Vài dòng về "Những câu chuyện ôi thiu"

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

*****

Thật ra chuyện làm tôi xuống tâm trạng nhất, là chuyện số 4.

Bà mẹ đó thật sự muốn tốt cho con của mình, lời nói đó là thật lòng. Tôi biết và bạn cũng biết điều đó, đặc biệt là những bậc làm cha làm mẹ.

Chẳng qua ngay từ đầu cách sống và lối sống của bà mẹ đã làm ảnh hưởng quá nhiều đến người con. Là tiêu cực.

Chẳng qua bà ta không biết phải làm cách nào để dạy và thương cho đúng.

Chẳng qua bà ta bị cuốn quá sâu vào cuộc sống của mình, là một lựa chọn sai lầm ở một lúc nào đó, rồi trượt dài không lối thoát. Đường đời khác với đường đi, không phải dừng lại là có thể quay đầu, vì tự bản thân con đường đời đó nó biết xô, biết đẩy. Không phải ai cũng đủ suy nghĩ hay bản lĩnh để mà quay đầu.

Ai mà không muốn con mình tốt chứ, con thú còn muốn mà. Đẻ con ra, bồng nó trên tay, bậc làm cha làm mẹ nào mà không có mơ ước, không có hy vọng về tương lai tốt đẹp cho con của mình.

Chẳng qua là khi nó không được như vậy, không được như mong ước của họ thì họ lại không biết cách đúng để uốn nắn, để dạy dỗ lại con sao cho đúng. Thế là họ tức giận, là tức giận với bản thân mình đầu tiên, rồi truyền cơn giận đó sang cho con của mình. Rồi họ thất vọng, cố tìm một lý do, để rồi lại tiếp tục thất vọng. Và họ dần dần buông xuôi.

Đặc biệt là trong lứa tuổi dậy thì, khi đứa trẻ chỉ đơn giản là một bình chứa đầy hoocmon và sức sống, nó trăn trở, nó suy nghĩ, nó hình thành cá tính, nó có thần tượng, nó nổi loạn, nó lạc lối, nó thử những cái mới, nó biết yêu, nó liều lĩnh, nó thiếu đồng cảm với gia đình, nó kết thân với bạn bè, là vấn đề quan điểm khác biệt thế hệ. Giai đoạn này với cha mẹ, không phải là làm sao cho tốt, mà là phải làm sao cho đúng. Điều đó rất quan trọng. Sai lầm thì sẽ ảnh hưởng đến cả một đời của đứa nhỏ.

Nền tảng đạo đức và nền tảng nhận thức cha mẹ không có, thì làm sao miệng nói bô bô rồi cầu mong đứa con có?

Quay lại nội dung truyện. Tôi cam đoan, lời nói lúc bị bắt kia của bà ta, còn thật lòng hơn lời nói lúc xuôi tay nhắm mắt.

Nhưng ...lời của bà mẹ lọt vào tai đứa con trở nên rỗng tuếch, nhạt nhẽo, đạo đức giả. Cho nên làm gì có chuyện đứa con nó rung động hay nghe theo được. Là bởi vì nó nhớ tới hàng trăm ngàn lời nói, hành động trước đây của bà mẹ... Không trách nó được.

Người Việt hay nói câu "Cha mẹ sinh con, trời sinh tính". Ở đây tôi không muốn tranh luận câu đó đúng hay sai, hoặc là đúng bao nhiêu và sai bao nhiêu. Tôi chỉ muốn nói là quan niệm đó quá tiêu cực, đặc biệt là khi được dùng để làm lý do, chỗ dựa của những bậc cha mẹ chưa nhìn thấy hoặc muốn chối bỏ những sai lầm trong cách dạy dỗ con cái của mình. Đơn giản chỉ là một cách dễ dàng để chối bỏ trách nhiệm.

Và có một điều này là đúng nè, đúng đến mức không thể cãi lại : "Đó là nếu bạn đã đổ lỗi cho 'trời' hay cho 'đời' thì đừng bao giờ oán trách nếu như đứa trẻ trở nên tệ hại, thậm chí là đối xử tệ với chính bạn, những người sinh ra nó. Bạn mất cái quyền đó rồi."

Đôi lúc có những người làm cha làm mẹ chỉ vào mặt đứa con của mình mà nói :

"Tại sao mày nỡ đối xử với tao như vậy?"

"Tại sao mày không làm theo lời tao nói?"

"Ai dạy mày mà thành ra như vậy?"

..v..v

Phải nhớ:

Đứa trẻ học, không phải chỉ từ lời nói, mà còn là từ chính hành động, hành vi, lối sống, nhân cách đạo đức... của cha mẹ nó nữa.

Trước khi hỏi, trước khi trách, hãy tự nhìn lại bản thân mình.

Sinh con ra thì làm cha mẹ, nhưng muốn làm cha mẹ tốt, thì phải "học" để biết được cách nuôi dạy con cho tốt.

*

Trương Lang Vương.

*

*"*"*

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro