Chương Mười Lăm + Chường Mười Sáu

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chương Mười Lăm

BÍ QUYẾT CỦA SỰ CHỮA BỆNH

I

       Bí quyết chữa bệnh hữu hiệu bằng khoa Nhân Điện đã được tiết lộ cho tôi do một kinh nghiệm mà tôi đã trải qua tại một làng nhỏ ở miền Nam Tích Lan.

        Một người bịnh bán thân bất toại, hay tê liệt hết nửa thân mình, được đưa đến cho tôi chữa. Tôi bắt đầu truyền điện trên cánh tay y dọc theo các đường gân và bắp thịt, và thỉnh thoảng thổi vài cái lên trên. Trong không đầy nửa tiếng đồng hồ, tôi đã làm cho cánh tay y co giãn được như thường đến mức y có thể vung tay vòng quanh đầu, mở và xếp các ngón tay tự nhiên, cầm bút, chí đến lượm kim gút, và làm mọi động tác tùy ý muốn.

        Kế đó, vì tôi đã chữa liên tiếp nhiều trường hợp tương tự suốt nhiều giờ và đã cảm thấy mệt mỏi, tôi mới yêu cầu Ủy Ban Tổ Chức hãy bảo y ngồi đợi, để cho tôi nghỉ ngơi giây lát.

        Trong khi tôi ngồi nghỉ và ngậm ống điếu hút thuốc, nhân viên Ủy Ban nói cho tôi biết rằng bịnh nhân ấy rất khá giả, Y đã tốn tiền bác sĩ, thuốc men hết một ngàn năm trăm Ru-pi mà bịnh vẫn không thuyên giảm. Y lại là một người rất hà tiện và ai cũng biết rõ tính keo kiệt, bủn xỉn của y.

        Ái chà! Trong tất cả những thói hư tật xấu ghê tởm nhất đối với nhà Huyền Học, thì tánh tham tiền là một: đó là một sự đam mê ti tiện và bỉ ổi nhất. Trong lòng tôi tự nhiên mất hết thiện cảm đối với người ấy. Theo lời đề nghị của tôi, Ủy Ban mới hỏi y định quyên góp bao nhiêu tiền vào quỹ phước thiện Phật Giáo. Y nói rằng y rất nghèo và đã tốn nhiều tiền cho các bác sĩ, nhưng y cũng đóng góp một Ru-pi! Thế là hết chỗ nói!

        Sau một lúc nghỉ ngơi, tôi lại tiếp tục chữa cái chân bại xuội của y và chỉ độ nửa giờ sau, cái chân y đã cử động và đi đứng được như thường. Y bước chân ra về một cách tỉnh táo lành mạnh như mọi người. Người thư ký của tôi cũng đã bảo y viết một chứng thư về sự chữa khỏi bịnh cho y và tôi còn giữ bức văn kiện ấy như một kỷ niệm trong chuyến đi hành đạo ở Tích Lan.

        Ủy Ban Tổ Chức công việc hoằng hóa Phật Pháp của tôi đã sắp đặt một loạt những chuyến đi thuyết pháp ở các vùng, mỗi lần kéo dài độ hai tuần lễ, rồi trở về Galle là địa điểm trung ương.

        Khi chuyến đi này kết thúc, một hôm tôi hỏi thăm về tình trạng sức khỏe của vài bịnh nhân mà tôi chú trọng nhất vì tính cách đặc biệt của chứng bịnh họ, trong số đó có trường hợp của bịnh nhân hà tiện bủn xỉn kể trên. Tôi rất ngạc nhiên mà nghe họ trả lời rằng cánh tay y đã hoàn toàn lành mạnh, nhưng còn cái chân thì không khỏi hẳn, mà đã trở lại tình trạng liệt bại như cũ.

        Tuy tôi không thấy có trường hợp nào tương tự trong các sách vở dạy về khoa Nhân Điện, nhưng cái lý do đã nổi bật ngay tức khắc: đó là bởi vì tôi đã mất thiện cảm đối với người kia sau khi nghe nói về thói bủn xỉn, hà tiện của y. Bởi vậy, nguồn sinh lực của tôi không rung động dọc theo Thần Kinh Hệ của y như trong trường hợp chữa cánh tay, và kết quả là chỉ có một sự kích thích lành mạnh tạm thời, rồi lại trở về tình trạng liệt bại như cũ.

        Trong cả hai trường hợp, tôi đã áp dụng cùng một kỹ thuật chữa bịnh giống như nhau, và đã truyền qua cho y một số lượng sinh lực đồng đều nhau, nhưng trong trường hợp sau, tôi không cảm thấy có chút nào tình thương và lòng hảo ý để đem lại sự khỏi bịnh thật sự và vĩnh cửu như trong trường hợp của cánh tay.

        vài nhà viết sách về khoa Nhân Điện, trong đó có tác giả Younger, cũng đã khẳng định rằng "tình thương là cái bí quyết căn bản để chữa hầu hết mọi bịnh tật bằng cách truyền Nhân Điện".

        Trường hợp trên cũng nhắc nhở sự thật của những giáo lý cổ xưa, dạy rằng những tư tưởng lành của ta đưa đến cho ngưới khác có tác dụng rất nhiệm mầu để gây cho y niềm phúc lạc và sự lành mạnh lâu bền, còn những tư tưởng ác đem lại một hậu quả trái ngược lại.

        Điều đó cảnh cáo ta hãy cẩn thận giữ gìn đừng nghĩ quấy cho kẻ khác, và bởi đó chúng ta sẽ hiểu dễ dàng lý do tại sao có sự sợ sệt những nhà phù thủy với những phép trù ếm và thốt ra những lời trù ẻo hại đời. Những việc đó đều có căn cứ chắc chắn, và người ta có thể sử dụng những sức mạnh vô hình để tác họa cũng như để đem niềm vui và hạnh phúc cho người chung quanh.

        Một trường hợp bị "Ma Nữ hấp tinh" đã được vị Sư Trưởng của một ngôi chùa đưa đến cho tôi chữa tại Galle. Một nhà sư trẻ độ chừng hai mươi bảy tuổi, từ hai hay ba năm qua đã bị một con Nữ Yêu (Yakshini) tác quái chọc ghẹo.

        Vị Sư Trưởng nói với tôi rằng con Nữ Yêu này đã đóng vai trò vợ ma của nhà sư trẻ, nhưng làm cho vị sư này trác táng quá độ giống như một người bị chứng "động tình"(nymphomania). Nhà sư trẻ bị "hấp tinh"như vậy nhiều lần mỗi đêm, làm cho thể chất y hao mòn đến độ chỉ còn da bọc xương.

        Vị Sư Trưởng bình tĩnh yêu cầu tôi chữa bịnh cho y. Cũng may là vài năm trước đây ở Mỹ Quốc tôi cũng đã có chữa khỏi một trường hợp tương tự, nhưng bịnh nhân là một người nữ, vì vậy nên tôi biết khá rõ là phải làm thế nào.

        Tôi dành cho chú sãi một khóa trị liệu bằng nước lạnh có truyền nhân điện, và bảo y hãy đến mỗi buổi sáng trong vòng một tháng, để nhận lấy phần nước đem về uống mỗi ngày. Sau một tháng, y đã được hoàn toàn khỏi bịnh. Kế đó, tôi cho mời vị Sư Trưởng đến và khuyên ông ta nên cho chú sãi hoàn tục, để cho y trở về lập gia đình và sống cuộc đời bình thường của một người gia trưởng. Thế là y cởi áo nhà sư và trở về nhà.

        Trường hợp này được giải thích một cách đơn giản là ảnh hưởng tác quái của con Nữ Yêu đã bị hóa giải và tiêu diệt bởi cái quyền năng Ý Chí mạnh mẽ hơn của tôi, và tác dụng thường xuyên của nước lạnh có truyền nhân điện đã trợ giúp thêm để tăng cường hiệu lực. Tất cả các nhà chữa bịnh bằng khoa Nhân Điện đều đồng quan niệm như nhau về sự công hiệu của nước lạnh có truyền từ điển như một phương thuốc trị liệu rất thần tình.

II

       Ngày 17 tháng 2, tôi xuống tàu đi Calcutta. Sau một chuyến đi thích thú, tôi cặp bến vào ngày 20 và được tiếp đón tại nhà Tân quán của Quốc Vương Jotendra Mohun Tagore. Ngôi dinh thự của ngài được biến thành một bịnh viện, vì bịnh nhân tề tựu rất đông để chờ đợi tôi cứu chữa cho họ.

        Một trong những bịnh nhân đầu tiên là một thanh niên Ấn bị bịnh động kinh (epilepsy), phát chứng lên cơn từ năm mươi đến sáu mươi lần mỗi ngày. Tuy nhiên, bịnh ấy thuyên giảm rất mau dưới bàn tay truyền điện của tôi, và qua ngày thứ tư, những cơn bịnh động kinh đã hoàn toàn dứt hẳn.

        Tôi không biết rằng sự khỏi bịnh này có được lâu bền hay không: chắc là không, bởi vì những nguyên nhân sâu xa đến nỗi đã gây nên một số phiền nhiễu những lần lên cơn như vậy mỗi ngày, không có lẽ lại bị tiêu trừ sau chỉ có vài ngày chữa trị.

        Đáng lý ra bịnh nhân phải được chữa trị trong một thời hạn lâu dài, có thể là nhiều tuần trước khi người ta có thể nói là y đã được hoàn toàn bình phục. Dẫu sao, sự việc đã xảy ra đúng như tôi đã nhận xét. Bịnh động kinh, tuy là một trong những chứng bịnh dễ sợ nhất, đồng thời cũng là một trong những bịnh dễ trị nhất bằng phương pháp truyền nhân điện.

        Ngoài ra, tôi cũng gặp những trường hợp lý thú tương tự khác nữa. Trong số đó có một thanh niên Bà La Môn, dộ chừng hai mươi tám tuổi, bị chứng tê liệt các đường gân trên mặt đã hai năm qua, làm cho y ngủ mở mắt vì không thể khép mí mắt lại, và không thể nói chuyện vì cái lưỡi không cử động được.

        Khi được hỏi tin y là gì, y chỉ có thể thốt ra một âm thanh chát chúa trong cổ họng, vì lưỡi và đôi môi đều tê cứng mà y không còn sử dụng được như ý muốn. Khi y bước vào phòng, y đứng nhìn tôi trong câm lặng và làm dấu ra hiệu để chỉ căn bịnh của y.

        Sáng hôm ấy, tôi cảm thấy sinh lực tràn đầy cuồn cuộn, cơ hồ như tôi có thể truyền điện cho một con voi. Tôi đưa cánh tay và bàn tay mặt thẳng lên trời, và đôi mắt nhìn thẳng vào người bịnh, tôi dõng dạc hô to bằng thổ ngữ Bengali:

        -Anh hãy khỏi bịnh!

        Đồng thới tôi hạ cánh tay xuống tư thế ngang bằng và chĩa bàn tay tôi vào mặt y.

        Lúc ấy bịnh nhân có phản ứng cơ hồ như bị điện giật. Y run rẩy khắp cả thân mình, đôi mắt y nhắm lại và mở ra, cái lưỡi y bị tê cứng đã lâu, nay lại le ra thụt vào, y thốt lên một tiếng kêu mừng rỡ với một âm thanh vang dội và sụp xuống lạy dưới chân tôi. Y vừa ôm hôn hai đầu gối tôi, vừa tỏ lòng biết ơn bằng những lời nói nhiệt thành rối rít.

        Cảnh tượng ấy thật quá đỗi thương tâm, sự khỏi bịnh của y thật quá đỗi nhanh chóng, đến nỗi mỗi người có mặt trong phòng đều chia xẻ nỗi cảm xúc lâm ly bi thiết của người thanh niên, và không có ai là người không rơi lệ. Chính tôi cũng vậy, và đó tức là đã nói rất nhiều.

III

       Trường hợp sau đây là trường hợp lý thú nhất. Một người tên Badrinath Banerji, luật sư tòa án ở thị trấn Bhagalpore bị hoàn toàn mù mắt, và phải được một đứa trẻ dắt đi. Sau khi đã qua tay những y sĩ nhãn khoa giỏi nhất của thành phố Calcutta và bị cho xuất viện vì võng mạc bị teo nhỏ dần không thể chữa khỏi, y đến yêu cầu tôi chữa bịnh cho y.

        Tôi nắm chặt hai bàn tay, chĩa ngón cái của bàn tay mặt trước một mắt của y, và ngón cái của bàn tay trái chĩa vào sau gáy (ót), tôi vận dụng ý chí phóng một luồng nhân điện từ đầu dương cực do ngón cái tay mặt chạy xuyên qua con mắt và bộ óc của người bịnh, cho tiếp nối với đầu âm cực ở ngón cái chĩa vào sau ót.

        Thế là tôi sử dụng thân mình tôi như một cái bình phát điện, giòng điện lưu thông theo một đường vòng khép chặt (circuit fermé)với lưỡng cực âm dương là hai ngón tay cái, để "sạt" điện vào con mắt và đường dây thần kinh trong khối não của người bịnh.

        Phương pháp "sạt điện "này được tiếp tục độ nửa giờ, trong khi đó người bịnh vẫn hoàn toàn tỉnh táo, thỉnh thoảng y cũng thốt lên vài lời để bày tỏ cảm giác mà y tiếp nhận được. Sau cùng, y thoáng thấy một tia sáng đỏ lờ mờ trong con mắt đó. Tôi bèn đổi qua con mắt kia, và cũng áp dụng một phương pháp tương tự, với kết quả cũng giống y như trước. Khi ấy, tôi mới cho y về và dặn y ngày hôm sau hãy trở lại.

        Qua ngày hôm sau, tôi lại tiếp tục, và lần này cái ánh sáng lờ mờ màu đỏ đã biến mất và trở thành màu trắng. Tôi kiên nhẫn chữa trị cho y luôn mười ngày liên tiếp, và sau cùng tôi đã thành công: thị giác của y đã được phục hồi trở lại, và y đã có thể đọc bằng một mắt những chữ in kiểu nhỏ nhất trên một tờ báo hay một cuốn sách, y không cần có người dắt dẫn, và đi đứng như mọi người thường.

        Trường hợp khỏi bịnh này đã gây dư luận sôi nổi, vì người này còn nắm giữ những chứng thư của những vị y sĩ ưu tú và nổi tiếng nhất tuyên bố rằng bịnh mù mắt của y không thể chữa khỏi. Vả lại, tật đui mù của y đã được tất cả mọi người biết và xác nhận trong tỉnh Bhagalpore.

        Giai đoạn tiếp theo sau sự khỏi bịnh này thật rất lý thú và lạ lùng. Thị giác của y đã lu mờ dần và tắt hẳn hết hai lần, và cả hai lần đều được tôi phục hồi trở lại; lần đầu tiên sau khi chữa khỏi được sáu tháng, và lần thứ nhì sau đúng mười hai tháng. Trong mỗi trường hợp, tôi đều thấy y lại hoàn toàn mù tịt, và đã làm cho y sáng mắt trở lại sau mỗi lần chữa trị độ nửa giờ.

        Muốn cho y được hoàn toàn khỏi hẳn, tôi cần phải có y ở bên cạnh tôi, để có thể chữa trị cho y mỗi ngày cho đến khi những triệu chứng của bịnh "thong manh" (teo con ngươi) đã bị hoàn toàn hủy diệt. Điều này về sau đã được thực hiện, và tật mù mắt của y không còn tái phát trở lại nữa.

        Tôi cũng rất may mắn và "mát tay" trong việc chữa bịnh điếc. Người anh của bịnh nhân mù nói trên là một công chức cao cấp Sở Bưu Điện, bị điếc đến nỗi người đối thoại phải la lớn vào lỗ tai y để cho y có thể nghe được, Sau hai lần chữa trị bằng nhân điện trong hai ngày liên tiếp, y đã có thể nghe tôi nói chuyện bằng một giọng bình thường ở một khoảng cách độ chừng mười lăm thước tây.

IV

       Trong số những người Âu đến viếng nhà Tân quán (trú quán dành cho tân khách) của Quốc Vương Mohun Tagore ở Calcutta để chứng kiến việc chữa bịnh của tôi, có Mục Sư Phillip Smith, thuộc một phái bộ Truyền Giáo người Anh. Ông ta rất nhã nhặn, lịch sự đối với tôi, và tôi đã dành cho ông ta mọi cơ hội thuận tiện để quan sát các sự việc, hầu có một nhận xét đúng đắn về khoa chữa bịnh bằng phương pháp truyền Nhân Điện.

        Ông ta theo dõi mỗi trường hợp, đưa ra nhiều câu hỏi cho mỗi bịnh nhân và ở lại bên cạnh tôi cho đến chiều tối, khi tất cả mọi người đã ra về. Kế đó, chúng tôi nói chuyện với nhau về vấn đề chữa bịnh, và phân tích tỉ mỉ từng trường hợp mà ông ta đã quan sát tại chỗ. Ông ta tuyên bố hoàn toàn thỏa mãn về sự giải thích của tôi, và nói rằng nếu ông ta không nhìn thấy tận mắt mọi việc đã xảy ra, thì có lẽ ông ta đã không thể tin được khi nghe người khác thuật lại.

        Kế đó, vị Mục Sư nêu ra vấn đề các phép lạ diễn tả trong Kinh Thánh, và phải thú nhận rằng ông ta đã thấy tôi chữa khỏi nhiều chứng bịnh một cách mầu nhiệm, giống như Đức Giê Su và các Thánh Tông Đồ đã làm khi xưa: làm cho người mù được sáng, người điếc được nghe, người câm được nói, người liệt bại quăng nạng gỗ, chữa khỏi các bịnh đau thần kinh, đau bụng kinh niên, phong giật, động kinh, và các chứng bịnh nan y khác.

        Tôi nói:

        -Thưa Mục Sư, xin ông vui lòng nói cho tôi biết: ông thấy việc chữa bịnh của tôi với những phép chữa bịnh diễn tả trong Kinh Thánh có khác nhau ở điểm nào? nếu những gì ông thấy tôi làm đều giống y như những trường hợp nói trong Kinh Thánh, thì phải chăng cả hai loại đều phải được giải thích giống như nhau? Nếu cách chữa bịnh trong Kinh Thánh được gọi là phép lạ, thì phải chăng phép chữa bịnh của tôi cũng phải được gọi như vậy? Còn nếu không phải, mà phép chữa của tôi chỉ là hoàn toàn đúng theo luật tự nhiên, thì tại sao lại muốn cho người ta tin rằng những phép chữa bịnh của Đức Giê Su và các Thánh Tông Đồ là do quyền năng thiêng liêng hay phép lạ nhiệm mầu. Phải chăng như vậy là không hợp lý?

        Vị Mục Sư ngồi suy nghĩ một hồi lâu, có vẻ đắm chìm trong cơn suy tư thâm trầm, và kế đó ông ta đưa ra một câu trả lời rất độc đáo mà tôi không bao giờ quên. Ông nói:

        -Tôi nhìn nhận rằng phép chữa bịnh trong cả hai trường hợp đều hoàn toàn giống y như nhau: tôi không còn nghi ngờ gì về việc đó. Tôi chỉ có thể giải thích bằng cách suy luận rằng những phép chữa bịnh của Đức Giê Su đã được thực hiện bằng sức người, tức là qua cái khía cạnh thể chất hồng trần của Ngài!

V

       Trước đây, những vụ chữa khỏi bịnh của tôi ở Tích Lan được phản ảnh rầm rộ trên báo chí, đã tạo nên một sự sôi động trong quần chúng Ấn Độ, và họ đã khẩn thiết yêu cầu tôi đi chữa bịnh cho họ trong tỉnh Bengale.

        Sự việc ấy nay lại tái diễn một lần nữa, vì những bài tường thuật hấp dẫn trên báo chí miền Bắc Ấn về việc làm của tôi, đã làm cho tôi bị mời mọc khẩn cấp, ráo riết để đi cứu chữa bịnh nhân ở miền Nam Ấn.

        Dân chúng vây phủ lấy tôi ở Tinnevelly, cũng như ở tất cả các ga xe lửa khác trong vùng, và tôi đã thực hiện vài vụ chữa khỏi bịnh nan y một cách rất thần diệu. Một thanh niên Ấn Độ chừng ba mươi tuổi được cha y dắt đến và yêu cầu tôi chữa tật câm cho y, mà y đã mắc phải từ ba năm về trước.

        Vì bị đám đông vây chặt làm nghẽn hết lối đi, tôi mới trèo lên bực tam cấp của ngôi đền Bà La Môn gần bên, và kéo người câm cùng bước lên với tôi. Lúc ấy tôi đưa tay làm hiệu để yêu cầu quần chúng giữ im lặng, và bảo người cha tuyên bố cho dân chúng biết tự sự.

        Sự việc diễn ra sau đó đã được một bạn đạo là ông Ramaswamier tường thuật lại và đăng trong mục phụ bản tạp chí Theosophist,tháng 8 năm 1883. Ông viết:

        "Giữa một đám quần chúng tề tựu đông đảo trước ngôi đền Nelliappa, Đại Tá Olcott đặt hai bàn tay lên người câm. Ông khoát tay bảy lần vòng quanh đầu, và bảy lần dọc theo thân mình người bất hạnh, tất cả mọi sự đã diễn ra trong không đầy năm phút, và người câm đã nói được!

        Giữa những tràng pháo tay vang động và những tiếng kêu hoan hô nồng nhiệt, Đại tá Olcott đã chỉ thị cho người câm thốt lên hồng danh của Shiva, Gopala, Rama, ramachandra và của các đấng Thần Minh khác một cách trôi chảy dễ dàng như bất cứ người nào trong đám đông đang chứng kiến sự việc ấy. Tin lành về việc chữa khỏi bịnh cho người câm đã loan truyền tức khắc khắp cả thành phố và đã gây nên một cơn xúc động sâu xa".

        Điều ấy cũng không lạ gì, vì khi tôi làm cho người câm hô to danh hiệu các vị Thần bằng giọng lớn tột đỉnh của y, thì một nửa đám đông vô cùng xúc động, bèn đổ xô ra đường như điên như dại, vung tay lên khỏi đầu, và la lớn khẩu hiệu ngạc nhiên, mừng rỡ theo kiểu Ấn Độ nghe rền cả một góc trời: Wah! Wah! Wah!(*)[ii]

        Trong tờ phụ bản tạp chí Theosophist tháng 5 năm 1883, độc giả sẽ thấy đăng tờ y chứng của Bác Sĩ Purna Chandra Sen ở Dacca, nói về việc tôi đã chữa khỏi trong vòng hai mươi phút, hai bịnh nhân bị chứng sốt rét trầm trọng, với hậu quả là bị sưng lá lách, mệt tim và loạn thần kinh.

        Cũng trong phụ bản tạp chí ấy ra số tháng 6 năm 1883, có bản tường thuật của Bác Sĩ Mohun Ghose về mười trường hợp khó trị do tôi chữa khỏi, trong số đó có trường hợp của chính ông ta.

        Đó là trường hợp mù mắt bên tay trái, mà các y sĩ nhãn khoa danh tiếng ở Calcutta đề tuyên bố là không thể chữa khỏi, và có thể là một chứng bịnh do bẩm sinh đã có. Bác Sĩ Mohun viết:

        "Nhưng hôm nay, sau vài phút truyền điện bằng cách thổi vào một cái ống dẫn điện nhỏ bằng bạc, Đại Tá Olcott đã phục hồi lại thị giác cho tôi. Ông bảo tôi nhắm con mắt bên Phải, và đọc bằng con mắt bên trái từ trước vẫn bị mù. Tôi đã đọc được báo in bằng kiểu chữ nhỏ loại thông thường. Những cảm xúc của tôi như thế nào, người ta có thể tưởng tượng rõ ràng hơn là do tôi diễn tả".

        Phải, nhưng hãy thử tưởng tượng những cảm xúc của các y sĩ nhãn khoa trứ danh của thành phố Cacutta, đã tuyên bố là con mắt ấy không thể chữa khỏi!

VI

       Vì những trường hợp chữa khỏi bịnh bằng nhân điện của tôi được các báo chí phổ biến rộng rãi và bình luận thường xuyên, nên độc giả có thể thích thú mà đọc một bản tóm lược những số thống kê do bạn Chandra Mukerji công bố, ông này cùng đi theo tôi suốt cuộc hành trình công tác đạo sự trong năm 1882 và trợ giúp tôi về phần việc của một bí thư. Ông cho biết tổng số bịnh nhân mà tôi đã chữa trị là hai ngàn tám trăm mười hai người trong một chuyến đi vòng quanh các thị trấn miền Đông Bắc kéo dài độ năm mươi bảy ngày.

        Bà C.Wallace, tác giả một bộ sách về khoa Nhân Điện, khi nhìn thấy bản thống kê tổng số bịnh nhân do tôi chữa khỏi trong năm ấy, có viết thư cho tôi biết rằng không một nhà chữa bịnh bằng Nhân Điện nào ở Âu Châu có thể thành công tới một nửa số đó.

        Lẽ tất nhiên, bà chỉ nói về những nhà chữa bịnh chuyên nghiệp như bà mà thôi, chứ không đề cập đến những bậc thiên tài như Schlatter, Newton, Linh Mục Ars, Zouave Jacob và những vị khác mệnh danh là có sự hỗ trợ của một quyền năng thiêng liêng. Riêng phần tôi, tôi thành thật thú nhận rằng tôi không thể nào chịu đựng nổi một sự phung phí sinh lực lớn lao và thường xuyên như vậy, nếu tôi không được sự trợ giúp thần lực của các đấng Chân Sư, tuy rằng điều này các Ngài không hề nói cho tôi biết.

        Điều mà tôi bắt buộc phải nhìn nhận là tôi không còn có được một quyền năng nhiệm mầu như vậy nữa kể từ khi tôi được lịnh ngưng mọi công tác chữa bịnh, tức là vào khoảng cuối năm 1885. Sau đó, tuy tôi đã luôn luôn cố gắng tối đa, tôi vẫn không chữa khỏi những trường hợp tuyệt vọng mà trước kia tôi đã có thể thành công dễ dàng với chỉ độ nửa giờ chữa trị, hoặc có khi ít hơn.

        Sau đó, tại Bombay, tôi được lịnh của Sư Phụ truyền cho tôi hãy ngưng tất cả mọi công tác chữa bịnh cho đến khi có lịnh mới. Sự ngăn cấm này không phải đến quá sớm vì tôi nghĩ rằng chính tôi cũng có thể bị tê liệt nếu tôi vẫn tiếp tục cố gắng và dùng sức quá nhiều vào việc ấy.

        Khi đến Madras, một buổi sáng tôi nhận thấy ngón tay trỏ bên bàn tay trái của tôi không còn cảm giác, và đó là một sự cảnh cáo rõ rệt cho tôi biết là tôi phải cẩn thận. Ở những trạm dọc đường giữa Madras và Bombay, tôi đã phải mất nhiều thì giờ hơn và dùng sức cố gắng lớn lao hơn nhiều để chữa khỏi những chứng bịnh tương tự so với những lần trước đây, và tỷ lệ thất bại cũng cao hơn nhiều.

        Điều này cũng không lạ gì, vì sau khi chữa trị bằng cách này hay cách khác độ tám ngàn bịnh nhân trong vòng mười hai tháng, thì dù cho một lương y có sinh lực dồi dào mạnh khỏe nhất, đừng nói chi một người tuổi ngoài năm mươi, cũng phải cảm thấy kiệt sức và nguồn sinh khí của mình bị khô cạn.

        Vả lại, với những chuyến du hành mệt mỏi thường xuyên, việc ngủ nghê ăn uống thất thường, sự lao phí tâm lực để trả lời thư tín bốn phương, tiếp khách hằng ngày, và những buổi thuyết pháp hầu như mỗi ngày của tôi về những đề tài triết lý thâm sâu, những điều này đương nhiên là phải đưa đến cái hậu quả nói trên.

VII

       Sau khi lịnh ngưng công tác chữa bịnh của tôi được giải tỏa, tôi lại tiếp tục làm việc.

        Trong một chuyến đi hành đạo ở Madura, miền Nam Ấn, có rất đông bịnh nhân tề tựu đến nhờ tôi chữa bịnh, và mỗi trường hợp chữa khỏi bịnh lại làm cho dân chúng càng thêm sôi động. Tôi đã phải nhờ Ban Tổ Chức sắp đặt trật tự, và chọn lựa những bịnh nhân được chữa ưu tiên, trong số quần chúng vây chặt và xô đẩy nhau ở cửa vào.

        Báo cáo của một bạn đạo gửi đăng tạp chí Theosophist cho biết rằng tôi đã truyền điện cho hai mươi bảy bịnh nhân, và những trường hợp khỏi bịnh đáng kể nhất gồm có ba người điếc, một trường hợp bịnh thấp khớp tủy xương sống đã kéo dài chín năm mà y học không thể chữa khỏi, và hai chứng liệt bại.

        Nói chung, đó là một loạt những sự việc mệnh danh là "phép lạ", mà nếu được một giáo sĩ của bất cứ một tôn giáo nào khai thác triệt để, cũng đủ chứng minh cho người đới thấy rằng y là ngưới có Thiên Ân Sứ Mạng; vì quần chúng mê tín dị đoan của bất cứ nước nào cũng sẵn sàng tin tưởng như vậy.

        Độc giả sẽ nhận thấy rằng nếu hai nhà Sáng Lập Hội Thông Thiên Học Thế Giới quả thật là những kẻ gian trá lừa bịp như họ thường bị vu khống, thì họ đã có thể tóm thâu những số bạc khổng lồ và được tôn sùng như thần thánh, thay vì chỉ có những số lợi tức ít oi như được tường trình trong các bản báo cáo tình hình tài chính hằng năm của Hội.

        Không phải là chúng tôi không có cơ hội, bởi vì mọi cơ hội tốt mà bất cứ một nhà cải tạo tôn giáo nào ở Ấn Độ đã từng có, thì chúng tôi cũng đã có.

        Trong thời kỳ mạt pháp hiện tại, mà lòng tín ngưỡng đã suy thoái, và các hàng giáo phẩm, tư tế đã lụn bại, đồi trụy tinh thần, thì những phép thuật thần thông của bà HPB và phép chữa bịnh nhiệm mầu của tôi đã gây ấn tượng sâu xa vào tâm hồn dân chúng đến mức làm cho các nhà tỷ phú sẵn sàng hiến dâng tiền bạc của cải dưới chân chúng tôi, và những số bạc khổng lồ đã được cung hiến để cho chúng tôi biểu diễn quyền năng trước mắt họ(*)[iii]

        Chúng tôi đã từ chối tất cả những đề nghị đó với một sự thành thật hiển nhiên, và đó chính là cái bí quyết làm cho chúng tôi được quần chúng mến phục và kính trọng ở khắp mọi nơi trong xứ Ấn Độ, kể từ lúc đầu cho đến bây giờ.

        Nếu chúng tôi đã thâu nhận một món quà nào cho riêng mình, thì toàn thể quần chúng Ấn Độ có lẽ đã bỏ rơi chúng tôi trong cơn khủng hoảng về vụ Coulomb, buôn thanh62 bán thánh, hoặc "lấy Đạo tạo Đời".

        Trái lại, với tình trạng hiện hữu, tất cả các nhà Truyền Giáo của mọi chi phái và tất cả mọi tổ chức hiệp hội trên thế giới, vẫn không thể lấy mất đi cái cảm tình mà chúng tôi gây nên trong lòng của dân chúng Ấn, dẫu rằng họ thuộc một thế hệ suy đồi!

Chương Mười Sáu

CHÂN SƯ K.H. TẠI LAHORE

I

        Trong một chuyến đi hành đạo ở miền Trung Ấn, khi đến Sholapore một người cộng tác mới là bạn W.T.Brown quê tại Glasgow (Anh Quốc), tháp tùng đi với chúng tôi.

        Y từ Anh Quốc sang đây do sự thúc đẩy của lòng mong muốn phụng sự, và vừa mới đến Madras. Y có viết thư cho tôi, bày tỏ thiện chí tình nguyện trợ giúp tôi trong công việc đạo sự.

        Tôi đã trả lời cho y bằng một bức thư lời lẽ lịch sự nhưng rất thẳng thắn, cảnh giác cho y biết trước về sự hy sinh mà y phải chịu; sự vô ơn bạc nghĩa của người đời; những sự lừa đảo phản trắc cá nhân; những sự vu khống bôi lọ thanh danh; sự nghi ngờ bất công về ý đồ hay mục đích của mình; và những chuyến đi vất vả mệt nhọc đêm cũng như ngày, bằng đủ mọi thứ phương tiện di chuyển thô sơ và thiếu tiện nghi.

        Tôi cũng khuyên y nên trở về xứ nhà nếu y thấy có triển vọng nào khác, để cho bà HPB và tôi tiếp tục công việc mà chúng tôi đã bắt đầu với một tinh thần tỉnh táo chứ không ảo vọng.

        Sự trả lời của y là một bức điện tín cho biết y sẽ đến với tôi, và y đợi tôi tại ga Sholapore.

        Đây nhắc lại trường hợp của Damodar Mavalankar. Khi người bạn trẻ này gia nhập Hội Thông Thiên Học và đặt hết cả tâm hồn công việc phụng sự, y được cha y cho phép đến sống chung với chúng tôi, bất chấp cả những quy luật hạn chế về giai cấp và sống theo giới luật khổ hạnh giống như của một tu sĩ xuất gia.

        Theo tập quán của người Bà La Môn, Damodar đã có đính hôn ngay từ khi còn nhỏ, đương nhiên là không có sự chấp thuận của y. Đến giai đoạn trưởng thành, là thời kỳ y phải bước vào đời sống có gia đình.

        Tuy nhiên, nguyện vọng duy nhất của y trong đời là sống một đời sống tâm linh thoát tục, nên y coi hôn nhân như là một chướng ngại ghê gớm. Y cảm thấy mình là nạn nhân của phong tục tập quán, và rất muốn được giải thoát khỏi sự giao kết ràng buộc kia đi, để y có thể trở nên một đệ tử chân chính của Chân Sư K.H., mà y đã nhìn thấy linh ảnh khi còn bé thơ, và lại có dịp nhìn thấy Ngài sau khi y đến với chúng tôi.

        Cha y vốn là một người hiểu rộng và khôn ngoan, sau cùng đã bằng lòng. Damodar bèn ký thác cho cha y phần gia tài ruộng đất của y do tổ phụ để lại, mà nếu tôi nhớ rõ, thì trị giá đến năm mươi ngàn Ru-pi, với điều kiên là người hôn thê thơ ấu của y phải được cha y đem về nhà và nuôi dưỡng tử tế.(*)[iv]

        Khi đến Kanpur, tôi đã có những bằng chứng về sự phát triển tâm linh mau chóng của Damodar. Như đã nói trước đây, trong một cơn bịnh nặng hồi còn thơ ấu, y được sự viếng thăm của một đấng Cao Cả mà nhiều năm về sau y đã có thể nhận ra như một trong các đấng Chân Sư, sau khi gia nhập Hội Thông Thiên Học.

        Kể từ khi đó, mối liên hệ mật thiết giữa Chân Sư và đệ tử đã được thiết lập, và Damodar đã đặt hết cả tâm hồn vào việc tu luyện, ăn uống đạm bạc, tham thiền đúng giờ khắc, luyện đức tính hoàn toàn vị tha vô kỷ, và làm việc ngày đêm không quản công lao khó nhọc để làm tròn chức vụ mà tôi giao phó cho y trong ban Quản Trị Hội Thông Thiên Học.

        Y tham gia chuyến đi công tác này của tôi là thừa lịnh của Sư Phụ y, và trong suốt thời gian hành trình, chúng tôi đã có nhiều bằng chứng về sự tiến bộ tâm linh mà y đã thực hiện được.

        Tôi còn nhớ rằng vào buổi chiều chúng tôi vừa đến Kanpur, y đã làm tôi ngạc nhiên bằng cách nhắn miệng với tôi một thông điệp của Chân Sư để trả lời tôi về một việc mà tôi đang băn khoăn do dự không biết phải giải quyết bằng cách nào.

        Y còn nói thêm rằng tôi sẽ thấy bức thông điệp ấy viết trên một tờ giấy nằm trong một hộc tủ có khóa lại cẩn thận, mà chìa khóa nằm trong túi áo của tôi. Khi tôi đi mở hộc tủ, tôi thấy bản thông điệp viết tay mà y vừa nói, và đó chính là thông điệp của Đức Chân Sư K.H. gửi cho tôi.

        Vào ngày thứ hai khi đến Kanpur, tôi nhận được một bó thư tín chuyển đến cho tôi từ Adyar. Trong số đó có một bức thư của ông Sam Ward gửi từ Capri, có kèm theo một thông điệp gửi cho Chân Sư K.H., mà y yêu cầu tôi chuyển đạt cho Ngài nếu có thể.

        Vì lúc ấy Damodar mỗi đêm đều xuất Vía đi đến đạo viện của Chân Sư, nên tôi đưa bức thư ấy cho y, và nói rằng y có thể hỏi Ngài xem y có nên đem theo bức thư ấy hay không.

        Đó là vào buổi trưa ngày 4 tháng 11 năm 1883, và chúng tôi đang ở tại Kanpur, thuộc vùng Tây Bắc. Độc giả hãy nhớ rõ chi tiết này để theo dõi phần nối tiếp ở một đoạn sau  

        Sau một buổi thuyết trình và làm các công tác đạo sự khác, chúng tôi từ Kanpur đi theo lộ trình đã vạch sẵn, qua các thị trấn Lucknow, Bareilly và Moradabad. Ở một nơi chương trình hành sự gồm có việc tiếp khách, thảo luận về đạo lý, và thuyết pháp công cộng trên diễn đàn.

        Tại Moradabad, bạn Damodar đã cho tôi thấy một bằng chứng khác nữa vế khả năng Xuất Vía của y. Y xuất hồn đi đến Adyar, nói chuyện với bà HPB, nghe giọng nói của một vị Chân Sư thốt ra một thông điệp giử cho tôi, và yêu cầu bà HPB hãy giử điện tín cho tôi phần nội dung của bức thông điệp ấy để chứng tỏ cho tôi thấy tính cách chính xác của các sự việc xảy ra.

        Khi y trở về và báo cáo lại với tôi mọi việc, y đọc lại bức thông điệp của Chân Sư bằng trí nhớ như y đã nghe, và tất cả mọi người có mặt trong văn phòng đều ký tên vào một bản chứng thư để chứng nhận việc ấy.

        Sáng ngày hôm sau, người thư tín viên của Sở Bưu Điện đem lại cho tôi bức điện tín của bà HPB. Bức điện tín ấy xác định nội dung bản thông điệp như Damodar đã đọc lại ngày hôm trước, và các nhân chứng có mặt trong phòng cũng lại đồng ký tên vào phía sau bức điện tín để xác nhận việc ấy.

        Trạm kế đó trên lộ trình là Aligarh, và tại đây vào ngày 12 tháng ấy, sự việc đã diễn biến tiếp nối theo vụ bức thư của ông Sam Ward gửi cho Chân Sư K.H.

        Tại nhà bưu điện, tôi nhận được thư tín từ Adyar, trong số đó có một bức thư của bà HPB đề ngày 5 tháng 11, kèm theo với bức thư của ông Sam Ward gửi cho Chân Sư K.H. mà tôi đã nhận được trước đây từ Capri (Ý Đại Lợi), và đã đưa cho Damodar tại Kanpur vào chiều ngày 4 tháng 11, tức là cách một đêm trước khi bà HPB gửi thư ấy tại Adyar.

        Bức thư của bà có đóng dấu gửi đi tại nhà bưu điện Adyar, ngày 5 tháng 11, và con dấu nhận được tại Aligarh ngày 10 tháng 11, hai địa điểm này cách xa nhau năm ngày đường xe lửa. Bức thư ấy đã nằm tại nhà Bưu Điện Aligarh hai ngày trước khi tôi đến nhận thư.

        Đó là một trường hợp có thể chúng thực về việc chuyển di tức khắc một vật thể giữa hai địa điểm cách xa nhau trong không gian. Không thể có sự giả mạo hay ngụy tạo trong vấn đề này, do bằng chứng rõ rệt là những con dấu nhà Bưu Điện đóng ở ngoài bì thư như đã diễn tả ở trên.

        Damodar có kể cho tôi nghe một việc lý thú liên quan đến chuyến đi bằng Thể Vía của y. Như thường lệ, khi thể xác y đã ngủ mê, y Xuất Vía vượt qua không gian bay thẳng đến nhà Chân Sư trên dãy núi Tuyết Sơn, nhưng khi đến nơi, y thấy rằng Chân Sư cũng đã Xuất Vía đi đâu mất rồi!

        Kế đó, do bởi quyền năng hấp dẫn của Ngài đối với người đệ tử, thể Vía Damodar đã bị cuốn hút mãnh liệt và đến với Ngài tức khắc chẳng khác nào như y bị giòng nước xoáy mạnh và sâu thẳm cuốn trôi đi.

        Trong giây phút, Damodar đã thấy mình ở tại Adyar, đứng trước mặt Chân Sư và bà HPB. Khi y đi ngủ, y đã cầm trong tay bức thư của ông Ward, và thư ấy dường như đã cùng với y đi lên cõi Trung Giới, lẽ tất nhiên là đã chuyển biến từ trạng thái vật chất cụ thể sanh trạng thái khinh thanh của chất dĩ thái hay chất thanh khí cõi Trung Giới.

        Khi y nói với Chân Sư về bức thư ấy, y vẫn cầm nó trong tay và trao nó cho Ngài, kế đó Ngài bảo y hãy quay trở về nhà. Do một thứ quyền năng bí hiểm thuộc về khoa Vật Lý hay Hóa Học Siêu Hình, bức thư bằng chất dĩ thái khinh thanh đã được phục hồi trở lại trạng thái đông đặc vật chất, được bà HPB cầm lấy, và ngày hôm sau, được gửi qua đường bưu điện d8en61 địa chỉ của tôi ở Aligarh. Việc gì xảy ra sau đó, thì ai cũng biết rồi.

        Nếu tôi biết rành về khoa học hơn, thì tôi đã dùng sự việc này, cùng với hiện tượng cái khăn vấn đầu mà một vị Chân Sư khác đã cho tôi khi Ngài đến viếng tôi bằng Thể Vía ngay trong phòng của tôi ở tại New York trước đây, và những trường hợp chuyển di các đồ vật khác nữa, làm một đề tài thảo luận về việc người ta có thể biến đổi những đồ vật từ trạng thái vật chất cụ thể, hữu hình qua trạng thái khinh thanh, vô hình vô ảnh của những vật thể trên cõi Trung Giới.

        Sự biến thể đó có thể tác động theo hai chiều đối nghịch nhau, tức là từ trạng thái vật chất hữu hình trở thành siêu hình và từ trạng thái khinh thanh quay ngược trở về trạng thái vật chất hiển hiện cụ thể. Những nhà khảo cứu uyên bác về những hiện tượng thông linh đều biết rõ vấn đề này.

        Kế đó, chúng tôi đi Delhi, Meerut và Lahore, tại đây đã diễn ra những sự việc độc đáo. Giữa hai trạm sau này, Damodar đã thực hiện một chuyến đi khác bằng Thể Vía cũng rất lý thú và đáng ghi nhớ.

        Chúng tôi ba người, kể cả bạn Narain Swamy Naidu cùng đi chung trong một toa xe lửa. Damona có vẻ thẫn thờ dường như buồn ngủ, và bước lên một băng "cút -xét" để nằm ngủ, còn tôi ngồi đọc sách dưới ánh đèn của toa xe.

        Thình lình, Damona bước đến gần tôi để hỏi giờ, tôi nhìn đồng hồ riêng của tôi thì thấy gần sáu giờ chiều. Y cho tôi biết rằng y vừa từ Adyar trở về, tại đó bà HPB vừa bị một tai nạn, mà y không thể nói là nặng hay nhẹ, nhưng y nghĩ rằng bà đã đi vấp chân vào tấm thảm lót và đã té ngã quỵ trên đầu gối bên tay mặt.

        Độc giả sẽ thấy rằng Damona chỉ là một người sơ cơ trên đường Huyền Môn, và không thể nhớ rõ một cách chính xác việc gì đã xảy ra ở cõi giới bên kia khi y trở về tâm thức ngoại giới hồng trần.

        Khi tôi nghe y kể chuyện ấy, tôi làm ngay hai việc sau đây để biết rõ sự thật. Tôi viết một bản chứng thư về sự việc này và yêu cầu bạn Narain Swamy hãy cùng tôi ký tên vào đó, có ghi rõ giờ khắc. Đến nhà ga kế đó, tức ga Saharanpore, tôi gởi điện tín hỏi bà HPB:

        "Tai nạn gì đã xảy ra tại Adyar lúc sáu giờ chiều nay?"

        Chúng tôi đến Lahore vào lúc chín giờ sáng ngày hôm sau, và được đưa đến một trại lộ thiên gồm có sáu chiếc lều cá nhân (dùng để ở) và bốn chiếc lều công cộng căng bằng vải cứng dùng làm chỗ hội họp và chỗ thuyết giảng, dựng lên trên một khoảnh đất trống ở ngoại ô phía Bắc thành phố.

        Chúng tôi kể cho các bạn đạo nghe câu chuyện xảy ra đêm hôm trước trên xe lửa, và đưa tờ chứng thư ra cho họ xem: tôi yêu cầu các bạn có mặt lúc ấy ký tên vào đó và ghi nhận rằng lúc ấy bức điện tín mong đợi của bà HPB vẫn chưa đến.

        Kế đó mọi người từ giã tôi để đi tắm và ăn sáng, và trong khi tôi đang ngồi trong lều vải với ông R.C.Bary, chủ bút tạp chí Arya,thì một người đem thơ của Sở Bưu Điện bước đến gần chúng tôi, tay cầm một bức điện tín có bọc trong một bao giấy màu nâu.

        Tôi yêu cầu bạn Ruttan Chand hãy cầm lấy bức điện tín trong tay y để chờ đợi cho đến khi những người bạn khác trở lại rồi sẽ mở ra và đọc trước mặt mọi người.

        Việc này được thi hành vào đúng mười hai giờ trưa, do ông R.C.Bary thực hiện và chín bạn đạo có mặt đồng ký tên ở phía sau bức điện tín để chứng thực các sự việc.

        Nội dung bức điện tín như sau:

        “Tôi vấp phải chiếc ghế bành, té nặng trên đầu gối tay mặt, ngã vào mình bà Coulomb, làm ông bà Morgan hốt hoảng. Damodar làm chúng tôi giựt mình”.

        Bức điện tín của tôi gửi từ Saharanpore đến tay bà HPB vào đêm 17; điện tín trả lời của bà HPB đề ngày 18 tại Adyar lúc bảy giờ năm mươi lăm và tôi nhận được tại Lahore vào giữa trưa hôm ấy. Sự sai biệt về chi tiết giữa câu chuyện tường thuật của Damodar và bà HPB cũng không làm ai ngạc nhiên vì trình độ sơ cơ của Damodar lúc ấy, còn sự việc chính, tức là việc bà bị té nặng và bị thương trên đầu gối bên tay mặt được hoàn toàn xác nhận là đúng.

II

       Lều trại của tôi được khách đến viếng thăm rất đông suốt ba ngày liền trong thời gian chúng tôi lưu trú tại Lahore, và tôi có thuyết pháp hai lần dưới lều vải công cộng trước một đám quần chúng đông đảo.

        Đêm hôm 19, tôi đang ngủ trong lều, thình lình tôi thức giấc khi tôi cảm thấy có một bàn tay sờ vào mình tôi. Trại này được dựng lên giữa đồng trống, và ngoài ra sự bảo vệ của Cảnh Sát thành phố Lahore, phản ứng đầu tiên của tôi là tự vệ chống lại một kẻ cuồng tín tôn giáo có thể đến ám sát tôi.

        Tôi bèn ngồi nhổm dậy, nắm chặt lấy hai cánh tay người lạ mặt và hỏi bằng thổ ngữ Hindoustani rằng y là ai và y muốn gì.

        Việc ấy chỉ xảy ra trong chớp mắt, và tôi giữ chặt lấy người kia, trong tư thế  tự vệ của một người trước cơn nguy biến có thể bị hành hung bất ngờ và phải bảo toàn tính mạng của mình.

        Nhưng ngay khi đó, một giọng nói êm ái dịu dàng thốt lên:

        -Anh không biết tôi sao? Anh không nhớ tôi chăng?

        Thì ra đó là giọng nói của Chân Sư K.H. Sự cảm xúc của tôi liền thay đổi đột ngột, tôi bèn buông tay ra, chắp hai tay kính cẩn vái chào ngài, và muốn nhảy ra khỏi gường nằm để đảnh lễ Ngài.

        Nhưng Ngài đưa tay ngăn tôi lại, và sau khi đã trao đổi với nhau vài câu, Ngài nắm bàn tay trái tôi trong tay Ngài, cuốn tròn những ngón tay mặt của Ngài trong lòng bàn tay tôi, và đứng yên bên cạnh giường, trong khi đó tôi có thể nhìn thấy gương mặt đầy hảo ý và thánh thiện của Ngài dưới ánh đèn trong lều.

        Sau một lát, tôi cảm thấy một vật gì mềm mại tượng hình trong bàn tay tôi, kế đó Chân Sư đặt bàn tay trên trán tôi, thốt ra một lời ban ân huệ, và sau khi rời khỏi gian lều ngăn đôi của tôi, Ngài bước qua gian kế bên để thăm ông W.T.Brown, ông này ngủ ở gian bên cạnh, sau một tấm vách ngăn bằng vải cứng chia lều ra làm hai buồng.

        Khi tôi có thời giờ để thu thập tinh thần và chú ý đến mình, tôi thấy tôi đang nắm trong bàn tay trái của tôi một tờ giấy xếp làm tư gói trong một cái khăn lụa. Động tác đầu tiên của tôi lẽ tự nhiên là bước đến gần đèn, và mở tờ giấy ra đọc.

        Đó là một bức thư khuyên bảo về việc riêng tư của tôi, có chứa đựng những lời tiên tri về cái chết của hai người đối thủ tích cực chống lại Hội Thông Thiên Học lúc ấy, nhưng không nói rõ tên. Lời tiên tri này đã ứng nghiệm với cái chết của Swami Dyanand Saraswati và Keshab Chandra Sen ít lâu sau đó.

        Việc gì xảy ra trong gian buồng của bạn Brown ở kế bên, y đã kể lại cho nhiều nhân chứng nghe, và đã công bố trong một tập văn thư nhan đề: “Vài Kinh Nghiệm Ở Ấn Độ”.

        Trong một tập văn thư khác nữa nhan đề: “Một Tham Luận Giải Thích về Hội Thông Thiên Học”, y viết:

        “Có thể nói rằng Chân Sư K.H. là một bậc Siêu Phàm; người viết đã có hân hạnh gặp Ngài tại Lahore, và có diễm phúc được nói chuyện và tiếp xúc với Ngài. Người viết cũng đã nhận được thư của Ngài tại Madras, Lahore, Jammu, và lại một lần nữa ở Madras, tất cả các thư ấy đều được viết bằng một tuồng chữ giống nhau,v.v…”

        Khi tôi nghe thốt lên một tiếng kêu ngạc nhiên ở gian buồng kế bên, tôi mới bước qua xem việc gì xảy ra, thì y đưa cho tôi xem một bức thư gói trong một chiếc khăn lụa giống như của tôi nhưng với nội dung khác hẳn. Thư ấy cũng được Ngài tượng hình trong lòng bàn tay y giống như trường hợp của tôi, và chúng tôi cùng lấy ra đọc chung nhau.

        Về sau, người bạn trẻ này lại thay đổi chí hướng nhiều lần, và sau khi đã xoay trở giáp một vòng thay đổi lớn qua nhiều tổ chức tôn giáo khác nhau, sau cùng y theo đạo Gia Tô và làm giáo viên trong một trường học của Hội Thánh La Mã.

        Bức thư của Chân Sư K.H. có đề cập đến việc Chân Sư M. đến viếng thăm tôi tại New York trước đây, khi ấy Ngài đọc được tư tưởng thầm kín của tôi và ban cho tôi cái khăn vấn đầu của Ngài để chứng minh cụ thể rằng thật sự Ngài đã xuất hiện trong phòng tôi.

        Thư ấy viết:

        “Tại New York, con đã muốn có một bằng chứng cụ thể rằng cuộc viếng thăm của Ngài không phải là một Ảo Ảnh (Maya)),và Ngài đã cho con cái bằng chứng đó.

        Bây giờ, tuy con không đòi hỏi, ta cũng cho con cái bằng chứng này: khi ta không còn ở đây, cái thư này sẽ nhắc nhở cho con biết sự gặp gỡ của chúng ta đêm nay.

        Bây giờ ta sang gặp Brown để thử thách năng khiếu trực giác của nó. Đêm mai,khi trại đã vắng người, ta lại sẽ đến đây để nói chuyện với con nhiều hơn, vì con cần phải được cảnh giác trước về vài sự việc sẽ xảy đến trong tương lai”.

        Ngài kết luận:

        “Hãy luôn luôn cảnh giác, nhiệt thành, và sáng suốt trong mọi việc; vì con nên nhớ rằng sự hữu ích của Hội Thông Thiên Học phần lớn tùy nơi sự cố gắng của con, và ân huệ của Chúng Ta luôn luôn được ban xuống cho những nhà “Sáng Lập” chịu đau khổ hy sinh, và cho tất cả những người trợ giúp trong công ciệc của họ”.

       Cái kinh nghiệm lạ lùng trên đây chắc hẳn là sẽ gây một ấn tượng sâu xa trên tâm hồn những kẻ trì độn nhất; huống hồ đối với những người có hoài bão được có cơ hội cộng tác bằng cách này hay cách khác với các đấng Chân Sư vì mục đích phụng sự nhân loại.

        Nếu có ai hỏi tôi thế nào là nỗi niềm sung sướng hiếm có nhất mà tôi có thể tưởng tượng, tôi sẽ trả lời rằng:

        -Được nhìn thấy và nói chuyện với một vị Chân Sư, vì dưới cái ảnh hưởng hào quang thánh thiện của Ngài, tâm hồn ta sẽ nẩy nở như cái hoa dưới ánh nắng Mặt Trời và bản thể ta tràn đầy một niềm vui tươi hoan lạc khôn tả.

        Về phần tôi, tôi đã có cái niềm phúc lạc đó mà không mong cầu. Tuy nhiên, mỗi khi tôi có dịp hồi tưởng lại việc ấy, nó chỉ giống như một ánh nắng thoáng qua trong một ngày u ám, chỉ xuất hiện trong giây lát rồi lại biến mất đi.

        Thời gian gặp gỡ giữa tôi với Chân Sư đêm ấy không kéo dài quá mười phút đồng hồ. Cái sờ của bàn tay Ngài kéo tôi ra khỏi giấc ngủ ngon say không mộng mị. Hôm ấy tôi đã trải qua một ngày làm việc mệt mỏi, cái lều vải rất lạnh lẽo, chỉ được sưởi ấm bằng vài cục than hồng đựng trong một cái chậu đất, và tôi kéo mền trùm lên đến tận hai mang tai.

        Tôi bị một bàn tay lạ sờ vào mình, tôi giật mình thức giấc, tôi nắm chặt lấy hai cánh tay người khách lạ, cũng có thể là một kẻ đến ám sát tôi. Thế rồi, giọng nói ngọt ngào hiền dịu của Ngài làm tiêu tan cơn ngái ngủ cuối cùng của tôi, gương mặt Ngài sáng rỡ với một nụ cười; tôi nhìn thấy Ngài dưới ánh sáng mập mờ của ngọn đèn dầu ở phía sau.

        Kế đó là hiện tượng tạo nên một bức thư gói trong chiếc khăn lụa ngay trong bàn tay của tôi, vài lời khuyên bảo, một cái chào từ giã, Ngài bước đi qua khỏi cây đèn để trên cái rương, hình dáng phong nhã của Ngài còn lưu lại một lúc nơi chỗ cửa lều, Ngài ban cho tôi một cái nhìn thân mến cuối cùng, rồi đi. Tất cả không kéo dài được bao lâu, nhưng cái ký ức của nó vẫn còn mãi mãi suốt cả đời tôi.

        Nhiều năm trước đây, như độc giả chắc còn nhớ, tôi được lịnh xúc tiến công việc đạo sự cơ hồ như không có sự hướng dẫn và trợ giúp của các đấng Chân Sư mà chỉ vì mục đích phụng sự Nhân Loại. Chúng tôi không nên trông đợi gì nơi các Ngài, nhưng sẵn sàng làm bất cứ việc gì cần thiết  và sẵn sàng ứng phó với mọi diễn biến xảy ra.

        Tôi đã tiếp tục làm việc trong tinh thần đó cho đến ngày nay, không cầu mong được trợ giúp, cũng không hề thối chí ngã lòng vì không có lời hứa hẹn giúp đỡ của các Ngài. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn không bao giờ bị bỏ rơi khi mà sự giúp đỡ ấy thật sự là cần thiết.

        Cuộc viếng thăm của Chân Sư tại Lahore chỉ là một trong nhiều bằng chứng cho thấy rằng chúng tôi luôn luôn được theo dõi và trợ giúp;  không hề bị bỏ rơi hay quên lãng trong cơn nghịch cảnh khó khăn, dù cho viễn ảnh tương lai mờ mịt tối tăm hay hăm dọa đến đâu.

        Trên hai mươi năm trải qua cái kinh nghiệm đó đã gieo trong tâm hồn tôi một sự bình tĩnh thường xuyên và đức tin vững chắc, như nó đã gây nên trong tâm hồn bà HPB.

        Cái kinh nghiệm đó đôi khi có thể là linh ảnh của một đấng Cao Cả, có khi là một giọng nói nghe được rõ ràng,  có khi là một lời tiên tri sắp đến, có khi cũng là một thông điệp nhắn qua cửa miệng của một đệ tam nhân, chẳng hạn như thông điệp mà bà Mongruel, một nhà nữ linh thị tài tình, đã nhắn với tôi trong một cơn xuất thần tại Paris năm ngoái, cho tôi biết trước cái tương lai gần đây của Hội Thông Thiên Học, thời hạn kiếp sống hiện tại của tôi, và tình hình của Hội khi tôi từ trần.

        Cũng y như vậy, trong bức thư của Chân Sư tạo ra ngay trong lòng bàn tay tôi, có tiên liệu về cái chết của hai địch thủ lợi hại của Hội, kèm theo với những lời khuyên hữu ích của Ngài.

        Tuy những kẻ thù nghịch phản bội có thể ngụy tạo ra những sự gièm siểm, phỉ báng về lịch sử của phong trào Thông Thiên Học, và bôi nhọ tên tuổi của chúng tôi, nhưng việc ấy không đem cho họ một mảy may lợi ích nào. Công việc đạo sự vẫn tiếp tục, những người phụng sự chân chính được nhìn nhận, khích lệ và trợ giúp, bao lâu mà họ vẫn trung thành với lý tưởng và làm tròn việc bổn phận.

IV

       Sau khi tôi và ông Brown có cái hân hạnh được Chân Sư đến viếng, đêm hôm sau hai chúng tôi và Damodar cùng ngồi trong túp lều của tôi lúc mười giờ đêm, để đợi sự tái ngộ với Chân Sư K.H. như Ngài đã cho biết trước.

        Trại hoàn toàn vắng lặng, các bạn đạo của chúng tôi đã đi tản mác vào thành phố Lahore. Chúng tôi ngồi trên ghế ở phía sau lều vải, để khuất dạng cho người trong trại không nhìn thấy: con trăng hạ tuần còn chưa mọc lên.

        Sau khi ngồi đợi một lát, chúng tôi nghe có tiếng chân người và thấy một người Ấn Độ cao lớn từ phía đồng bằng trống trơn bước đến gần chúng tôi. Người ấy còn cách chúng tôi có vài thước, bèn ra hiệu cho Damodar hãy bước đến gần. Người kia nói cho Damodar biết rằng Chân Sư sẽ tới trong vài phút, và Ngài có việc riêng với Damodar. Đó là một đệ tử của Chân Sư K.H.

        Ngay khi đó, chúng tôi thấy Chân Sư K.H. xuất hiện đến cùng một phía và đi qua mặt người đệ tử, người này bèn rút lui ra sau đó một quãng ngắn. Ngài đứng trước mặt nhóm chúng tôi, chúng tôi cũng đã đứng dậy và chắp tay cung kính vái chào Ngài theo kiểu Ấn Độ, chỉ cách Ngài có vài thước.

        Bạn Brown và tôi đứng yên một chỗ, còn Damodar bước ra và nói chuyện trong vài phút với Chân Sư, sau đó y trở lại với chúng tôi còn Chân Sư bước ra về. Tôi còn nghe tiếng chân Ngài đi trên mặt đất, như thế là Ngài không phải đi bằng Thể Vía mà là bằng xác phàm.

        Tôi còn ngồi lại bàn để viết Nhật Ký trước khi đi ngủ, thì thấy vị đệ tử xuất hiện ngoài khung cửa sổ, ra hiệu cho tôi nhìn ra phía ngoài, và chỉ cho tôi thấy Chân Sư đang đứng đợi tôi dưới ánh sao khuya.

        Tôi bước ra khỏi lều đi về phía Chân Sư, Ngài và tôi cùng đi đến một nơi an toàn cách đó độ một quãng mà không sợ bị ai quấy rầy, khi đó Ngài nói chuyện với tôi trong chừng nửa tiếng đồng hồ về tất cả những gì tôi cần biết. Không cần phải nói rằng tôi đã ngủ rất ít trong hai đêm đó.

        Tuy nhiên, Chân Sư cho tôi biết rằng Ngài đến không phải hoàn toàn do ý riêng, tuy rằng Ngài rất vui lòng mà đích thân đến gặp tôi. Ngài đến đây vì thừa lệnh một đấng Trưởng Thượng còn cao cả hơn Ngài, đấng ấy rất hài lòng về sự trung kiên của tôi, Ngài muốn nhắc nhở tôi hãy giữ vững tinh thần và đừng bao giờ mất lòng tin tưởng. Khi cuộc hội kiến chấm dứt, Chân Sư ban ân huệ và từ giã tôi, rồi cùng với người đệ tử bước chân ra về.

V

       Ngày hôm sau, chúng tôi giở trại và từ giã Lahore đi Jammu do lời mời của vị Quốc Vương xứ Kashmir. Một quan viên ban tiếp tân của nhà vua được gởi đến Lahore để tiếp đón tôi và đưa tôi về kinh đô.

        Tôi được biết rằng vị Quốc Vương có tục lệ tặng quà rất hậu bằng tiền và đồ y trang quý giá cho các vị tân khách, nhưng tôi tích cực từ chối không nhận một Ru-pi vì việc ấy không phù hạp với thói quen của tôi.

        Vị sứ giả không biết phải sử xự ra sao giữa hai đàng với những lập trường cứng rắn như thế. Một cuộc trao đổi điện tín tiếp theo sau đó vẫn không làm cho tình trạng được tốt đẹp hơn, rốt cuộc vấn đề được giải quyết bằng một cách làm thỏa mãn cả đôi bên.

        Sau cùng, có sự thỏa thuận quà tặng của nhà vua sẽ được tôi tiếp thâu và chánh thức ký nhận với tư cách Hội Trưởng Hội Thông Thiên Học, mà trên cương vị này tôi sẵn sàng chấp nhận mọi sự cúng dường hay quà tặng cho Hội dù số lớn nhỏ bao nhiêu cũng vậy, miễn không gây thiệt hại cho người nào.

        Khi đến thủ đô Jammu, tôi được đưa đến tòa Vương Cung, tại đây vị Quốc Vương đón tiếp tôi một cách niềm nở, trang trọng theo nghi lễ, tỏ cho tôi thấy rằng tôi được nghinh tiếp như một vị thượng khách. Sau khi đã phân ngôi chủ khách và trao đổi những lời chúc mừng xã giao thông thường, Quốc Vương mới cùng tôi đàm luận về triết học và đạo lý.

        Tôi nhận thấy ông thông thạo triết lý Phệ Đà, và thông suốt các môn phái triết học Ấn Độ. Quốc Vương hoàn toàn tin tưởng nơi sự hiện diện của các Đấng Chân Sư, và tin rằng các Ngài sẽ giúp cho xứ Ấn Độ được những gì tùy theo Nghiệp Quả của nó cho phép chứ không hơn nữa.

        Quốc Vương cũng nói qua về sức khỏe kém của ông, ông biết tôi đã từng chữa khỏi bịnh cho nhiều người, và gần đây tôi đã được lịnh ngưng công việc đó, nhưng hỏi rằng tôi có thể nào giúp cho ông bớt cơn đau nhức đầu dữ dội mà ông đang bị. Lẽ tự nhiên tôi bằng lòng, và sau khi Quốc Vương đã tháo gỡ cái khăn vấn đầu, tôi mới khoát tay truyền điện cho ông. Tôi rất thích thú mà làm cho Quốc Vương hết đau nhức, và khi cuộc hội kiến chấm dứt, Quốc Vương yêu cầu tôi hãy đến viếng ông mỗi ngày hai lần trong thời gian lưu trú tại đây, để chúng tôi còn đàm đạo với nhau về các vấn đề tôn giáo cao siêu mà cả hai chúng tôi đều ưa thích.

        Ngày hôm sau, tôi đến Hoàng Cung hai lần để tiếp tục cuộc đàm thoại về đạo lý và cũng để truyền điện chữa bịnh cho Quốc Vương. Vị Thủ Tướng cũng có mặt cùng với những quan viên khác, gồm cả vị Chánh Án Tu Pháp, và thỉnh thoảng cũng xen vào câu chuyện đạo lý, theo lối tự nhiên của người Phương Đông.

        Vị Chánh Án đã cùng tôi đàm luận suốt buổi tối hôm đó, và trong buổi nói chuyện, ông ta nói rằng vị Quốc Vương rất quý mến tôi đến mức sẵn sàng làm thỏa mãn bất cứ điều gì tôi muốn.

        Tôi nghe vậy thì biết vậy thôi, nhưng sau khi ông Chánh Án đã đi ra, tôi lấy làm ngạc nhiên vì bạn Brown yêu cầu tôi xin cho y được bổ nhiệm chức Thẩm Phán.

        Tôi nói:

        -Sao! Anh đến Ấn Độ để hiến thân vào công việc phụng sự, tôi đã viết thư cảnh cáo anh đừng có trông đợi gì ngoài cái cơ hội chấp nhận hy sinh.

Anh lại vừa có cái vinh hạnh được một vị Chân Sư đến viếng và gửi thư cho anh, đó là một ân sủng đặc biệt mà nhiều hội viên kỳ cựu nhất của Hội Thông Thiên Học cũng chưa có được. Thế mà nay anh lại sẵn sàng ngã quỵ trước sự cám dỗ đầu tiên, và xin thọ lãnh một chức vụ ngoài khả năng của mình?

        Tôi giải thích cho y nghe rằng nếu thật sự vị Quốc Vương kính trọng tôi, đó là bởi vì ông ta biết rằng tôi không hề chấp nhận lấy bất cứ một món quà tặng hay một ân huệ nào cho riêng mình, hay cho bất cứ một người thân nào của tôi.

        Sau cùng, y đã nghe ra và không nói gì nữa, nhưng y đã phơi bày tâm địa của y một cách dứt khoát trước mắt tôi, và cuộc đời y sau đó đã xác nhận đúng đắn những gì tôi cảm nghĩ về trình độ và con người của y.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro