc dù binh lính đã được huy động, lập nên các chốt kiểm sát nhằm đảm bảo trị an trên các tuyến đường chính nối từ Thăng Long đến Tây đô, nhưng với đa số các khách bộ hành đây vẫn là chuyến hành trình gian nan và khó khăn. Thông thường những đoàn thương nhân, các đoàn tạp kỹ, thậm chí cả quan lại sẽ họp thành nhóm để đi thành tốp nhiều người. Như vậy an toàn hơn, mọi người có thể giúp đỡ lẫn nhau suốt quãng đường.

Sắp tới đây ở Tây Đô có hội thề Đốn Sơn, nơi các quan lại và binh tướng lập lời thề trung thành với nhà vua; cũng là thời điểm chính thức công nhận Tây Đô là kinh đô mới của Đại Việt. Vậy nên hầu hết gia đình các quan lại đã chuyển nhà về đây ở. Dân cư vì thế mà đông đúc hơn. Các phường hội làng nghề từ Thăng Long cũng cử người đến đô thành để lập chi nhánh buôn bán. Bà con dân tộc khắp vùng châu Hóa được dịp cũng bắt đầu tụ hội hết cả về đấy để hưởng sự náo nhiệt. Chính vì thế mà các con đường cả chính lẫn nhánh đều có người qua lại. Tất cả đều hướng về Tây Đô. Thật là thuận lợi cho những ai đi du hý một mình, có thể dễ dàng xin nhập vào đoàn của một nhóm người nào đó.

Ở đằng xa xa, dưới một gốc cây đa cổ thụ, có một đoàn người đang dừng chân ngồi nghỉ. Xem hành lý tư trang thì có lẽ đó là một đoàn hát nhỏ khoảng tầm bảy người: ba nam bốn nữ. Đàn ông mỗi người hai tay nải. Đàn bà thì một tay nải trên vai, tay cầm nhạc cụ. Đi đến đâu là dừng chân chơi nhạc kiếm chút tiền lệ phí đến đó. Quần áo ăn bận cũng hết sức giản đơn. Áo giao lĩnh màu nâu đen, đầu đội nón, chân đi dép rơm. Chắc có lẽ họ đang đi đường xa nên trang phục hành lý mới gọn gàng như vậy.

- Liền anh liền chị ơi cho tôi hỏi, từ đây đến Tây Đô còn bao xa nữa ạ? – Một giọng nói trong trẻo cất lên, pha lẫn với tiếng thở dốc. Một cậu nhóc khuôn mặt khả ái ngồi ngay cạnh đó cất tiếng hỏi. Đoán chừng cậu ta chỉ tầm mười lăm, mười sáu tuổi. Dáng người thanh mảnh nhỏ nhắn. Đôi mày lá liễu uốn cong trên đôi mắt sáng trong như nước mùa thu. Đôi môi xinh vì mệt mỏi mà nhợt nhạt hẳn đi. Nếu không phải vì cậu ta cố tình làm bẩn khuôn mặt mình, thì chắc chắn đó là một tiểu mỹ nam rất đáng yêu.

- Còn xa lắm cậu ơi! Chúng ta mới đi có già nửa ngày đường thôi. – Cô gái cầm đàn tỳ bà trả lời. Cô nở một nụ cười rất duyên. Làn môi của cô đỏ mọng, chúm chím xinh đẹp. – Cậu đi một mình hả? Sao lại đến châu Hóa xa xôi làm chi vậy?

- À... - Cậu nhóc ấp úng. – Nhà bác tôi ở đó. Tôi vâng mệnh cha đến gặp bác để bàn chuyện làm ăn. – Rồi như chợt nhận ra chuyện gì, cậu nhóc hỏi: - Các anh chị có phải đoàn hát ở phủ Từ Sơn không?

- Ồ cậu đã từng nghe chúng tôi hát rồi à? – cô gái ngạc nhiên trả lời. – Chắc là ở quán trà Hải Đường phỏng?

- Dạ không. Là ở trà quán Quế Hương.

Câu trả lời của cậu nhóc khiến tất cả mọi người trong đoàn quay sang nhìn cậu đánh giá. Quế Hương là trà quán được xếp vào hạng nhất nhì Đông đô, chủ yếu dành cho quan lại và các gia đình giàu có. Vì vậy mọi thứ tại trà quán đó đều là thượng đẳng. Đến người hầu cũng được tuyển chọn từ các nam thanh nữ tú. Hôm đầu tiên đến Thăng Long, không hiểu may mắn thế nào ca đoàn Từ Sơn lại lọt vào mắt xanh của một vị đại quan mà được hát ở đó. Duy chỉ có một hôm nhưng cũng kiếm được không ít bạc. Mà các vị khách xem chừng cũng khá thích thú với giọng hát ca nương của đoàn. Nhờ vậy danh tiếng của đoàn cũng ít nhiều được mọi người biết đến. Mặc dù sau đó chỉ hát ở quán trà bình dân nhưng lượng khách đến nghe cũng khá đông. Vị công tử này có lẽ đến Quế Hương đúng vào hôm họ biểu diễn ở đó. Nam trang màu xanh dương nhạt, không họa tiết. Nhìn rất giản dị và thanh nhã. Khăn vấn tóc đồng màu có thêu hình hoa mai trắng. Đây chắc chắn là công tử nhà giàu rồi. Đến Tây đô bàn chuyện làm ăn thì chắc là con phú hộ. Mà nghe hát ở Quế Hương thì cậu ta hẳn phải là người Thăng Long. Nhưng sao lại để một công tử thư sinh yếu đuối thế kia đi một mình không có kẻ hầu vậy? Thật là kỳ lạ.

- Hóa ra công tử là người Thăng Long. – Một thiếu phụ trong đoàn tiến đến hỏi chuyện. Tay bà ôm một cái bọc dài bằng vải. Nhìn sơ qua có lẽ đó là cây độc huyền cầm (đàn bầu). Đôi mắt thâm thúy của người thiếu phụ nhìn lướt qua vị công tử trẻ tuổi, âm thầm đánh giá. Rồi bà nở một nụ cười hiền hậu, nhẹ nhàng đề nghị. – Vị công tử này độc hành đường xa như vậy cũng thật là nguy hiểm! Hay như vậy đi. Chúng tôi đây cũng đang trên đường đến Tây Đô thăm thú tân thành. Nếu công tử không chê thì hãy nhập đoàn cùng chúng tôi nhé! Những lúc mệt mỏi thì giúp đỡ lẫn nhau, những khi ngơi nghỉ thì nhạc họa thơ ca cho thêm phần hứng khởi. Công tử thấy sao?

Nghe câu nói đó của thiếu phụ, cậu nhóc mừng rỡ ra mặt. Suốt cả buổi sáng nay, cậu đã phải rất vất vả để đi tìm đường. Vừa đi vừa lo lắng. Cậu chưa bao giờ đi đâu xa một mình cả. Thế giới này quá mới mẻ và rộng lớn với cậu. Cậu háo hức đấy nhưng cũng sợ hãi đấy. Thân gái dặm trường nếu có bất trắc xảy ra thì biết trôi dạt về đâu? Vậy nên cậu rất vui sướng khi nghe thấy lời đề nghị đó. Hiềm nỗi cậu không biết các thành viên khác trong đoàn có muốn vậy không nên hơi chần chừ do dự. Dường như nhận ra tâm sự của cậu, người thiếu phụ nhẹ nhàng nói:

- Ta tên là Hà, trưởng đoàn này. Công tử đừng ngại những người khác. Bọn họ đều rất vui khi được bè bạn với công tử đấy!

Ngọc Lan nhìn mọi người xung quanh. Ai cũng hồn hậu tươi cười. Ở họ có cái vẻ chân chất của người vùng quê. Dù làm nghề hát rong ruổi nay đây mai đó, nhưng dường như những mánh khóe phố phường không có làm tổn hại đến tính cách đơn thuần của những con người này. Ngọc Lan cảm thấy tin tưởng ở họ. Nàng khẽ gật đầu cảm ơn.

Sau màn chào hỏi sơ qua, tất cả lại tiếp tục cuộc hành trình. Suốt quãng đường, họ đã trò chuyện rất vui vẻ. Lan được biết người đàn ông mang nhiều tay nải to nhất chính là phu quân của cô Hà. Anh tên Triệt, có tài thổi tiêu, sáo rất hay. Tính cách cũng vui vẻ, sôi nổi, khác hẳn với cô vợ nhẹ nhàng, đoan trang. Hai người đàn ông còn lại, một người tên là Tuấn chơi kèn. Người còn lại tên là Vụ đánh trống. Cả hai đều trông hiền lành, chững chạc. Còn cô gái mà Lan nói chuyện lúc đầu tên là Loan. Cô cùng với chị Hằng là hai ca nương chính của đoàn. Trong đoàn còn có một bé con tên Mộc, con gái của Triệt và Hà. Cô bé khá là nhút nhát, toàn quấn quanh bố mẹ, không nói chuyện nhiều với Lan. Chỉ khi nàng đưa lọ mứt mình mang theo cho cô bé, Mộc mới chịu tiếp chuyện với nàng. Con bé này thật là dễ dụ quá!

Chuyến đi cứ vậy trôi qua trong êm đềm. Mọi người trong đoàn dường như hiểu nhau hơn, thân thiết với nhau không khác gì anh chị em trong nhà. Với Lan, đây thật sự là một trải nghiệm mới mẻ. Những con người xa lạ ấy chỉ trong vòng có vài ba ngày đã trở nên gần gũi với nàng như vậy. Nhất là bé Mộc. Biết Lan có thể chơi đàn nhị, lại còn đàn rất hay nên cô bé hay bắt nàng đàn. Nàng đàn bé hát làm vui lây cả những người xung quanh. Ai đi đường cũng nán lại xem hai người họ ca hát hợp xướng với nhau vô cùng vui vẻ. Tiền lộ phí vì thế kiếm được một ít, đủ để tất cả có bữa cơm và an giấc tại khách điếm.

Hôm nay ca đoàn đặt chân đến Cổ Bảng (Kim Bảng, Hà Nam ngày nay). Như vậy là đã được nửa quãng đường. Sau khi rời khỏi Cổ Bảng, họ sẽ bắt đầu chuyến hành trình vượt rừng núi để đến Tây đô. Cổ Bảng là một trấn nhỏ trên đường. Dân cư ở đây không được đông đúc lắm nhưng họ lại rất chân chất. Như thường lệ, ca đoàn đến gốc cây đa gần đình làng để ngồi nghỉ và cũng để hát rong kiếm thêm chút bạc.

Mấy ngày này ở cùng với ca đoàn, Lan đã biết chú ý hơn đến cách ăn mặc của mình. Dân đen thường ngày chỉ mặc áo đen, nâu sòng, chân đi dép cỏ thậm chí là đi đất, bộ dạng tầm thường. Qúy hóa lắm mới có được một chị có cái yếm hồng, anh mặc áo xanh đậm. Còn những màu sắc sặc sỡ khác chỉ có tầng lớp thượng lưu mới được dùng. Nhưng trong tay nải của nàng lại toàn là những phục trang đắt tiền, vì vậy nàng đã đem bán chúng để mua những bộ quần áo bình dân, chỉ giữ lại một bộ nam trang màu xanh lục, họa tiết thêu chìm hình hoa cúc. Nàng tính sẽ mặc bộ đó đến gặp Khát Chân để gây bất ngờ cho chàng.

Mặc dù đã đổi sang mặc quần áo tối màu, nhưng điều đó lại làm tôn lên làn da trắng mịn và vẻ đẹp nữ tính của nàng. Lan hoàn toàn không nhận ra có biết bao nhiêu ánh mắt đang nhìn nàng. Nữ nhân thì hâm mộ, nam nhân thì có người dửng dưng có kẻ lại háo sắc. Mỗi lần ca đoàn dừng lại đàn rong là nơi đó đông vui nhộn nhịp, một phần cũng là nhờ có nàng. Trưởng đoàn thấy vậy nhưng không nói gì. Dù sao thì càng đông khách đến càng nhiều tiền. Với cả Lan hay chơi đùa với bé Mộc, nhiều khi hai người đùa bỡn làm mặt mũi chân tay lấm lem, che khuất phần nào dung nhan của nàng.

"Dặm trường thân gái bôn ba

Núi sâu biển lửa thử lòng sắt son

Biết chăng chàng có nhớ mong

Thiếp đây vẫn nguyện bén duyên tìm chàng"

Lời ca cất lên nghe sao giống câu chuyện của nàng thế? Vừa nghe nàng vừa cười. Hứng chí nàng bèn mượn cây đàn nhị của Hằng ra kéo đệm nhạc cho Loan. Tiếng nhị, tiếng sáo cứ thế thay phiên nhau làm thành một bản hòa tấu lãng mạn. Cũng vì thế mọi người bắt đầu để ý đến tiểu mỹ nam chơi nhị hồ. Ai cũng không ngớt khen ngợi tài năng cũng như vẻ đẹp của Lan.

- Ôi cậu nhóc kia xinh quá! Đàn lại hay nữa chứ!

- Chàng kia đã đến tuổi kén vợ chưa để cho chị em chúng tôi ngỏ lời nào!

Đàn bà con gái xuýt xoa khen ngợi, thậm chí còn bông đùa làm cho Lan cảm thấy xấu hổ. Khuôn mặt nàng ửng đỏ càng khiến các bà các chị cười rộ lên trêu ghẹo. Ca đoàn thấy thế cũng cười theo. Còn Lan thì cúi gằm mặt xuống không dám ngẩng lên.

- Ơ kìa các chị! Các chị hãy nể mặt đám nam nhân chúng tôi chút nào! – Một giọng nói cất lên giải vây cho Lan. Dáng người mảnh khảnh của chàng trai tiến về phía trước để thu hút sự chú ý của đám đông. - Có nam tử nào lại thích được khen là xinh đâu. Các chị đừng trêu cậu ấy nữa mà tội nghiệp!

Tuấn nhã nhặn nở nụ cười với các chị em. Đúng như cái tên Tuấn, anh ta có khuôn mặt khá ưa nhìn. Tuy nhiên vóc dáng có chút gầy gò, yếu ớt giống thư sinh. Nhìn anh ta có cảm giác gió bão thổi đến là bay. Nhưng trong mấy ngày đường trường vừa rồi, anh ta vẫn có thể đi cùng mọi người mà không mảy may than mệt thì có thể nói sức khỏe người này cũng không đến nỗi tệ. Hơn nữa còn rất tốt bụng chăm sóc cho những thành viên khác trong đoàn.

- Ôi nào chúng tôi có trêu gì đâu! Chúng tôi khen thật mà.

- Này! Con gái tôi nó vẫn còn son đấy. Mông má đủ cả. Có thích không tôi gả cho!

Các bà các chị thấy vẻ ngượng ngùng của Lan lấy làm thích chí lắm, lại càng đùa dai. Thấy gốc đa có tiếng cười rộ, mọi người tưởng chuyện gì hay xúm lại càng ngày càng đông. Tranh thủ lúc này cả đoàn bắt đầu diễn tấu nhiều hơn để lái sự chú ý của đám đông đồng thời kiếm thêm chút tiền lộ phí.

Từ khi Lê Qúy Ly ban hành lệ sử dụng tiền giấy và thu nạp tiền đồng, đời sống nhân dân đã kham khổ nay còn bần hàn hơn. Tiền giấy tuy nhẹ, dễ cầm cất mang đi nhưng giấy thì dễ rách, dễ ướt. Dân chúng đa số đều làm nông, chân tay thô kệch. Cứ xuống ruộng không để ý là y như rằng tiền dính bùn không nhìn ra được hình vẽ gì mà đi mua bán. Đem ra sông rửa thì lại sợ rách sợ mủn, thành ra việc kinh thương bị ảnh hưởng rất nhiều. Người mua cầm tiền chỉ sợ rách bẩn không dùng được, mà người bán đặng chẳng muốn cầm mấy tờ giấy lem nhem. Chưa kể cường hào ác bá không nhận tiền thì bắt dân đen về làm nô tỳ, gia nô để họ trả nợ. Chung quy cầm tiền đồng vẫn chắc tay hơn. Ngay từ năm đầu sử dụng, dân chúng đã thấy bất mãn kêu lên triều đình nhưng thiên tử chẳng mảy may động tâm, hay thiên tử bất lực không thể làm gì? 

Mấy ngày trước diễn tấu gần cố kinh (Thăng Long), dân cư ở đó đa phần trung lưu nên còn kiếm được chút ít. Nay hành trình bắt đầu lên miền ngược, cư dân ở đây khốn khó hơn. Bình thường có xu thì sau khi kết thúc bài hát, mỗi người cho 1 đồng, cộng lại cũng phải được 1 xâu tiền. Nay đồng xu không còn, dân ở đây không như miền đồng bằng, sẽ chẳng ai hảo tâm cho hẳn 1 tờ tiền giấy 10 đồng cả. Thành ra trong chiếc nón lá chẳng có được chút gì. Nhưng người ở đây thuần hậu chất phác. Họ cũng hiểu nhân thường thế thái, không thể cứ mặt dày nghe miễn phí của ca đoàn được. Họ dùng hiện vật để trao đổi. Người cho cái bánh, quả chuối, trầu cau... Ca đoàn dù không muốn nhưng phải chấp nhận thôi. Thời thế loạn rồi, phải thích nghi mới sống được. Cũng may mấy ngày trước đó chị Hà đã tính toán chi tiêu vừa phải để dành dụm dùng cho mấy ngày này, nên ca đoàn không đến nỗi túng thiếu. Mà có thiếu thì Lan sẵn sàng cho mượn. Mấy bộ quần áo của nàng bán đi phải được đến gần chục quan.

.....

Vậy là đã rằm rồi. Ánh trăng sáng mờ ảo soi tỏa khoảng sân trước mặt. Bóng cây chuối cây cau in rõ nét lên mặt sân. Gió thổi tán cây đung đưa, cũng khiến cho cái bóng thêm phần sống động. Lan ngồi tựa khung cửa sổ, nhớ lại buổi tối ngày hôm đó. Vậy là một tuần trăng đã trôi qua, không biết chàng có đang nhớ đến ta, Khát Chân? Cầm chiếc khăn vấn tóc trên tay, nàng ngước nhìn trăng đăm chiêu suy nghĩ. Lan tuy là phận nhi nữ, nhưng để tạo ra giá trị cho bản thân, nàng không chỉ học nghề mà còn được mẹ chỉ dạy một chút về kinh sử. Do đó những chuyện thời cuộc nàng có biết chút ít. Việc các triều đại thanh trừng tuyệt diệt lẫn nhau không phải chuyện hiếm. Không dòng tộc nào thông gia với họ Lý mà không bị liên lụy cả. Vì thế nàng đã phải đắn đo suy nghĩ rất nhiều mới đưa ra quyết định này. Việc này không chỉ ảnh hưởng đến danh dự gia tộc nhà nàng mà còn nguy hại cho chính danh tiết của nàng nữa, thậm chí nàng có thể bị gạch tên khỏi gia phả. Nhưng để đến với Khát Chân, nàng chấp nhận trả cái giá này, còn hơn làm con chim trong lồng. Nếu trường hợp xấu nhất xảy ra với chàng và nàng, đây là cách duy nhất nàng có thể bảo vệ gia đình mình. Nhiều lúc nàng tự hỏi: Liệu có đáng không, khi tự đặt bản thân vào vòng nguy hiểm? Tình cảm ta dành cho chàng mãnh liệt đến thế rồi ư? Nàng nghĩ suy một chút rồi mỉm cười. Đáng chứ! Tình cảm chỉ là một phần của lý do. Nhờ có nó mà ta mới có dũng khí tự thân một mình khám phá thế giới bên ngoài, mới thấy nó rộng lớn bao nhiêu, thú vị dường nào.

Trong gian nhà bếp phía hữu, ông chủ nhà đang bỏ thêm củi vào đống lửa đun nước cho khách. Bên cạnh ông, bà vợ đang tay bồng tay nắm hai đứa con nhỏ trêu đùa với chúng. Chốc chốc ông ta lại ngoái ra sau nói chuyện với hai đứa nhỏ. Khung cảnh gia đình quây quần ấm áp thu vào trong ánh mắt của Ngọc Lan. Hẳn là lúc này cha mẹ nàng đang lo lắng muộn phiền lắm. Xin cha mẹ hãy tha thứ cho đứa con bất hiếu này! Từ trước đến nay nàng vốn không thuận ý nghe lời các bà mối không phải vì nàng quá kén chọn. Đơn giản là nàng chì cần hai chữ « ái tình » mà thôi. Là tình cảm chứ không phải là sự thỏa hiệp với chính bản thân khi hôn sự đã rồi. Là sự thấu hiểu lẫn nhau chứ không phải sự nhịn nhục chịu đựng cho những hành vi của phu quân. Những điều đó không thể có chỉ với vài tín vật trao nhau qua các bà mối. Thế nên nàng mới khước từ mãi như vậy cho đến khi gặp chàng. Thật may mắn vì đã gặp được chàng. Khi gặp được ta ở Tây đô, chắc chàng sẽ ngạc nhiên lắm đây! Sẽ ghẹo ta gan to đến mức dám đuổi theo chàng. Nàng vừa nghĩ vừa tưởng tượng vẻ mặt kinh ngạc pha lẫn hạnh phúc của Khát Chân. Đúng vậy. Nàng muốn có "ái tình" giống như đôi phu phụ trong căn bếp nhỏ chật hẹp kia! Nghĩ về tương lai, bất giác nàng nở một nụ cười rạng rỡ như bông hoa sen đang chớm nở dưới ánh mặt trời. Thật vô cùng tươi đẹp!

Nàng cứ hồn nhiên như vậy, tỏa ra nét đẹp thanh khiết của người thiếu nữ mà chẳng hề biết rằng ở đằng xa kia, trên chiếc chõng tre ngoài sân, có một nam nhân đang lặng ngắm nhìn nàng như đang thưởng thức một tuyệt tác. Đôi mắt chàng ta say sưa chăm chú nhìn vào khung cửa sổ nơi mỹ nhân đang ngồi.

Từ lúc thấy nàng dưới gốc đa, Tuấn đã nhận ra đây là một nữ nhân. Có lẽ chị Hà cũng thấy được điều này nên mới đề nghị nàng cùng đi. Tuy không rõ lý do tại sao nàng lại phải giả trang, nhưng xem chừng đây là một chuyến đi rất quan trọng đối với nàng. Hành trình thì vất vả, đường xá thì lầy lội bẩn thỉu, ăn uống cũng bình dân nhưng không hề thấy nàng than vãn một lời hay tỏ vẻ yếu đuối gì. Nàng thậm chí còn bán những thứ đồ giá trị để có thể hòa nhập với mọi người dễ dàng hơn. Chính điều đó đã khiến Tuấn chú ý tới Ngọc Lan. Nàng quá khác so với những cô tiểu thư đài các. Điều gì đã khiến nàng sẵn sàng từ bỏ chốn lầu son để dấn thân vào chuyến đi này? Nhiều lần tò mò muốn hỏi, nhưng Tuấn lại kìm lại. Chị Hà nói rằng không tự nhiên mà một cô gái lại giả nam trang, đừng nên vạch trần thân phận để rồi khiến cô ấy thêm bối rối. "Vả chăng cô ấy không liên quan đến ca đoàn, chúng ta giúp cô ấy đến Tây Đô là sẽ chia tay. Tìm hiểu cũng chẳng để làm gì." Nghe đến đây, Tuấn bỗng cảm thấy lòng buồn man mác. Đến Tây Đô là phải chia tay nàng rồi! Chuyến hành trình với nàng thật ngắn ngủi làm sao!

Tuấn nhớ lại hôm cả đoàn đi qua đồng ruộng, có đàn trâu đi ngược chiều. Dù có chút sợ hãi nhưng nàng rất thích thú khi nhìn thấy chúng. Đường hẹp nên mọi người phải đứng tránh sang một bên cho đàn trâu đi qua. Khi chúng đến gần, Lan mới giơ ngón tay ra định chạm vào sừng của một con trâu. Bất thình lình nó quay ra phì một hơi mạnh về phía nàng. Vì giật mình nên nàng bị trượt chân, ngã xuống ruộng. May sao Tuấn đứng ngay sau kịp kéo tay nàng lại, nhưng do mất thăng bằng mà một chân của nàng vẫn bị dẫm xuống bùn. Cứ nghĩ cô tiểu thư này phải khóc toáng lên cơ, nào ngờ nàng cười khoái chí vì cái sự ngô nghê của chính mình. Nàng đứng dậy cám ơn Tuấn, rồi lắc lắc bàn chân cho rơi bớt bùn và đi tiếp. Còn Tuấn thì ngẩn ngơ vì cái nắm tay và nụ cười ấy. Tay của nàng thật là mềm mịn. Kể từ đó kẻ si tình luôn dành phần đi đằng sau Lan, luôn mong chờ một điều gì đó xảy ra để chàng ta có thể nắm tay nàng một lần nữa. Hay đơn giản là một cơn gió thoảng qua để có thể ngửi thấy hương hoa trên người nàng.

* * * * * * * * *

Tuấn ngồi khoét lỗ trên cây kèn được một lúc thì về phòng. Vừa định khép cửa sổ đi ngủ thì chợt thấy có bóng người nào đem theo một tay nải nhỏ đi ra khỏi khách điếm. Nhìn thoáng qua, chàng nhận ra ngay đó là dáng hình người con gái mình thương. Muộn thế này rồi nàng ta còn định đi đâu? Đêm hôm khuya khoắt, nhỡ gặp phải bọn ác ôn thì sao? Nghĩ đến đây, Tuấn vội vàng mặc lại áo quần đuổi theo Lan. Đến lúc đuổi kịp thì chàng lại lặng lẽ đi theo, theo ra đến tận bờ sông...

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro