1. Chuyện cũ có tên.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng



Những con sông ở đây không chảy ra biển. Chúng khởi nguồn từ những nhánh lớn của sông Mê Kông, chảy qua các làng mạc và thành thị, xuôi theo những con đường quốc lộ rộng thênh thang nhưng không mấy khi đông đúc. Cũng giống như loài người. Ai cũng đều được sinh ra theo một cách, nhưng có người từ hồi mới sinh đã đi trên con đường đầy hoa, có người cả đời cũng chẳng thể mơ đến hai chữ "hạnh phúc".

Những khi rảnh rỗi tôi hay nhìn dòng sông, nhưng chẳng bao giờ thấy nước dâng lên quá gang bàn tay. Mùa mưa như một gã bù nhìn, thỉnh thoảng mới đổ xuống một trận làm dịu mùa hè như đổ lửa. Tháng Sáu quá nửa rồi, mùa hạ đã đi đến hồi kết thúc. Những con sông êm đềm, những cơn mưa chẳng thấy tăm hơi, cả tuần lễ liền mới được nhìn biển động một lần. Điền hình của tiết trời phương Nam. Một phương nhiều nắng chói chang, nhiều nỗi sầu vời vợi.

Chúng tôi ở trong một căn phòng chừng mười tám mét vuông, trên tầng hai của một khu trọ cũ. Phòng chúng tôi đắt nhất nhì trong cả khu, bởi vì có ban công trồng sẵn nhiều loại hoa, có bồn tắm nhỏ bằng gỗ hình bán nguyệt, có máy làm nóng nước, dù rằng việc khởi động khá rườm rà và thỉnh thoảng điện còn bị tắt đột ngột. Tôi vẫn hay thường cắt những bông hoa hồng nở rộ nhất ngoài ban công, xả đầy nước nóng vào bồn và rải những cánh hoa lên. Không phải vì sở thích tắm với cánh hoa hồng, mà vì tôi sợ chúng héo úa. Nhìn hoa tàn là một cảm giác buồn rầu đến rũ người.

Tôi đã ở đây nhiều năm trước kia, với chị gái, khi tôi mười tám tuổi. Buổi đó chúng tôi giấu gia đình, chuyển đến đây để ôn thi lại đại học. Kì thi năm đó có lẽ đã thay đổi toàn bộ cuộc đời của chị gái tôi. Bây giờ đang hạnh phúc ở một hòn đảo nào đó tại Nhật Bản. Nhiều khi nghĩ đến khoảng thời gian trước kia, tôi chẳng biết mình có cảm giác gì, vui, buồn, hay hoài niệm, hay chua xót. Trong đầu phác họa lại gương mặt xinh đẹp của chị gái khi còn trẻ tuổi, lại nghĩ, "Người gì đâu mà cuộc đời tốt đẹp đến thế kia?". Và cảm giác nhìn ngắm người khác hạnh phúc, lại là người từng chung sống với mình dưới một mái nhà, là một cảm giác vui mừng chân thành, nhưng cũng có một chút ảo não. Có lẽ, khó mà lí giải vì sao xuất hiện nỗi buồn, như một cánh hoa hồng trên dòng sông mênh mông cảm xúc kia. Vì nó phức tạp, hay vì chính mình không dám thừa nhận.

Du đương ngủ nghiêng người về bên trái, phía chiếc quạt máy nhỏ kê trên chiếc ghế ba chân màu nâu đã cũ đi nhiều. Buổi tối trời nóng, mồ hôi anh bám đầy trên trán, má, viền môi, và cổ. Hàng chân mày hơi nhíu lại tạo thành một đường thẳng ngắn ở giữa trán, trông như chiếc ô bị lật ngược. Những vết nhăn do tuổi tác hiện ra rõ ràng ở đuôi mắt, trông như những con sông hẹp dài đã cạn khô, chỉ còn lại một vùng đất đỏ nứt nẻ. Trăm phần trăm anh đang gặp ác mộng. Anh vẫn hay như vậy. Đêm nào cũng phải ôm chặt tôi, anh mới có thể ngủ ngon. Nhiều lần tỉnh giấc giữa trời sáng, cánh tay lại vô thức ôm chặt hơn, đến nỗi tôi phải cắn vào bắp tay, anh mới chịu nới lỏng. Như sợ chỉ cần bất cẩn một chút, màn đêm sẽ đem tôi đi, tan biến thành một trận gió thổi qua cánh hoa úa tàn. Tôi không hiểu cảm giác người ta sợ đánh mất nhau, dù thỉnh thoảng trong lòng tôi vẫn gợn lên suy nghĩ, rằng biết đâu hôm nay là ngày cuối chúng tôi ở cạnh nhau với tư cách là người tình. Nhưng suy cho cùng, đó cũng tồn tại vừa vặn như một sợi chỉ trong tâm tưởng. Như một giấc mơ nhạt nhòa mà khi tỉnh dậy người ta không buồn nhớ lại.

Du tỉnh ngủ, mắt còn mơ màng và trán nóng hôi hổi. Chiếc chăn vốn được ôm trong ngực như là gối, đã rơi xuống đất từ khi nào. Tóc anh bết lại vì mồ hôi và áo cũng ướt đẫm. Du không bao giờ nói tôi rằng anh mơ thấy gì trong những giấc ngủ ngắt quãng kia. Nhưng tôi biết rằng anh lại mơ thấy Hoài. Thỉnh thoảng tôi vẫn đoán rằng người mà anh ôm chặt như sợ sẽ tan biến vào màn đêm không phải là tôi, mà là cô. Tôi đoán, nhưng lại chắc chắn.

Buổi tối, đi xuống hết những bậc cầu thang có treo đèn lồng, chúng tôi gặp những người sống trọ ở dưới đất. Có đến cả chục đứa trẻ đang chơi trò trốn tìm. Các bà mẹ ngồi nói chuyện phiếm với nhau, vài người tết tóc cho con gái. Các ông bố làm vài ván cờ, uống vài li rượu. Từ đằng nào đó xa xôi, tôi nghe tiếng người ta cãi nhau. Những lời chửi rủa, miệt thị vang ra như tiếng chuông đêm. Có một thời gian tôi qua Pháp, trọ trong hẻm thông ra đường Perronet. Rẽ trái một quãng bằng hai ngã tư, Perronet cắt với đại lộ Saussaye, tọa lạc một trường tiểu học Công giáo tên The Marymount International School. Mỗi sáng cứ đến giờ vào học sẽ có người làm nhiệm vụ gõ chuông. Tiếng chuông ngân ra đến nỗi tôi nghĩ, ở bờ bên kia của thế giới, người dân Mexico cũng có thể nghe được.

Bỗng dưng tôi thấy chân mình lảo đảo. Những câu chuyện từ vùng hồi ức va vào nhau, những đại lộ nối dài, những gương mặt đàn bà đầy cay nghiệt lồng ghép nhau thành một bộ mặt đỏ lừ lừ như máu. Đêm chỉ mới vừa lên, nhưng nhìn trăng tưởng như ngày sắp rạng. Tôi ngồi lên yên sau. Vòng tay qua anh và ôm chặt. Như thể thở không ra hơi nữa, để mặc anh cài mũ bảo hiểm. Chẳng mấy chốc xe chạy như bay trên đường quốc lộ. Gió lạnh áp vào mặt tôi đến nỗi rát buốt. Tôi thấy những gương mặt đàn bà dần tách rời nhau ra, thành những hình thù rõ rệt.

Cuối cùng, những câu chuyện cũ đã có tên.

Đó là những người đàn bà sống đối diện phòng chúng tôi, vào mùa hạ năm đó, năm mười tám tuổi. Tôi với chị gái không đủ tiền để thuê căn phòng có ban công, mà chọn phòng nhỏ hơn ở ngay bên dưới. Đối diện là hai căn phòng rộng liền kề, nơi mà cả hai gia đình, hai thế hệ cùng nhau sinh sống. Hai người phụ nữ này mỗi ngày không có chuyện gì khác ngoài việc ngồi lê đôi mách, bình phẩm cuộc đời của những người xung quanh. Trước sân, bên dưới gốc cây bạch đằng dương, có một bộ bàn ghế thấp bằng gỗ mây. Bao giờ hai người phụ nữ nọ cũng ngồi đó, nói chuyện người này, bàn chuyện người khác. Toàn những lời mỉa mai chua cay. Hồi đấy, họ nói bọn tôi làm điếm. Bởi vì chị gái tôi thì quá xinh đẹp, còn tôi thì có hình xăm. Ba mẹ cũng hay chu cấp tiền dư giả, nên hầu như hai đứa tôi không thiếu thốn gì. Lại có một con xe to cồng kềnh, mỗi lần ra ngoài, phải cả hai đứa cùng áp vào dắt. Nên vì thế, họ đoán già đoán non, chúng tôi làm điếm. Tôi không buồn quan tâm nhưng chị gái thì lại hết sức lo lắng, vì vậy nên chúng tôi mới ra ngoài nói chuyện phải trái với họ. Vốn dĩ tôi cũng chẳng ưa gì những con người suốt ngày ngồi lê đôi mách thế này.

Kết quả của lần nói chuyện đó là một trận cãi nhau to, tôi bảo nếu còn lần nữa thì không ngại mang dao sang rạch mặt họ. Thế là êm chuyện. Nhiều ngày sau đó, không ai dám nhìn vào mắt của tôi. Cũng chẳng ai dám nói gì cả. Nên tôi học được một điều rất hay. Sống ở trên đời này muốn không bị người ta bắt nạt, nhất định phải thật mạnh mẽ.

Mãi nghĩ chuyện cũ, tôi mới thấy rằng Du đã đưa tôi vào trong nội thành. Về đêm không lung linh sắc màu, cũng chẳng nườm nượp người như Sài Gòn, Hà Nội, nhưng cũng đông đúc hơn hẳn so với ngoài thị trấn. Du cất xe rồi chúng tôi đi bộ trên vỉa hè. Thỉnh thoảng bầu trời hiện ra sau những mái nhà, toàn sao là sao. Du nắm tay tôi và cất vào trong túi áo khoác dày của anh. Trời bắt đầu ửng lạnh. Lòng bàn tay của anh lạnh buốt, và hơi thô ráp. Người có bàn tay thế này không hay ôm phụ nữ đâu. Tôi nghĩ, rồi tan ra trong điều buồn cười này.

Chúng tôi đã mất dấu dòng sông. Những con sông, đến nội thành đều không còn nữa. Tôi chẳng biết chúng đi đâu, nhưng không đổ ra biển. Tôi đã từng đến biển nhiều lần, biến cách nội thành chừng ba mươi phút xe máy thôi. Biển hoang sơ, tựa như một mình một cõi. Hồi mười tám tuổi, tôi tưởng như, biển là mọi thứ mình có trên đời.

Buổi tối, nhất định phải đi ăn cơm hải sản ở cuối phố ẩm thực. Một cái quán nhỏ không tên, tôi với Du đến ăn không biết bao nhiêu lần. Hồi tôi ở với chị gái, nơi này là một phòng tập thể hình. Nhiều năm sau, nhiều thứ thay đổi tưởng chừng như khó có thể nhận ra. Một trong số đó là cái phố ẩm thực này. Ngày xưa, nó là một phố bán quần áo, trang súc đã qua sử dụng, đối diện với một dãy các quán cà phê và phòng tập thể hình. Ở tận bên kia đường là hai hồ bơi. Một bên thuộc chính quyền, dành cho vận động viên luyện tập thi đấu. Một bên dành cho những kẻ thích quẫy nước. Tôi và chị gái cứ đến đây hoài. Và bọn con trai có lẽ còn chưa tốt nghiệp cấp ba, bên hồ vận động viên vẫn hay nhoài người sang tán tỉnh chúng tôi. Tất cả đều chỉ dán mắt vào chị gái, nên thỉnh thoảng tôi cũng không ý thức được việc mình hay là người bước đi nhanh hơn, khi hai người chúng tôi cùng đi với nhau.

Về sau này có một lần chị gái thất tình, rủ tôi đi mua sắm. Trên đường đi chị có tâm sự mấy chuyện, rồi đột ngột nói tôi hay có thói quen đi nhanh hơn chị. Lúc đó tôi mới biết rằng, hễ cứ đến những nơi đông người, tôi lại bước nhanh hơn, và để tóc rũ xuống che gần hết gương mặt. Tôi biết đó là một biểu hiện của nỗi buồn, tự ti và bất cần. Nhưng sau này khi mọi thứ trở thành thói quen, nguyên nhân hay lí do, đều vô nghĩa cả.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#niệm