Những câu chuyện ôi thiu (6)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

*****

18) Nó theo công trình, là công nhân xa xứ, cả năm siêng năng tăng ca tiết kiệm, đến tết thì cầm được cục tiền về. Bữa nhậu thành thị bằng mâm cỗ nông thôn, khoản tiền này với người khác thì không nhiều nhưng với gia đình nó là rất lớn, đủ để lợp lại mái tôn nhà sau cho mưa khỏi dột, đổ xi măng sân trước để mẹ phơi thóc, rồi mua được cái xe máy cà tàng cho đứa em gái đi làm trên thị xã chứ ngày nào cũng đạp xe hai vòng mấy chục cây số thì tội con bé quá.

Nó tính hết rồi, mỗi ngày ăn mì gói cầm hơi trong cái lán trại công trình nó đều tính, là mình vất vả một thì người nhà sẽ đỡ khổ mười, mấy công nhân khác lãnh lương thì ăn nhậu giải mỏi tưng bừng còn nó thì vẫn thắt lưng buộc bụng. Mơ ước của nó là kiếm đủ tiền để mở cái tiệm nho nhỏ ở quê, rồi cưới vợ sinh con, rồi phụng dưỡng cha mẹ, dư nhiều thì cho em gái thêm chút để làm của hồi môn, nó thề là cho dù phải ăn cơm với mắm suốt đời thì cũng phải để cho con cái được đi học cho đàng hoàng, lỡ mà con nó đậu đại học thì sẽ bán sạch sành sanh hết để lo cho con, hai vợ chồng già ra đê ở cũng được. Cái tâm của người quê nó vậy, chấp nhận chịu khổ cả đời, hy sinh đời bố củng cố đời con, sung sướng là thứ luôn giữ lại cho sau này.

Nó xuống bến xe ở thị trấn rồi ngồi ở vỉa hè để chờ tuyến xe đò về xã, gần đó có cái sòng bầu cua, mấy ngày tết nhất này chuyện cờ bạc ở đâu cũng xôm tụ. Gần về tới nhà nên tâm trạng của nó cũng thoải mái, có ghé mắt nhìn vô một chút cho vui, rồi ma xui quỷ khiến thế nào mà nó đặt xuống vài đồng lẻ.

Thắng thắng thua thua, thua rồi lại gỡ, gỡ được lần này thì lần sau lại mất nhiều hơn, nó bị cuốn vào, con mắt chỉ còn hai màu đỏ đen, chơi càng lúc càng lớn, thua càng lúc càng nhiều, tới lúc nó thọc tay lấy ra cục tiền tiết kiệm thì không dừng lại được nữa.

Cờ bạc có ma, câu đó không phải là nhắc nhở, mà là chỉ thẳng mặt để nói cho biết rõ luôn đó, vậy mà vẫn có người dính vào, rồi thân tàn ma dại.

Nó ngồi thất thần ven đường, tay vo vo mấy tờ tiền lẻ cuối cùng còn sót lại, chỗ tiền mà thậm chí còn không đủ để đi cái chuyến xe đường quê đất đỏ cỏ xanh để về đến nhà. Nó ngồi mấy tiếng cho đến khi trời sụp tối mà vẫn chưa hiểu được cái chuyện gì vừa mới xảy ra, cứ lẩm bẩm hoài, tại sao, tại sao, và tại sao?

Rồi nó chợt ngẩng đầu lên, nhìn thấy một người đàn bà tay cầm giỏ xách cổ có đeo cọng dây chuyền...

Bà đó đập đầu xuống đất hôn mê mấy ngày thì chết, vậy nên án của nó là giết người cướp của, phúc thẩm tới lần thứ hai thì vẫn là chung thân.

Mọi thứ bán hết để bồi thường nhưng vẫn không đủ, lúc bán thì người ta chỉ tính đất chứ không tính nhà, cha nó lột tôn cũ đem ra đê dựng thành chòi ở tạm, là tạm bợ nên lúc mưa sẽ dột thật nhiều, ông nhiễm lạnh còn bà thì không dám bệnh. Cha của nó trước khi chết thì vẫn oán trách cái việc chốn phồn hoa đã làm con mình hư hỏng, mẹ nó có cày thuê thêm hai đời nữa thì cũng không trả hết cái nợ kia. Còn em gái của nó thì trong một buổi chiều đã bỏ xứ ra đi bặt vô âm tín, đi cũng tốt, đất lương thiện không có chỗ cho người thân của kẻ giết người, đến chó còn chê chứ đừng nói là có người chịu lấy cho.

Còn nó thì mỗi đêm trong phòng giam ngồi co ro mà lẩm bẩm: "..tại sao, tại sao..?"

*

Trương Lang Vương.

*

Chuyện có thật đó, năm ấy khi tôi dạy hướng nghiệp trong trại giam thì gặp rồi biết nó, là chính nó kể cho tôi nghe. Cả đời nó chỉ có duy nhất một lần hôm đó là động tay vào cờ bạc, rồi cũng từ một ngày đó mà tất cả đổi thay. Trong tù nó là đứa biểu hiện tốt nhất, hiền nhất, gặp ai cũng cố thật tốt với người ta, chấp nhận làm trâu làm ngựa cho người ta. Nó chỉ mong là họ sau khi ra tù thì sẽ giúp nó tìm kiếm tung tích của đứa em gái, năm đó con bé chỉ mới có mười mấy tuổi thôi, một tấm hình cũng không có, nói thật thì mò kim đáy bể còn dễ hơn.

Người đông đến như vậy, mỗi cuộc đời là một câu chuyện, cả số và phận đan xen. Ai nếm trải đủ rồi thì sẽ hiểu thấu được một việc, khó nhất quý giá nhất và đáng trân trọng nhất trên đời này, chính là được làm người lương thiện.

*"*"*

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro