7

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

7. Quỷ Súc

Editor: Cô Rùa

*

Vài người lập tức chạy ra khỏi cửa, nếu bọn họ nhanh chân thì may ra còn cứu được tên béo. Dù sao đi nữa thì đó cũng là một mạng người.

Chỉ có khỉ ốm còn đứng nguyên tại chỗ, trong miệng lẩm bẩm: "Tôi cũng, tôi cũng..."

Nhưng bọn họ chỉ vừa mới chạy ra đến cửa thì đã chạm mặt anh thôn dân mới kéo con chó đi.

Trần Thiên hỏi: "Con chó mực kia đâu rồi?"

Anh thôn dân nói: "Bọn tôi kéo nó lên xe đưa đến lò mổ rồi."

Mấy người quýnh lên, nhấc chân muốn chạy đi.

Anh thôn dân dang tay ra ngăn họ lại, "Mọi người muốn đi đâu vậy? Hôn lễ sắp bắt đầu rồi mà."

Lòng cứu người của Trần Thiên và Trần Tình còn bức thiết hơn cả nhóm áo đen, nhưng họ không biết nên làm thế nào mới phải, nói con chó kia thật ra là một con người thì NPC trong thôn có tin không?

Trần Thiên nói: "Bọn tôi không ăn thịt chó nên không muốn giết con chó đó."

Anh thôn dân cười, "Không phải các cậu nói con chó đó ăn thịt người hay sao? Bởi vì các cậu nói vậy nên chúng tôi mới trút giận thay các cậu, sao bây giờ lại không muốn nó chết nữa rồi?"

Nụ cười của anh thôn dân rất hiền hòa, nhưng lời lẽ mà hắn nói ra lại làm nhiều người thấy ớn lạnh.

Đúng vậy, chính họ đã vu oan cho con chó đó ăn thịt người, cho nên người dân mới đánh con chó rất có thể là tên béo và tống nó vào lò mổ.

Xét ở một khía cạnh nào đó, bọn họ là người đã hại chết tên béo, bây giờ nhớ lại ánh mắt cuối cùng của nó khi nhìn họ, sắc mặt người nào người nấy đều khó coi.

Đặc biệt là Trần Thiên, khi nghe những lời của đối phương xong sắc mặt của hắn tái đi rõ rệt.

Hắn là người đầu tiên suy đoán việc con chó mực kia ăn thịt người.

Người dân trong thôn vẫn luôn niềm nở nhiệt tình, trên môi lúc nào cũng nở nụ cười, nhưng lúc này anh dân thôn đã không còn cười nữa, cực kỳ nghiêm túc nói: "Có người trong thôn bọn tôi sắp kết hôn, thay vì đi chúc phúc cho họ thì mọi người lại muốn đi xem một con súc sinh sao?"

Người chơi đều đã được hệ thống giáo dục qua trên xe tang là phải tuân thủ theo các quy tắc của trò chơi, người dân trong thôn chính là NPC trong trò chơi, nếu người chơi phản kháng lại NPC thì sẽ không có kết cục gì tốt, bọn họ nhất thời rơi vào tình thế khó xử.

Đúng lúc này, Ninh Túc bước đến kế bên anh thôn dân, xé bỏ lớp ngụy trang giả dối, thẳng thừng nói: "Không thể ăn thịt người được, thịt người có độc đó."

"..."

Anh thôn dân đổi sang giọng mềm mỏng với cậu: "Đương nhiên rồi, bọn anh cũng đâu có ăn thịt người."

Hắn quay sang nói với những người chơi còn lại: "Tôi bảo đảm với mọi người sẽ không giết con chó ấy, bây giờ mọi người mau lên xe đến dự hôn lễ đi."

Lúc này bọn họ mới an tâm một chút, không có mạo hiểm cãi lời NPC.

Người chơi lục tục lên xe.

Khi áo đen sắp lên xe, trợ thủ của hắn cũng là một thành viên trong Guild kéo hắn lại, chỉ chỉ tên khỉ ốm vẫn còn đang hoảng loạn lẩm bẩm một mình ở trong sân.

"Phế vl!" Áo đen cười nhạo một tiếng, "Mày đi gọi nó đi, nếu nó không nghe thì cũng mặc xác nó luôn."

Bọn hắn ngồi lên chiếc xe cuối cùng, lúc lên xe cũng không còn ai, trợ thủ cau mày nói: "Sau một đêm mà chẳng có bao nhiêu manh mối hữu ích, phó bản giải mã cấp hai quả nhiên không đơn giản như vậy."

"Đúng thật là không đơn giản." Áo đen vuốt Dây Khóa Hồn trong tay, "Vừa rồi tao đi check camera, phát hiện một chuyện rất thú vị."

"Cái hôm chúng ta vào biệt thự, thời gian hiển thị trên màn hình camera là vào năm năm trước."

Trợ thủ sửng sốt, "Năm năm trước? Vậy phó bản này được thiết lập diễn ra cách đây năm năm trước, hay là chúng ta bước vào thời không năm năm trước của thôn Hòe Dương?"

Áo đen cười híp mắt nhìn về phía hắn, "Mày đoán thử xem?"

Trần Thiên và Trần Tình ngồi ở chiếc xe đầu tiên, vừa lên xe Trần Tình đã nói: "Anh à, đừng lo lắng về chuyện đó, nó không phải lỗi của anh."

Trần Thiên ấn trán mệt mỏi 'ừ' một tiếng.

Trần Tình nhíu mày nói: "Bây giờ mọi thứ đều quá mông lung."

Trần Thiên nói: "Manh mối càng lúc càng loạn, chúng ta vẫn nên quay lại vấn đề ban đầu và bắt tay điều tra từ việc tại sao thôn này lại có tiền trước."

"Chúc Song Song khá thân với phù dâu, em cũng theo cô ấy dò hỏi xem phù dâu làm nghề gì, gia đình chú rể làm gì đi."

Trần Tình: "Dạ!"

Ninh Túc, Chúc Song Song và Tô Vãng Sinh ngồi trên một chiếc xe ở giữa, vừa lên xe Tô Vãng Sinh đã nói chuyện tối qua cho Chúc Song Song, Chúc Song Song vừa nghe xong thì cũng hết hồn không kém.

Cô từ từ liếc mắt sang túi áo của Ninh Túc, không biết có phải ảo giác hay không mà cô cảm thấy tròng mắt bên trong giật giật.

Cô dụi mắt, quả thật nhìn thấy tròng mắt kia nhúc nhích.

Ninh Túc tát cái 'bép' lên túi một cái.

Chúc Song Song: "..."

Mắt cô tự nhiên đau giùm, "Cậu nhẹ tay một chút, đừng tát mạnh quá."

"Đây thật sự là tròng mắt của con quỷ nhỏ đó sao?" Chạy vội đến rớt mắt, đây là quỷ gì vậy?

Ninh Túc nói: "Lát nữa sẽ biết ngay thôi, tôi đoán con quỷ nhỏ trong phòng tắm hôm qua chính là đứa bé tôi thấy ở lò mổ."

Tụi nó giống nhau, đều là những đứa trẻ đang tuổi tập đi, nhưng chúng lại bò trên mặt đất, chẳng khác gì những con vật.

Đoàn xe chạy về hướng nhà chú rể lại đi qua lò mổ lần nữa, lần này không chỉ có nhóm Ninh Túc, mà tất cả người chơi đều nhìn chằm chằm lò mổ.

Những người chơi khác là muốn xem liệu con chó mực có ở đó hay không và lò mổ kia trông như thế nào.

Khi xe sắp đi qua lò mổ, Ninh Túc chậm rãi mở mắt ra, ánh mắt chuẩn xác nhắm ngay căn phòng tối tăm nằm trong góc.

Đứa bé kia lại bò đến trước cửa, trên mặt chỉ còn sót lại một ánh sáng nhỏ, còn là bên màu nhạt.

Khóe miệng Ninh Túc nhếch lên, vỗ vỗ tròng mắt trong túi.

Xe dừng lại trước nhà chú rể.

Lúc bọn họ xuống xe, chú rể và cô dâu đang đứng ở trước cửa.

Bọn họ đã thay một đồ cưới kiểu Trung Quốc, mũ phượng bằng vàng ròng trên đầu cô dâu tỏa sáng lấp lánh trong nắng.

Khi cả hai vô tình chạm mắt nhau, nụ cười trên môi đều ngọt ngào và hạnh phúc, rạng rỡ như ánh mặt trời.

Chú rể nhìn thấy vạt áo cô dâu dính chút bụi thì quỳ xuống đất phủi cho cô dâu, sau đó nhìn về phía chân của cô dâu, ngẩng đầu hỏi: "Em có mệt không? Hay là chúng ta đổi sang giày đế bệt nhé?"

Cô dâu mỉm cười, "Không cần đâu anh, em muốn mang giày cao gót xinh đẹp trong hôn lễ."

Chú rể cưng chiều cười, "Được thôi."

Chú rể nhìn cô dâu bằng ánh mắt dịu dàng, thẳng thắn nói với cô dâu: "Chỗ anh nó hơi cổ hủ, rất để ý đến hình thức hôn lễ, hôm nay vất vả cho em rồi."

"Anh nói gì vậy, đây là hôn lễ của tụi mình mà." Cô dâu nắm lấy cánh tay chú rể cười ngọt ngào, "Càng để ý thì càng quan tâm mà đúng không? Sao em có thể thấy vất vả chứ."

Chú rể và cô dâu nhìn nhau cười, trên gò má cô dâu hiện lên một lớp ửng đỏ.

Phù dâu cười: "Thiệt tình, lại phát cơm chó nữa rồi đó, đúng là hết nói nổi, nào nào mau vào thôi, có thể bắt đầu được rồi."

Nhà trai được trang hoàng lộng lẫy, tràn ngập sắc màu vui tươi, hoa mẫu đơn đỏ rực đang nở rộ, chân nến chạm khắc bằng vàng mang đến sự phú quý và tốt lành, có rất nhiều người đang đứng ở bên trong.

Chẳng mấy chốc họ đã biết cổ hủ trong miệng chú rể là như thế nào và tại sao cô dâu lại phải thấy vất vả.

Truyền thống ở thôn này là vào ngày nam nữ kết hôn, họ hàng nhà trai sẽ tặng cho cô dâu một phong bao lì xì, coi như công nhận cô dâu là thành viên trong gia đình, cô dâu nhận lấy bao lì xì sẽ phải dập đầu với đối phương một cái, nhận bậc trưởng bối nhà trai là trưởng bối của mình.

Cô dâu mặc váy cưới màu đỏ, đội vương miện hình phượng hoàng nặng trĩu trên đầu, quỳ trước một chậu đồng thật lớn.

Người đầu tiên là bố của chú rể, ông ta bỏ một phong bì thật dày màu đỏ vào trong chậu đồng.

Cô dâu lập tức dập đầu một cái.

Người chủ trì đám cưới cười nói: "Cái dập đầu này của cô dâu rất tốt, tôi còn nghe thấy được cả tiếng vang, ở thôn chúng tôi dập đầu càng to thì chứng tỏ càng chân thành, càng thân thiết với nhà chồng."

Cô dâu sững sờ trong giây lát, lại dập thêm một cái thật mạnh với bố chú rể.

Bố chú rể cười nói: "Tốt, tốt lắm!"

Cô dâu vốn hơi hồi hộp, lúc này cũng lộ ra một nụ cười yên tâm, cô đổi giọng gọi: "Ba."

Bố chú rể cười cười, không đáp.

Tiếp theo là mẹ chú rể, vẫn là một phong bao lì xì thật dày.

Sau khi dập đầu với bố vang như vậy thì đến lượt mẹ lại càng không thể kém hơn, cô dâu lại dập thêm một cái lớn tiếng.

Thực ra từ sau lần dập đầu đầu tiên, thì người tiếp theo đều không thể nhẹ hơn. Đây là ngày đầu cô dâu về nhà này, dập đầu nhận thân với ai mà nhẹ quá thì sợ người khác sẽ để ý.

"Cốp!", "Cốp!", "Cốp!"...

Họ hàng nhà trai rất nhiều, đang xếp hàng từng người một, không biết từ khi nào trên trán cô dâu đã nổi lên gân xanh, động tác đã có hơi hết sức.

Có một người họ hàng bước tới ném vào chậu một phong bì màu đỏ, cô dâu theo thường lệ dập đầu một cái, nhưng lúc ngẩng đầu lên lại phát hiện người nọ vẫn chưa rời đi.

Người đàn ông trung niên với khuôn mặt béo tròn lại ném thêm một phong bì vào chậu đồng như bố thí, cúi đầu mỉm cười với cô dâu: "Dập tiếp đi."

Cô dâu ngỡ ngàng một chút, lại dập đầu.

Sau đó cứ một phong bì màu đỏ rơi xuống, cô lại dập đầu một cái.

Chúc Song Song cảm thấy có hơi quá đáng, cô liếc mắt sang chỗ khác không muốn nhìn gã đàn ông kia nữa, ai ngờ vừa chuyển mắt sang chỗ khác lại bắt gặp cảnh tượng càng đáng sợ hơn.

Cách đó không xa có vài người cầm theo một đống phong bì đỏ dày cộp, lần lượt nhét từng tờ tiền mệnh giá nhỏ vào, trên tay bọn họ cầm cả trăm phong bì, theo thứ tự bước đến từng người một.

Người phụ nữ trung niên bước đến, bà ta mỉm cười ném một phong bì vào thau đồng.

Cô dâu vốn đã hơi choáng váng, sau một cái dập đầu cô dâu ngẩng lên nhìn thấy hơn trăm phong bì đỏ thật dày trong tay bà ta cùng với nụ cười khó tả mà ngây người, kế đó hơi quay đầu nhìn sang chú rể.

Chú rể cũng đang đứng đó lo lắng nhìn cô dâu, vừa trông thấy trán cô dâu, khóe mắt hắn lập tức đỏ hoe.

Trong mắt hắn đều là yêu thương.

Thấy vậy, cô dâu nở một nụ cười trấn an hắn, quay đầu cắn răng, mỗi lần có một phong bì ném xuống đều dập mạnh một cái.

"Cốp!", "Cốp!", "Cốp!"... Tiếng đầu đập xuống sàn vang bên tai mọi người.

"Thật quá quắt!" Chúc Song Song thấy trên trán cô dâu đều sắp chảy máu đến nơi thì nhịn không được muốn đứng lên, nhưng lại bị Tô Vãng Sinh dùng sức giữ tay lại.

Chúc Song Song nghiến răng, nghe tiếng 'cốp cốp cốp' mà oán hận cúi đầu.

Cô lớn lên trong một thành phố lớn, nơi đó phát triển tiên tiến, tư tưởng cũng cởi mở. Ba cô cũng từng dạy cô rằng phải tôn trọng tập tục của từng vùng miền khác nhau, nhưng đây... Đây chẳng phải là xúc phạm người khác sao!

Đến khi cô dâu cũng không rõ đã dập đầu với người này bao nhiêu cái thì trên trán cũng đã xuất hiện vết máu.

Sảnh cưới được trang trí đến tráng lệ, chữ 'Hỉ' bằng vàng khí thế treo trên bức tường màu đỏ đối diện với cửa ra vào, hàng trăm chân nến chạm khắc bằng vàng cùng với những cây đèn cầy đỏ đang cháy ánh vàng rực rỡ.

Ngọn đèn cầy càng ngày càng ngắn, sáp đỏ chảy xuống đỏ như màu máu trên trán của cô dâu, máu nóng chảy xuống váy cưới vào mỗi lần cô dâu ngước đầu lên.

Có người đến thay bộ đèn cầy kia, một bộ rồi một bộ...

Ngọn đèn cầy không ngừng chiếu sáng những khuôn mặt tươi cười trong sảnh cưới, bọn họ đứng đó nhìn cô dâu trơ trọi quỳ ở chính giữa, mỗi lần cô dâu dập cái đầu đầy máu của mình xuống, trên mặt bọn họ đều lộ ra nụ cười rạng rỡ, trầm trồ khen ngợi hoặc vỗ tay tán thưởng.

Trong tiếng "cốp cốp", những người chơi càng lúc càng im lặng.

Khi họ đến thôn làng này, người dân trong thôn rất niềm nở hiếu khách, mọi người dân đều nở nụ cười trên môi.

Nụ cười này ban đầu làm những người chơi thấy thả lỏng, nhưng vào giờ phút này lại khiến họ ớn lạnh đến tận đáy lòng.

Bọn họ dường như lúc nào cũng thích cười như vậy nhưng lúc này lại khác ở đâu chứ?

Khi cô dâu không biết bản thân đã dập liên tục bao nhiêu lần, thì mũ phượng nặng trĩu trên đầu cô dâu rốt cuộc cũng không ngóc lên nổi nữa.

Trán cô dâu áp vào sàn nhà màu đen, máu trên trán cũng bị sàn đen thấm hút.

Tiếng reo hò và tiếng cười đùa trong sảnh cưới cũng ngừng lại rồi dần trở nên yên tĩnh.

Dường như không còn người họ hàng nào có ý định tiến lên nữa, người chơi vừa mới thở phào nhẹ nhõm thì ngoài cổng chợt có hai chiếc xe dừng lại, sáu người ăn mặc chỉnh tề bước xuống.

Sảnh cưới lại vang lên những tràng vỗ tay nồng nhiệt và những lời chúc phúc.

Một người đàn ông chừng 50 tuổi hiền lành chống nạng bước tới trước mặt cô dâu, đặt một phong bao lì xì dày cộp vào chậu đồng.

Cô dâu gục đầu trên mặt đất vốn đã có chút không tỉnh táo, nhưng vẫn lờ mờ nghe thấy tiếng phong bì rơi xuống chậu bên tai, nhưng đã không còn là tùy tiện ném vào, điều này cho cô dâu một chút hy vọng mong manh.

Cô dâu dùng hết sức ngồi thẳng dậy và dập đầu một cái.

Người đàn ông đó nhẹ nhàng nói: "Con cầm đi."

Phản ứng của cô dâu rất chậm, một lúc sau cô mới nhận ra người đàn ông này bảo cô cầm phong bì đỏ.

Cô chỉ nghĩ được đến đây, cũng không còn sức để suy nghĩ tại sao phòng bì trước đó lại đặt vào trong bồn, còn cái này lại phải cầm lấy.

Cô chìa bàn tay run rẩy của mình ra và cầm lấy chiếc phong bì màu đỏ khác với những phong bì trước.

Người chủ trì cúi xuống nói với cô: "Đây là bố nuôi của chú rể, cô phải gọi là gì đây?"

Cô dâu ngạc nhiên, giọng nói khàn khàn khẽ đổi giọng gọi: "Ba."

Người đàn ông trung niên mỉm cười, đặt tay lên trán cô dâu, niềm nở nói: "Ừm, ngoan lắm".

Cảm nhận được nhiệt độ ấm áp trên trán, cô dâu không biết tại sao cảm thấy mũi mình hơi xót, tự dưng rất muốn khóc.

Cô giống như lấy lại được một chút sức lực yếu ớt, khi người phụ nữ trung niên trạc tuổi với người đàn ông từ đằng sau tiến tới đưa một phong bì đỏ, cô lại dập đầu một cái, cầm lấy bao lì xì, dưới sự hướng dẫn của chủ trì gọi một tiếng 'mẹ'.

Người phụ nữ cũng đáp lại cô, nhẹ nhàng chạm vào khuôn mặt cô, "Từ nay sẽ là người một nhà."

Sáu người này rất hiền lành, vì sự dịu dàng của họ mà cô dâu vốn không thể ngẩng đầu mà run rẩy dập đầu thêm sáu cái nữa.

Sau khi dập đầu xong với người thứ sáu, bốn tiếng sau cô dâu cuối cùng cũng ngất đi.

Ngay lúc cô ngất đi, bà lão lớn tuổi nhất trong sảnh cưới vỗ đùi mình một cái, khuôn mặt già nua đầy nếp nhăn run lên vì phấn khích, há cái miệng không còn cái răng nào mà cười: "Ngất rồi! Thật quá tốt! Đây là điềm lành, về sau nhất định sẽ thuận lợi suôn sẻ!"

Trong sảnh cưới vang lên tiếng cười đùa, lời chúc phúc và tiếng vỗ tay, tiếng kèn xô-na nối tiếp vang lên.

Chúc Song Song và phù dâu đỡ cô dâu dậy, Trần Tình nhìn thoáng qua Trần Thiên rồi cũng đi qua.

Cô dâu cầm trên tay hai phong bì lì xì thật dày, phong bì lì xì có màu đỏ đậm hơn những phong bì lì xì khác.

Dưới sự dìu đỡ của hai cô gái, có một giọt máu từ trên trán cô dâu vô tình nhỏ xuống bao lì xì.

Tô Vãng Sinh nhìn chằm chằm phong bì lì xì màu đỏ như máu kia, nhíu mày thật sâu.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro