Đất khách

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Đối với đại đa số người, ký ức là một thứ quý giá. Nhưng cô từng tận mắt chứng kiến. Thứ quý giá đó đã giày vò một con người đến mức tột cùng của đau đớn.

Mẹ cô, sau 2 năm kể từ khi bà chứng kiến ba cô ra đi trong một tai nạn giao thông. Không ngày nào bà không khóc. Người ta nói thời gian là liều thuốc chữa lành mọi thứ, nhưng với mẹ cô, nó chẳng giúp gì được cho bà ngoài khiến bà trở nên đáng thương hơn. Bà luôn phải oằn mình chịu đựng trong vùng ký ức của chính mình. Trong không gian nơi mà từng món đồ từ lớn đến bé đều do ba cô tự tay sắm sửa dựa theo sở thích của mẹ. Cây đàn piano ở góc phòng từng là nơi hai người cùng song tấu, nay đầy vết trầy xước. Khắp căn nhà, đâu đâu cũng đều là vết trầy xước. Cả cô và mẹ cũng thế, từ sâu tâm hồn đến bên ngoài thể xác, cũng đầy những vết trầy xước.

Tâm lý của mẹ cô xuống dốc trầm trọng, cũng theo đà đó, mẹ đổ bệnh. Bà trở nên dễ nổi nóng, hay cáu gắt hơn, bà bắt đầu không còn cảm thấy cắn rứt hay ôm cô sau mỗi trận đòn roi xả giận. Có một số thứ bà mơ mơ hồ hồ lúc quên lúc nhớ. Nhưng bà không còn khóc mỗi khi đêm đến, cũng không rửa mặt bằng nước mắt mỗi sáng tinh mơ. Cô khi ấy đã tự hỏi căn bệnh đó có phải đang cứu lấy mẹ không?

Dần dà chứng mất trí nhớ của bà nặng hơn. Rồi đến một ngày bà không nhớ được gì nữa cả. Bà không nhớ ra cô, cũng chẳng nhớ đến những ngày tháng khổ sở giày vò trước đó. Nhưng kéo theo là chức năng cơ thể của bà không được như trước, bà phải nhập viện, vì cô – một đứa trẻ 16 tuổi – không đủ khả năng chăm sóc tốt cho một người như vậy.

Năm tháng trôi đi, cô đều đặn với lịch trình cố định của mình. Từ nhà đến trường, từ trường đến bệnh viện rồi về nhà. Dù mệt nhưng khi thấy tâm trạng của mẹ dần hồi phục, cô cũng nhẹ lòng đi rất nhiều.

Trong khoảng thời gian yên bình nhất đó. Cô lại gặp được anh. Một đứa trẻ trước giờ chưa từng đặc biệt hứng thú với bất cứ điều gì là cô, lại thấy anh rất thú vị. Có thể không lâu, nhưng khoảng thời gian ở cạnh anh với cô mà nói, người khác sẽ chê cười cô phóng đại, nhưng đó là một đoạn đẹp nhất đời này của cô. Như thể khi đang ngồi dưới bầu trời đen như mực, có người chạy đến đưa cô một que pháo bông đang cháy sáng, lấp lánh và đẹp đẽ.

Có một hôm khi đến thăm mẹ, cô bất ngờ vì câu hỏi của bà. Khi đó bà ra hiệu cho cô nhích gần lại, ngón tay thon gầy khó khăn lôi ra một tấm ảnh nhỏ dưới gối rồi ghé vào tai cô thì thầm.

" Người đàn ông này là ai vậy? Tôi có thể gả cho anh ấy không?"

Cô nhớ như in từng chữ mẹ hỏi. Người đàn ông trong ảnh có nụ cười rất hiền, ánh mắt cũng rất phúc hậu. Đó là ảnh của ba cô. Sau khi hỏi, mẹ cũng không đợi câu trả lời của cô, ánh mắt đều dồn cả vào tấm hình nắm chặt trong tay. Đã rất lâu rất lâu cô mới một lần nữa nhìn thấy ánh mắt này của bà, ánh mắt chứa đựng sự dịu dàng của cả đời người.

Hôm sau, mẹ cô mất. Bà đi khi đang ngủ, không ai biết, chẳng ai hay. Bác sĩ bảo mọi chỉ số đều bình thường, bà chỉ đơn giản là ngủ một giấc, rồi không tỉnh dậy nữa. Cô thầm cảm ơn ông trời vì đã xót thương cho mẹ, đã để bà ra đi nhẹ nhàng như thế. Có lẽ bà đã gặp được người bà muốn gặp. Sau từng ấy khổ đau, cô mừng cho bà.

Sau khi mẹ mất, vì cô không có người thân nào ở đây, bên nội không muốn nhận một đứa trẻ ngang bướng như cô, bên ngoại chỉ có người dì đang sống ở Thượng Hải. Rồi thì cũng chẳng còn lựa chọn nào khác, cô buộc phải sang đó sống với dì đến khi có thể tự lập. Những ngày tháng nơi đất khách thật chẳng dễ dàng khi mà ngôn ngữ không phải là thứ duy nhất ngăn cản cô tiếp xúc với xã hội. Cô bị bài xích ở chính căn nhà cô đang sống, bởi chính người dì, người duy nhất chịu nhận làm người bảo trợ cho cô. Cô biết chẳng qua dì ấy cũng chỉ vì số tiền dành cho ai bảo trợ cô đến khi cô đủ 20 tuổi trong trường hợp ba mẹ cô gặp chuyện. Ba mẹ cô, họ đã chuẩn bị mọi thứ, như thể họ biết mình sắp rời đi nhưng lại chẳng báo với cô một tiếng. Khi biết được thông tin này, cô không rõ nên vui hay buồn, nên trách mắng hay biết ơn nữa.

Hải Lệ năm 18 tuổi, tự mình tìm tòi sách vở học viết, học nói thứ ngôn ngữ xa lạ hàng tháng trời. Cô vốn không thông minh, trước giờ chỉ dung nạp được những thứ mình thích, chỉ đành ép bản thân dùng sự cần cù để bù đắp. Những lúc học đến đau nhói đầu óc, cô vô thức mà nhớ đến anh. Nếu là anh, chắc chắn sẽ học rất nhanh nhỉ.

Hơn nửa năm từ khi cô đặt chân đến Thượng Hải, cô không bước chân khỏi căn chung cư nhà dì, chưa từng nói chuyện với ai bằng ngôn ngữ bản xứ. Thậm chí là với dì, cô cũng chẳng nói chuyện được quá dăm ba câu một ngày. Con của dì, đứa trẻ mới chập chững tập nói, vừa bập bẹ vừa trỏ tay vào cô rồi cười khanh khách "ốc sên... ốc sên." Những lúc như thế, cô sẽ chui vào phòng, lấy chiếc máy mp3 cũ rích của anh ra, đeo dây nghe vào rồi vùi mặt vào gối. Thật may là ngày đó cô quyết định tặng anh cái mới thay vì mang trả cái cũ sau khi cô đem đi sửa.

Nhưng rồi dần dần, dì cũng chẳng thể nhốt cô mãi được. Cô cũng từ đó mà từng chút một, bước ra thế giới bên ngoài. Chậm chạp như một con "ốc sên", chỉ cần một sự động chạm nhẹ đã rụt cơ thể vào lớp vỏ mỏng. Thượng Hải hoa lệ của năm tháng đó bào mòn sự ương ngạnh bướng bỉnh của Hải Lệ ngày trước. Không thương tiếc dạy cho cô vô vàn bài học đắt giá.

Cô bắt đầu tham gia các lớp trực tuyến luyện thi Đại học khi việc học ngôn ngữ khá lên. Cô lén đi làm thêm, bị dì bắt gặp, không màng đến mặt mũi mà mắng chửi cô tại cửa hàng. Sau đó, cô dùng số tiền ít ỏi mình dành dụm được, thuê lại căn phòng nhỏ xíu từ một chị công nhân. Căn phòng bé xíu, chỉ vừa đủ cho một tấm nệm và một cái bàn học bệt. Tại thời điểm đó, những bài hát từ chiếc mp3 cũ kỹ là thứ duy nhất giúp cho giấc ngủ của cô dễ chịu hơn, khiến bờ vai căng gồng của cô thả lỏng được phần nào.

Năm Hải Lệ 23 tuổi, cầm trong tay tấm bằng tốt nghiệp ngành Hán ngữ loại khá của một trường Đại học tầm trung. Cũng vào ngày hôm đó, cô đặt một chuyến bay không vé khứ hồi. Trở về Việt Nam.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro