Phân tích tác phẩm "Lặng Lẽ Sa Pa" của nhà văn Nguyễn Thành Long

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Khi đất nước đang trên đà phát triển, đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội rất cần những con người biết hi sinh và cống hiến. Hành trình đến với lý tưởng sống đẹp, sống có ích cho tổ quốc đã trở thành nguồn cảm hứng ngợi ca trong các tác phẩm tác phẩm văn học. Và tác giả Nguyễn Thành Long cũng là một trong những cây bút xuất sắc ở đề tài này. Nhà văn Nguyễn Thành Long (1925 - 1991) quê ở tỉnh Quảng Nam. Được lớn lên trong vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi sản sinh ra nhiều nhân tài học rộng đỗ cao và cũng là con của một gia đình viên chức yêu nước đã giúp tác giả Nguyễn Thành Long có nhiều cảm hứng sáng tác về quê hương đất nước, trở thành người con ưu tú của xứ Quảng. Mặc dù đã đi xa nhưng ông đã để lại cho đời rất nhiều tác phẩm hay và ý nghĩa. Ông chuyên viết về truyện ngắn và ký. Các sáng tác của ông giàu chất thơ, thể hiện niềm tin yêu, sự gắn bó thiết tha với con người và tổ quốc. Các tác phẩm của Nguyễn Thành Long mang âm hưởng nhẹ nhàng, là hơi thở của cuộc sống mới, thời đại mới. Có thể kể đến như: "Lý Sơn Mùa Tỏi", "Nửa Đêm Về Sáng". Nổi bật nhất trong số đó chính là truyện ngắn "Lặng lẽ Sa Pa" được  in trong tập "Giữa Trong Xanh. Đây là một tác phẩm hay, đặc sắc, đậm chất thơ của ông được sáng tác năm 1970 trong chuyến đi thực tế của ông tại Lào Cai. Tác phẩm nói về nét đẹp tâm hồn của những người lao động thầm lặng đóng góp công sức trong công cuộc xây dựng đất nước. Mỗi trang truyện trong tác phẩm như  một trang đời được chắt lọc từ thực tế cuộc. Những trang đời ấy chính là hình ảnh người lao động trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Tác phẩm đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn đọc bằng cách xây dựng tình huống, nhân vật tự nhiên, linh hoạt mà đặc biệt là hình ảnh anh thanh niên với nhiều phẩm chất, lý tưởng tốt đẹp.

Câu chuyện xoay quanh gỡ bất ngờ giữa anh thanh niên và những vị khách. Trong chuyến xe đi từ Hà Nội đến Lào Cai, bác lái xe, ông họa sĩ già và cô kỹ sư đã vui vẻ trò chuyện với nhau. Chiếc xe được dừng lại 30 phút để cho hành khách nghỉ ngơi. Nhân dịp đó bác lái xe đã giới thiệu với mọi người anh thanh niên 27 tuổi làm công tác khí tượng kiêm vật lý địa cầu trên đỉnh núi Yên Sơn. Sau đó anh thanh niên đã mời ông họa sĩ và cô kỹ sư ghé thăm nơi ở và làm việc của mình. Mặc dù hoàn cảnh sống và làm việc có phần gian khổ nhưng anh vẫn tích cực lạc quan cống hiến công sức nhỏ bé của mình vào công việc lao động sản xuất và chiến đấu ông họa sĩ đã cảm nhận được nét đẹp của người lao động mới qua hình ảnh anh thanh niên. Ông định vẽ chân dung anh nhưng anh đã từ chối và giới thiệu những người khác mà anh cho là xứng đáng hơn,  đó là ông kỹ sư trồng rau và người cán bộ nghiên cứu bản đồ sét. Những điều khám phá được ở anh thanh niên làm cho người khách vô cùng xúc động. Khi họ trở về, anh còn tặng cô gái một bó hoa và tặng bác họa sĩ già một làn trứng ăn đường.

Truyện ngắn đã khắc họa thành công hình ảnh những con người lao động thầm lặng, miệt mài cống hiến cho tổ quốc. Các nhân vật không có tên riêng mà được gọi theo nghề nghiệp như: cô kỹ sư, bác lái xe, ông họa sĩ,  cô kỹ sư, ông kĩ sư  vườn rau, anh cán bộ nghiên cứu bản đồ sét mà đặc biệt là hình ảnh anh thanh niên làm công tác khí tượng kiêm vật lý địa cầu trên đỉnh núi Yên Sơn. Dường như tác giả muốn nói với người đọc: "Trong cái tĩnh lặng của núi rừng Sapa, có những con người đang miệt mài lo nghĩ cho quê hương, đất nước". Từ đó ca ngợi vẻ đẹp của những người lao động và ý nghĩa của những công việc thầm lặng nhưng cũng không kém phần quan trọng.

Một trong những yếu tố làm nên thành công của tác phẩm phải kể đến những đặc sắc về nghệ thuật. Đầu tiên là nghệ thuật xây dựng tình huống truyện. Dưới ngòi bút của nhà văn Nguyễn Thành Long Sa Pa hiện lên với vẻ đẹp kỳ vĩ, thơ mộng, thấm đẫm chất trữ tình giúp ta thấy được tình yêu thiên nhiên, sự rung động trước cái đẹp của tác giả. Truyện ngắn "Lặng lẽ Sa Pa" được xây dựng xoay quanh tình huống chuyện đơn giản mà tự nhiên. Đó là cuộc gặp gỡ tình cờ giữa ông họa sĩ già cô kỹ sư và anh thanh niên. Tuy là nhân vật chính trong tác phẩm nhưng anh thanh niên không trực tiếp tham gia vào mà chỉ xuất hiện chốc lát qua lời kể của nhân vật bác lái xe với một số nét đẹp về phẩm chất: suy nghĩ đẹp, hành động đẹp và phong cách sống đẹp.  Đây là cơ hội thuận tiện để nhân vật chính hiện lên qua sự quan sát suy nghĩ của nhân những nhân vật khác chính vì thế anh thanh niên không chỉ hiện ra một cách tự nhiên mà còn được soi chiếu, đánh giá từ nhiều cái nhìn, rồi đến tình cảm của những nhân vật ấy. Sáng tạo được tình huống truyện như vậy và được trần thuật từ cái nhìn và tâm trạng của ông họa sĩ già - người có kinh nghiệm từng trải về cuộc đời và nghệ thuật, giúp chân dung nhân vật chính được khắc họa tự nhiên, tập trung qua lời nói, hành động của anh. Có thể nói, tác giả đã nắm chắc được sự thành công của đứa con tinh thần. Qua đó làm nổi bật chủ đề của tác phẩm. Trong cái vắng lặng nơi núi rừng Sa Pa, khi ta nghe tên chỉ nghĩ đến sự nghỉ ngơi thì vẫn có biết bao nhiêu người đang âm thầm cống hiến cho đất nước.

Có thể nói những Thành Long cũng rất thành công trong nghệ thuật xây dựng nhân vật mà điển hình là anh thanh niên hai mươi bảy tuổi. Trong bức tranh thiên nhiên Sapa hùng vĩ anh thanh niên hiện lên với những phẩm chất quý báu, đáng trân trọng đã giúp cho tác phẩm trở lên ấn tượng trong lòng độc giả. Anh thanh niên làm việc trên đỉnh Yên Sơn quanh năm suốt tháng mây mù bao phủ. Công việc của anh là đo gió, đo mưa, tính mây, dự báo thời tiết hàng ngày để phục vụ cho sản xuất và chiến đấu. Công việc tuy không khó nhọc nhưng vô cùng gian khổ, đòi hỏi tính tỉ mỉ độ chính xác, tinh thần trách nhiệm cao. Vất vả nhất là lần ghi và báo lúc một giờ sáng vừa rét, vừa có tuyết ào ào xô tới. Đối với anh gian khổ nhất của công việc là sự cô đơn, vắng vẻ, suốt năm, suốt tháng, xung quanh chỉ có mây mù. Tuy vậy anh vẫn luôn cố gắng hoàn thành tốt công việc được giao. Anh hiểu rằng công việc của mình tuy nhỏ bé nhưng ảnh hưởng đến mọi người. Anh yêu công việc của mình: "Công việc của cháu gian khổ thế đấy, chứ nếu cháu cất nó đi, cháu buồn đến chết mất". Qua đó có thể thấy anh thanh niên là người có lòng yêu nghề tinh thần trách nhiệm cao. Ở anh thanh niên, ta thấy vẻ đẹp của một người sống có lý tưởng, biết tự tạo một cuộc sống đẹp ngăn nắp khoa học. Tuy rằng sống cô độc một mình anh vẫn không nhàm chán bằng những thú vui như: trồng hoa, nuôi gà, đọc sách. Người đọc không khỏi ngỡ ngàng với hình ảnh 1 người con trai có vóc dáng nhỏ bé nét mặt rạng rỡ giữa vườn hoa thược dược đủ màu sắc. Không chỉ vậy, anh thanh niên còn là người chân thành, cởi mở, hiếu khách, luôn biết quan tâm mọi người. Thân quen với bác lái xe nên anh tặng nào là củ tam thất dành cho vợ bác tẩm bổ vì vợ bác mới ốm dậy. Anh cuống cuồng lên vì vui sướng khi có khách đến thăm nhà anh đón tiếp nồng nhiệt, ân cần, chu đáo, đếm từng phút từng giây vì sợ hết nửa tiếng thời gian gặp gỡ quý báu, anh lưu luyến với khách khi chia tay. Anh tặng giỏ trứng cho những vị khách để ăn dọc đường và bó hoa to anh dành tặng cho cô kĩ sư, đã đem đến cho cô biết bao niềm tin và động lực về quyết định của mình. Một nét đẹp khác ở anh thanh niên là sự khiêm tốn, thật thà. Khi ông họa sĩ muốn kí họa chân dung anh, anh đã từ chối và giới thiệu những người khác mà anh cho là đáng vẽ hơn mình. Anh cảm thấy mình chưa xứng đáng với những lời khen tặng, cho rằng đóng góp của mình là việc hiển nhiên, bình thường, nhỏ bé. Như vậy, ta có thể thấy, chỉ bằng một vài chi tiết và anh thanh niên chỉ xuất hiện trong khoảnh khắc của truyện nhưng tác giả đã thành công phác họa được chân dung nhân vật chính với những nét đẹp về tinh thần, tình cảm, cách sống và suy nghĩ về công việc anh chính là hình ảnh tiêu biểu cho những người ở Sapa là chân dung con người lao động mới trong cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Bên cạnh nhân vật anh thanh niên, nghệ thuật xây dựng nhân vật của tác giả còn được thể hiện rõ nét qua các nhân vật khác như: ông họa sĩ dày dặn kinh nghiệm sống, có tình yêu tha thiết với công việc hay cô kỹ sư mang trong mình lý tưởng cao cả, nhiệt huyết tuổi trẻ và nghị lực phi thường.

Tác phẩm được trần thuật theo ngôi thứ ba giúp các nhân vật được nhìn nhận một cách khách quan, chân thực. Tuyện ngắn có sự kết hợp giữa tự sự, miêu tả và bình luận làm cho câu chuyện trở nên sâu sắc hơn. Bằng những cảm nhận tinh tế và hết sức tài hoa, giọng kể chân thực, hồn hậu tác giả Nguyễn Thành Long đã khéo léo đưa người đọc đến đỉnh Yên Sơn mây mù bao phủ, đem đến một cái nhìn đúng về thế hệ trẻ trong thời kỳ xây dựng đất nước. "Lặng lẽ Sa Pa" là truyện ngắn bàng bạc chất thơ, thấm đẫm trữ tình, ngôn ngữ nhẹ nhàng, giản dị, giàu chất suy tư. Chất trữ tình là một trong những yếu tố tạo nên sức hấp dẫn và góp vào thành công của truyện. Nổi bật ra ngay từ nhan đề, phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, hùng vĩ, thơ mộng của núi rừng Sa Pa được miêu tả qua cái nhìn của ông họa sĩ, từ vẻ đẹp trong cách sống, một mình giữ thiên nhiên lặng lẽ của anh thanh niên từ sự miệt mài, hăng say cống hiến thầm lặng mà khẩn trương của con người nơi đây.

"Nguyễn Thành Long là một cây bút truyện ngắn nhưng vẻ đẹp nghệ thuật không nằm ở những sắc sảo, táo bạo xung đột mạnh mẽ mà nghiêng về tạo dựng chất thơ nhẹ nhàng trong trẻo, lặng thầm". "Lặng lẽ Sa Pa" là một trong những truyện ngắn hay nhất của Nguyễn Thành Long, giúp nhà văn để lại âm vang đến tận hôm nay. Chuyện thấm đẫm chất thơ của thiên nhiên, của vẻ đẹp từ tâm hồn con người bằng việc khắc họa nhân vật anh thanh niên đang lặng lẽ cống hiến. Tác giả đã ca ngợi và khẳng định vẻ đẹp của những người lao động và ý nghĩa của những hy sinh cống hiến thầm lặng. Hy vọng đó sẽ là những vang vọng trong tâm hồn của thế hệ trẻ mai sau. Là học sinh còn đang ngồi trên ghế nhà trường, mầm non tương lai của đất nước em thấy mình cần cố gắng học tập thật tốt, tiếp nối và phát huy những phẩm chất tốt đẹp, làm những việc vừa sức của mình góp phần cống hiến cho đất nước để không làm lãng phí tuổi trẻ.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro