Chương 2

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Vừa mới hai tuần trước thôi, chúng tôi đã tới một nơi gọi là vịnh Captain’s Folly và lần đầu tiên trong đời cả bọn được nhìn thấy biển (và hình ảnh về cái tội lỗi vô thức của riêng tôi).

Chứng kiến sự kiện trọng đại buổi sáng hôm đó là chín con mắt, vẫn còn tinh ranh và rạng ngời như những hạt thủy ngân: hai mắt của Spark, Maps, Fido và tôi, con mắt thứ chín thuộc về Misty. Bên mắt phải của cậu ấy không được tốt cho lắm, thường được che bằng một miếng kính tròn đục.

Cho đến giờ thì bề mặt Trái Đất vẫn như những mẩu bánh nướng mang hình các châu lục và hòn đảo, bao bọc xung quanh bởi nước. Không phải là nước bình thường. Là nước với một sức mạnh siêu phàm: sức mạnh truyền cảm hứng cho các ngư dân cất cao giai điệu hò kéo thuyền: sức mạnh cuốn phăng những con tàu dạt ra ngoài đảo cọ hoang trong khi phải mất hàng năm để đưa những chiếc chai đựng tin tức của họ về với thế giới văn minh. Thật phi thường làm sao! Đại dương quá rộng lớn! Bầu trời cũng như hòa chung vào cùng đại dương. Buổi sáng thứ Sáu hôm đó, cả lũ chúng tôi leo lên ngọn đồi vàng rực bởi ánh nắng ban mai của mùa hè, mấy ngón chân trần không tất đang ngọ nguậy bên trong những đôi giày chỉ dành riêng cho ngày Chủ Nhật.

“Các chàng trai, xin giới thiệu với các cháu,” – BàMcAnsh giang rộng cánh tay ra nói – “Thái Bình Dương”.

“Đúng vậy, Trái Bình Phương” – chồng bà McAnsh đứng bên cạnh lẩm bẩm.

Trước ngày hôm đó, khái niệm của chúng tôi về biển cả vẫn luôn là cái gì đó rất… nhân tạo. Trong phòng khách của trại trẻ mồ côi St. Roderick có treo một bức tranh sơn dầu cảnh biển đầy u ám, thỉnh thoảng cứ có dịp là tụi tôi lại dán mắt vào đó trầm trồ thán phục. Còn các cặp vợ chồng hiếm muộn cứ đến rồi đi, mà chẳng buồn để mắt đến một đứa nào trong lũ chúng tôi. Và giờ đây, trước mắt chúng tôi là một vùng biển rộng lớn, xanh ngắt, với những cơnsóng bạc đẹp đến không ngờ. Đứa nào cũng bị choáng ngợp, không thốt nên lời.

Chưa một ai trong số chúng tôi được chuẩn bị trước về cảnh đẹp hùng vĩ này. Càng không thể so sánh với cái hồ nước nhỏ trong bức tranh về Đức Mẹ treo trong nhà thờ ở St. Roderick. Sự so sánh ấy quả là khập khiễng! Những tấm áp phích quảng cáo du lịch dán đầy trong các ga tàu cũng chẳng là gì so với những gì đang diễn ra trước mắt chúng tôi đây.

Fido, đứa nhỏ tuổi nhất trong nhóm năm đứa tụi tôi, nó gầy đến nỗi xương sườn của nó chắc chỉ bằng mấy sợi dây hàng rào thép gai, không kìm nén nổi đã hét lên đầy sửng sốt:

“Nhìn kìa, các cậu! Chắc dưới đó có lửa!”

“L-ử-a?” – bà McAnsh, người phụ nữ già nua, gầy gò chịu trách nhiệm trông nom tụi tôi, tròn mắt hỏi lại – “Dưới đó?”

“Cô ơi, cô ơi, nhìn kìa!” – Fido lại rối rít gào lên, tay chỉ thẳng ra biển – “Nó đang sôi kìa! Sôi sùng sục! Chắc chắn ở dưới đó có lửa!”

Tôi cũng cho rằng Fido đã nói đúng. Cái gọi là “biển” trước mắt tụi tôi có khỉ chỉ là một tấm gương khổng lồ đang được nấu chảy sủi bọt trắng xóa. Mà công nhận là đứng ở trên đỉnh đồi này thì thấy nóng thật. Có lẽ vì dưới đó có lửa thật!

Đúng lúc đó ông McAnsh lên tiếng: “Lạy Chúa tôi, Cynthia, xem ra lần này chúng ta nhận được khá nhiều tín hiệu xấu về sự bảo trợ của mình.”

Tín hiệu xấu! Tụi này ư? Ông ấy nói vậy là sao nhỉ? Người già thật khó hiểu.

Ông McAnsh mặc một chiếc quần rộng thùng thình, nhàu nhĩ, chân đi đôi giày nâu lem luốc. Ria mép không được tỉa tót thường xuyên nên trông càng luộm thuộm. Còncái mũ trên đầu ông ấy thì cũ nát khỏi phải bàn. Có lẽ nó đã bị lê la trên hàng trăm dặm đường sa mạc, sau đó bị cuốn xa ra ngoài khơi, chịu sự bào mòn của nước muối biển, để rồi sau đó bị đánh dạt vào bờ, trước khi chịu sự giằng xé và cào cấu bởi nanh vuốt của một chú chó lang thang nào đó đang đi dạo trên biển.

Lại thêm một tín hiệu xấu nữa vừa lóe lên. Lần này là Misty.

“Đó là cơn Đại Hồng Thủy!” – Misty đột nhiên gào ầm lên – “Một cơn Đại Hồng Thủy!” – Giọng điệu sặc mùi mấy tay buôn bán tàu ở gần trại trẻ St. Roderick – “Đây sẽ là cơn Đại Hồng Thủy đáng nguyền rủa và lớn nhất từ trước tới nay cho mà xem.”

“Ôi, lạy Chúa tôi!” – ông McAnsh nhăn mặt lầm bầm.

“Cẩn thận cái mồm! Cẩn thận cái mồm!” – bà McAnsh nạt nộ - tụi tôi, tất nhiên rồi.

Ông McAnsh dùng tay áo lau miệng chai rượu vang, rồi đưa cho vợ. Sau khi tu một hơi dài, bà McAnsh vẫy tay xua tụi tôi: “Đi nào, mấy đứa! Đi xuống thôi.”

“Lên xuống” – ông McAnsh càu nhàu.

Hai chân bà McAnsh rung lên bần bật khó nhọc bước đi trên con đường mấp mô đầy đá và sỏi. Có lẽ một trong hai cái mắt cá chân của bà ấy cần phải được lắp cho chặt lại. Cả lũ lục đục bám theo, ông McAnsh nhét chai rượu vào trong túi áo khoác. Miệng chai thò ra ngoài túi, lúc la lúc lắc như muốn trêu ngươi chúng tôi.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro