Thành phố không người

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Khi mình thức dậy, lúc đó khoảng 2 giờ sáng, gió vẫn đập rung những ô cửa sổ. Tiếng nhỏ giọt vang lên đều đều chỗ bồn rửa. Phòng tối om.

Tóc.

Tóc.

Tóc.

Mọi thứ vẫn bình thường như mọi đêm. Chỉ là tất cả mọi người đều biến mất. Mình tự nhiên biết được điều đó.

Trong vòng khoảng nửa tiếng đến một giờ hơn, mình chỉ nằm và chẳng nghĩ gì cả. Giống như một cái xác nhưng tri giác thì vẫn còn. Không buồn thương, không đau đớn, không vui vẻ, không ngạc nhiên, không lo sợ. Cứ bình lặng và dửng dưng như thế. Liệu rằng điều đó có nghĩa là mình cũng đã biến mất? Ồ, đấy là suy nghĩ đầu tiên rồi: tư duy là tồn tại. Dù cái người nói ra cái câu đấy cũng đã chết từ 370 năm trước...

"Tại sao mình không biến mất?"

Vài hôm trước mình nằm mơ. Vớ vẩn thôi. Nơi đó là cái nơi mà mình gọi là nhà. Không hiểu vì sao mình lại được về nhà vào lúc đấy. Không hiểu sao mình lại đến nơi đó được. Trong một khoảng không tối om và mênh mông, căn nhà ba bốn tầng gì đó lơ lửng với những ánh đèn tù mù và vàng vọt như ánh nến. Có lẽ mình đã nhìn thấy nó ở trong một bộ phim chứ nhà mình không giống như thế này, tuy nhiên người mở cửa lại là mẹ mình. Thị không có vẻ gì là ngạc nhiên cả, y như thể mình vừa từ trường cấp ba về chứ không phải từ Pháp về. Lúc đấy cũng chả hiểu sao mình còn mang theo cả một túi bánh mì, và rồi cả nhà chia nhau ăn cái túi đó. Sau đó như thế nào thì mình quên rồi. Chỉ biết rằng lúc nào mơ ngủ, mình luôn cảm thấy sắp hết thời gian. Nhưng rồi mình chẳng hiểu sao lại nhớ đến những cái linh tinh như vậy nữa, thật là kì lạ. Cứ như thể việc mọi người biến mất không có vẻ gì là ghê gớm lắm.

Có những thời điểm trong đời mà mình chỉ nằm đó và mong mình biến mất trong giấc ngủ. Cứ như vậy mà biến mất như chưa từng xuất hiện. Không một ai nhớ rằng họ đã từng ngồi cạnh hay nói chuyện cùng mình. Không một ai nhớ rằng họ đã sinh ra mình. Ước gì mình biến mất.

Giờ thì tất cả mọi người trừ mình đều biến mất rồi, có điều mình vẫn nhớ họ. Mỉa mai làm sao. Như thể có một ai đó biết được những suy nghĩ thầm kín này và đang cố chơi khăm mình vậy.

Mình đã luôn muốn hét thật to khi không có ai xung quanh. Và mình đã làm thế, rồi tự thấy buồn cười. Thế là lại hét tiếp. Giờ thì chả sợ gì nữa. Mình đã có thể làm đủ thứ chuyện ồn ào và xấu hổ và ngu ngốc mà không một ai biết về nó. Có một thứ mà mình luôn muốn thử từ lâu. Bật dậy, cái dép đi trong nhà hơi lành lạnh dưới bàn chân. Chắc bên ngoài trời cũng đang lạnh. Áo khoác dạ để trong ngăn kéo. Hơi khựng lại bởi cái ý nghĩ liệu có người mặc hoodie đỏ nào đang nhìn mình từ ngoài cửa sổ không, mấy nỗi sợ mơ hồ kiểu như khuôn mặt của mình tự nhiên cười với mình trong gương lúc mình quay đi chỗ khác ấy. Sau đó thì mở cửa đi ra ngoài.

Đèn hành lang bị hỏng. Đúng lúc lắm. Y như trong giấc mơ hôm nọ, mình lơ lửng trong bóng đêm, nhưng bằng cách nào đó mà vẫn tiếp tục đi tiếp. Ra đến cầu thang thì phải bật đèn pin của điện thoại, không thì ngã mất, mà mình thì không muốn ngã xuống cái chỗ bẩn như thế.

Một luồng gió thốc vào mặt đến khô hết cả da. Lạnh thật. Những ngọn đèn đường vẫn sáng nên mình vẫn có thể thấy đường đi, vả lại mắt cũng đã quen dần với bóng tối. Không có điểm đến cụ thể nào cả, chỉ lang thang vậy thôi. Bình thường thì còn lâu mình mới ra khỏi phòng vào giờ này dù khá muốn, bởi vì mấy câu chuyện kiểu đâm chém, cướp giật hay hiếp dâm vẫn thường nhan nhản trên các báo, hoặc là người ta truyền miệng nhau, cảnh báo nhau. Chết kiểu đấy thì không lấy gì làm dễ chịu. Hồi còn nhỏ mỗi lần nhắc đến chết chóc thì mình khá sợ, chắc là vì không thường thấy hay bởi vì lúc đấy nghĩ rằng còn quá sớm để chết. Nhưng rồi đến một lúc nào đó mà cái chết đối với mình, dĩ nhiên vẫn sợ, nhưng đôi khi nó chỉ còn là nỗi buồn, hoặc là sự vô cảm. Người ta vẫn chết đầy ra mỗi ngày. Bà cụ ở đối diện, anh bảo vệ trẻ của toà nhà hồi trước, ông cụ hàng xóm mà ngày xưa mình rất sợ,... À thực ra ông hiền và tốt lắm, nhưng làm bác sĩ nên mình sợ thôi, nhất là khi mỗi lần viêm amidan toàn sang nhà ông lấy thuốc và bị dí cái que đè lưỡi đến lợm giọng. Sớm hay muộn gì cũng thế, chả qua là có dễ chịu hay không, nhưng chắc là hiếm lắm nên hạn chế được sự khó chịu được chừng nào thì hay chừng đó, hoặc có khó chịu thì cũng nên nhanh nhanh.

Có lần tò mò mình cũng thử rạch tay cho biết cảm giác, nhưng con dao nó cùn quá. Cầm lên rồi phải cứa qua cứa lại mới ra một đường nhẹ hều như vết xước, ra được tí máu, đến bây giờ cũng chả còn sẹo nữa. Nghe nói là nếu muốn nhanh chết thì phải rạch theo chiều dọc, nhưng mà mình thì tò mò muốn biết cảm giác thôi chứ không muốn chết. Cũng hơi đau đau. Dù sao thì mình không phải là Nicolae Minovici. Nicolae có kiên thức, có phương pháp nghiên cứu, còn có đồng nghiệp hay trợ tá để gỡ ổng xuống khỏi dây treo cổ, còn mình thì chẳng có ai hết, cũng chẳng có kiến thức. Cuối cùng kết luận lại là trò thử cảm giác này không thoả mãn trí tò mò cho lắm, mà cũng chả cần nữa, thế là từ lần đó trở đi mình chả thử lại lần nào. Thử xong mới thấy những người tự sát hẳn phải tuyệt vọng và khốn khổ thế nào mới chọn kết thúc đó. Việc sống đối với họ còn đáng sợ hơn cả việc lao vào đường ray lúc tàu điện đang chạy. Cái đấy thì mình cũng mới chỉ nghe kể từ một người bạn đi Paris về thôi, mấy vụ như thế xảy ra không thường xuyên, nhưng đủ nhiều để người ta không còn quá ngạc nhiên nữa. Có một điều khá buồn cười là từ ngày lên đại học thì càng ngày mình càng gặp nhiều người có vấn đề tâm lí hơn. Bạn từ hồi cấp 3, bạn mới quen, bạn của bạn mới quen, người quen... So với người ta thì mình khoẻ thật, chắc tại hay quên. Mà thôi, mình đoán là họ cũng đã một phần nào đó toại nguyện rồi. Tất cả bọn họ đều đã biến mất.

Đúng rồi. Không phải là họ được chuyển đến một nơi nào khác đâu. Họ đã thực sự tan biến.

Đây không phải là lần đầu tiên mình ra khỏi nhà vào giữa đêm, có điều lần này cảm giác hơi khác một chút. Lần đó mới chuyển chỗ ở quên đem ngòi chì theo, mà 2-3 giờ sáng lúc đó lại đang vẽ dở một cái tranh thì hết chì. Thế là 3h sáng mình đi bộ một mình về chỗ cũ để lấy, cách đó tầm 10-15 phút rồi lại quay lại cái ổ mới để vẽ tiếp. Mình đã có thể đi ngủ luôn để sáng hôm sau vẽ tiếp, nhưng thế quái nào vẫn đi lấy áo khoác. Hành vi quái gở và ngu ngốc này nếu để phụ huynh biết chắc họ sẽ đến tận nơi lôi cổ mình về mất, tệ lậu hơn nữa là nếu có chuyện xảy ra thật thì... À, thì thôi. Lúc đó gió sương lạnh buốt ù ù bên tai như tiếng hét. Vừa rảo bước vừa nơm nớp ngó quanh quất dè chừng, sẵn sàng chạy nếu có bóng người nào đó thình lình vụt ra trong những góc nhỏ tăm tối nơi bụi cây và các toà nhà. Lúc lấy được ngòi chì quay lại gần đến chỗ mới thì ra sức chạy. Đang chạy thì thấy có gì đó sang sáng như ánh đèn mà không phải ánh đèn. Ngẩng đầu lên nhìn, chỉ thấy vầng trăng.

Có lẽ một phần mình thích điều đó nên mới làm, vì sau khi lấy được ngòi chì về thì mình cũng chẳng vẽ thêm được cái gì cả. Sự hết ngòi hay bức tranh dang dở rốt cục cũng chỉ là cái cớ để đi lang thang ngắm mọi thứ vào ban đêm. Còn có khoảng hai, ba lần khác, nhưng chưa lần nào trải nghiệm đó được toàn vẹn như ý muốn, có lẽ một phần vì mình biết rằng luôn luôn có người, hoặc đi cùng mình, hoặc ở xung quanh. Thành phố về đêm như thể một thế giới khác song song vào lúc ban ngày. Nó im lặng và tồn tại ở đó như một ý niệm hay một suy tưởng mơ màng, ngẫu nhiên thoáng qua trong tâm trí. Nếu là những lần trước thì mình sẽ sợ những cái bóng đột nhiên xuất hiện trên mặt đường bên cạnh cái bóng của mình, hoặc là lẳng lặng đi theo, hoặc vụt ra từ một góc khuất. Bây giờ mình biết chắc là sẽ không có chuyện tương tự xảy ra, nhưng vẫn hơi sợ. Một nỗi sợ thật mơ hồ. Nghe nói có một khái niệm gọi là vô thức tập thể, nếu hiểu đúng thì có thể nỗi sợ bóng tối này bắt nguồn từ nó. Bản năng sinh tồn trong mỗi người không thể chối bỏ được. Nhưng dần dần, nỗi sợ biến thành nỗi buồn.

Giờ thì mình bỗng thấm thía cái việc mình là kẻ tồn tại duy nhất trên thế gian này. Thứ duy nhất mà mình có thể tâm sự cùng là cái bóng đang trải thành một vệt đen dài dưới chân. Thành phố chìm trong sự im lặng vĩnh cửu, tựa như một giấc ngủ dài thật dài và chẳng bao giờ tỉnh dậy nữa. Nó đã từng sinh động, từng ồn ào, từng bề bộn những thứ vui vẻ, gắt gỏng, suy tư, lơ đãng; những tiếng cười nói, tiếng người ta mỉa mai, tiếng van xin vài xu bên vệ đường, tiếng trẻ con liên tục hỏi mẹ nó mười vạn câu hỏi vì sao, tiếng nói chuyện qua điện thoại, tiếng thầm thì của những người yêu nhau, tiếng smartphone rung lên mỗi khi có tin nhắn...

Tất cả những thứ như vậy thật phù phiếm. Chỉ là khi càng trống rỗng thì người ta lại càng bấu víu vào những thứ phù phiếm, vì chỉ khi mải bấu víu vào những cái nhất thời thì mình mới né tránh được suy nghĩ về những thứ lâu dài hơn, mà thường thì chúng nó sẽ dày vò mình khổ sở. Rõ ràng, có một số thứ ai cũng biết rằng nó chẳng thể nào tồn tại mãi mãi được. Giống như thể hồi còn bé tí mình cứ muốn ngày nào cũng như ngày nào, hàng năm vẫn cứ như thế, hàng trăm năm cũng vẫn như thế, hàng vạn, hàng triệu, hàng tỉ năm... Mình muốn vĩnh viễn là một đứa trẻ, vĩnh viễn được ở cùng bố mẹ với ông anh, hằng ngày đi học cũng chơi với những đứa trẻ không bao giờ lớn như vậy, được chiều chuộng, được vẽ tranh, được buông thả bản thân trên những phím đàn, được tưởng tượng và đắm chìm trong những mộng tưởng. Như vậy thì những người mình thương sẽ chẳng bao giờ rời đi nữa. Chỉ tiếc là cuộc gặp gỡ nào rồi cũng sẽ có chia li.

Thường thấy mình nhiều người vẫn bảo là lúc còn bé thì muốn lớn thật mau, còn lúc lớn mới ước gì bản thân vẫn còn là một đứa trẻ. Nhưng thật sự từ ngày chưa vào lớp 1 mình đã nghĩ thế. Lúc đó có lẽ vì mình chẳng muốn vào lớp 1 tí nào, thậm chí còn sợ. Để chuẩn bị cho mình, lúc nào đi làm về mẹ cũng giữ mình lại rồi ra một bài toán, bảo mình đọc lời giải. Căn bản là lúc đó mình còn đang xem "Páo ờ pặp gờn" nên chả để ý mẹ dạy mình cái gì cả, thế rồi không trả lời được, cũng không thích trả lời.

Mình có thể thấy là mẹ rất thất vọng. Mẹ bảo: "Con này không bằng anh nó, không học toán được."

Thực tế cũng chứng minh, mình dốt toán, cũng không giỏi được như ông anh. Đến nỗi mà mẹ mình cũng phát ngán, bảo tiếp: "Nuôi mày tốn tiền hơn anh mày nhiều. Mày không xứng đáng với những gì tao bỏ ra."

Nếu chỉ đơn giản là một câu chửi thì ít ra còn có thể cãi lại, nhưng mỗi lần mẹ nói thế thì mình thường im luôn. Rồi nói gì bây giờ? Mày không thể nói lại gì được khi người ta nói đúng quá. Tiền ăn tiền học đều dựa vào bố mẹ. Đã thế còn chẳng có ý chí phấn đấu hay cố gắng gì cả. Dĩ nhiên là lúc nghe mình cũng khá là cáu. Nhưng mà giờ lớn rồi. Lúc đó đơn giản là lỗi của mình, và mẹ mình cũng đang giận. Đã thế còn nói đúng chứ đâu có sai. Việc gì lại phải để ý hay trách móc lời nói của một người thân trong lúc cáu giận? Thực ra suốt thời đi học, cũng có những lúc mình ghen tị với ông anh, nhưng anh mình có được những điều đó cũng là vì ông ý cố gắng và xứng đáng. Còn mình là loại sợ cố gắng, sợ cả hi vọng. Có lẽ vì vậy mà mình ít khi thất vọng so với mọi người nhỉ?

Phần lớn những buổi dạy như vậy đều kết thúc trong nước mắt. Mình khá là mít ướt, giờ cũng thế. Mỗi tội hồi trước mình sẽ gào thật to trước mặt người lớn để họ dỗ mình. Lúc nào khóc cũng muốn mẹ dỗ mình, dù chẳng bao giờ mẹ làm thế. Đôi khi mình tự hỏi, chẳng lẽ nói ngọt với mình lại khó thế, vì thực sự chỉ cần nói ngọt là mình sẽ nghe theo họ chứ không khóc hay vòi vĩnh gì nữa, kể cả không có được thứ mình muốn. Kì lạ là hết lần này đến lần khác mình vẫn khóc thật to để ăn vạ. Lớn lên, số lần ăn vạ ít dần, rồi mình không khóc trước mặt người khác nữa, trừ phi không kiềm được. Cảm thấy việc mình khóc lóc thật ngớ ngẩn, và càng khóc thì mình chỉ càng giống một con dở hơi trong mắt người ta. Nếu bố mẹ còn thấy thế, ông anh còn thấy thế, thì người ngoài chắc chắn sẽ chẳng quan tâm. Bây giờ mình đã luyện đến kiểu khóc không thành tiếng, thậm chỉ còn không bị nghẹn, không bị nấc, không có tiếng gì cả, hơi bị ngầu. Nếu có thì chỉ có tiếng khịt mũi, nhưng mà có thể giả vờ hắt hơi.

Lên đại học, phải đi xa, càng không muốn có người biết, nhất là bố mẹ hay người thân của mình. Lần này phải là vì họ không quan tâm mà chính là vì biết họ quan tâm nên mới giấu. Nghỉ hè không muốn về nhà. Cũng không phải là không nhớ, nhưng thực sự không muốn đối mặt. Chẳng lẽ mình xứng đáng?

Có một số chuyện thực ra không nhất thiết phải trải qua mà vẫn có thể hiểu được. Dĩ nhiên là tự trải nghiệm thì sẽ thấm hơn, nhưng đôi khi một vài biến động hay xáo trộn nhỏ trong cuộc sống cũng có thể khiến mình nhận thức được vấn đề. Ví dụ như câu "con làm mẹ rồi mới hiểu được lòng bố mẹ". Mình chưa làm mẹ, nhưng trước khi làm mẹ thì mình đã và đang làm con.

Một tuần trước khi mình thi đại học, mẹ phải đi công tác. Bình thường hai mẹ con ngủ cùng nhau. Đêm hôm đó mình chui vào giường trước, mẹ mình chui vào sau. Đèn tắt. Phòng tối om. Mẹ thỉnh thoảng có thói quen trước khi ngủ sẽ lảm nhảm với mình vài thứ, nên đêm đó cũng không tính là một đêm đặc biệt lắm. Chẳng thể nào nhớ hết được mẹ đã nói gì. Nhưng trước khi ngủ, mẹ bảo: "Mẹ chỉ sợ con gái mẹ khổ thôi." Lúc đó mình nằm quay lưng lại với mẹ. Mẹ ngủ rồi. Còn mình thì thức.

Có mẹ nào lại không muốn ấp con gái mình trong lòng bàn tay như công chúa, bảo vệ nó khỏi bất cứ tổn hại nào? Chỉ tiếc là họ không thể sống thay hay sống mãi với đứa con được.

Cái mối liên hệ kì diệu và vô hình giữa mẹ và con, đặc biệt là giữa mẹ với con gái, dù vô thức hay không, mình luôn luôn có thể cảm nhận được. Nó là một thứ gắn bó vô điều kiện, cảm giác như dù có đi hết cả đời cũng chẳng thể tìm thấy được một tình cảm hay niềm tin đơn thuần như thế. Kì thực, mình sẽ luôn luôn làm tổn thương những người mà mình biết rằng họ yêu mình nhất. Dù có làm bất cứ thứ gì, xấu xí đến đâu, ngoảnh lại vẫn có người tha thứ cho mình. Nhiều khi mình ỷ lại vào nó, lợi dụng nó. Mẹ sẽ không vì thế mà trách móc mình.

Điều đáng sợ nhất chính là những thứ tốt đẹp như vậy sẽ không tồn tại mãi mãi. Hay đúng hơn, "thứ còn lại mãi mãi thường là những thứ mà mình không thể nào thấy được", có người đã từng nói như vậy. Một ngày kia ngoảnh lại, mình sẽ không thể nhìn thấy hay ôm lấy người mình yêu thương và người yêu thương mình nữa.

Cảm giác mất mát ấy ngay từ khi còn nhỏ mình đã sớm quen rồi. Cái thời mình còn bé tí, việc khiến mình hốt hoảng nhất trong ngày, ngoài việc bị ăn mắng ra, chính là tỉnh dậy mà không thấy mẹ mình đâu. Mỗi đêm rồi mỗi đêm, đêm nào mình cũng bắt mẹ hát đi hát lại bài "Mẹ đứng dưới mưa che đàn con nằm ngủ". Còn mình thì ra sức ôm chặt lấy mẹ, ra sức tự nhắc mình không được ngủ. Thế nào mà lần nào cũng ngủ mất. Dù có ôm chặt đến mấy thì sáng dậy cũng chỉ thấy mỗi cái gối ôm. Đến bây giờ ngủ mình cũng vẫn cần gối ôm. Mọi người bảo mẹ mình đi làm. Mình nhỏ bé đến mức không hiểu ""đi làm "" là cái gì. Chỉ biết nhìn bóng lưng của mẹ trên chiếc xe máy Nhật cũ kĩ khuất sau con đường đất nhỏ cuối phố. Thầm nghĩ đó chắc chắn phải là một thứ quan trọng lắm mới khiến mẹ không ở nhà chơi với mình, nên tuy khóc cũng chẳng bao giờ gào ầm ĩ lên đòi mẹ ở lại. Nhưng cảm giác sợ hãi và bất lực thì vẫn còn.

Có đôi khi mình lại nghĩ, tại sao mình lại nỡ bỏ bố mẹ ở lại mà đi nhỉ? Suy nghĩ đó lần đầu tiên thoáng qua khi thị tinh tướng nói: "Mày cứ đi ngủ đi, thể nào mẹ cũng sắp xếp được." Ngày hôm sau mình phải ra sân bay rồi, vali cũng đã xếp hòm hòm, mỗi tội lần đó hơi nhiều đồ. Dưới sự thúc ép của thị thì cuối cùng mình cũng vào giường nằm, nhưng chốc chốc lại nghếch mặt lên. Góc nghiêng của mẹ mình với sống mũi thanh thấp thoáng sau tủ gỗ. Nhưng thị không hề khoác: bằng một sự vi diệu nào đó mà đống đồ lỉnh kỉnh kia chỉ nằm gọn ghẽ trong cái vali màu xanh đấy. Lúc nào những bà mẹ cũng có kĩ năng đặc biệt trong việc sắp xếp mọi thứ đâu ra đấy.

Và thế là ngày hôm sau chúng mình lại ra sân bay...

Hà Nội lúc đó đang về đêm. Mình ngồi dựa vào ghế trên taxi, nhìn ra ô cửa sổ. Mẹ mình đang ca cẩm gì đó về kẹo hay bánh thì cũng quên mất rồi. Những ánh đèn đủ màu sắc loang loáng lên như một miền kí ức tuyệt đẹp trong đêm tối, lặng lẽ nhoè đi qua hàng nước lăn dài trên cửa kính, và có lẽ là cả trên má mình.

Dù có vô thức, dù có quên đi, quá khứ vấn luôn ở đó. Chúng tạo nên hiện tại của mình, biến đổi mình, dù chỉ là trong vô thức. Thật khó để biết mình là ai. Chỉ cần chệch đi, dù chỉ tích tắc, mình đã không còn là con người trước đó một tích tắc nữa.

Những vấn đề này mình cũng đã suy nghĩ từ khá lâu về trước, nhưng chưa bao giờ tìm ra được một câu trả lời rõ ràng cả. Trước đây đã từng có hơn một "mình" tồn tại ở thế giới này. Điều này chỉ có thể xảy ra khi tương tác với người khác. Sẽ có một "mình" tồn tại trong tâm trí và ấn tượng của một người nào đó gặp thoáng qua trên đường chẳng hạn, cái "mình" này có thể rất xinh, có thể rất xấu, có thể rất tốt hay có thể rất không tốt. Có nghĩa là khi càng gặp càng nhiều người thì mình càng tạo ra nhiều bản thể của mình hơn. Trông tâm trí mình cũng sẽ có một "mình" đang tồn tại, nhưng không nhất thiết rằng "nó" là mình. Nếu như "nó" thực sự là mình thì sẽ không có chuyện đôi khi mình cảm thấy và làm ra những thứ mà mình từng nghĩ sẽ không làm hay cảm thấy thế. Lừa được "nó" rồi, mình sẽ lừa được tất cả những người còn lại.

Nhưng liệu rằng mình có phải tổng thể của những phiên bản đó? Liệu rằng nếu càng để lại ấn tượng tốt với nhiều người thì mình càng là một con người tốt đẹp không? Vậy thì đồng nghĩa với việc chấp nhận rằng con người mình được định nghĩa bởi những mối quan hệ, bao gồm cả mối quan hệ với bản thân, một thứ mà có đôi khi mình quên mất dù vẫn tiếp xúc thường xuyên với "nó". Điều này cũng có nghĩa là bây giờ chỉ còn lại mình và "nó", bởi vì ngoài "nó" ra thì tất cả những phần còn lại của con người mình đều đã biến mất rồi.

Cửa của khu nhà mình học vẫn còn mở. Đèn tự động bật lên ngay khi mình bước vào. Mình leo lên những bậc thang, đi ra hành lang. Dù có sáng sủa đến đâu, dù chả có ai ở đó, nhưng mình vẫn thấy sợ và bất an kiểu gì. Mình ngồi lặng im, nhìn vào tấm bảng đen thù lù trước mắt. Nếu có một bóng hình nào xuất hiện trên bục giảng, mình sẽ nói chuyện với nó. Đó có thể mà một hình thù kì quái, ngũ quan đảo lộn lung tung, có một cái cổ dài thật dài được vá lại từ những cái cổ của người khác, hai hốc mắt sâu hun hút, đen ngòm, nhưng mình vẫn biết là chúng đang nhìn mình. Chẳng có bất cứ ý nghĩa nào cho sự tồn tại của sinh vật đó. Cũng giống như chẳng có bất cứ lí do nào cho sự tồn tại của mình lúc này. Chúng mình sẽ làm bạn với nhau trong một khoảng thời gian dài thật dài sắp tới... Cho đến bao giờ? Chưa biết nữa.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro